PHÁP LÀM CHO TRỞ NÊN SA-MÔN
Ðức Chánh Biến Tri có giảng thuyết về danh hiệu và cái pháp của Sa-môn rằng “Samanā samanāti vo bhikkhave jano jano sañjānāti” ‒ này các tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các ngươi rằng là Sa-môn. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: “Ông là chi?” Các ngươi cũng nhận rằng: “Chúng tôi là Sa-môn”.
Như vậy, nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình đúng như vậy rồi biết rằng: Ye dhammā samaṇakarāṇā brahmana karaṇā ‒ các pháp nào làm cho thành Sa-môn và Bà- la-môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật.
Lại nữa, chúng ta đã thọ dụng y, bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào thì cái nghiệp lành của họ sẽ sanh phước lớn, có nhiều quả báo chẳng sai vậy, vì họ nương nhờ nơi chúng ta. Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả dầu là pháp để tu hành được nhiều phước báu thật. Này các tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.
Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu nhất là: hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, rồi giải rằng: Parisuddhi kāyasamācāra, parisuddhi vacīsamā cāra, parisuddhi manosamācāra, parisuddha ājīva, indriyasamvara bhojanamattaññūjāgariyānuyoga, satisampajañña: Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (nīvaranadhamma) rồi tập trung tinh thần cho trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu đế. Tất cả pháp đó là pháp của Sa-môn.
1) Hổ thẹn (hiri) về sự xấu hổ đối với các pháp ác. 2) Ghê sợ (ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi. Cả hai pháp trên đây là quan trọng đặc biệt của Sa-môn, bằng không cũng chẳng gọi là Sa-môn được. Có 2 pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được. 3) Thân trong sạch đầy đủ (parisuddhi kāyāsamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của thân. 4) Khẩu trong sạch đầy đủ (parisuddhivacīsamācāra) chỉ về 4 nghiệp lành của miệng. 5) Tâm trong sạch đầy đủ (parisuddhimanosamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của ý. 6) Sự nuôi mạng trong sạch (parisuddha ājīva) tức là sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong Chánh mạng Thanh tịnh giới). 7) Lục căn thu thúc (indriyasaṃvara) (xem trong Lục căn Thanh tịnh giới). 8) Biết tiết chế trong thực phẩm (bhojanamataññū) chỉ về biết tiết độ trong sự thọ thực (xem trong phép Quán tưởng thọ vật dụng Thanh tịnh giới). 9) Tỉnh thức thường thường (jāgariyānuyoga) là dạy phải thức nhiều ngủ ít. 10) Trí nhớ biết mình (satisampajañña). 11) Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, nghĩa là sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ. 12) Sự trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp triền cái, rồi chú tâm tham thiền. 13) Làm cho trí tuệ thấy rõ pháp Tứ điệu đế là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt cái khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế). Tất cả các pháp đó là pháp của Sa-môn cần phải có, bằng không ắt sẽ sa vào trong 4 ác đạo chẳng sai.
Ðức Thế Tôn giảng thuyết về hàng Sa-môn và cái pháp của hàng Sa-môn như thế.
Phương tiện cho pháp sanh pháp của bậc xuất gia hoặc Sa-môn.
Người đã tự nguyện xuất gia hoặc Sa-môn phải chú tâm rằng “Ta là bậc xuất gia hoặc Sa-môn rồi, cần gìn giữ đức tín thanh cao vừa theo cái tướng mạo của người xuất gia hoặc Sa-môn mới đặng”. Hay quán tưởng theo Phật ngôn rằng: “Bây giờ đây ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nhất là cách thức hành động của Sa-môn thế nào, ta cần phải làm theo, không nên sai suyển”. Bậc xuất gia ví như người thương mãi, buôn bán muốn được lợi, nếu hành đúng cách mới được lời nhiều, bằng làm sái ắt phải lỗ vốn. Vì thế đức Phật có giảng về pháp đè nén cái tâm của người xuất gia như vầy: Kusoyathā duggahito hatthamevā nukan tati sāmannaṃ dupparamatthaṃ nirāyāyūpakadhati yaṃkiñci sithilaṃ kammaṃ samkilitthañca yaṃvattaṃ sankassaraṃ brahmacariyaṃ nataṃ hoti mahapphalaṃ kayirā ce kayirāthenaṃ dalhamenaṃ parakkame sithilo hi paribhajo bhiyyo akirate rajaṃ.
Lẽ thường, cỏ tranh mà người không khéo lắm, kéo ngược trở lại ắt phải đứt tay, thế nào, sự xuất gia của hành giả, tu không chơn chánh, sái pháp luật, hằng lôi kéo họ sa trong địa ngục, cũng như thế ấy.
Tội của bậc xuất gia tu hành không chơn chánh.
Người mặc y vàng, song không thu thúc theo pháp của Sa-môn, cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng: Kāvāvakanthā bahavo pāpadhammā asannatā pāpā papehi kammehi nirayaṃ te upapajjare ‒ phần đông người có áo cà sa dính cổ, tức là mặc y vàng, song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo pháp của Sa-môn, thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.
Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ dâng cúng bằng đức tin không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng: Seyyo ayogulo bhutto tatto aggisikhū pamo yañce bhuñjeyya dussilo raṭṭha piṇḍaṃ asaññato ‒ người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt đương nóng còn hơn.
Ðức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và Sa-môn không trú trong pháp của họ, như những qui tắc đã giải.
Mười pháp mà bậc xuất gia phải quán tưởng thường thường.
1) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường rằng: Bây giờ ta đã có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nghĩa vụ nào của Sa-môn ta phải làm cho tròn. 2) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Sự nuôi sanh mạng của ta nương nơi kẻ khác, ta cần phải làm cho người cấp dưỡng dễ dàng. 3) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: sự làm cho thân khẩu thêm chơn chánh, vẫn còn nữa chẳng phải chỉ có bấy nhiêu. 4) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: tâm ta không tự chê bai ta vì giới không đầy đủ chăng? 5) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: hàng trí tuệ đã xem xét rồi, họ không khiển trách ta vì giới không đầy đủ chăng? 6) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta phải chia lìa sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, không sao tránh khỏi được. 7) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta có cái nghiệp là của ta, ta làm lành thì được vui, gây dữ thì chịu khổ. 8) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ngày và đêm hằng qua mau lẹ, bây giờ đây ta làm được cái chi chăng? 9) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng? 10) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta đã có các đức cao quí chăng? Khi có bậc phạm hạnh đến hỏi ta trong giờ cuối cùng, ta sẽ không hổ thẹn chăng?
Mười pháp mà các bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường đó gọi là thập pháp (dasadhamma), song dịch như trên đó, mới thật đúng lý. Người tu học cần phải hiểu rằng thập pháp là pháp dành cho hàng xuất gia, tuy nhiên, như đã có giải: điều nào thuộc về bậc xuất gia, điều ấy người cư sĩ hành theo cũng được.
Trong 10 pháp đó nên hiểu như vầy: điều thứ 1: dạy phải quán tưởng về tướng mạo; điều thứ 2: dạy quán tưởng về chánh mạng; điều thứ 3: dạy quán tưởng về sự hành động; điều thứ 4 và 5: dạy phải quán tưởng về qui tắc; điều thứ 6 và 7: dạy phải quán tưởng về luật tự nhiên; điều thứ 8: dạy phải quán tưởng về thời gian; điều thứ 9: dạy phải quán tưởng về chỗ ngụ; điều thứ 10: dạy phải quán tưởng về đức hạnh cao quí.
Về phước báu trong sự quán tưởng có chia ra làm 2 là: phần riêng và chung. Giải về phần riêng của mỗi điều trước:
1) Giải về phương tiện phát sanh sự hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, để thực hành cho vừa với bổn phận của người xuất gia, nghĩa là điều nào không đúng quy tắc của bậc xuất gia thì phải chừa bỏ, nhất là phải hành những pháp chơn chánh, như là trì giới, cho thân khẩu trong sạch, tu định cho tâm yên lặng, hành tuệ cho thấy rõ chánh tà. Phải cần kíp làm cho tròn nghĩa vụ.
2) Khi đã quán tưởng như vậy thì sẽ được 2 điều lợi ích: được làm tròn phận sự đối với người cấp dưỡng; sẽ có sự hành động cho họ dễ nuôi, nghĩa là làm cho mình thành người biết đủ (sandosa), thọ 4 vật dụng tùy có tùy được. Họ cho vật chi thì vừa lòng với vật ấy không được chọn tốt, xấu, ngon, dỡ.
3) Bậc xuất gia chưa chứng đạo quả, là đức hạnh cuối cùng trong Phật giáo gọi là còn phận sự phải hành, nghĩa là phải tu tập cho thanh cao hơn nữa, cần phải học những điều chưa biết, thực hành những điều đã biết. Khi đã trì giới được trong sạch thì cần tu thiền thêm lên, cho trí tuệ phát sanh để đắc đạo quả Niết-bàn là mục đích tối cao của Phật giáo. Nếu bậc xuất gia được biết mình như vậy, thì hằng có sự lợi ích, để tự hóa trở thành nên bậc cao nhân. Nếu lầm tưởng rằng: Mình là đủ, không cần tu tập nữa, vừa lòng với bấy nhiêu thì không cần mẫn hành bậc cao mà mình chưa đắc. Như thế, bậc xuất gia vẫn còn mắc trong vòng phàm tục và phải bị luật vô thường chi phối, sa vào 4 ác đạo chẳng sai. Nếu hành giả hằng quán tưởng biết mình như thế ắt sẽ tinh tấn tu hành thêm lên.
4) và 5) Bậc xuất gia quán tưởng hiểu rõ trong điều thứ tư và điều thư năm như vậy rồi, sẽ thấy mình chưa toàn thiện thì phát tâm cố gắng tu trì, không để, không để mình tự chê trách mình được. Nhưng lẽ thường phàm nhơn hiếm có người được biết chân chánh như thế. Vì vậy, có lúc làm sai mà họ cho là phải, có khi hành chánh mà họ cho là tà.
Cho nên có Phật ngôn rằng: “Tội mình khó biết, lỗi người dễ xem!” Nhân đó, đức Phật dạy phải luôn luôn quán tưởng những điều trên đây, cho phát sanh trí nhớ.
6) Đã thường thường quán tưởng điều này, thì sẽ thấy rõ sự chia lìa do 2 lẽ là: các sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, nó sẽ lìa ta khi ta còn sanh tiền cũng có; trong giờ mạng chung, ta phải bỏ nó cũng có, đó là lẽ tự nhiên không sao tránh được.
Khi thấy rõ 2 pháp trên rồi, mình được 3 điều lợi ích: dứt tâm bất bình nóng giận khi gặp sự vật đáng ghét bỏ; ngăn tâm không cho buồn rầu thương tiếc lúc ly biệt sự vật thương yêu; kiềm chế tâm ham muốn sự vật của mình để tránh tà mạng gây ra các nghiệp ác. Ðó là 3 điều lợi ích mà bậc xuất gia nhờ sự quán tưởng thường thường mới thấy rõ được.
7) Trong điều này nên hiểu câu “Ta có cái nghiệp là của ta” rằng: Mọi người trong mỗi kiếp đều có tạo nghiệp, không dữ thì lành, chẳng tốt thì xấu, không có một ai tránh khỏi, cho nên gọi là “Ta có cái nghiệp là của ta”. Lại nữa, nếu làm lành thì được vui, làm dữ thì chịu khổ. Cớ ấy sự quán tưởng trong điều thứ 7 mới có lợi ích, không cho làm ác, chỉ tạo việc lành, vì đã hiểu rõ quả báo của nghiệp.
8) Đức Phật có khuyên các tỳ khưu cần phải biết thời gian qua rồi, chẳng khi nào trở lại. Nên hiểu rõ chơn chánh rằnh: Nó chỉ thoáng qua mau lẹ, nếu không thì hằng để cho ngày giờ trải qua vô ích, sẽ có điều hối hận ăn năn. Có Phật ngôn rằng “Những người còn trai tráng, có tánh thông minh mà lười biếng không chuyên cần làm các công việc thì khó gặp được xuất thế bằng “trí tuệ”. Lời Phật dạy đây để tỉnh thức họ cho tinh tấn trong niên cấp còn khỏe mạnh, cho sự tu hành mau được tấn hoá trong 2 phương diện đời và đạo, sự quán tưởng thường thường trong điều này hằng đem lại hạnh phúc yên vui cho mình chẳng sai.
9) Khi đã quán tưởng thường thường thì có sự tĩnh tâm vừa lòng trong nơi thanh vắng, lìa xa bè đảng, bậu bạn, ưa thích trong nơi yên lặng để tham thiền cho tâm an trụ, rồi suy xét điều chi cũng được chân chánh rõ rệt, không có trở ngại và bậc tu thượng được dễ dàng.
10) Giải rằng: “Các đức tính cao quí chỉ về tâm thiền định hoặc giải thoát”. Nếu đã quán tưởng thường như thế thì được tĩnh tâm, không hề vừa lòng với các hạnh phúc nhỏ nhen bực hạ, tinh tấn trong đức tánh cao thượng theo thứ tự.
Về phước báu trong cách quán tưởng 10 điều đó, hằng đem lại sự yên lặng cho tâm, để tiến bộ trong chánh pháp, tu giới, định, tuệ cho càng tăng trưởng thanh cao. Nói tóm lại, sẽ được mãn nguyện trong 2 đường: đời và đạo xuất thế, chứng quả Niết-bàn là mục đích cứu cánh của Phật giáo.