Minh Sát Diễn Giải – 9. Các Nhân (hetu) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

9– Các nhân (hetu)

Trong 82 pháp có thực tính (sabhāva). Nípbàn là pháp ra ngoài sinh diệt, nên nibbānakhông cần bất kỳ nhân nào để sinh lên cũng không cần bất kỳ nhân nào để duy trì, vì nibbāna không ở trong phạm vi của “già- chết” (jarā-maraṇa), do vậy, nibbāna là pháp vô vi (asaṅkhāra dhamma).

Ngoài nibbāna, những pháp chân đế còn lại, tất cả đều nằm trong phạm vi sinh – diệt, gọi là pháp hữu vi (saṅkhāradhamma), nên chúng có nhân sinh ra.

Sắc pháp có bốn nhân sinh như đã đề cập, tuy sắc hư không, sắc dị và sắc diệt không có nhân sinh, nhưng chúng vẫn bị diệt.

Trong bốn nhân vừa đề cập liên quan đến sắc pháp, thì nghiệp (kamma) là nhân; tâm (citta), thời tiết (utu), vật thực (āhāra) đơn giản chỉ là duyên ([41]).

Cơ thể vật chất phát triển, chững lại và được duy trì bởi năng lực của chất ấm gọi là utu(thời tiết) và bởi năng lực của sắc vật thực; nếu quyền lực của sắc vật thực hết thì sắc mạng quyền chấm dứt; thế là quyền lực của sắc thời tiết nơi thân) cũng chấm dứt. Sắc do tâm tạo chỉ hiển lộ khi cần thiết.

Như những cái cây, hạt là nhân, chúng phát triển và được duy trì bởi những các thành phần của đất, nước và ánh sáng. Nếu hai thành phần đất và nước không có thì hạt giống không có, hạt giống không có thì làm gì có cây? Mặt khác, cho dù có đất, nước, ánh sáng nhưng không có hạt giống thì cây không thành hình.

Cũng vậy, cây ví như cơ thể vật chất, hạt giống ví như nghiệp (kamma), đất ví như thời tiết (utu), nước ví như sắc vật thực (āhāra) và ánh sáng mặt trời ví như tâm.

Về danh pháp (tâm và tâm sở), có 3 loại danh pháp: thiện, bất thiện và vô ký.

Trong đó danh pháp thiện hay bất thiện là quan trọng, vì chúng chính là nhân tạo thành nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện; duyên (paccaya) cho danh thiện hay bất thiện là cảnh (ārammaṇa).

Nhân cho danh thiện sinh khởi chính là tác ý đúng (yoniso manasikāra)([42]); nhân cho danh bất thiện sinh khởi là tác ý sai (ayoniso manasikāra).

“Tác ý” được hổ trợ bởi āvajjana (hướng đến), nói cách khác, “hướng đến (āvajjana)” là duyên cho “tác ý”. Đôi khi āvajjana (hướng đến) được dùng đồng nghĩa với tác ý (manasikāra).

Nếu hướng tâm đúng thì tâm thiện sinh lên, nếu hướng tâm sai thì tâm bất thiện sinh lên; cảnh (ārammaṇa) chỉ là điều kiện hổ trợ, không phải là nhân để thiện hay bất thiện sinh khởi.

Tâm có thể được ví như con thuyền, thủy thủ là “tác ý”, hướng đi con thuyền (là āvajjana) nằm trong tay người thủy thủ. Nếu “hướng đi đúng” con thuyền sẽ đến nơi muốn đến; nếu “hướng đi sai”, con thuyền sẽ bị lạc lối, thuận bườm xuôi gió ví như gặp thuận cảnh, gặp phải sóng to, gió lớn ví như gặp nghịch cảnh.

Bây giờ chúng ta nói đến nhân theo cách khác. Mỗi thức (citta) trong sáu thức đều có bốn nhân.

*- Nhân sinh nhãn thức có bốn: Nhãn vật (cakkhu vatthu) hay thần kinh nhãn, cảnh sắc (rūpārammaṇa), ánh sáng (āloka) và tác ý (manasikāra).

Trong đó manasikāra (tác ý) chính là tâm Hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana citta)([43]). Nếu thiếu một trong bốn nhân này thì nhãn thức không sinh lên.

*- Nhân sinh nhĩ thức có bốn: Nhĩ vật (sotavatthu) hay thần kinh nhĩ, cảnh thinh (saddārammaṇa), khoảng không (ākāsa) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì nhĩ thức không sinh lên.

*-Nhân sinh tỷ thức có bốn: Tỷ vật (ghānavatthu), cảnh mùi (gandhārammaṇa), gió (vāta)([44]) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì tỷ thức không sinh lên.

*- Nhân sinh thiệt thức có bốn: Thiệt vật (jīvhāvatthu) hay thần kinh thiệt, cảnh vị (rasārammaṇa), chất nước (āpo)([45]) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì thiệt thức không sinh lên.

*- Nhân sinh thân thức có bốn: Thân vật (kāyavatthu), cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa), chất thô (thaddha) và tác ý (manasikāra).

Ở đây, thaddha là tính chất thô kệch của một trong ba chất: Đất, lửa, gió; chỉ với mức độ xúc chạm thô kệch tối thiểu nào đó mới có thể tác động lên thần kinh thân, nếu quá nhẹ nhàng thì cảnh xúc không thể tác động lên thần kinh thân.

Và nếu không có sự  tác động thì thân thức không sinh khởi, đồng thời nếu thiếu một trong bốn nhân thì thân thức cũng không sinh lên.

*- Nhân sinh ý thức có bốn: Sắc ý vật (hadayavatthu), cảnh pháp (dhammārammṇa), ý môn (manodvāra) và tác ý (manasikāra).

Cảnh pháp (dhammārammaṇa) bao gồm tất cả đối tượng: Các sắc pháp (ngoài năm sắc cảnh kể trên), tất cả tâm – tâm sở, nibbāna và chế định (paññatti).

 Trong thực tế, ý thức vẫn biết được năm sắc cảnh (sắc, thinh, mùi, vị và xúc), nhưng nói cảnh pháp là để phân biệt với 5 cảnh trên, vì chúng có liên quan đến 5 giác quan, ý thhức thì không liên quan gì đến 5 giác quan.

Ý môn (manodvāra), là sự sinh diệt liên tục loại tâm đầu tiên của kiếp sống mới, thuật ngữ gọi là bhavaṅgacitta (tâm hữu phần), tâm đầu tiên của kiếp sống mới, thuật ngữ gọi là paṭisandhiviññāṇa (thức nối liền hay tâm tái tục).

Vì sao cảnh pháp lại xuất hiện trong ý môn mà không ở sắc ý vật?

Sắc ý vật là nơi ý thức sinh lên, nhưng nó không là loại cơ quan nhất định  nào cả, nên sự tác động của các cảnh không thể xuất hiện ở đó, do vậy chúng  phải xuất hiện chỉ ở ý môn, như “sự nhớ lại”, “sự tưởng tượng”, “sự suy gẫm”…

Ở cõi ngũ uẩn thì có sắc ý vật để làm chỗ nương sinh cho tâm, cõi vô sắc thì không cần điều kiện này.

Và nếu thiếu một trong ba nhân (ở cõi Vô sắc) hay bốn nhân (trong cõi ngũ uẩn) thì ý thức không sinh lên, như: Tuy có tác ý đến kiếp trước, nhưng cảnh pháp này không hiện khởi nên không “biết được kiếp trước”, trong đới sống hằng ngày, có khi chúng ta muô1n nhớ lại điều gì đó, nhưng không tài nào nhớ được, chỉ vì cảnh pháp ấy không csinh lên…

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app