Minh Sát Diễn Giải – 11. Ba Pariññā (hoàn Hảo) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

11- Ba Pariññā (hoàn hảo)

Pariññā có nghĩa là sự hiểu biết đầy đủ một cách đúng đắn, nên dịch là “hoàn hảo”. Có ba loại hoàn hảo là:

a- Trí  hoàn hảo (ñāta pariññā).

Là nhận thức rõ ràng, đầy đủ và đúng đắn về danh sắc, Nípbàn cùng với tất cả các nhân gần (padaṭṭhāna) của chúng (trừ Nípbàn, vì Nípbàn không có nhân sinh – Nd) .

Nói cách khác, trí hoàn hảo là “hiểu rõ ràng về bốn pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp và Nípbàn”, như được mô tả trong phần “sự thật” và “các nhân”.

 Hay “trí hoàn hảo” là sự nhận thức trọn vẹn các pháp một cách hoàn hảo theo pháp thắng trí trong các khía cạnh chân đế, qua sự che đậy của chế định (santhānapaññāti) như: diễn đạt bằng ngôn từ, hình ảnh hay ví dụ để mô tả… .

Như nói: tóc, lông, móng, răng da… trí hoàn hảo sẽ nhận thức đó là “chất đất”… Khi nói: Mật, đàm, mủ, máu… trí hoàn hảo sẽ nhận thức “đó là chất nước”…

Chỉ nhận thức rõ ràng một cách đúng đắn về một trong tứ đại (đất, nước, gió, lửa) cũng gọi là “trí hoàn hảo về sắc pháp”.

Còn về  54 loại danh pháp, nếu chỉ nhận thức rõ ràng về một trong 4 danh uẩn: Thọ, tưởng, hành, thức; cũng gọi là “trí hoàn hảo về danh”. Khi nhận thức rõ Nípbàn đó là chức năng cao tột của trí hoàn hảo.

b- Diễn tiến hoàn hảo (tīraṇa pariññā). Là sự nhận thức đúng đắn, rõ ràng và đầy đủ về diễn tiến của chuỗi danh sắc. Từ lúc sinh lên, tăng trưởng rồi suy thoái, cuối cùng diệt đi. Tiếp theo là nhận thức sâu rộng về hiện tượng sinh diệt  ấy.

Diễn tiến hoàn hảo có ba:

*- Vô thường hoàn hảo (anicca pariññā). Là trí hoàn hảo về sự sinh – diệt hay “sinh ra rồi chết”.

“Chết” có hai loại: Chết theo thông thường và chết theo chân đế.

Khi nói “cái chết là điều không tránh khỏi của tất cả chúng sinh”, đó là “chết theo thông thường”;  cái chết này không có gì nổi bật cũng không nằm trong “vô thường hoàn hảo”, vì đó chỉ là sự hồi tưởng lại cái chết (maraṇānussati – tùy niệm sự chết).

Chỉ có “cái chết” chân đế (ám chỉ sátna diệt của danh sắc – Nd) mới có đặc điểm nổi bật, đó mới là “vô thường hoàn hảo”.

Nói cách khác, thấy rõ “sự diệt của danh sắc”, không phải do hồi tưởng lại, đó mới là “vô thường hoàn hảo”.

*- Khổ hoàn hảo (dukkha pariññā). Là tuệ hoàn hảo về đặc tính khổ.

Khổ có hai loại: Cảm thọ khổ (vedayita dukkha) và kinh sợ khổ (bhayattha dukkha).

Cảm thọ khổ (vedayita). Là cái khổ về thân tâm; khổ thân là đau đớn thuộc về  thân, như nhức răng, đau chân, ê ẩm toàn thân … Khổ tâm là buồn rầu (soka), than van (parideva), tuyệt vọng (upāyāsa)…

Kinh sợ khổ (bhayattha dukkha). Là do nghĩ đến cái khổ trong tương lai nên phát sinh kinh sợ, sự kinh sợ này ở giữa tuệ thấy nguy hại (ādīnava ñāṇa) và tuệ sợ (bhaya ñāṇa).

Như sợ khổ sinh (jātidukkha), sợ khổ già (jarādukkha), sợ khổ chết (maraṇadukkha), sợ hành khổ (saṅkhāradukkha), sợ khổ do thay đổi (vipariṇāma dukkha), những loại khổ này sẽ  giải thích sau.

Đây là ví dụ minh họa cho hai sự khổ này.

 Một người bị bệnh hiểm nghèo, phải sống kiêng khem như ăn rau và trái cây để căn bịnh được giảm nhẹ, để giữ mạng sống.

Khi ăn nhiều chất bổ dưỡng như thịt gia cầm, thịt bò, cá… với sự thích thú, hài lòng , sau khi ăn, người này bị chứng bị hành hạ khiến thân đau đớn, tâm khó chịu, bất an; món ăn càng ngon thì người này chịu đau đớn nhiều hơn, cơn bịnh càng gia tăng. Đây là “khổ thân”.

Một người bạn của y,  với lòng tốt đem đến biếu một số món ăn thượng vị, cơm trộn bơ, thịt gà, cá, thịt… Y lo sợ sẽ bị đau đớn nếu ăn món ăn như vậy, dù chỉ chút ít. Tuy cám ơn người bạn nhưng y phải từ chối rằng “cảm ơn bạn, vật thực rất ngon, rất bổ dưỡng, nhưng nếu tôi ăn vào bịnh sẽ gia tăng, thân thể  sẽ đau đớn lắm”.

Trong ví dụ này, món ăn thượng vị là cảnh tốt đẹp, khi ăn có khẩu vị ngon (là lạc thân), tâm thích thú (là lạc tâm). Đó là cảm giác lạc (vedayitasukha).

Nhưng người này thấy trước rằng “món ăn này sẽ gây cho mình sự đau đớn có thể làm giảm sức khoẻ hay chết đi”, món ăn này thật sự “nguy hại – ādīnava”. Người này chùn lại và sợ nó, vì biết rằng vị càng ngon thì càng bị nhiều đau đớn,  nên y không thích thú món ăn ấy mà còn nhàm chán nó. Đây là “kinh sợ khổ”.

Thật ra, kinh sợ khổ không phải là sự kinh sợ do tâm sân điều hành,  mà đó là sự kinh sợ cái “hậu quả phát sinh trong tương lai”.

Người bị chứng bịnh hiểm nghèo ví như người chưa thoát ra tà kiến “cái tôi”, “cái của tôi”, chưa được an toàn đối với các cõi khổ khi tái sinh.

Món ăn thượng vị ví như các kiếp sống của người, chư thiên và phạm thiên và cảm  giác lạc (vedayita sukha) khi thọ dụng món vật thực ví như an lạc cõi người, an lạc cõi chư thiên, an lạc cõi phạm thiên.

Sự đau đớn thân tâm sau khi thọ dụng món ăn, ví như trạng thái tái sinh trong nhiều kiếp sống khác sau khi chết.

Cảm thọ khổ (vedayita dukkha) đồng nghĩa với thọ khổ (dukkha vedanā), trong tam đề thọ (vedanātīkā) là:

– Dukkhāya vedanāya sampayuttā dhammā: Tất cả pháp hòa hợp với thọ khổ ([46]).

Kinh sợ khổ (bhayattha dukkha) đồng nghĩa với “sự thật về cái khổ (dukkhasaccaṃ)” và với “tướng khổ (lakkhaṇa dukkhaṃ)”, là một trong ba đặc điểm nổi bật của pháp hữu vi: Vô thường, khổ, vô ngã.

Do vậy, khả năng nhận thức đầy đủ và hoàn hảo về bản chất bên trong của khổ sanh tử luân hồi đối với người, chư thiên, phạm thiên, sau bức màn “an lạc”, gọi là dukkha pariññā (khổ hoàn hảo).

*- Vô ngã hoàn hảo (anatta pariññā). Là trí hoàn hảo và đầy đủ về khả năng nhận định pháp theo đặc tính “không có cái ta”.

Với trí về vô ngã (anatta), thấy được rằng: “Tất cả chuỗi danh sắc theo chân đế” thì chẳng có chi gọi là “linh hồn”, là “thực thể thường hằng”…. Nhờ đó hiểu rằng “tự ngã” không hề có; không hề có “một linh hồn thường hằng” di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.

Nếu đạt ở mức độ cao nhất, tuệ này được gọi là anattā pariñña.

c- Diệt trừ hoàn hảo (pahāna pariññā). Là tuệ hoàn hảo, có khả năng xua tan ảo giác.

Nó xua tan ba pháp “thường đảo ngược (nicca vipallāsa)” theo cách quán xét về vô thường.

Xua tan ba pháp “lạc đảo ngược(sukha vipallāsa)” theo cách quán xét vể khổ.

Xua tan ba pháp “trong sạch đảo ngược (subha vipallāsa)” theo cách quán về “không trong sạch”.

 Và xua tan ba pháp “ngã đảo ngược (attā vipallāsa)” theo cách quán về vô ngã.

Ở đây, attā (ngã) hay linh hồn, thực chất chỉ sự tưởng tượng qua sự phủ lấp của chế định (santhāna paññatti), và jīva (cuộc sống) thực chất chỉ là tưởng tượng qua “chế định liên tục (santati paññatti)” của danh sắc hay ngũ uẩn.

Trong hai ảo tưởng này thì “phủ lấp chế định (santhāna paññatti)” có thể được thoát khỏi nhờ tuệ về hai loại sự thật tục đế và chân đế.

Nhưng liên tục chế định (santati paññatti) chỉ có thể được loại trừ khi vô thường hoàn hảođạt đến đỉnh cao.

Santati có nghĩa là sự tiếp diễn của một pháp hay nhiều pháp, một uẩn hay nhiều uẩn cùng tiếp diễn. Có hai sự tiếp diễn.

*- Sự tiếp diễn của sắc pháp. Là sự tiếp diễn của sắc pháp do nghiệp tạo, do tâm tạo, do thời tiết tạo và do vật thực tạo.

Mỗi một trong bốn loại tiếp diễn này sẽ thay đổi nếu nhân tương ứng sinh ra chúng bị thay đổi.

a’- Sự thay đổi tiếp diễn của sắc do nghiệp tạo.

Sự thay đỗi tiếp diễn của loại sắc do nghiệp tạo ra không rõ ràng lắm, tuy nhiên, chúng vẫn có sự thay đổi, như khi “một sắc thần kinh nào đó bị hư hoạn, sự tiếp diễn của loại sắc thần kinh đó chấm dứt”; hoặc giả, có thể thấy sự thay đổi tiếp diễn qua chức năng của chúng.

Khi “thấy” là sắc thần kinh nhãn đang thâu nhận cảnh sắc, chỉ một cái thấy dường như toàn bộ “cảnh sắc” được hình thành. Thật ra, từng nét, từng nét được sắc thần kinh nhãn thâu bắt một cách nhanh chóng, rồi đúc kết lại một cách liên tục, bấy giờ “cảnh sắc” mới hiện rõ trong sắc thần kinh nhãn. Đó là diễn tiến liên tục của thần kinh nhãn đối với sự thấy.

Khi người này chớp mắt, trong khoảnh khắc ngắn ấy, sự thấy diệt mất, thay thế vào đấy là “sự không thấy”, đó là “đang thâu bắt cảnh sắc đã bị thay thế  bằng “không thâu bắt cảnh sắc”. Hoặc khi người ấy nhắm mắt để ngủ thì “sự không thấy” tiếp diễn, bất ngờ người ấy  mở mắt, sự không thấy chấm dứt và sự thấy sinh lên rồi tiếp diễn.

Tương tự như vậy với “sự nghe”, dường như thần kinh nhĩ chỉ một lần thâu nhận trọn vẹn âm thanh. Thật ra, “từng đợt sóng âm” tiếp chạm với thần kinh nhĩ và nhanh chóng nối kết lại thành “âm thanh”. Khi âm thanh chấm dứt thì “sự nghe kết thúc”, và “sự không nghe” sinh lên. Đó là thay đổi sự tiếp diễn của sự nghe.

Các sắc do nghiệp tạo khác cũng được hiểu tương tự như vậy. Đây là sự thay đổi tiếp diễn của sắc do nghiệp tạo.

b’-Sự thay đồi tiếp diễn của sắc do tâm tạo.

Sự thay đổi tiếp diễn của các sắc do nghiệp tạo khó thấy (như hai sắc tính, sắc mạng quyền, sắc ý vật chẳng hạn), nhưng với loại sắc do tâm sinh ra thì rất rõ ràng.

Chỉ một hành động ngồi xuống, nhiều cử động của nhiều bộ phận khác nhau nơi cơ thể được nối kết nhau tạo thành “sự ngồi”, tương tự như thế với “sự đứng”; khi “sự ngồi” thay đổi thành “sự đứng” thì sự liên tục ngồi bị thay đổi thành “liên tục đứng”….

Những cử động từ ngồi sang đứng… chỉ là sự thay đổi tiếp diễn sang tiếp diễn khác của sắc uẩn.

Trong mỗi uẩn, đều có ba giai đoạn: Sinh (jāti), già (jarā) và chết (maraṇa). Trong mỗi bước đi đều có: Sự bắt đầu, sự tiếp diễn và sự chấm dứt; trong mỗi bước đi, đều có “sinh lên”, “tiến triển”, “thối hóa” và “diệt mất”, dù chúng ta nói “một bước”. Điều này áp dụng chung cho toàn bộ cơ thể.

Nếu có hàng trăm hay hàng ngàn bước đi trong sự đi bộ, thì có hàng trăm hàng ngàn bộ bốn: Sinh, tiến, dị, diệt. Đồng thời có hằng trăm, hàng ngàn sự thay đổi tiếp diễn nơi cơ thể, như một bước chân chấm dứt thì sự dừng lại sinh lên, khi sự dừng lại chấm dứt thì sự đi mới sinh lên… Hay là, một bước đi có thể được chia ra làm hai là nhấc chân lên, đặt chân xuống, thế là đã có “sự thay đổi tiếp diễn”.

Tương tự như thế với tất cả oai nghi: Đứng, ngồi, nằm, co tay, duỗi tay….

Cái gì làm thay đổi sự tiếp diễn của sắc pháp?

Chính là sự thay đổi của sắc tứ đại do tâm tạo, như một bước đi chẳng hạn, khi nhấc chân lên là chất gió mạnh hơn ba chất kia, khi đặt chân xuống thì chất đất mạnh hơn ba chất kia… khi chất lửa mạnh thì chân mõi nhừ, khi đi nhanh thì chất gió mạnh, khi đi chậm thì chất gió yếu…

Trong các trạng thái tâm như: vui, buốn, cáu kỉnh… sẽ có những động tác thích ứng với trạng thái tâm, bấy giờ loại sắc do tâm tạo đã thay đổi sự tiếp diễn.

c’- Sự thay đổi tiếp diễn của sắc do thời tiết (utu) tạo ra.

Utu (thời tiết)chính là chất lửa, khi chất lửa thay đổi từ nóng sang lạnh hay từ lạnh sang mát, từ mát dịu sang ấm… tạo ra thời tiết.

Chất lửa thay đổi sự tiếp diễn ra sao?

Tất cả các trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, kích động,  nóng bức trong sự tiếp diễn là do chất lửa tạo ra.

Chính lửa tạo ra các sắc rồi làm thay đổi sự tiếp diễn, như khi trời nóng  chúng ta tự quạt, bấy giờ “chất lửa nóng” bị diệt thay vào đó là “chất lửa mát” và sự tiếp diễn của chất lửa mát hiển lộ.

Khi không quạt thì chất lửa mát diệt, chất lửa nóng sinh lên và sự tiếp diễn của chất lửa nóng được lộ ra….

Nói chung, sắc uẩn mệt mỏi, rã rời, dã dượi… là do lửa gây nên, chính lửa là tác nhân gây ra những thay đổi trong  sự tiếp diễn.

Khi chất lửa cường mạnh, nó thiêu đốt các sắc khác. Điễn hình như chất lửa trong đoàn sắc thân biểu tri trong sự đi” quá mạnh thiêu hủy sắc thân biểu tri đi, khi ấy tâm muốn đi, nhưng “đi không nổi”.

Với vật thực nóng và lạnh chúng ta quan sát thấy những sự thay đổi khác nhau trong cơ thể, đó là do nhiệt độ (utu) tạo ra.

Sự tăng lên, giảm đi và điều trị căn bệnh bằng vật thực và thuốc không thích hợp hay thích hợp cũng là do nhiệt độ.

Thậm chí sắc uẩn do tâm tạo vẫn bị nhiệt độ (chất lửa) làm thay đổi sự tiếp diễn, như “thân biểu tri ngồi mệt mỏi” thì “thân biểu tri nằm” xuất hiện, hay khi bị cảm (do lửa nóng hay lạnh), “ngữ biểu tri khàn khàn”, khi hết cảm “ngữ biểu tri du dương, thanh thót”…..

d’- Sự thay đổi tiếp diễn của sắc do vật thực tạo ra.

Nhiều sức sống có nghĩa là khi vật thực vào đến dạ dày, dưỡng tố (ojā)  trong vật thực được hấp thụ rồi lan tỏa toàn bộ cơ thể, khiến cơ thể trở nên cường tráng, khoẻ mạnh.

 Điều cần thiết nhất cho chúng sinh cõi dục là “dưỡng tố” không bị khiếm khuyết và làm tăng trưởng dưỡng tố trong thân để duy trì sự sống.

Nếu con người cho rằng điều quan trọng nhất là sự sống, rõ ràng việc tiếp nhận vật thực thích hợp là vấn đề rất quan trọng.

Việc tiếp nhận vật thực còn quan trọng hơn việc tăng máu vì nếu vật thực vào cơ thể bị giảm sút, tất cả máu và thịt trong cơ thể sẽ dần dần giảm đi. Đời sống của sắc pháp do nghiệp tạo như mắt, tai,… phụ thuộc vào sắc mạng quyền (jīvitindriyaruupa), sắc mạng quyền lại phụ thuộc vào sắc vật thực.

Nếu không được tiếp nhận vật thực, toàn bộ cơ thể cùng với sức sống sẽ yếu đi. Nếu việc tiếp nhận vật thực bên ngoài bị trì hoãn trong vòng sáu hay bảy ngày, sức sống của những sắc pháp do nghiệp tạo sẽ hết, khi đó người ta nói rằng chúng sinh ấy “chết”.

Bây giờ, không cần phải chỉ ra sự thay đổi diễn tiến của các sắc do vật thực tạo vì chúng rõ rằng cho mỗi người, có được vật thực phù hợp đầy dưỡng tố thì sắc do vật thực tạo tươi tốt, khỏe mạnh. Trái lại thì xanh xao, vàng vọt, gầy yếu….

*- Sự tiếp diễn của danh pháp.

Chúng cũng rất nhiều. Mỗi người biết tâm của chính mình đều có sự tiếp diễn của nhiều loại tâm sở: tham, sân, si, tín,  vô tham, vô sân….

Trong oai nghi ngồi, nhiều loại suy nghĩ sinh lên, đến nổi không đếm được và điều này mọi người đều nhận biết.

Mỗi quá trình của sự suy nghĩ, đều có sinh lên (jāti), dừng lại (ṭhiti) và diệt mất (bhaṅga).

Nhiều người nhận biết như vầy: “bây giờ tham sinh lên trong ta”, “sân đang sinh lên trong ta”….; hay “tham đã diệt trong ta”; hay “sân đã diệt trong ta”.

Nhưng không thể nói rằng nó diệt mãi mãi hay không thể nói rằng nó đã hết vì đây chỉ là sự diệt hay chết tạm thời của quá trình tiếp diễn các suy nghĩ. Khi có các điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ sinh lên trở lại.

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app