Minh Sát Diễn Giải – 7. Các Danh Pháp (nāmadhammā) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

7–  Các danh pháp (nāmadhammā)

Danh pháp có 54 loại là:

– Tâm hay thức (citta).

 Tâm sở (cetasika), có 52 loại .

– Nípbàn (Nibbāna)([33]).

*- Tâm hay thức (citta) là pháp có khả năng nhận biết cảnh.

*- Tâm sở (cetasika) là những pháp đồng sinh với tâm, ngoài sự “biết cảnh” như tâm, những tâm sở còn có những đặc tính, chức năng riêng.

*- Nibbāna (nípbàn), theo nguyên ngữ là ni (không có) + varn (liên kết). Nípbàn là pháp không có liên kết với ái, là pháp thoát ra vòng sinh tử, thoát ra mọi đau khổ.

A- Tâm hay Thức.

Thức có sáu loại là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

*- Thức sinh lên tại thần kinh nhãn được gọi là nhãn thức, có chức năng thấy. Nhãn thức  có khả năng nhận biết tất cả màu sắc, dáng vẻ, hình dạng…

*- Thức sinh lên tại thần kinh nhĩ được gọi là nhĩ thức, có chức năng nghe. Nhĩ thức có khả năng nhận biết tất cả âm thanh.

*- Thức sinh lên tại thần kinh tỷ được gọi là tỷ thức, có chức năng ngửi. Tỷ thức có khả năng nhận biết tất cả mùi.

*- Thức sinh lên tại thần kinh thiệt được gọi là thiệt thức, có chức năng nếm. Thiệt thức có khả năng nhận biết tất cà vị chất.

*- Thức sinh lên tại thần kinh thân được gọi là thân thức, có chức năng đụng chạm. Thân thức có khả năng nhận biết tất cả đụng chạm.

*- Thức sinh lên tại sắc ý vật (hadayavatthu) gọi là ý thức. Ý thức có khả năng nhận biết tất cả đối tượng (ārammaṇa – cảnh).

Trong cõi vô sắc (arūpa loka) ý thức sanh lên không cần sắc ý vật.

Ý thức được chia ra làm bốn loại:

*- Tâm Dục giới (kāmāvacaracittaṃ)([34])

*- Tâm Sắc giới (rūpāvacaracittaṃ)–

*- Tâm Vô sắc giới ( arūpāvacaracittaṃ).

*- Tâm Siêu thế (lokuttaracittaṃ).

Tâm dục giới là loại tâm nằm trong quyền lực của dục tham (kāmataṅhā), nói cách khác dục tham chiếm ưu thế trong các loại tâm dục giới.

Tâm Dục giới có bốn thành phần là: Tâm bất thiện (akusalacittaṃ), tâm thiện (kusalacitttaṃ),  tâm quả (vipākacittaṃ) và tâm vô ký (kiriyacittaṃ).

Tâm Sắc giớilà tâm thiền (jhānacittaṃ), tuy thoát khỏi tham dục (kāmalobha), nhưng vẫn còn trong phạm vi quyền lực của ái sắc (rūpataṅhā), là sự thích thú với cảnh thiền sắc, ái sắc chiếm ưu thế trong tâm thiền Sắc giới.

Tâm Sắc giới có ba thành phần là: Tâm thiền (thiện) Sắc giới, tâm quả thiền Sắc giới và tâm vô ký thiền Sắc giới.

Tâm Vô sắc giới (arūpāvacara). Cũng là loại tâm thiền, nhưng với đề mục vô sắc, loại tâm này tuy thoát ra được sự kềm chế của ái sắc, nhưng vẫn bị ái vô sắc (arūpataṅhā) chi phối, vẫm nằm trong quyền lực của tham cảnh thiền Vô sắc.

Tâm Vô sắc giới cũng có ba thành phần: Thiện, quả và vô ký như tâm Sắc giới.

Tâm Siêu thế (lokuttaracittaṃ). Là tâm chứng đắc Nípbàn và thành tựu địa vị bậc Thánh (ariya) thoát khỏi ba loại ái (ái dục, ái sắc, ái vô sắc) diệt trừ nghiệp dẫn tái sinh vào ba cõi.

Tâm Siêu thế có hai loại: Tâm Đạo và tâm quả Siêu thế; mỗi loại có bốn bậc là: Tâm Đạo Dự lưu, tâm quả Dự lưu; tâm Đạo Nhất lai, tâm quả Nhất lai; tâm Đạo Bất lai, tâm quả Bất lai; tâm Đạo Alahán, tâm quả Alahán. Tính gọn là 8 tâm (nếu tính rộng thì có 40 tâm).

B- Tâm sở (cetasikā).

Tâm sở có 52 loại, bao gồm các thành phần như sau:

a- Tâm sở tợ tha (vimissaka cetasikā).

Gọi là “tợ tha” nghĩa là “giống như bên ngoài (chúng)”. Tức là khi chúng hợp với thiện thì chúng là thiện, khi chúng hợp với bất thiện thì chúng là bất thiện, chúng hợp với vô ký thì chúng là vô ký.

Ngài Shwe Zan Aung gọi chúng là “không thiện” cũng “không bất thiện”, do chúng hợp với cả tâm thiện và bất thiện.

Tâm sở tợ tha bao gồm hai thành phần: Tâm sở biến hành và tâm sở biệt cảnh.

*- Bảy tâm sở biến hành (sabba cittaka). Được gọi như vậy vì 7 tâm sở này có trong tất cả các tâm, đó là: Xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cố ý) (cetanā), nhất hành (ekaggatā), mạng quyền (jīvitindriya) và tác ý (manasikāra).

1’- Xúc (phassa). Là sự chạm mạnh để làm cho cảnh (ārammaṇa) thích hợp hay không thích hợp lộ ra.

Xúc là một tác lực cơ bản của danh pháp, mọi danh pháp (ngoài xúc) nếu không có xúc thì không thể sinh lên. Nếu sức  mạnh của xúc yếu ớt, không đủ sức “nhấn mạnh” cảnh, khi ấy cảnh không lộ ra để các danh pháp khác sinh lên.

2’- Thọ (vedanā). Là khả năng nhận lãnh cảnh do xúc làm hiển rộ ra. Tất cả chúng sinh thường chìm đắm trong các loại thọ này.

3’ – Tưởng (saññā). Là sự “nhớ lại” để hiểu biết.

Tất cả chúng sinh hiểu biết nhiều hơn nhờ tưởng; nếu tưởng đúng pháp thì mang lại rất nhiều lợi ích, còn như tưởng sai pháp sẽ dẫn đến những tai hại lớn.

Tưởng thường phù hợp với theo tập quán, tín ngưỡng… hoặc chúng theo “khuôn mẫu” cái đã từng biết (như ví dụ con hươu ở trên).

4- Tư hay cố ý (cetanā). Là khả năng xác định các hành động của các tâm sở để làm cho chúng hài hoà.

Theo cách nói thông thường của thế gian, thì đó là người giám sát, người thực hiện hay tác giả của việc nào đó, của công trình nào đó.

Chúng ta thường nói “Ồ, việc này do người này làm ra”, hay “đây là công trình của người này”…

Tư (cetanā) được cho là  nghiệp (kamma), vì xác định các hoạt động của  thân, khẩu, ý hay giám sát các tâm sở khác.

Mỗi thành tựu trong cuộc đời, là kết quả từ những nỗ lực trong công việc do thân, khẩu và ý thực hiện. Cũng vậy, những kiếp sống mới là kết quả của tâm sở Tư (cetanā) trong các hoạt động của thân, khẩu, ý được thực hiện trong hiện tại, kiếp trước hay kiếp trước trrước đó.

Trái đất, nước, núi, cây, cỏ, đồng ruộng, sa mạc… tất cả đều do thời tiết (utu) tạo ra, nhưng vẫn có vai trò của tâm sở Tư trong đó, như xe báu, ngọc báu của vua Chuyển luân vương là do phước riêng của vua Chuyển luân, chúng hiển lộ ra, hay thời nào chúng sinh sống thiện pháp thì mưa thuận gió hòa…([35]).

5’-Nhất hành (ekaggatā). Cũng được gọi là Định (samādhi). Nó nổi bật trong sự chứng đắc định (jhānasamāpatti), hay chứng đạt các tâm thiền siêu thế (lokuttara jhāna).

6’- Mạng quyền (Jīvitindriya). Là danh mạng quyền, nổi trội trong việc giữ gìn sự an trụ cho danh pháp.

7’- Tác ý (Manasikāra). Có chức năng đem cảnh mong muốn đến cho tâm.

*- Sáu tâm sở biệt cảnh (pakiṇṇaka cetasikā). Được gọi như vậy, vì chúng chỉ sinh lên khi gặp cảnh thích hợp.

Sáu tâm sở biệt cảnh là: Tầm (vitakka), Tứ (vicāra), Thắng giải (adhimokkha), cần (viriya), hỷ (pīti), và dục (chanda).

1’- Tầm (vitakka). Có chức năng hướng tâm đến cảnh. Tầm cũng được gọi là Tư duy (saṅkappa).

Tư duy có hai loại là chánh tư duy (sammāsaṅkappa)([36]), và tà tư duy (micchāsaṅkappa).

2’- Tứ (vicāra). Có chức năng quan sát cảnh.

3’ – Thắng giải (adhimokkha). Theo nghĩa đen là “tách rời khỏi tâm (mokkha – thoát ra) với cảnh”. Nó có chức năng làm cho tâm không bị dao động giữa hai điều: “đó là”, hay “đó không là”, “đúng hay không đúng”.

4’- Cần (vīriya). Nghĩa là sự cố gắng; có hai loại là chánh cần và tà cần. Chánh cần là sự cố gắng thực hành thiện pháp, còn tà cần là sự cố gắng thực hành theo bất thiện pháp.

5’- Hỷ (pīti ). Là sự thích thú, hân hoan.

6- Dục (chanda). Là sự mong muốn, như muốn đi, muốn nói…

Sáu tâm sở này không có thường xuyên trong tất cả các loại tâm, có nhiều tâm không có chúng, do vậy, chúng được gọi là biệt cảnh (pakiṇṇaka).

Bảy tâm sở biến hành hợp với sáu tâm sở biệt cảnh, tổng cộng là 13 tâm sở. Mười ba tâm sở này được gọi là tâm sở tợ tha (vimissaka cetasikā). Chúng có mặt trong ba loại tâm: Thiện, bất thiện và vô ký.

b- Tâm sở bất thiện (akusala cetasikā).

Có 14 tâm sở là: Tham (lobha), sân (dosa), si (moha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), ganh ty (issā), bỏn xẻn (macchariya), hối hận (kukkucca), không hổ thẹn (với) tội lỗi (ahirika), không ghê sợ (với) tội lỗi (anottappa), loạn động (uddhacca),  dã dượi (thīna), buồn ngủ (middha) và nghi (vicikicchā).

1’- Tham (lobha). Theo nghĩa đen là tham, nhưng nghĩa mở rộng là “sự dính mắc của tâm vào cảnh”.

Đôi khi tham được gọi ái (taṇhā), là đắm nhiễm (abhijjhā), là trìu mến (rāga).

2’- Sân (dosa). Nghĩa đen là nóng nảy, nghĩa mở rộng là “sự đánh mạnh của tâm vào cảnh”.

Dosa có hai tên gọi khác là paṭigha (phẫn nộ) và byāpāda (hiềm hận).

3’- Si (moha). Nghĩa đen là “sự mê muội”, nghĩa mở rộng là “sự thiếu hiểu biết về pháp”.

Moha cũng được gọi là avijjā (vô minh), aññāṇa (si mê, ngu xuẩn) và adassana (mù lòa).

Ba loại tâm sở trên được gọi là ba căn bất thiện (akusalamūla), chúng là nguồn gốc của tất cả các bất thiện pháp.

4’- Tà kiến (diṭṭhi). Là thấy sai, hiểu sai, cho vô thường là thường, vô ngã là ngã, thiện là bất thiện hay phủ nhận quả của nghiệp…

5’ – Ngã mạn (māna). Là sự  so sánh danh sắc (nāma-rūpa) này (là danh sắc của chúng sinh ấy) với danh sắc khác, xem là cao thượng hay không cao thượng, theo giòng họ, tài sản, địa vị, hay những gì chứng đạt hoặc không chứng đạt được ….. từ đó nảy sinh tự hào hay tự ti mặc cảm.

6’- Ganh tỵ (issā). Là sự không hài lòng, không tán thành, thiếu xu hướng chúc mừng người, khi thấy người này có những thành công trong đời sống.

Issā còn mang ý nghĩa khác, là “có khuynh hướng tìm lỗi người”.

7’- Bỏn xẻn (macchariya). Là sự hẹp hòi, keo kiết, không muốn chia xẻ với người khác những gì mình có.

8’- Hối hận (kukkucca). Là lo lắng thái quá về những nghiệp bất thiện đã làm hay về những nghiệp thiện đã bỏ qua.

Có hai cách thể hiện như vầy “Ta đã làm điều ác” hay “ta đã bỏ qua những nghiệp thiện như bố thí, trì giới…”.

9’- Không hổ thẹn tội lỗi (ahirika). Khi sắp phạm một tội gì đó thì không có cảm giác tội lỗi như “ta thật có tội nếu làm điều này”, hoặc là “một số người hay chư thiên có thể biết điều tội lỗi này được ta làm”, cảm giác ấy không sinh lên trong tâm người ấy. Đó chính là “không hổ thẹn với tội lỗi”.

10’- Không ghê sợ tội lỗi (anottappa). Là không sợ hậu quả khi làm điều tội lỗi, khôngg “lo sợ tự mình chê trách mình (attānuvādabhaya) như: “ta là kẻ ngu ngốc; ta đã làm điều sai trái”, không “lo sợ người khác chỉ trích (parānuvādabhaya)”,không “lo sợ bị hình phạt (daṇḍabhaya) của luật nước”, không “lo sợ trong các cõi khổ (apāyabhaya) sau khi mạng chung”.

11’- Loạn động (uddhacca). Là trạng thái tâm tâm tán loạn, không vững vàng, như người bị lạnh run rảy.

12’- Dã dượi (thīna – hôn trầm). Là sự lười biếng của tâm; đó là trạng thái lờ mờ khi nhận biết cảnh của tâm, giống như người uống rượu quá say không còn điều khiển được thân mình.

13’- Buồn ngủ (middha – thuỵ miên). Là sự lười biếng của của các tâm sở, đó là sự lờ mờ trong khả năng nhận biết của mỗi tâm sở như xúc, thọ, tưởng…

14’- Hoài nghi (viicikicchā). Là không tin vào điều cần phải tin.

Mười bốn loại trên được gọi là Pāpajāti (giống ác) hay pháp bất thiện (akusaladhammā), thực tế chúng là bất thiện.

c- Tâm sở tịnh hảo ( sobhana cetasi kā hay kalyānajātika).

Gọi là tịnh hảo (sobhanā), vì nhóm tâm sở này vừa trong sạch vừa tốt đẹp. Nhóm tâm sở này gồm có 25 loại: Vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha), tín (saddhā), niệm (sati), hổ thẹn tội lỗi (hiri), ghê sợ tội lỗi (ottappa), hành xả (tatramajjhattatā), tịnh thân (kāyapassaddhi), tịnh tâm (cittapassaddhi), nhu thân (kāyalahutā), nhu tâm (cittamudutā), thích thân (kāyakammaññatā), thích tâm (cittakammaññatā), thuần thân (kāyapāguññatā), thuần tâm (cittapāguññatā), chánh thân (kāyujukatā), chánh tâm (cittujukatā), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanta), chánh mạng (sammā ājīva), bi (karuṇā), tùy hỷ (mudutā).

Hai tâm sở cuối được gọi là appamaññā (vô lượng).

1’- Vô tham (alobha). Là trạng thái tâm không thích thú cảnh. Alobha cũng được gọi là nekkhammadhātu (xuất ly giới)và anabhijjhā (không đắm nhiễm).

2’- Vô sân (adosa). Là trạng thái tâm không khó chịu với cảnh. Adosa cũng được gọi là abyāpāda (không hiềm hận)và mettā (từ).

3’- Vô si (amoha). Là “không mê muội “, nghĩa rộng là “biết các pháp như  thật”.

Amoha cũng được gọi là ñāṇa (trí), paññā (tuệ), vijjā (minh), sammādiṭṭhi (chánh kiến).

Ba loại này được gọi là ba kalyāṇamūla (cội rễ thiện) do chúng là nguồn gốc của tất cả các pháp thiện.

4’- Tín (saddhā). Là tin điều đáng tin, tin điều cần phải tin. Tín còn được gọi là pasāda(trong sạch).

5’-Niệm (sati). Là ghi nhận rõ để không lãng quên, cũng được gọi là dhāraṇa (nắm bắt), uṭṭhāna (nỗi bật lên).

6- Hổ thẹn tội lỗi (hiri). Là sự nhún nhường, bao hàm cả sự lưỡng lự khi làm các điều ác do thấy hổ thẹn khi người khác biết việc mình làm.

7’- Ghê sợ tội lỗi (ottappa). Là sự thận trọng, bao hàm cả sự lưỡng lự khi làm các điều ác do lo sợ tự buộc tội, bị người khác buộc tội hay lo sợ phải chịu hình phạt trong hiện tại, hay lo sợ bị trừng phạt trong các cõi khổ (apāyabhaya).

8’- Hành xả (tatramajjhattatā). Là sự cân bằng của tâm, là cách tâm không bám cảnh và cũng không đẩy lùi cảnh.

Tatramajjhattatā còn được gọi là upekkhā brahmavihāra  (xả phạm trú) trong bốn loại phạm trú: Từ , bi, hỷ, xả, là xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga) trong các giác chi (bojjhaṅga).

9’- Tịnh thân (kāya passaddhi). Nghĩa là sự an tịnh của các tâm sở.

10’- Tịnh tâm (citta passaddhi). Nghĩa là sự an tịnh của tâm.

 “An tịnh” nghĩa là các tâm sở và tâm được êm dịu nhờ thoát ra pháp bất thiện (pāpadhamma) khi làm các việc thiện.

11’- Khinh thân (kāyalahutā). Là sự nổi bật của các tâm sở.

12’- Khinh tâm (cittalahutā). Là sự nổi bật của tâm.

“Sự nổi bật” có nghĩa là các tâm sở và tâm trở nên sáng chói do thoát khỏi pháp bất thiện quấy nhiễu đến chúng, khi làm các việc thiện. Giảithích tương tự cho phần còn lại.

13’- Nhu thân (kāyamudutā). Là sự mềm dẻo, dễ uốn nắn của các tâm sở.

14’- Nhu tâm (cittamudutā). Là sự mềm dẻo, dễ uốn nắn của tâm.

15’- Thích thân (kāyakammaññatā). Là sự thích hợp trong việc làm của các tâm sở.

16’- Thích tâm (cittakammaññatā). Là sự thích hợp trong việc làm của tâm.

17’- Thuần thân (kāyapāguññatā). Là sự thành thạo của các tâm sở.

18’- Thuần tâm (cittapāguññatā). Là sự thành thạo của tâm.

19’- Chánh thân (kāyujukatā). Là tính ngay thẳng, chính trực của các tâm sở.

20’- Chánh tâm (cittujukatā). Là tính ngay thẳng, chính trực của tâm.

21’- Chánh ngữ (sammāvācā). Là lời nói đúng đắn. Chánh ngữ là không thực hiện bốn việc ác về lời như: Nói dối, nói vu khống, nói lời sỉ nhục và nói vẩn vơ.

22’- Chánh nghiệp (sammā kammantā). Là không làm những việc ác về thân như: sát sanh, trộm cắp và tà dâm.

23’- Chánh mạng (sammā ājīva). Là nuôi mạng một cách đúng đắn.

Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng được gọi là ba giới phần.

24’- Bi (karuṇā). Là sự thương xót, có ý muốn giúp đỡ những ai đang đau khổ.

25’- Tùy hỷ (muditā). Là sự vui mừng với thành công của người khác.

Hai tâm sở này được gọi là karuṇā brahmavihāra (bi phạm trú) và muditābrahmavihāra (hỷ phạm trú). Chúng cũng được gọi là appamaññā citta (vô lượng tâm), theo định nghĩa sau:

 “Appamānesu sattesu bhavāti = appamaññā: Do không có giới hạn chúng sinh, gọi là vô lượng”.

C- Nípbàn (nibbāna).

Nibbāna là sự diệt nghiệp dẫn đi tái sinh.

Nípbàn chỉ có một, nhưng tùy theo sự chứng đạt Nípbàn của bậc Thánh, Nípbàn có thể phân thành ba loại: Nípbàn thứ nhất, nípbàn thứ hai và nípbàn thứ ba. Ví như người có mắt nhìn rõ một vật, lần thứ hai nhìn rõ hơn và lần thứ ba thì thấy rõ trọn vẹn.

Nípbàn thứ  nhất: Thoát khỏi 4 cõi khổ  (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Dự lưu và bậc Thánh Nhất lai. (Hai bậc này đã diệt trọn vẹn nghiệp dẫn đi tái sinh về bốn khổ cảnh – Nd).

Nípbàn thứ hai: Thoát thế gian dục lạc (kāmaloka) (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Anahàm – Nd).

Nípbàn thứ ba: Thoát ra khỏi cõi Sắc (rūpaloka) và cõi Vô sắc (arūpaloka) (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Alahán. Nd).

Thức, 52 tâm sở và Nípbàn gom lại là 54 danh pháp.

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app