Câu hỏi: Tại sao thiền sư dạy thiền sinh chú tâm vào hơi thở (ānāpāna) ở lỗ mũi thay vì ở bụng?

Thiền sư S. N. Goenka: Vì đối với chúng ta thực hành ānāpāna chỉ là để chuẩn bị cho việc thực hành Vipassana, và trong thiền Vipassana chúng ta cần một sự chú tâm mạnh mẽ. Vùng chú ý càng nhỏ thì sự tập trung càng lớn. Bụng quá rộng để có thể phát triển tới độ tập trung cao độ như vậy. Mũi là nơi tập trung thích hợp nhất. Vì vậy mà Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta tập trung ở nơi đấy.

Khi thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta có thể đếm, hay nói “vào” khi chúng ta hít vào, và “ra” khi chúng thở ra không?

Không. Không được nói liên tục. Vì nếu bạn thêm một tiếng vào sự ý thức về hơi thở, thì dần dần tiếng nói đó sẽ chiếm ưu thế và bạn sẽ quên bẵng hơi thở. Rồi bạn có hít vào hay thở ra bạn cũng nói “vào”. Và bạn thở ra hay hít vào, bạn cũng nói “ra”. Tiếng này trở thành câu thần chú. Chỉ nên chú ý vào hơi thở, hơi thở đơn thuần, không gì ngoài hơi thở.

Tại sao tập samadhi lại không đủ để giải thoát?

Vì sự thanh tịnh của tâm phát triển được bằng samadhi là do sự dồn nén chứ không phải do sự diệt trừ hết nghiệp. Cũng giống như một người làm cho nước bùn thành nước trong bằng phèn chua. Chất phèn đã làm bùn kết tủa, lắng xuống, để lại nước ở phía trên trong suốt. Cũng thế, samadhi đã làm những lớp trên của tâm trở nên trong sáng, nhưng những bất tịnh vẫn còn tích tụ ở vô thức. Những bất tịnh tiềm ẩn này phải bị loại bỏ để được giải thoát. Và muốn làm như vậy, ta phải thực hành Vipassana.

Quên hẳn quá khứ và tương lai, và chỉ chú ý đến hiện tại thì có hại hay không? Nói cho cùng, đó không phải là cách sống của loài vật sao? Người nào quên đi quá khứ, chắc chắn sẽ lặp lại những điều trước đây.

Kỹ thuật này không dạy bạn quên hẳn quá khứ, hay không quan tâm đến tương lai. Nhưng vì tâm có thói quen ngụp lặn triền miên trong ký ức từ quá khứ, hay trong thèm muốn, hay có những dự tính, sợ hãi về tương lai và vô minh về hiện tại. Thói quen không lành mạnh này làm cho đời sống thành khổ sở. Nhờ có thiền, bạn học cách đứng vững trong thực tại. Với căn bản vững chắc này bạn có thể vận dụng những chỉ dẫn cần thiết từ quá khứ và chuẩn bị những dự tính thích hợp cho tương lai.

Tôi nhận thấy khi tôi hành thiền mà tâm tôi đi lung tung, một thèm muốn bắt đầu, và tôi nghĩ là tôi không được thèm muốn, thế là tôi bồn chồn vì tôi đang thèm muốn. Tôi phải đối phó với tình trạng đó như thế nào?

Tại sao lại phải bồn chồn vì thèm muốn? Hãy chấp nhận sự kiện đó: “Hãy xem, đang có thèm muốn” – thế thôi. Và bạn sẽ thoát khỏi tình trạng đó. Khi bạn thấy tâm mình đi lang thang, bạn chấp nhận, “Kìa, tâm tôi đang đi lang thang”, và tự động tâm bạn trở lại với hơi thở. Đừng tạo nên sự căng thẳng vì lòng thèm muốn hay vì tâm đi lang thang. Nếu làm như vậy, bạn lại gây ra sự chán ghét mới. Hãy chấp nhận nó. Thế là đủ.

Tất cả những kỹ thuật thiền Phật giáo đều đã được biết đến trong yoga. Vậy điều gì là thực sự mới lạ trong cách thiền do Đức Phật chỉ dạy?

Phái yoga là sự phát triển về sau. Patanjali sống vào khoảng 500 năm sau thời Đức Phật, và lẽ dĩ nhiên kinh điển yoga chịu ảnh hưởng của giáo huấn của Đức Phật. Dĩ nhiên tập yoga có từ trước thời Đức Phật, và chính Ngài cũng đã thực hành trước khi Ngài giác ngộ. Tuy nhiên, tất cả những kỹ thuật này chỉ hạn hẹp trong giới và định. Định chỉ đạt tới tầng thiền (jhana) thứ tám, vẫn còn trong phạm vi kinh nghiệm cảm giác. Đức Phật tìm thấy tầng thiền jhana thứ chín, đó là Vipassana, tầng thiền phát triển tuệ giác, đưa thiền giả đến mục đích tối hậu, siêu việt mọi kinh nghiệm cảm giác.

Tôi thấy mình hay khinh rẻ người khác. Xin thầy cho biết có cách nào tốt để sửa đổi tật xấu này không?

Bằng cách hành thiền. Nếu bản ngã quá lớn, bạn coi rẻ người khác, làm giảm sự quan trọng của người khác và tăng tầm quan trọng của mình lên. Nhưng thiền sẽ làm tiêu tan bản ngã, và bạn sẽ không còn làm gì để làm tổn thương người khác nữa. Hãy hành thiền, và vấn đề sẽ tự động được giải quyết.

Nhiều khi tôi cảm thấy tội lỗi về những việc tôi đã làm.

Cảm thấy có tội không giúp gì được cho bạn; nó chỉ gây hại mà thôi. Tội lỗi không có chỗ đứng trên con đường của Dhamma. Khi bạn thấy mình hành động sai quấy, hãy chấp nhận mà không cần phải biện minh hay giấu giếm gì cả. Bạn có thể gặp một người bạn kính trọng và nói, “Tôi đã phạm lỗi này. Trong tương lai tôi sẽ cẩn thận không tái phạm nữa.” Sau đó bạn hành thiền, và bạn sẽ thấy bạn có thể thoát khỏi sự khó khăn đó.

Tại sao tôi cứ nâng cao bản ngã? Tại sao tôi cứ cố gắng là “tôi”?

Vì vô minh nên tâm đã bị điều kiện hóa để làm như vậy. Nhưng Vipassana có thể giải thoát cho bạn khỏi điều kiện có hại ấy. Thay vì chỉ nghĩ đến mình, hãy học cách nghĩ đến người khác.

Làm sao có thể làm được như vậy?

Trước hết phải nhận biết mình là người ích kỷ và chỉ nghĩ đến mình như thế nào. Nếu bạn không nhận thức được sự thật này, thì bạn không thể thoát khỏi sự điên cuồng, chỉ yêu bản thân. Hành thiền lâu rồi bạn sẽ nhận thức được rằng, ngay cả tình yêu của bạn đối với người khác thật ra cũng chỉ là yêu bạn mà thôi. Bạn sẽ hiểu, “Tôi yêu ai? Tôi yêu người đó vì tôi mong mỏi cái gì từ người đó. Tôi mong mỏi người đó hành xử theo cách tôi muốn. Nhưng khi người đó hành động khác đi thì tôi không còn yêu người đó nữa. Vậy thì thật sự tôi yêu người đó hay yêu tôi?” Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng, không phải bằng tri thức, mà bằng sự thực hành Vipassana. Và một khi đã có sự nhận thức trực tiếp này, thì bạn bắt đầu thoát khỏi tính ích kỷ của mình. Và rồi bạn học cách phát triển tình yêu thật sự đối với người khác, tình yêu vị tha, một chiều, cho mà không mong được đền đáp.

Tôi thấy phần đông những người đó đều nghiện ngập. Tôi không biết cho họ tiền có phải là khuyến khích họ dùng ma túy hay không?

Bởi vậy phải biết chắc chắn món tiền bạn cho phải được sử dụng đúng đắn. Nếu không thì chả có ích gì cho ai cả. Thay vì bạn cho tiền những người đó, bạn giúp họ khỏi nghiện ngập, thì bạn thật sự đã giúp họ. Bất cứ hành động nào của bạn cũng phải được làm với trí tuệ.

Khi thiền sư nói “Hãy hạnh phúc”, thì đối với tôi, mặt trái của nó là “Hãy buồn”.

Tại sao phải buồn? Hãy thoát khỏi buồn rầu.

Đúng thế, nhưng tôi tưởng chúng ta đang tập để được quân bình.

Quân bình làm bạn hạnh phúc. Nếu bạn mất quân bình, bạn buồn khổ. Hãy bình tâm. Hãy hạnh phúc!

Tôi tưởng là “Hãy bình tâm, không là gì cả.”

Không, không. Quân bình làm bạn hạnh phúc chứ không phải không là gì cả. Bạn trở nên tích cực khi bạn có một tâm quân bình.

  Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

* Các Bài Viết Này Được Tổng Hợp, Trích Dẫn Hoặc Chuyển Ngữ Từ Các Tài Liệu Về Thiền Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app