Kho chứa những phản ứng trong quá khứ

Duy trì ý thức và sự bình tâm là dừng việc tạo thêm những phản ứng mới, những nguồn gốc mới của đau khổ. Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác của đau khổ mà chúng ta cũng nhất thiết phải giải quyết. Bằng cách dừng sự phản ứng từ nay về sau, ta có thể không tạo thêm nguyên nhân đau khổ. Nhưng mỗi người chúng ta vẫn còn một kho chứa những hành nghiệp cũ, một tổng thể bao gồm tất cả những phản ứng trong quá khứ. Ngay cả khi ta không thêm gì mới vào kho chứa này thì những hành nghiệp (saṅkhāra) cũ đã tích lũy vẫn sẽ gây đau khổ cho ta.

Thuật ngữ saṅkhāra có thể dịch là “sự tạo thành”, bao gồm cả hành động tạo thành và những gì được tạo thành. Mỗi phản ứng là một bước cuối cùng, kết quả của một chuỗi liên tục những tiến trình của tâm, nhưng đó cũng có thể là bước đầu tiên, là nguyên nhân làm khởi sinh một chuỗi tiến trình mới của tâm. Mỗi saṅkhāra vừa là kết quả của những tiến trình dẫn đến nó và cũng là điều kiện hình thành các tiến trình tiếp theo sau.

Tiến trình điều kiện hóa vận hành bằng cách ảnh hưởng đến chức năng thứ hai của tâm là tưởng (saññā) hay sự nhận biết, (xem Chương 2). Về căn bản, thức (viññāṇa)không phân biệt, không phê phán. Mục đích của thức chỉ đơn thuần ghi nhận sự tiếp xúc đã xảy ra ở tâm hay thân. Nhưng tưởng hay sự nhận biết thì luôn phê phán. Nó lấy những kinh nghiệm tích chứa từ quá khứ để so sánh đánh giá và phân loại bất kỳ hiện tượng mới nào. Những phản ứng trong quá khứ trở thành những điểm tham khảo mà chúng ta dựa vào đó để nhận hiểu về một kinh nghiệm mới. Ta phê phán và xếp loại kinh nghiệm mới đó dựa theo những hành nghiệp (saṅkhāra) của ta trong quá khứ.

Theo cách này thì những phản ứng thèm muốn hay chán ghét trước đây ảnh hưởng đến tưởng (saññā) hay sự nhận biết của chúng ta trong hiện tại. Thay vì nhìn vào thực tại, ta lại nhìn như “hình ảnh phản chiếu sai lệch trong gương”. Nhận biết của ta về thế giới bên ngoài và thế giới bên trong đã bị méo mó và che mờ vì những điều kiện trong quá khứ, những sở thích và những định kiến của chúng ta. Theo sự nhận biết méo mó này, một cảm giác vốn dĩ trung tính đột nhiên trở thành dễ chịu hay khó chịu. Chúng ta lại phản ứng với cảm giác này, tạo nên một điều kiện mới và làm méo mó hơn nữa sự nhận biết của ta. Theo cách này thì mỗi phản ứng trở thành nhân cho những phản ứng tương lai, tất cả đều bị điều kiện hóa bởi quá khứ, và đến lượt chúng lại trở thành điều kiện định hình cho tương lai.

Chức năng kép của saṅkhāra được trình bày trong chuỗi tiến trình duyên khởi (xem Chương 4). Mắt xích thứ hai trong chuỗi này là saṅkhāra (hành), điều kiện tiên khởi cho sự khởi sinh của thức (viññāṇa), tiến trình thứ nhất trong bốn tiến trình của tâm. Tuy nhiên saṅkhāra cũng là tiến trình cuối cùng trong bốn tiến trình, theo sau [ba tiến trình trước đó là] thức (nhận biết), tưởng (nhận định) và thọ (cảm giác).1 Theo hình thức [sắp xếp] này thì saṅkhāra (hành) lại tái xuất hiện sau thọ (cảm giác), như là phản ứng thèm muốn hay chán ghét. Thèm muốn hay chán ghét phát triển thành bám chấp và trở thành sức đẩy cho một giai đoạn mới của hoạt động tâm, thân. Và như vậy tiến trình tự nuôi dưỡng nó. Mỗi saṅkhāra cho ra một chuỗi sự kiện dẫn đến một saṅkhāra mới, dẫn đến một chuỗi sự kiện mới nữa trong sự lặp lại không ngừng, một vòng lẩn quẩn. Mỗi khi phản ứng, ta lại củng cố thêm nữa thói quen phản ứng của tâm. Mỗi khi ta phát triển sự thèm muốn hay chán ghét, ta lại tăng cường khuynh hướng của tâm để tiếp tục tạo ra chúng. Một khi khuôn mẫu của tâm đã được thiết lập, ta bị mắc kẹt vào trong đó.

Lấy ví dụ, ông A ngăn cản ông B không đạt được điều mong ước. Do đó ông B tin rằng ông A là kẻ xấu và căm ghét. Niềm tin đó không dựa trên sự xem xét cá tính của ông A, mà hoàn toàn dựa trên sự kiện là ông A đã phá hỏng mơ ước của ông B. Niềm tin này khắc sâu vào tiềm thức của ông B, và mỗi lần tiếp xúc sau này với ông A đều bị ảnh hưởng bởi ấn tượng xấu đó, làm khởi sinh cảm giác không ưa thích, tạo ra sự chán ghét mới và củng cố hơn nữa hình tượng xấu về ông A. Ngay cả khi hai người gặp lại nhau sau 20 năm, ông B vẫn nghĩ đến ông A như là một người xấu và lại thấy ghét. Cá tính của ông A có thể đã thay đổi hoàn toàn sau thời gian 20 năm, nhưng ông B phán đoán ông A qua kinh nghiệm quá khứ. Phản ứng không phải với ông A, mà là với một niềm tin về ông A dựa trên phản ứng mù quáng ban đầu, và do đó là thiên lệch.

Trong một trường hợp khác, ông C giúp ông D đạt được điều mong ước. Ông D được giúp đỡ nên tin rằng ông C là người tốt và ưa thích ông ta. Niềm tin này chỉ dựa trên sự kiện ông C giúp ông toại nguyện chứ không phải dựa trên sự xem xét kỹ cá tính của ông C. Niềm tin tích cực này được ghi vào tiềm thức và ảnh hưởng đến bất cứ sự giao tiếp nào sau đó với ông C, làm khởi sinh cảm giác tốt đẹp, khiến ông D càng thích ông C nhiều hơn, và điều đó củng cố hơn nữa niềm tin rằng ông C là người tốt. Dù bao nhiêu năm qua đi, khi hai người gặp lại nhau, cùng một khuôn mẫu được lặp lại với mỗi lần giao tiếp mới. Ông D phản ứng không phải với chính ông C, mà chỉ là với niềm tin của ông đối với ông C, dựa trên phản ứng mù quáng ban đầu.

Theo cách này, một saṅkhāra có thể làm khởi sinh một phản ứng mới ngay tức khắc hay trong tương lai xa xôi. Và mỗi phản ứng sau đó lại trở thành nguyên nhân của những phản ứng tiếp theo sau, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều khổ đau hơn nữa. Đây là tiến trình lặp đi lặp lại của các phản ứng, của khổ đau. Chúng ta tưởng rằng ta đang đối diện với thực tại bên ngoài, nhưng thực ra ta đang phản ứng với những cảm giác của ta, vốn đã bị điều kiện hóa bởi những nhận định và phản ứng trước đó của ta. Ngay cả khi ta ngừng tạo ra những hành nghiệp (saṅkhāra) mới kể từ bây giờ, chúng ta vẫn phải đối diện với những hành nghiệp cũ đã tích tụ. Vì kho chứa hành nghiệp cũ này, một khuynh hướng phản ứng sẽ duy trì và bất cứ lúc nào cũng có thể tự biểu hiện, tạo ra những khổ đau mới cho ta. Chừng nào mà những hành nghiệp cũ vẫn còn tồn tại thì ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.

Làm sao ta có thể xóa sạch những phản ứng cũ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn về tiến trình của pháp thiền Vipassana.

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app