Minh Sát Diễn Giải – 13. Pahāna Pariññā (diệt Trừ Hoàn Hảo) & Chú Thích – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

13- Pahāna Pariññā (diệt trừ hoàn hảo)

Trong kinh điển có năm loại pahāna  (diệt trừ) cần phải bàn là:

1- Tạm thời diệt trừ (tadaṅgapahāna).

2- Gián đoạn  diệt trừ (vikkhambhanapahāna).

3-  Cắt đứt diệt trừ (samucchedapahāna).

4- Khinh an diệt trừ (paṭipassaddhipahāna).

5- Kết thúc diệt trừ (nissaraṇapahāna) (còn gọi là “sự viên tịch”).

Để làm rõ những loại trên thì phải đề cập đến ba “nơi trú” của các ô nhiễm (āsava – lậu hoặc), được gọi là vùng (bhūmi) của chúng, đó là:

a- Vùng ngủ yên (anusayabhūmi). Là vùng mà các ô nhiễm (āsava – lậu hoặc) yên lặng, như sóng trong nước, không dấy động và các tâm sở “thay mặt” cho chúng trong ba thời sinh – trụ – diệt..

b- Vùng bộc phát (pariyuṭṭhānabūmi): Là vùng mà các ô nhiễm đã “trở mình”, chúng đã hiện diện trong tâm chúng sinh khi tâm bắt ngoại cảnh (cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp”, bất kỳ cảnh nào có khả năng làm cho chúng “thức dậy”, tạo ra sự xáo động qua một trong 6 cửa (dvāra) lả nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

Chúng chính là những tâm sở bất thiện, chủ yếu là: Tà kiến, tham và si; những tâm sở bất thiện còn lại chỉ là “tùy tùng” của ba ô nhiễm này.

c- Vùng vi phạm (vītikkamabhūmi). Là thân, khẩu, khi ấy các ô nhiễm trở nên mạnh mẽ, không thể điều khiển được; chúng tạo ra những ác nghiệp qua thân – khẩu.

Có ba sự học tập (sikkhā) là : Giới học(sīla sikkhā), định học (samādhi sikkhā) và tuệ học (paññāsikkhā).

Giới học. Có thể trừ khử ô nhiễm ở vùng vi phạm, nhưng ô nhiễm ở hai vùng còn lại chưa được diệt trừ.

Do các ô nhiễm ở hai vùng: Bộc phátngủ yên chưa được diệt trừ, khi chúng bộc phát sẽ nhanh chóng tràn đến vùng vi phạm, tái lập lại những gì mà giới học đã khử trừ.

Loại ô nhiễm do giới khử trừ được gọi là tạm thời diệt trừ (tadaṅgapahāna).

Định học. Là những tầng thiền Sắc giới  hay Vô sắc giới, có thể khử trừ những ô nhiễm ở vùng bộc phát, nhưng không thể khử trừ những ô nhiễm ở vùng ngủ yên.

Mỗi khi chúng thức dậy nhanh chóng tràn đến vùng bộc phát, chúng tạo ra những chướng ngại cho thiền định.

Do vậy, sự khử trừ ô nhiễm do thiền Định (samādhi), gọi là “gián đoạn diệt trừ (vikkhambhanapahāna- còn gọi là áp chế đoạn trừ), có nghĩa là “khử trừ có khoảng cách”. Dĩ nhiên, năng lực khử trừ của định học cao hơn giới học.

Tuệ học. Là tuệ của thiền quán khi đạt đến Đạo siêu thế.

Tuệ học có khả năng trừ diệt các ô nhiễm trong “vùng ngủ yên”, nơi mà Giới học, Định học không thể đến được. Tùy theo cấp độ chứng đạt Đạo siêu thế, các loại ô nhiễm ít hay nhiều được tuyệt dứt.

Các ô nhiễm được tuệ học trừ tuyệt, chúng không bao giờ còn sinh khởi được. Cách khử trừ này, gọi là “tận trừ (samucchedapahāna)” (sammuccheda nghĩa đen là “cắt bỏ”).

– Tuệ đi đôi với Quả siêu thế loại trừ các ô nhiễm, bằng cách làm cho chúng yên lặng hoàn toàn.

Ví như lửa đã tắt nhưng còn hơi nóng, người ta đem một hai thùng nước dội vào, khiến lửa hoàn toàn nguội lạnh, cũng vậy, khi tuệ đạo diệt trừ tận gốc ô nhiễm, tuy ô nghiễm hết rồi nhưng dư hưởng của chúng còn vướng vít; tuệ Quả siêu thế diệt trừ nốt, khiến ô nhiễm hoàn toàn biến mất, không còn chút dư tàn,  sự khử trừ này gọi là “khinh an diệt trừ (paṭipassaddhi pahāna)”.

Loại trừ bằng cách đạt đến nibbāna được gọi là nissaraṇapahāna hay viên tịch (parinibbāna). Là hoàn toàn thoát khỏi vĩnh viễn mọi trói buộc của các hữu.

Như vậy, tuệ học có ba loại : Tuệ quán, tuệ Đạo và tuệ Quả siêu thế.

Tuệ quán chỉ có thể “tạm trừ” ô nhiễm ở vùng ngủ yên, không thể “tuyệt dứt” như tuệ Đạo. Chỉ có tuệ đạo mới làm được việc này theo tương ứng.

– Tuệ Đạo Dự lưu (sotāpatti magga) (tuệ Đạo đầu tiên), loại trừ hoàn toàn tất cả tà kiến và hoài nghi, đồng thời cũng loại trừ tất cả nghiệp bất thiện dẫn xuống bốn cõi khổ, khiến chúng vĩnh viễn không thể sinh khởi lên được.

– Tuệ  Đạo Nhất lai (sakadāgāmi magga), loại trừ tất cả tham và sân thô.

– Tuệ Đạo Bất lai (anāgāmi magga), loại trừ tất cả các tham và sân vi tế  còn lại, chưa được đạo thứ hai loại trừ. Với bậc Anahàm không còn ái dục và sân; cõi Phạm thiên (brahma loka) là nơi duy nhất để vị ấy tái sinh vào.

– Tuệ Đạo Alahán (Arahatta magga), loại trừ tất cả các ô nhiễm còn lại. Vị ấy trở thành bậc Alahán (Arahatta) thoát khỏi tam giới.

Theo lời dạy của Đức Phật (Buddha sāsana); tận trừ (sammuccheda pahāna) là điều chính yếu cần phải đạt được.

Bây giờ tôi sẽ chỉ ra những điểm chính cần thiết cho những ai hành thiền quán.

Trong ba tuệ quán thì tuệ vô thường cần phải đạt được đầu tiên. Như thế nào? Nếu chúng ta nhìn kỹ vào buổi chiếu phim thì chúng ta sẽ thấy nhiều hình ảnh cho một cảnh đẹp, chúng thay đổi nhanh chóng trong khoảnh khắc.

Chúng ta cũng sẽ thấy rằng cần có một trăm hay nhiều hơn nữa những bức ảnh để trình diễn một cảnh cơ thể chuyển động. Thực tế, đó là các chức năng của thay thế (vipariṇāma) và biến đổi (aññathābhāva), hay đại diện của vô thường cho các chuyển động.

Nếu xem xét kỹ những chuyển động trong cảnh như đi, đứng, ngồi, ngủ, co, duỗi… của các phần trong cơ thể trong khoảnh khắc, chúng ta sẽ thấy rằng trong đó chứa đầy những thay đổi. Đó là vô thường.

Thậm chí trong một bước đi, có nhiều sự thay đổi của hình ảnh, cũng vậy với những cử động khác. Bây giờ chúng ta áp dụng điều này vào chính chúng ta.

Vô thường của danh sắc có trong toàn bộ cơ thể chúng ta, hoặc trong mỗi phần cơ thể. Nếu có thể thấy rõ được những chức năng vô thường luôn hoạt động trong cơ thể chúng ta thì chúng ta sẽ đạt được tuệ trừ diệt.

Sự vỡ ra, rơi xuống, và thay đổi của nhiều bộ phận trong mỗi giây, mỗi phần nhỏ của giây, cho chúng ta thấy rõ sự thay đổi của mỗi bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể.

Nếu thấy rõ được như vậy thì có thể nói rằng “quán vô thường” được thực hiện tốt. Và nếu quán vô thường được thực hiện tốt thì quán vô ngã cũng được thực hiện tốt.

Cụm từ “được thực hiện” có nghĩa là việc hành thiền được tiến hành thuần thục, đến mức có thể thấy vô thường trong toàn bộ thời gian sống; nhưng không có nghĩa rằng đạt được tuệ Đạo hay tuệ Quả Siêu thế

Sự đạt được tuệ  Đạ0 – quả Siêu thế, nhanh hay chậm tùy theo giới trong sạch hay còn nhiễm ô.

Rất khó biết được sự thật về thành tựu đạo quả của người khác. Thậm chí, có bậc thánh Dự lưu, nhưng phàm nhân cũng khó biết “vị ấy là bậc Dự lưu”.Vì sao? Do khó hiểu được giai đoạn tiềm tàng của các ô nhiễm.

Những  hành giả (yogis) hay các thiền sinh không biết được sự ‘tiềm tàng” của các ô nhiễm, đôi khi nghĩ mình “thành tựu bậc Dự lưu”, trong khi tà kiến và hoài nghi chỉ bị loại trừ phần nào mà thôi.

Khi tà kiến và nghi với tất cả các trạng thái tiềm tàng của chúng được diệt tận, vị ấy mới thật sự đạt được Đạo Dự lưu.

Các thiền sinh nên hành thiền quán suốt cả cuộc đời,  phải hoan hỷ quán vô thường cho đến khi thuần thục.

Ngay cả bậc Thánh Alahán cũng không từ bỏ sự luyện tập này, để đảm bảo tâm yên lặng. Khi hành thiền cả đời, tuệ  quán của các thiền sinh sẽ  phát triển để vượt qua lãnh vực phàm nhân, thành tựu bậc Thánh trước khi chết hay khi sắp chết,  nếu không thành tựu bậc thánh, vị ấy cũng được tái sinh vào cõi chư thiên trong kiếp sau và kiếp kế kế.

Bài thuyết giảng ngắn Vipassanā dīpanī hay Khái quát về pháp hành thiền quán cho những người theo giáo pháp Đức Phật tại Châu Âu được kết thúc nơi đây.

Bài này được viết ở Mandalay trong khi tôi ngụ tại tu viện Ratanāsīri, nơi có tổ chức họp hàng năm của Hội phổ biến pháp Đức Phật ra nước ngoài và hoàn thành vào ngày 14th tại Taboung năm 2458 B.F nhằm ngày 26.02.1915 C.E.


([1])– Như Pāli: Sabbesaṅkhārā aniccāti: Các pháp hữu vi là vô thường.

Sabbe saṅkhārā dukkhāti: Các pháp hữu vi là khổ.

Sabbe dhammā anattāti: Các pháp là vô ngã. (Dhp- câu số 277, 278, 279 ) – Nd phụ chú..

Và theo ý nghĩa này, ngay cả Nípbàn cũng không có “ngã”, nhưng Nípbàn  là p háp vô vi (asaṅkhāradhamma)  nên Nípbànlà thường, lạc, tịnh.

Gọi là thường, không phải Nípbàn luôn có trong danh sắc của bậc Thánh, mà do “nhân sinh khổ” bị diệt, vĩnh viễn không còn sinh lên nữa, nên gọi là “thường”.

Gọi là lạc, vì nhân sinh khổ bị diệt vĩnh viễn, nên khổ  sinh lên do nhân đó không còn, thế là “lạc”.

Gọi là tịnh, vì những nhơ bẩn do nhân sinh khổ không có, thế là “trong sạch”-  (Nd phụ chú).

([2])– A.ii, 52. Pháp bốn chi, Vipallāsasuttaṃ (kinh Đảo ngược).

([3])– Đức Phật có dạy: Māyūpamañca viññāṇaṃ: Thức uẩn như nhà ảo thuật. (S.iii, 114; kinh Bọt nước – Pheṇabiṇḍūpamasuttaṃ) (Nd pc).

([4])–  “Sattā kammayoni: Chúng sinh có nghiệp là thai tạng”.  M. iii, kinh Tiểu Nghiệp phân biệt – Cūlakammavibhaṅgasuttaṃ. (Nd trích dẫn).

([5])– Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ :Nípbàn là hạnh phúc tối thượng (Dhp- câu) – ND pc. 

([6])– Ám chỉ đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) – Nd pc.

([7])– Bốn khổ cảnh là: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và Atula – ND pc.

([8])– A.i,282, pháp ba chi, kinh Che dấu  (Paṭicchannasuttaṃ) – Nd pc

([9])– Xem M.i, (số 22), kinh Ví dụ con rắn (Alagaddūpamasuttaṃ) – Nd pc.

([10])– Xem D.i, kinh Phạm võng – Brahmajālasuttaṃ – Nd pc.

([11])– Xem M,iii Kinh Tiểu nghiệp phân biệt. Nd pc.

([12])– Āsava còn được dịch là “thấm rịn, rỉ chảy, ô nhiễm”, như rỉ sét sinh ra từ sắt lại làm mòn sắt, ở đây dịch là “trầm luân” nghĩa là “chìm đắm trong luân hồi”. Pháp “chìm đắm này có bốn là:

– Chìm đắm trong cõi dục, hay trong ngũ trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là kāmāsava: Dục trầm luân, hay dục ô nhiễm.

– Chìm đắm trong trong cõi Sắc hay cõi Vô sắc, gọi là bhavāsava: Hữu trầm luân hay hữu ô nhiễm.

– Chìm đắm trong kiến thức sai quấy, gọi là diṭṭhāsava: Kiến trầm luân, hay kiến ô nhiễm.

– Chìm đắm trong sự mê muôi, gọi là Avijjāsava: Vô minh trầm luân, hay vô minh ô nhiễm.

Chi pháp của dục trầm, hữu trầm là tâm sở tham (lobhacetasika); của kiến trầm là tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika); cùa vô minh trầm là tâm sở Si (mohacetasika). Tâm sở tham chính là ái – Nd pc.  

([13])– Gati thường được hiểu theo nghĩa  saṃsāra (luân hồi), đây chúng tôi dùng theo nghĩa gốc là đi, nên dịch là “luân chuyển”. Nd pc.

([14])– Trái dừa có thể bốc lên cao khi gặp gió trốt, nhưng khi gió dứt thì trái dừa lại rơi xuống. Cũng vậy, một số phàm nhân có thể tái sinh vào cõi cao hơn khi gặp  gió trốt “thiện nghiệp”, nhưng khi phước ấy hết, thì phàm nhân lại rơi xuống – Nd pc.  

([15])– Riêng các vị chư thiên (devā) có thể rơi thẳng xuống địa ngục như Ác ma Dūsī trong kinh Hàng ma (Māratajjanīyasuttaṃ), được ghi chép trong Trung bộ Kinh I- Nd  pc.

([16])– S.ii, 263; chương IX; Tương Ưng ví dụ (Opammasaṃyuttaṃ).

([17])– S.v, 455. kinh lỗ khóa 1 (Paṭhamachiggaḷayugasuttaṃ).

([18])– S.v, 474 . Tương ưng sự thật (Saccasaṃyuttaṃ), Phẩm năm sanh thú (Pañcagatipeyyālavaggo).

([19]) S.v, 475,  Tương ưng sự thật (Saccasaṃyuttaṃ), Phẩm năm sanh thú (Pañcagatipeyyālavaggo).

([20])– Ở đây chỉ cho bậc Thánh Hữu học . Nd.

([21])– Xem DhpA- kệ ngôn số 16. Nd pc.

([22])– Tất nhiên dối với các cõi Phạm thiên, vị Thánh phải chứng đắc thiền định

([23])– Nếu bậc Thánh  Dự lưu  là chư Thiên, các Ngài cũng không tái sinh vào cõi người, là Phạm thiên  Dự lưu,  các Ngài cũng không tái sinh vào cõi Dục – Nd pc.

([24])– S.ii,133. Tương ưng Minh kiến (Abhisamayasam.yuttaṃ), kinh Đầu ngón tay (Nakhasikhāsuttaṃ)(Nd)

([25])– Xem D.i, kinh Phạm Võng (brahmajālasuttaṃ ). Nd pc.

([26])– M. i, số 8, kinh Đoạn giảm (Sallekhasuttaṃ).

 

([27])– Như nhà khoa học, có thể từ “nước” hay thuật ngữ 2HO. Đối với người thường dùng từ “:nước”, đối với nhà khoa học bạn, có thể dùng cả hai từ mà không bị phản bác. Nd pc.

([28])– S.iv,15, Phẩm Tất cả (Sabbavaggo) Kinh Tất cả (Sabbasuttaṃ).

([29])– Dhs, đầu đề tam (mātikā).

([30]) S.iv, 1, Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), Kinh Vô thường (Ajjhattāniccasuttaṃ) (Nd pc).

([31]) S.iv, 2 Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), Kinh Vô ngã (Ajjhattānattasuttaṃ) (Nd pc).

([32])– D,iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttaṃ).

([33])Nibbāna ở đây được xem như là một pháp thực tính (sabhāva), không phải là một quan niệm mang tính chủ thể hay khách thể.

([34])–  avacara, nghĩa là thường lui tới – Nd pc.

([35])– Xem Jātaka, chuyện trọng pháp (Gurudhamma). – Nd.

([36])– Là chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Chánh tư duy là “sụ tìm kiếm đúng”,  là tìm kiến bản thể đúng như thật của các pháp; trong đó có Nípbàn; còn tà tư duy là “tìm kiến sai”, tức là tìm kiến dục lạc – Nd pc.

([37])–  Tính hẹp thì: 89 tâm –  (5 đôi thức + 4 tâm quả Vô sắc giới ) + 2 tâm thần thông =  77 tâm.

 Tính rộng thì : 121 tâm –( 5 đôi thức + 4 tâm quả Vô sắc) + 2 tâm thần thông = 109 tâm. (Nd).

([38])– Phong cách của Ngài Ledi Sayadaw khi mô tả một ý nghĩa, Ngài thường dùng nhiều thuật ngữ “đồng nghĩa”.  Do không thành thạo ngôn ngữ cùng văn hoá Miến Điện nên tôi (dịch giả  bản Anh ngữ – Nd) khó có thể dịch với nhiều thuật ngữ thích hợp.

([39])-Chú giải sư của “dhammasaṅgaṇī”, trong Aṭṭhasālinī có giải thích điều này bằng minh họa về cái hầm trú ẩn bên bờ sông. Trước tiên, nước phun ra khỏi hầm giống như ācaya của chuỗi sắc pháp, phun tia nước là sự tăng trưởng dần dần của nước cho đến khi đầy giống như upacaya và ngập giống như SantatiDịch giả bản Anh ngữ.

([40])– Như  trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận: Ngài Soreyya từ thân nam biến thành nữ khi xúc phạm đến Ngài Mahā Kaccāyana, từ thân nữ trở thành nam sau khi Soreyya sám hối Ngài Mahā Kaccāyana. Nd.

([41])– Điển hình chúng sinh cõi Vô tưởng do nghiệp sinh ra. Nd pc.

([42])– Manasikāra là “việc làm của ý”. Nd pc

([43])Tâm hướng ngũ môn là tâm hướng về năm cửa: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Nhưng mỗi thới điểm chỉ hướng được một cửa tương ứng với cảnh, như  khi có cảnh sắc xuất hiện thì tâm này hướng về mắt, khi có cảnh thinh xuất hiện thì tâm này hướng về tai…. – Nd.

([44])- Vāta là loại gió đi vào mũi, nhờ đó mùi mới xúc chạm được với thần kinh mũi – Nd.

([45]) – Chất nước ở đây chỉ cho nước bọt có trong lưỡi – Nd.

([46])– Dhs, Mẫu đề tam (Mātikā).

([47]) – Sabhāva – Thực tính hay bản thể thật có. – Nd pc.

([48])– Ở đây nên hiểu là: Trạng thái cứng có thể thay đổi từ: rất cứng đến, cứng, cứng vừa phải rồi, mềm, vừa mềm, rất mềm…” Tức là chúng vẫn thay đổi trạng thái từ cứng sang mềm hay ngược lại. Nhưng chung quy vẫn là mềm hay cứng hoặc cứng hay mềm, nên dùng “không thay đổi” theo nghĩa này, không phải theo nghĩa “luôn luôn”, như “luôn luôn cứng, luôn luôn mềm” –  Nd pc.  

([49])– A.ii, 49. Pháp bốn chi, kinh Rohitassa (Rohitassasuttaṃ) – Nd trích dẫn.

([50])– Gọi Nípbàn là thường, vì những gì bị diệt vĩnh viễn không còn sinh khởi lại, như bịnh vĩnh viễn không còn tái phát, đó là thường.

Gọi là lạc, vì sự khổ do phiền não ấy ra đã chấm dứt hoàn toàn, như sự khổ do bịnh gây ra đã chấm dứtkhông còn sinh khởi lại. Khổ dứt đó là “lạc”; lạc vì không khổ chứ không phải là thọ lạc, do đó gọi Nípbàn là lạc – Nd pc.

([51])– A.iv, 338. Chương 8 pháp, kinh Cội rễ của sự vật (mūlakasuttaṃ).  

([52])– A.iv, 354- Chương pháp 9 chi; kinh Tôn giả Meghiya (Meghiyasuttm.)

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app