Phật thuyết về sự hiển nhiên của nghiệp
Trong kinh có chép lời ông Anan nói: “Ta thiệt có nghe như vầy: có một lúc kia Phật ngự nơi tịnh xá, trong đám cây ông Kỳ Đà thái tử, trong vườn ông Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ, có một người thiếu niên tên Subha, con ông Todeyya đi đến chỗ Phật ngự, vào đảnh lễ và bạch rằng: ‘Bạch Đức Thế Tôn, do duyên cớ nào mà con người sanh ra: có kẻ chết sớm, người lại sống dai; có kẻ bệnh nhiều, người lại bệnh ít; có kẻ xấu tướng, người lại đẹp xinh; có kẻ thế cô, người lại quyền lớn; có kẻ bần cùng, người lại phú túc; có kẻ thấp hèn, người lại cao sang; có kẻ bất tài, người lại trí thức. Bạch Đức Thế Tôn, tại duyên cớ nào mà con người sanh ra lại có bực sang hèn khác nhau như vậy?’
‒ Người thiếu niên này! Ấy cũng bởi nhân quả mà ra, cái nhân lành mà con người đã tạo, thì con người hưởng lấy; cái nhân dữ mà con người đã gây, thì con người mang lấy. Cái nhân là mẹ sanh ra con người cao sang hay hèn hạ vậy.
‒ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài nói vắn tắt thế ấy tôi chưa được trọn hiểu cái lý nhân quả cao siêu; cúi xin Đức Thế Tôn giảng giải rộng thêm cho tôi được rõ lý nhân quả, bằng một cách dễ dàng hơn.
‒ Người thiếu niên này! Vậy người hãy ráng lóng nghe Như Lai nói.
‒ Bạch Ngài, tôi hết lòng xin nghe.
Phật bèn giải rằng:
- Người yểu tử.
Đây là người thiếu này! Kẻ nào, trai hay gái, ham sự chém, giết, quen thói sát sanh, không lòng nhơn từ đối với loài động vật, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, nên phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không sa địa ngục, tái sanh lại làm người phải bị yểu tử.
- Người trường thọ.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không lòng chém giết, giữ giới sát sanh, tay không cầm khí giới, hằng sợ tội lỗi, có lòng nhơn từ cùng loài động vật, người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo, nên được sanh trong thượng giới, nếu tái sanh lại làm người thì được trường thọ.
- Người nhiều tật.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, tánh tình hung dữ, thường đánh đập những loài động vật bằng tay, hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó, bởi cách hành động chăng lành ấy sau khi thác, do nhân dữ đã gieo nên phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác không sa địa ngục, tái sanh lại làm người thì thường hay đau ốm.
- Người thường mạnh khỏe.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, tâm tánh hiền từ, không hay đánh đập những loài động vật bằng tay, hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác do nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không sanh trong thượng giới, tái sanh lại làm người thì được khỏe mạnh.
- Người xấu tướng.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, lòng hay nóng giận, bất bình, hét la, mỗi chút mỗi gắt gỏng, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do nhân dữ đã gieo phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không đọa địa ngục, tái sanh lại làm người thì hay buồn bực, mặt mày xấu xa.
- Người xinh đẹp.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không lòng nóng giận, chẳng dạ bất bình, hét la, trợn dộc, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không thăng thượng giới, tái sanh lại làm người, thì sắc mặt thường hay vui vẻ, xinh đẹp.
- Người thế cô.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kiên vì, yêu mến, tùng phục, mà sanh lòng ganh gổ, người đó bởi cách hành động không lành ấy, sau khi thác, do nhân dữ đã gieo, phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác không đọa địa ngục mà tái sanh lại làm người, thì phải chịu thế cô, quyền yếu.
- Người quyền lớn.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không lòng ganh gổ, thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kính vì, yêu mến, tùng phục, mà lòng không ao ước, ghét ghen, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác không sanh trong thượng giới, tái sanh lại làm người thì được quyền cao thế trọng.
- Người bần cùng.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không lòng bố thí, vật ăn, thức uống, thuốc men, y phục, giường nằm, chỗ ở, dầu, đèn, cho các bậc sa-môn hay bà-la-môn, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do nhân dữ đã gieo phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không vào địa ngục, tái sanh lại làm người thì phải chịu bần cùng, khỗ não.
- Người phú túc.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, thường hay bố thí, vật ăn, thức uống, thuốc men, y phục, nơi nằm, chỗ ở cho các bậc sa-môn hay bà-la-môn, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không sanh trong thượng giới mà tái sanh lại làm người thì được giàu có.
- Người hèn hạ.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, có lòng khinh rẻ, không chào hỏi những người đáng chào, không nhường chỗ cho những người đáng nhường, không nhường đàng đi cho những người đáng nhường, không kính trọng những người đáng kính trọng; người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác do nhân dữ đã gieo phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không đọa địa ngục, tái sanh lại làm người thì phải chịu bề hèn hạ.
- Người cao sang.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không lòng khinh hết, hay chào hỏi những người đáng chào, tiếp rước những người đáng tiếp rước, nhường chỗ ngồi cho những người đáng nhường, nhường đàng đi cho những người đáng nhường, kính trọng những người đáng kính trọng; người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác, không sanh trong thượng giới, tái sanh lại làm người thì được sang cả.
- Người bất tài.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, không tìm kiếm các thầy sa-môn hay bà-la-môn để học hỏi như vầy: Bạch thầy, đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng chê? Việc nào đáng khen? Cái chi nên làm? Những gì không nên làm? Nghiệp nào cho tôi được trong sạch và yên vui? Người đó, bởi cánh hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do nhân dữ đã gieo, phải đọa địa ngục. Nhưng nếu sau khi thác, không đọa địa ngục, tái sanh lại làm người thì phải chịu bề dốt nát.
- Người trí hóa.
Đây, người thiếu niên này! Kẻ nào trai hay gái, có lòng tìm kiếm học hỏi với các bậc sa-môn hay bà-la-môn như vầy: Đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng khen? Điều nào đáng chê? Nghiệp nào nên làm? Nghiệp nào làm cho tôi trong sạch và được yên vui? Người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do nhân lành đã gieo được thăng thượng giới. Nhưng nếu sau khi thác không thăng thượng giới, tái sanh lại làm người thì được thông minh trí tuệ.
Người thiếu niên này! Chúng sanh tạo nhân lành thì được hưởng quả lành; bằng gây nhân dữ ắt mang quả khổ; nhân là mẹ của chúng sanh. Chúng sanh được cao sang hay bị hèn hạ cũng do ở cái nghiệp mà ra vậy.
Nghe Đức Thế Tôn giải xong rồi, người thiếu niên Subha, con ông Todeyya, bèn bạch cùng Phật rằng: “Hoàn toàn thay, Đức Thế Tôn, cũng như người bị trói mà được mở, như kẻ lầm đàng mà gặp nẻo chánh, như kẻ mù mà được sáng, như nơi tối mà có đèn. Bạch Đức Thế Tôn nhờ Ngài chỉ dạy lý nhân quả rất phân minh nên tôi mới được rõ thông đàng ngay nẻo dạy, tôi tình nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin Đức Thế Tôn nhận biết cho tôi là thiện nam kể từ nay cho đến trọn đời”.
Lấy đó mà xét, chúng ta phải tin chắc rằng có nhân tức là có quả, làm lành chắc gặp lành, làm dữ ắt gặp dữ, một mảy chẳng sai. Quả của nghiệp phát khởi từ nơi sự hành vi của mình. Khi mình làm lành quả vui sẽ báo ứng, nếu tạo dữ quả khổ sẽ tự nhiên trả lại chẳng sai. Nhân đó, mình không nên tìm hạnh phúc ở nơi khác hay ở kẻ khác ngoài mình. Các bậc trí tuệ có giảng rằng: sự toại nguyện mà chúng sanh mong mỏi phát sinh là đức tin chân chánh, lòng từ bi hoặc lẽ công bình, chỉ phải tìm ở trong mình; nếu kiếm bằng cách khẩn cầu nơi khác, là cái rất khó khăn. Vì các pháp đó, tự nhiên nảy ra ở trong mình, chẳng có ai chia nhau được. Lời kêu cứu hay cầu xin là điều không chánh đáng.
Lại nữa, thiện với ác không lựa chỗ, chọn giờ, người có thể tạo lành hoặc gây dữ được trong mỗi nơi, mỗi giờ. Với những việc lành mà mình hy vọng đó, cũng không nên làm từng người một, vì trong đời có rất nhiều thiện pháp đáng làm. Người tạo nhân lành sẽ được quả vui chắc chắn. Nếu mọi người đồng cùng nhau xây dựng thiện pháp thì mọi người đồng hưởng hạnh phúc, xứ sở sẽ thịnh vượng, thế giới sẽ hòa bình yên ổn.