CHƯƠNG 2: ĐIỂM KHỞI ĐẦU
Nguồn gốc của đau khổ nằm ngay trong mỗi chúng ta. Khi hiểu được thực tế của chính mình thì chúng ta sẽ nhận biết được giải pháp của vấn đề đau khổ. “Hãy biết mình” đó là lời khuyên của những người hiểu biết. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách hiểu được tính chất của chính mình, nếu không chúng ta chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề của ta hay của thế giới.
Nhưng thực sự thì chúng ta biết gì về chính mình? Chúng ta tự cho mình là quan trọng, là độc nhất, nhưng sự hiểu biết về chính mình thì rất hời hợt. Chúng ta hoàn toàn không biết gì về mình ở những tầng lớp sâu hơn.
Đức Phật quan sát hiện tượng của con người bằng cách quan sát chính ngài. Bỏ ra ngoài mọi định kiến, Ngài tìm hiểu thực tại bên trong và nhận ra rằng mỗi chúng sinh là sự kết hợp của năm tiến trình: bốn thuộc về tinh thần và một thuộc về thể xác.
THÂN
Chúng ta hãy bắt đầu ở khía cạnh thể xác. Đây là phần rõ rệt, hiển nhiên nhất của con người, sẵn sàng được nhận biết bởi những giác quan. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về khía cạnh này rất nghèo nàn. Bề ngoài, ta có thể kiểm soát được thân thể: đi đứng, hành động theo ý muốn. Nhưng trên một bình diện khác, nội tạng hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và chúng ta cũng chẳng biết gì về những hoạt động này.
Ở một mức độ tinh tế hơn, chúng ta không biết gì bằng trải nghiệm về những phản ứng sinh hóa không ngừng xảy ra trong mỗi tế bào của cơ thể. Nhưng đây cũng chưa phải là thực tế tối hậu của hiện tượng vật chất. Xét đến cùng, cơ thể tưởng như chắc đặc này lại được cấu tạo bởi những hạt hạ nguyên tử và những khoảng trống. Hơn thế nữa, ngay cả những hạt hạ nguyên tử này cũng không thực sự chắc đặc; khoảng thời gian sinh tồn của mỗi một hạ nguyên tử còn ngắn hơn một phần tỷ giây đồng hồ. Các hạt này sinh và diệt liên tục như một dòng rung động. Đây là thực tại tối hậu của cơ thể, của tất cả vật chất, được Đức Phật khám phá ra cách đây trên 2.500 năm.
Các nhà khoa học hiện đại, qua những cuộc nghiên cứu, cũng nhận thức và chấp nhận thực tế tối hậu này của vũ trụ vật chất. Tuy nhiên, những nhà khoa học này không được giải thoát hay giác ngộ. Họ chỉ tò mò nghiên cứu bản chất của vũ trụ, dùng trí thông minh và dựa vào những dụng cụ để kiểm chứng lại những lý thuyết của họ. Ngược lại, động cơ thúc đẩy Đức Phật tìm hiểu vũ trụ là nguyện vọng muốn tìm một giải pháp để thoát khỏi đau khổ, chứ không phải vì tò mò. Ngài không dùng công cụ nào khác để khảo sát, ngoài tâm của Ngài. Sự thật do Ngài khám phá ra do Ngài trực tiếp kinh nghiệm chứ không phải do lý luận. Vì vậy mà ngài đã được giải thoát.
Ngài tìm thấy rằng toàn thể vũ trụ vật chất đều được cấu tạo bởi những hạt cơ bản mà tiếng Pāli gọi là kalapas, hay những đơn vị bất khả phân. Những đơn vị này phô bày các tính chất căn bản của vật chất dưới những hình thức khác biệt không giới hạn: trọng lượng, sức kết hợp, nhiệt độ, chuyển động. Chúng kết hợp lại để tạo thành những cấu trúc trông có vẻ trường cửu. Nhưng thật sự những cấu trúc này đều được kết hợp bởi những kalapas cực nhỏ ở trạng thái không ngừng sinh và diệt. Đây là thực tại tối hậu của vật chất: một dòng chảy không ngừng của những sóng hay hạt. Đây là cơ thể mà mỗi người chúng ta đều gọi là “cái ta”.
TÂM
Cùng với tiến trình thể xác, còn có tiến trình tinh thần, tâm. Mặc dầu ta không thể sờ mó, hay nhìn thấy được tâm, nhưng ta cảm thấy nó quan hệ mật thiết với chúng ta hơn cả thân thể: chúng ta có thể hình dung một kiếp sống tương lai không có thân, nhưng ta không thể tưởng tượng được một kiếp sống không có tâm. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về tâm thật nhỏ nhoi và sự kiểm soát của ta về nó cũng thật ít ỏi. Chúng thường xuyên không làm theo ý ta muốn, và làm những điều ta không muốn. Điều khiển tâm là một điều khó, còn vô thức thì thật sự ở ngoài quyền hạn và sự hiểu biết của chúng ta, vì nó có những lực mà chúng ta không chấp nhận hay không hề hay biết.
Trong khi quan sát cơ thể, Đức Phật cũng quan sát tâm, và Ngài thấy tâm nhìn chung gồm bốn tiến trình: thức (viññāṇa), tưởng (saññā), thọ (vedanā), và hành (saṅkhāra). 1
1 Saṅkhāra là một trong những quan niệm quan trọng nhất của giáo lý Đức Phật, và là một trong những điểm khó diễn tả nhất bằng Anh ngữ. Danh từ saṅkhāra có nhiều nghĩa và không có sẵn một nghĩa rõ ràng để áp dụng vào một đoạn văn đặc biệt nào đó. Ở đây sankhara có nghĩa tương đương với cetana/sancetana, có nghĩa là ý muốn, ý chí, ý định. Muốn biết phần giải thích này nên xem A. IV. xviii. 1(171), Cetana Sutta, S. XXII. 57(5), Sattatthana Sutta, S. XII. iv 38(8), Cetana Sutta.
Tiến trình thứ nhất là thức, là phần tiếp nhận của tâm, một hoạt động của ý thức không phân biệt hay nhận biết. Nó chỉ ghi nhận sự xảy ra của bất kỳ hiện tượng nào, sự tiếp nhận bất kỳ điều gì thuộc tâm thần hay thể chất. Nó ghi nhận những dữ kiện thô của kinh nghiệm mà không hề đặt tên hay phê phán.
Tiến trình thứ hai là tưởng, là hoạt động nhận biết. Phần này của tâm nhận biết những gì mà ý thức đã từng ghi nhận trước đây. Nó phân biệt, đặt tên và xếp loại những dữ kiện thô đã thu thập vào và có sự đánh giá là tích cực hay tiêu cực.
Tiến trình kế tiếp là thọ, cảm thọ. Thật ra, ngay khi bất kỳ dữ kiện nào được thu nhận thì cảm thọ nổi lên, một dấu hiệu cho biết có gì đó đang xảy ra. Chừng nào dữ kiện thu nhận vào còn chưa được đánh giá thì cảm thọ vẫn ở trạng thái trung tính, nhưng một khi chúng được gắn cho một giá trị thì cảm thọ sẽ trở nên dễ chịu hay khó chịu, tùy theo sự định giá.
Tiến trình thứ tư là hành, phản ứng. Nếu cảm thọ là dễ chịu thì một mong ước khởi dậy, mong muốn kinh nghiệm được kéo dài và gia tăng. Nhưng nếu là một cảm giác khó chịu thì mong muốn là chấm dứt và xô đẩy nó đi. Tâm phản ứng với sự thích hay không thích. Thí dụ khi tai hoạt động bình thường và ta nghe một âm thanh thì thức bắt đầu hoạt động. Và khi âm thanh được ghi nhận là lời nói, với ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, thì tưởng bắt đầu hoạt động. Sau đó thọ xuất hiện. Nếu là những lời khen, thì cảm giác dễ chịu nổi lên, nếu là lời chê bai, thì cảm giác khó chịu nổi lên. Lập tức hành, phản ứng xảy ra. Nếu cảm giác là dễ chịu thì ta bắt đầu thích nó, và muốn được ngợi khen nhiều hơn. Nếu là cảm giác khó chịu, thì ta bắt đầu ghét nó và muốn chấm dứt sự chê bai.
Những bước tương tự sẽ xảy ra khi một trong những giác quan nhận dữ kiện vào: thức, tưởng (nhận định), thọ (cảm nhận), hành (phản ứng). Bốn hoạt động này của tâm lướt qua còn nhanh hơn cả những hạt ngắn ngủi của thực tại vật chất. Mỗi khi giác quan tiếp xúc với một đối tượng nào đó, thì bốn tiến trình của tâm xảy ra chớp nhoáng, và lặp lại như vậy với mỗi lần tiếp xúc tiếp theo. Tuy nhiên, những tiến trình này xảy ra quá nhanh đến nỗi ta không nhận biết được những gì đang xảy ra. Chỉ khi nào một phản ứng đặc biệt được lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài, ở một dạng thức rất nổi bật và mãnh liệt, thì sự nhận biết về nó mới phát triển đến bình diện ý thức.
Điểm nổi bật nhất của sự mô tả con người theo cách này không phải là những gì được mô tả, mà là những gì được loại bỏ. Cho dù chúng ta dù là người phương Tây hay phương Đông, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, vô tín ngưỡng, hay là gì đi nữa thì mỗi người trong chúng ta đều tin chắc tự bẩm sinh rằng có một cái tôi ở đâu đó trong ta, một thực thể tồn tại liên tục. Chúng ta hoạt động với một giả định không cần suy xét rằng một con người sống từ mười năm về trước, về cơ bản vẫn là cùng một người đó đang sống trong hiện tại, rồi sẽ tiếp tục sống mười năm nữa kể từ bây giờ, và cũng có thể còn hiện diện ở kiếp khác sau khi chết.
Dù chúng ta tin vào một triết lý nào, một lý thuyết hay một tín ngưỡng nào, thì thật sự trong đời chúng ta vẫn sống với một sự tin tưởng chắc chắn, sâu xa rằng: “Tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là.”
Đức Phật đã thách thức sự thừa nhận theo bản năng về một thực thể cá biệt – con người – theo cách này. Khi bác bỏ điều này, Ngài không đưa ra một quan điểm suy đoán khác để chống lại những học thuyết của người khác: Ngài nhấn mạnh nhiều lần rằng Ngài không đưa ra một quan điểm, mà chỉ đơn giản là mô tả sự thật mà Ngài đã kinh nghiệm, và bất cứ người bình thường nào cũng có thể kinh nghiệm được. Ngài nói: “Bậc giác ngộ gạt bỏ mọi lý thuyết, bởi vì người đó đã nhìn thấy được thực tại của sắc (vật chất), thọ (cảm giác), tưởng (nhận định), hành (phản ứng), thức (hay biết), và sự sinh diệt của chúng.”
Bất chấp vẻ ngoài, Ngài thấy được rằng mỗi một con người trong thực tế là một chuỗi những sự kiện riêng biệt nhưng có liên hệ. Mỗi sự kiện là kết quả của một sự kiện trước nó và đi liền theo sau không hề có sự đứt đoạn. Tiến trình liên tục của những sự kiện liên quan mật thiết với nhau tạo ra vẻ ngoài của một thực thể liên tục hay cá biệt, nhưng đó chỉ là một thực tại bên ngoài, không phải sự thật tối hậu.
Chúng ta có thể đặt tên cho một dòng sông, nhưng bản chất thật nó vẫn là một dòng nước trôi chảy không ngừng. Chúng ta có thể xem ngọn lửa cây nến là một cái gì liên tục, nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy thật ra ngọn lửa phát từ tim nến, cháy một lúc rồi bị thay thế bởi một ngọn lửa mới, và cứ thế tiếp diễn. Chúng ta nói đến ánh sáng của một bóng đèn điện, nhưng không bao giờ ngừng lại để suy nghĩ trong thực tế thì ánh đèn đó, cũng như dòng sông, là một dòng liên tục, trong trường hợp này là một dòng năng lượng tạo ra bởi những rung động ở một tần số rất cao xảy ra trong sợi tóc của bóng đèn.
Trong mỗi một thời điểm, luôn có một cái gì đó mới sinh ra như là kết quả của một cái gì trong quá khứ, để rồi sẽ được thay thế bởi cái gì đó mới sinh ra vào thời điểm theo sau đó. Sự liên tục của những sự kiện quá nhanh và liên tục đến nỗi khó mà phân biệt được. Ở một thời điểm cụ thể nào đó trong tiến trình, ta không thể nói cái đang xảy ra cũng là cái vừa xảy ra trước nó, nhưng cũng không thể nói chúng không phải là một. Dù sao đi nữa, tiến trình ấy thực sự xảy ra.
Cũng vậy, Đức Phật nhận ra rằng con người không phải một thực thể hoàn tất và bất biến, mà là một tiến trình đang trôi chảy từ thời điểm này sang thời điểm khác. Không có “con người” thật sự, mà chỉ là một dòng trôi chảy, một tiến trình liên tục của sự trở thành. Lẽ dĩ nhiên, trong đời sống hằng ngày chúng ta buộc phải ứng xử với mỗi người khác như là những con người có bản chất trong một chừng mực nào đó đã được xác định và bất biến; chúng ta phải chấp nhận cái thực tại bên ngoài, hiển nhiên, nếu không chúng ta không thể sinh hoạt gì được.
Thực tại bên ngoài vẫn là một thực tại, nhưng chỉ là một thực tại nông cạn. Ở một mức độ sâu hơn, thực tại là toàn thể vũ trụ – có tri giác và vô tri giác – luôn trong một trạng thái liên tục trở thành – sinh ra và diệt mất. Trong thực tế, mỗi chúng ta là một dòng chảy của những hạt hạ nguyên tử không ngừng biến đổi, song song với tiến trình thay đổi của sự hay biết, nhận định, cảm nhận, phản ứng, thậm chí còn nhanh hơn cả tiến trình của vật chất.
Đây là thực tại tối hậu của cái “ngã” mà mỗi chúng ta đều quá quan tâm đến. Đây là chuỗi sự kiện mà chúng ta bị lôi cuốn vào. Nếu chúng ta có thể hiểu được điều này một cách đúng đắn bằng kinh nghiệm trực tiếp, thì chúng ta sẽ tìm được manh mối giúp ta thoát khổ.
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG