PHẬT GIÁO ĐẠI CƯƠNG

Đức Thích Ca Muni thưở chưa đắc Phật quả, là một vị đông cung, giáng sanh ngày rằm tháng sáu, năm Tuất, tại kinh đô Hapilabastu, trong xứ trung bắc Ấn Độ, thuộc lãnh thổ Népal hiện thời, phụ thân Ngài là vua Suddhodana, mẫu hậu Ngài là Māya hoàng hậu.

Đến năm 16 tuổi Ngài phối hợp lương duyên với công chúa Yasodharā, và sanh một hoàng tử đặt tên là Rahula.

Suốt 13 năm sống trong xa hoa, rực rỡ, với đặc tính trầm tư mặc tưởng và lòng từ bi vô hạn của Ngài, Ngài không thể mê mải trong vòng vật chất không bền. Trong đền vua lộng lẫy, Ngài không phải chịu khổ cực chi cả, và vẫn có lòng thương xót sâu xa tất cả chúng sanh đang khổ não. Giữa sự vui thú phồn hoa ấy, Ngài quả quyết rằng: sự khổ này đến cho tất cả mọi loài sanh vật trong thế gian. Sự sang cả quyến rũ và làm mê hoặc trong đường đời, chẳng phải là nơi thích hợp để ta giác ngộ Phật quả.

Nhận định rằng hạng thường nhân mất giá trị cũng vì đắm say nhục dục, bậc trí tuệ được quí trọng cũng vì dám từ bỏ khí quyền[1] (vì cho thế gian mới là đúng lý thích hợp), Ngài bèn dứt lìa tất cả mọi xa hoa ở đời. Ngài chỉ mặc một bộ y vàng, làm đạo sĩ độc thân, không dính dáng với sự sản chi, quyết chí đi tìm chân lý.

Ngài đi tìm chánh pháp với các vị đạo sư trong thời đó, nhưng chẳng có ai chỉ bảo được vừa lòng. Các cách tu khổ hạnh, Ngài đã từng thực hành rồi, nhưng vô hiệu quả. Nhớ đến thuở còn bé, Ngài đã có lần nhập định được chơn chánh, Ngài cho rằng đó là chánh pháp. Ngài bèn bỏ cách tu khổ hạnh, trở lại dùng mỗi ngày một bữa ăn như thường lệ và chuyên tu giới, định, tuệ cho được chơn chánh. Đào bứng tất cả phiền não, ái dục, Ngài thấy rõ chân lý, các pháp bằng trực giác, rồi được tỏ ngộ bậc Chánh đẳng Chánh giác ngày rằm tháng tư năm Dậu, năm 35 tuổi.

Với đức tính thanh cao và giác ngộ, Ngài truyền bá giáo lý bằng trí tuệ, thích hợp với lòng đại bi của Ngài. Ngài bổ túc Phật sự không ngừng nghỉ. Suốt 45 hạ lìa tâm ích kỷ, Ngài đã đem hạnh phúc yên vui cho tất cả mọi loài. Ngài tịch diệt vào ngày rằm tháng tư năm tỵ, hưởng thọ được 80 tuổi.

Nhập Niết-bàn không người kế nghiệp, Ngài chỉ khuyến khích các bậc Thinh văn tôn thờ pháp luật của Ngài, như chính đức giáo chủ của mình vậy.

Lòng quả quyết, tâm bác ái lan rộng đến tất cả chúng sanh, sự dứt bỏ khí quyền, đức tính thanh khiết và sanh mạng thanh cao của Ngài, tất cả những điều đó ‒ với phương pháp khuôn mẫu của sự truyền bá giáo lý của Ngài và những kết quả mỹ mãn thích hợp ‒ đều là những yếu tố làm cho nhân loại sùng bái, tôn Ngài làm đấng giáo chủ tối cao trên đời.

Hệ thống luân lý và triết học, mà Ngài giảng dạy và để lại là Pháp bảo, thông thường gọi là Phật giáo. Theo sát nghĩa văn tự, Phật giáo không phải là tôn giáo (sāsaṇā) vì Phật giáo không phải đặt trên tín ngưỡng và sự sùng bái nơi một đấng tối cao. Phật giáo là nhân giúp cho người thực hành trở thành xuất thế và đưa người đạt đến sự giải thoát khỏi tất cả thống khổ.

Trong Phật giáo không có sự mê tín, chỉ có đức tin chơn chánh theo trí tuệ thôi. Dù là hàng Phật tử nương theo Đức Phật, tin chắc Ngài là bậc hướng đạo và là đấng Giáo chủ, họ cũng chẳng làm nô lệ cho Ngài. Phật tử chẳng phải là nô lệ cho sách khoa học hoặc khái luận, mà cũng chẳng phải là nô lệ cho ai cả. Họ trọng quyền tự do suy nghĩ của họ, họ thực tiễn theo thiện ý của họ. Họ tự rèn luyện trí tuệ để thêm tiến triển cho đến khi giác ngộ thành Phật, vì mọi người đều có thể đạt được Phật quả. Căn bản trọng yếu của Phật giáo là sự tin tưởng theo ‘nền tảng nhân quả’. Dầu sự dâng cúng bên ngoài (như hương, đăng) vẫn được chỉ giảng trong hàng Phật tử, nhưng họ không tôn sùng Ngài như là một đấng Tạo hóa.

Thật ra, dù lúc hiện tiền, Ngài được tối thượng tôn thờ, song không bao giờ Ngài tự nhận là một vị trời, Ngài chỉ là một bậc phi thường nhơn thôi. Nhưng ta cũng nên chú ý rằng, chưa từng có vị Giáo chủ nào lìa khỏi đức Thượng đế[2] như Ngài, và cũng chưa từng có một giáo chủ nào như Ngài vậy.

Những điều mà Đức Phật trong mong nơi các hàng Thinh văn là các đệ tử của Ngài không nên tin Ngài thái quá và cần nhất là phải cố gắng thực hành chơn chánh theo giáo huấn của Ngài: “Người nào thực hành pháp tức lời dạy bảo của Như Lai, bằng cách chân chánh cực điểm, người ấy mới gọi là tôn thờ Như Lai bằng cách tối cao”, đó là lời thức tỉnh của Đức Phật.

Vả lại, lời khẩn cầu, mong mỏi lợi danh theo phàm tình, chỉ gây thêm sanh sự ngã chấp. Vì thế, Ngài nhấn mạnh vào pháp ‘chánh định’ để cho chúng sanh lưu ý hơn hết. Chánh định là phương pháp dẫn người đạt đến sự chế chỉ[3] lòng tham, làm cho tâm dơ bẩn trở nên trong sạch, để được giác ngộ Niết-bàn.

 “Trong Phật giáo không có đấng Thượng đế mà hàng Phật tử phải lo sợ đâu. Thay thế sự tiêu trừ đấng Tạo hóa có quyền lực trên tất cả vạn vật mà không ai xem thấy, Ngài lấy giá trị đức tính loài người để phát biểu. Ngài dạy rằng: nhân loại nếu có được giả thoát đều do ở sự cố gắng đặc biệt của mỗi người, chẳng phải nhờ đức Thượng đế hoặc người trung gian nào cả. Phật giáo không có qui tắc bắt buộc người phải mê tín, không có lý tưởng ép người phải tôn thờ theo lòng tín ngưỡng mà không quan sát nhân quả, không có nghi thức làm bằng sự say mê hoặc khờ dại, và sự hy sinh loài vật để cúng tế”.

Nếu tôn giáo có ý nghĩa là phương pháp hộ đời cho được giải thoát, thì Phật giáo tự nhiên là tôn giáo của các tôn giáo. Cơ sở của Phật giáo tức là Tứ diệu đế, dính dáng với cái mà chúng ta gọi là chúng sanh. Đức Phật tuyên bố rằng: đời, nhân sanh đời, sự diệt đời và đạo đi đến sự diệt. “Như Lai phát biểu hoàn toàn trong thân thể dài một dung tích đó, bao hàm cả tâm và ý tưởng”, lời tuyên bố đáng chú ý; trong đoạn này nói về Tứ diệu đế mà tự Ngài đã phát giác bằng trí tuệ và rèn tập viên mãn.

  • Đế thứ nhứt nói về sự khổ.

Tất cả chúng sanh, tự nhiên, tránh không khỏi sự sanh, sự già, sự bệnh và sự chết trong lúc cuối cùng, cả bốn điều đó. Kể cả sự cầu mà không toại, đều là sự khổ. Tóm tắt, thân thể này là nguồn của sự khổ.

Khổ đế đầu tiên quan hệ lẫn nhau, mỗi phần bao hàm với sự vật, từng bậc của sanh mạng, cần phải điều tra, quan sát một cách vi tế và thận trọng. Như thế đó, sẽ giúp cho ta hiểu biết theo chân lý.

  • Đế thứ nhì nói về ái dục.

Nhân sanh sự khổ là ái dục hoặc thủ là diệu đế thứ nhì. Ái dục đây là quyền lực của tâm, khó nhận thấy được, nhưng là cái có một mãnh lực ngấm nhầm trong tâm của tất cả hạng phàm nhân. Nó là cái giếng sanh nhiều loại hiện tượng và thực thể khác nhau. Diệu đế này chỉ sự sanh trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

Nếu hiểu biết chơn chánh diệu đế thứ nhứt, ta sẽ đào bứng được nguồn cội các ái dục, là diệu đế thứ nhì.

Đứng về tâm lý học của thường nhân, có sự dính líu thân thiết, tìm tòi cảnh giới, không dứt sự di chuyển lục nhập được. Các ái dục thô hiển và vi tế dẫn cho sanh diệt, diệt sanh mãi mãi, vì là nhân sanh khổ của sanh mạng. Đó là sức mạnh có nhiều mãnh lực, lôi cuốn; để đàn áp nghịch pháp đó, ta phải cầu cứu đến tám sức mạnh có quyền lực đồng nhau (bát chánh đạo).

  • Diệu đế thứ ba nói về diệt khổ.

Là sự dập tắt hoàn toàn khổ, là quả dính dáng với sự đào bứng nguồn cội tất cả loại ái dục không để dư sót, và đấy cũng là Niết-bàn, là điểm lợi ích tối cao trong Phật giáo, mà người tìm kiếm có thể đạt được trong kiếp này bằng cách rèn tập cái tâm cho thích hợp đến mức định.

Lấy tự lực làm căn bản, diệu đế thứ ba đây cũng là đặt trên sự tìm tòi nhân quả theo luân lý học (attaravacaka), vì cũng là phép xuất thế, nó không giống hai loại đầu, riêng, chỉ về phần thế gian thôi.

Niết-bàn là trạng thái giác ngộ chơn lý, nói về pháp hiểu biết được bằng Phật nhãn (heddha-cakkhu) và sự giải thoát chơn chánh. Chẳng phải chỉ dứt bỏ những cái bên ngoài mà thôi, lại còn là giải thoát lòng quyến luyến, ái mộ, cảm tình ở bên trong, tức là phiền não ngấm ngầm trong tâm. Thế nên, Phật giáo không nhận sự có sanh mạng, bản ngã kiên cố.

Về vấn đề Niết-bàn, Đức Phật có dạy rằng: “Có trạng thái bất sanh (ajāta), trạng thái vô nguyên khởi (abhuta), trạng thái không có người phá hủy (akate), trạng thái vô vi (asankhata); nếu không có trạng thái nguyên khởi, không có trạng thái người phá hủy, trạng thái vô vi, rồi, sự khổ của người, có sanh, có nguyên khởi, có người làm, hữu vi, thế nào có được?

  • Diệu đế thứ tư

Đạo có 8 chi ấy là trung đạo, tức là đường giữa, là đạo chơn chánh tối cao. Bát chánh đạo có 8 chi đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Trong sự giao chiến với ái dục là phiền não, có mãnh lực về đường tội lỗi, ta phải tùy sức của thiện tâm ủng hộ tất cả các chi đó. Bát thánh đạo kể là: giới, định, tuệ, áp dụng, gồm vào kệ ngôn vắn tắt sau đây:

Sabbapāpassa akaraṇam: không làm tất cả điều ác.

Kusalasūpasampadā: làm đều đủ việc lành.

Sacittapariodapanaṃ: lau chùi tâm mình cho trong sạch.

Etaṃ buddhānasāsanaṃ: đó toàn là giáo huấn của chư Phật.

3 diệu đế đầu nói về pháp tối cao của Đức Phật, diệu đế thứ 4 chỉ về sự thực hành theo trí tuệ.

Phật giáo là phương pháp, căn bản của luân lý học và triết lý học, và chứng minh cho thấy rõ tận mắt được, theo sức thuần thục của mỗi người. Nhân đó, Phật giáo mới là tôn giáo hợp lí, có nhân quả, đáng cho mình thi hành theo, chẳng phải là bí truyền giáo, ép buộc, và cuồng tín giáo. Chúng ta có thể nói rằng: trong khoảng 2500 năm, Phật giáo đã trải qua, chưa từng có giọt máu chảy trong danh Phật giáo, cũng chẳng có sự cải biến tâm người cho xu hướng tôn thờ, do sự dùng sức bắt buộc hoặc bằng cách thức bất mãn.

Phật giáo có nguyên tắc tự do trong sự tín ngưỡng và cách thực hành đều đủ phương pháp, là căn bản truyền bá đến tất cả mọi người nam nữ. Chính Đức Phật là bậc cố gắng lần đầu tiên, trong sử ký của đời mà chúng ta đã rõ. Ngài đã chế trừ, thủ tiêu tình trạng nô lệ là điều xấu xa, hèn hạ. Ngài phản đối hăng hái hệ thống giai cấp xã hội làm bế tắc sự tấn bộ của nhân loại, và Ngài thừa nhận sự quyền ngang nhau cho tất cả, không phân biệt giai cấp, màu da hay đẳng cấp xã hội. Ngài sáng lập tăng già để duy trì tướng phạm hạnh cho phe nam và phái nữ có đức tính xứng đáng. Ngài bào cử tăng già làm lớn trong sự duy trì. Ngài chuyển nhượng cho tăng già là lớn trong sự ban phát lễ vật. Ngài khuyên bảo cho các phụ nữ nhận thức rằng: họ cũng có phận sự trọng yếu, quan hệ trong xã hội như nhau. Ngài cấm chế không cho sát sanh để làm việc cúng tế. Ngài dạy các bậc Thinh văn của Ngài đồng nhau đi truyền pháp bác ái, cho chúng sanh được hạnh phúc an vui. Bác ái pháp trong Phật giáo (bấy nhiêu đó) có thể phá hoại, khiển trách sự chia rẽ nhau và kích thích điều hòa hảo xã hội.

Về phần hàng Phật tử, sẽ không có người xa kẻ gần, bọn nghịch hoặc ngoại quốc, phản đảng, bội giáo hoặc hèn hạ, vì lòng bác ái rải rộng, lan tràn, phổ thông trong đời. Cho nên mới hiểu được rằng: do pháp bác ái mà tình huynh đệ được củng cố đến tất cả chúng sanh. Người chơn tu, tín đồ Phật giáo là công dân thế giới.

Nhân đó, Phật giáo mới gọi là tôn giáo duy nhất, điều trọng yếu hơn hết là do ở chỗ Phật giáo có nhân quả, là tôn giáo có thể dùng để thực hành được, là giáo lý có thể gây nên quả vui đến người thựt hành được và là đạo lý mở rộng, phổ biến trong thế gian. Trong tất cả thế lực dắt dẫn nhân loại cho quang minh vào ‘nhất trí’ cùng nhau, Phật giáo là tối thượng, Phật giáo là con đội[4] duy nhất có thể dắt dẫn cho thoát khổ, cho có sự yên vui trong Niết-bàn.

Ngoài Tứ diệu đế là yếu điểm của Phật giáo, còn có lời dạy về nghiệp và sự tái sanh. Cả hai điều đó đã có trong xứ Ấn Độ trước thời kỳ Phật giáo, nhưng Đức Phật chỉ rõ rệt đức tín ngưỡng đó, cho có qui tắc thêm đều đủ.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app