Phật Giáo Đại Cương – Đức Phật Biểu Hiện & Tán Dương Sự Trú Ngụ Trong Nơi Yên Lặng

Đức Phật biểu hiện và tán dương sự trú ngụ trong nơi yên lặng

Khi vừa đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài có tuyên bố rằng: “Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako. Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pāṇabhudesu saññamo sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo asmimānassa vinayo etaṃ pe paramaṃ sukhaṃ”. Xin diễn dịch các kệ ngôn đó như vầy. Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako: an tĩnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật các pháp mà mình đã được nghe. Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pāṇabhudesu saññamo: không hại tức là có sự thu thúc, không làm khổ chúng sanh có thức tính, là điều vui trong đời. Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo: thoát ly tình dục, nghĩa là người đã ra khỏi sự ham muốn ngũ dục, là điều vui trong đời. Asmimānassa vinayo etaṃ pe paramaṃ sukhaṃ: đem cái tâm cố chấp, giữ vững ý kiến rằng ‘là ta, là người’, ra cho tiêu mất, là cực vui. Lời công bố của Đức Phật chỉ có bấy nhiêu.

Xin giải rộng thêm cho dễ hiểu, ngõ hầu giúp ích cho các hàng Phật tử. Sukho vivero tuṭṭhassa sutadhammassa pasako: an tĩnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật cái pháp mà mình đã được nghe. Giải rằng: An tĩnh nói về ba chỗ yên lặng: tĩnh thân: gọi là thân yên lặng (kāyaviveka); tĩnh tâm: gọi là tâm yên lặng (cittaviveka); tỉnh kết phiền não: gọi là yên lặng khỏi phiền não thắt buộc (upadhiviveka).

Tỉnh thân nói về chỗ ở vắng vẻ, xa khỏi đảng phái, bậu bạn lối 500 cây cung (1.000m) gọi là lâm tuyền (āraññika), nơi bóng cây xa khỏi chòm nhà, vắng tiếng ồn ào, gọi là dưới ảnh thọ, rukhamala khoảng vắng hiệp với phép chỉ quán, gọi là tĩnh thất (suññagāra). Cả ba chỗ quạnh hiu đó đều là miền đất vắng lặng. Người trú trong nơi như vậy gọi là có thân yên lặng, là nhân làm cho phát sanh sự tĩnh tâm. Nghĩa là khi đã ngụ trong nơi vắng vẻ rồi chú tâm hành pháp chỉ quán, thông tuệ thì tâm đứng yên trong một cảnh giới gọi là nhứt tâm (ekaggatāraṃmaṇa).

Tâm xa khỏi tham, oán, hôn, phóng, nghi gọi là tĩnh tâm và là nguyên nhân cho đắc ‘tĩnh kết phiền não’.

Yên lặng khỏi phiền não thắt buộc đó, nói về cái ý tưởng đầu tiên (saññā atīta) vào ẩn sâu trong tâm. Như tưởng rằng: danh, sắc (nāmarūpa), nguyên tố (dhātu), uẩn (khandha), lục nhập (āyatana), hoặc tóc, lông, móng, răng, da v.v…đều có trong ta là những phiền não nhỏ nhen, không rõ rệt là tội hay phước, tuy nhiên chính thế là nguyên nhân, là căn duyên gây các phiền não thô thiển khác, nhứt là khổ vì sự thương tiếc, buồn rầu, than khóc v.v… cho nên phải cần có tâm yên tịnh, là trau dồi cái tâm cho được trong sạch trước, rồi mới nên dùng cái tâm tinh khiết đó để xem xét trong toàn thân thể theo quy tắc ‘thập nhị duyên khởi’ (paṭiccasamuppāda), dùng vô minh làm chủ đề nghĩa là thân thể gọi là vô minh. Vô minh dịch là không biết, nghĩa là không biết rằng chính mình là chi? Chỉ biết được 12 ảnh hưởng của vô minh là: hành (sankhāra), thức (viññāna), danh-sắc (nāmarūpa), lục nhập (āyatana), xúc (phassa), thọ (vedāna), ái (taṅhā), thủ (upadāna), cõi hoặc nghiệp (bhaba), sanh (jāti), già (jāra), chết (marana). Cái tưởng đầu tiên chôn sâu trong mình là ‘tập đế’ (samudaya). Tập đế đó che án một cách khít khao không cho thấy rõ toàn thể thân thể là cái chi, ví như đám mây đen yểm mặt nhựt. Đến khi hành giả có tâm yên lặng, tu cái tâm cho trong sạch, rồi thẩm ta mới biết rõ nhân và duyên. Nhân là hành, thức v.v… là 12 ảnh hưởng đó hiệp theo Phật ngôn rằng: ‘Yato pajānāti sa hetudhammaṃ’. Giờ nào bà-la-môn[5] lặng xét thấy rõ pháp và nhân, giờ đó sự hoài nghi của bà-la-môn đó tự nhiên tiêu mất. Duyên chỉ có một là vô minh. Nhân và duyên khác nhau. Nhân là chủ trì[6], duyên là người hộ trợ. Cớ đó, khi tuệ kiến (ñanadassana) sanh thì vô minh diệt, lìa duyên giúp đỡ thì hành, thức cho tới già, chết cũng mất theo. Nếu không có duyên trợ lực thì nhân cũng hết, đúng theo lời Phật công bố rằng: ‘Yato khayaṃ paccānaṃ avedī’: Giờ nào bà-la-môn tinh tấn quán tưởng được biết rõ sự tiêu tan của duyên, giờ đó tâm hoài nghi của bà-la-môn cũng dứt. Nhân và duyên tắt gọi là diệt (nirodha) thì tâm được sáng suốt chẳng còn dính mắc, sự cố chấp (upadāna) cũng tuyệt, hiệp theo Phật ngôn rằng: ‘Vidhūpayaṃ titthati marasenaṃ surova obhāsayamanlikhaṃ’: trong lúc bà-la-môn tinh tấn dò xét, khi đã diệt trừ ma vương và quân ma được rồi thì tỏa sáng ví như ánh sáng mặt nhựt trong thinh không vậy. Đó gọi là lặng phiền não kết buộc (upadhiviveka).

Nên hiểu ba pháp tĩnh như đã giải trên đó.

Nói tóm lại, giới gọi là thân tĩnh, nghĩa là thân yên lặng khỏi tội lỗi; định gọi là tâm tĩnh, nghĩa là tâm yên lặng khỏi ngũ dục; tuệ gọi là kết phiền não tĩnh, nghĩa là người tâm yên lặng khỏi phiền não kết buộc.

Điều nói rằng: ‘Người thấy pháp mà mình đã nghe’ đó nên hiểu như vầy: người thấy pháp gọi là thấy Niết-bàn, là cái kết quả của sự lặng phiền não kết buộc, tức là thấy ‘toàn thân thể’ này là ‘pháp đầu tiên, là căn bản tự nhiên’ (sabhāva dharma) chung với cái nhân là hành, thức cho đến già, chết. Khi duyên diệt, nhân cũng tiêu theo với nhau, chỉ còn sót ‘xuất thế pháp’ (lokuttaradharma), gọi là người biết rõ sự tận diệt của các duyên; tâm nghi ngờ trong cõi, sanh và ma phiền não hết thế lực, không còn theo phá hại nữa được. Hành giả đắc thông tuệ như ánh sáng mặt nhựt trong bầu trời vậy.

Trong câu thứ nhì nói: ‘Abyāpājjihaṃ sukhaṃ loke pāṇabhudesu saññamo’: không hại tức là sự thu thúc không làm khổ chúng sanh có thức tánh là điều vui trong đời. Trong điều này, nên hiểu tóm tắt như vầy: lẽ thường, người đã thấy pháp tự nhiên, có sự thay đổi pháp nương nhờ mới, tức là Phật duyên (Buddhanissaya) là đức tin cao quý, tức là bi đức (karuṇāguṅa), tuệ đức (paññaguṅa), tịnh đức (visuddhiguṅa), vào làm chủ vĩnh viễn trong tâm. Người bậc này chỉ có tâm thỏa thích trong Tam bảo thôi. Người mà không bị ác tâm sở (akusalacetasika) đè nén, tự nhiên có sự an vui. Người không có tâm làm hại chúng sanh, Đức Phật mới gọi là vui trong đời như thế đó.

Trong câu thứ ba rằng: ‘Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo’: xa lánh tình dục nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn, là điều vui trong đời, nên hiểu theo lời đã giải trên. Người tháy pháp, người đắc pháp xuất thế bực cao, là người đã lìa sự ưa thích ngũ dục, đã lướt qua khỏi dòng đại hồng thủy (ogha). Thế thường chúng sanh bị lòng dục làm chủ nên Phật chỉ danh là ma vương. Nếu đã khỏi tay ma vương thời mới được yên vui. Chúng sanh trong đời hằng có sự nóng nảy khó chịu, do cái chi? Chăng phải vì lòng tham dục chăng? Lòng dục đốt mình, phải bắt làm cái công việc mỗi ngày, như làm nghề sĩ, nông, công, thương không xiết kể được. Sự lo bảo tồn đảng phái, chủng tộc, lo cấp dưỡng thân quyến ngày đêm, từ trẻ đến già cũng chưa tròn phận sự. Những điều khổ não, bất bình, tranh cãi, xung đột, giết hại lẫn nhau toàn là do ở lòng dục vọng mà sanh ra cả. Nếu diễn giải cái tội của lòng ham muốn, thì không giấy mực nào tả cho cùng được. Người vui ngũ dục như kẻ bị trùng vi vậy. Cớ đó, Đức Phật khi đã khỏi tay ma vương rồi, Ngài mới tuyên ngôn rằng: ‘Sukhā viragatā loke kāmānaṃ samāttikkamo’: xa lánh tình dục, nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn là điều vui trong đời.

Câu thứ tư: ‘Asmimānassa vinayo etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ’: đem cái tâm cố chấp ra cho tiêu mất, là cực vui. Tiếng ‘cố chấp’ là giữ vững ý kiến rằng: ta giàu, ta sang, ta như vầy, như kia v.v…đó gọi là cố chấp, nhân đó, mới lầm lạc theo lòng ham muốn, rồi phải chịu sự thống khổ, rầu buồn, than khóc, rên la, thương tiếc v.v… Lẽ đó, Đức Phật khi trừ dứt được tâm cố chấp rồi, mới công bố rằng: ‘Asmimānassa vinayo etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ’: sự đem tâm cố chấp ra cho tiêu mất là điều cực vui trong đời.

Ba câu sau chỉ rõ cái quả phước của câu trước nghĩa là khi cắt đứt tâm phá hoại tình dục do A-na-hàm đạo, trừ hết cố chấp do A-la-hán đạo, mà được kết quả mỹ mãn đều nhờ thế lực của sự ưa thích trong nơi yên lặng, được thấy pháp mà mình đã nghe. Pháp mà mình đã nghe đó, chỉ được nghe, chớ chưa hiểu biết xác thật.

Đến lúc trú ngụ trong chỗ thanh vắng rồi mới thấy biết, khi sự hiểu biết phát sanh lên rõ rệt, nghĩa là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não kết buộc, thì tâm phá hoại, dục vọng và cố chấp cũng dứt, đó là quả báo của sự tiêu tan phiền não kết buộc.

‒ Hết ‒

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app