Câu hỏi của thiền sinh: Làm thế nào để kết hợp việc thực hành chánh niệm và xả ly bằng việc làm các thiện pháp khác nhau trong cuộc sống hàng ngày với việc thực hành chánh niệm một cách miên mật?
Chúng ta vốn dĩ chấp nhận việc thực hành ngồi, đó là lý do vì sao chúng ta cần buông bỏ việc thực hành ngồi. Bằng cách này tâm sẽ có năng lực xả ly khỏi việc thực hành ngồi. Bằng cách này, việc thực hành ngồi hay việc không thực hành ngồi, cả hai hình thức thực hành trái ngược này đều có ở trong tâm.
Tương tự như ở đây, tại trung tâm Thabarwa, có nhiều người thực hành, cũng có nhiều người không thực hành. Đó là lý do vì sao sự dính mắc vào việc thực hành và sự dính mắc vào việc không thực hành có thể được giảm đi. Bởi vì một vài thiền sinh ở Thabarwa, họ chấp nhận việc thực hành ở trong tâm, nhưng cũng có một số người họ ở trung tâm nhưng họ không chấp nhận việc thực hành ở trong tâm. Chính vì vậy, bằng việc chấp nhận sự thực hành lẫn việc không thực hành, thì sự dính mắc vào việc thực hành và sự dính mắc vào việc không thực hành đều có thể được giảm đi.
Nếu như chúng ta tiếp tục làm như thế trong thời gian dài, sự dính mắc của thiền sinh vào sự thực hành sẽ giảm đi, và tương tự sự dính mắc của những thiền sinh không thực hành vào việc không thực hành cũng sẽ giảm đi.
Nếu như chúng ta chỉ chấp nhận sự thực hành, chỉ chấp nhận những thiền sinh thì nó sẽ khó khăn để có thể xả ly khỏi sự thực hành. Nếu như tất cả mọi người đều thực hành, tất cả mọi người đều chấp nhận việc thực hành trong tâm, thì họ sẽ không chấp nhận được việc không thực hành. Đó chính là nhân của sự dính mắc vào sự thực hành.
Tương tự như vậy, tại trung tâm có một vài người thì tốt, một vài người thì xấu, bằng việc lẫn người tốt và người xấu đều được chấp nhận ở trung tâm, sự dính mắc vào cái tốt lẫn cái xấu sẽ được giảm đi. Chắc chắn là như thế.
Chúng ta chỉ cần làm như vậy, hết lúc này đến lúc khác. Bằng cách như thế, năng lực xả ly sẽ được tăng trưởng. Bằng cách như thế chúng ta sẽ có được năng lực đi theo con đường trung đạo là chỉ để làm mà thôi, chỉ để biết mà thôi hoặc chỉ để không làm mà thôi, chỉ để không biết mà thôi. Và cách làm này thực sự hiệu quả.
Chúng ta được tạo ra không phải để trở thành như thế, không phải chỉ để chấp nhận cái này mà không chấp nhận cái kia. Chúng ta vốn dĩ chấp nhận tất cả. Và bằng cách chấp nhận tất cả, theo thời gian những người đến tại trung tâm sẽ thay đổi.
Thời gian đầu, sức mạnh của những việc làm thiện pháp ở trung tâm thì chưa nhiều và chưa đủ mạnh. Đó là lý do vì sao có nhiều người chưa thực hành và chưa làm thiện pháp, họ sẽ đến và ở tại trung tâm. Nhưng nếu như chúng ta vun bồi năng lực tiếp tục làm thiện pháp, theo thời gian sức mạnh của việc làm thiện pháp sẽ gia tăng. Và theo thời gian sẽ càng có nhiều người thực hành và làm thiện pháp hơn đến và ở tại trung tâm.
Mọi thứ sẽ thay đổi theo tự nhiên. Và cách thức này thì an toàn và bền vững. Điều quan trọng nhất không phải là nơi chốn, không phải là thiền sinh, không phải là người thầy dạy thiền, không phải là những người đi theo. Điều quan trọng nhất là sức mạnh của những việc làm thiện pháp. Bằng cách như thế chúng ta sẽ có năng lực làm được tất cả.
Chúng ta có thể thấy có nhiều trung tâm thiền, họ có nhiều tòa nhà, họ có nhiều thí chủ nhưng không có nhiều thiền sinh, không có nhiều người đến ở đó. Họ có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nhưng họ không thể tổ chức được các khóa thiền. Đó là bởi vì chưa có đủ sức mạnh của việc làm thiện pháp.
Vì vậy chúng ta không nên chú trọng vào tình huống, sự thực hành trong tình huống hàng ngày hoặc là tại trung tâm. Sự thực hành chỉ để thực hành mà thôi. Nghĩa là sự thực hành bằng cách làm tất cả các loại thiện pháp khác nhau. Tình huống này hay tình huống kia thì không quan trọng. Thực hành một mình hay thực hành với nhiều người khác thì không quan trọng. Nếu như chúng ta có đủ sức mạnh của việc làm thiện pháp, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và có thể.
Đó là lý do vì sao có nhiều trung tâm họ chưa thực sự hữu ích, vì họ chưa có đủ hiểu biết đúng và hành động đúng. Hiểu biết đúng và hành động đúng của họ chưa được trọn vẹn. Đó là lý do tại sao họ chưa được thành tựu.
Vì vậy để có thể tích lũy sức mạnh của việc làm thiện pháp, chúng ta chỉ cần làm như thế, làm như vậy, không có lựa chọn khác. Nếu như hầu hết mọi người có thể hiểu và thực hành như vậy, thì sẽ không có bất kỳ khó khăn nào. Mục đích là để vun bồi năng lực làm được như vậy một cách liên tục, không ngừng nghỉ. Phương pháp chúng ta sử dụng, nơi chốn chúng ta sử dụng, những khó khăn chúng ta gặp phải, hay lượng tiền chúng ta có và chúng ta sử dụng, tất cả những thứ này đều không quan trọng.
Nếu như chúng ta tìm hiểu các trung tâm thiền khác, họ chưa thể tổ chức được khóa thiền, vì họ chưa thể làm được như vậy. Họ chưa thể làm được như vậy vì họ chưa hiểu như vậy. Đó là lý do vì sao trung tâm của họ thì chưa trọn vẹn.
Chúng ta cần dính mắc vào Phật, Pháp, Tăng. Và chúng ta cũng cần xả ly khỏi Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta đã có sự dính mắc vào gia đình của mình, tài sản của mình. Vì vậy, chúng ta cần vun bồi năng lực xả ly khỏi chính mình. Bất cứ cái gì chúng ta dính mắc, chúng ta đều cần xả ly. Bất cứ cái gì chúng ta làm, chúng ta cần ngừng lại việc làm.
Nếu như chúng ta quen với việc suy nghĩ, chúng ta cần nỗ lực để ngừng lại việc suy nghĩ. Ngừng việc suy nghĩ không có nghĩa là chối bỏ việc suy nghĩ, mà có nghĩa là xả ly khỏi việc suy nghĩ. Nếu như chúng ta không quen suy nghĩ, thì chúng ta nên vun bồi năng lực suy nghĩ. Việc suy nghĩ không phải để chối bỏ và cũng không phải để dính mắc.
Bất cứ cái gì chúng ta đang dính mắc, chúng ta đều cần vun bồi năng lực xả ly. Bất cứ cái gì chúng ta đang làm, chúng ta cũng cần vun bồi năng lực buông bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là chối bỏ, mà là xả ly
Chúng ta có năng lực hy vọng, ước mơ. Đó là lý do vì sao chúng ta cũng cần có năng lực ngừng lại việc hy vọng và ước mơ với mục đích là để xả ly. Chúng ta không muốn chết, đó là lý do vì sao chúng ta cần chấp nhận việc chết. Chấp nhận việc chết có nghĩa rằng là không chối bỏ việc chết, mà là xả ly khỏi mong muốn sống lâu, xả ly khỏi mong muốn không muốn chết. Còn nếu như chúng ta muốn chết, thì chúng ta cũng cần xả ly khỏi mong muốn muốn chết đó.
Bất kỳ những gì chúng ta có thể làm, chúng ta cũng cần vun bồi năng lực ngừng làm. Bằng cách như thế chúng ta sẽ có năng lực xả ly. Để có thể vun bồi năng lực xả ly, chúng ta cần vun bồi năng lực hay biết, chánh niệm.
… (đoạn bị cắt) người Việt Nam và biết rõ sự dính mắc của người Việt Nam. Khi tôi càng tiếp xúc với sự dính mắc của người Việt Nam nhiều hơn, thì tôi càng vun bồi được năng lực xả ly. Nếu như tôi không biết được sự dính mắc của những người ở đây, thì tôi sẽ không thể xả ly.
Chỉ khi biết rõ được sự dính mắc, thì mới có sự xả ly. Chỉ khi xuất phát từ sự dính mắc, thì mới có được sự xả ly. Nếu như không tiếp cận, không rõ ràng về dính mắc, sẽ không có xả ly.
Với các bạn, thì nó cũng tốt cho các bạn, bởi vì chúng ta đang làm thiện pháp cùng với nhau. Khi các bạn vun bồi năng lực xả ly, thì tôi cũng vun bồi năng lực xả ly cùng với các bạn. Chúng ta đang làm thiện pháp cùng với nhau ở đây. Và đây cũng là cách tôi sử dụng để giúp giải quyết vấn đề về sự dính mắc và tiếp theo là sự vô minh, hiểu biết chưa trọn vẹn. Chúng ta làm thiện pháp cùng với nhau, điều đó có nghĩa là chúng ta cần nỗ lực để thực hành sự hay biết, chánh niệm và xả ly cùng với nhau. Nếu như tôi không ở với các bạn, thì mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Và bằng cách như vậy các bạn cũng có thể giúp người khác, nếu như bạn có được năng lực xả ly, bạn có thể sử dụng được sức mạnh của sự xả ly này không chỉ riêng cho bạn mà còn cho người khác, không chỉ riêng cho nơi này, mà còn cho nơi khác, đất nước khác. Cũng chỉ là sự dính mắc như nhau mà thôi, sự thực hành hay biết chánh niệm như nhau mà thôi, cho dù đó là người này hay người khác, nơi này hay nơi khác. Và như vậy, nó sẽ lợi ích cho dù ở bất kỳ nơi nào, với bất kỳ ai, trong bất kỳ điều kiện tình huống nào và bất cứ lúc nào.
Trước khi tôi thực hành, thì tôi quen với những mong muốn của chính mình. Và khi tôi thực hành, thì tôi tiếp xúc với tự nhiên, môi trường tự nhiên, vật chất tự nhiên. Bằng cách này, tôi không còn quen thuộc với những thứ tâm tạo nữa, như là máy lạnh, như là những loại thực phẩm được tạo ra để có vẻ thơm ngon hơn, trong có vẻ bắt mắt hơn, để khỏe hơn. Tôi trở nên không quen thuộc với những thứ như vậy. Và nó khó khăn cho tôi khi tôi tiếp cận với những thứ tâm tạo như thế, những thứ không phải là tự nhiên.
So với tâm tạo thì tự nhiên có sức mạnh nhiều hơn. Vì vậy, tôi đứng về phía của tự nhiên. Và bằng cách như thế, tôi có thể làm rất nhiều thứ bằng việc sử dụng sức mạnh của tự nhiên.
Nếu tôi chỉ sử dụng những thực phẩm, thuốc men, nhà cửa tâm tạo, thì chúng ta sẽ không thể sống dưới bầu trời, chúng ta sẽ không thể sống nếu như thiếu những điều kiện vật chất tâm tạo đó. Chúng ta sẽ không thể sống với người khác, hoặc là chúng ta sẽ không thể sống một mình. Đây chính là những tác dụng phụ của thế giới tâm tạo.
Tôi không chối bỏ thế giới tâm tạo, tôi không chối bỏ luật lệ, tôi chỉ nỗ lực để xả ly mà thôi. Có nhiều người nghĩ rằng tôi chối bỏ bác sĩ, chối bỏ bệnh viện. Nhưng tôi không chối bỏ, không có sự chối bỏ trong tâm. Nếu như tôi có chối bỏ trong tâm, thì tôi đã có rất nhiều vấn đề. Vì vậy, vấn đề thì liên quan đến họ, không phải sự chối bỏ từ tôi. Vấn đề đến từ sự dính mắc và vô minh mạnh mẽ của chính họ. Vì vậy mà họ dễ dàng để hiểu sai người khác. Và tôi cũng nỗ lực để giúp họ bớt đi sự vô minh và dính mắc. Điều tôi chú trọng là sự thật, tôi không chú trọng vào việc tôi làm gì hay họ làm gì, tôi không chú trọng vào việc tôi nói gì hay họ nói gì, mà tôi chú trọng vào sự thật.
Bằng cách này, tôi có thể sử dụng sức mạnh của sự thật. Tôi cũng có thể giảng dạy cho người khác chú trọng vào sự thật và sử dụng sức mạnh của sự thật để trở thành một với sự thật bằng hiểu biết đúng và hành động đúng. Nó sẽ không quá khó khăn nếu như bạn có thể xả ly, vấn đề là ở sự dính mắc, vấn đề không nằm ở sự thực hành.