8- Sắc pháp (rūpadhammā)
Sắc pháp là thể vật chất vô tri giác, có tất cả là 28 sắc pháp. Trong đó có 18 sắc gọi là “sắc sinh khởi – jātarūpāni”, là loại sắc có khả năng tạo ra sắc khác. Mười sắc còn lại gọi là “sắc phi khởi sinh – ajātarūpāni”, vì chúng không có khả năng tạo ra sắc khác.
A-Mười tám sắc sinh khởi (Jātarūpāni).
Gồm các loại sắc sau: Bốn sắc tứ đại, (mahābūta), sáu sắc vật (vatthurūpa) làm chỗ nương sinh cho tâm, bốn sắc trần cảnh (gocararūpa), hai sắc tính (bhāvarūpa), sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa), sắc vật thực (āhārarūpa).
1’- Sắc Tứ đại (mahābūta).
Gọi là mahābhūta (đại hiển) vì phát triển nhanh chóng.
Đó là bốn chất cơ bản của sắc pháp, các loại sắc pháp khác đều nương từ bốn chất này mà sinh ra. Sắc tứ đại là đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo), gió (vāyo).
*- Yếu tố mở rộng là đất (pathavī); đất là nền tảng của vật chất. Đất có đặc tính “cứng hay mềm”, đất thay đổi đặc tính này với nhiều cách: Cứng, rất cứng, mềm, mềm dẻo, rất mềm…
*- Yếu tố kết dính là nước (āpo); nước có khả năng “kết dính” các vật chất, nhờ đó chúng tạo ra những khối sắt, quặng, mỏ, núi non, lâu đài …. hoặc làm “tan rã” các vật chất.
Nhìn bên ngoài, có nhiều loại kết dính cũng như tan rã.
*- Yếu tố nóng – lạnh là lửa (tejo), lửa có khả năng đốt cháy hay làm chín các sắc pháp. Tính chất làm chín này có hai loại là tính chất làm chín của nóng và của lạnh (như cơ thể bị lạnh quá có thể bị hư hoại)…
*- Yếu tố chuyển động là gió(vāyo), gió có khả năng “đẩy tới” hay “cản lại”. Nó có nhiều loại “đẩy tới” như vận chuyển, rung, truyền tin… còn cản lại thì: chậm dần, rất chậm, đứng hẳn…
Từ tứ đại này, tất cả những dạng sắc pháp khác được bắt nguồn hay tạo ra. Hoặc, nói theo cách khác thì “tất cả sắc pháp là sự kết hợp của bốn chất này, tùy theo từng tỷ lệ”.
2’ – Sáu sắc vật (vatthurūpa).
Sắc vật là loại sắc mà từ đó tâm sinh lên và nương trú. Gồm có sáu loại.
*- Sắc thần kinh nhãn (cakkhupasāda). Là thành phần cảm giác bên trong cầu mắt, tại đó nhãn thức được sinh ra.
Thần kinh nhãn có khả năng thâu bắt tất cả màu sắc, hình dạng, dáng vẻ…
*- Sắc thần kinh nhĩ (sotapasāda). Là thành phần cảm giác bên trong tai, tại đó nhĩ thứcđược sinh ra.
Thần khinh nhĩ có khả năng thâu bắt tất cả âm thanh.
*- Sắc thần kinh tỷ (ghāṇapasāda). Là thành phần cảm giác bên trong mũi, tại đó tỷ thứcđược sinh ra.
Thần kinh tỷ có khả năng thâu bắt tất cả các mùi.
*- Sắc thần kinh thiệt (jīvhāpasāda). Là thành phần cảm giác phía trên bề mặt của lưỡi, tại đó thiệt thức sinh ra.
Thần kinh thiệt có khả năng thâu bắt tất cả các vị chất.
*- Sắc thần kinh thân (kāyapasāda). Là thành phần cảm giác chính, nó toả khắp toàn bộ cơ thể bên trong và bên ngoài từ đầu đến chân, tại đó thân thức sinh lên.
Thần kinh thân có khả năng thâu bắt tất cả “đụng chạm” ở thân.
*- Sắc ý vật (hadayavatthu). Là loại sắc rất vi tế bên trong trái tim, tại đó ý thức bao gồm 109 loại tâm sinh lên và nương trú ([37]).
Sắc ý vật có khả năng thâu bắt tất cả đối tượng (ārammaṇa – cảnh)
Tất cả các loại tâm được sinh ra từ sáu loại sắc này, nhưng mỗi loại sắc chỉ dung chứa tâm tương ứng, như thần kinh nhãn chỉ dung chứa nhãn thức, thần kinh nhĩ chỉ dung chứa nhĩ thức… sắc ý vật chỉ dung chứa ý thức.
3’- Bốn sắc trần cảnh (gocararūpa).
Sắc trần cảnh là loại sắc làm đối tượng cho các giác quan thâu bắt, làm khởi sinh năm đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức).
*- Sắc cảnh sắc (rūpārammaṇarūpa). Là tất cả màu hay hình dạng, dáng dấp của nhiều hình ảnh. Sắc cảnh sắc là một trong bốn nhân sinh nhãn thức, tất cả những gì lọt vào thần kinh nhãn, bị nhãn thức biết, đều là cảnh sắc.
*- Sắc cảnh thinh (saddārammaṇarūpa). Là tất cả các tiếng. Sắc cảnh thinh là một trong bốn nhân sinh nhĩ thức. Tất cả những âm thanh lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh nhĩ, bị nhỉ thức biết, đều là sắc cảnh thinh.
*- Sắc cảnh mùi (gandhārammaṇarūpa). Là tất cả các mùi. Sắc cảnh mùi là một trong bốn nhân sinh tỷ thức. Tất cả những gì lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh tỷ, bị tỷ thức biết, đều sắc cảnh mùi.
*- Sắc cảnh vị (raārammaṇarūpa). Là tất cả các vị chất. Sắc cảnh vị là một trong bốn nhân sinh thiệt thức. Tất cả những gì lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh lưỡi, bị thiệt thức nhận biết, đều là sắc cảnh vị.
Ở đây không đề cập đến sắc cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇarūpa), vì sắc cảnh xúc chính là một trong ba đại: Đất, lửa, gió.
Khi thân đụng chạm vào đất thì đất là cảnh xúc (pathavīphoṭṭhabbārammaṇa).Khi thân đụng chạm với lửa, thì lửa là cảnh xúc (tejophoṭṭhabbārammaṇa). Khi thân đụng vào gió thì gió là cảnh xúc (vāyopjoṭṭhabbārammaṇa).
Còn nước (āpo) là loại sắc vi tế (sukhumārūpa) nên nước không thể đụng chạm được mà chỉ nhận thức.
4’- Hai sắc tính (bhāvarūpa).
Bhāva có nghĩa là “bản tính”.
*- Sắc nữ tính (itthibhāvarùpa). Là loại sắc tạo ra hình dạng, dáng dấp, cách thức của người nữ.
*- Sắc nam tính (purisabhāvarūpa). Là loại sắc tạo ra hình dạng, dáng dấp, cách thức của người nam.
Hai sắc tánh này được có riêng biệt trên cơ thể của người nam hay người nữ. Giống như sắc thần kinh thân, hai sắc tính này lan toả toàn bộ cơ thể từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu, bên trong và bên ngoài.
Chúng có đặc tính nổi trội lên để phân biệt nữ hay nam.
5’- Sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa).
Jīvita có nghĩa là “sự sống”, indriya là “khả năng kiểm soát”. Gọi là “sắc mạng quyền” vì có khả năng kiểm soát, gìn giữ “sự sống” của các sắc pháp do nghiệp tạo ra, như nước trong hồ gìn giữ sự sống cho cây sen.
Theo cách nói thông thường là “người sống”, “người chết”, theo chân đế là đề cập đến “có hay không có sắc mạng quyền”.
Khi nói “người ấy còn sống” là ám chỉ sắc mạng quyền còn tồn tại, cho dù người ấy đang ở trạng thái hoặc “hôn mê”, hoặc “tỉnh táo”, “hoặc lịm dần”… Khi nó hoại diệt thì người ấy “chết”. Sắc mạng quyền cũng như sắc thần kinh, nó lan tỏa khắp châu thân.
6’- Sắc vật thực(āhārarūpa).
Sắc vật thực (āhārarūpa) chủ yếu là dưỡng tố (ojā), dưỡng tố là thành phần chủ yếu nuôi dưỡng và thúc đẩy sự lớn mạnh của các sắc pháp.
Như nước có trong đất hay nước rơi từ trên trời xuống giúp các hạt giống nảy mầm, nuôi dưỡng cây, thúc đẩy sự lớn mạnh của cây. Cũng vậy, sắc vật thực giúp các sắc pháp do bốn nhân tạo ra là: Nghiệp, tâm, thời tiết và vật thực được sinh ra và lớn lên.
Sắc vật thực là nhân tố hỗ trợ chủ yếu của sắc mạng quyền, giúp sắc mạng quyền được tồn tại; sắc vật thực có trong thực phẩm mà chúng sinh dùng hằng ngày.
B- Mười sắc phi khởi sinh (ajātarūpāni).
Đó là : Sắc hư không (ākāsadhātu), hai sắc tiêu biểu (viññattirūpa), ba sắc đặc biệt (vikārarūpa), bốn sắc tướng trạng (lakkhaṇarūpa).
1’- Ākāsadhātu (sắc hư không).
Sắc hư không (ākāsadhātu) là khoảng trống giữa hai sắc pháp, gọi là không giới (ākāsadhātu), hư không là loại sắc pháp “không thực thể – nijjīva”, không phải là nguyên tố “sống” như tứ đại… mà đó chỉ là “khoảng trống”.
Trong đống cát nhiều “khoảng trống” giữa hai hạt cát, do vậy chúng ta có thể nói rằng có rất nhiều hư không trong đống cát. Khi đống cát bị dời đi hay bị gió bốc các hạt cát tung bay, bấy giờ “khoảng trống” giữa hai hạt cát cũng bị hoại đi, các “khoảng trống” trong đống cát cũng không còn.
Tương tự như vậy, trong đá, cẩm thạch hay kim cương, sắt… có nhiều hạt nguyên tử, giữa hai hạt nguyên tử là “khoảng trống”; trong mỗi hạt nguyên tử nhỏ nhất thì cũng có ít nhất là tám sắc là: tứ đại, màu, mùi, vị và sắc vật thực, và mỗi sắc được tách rời với nhau bởi “hư không” ở giữa chúng.
Do có những “khoảng trống” này mà đá, sắt.. có thể bị vỡ ra, bị cắt thành từng miếng, bị nghiền nhỏ hay bị chảy ra.
2’- Hai sắc tiêu biểu (viññattirūpa).
Gọi là viññattirūpa (sắc tiêu biểu) có nghĩa là “phương thức truyền đạt ý nghĩa” để người khác hiểu được. Đó là:
*- Thân biểu tri (kāyaviññatti). Là sự chuyển động đặc biệt của cơ thể, nhờ đó người khác biết được ý nghĩa như đi, đứng, nằm, ngồi….
*- Ngữ biểu tri (vacīviññatti). Là sự chuyển động đặc biệt của âm thanh trong sự nói, nhờ đó người khác biết được ý nghĩa như ca, ngâm, la, hét, than van….
Tuy không thể nhìn thấy tâm của người khác, nhưng nhờ hai “phương thức truyền đạt” này, một người có thể biết được mục đích, dự định, mong muốn… của người khác.
Hai loại sắc pháp này được dùng không chỉ để truyền đạt ý nghĩa, mà còn dùng trong “mục đích thực hiện ý muốn” như ưởn ngực, vặn mình, đọc lẩm nhẩm khi muốn học thuộc lòng bài kinh…
3’- Ba sắc đặc biệt (vikārarūpa).
Vikāra phân tích thành VI (đặc biệt) + KĀRA (làm). Vikāra nghĩa là sự diễn đạt đặc biệt của các sắc sinh khởi (jātarūpa).
*- Sắc khinh (lahutārūpa). Là sự nhẹ nhàng của sắc pháp.
*- Sắc nhu (mudutārūpa). Là sự mềm dẻo của sắc pháp.
*- Sắc thích nghiệp (kammaññatārūpa). Là sự thích ứng của hai phương thức truyền đạt.
Khi một trong tứ đại bị bất hoà và không thích ứng với các chất còn lại trong bất kỳ phần nào của cơ thể, thì những phần này không còn như thường lệ trong một số công việc. Khả năng nhẹ nhàng trở nên nặng nề; sự mềm dẻo trở nên cứng rắn, không linh động; khả năng thích ứng theo ý muốn với công việc trở nên khó khăn, miễn cưỡng.
Cũng vậy khi tứ đại bất hòa, lưỡi, môi không thích ứng với mong muốn nói lên mà còn nặng nề, cứng nhắc.
Khi tứ đại cân bằng và các phần cơ thể khoẻ mạnh, sắc pháp (rūpa) có những tính chất như: linh hoạt, mềm dẻo và thích ứng; những tính chất này được gọi là ba sắc đặc biệt (vikārarūpa).
4’- Bốn sắc tướng trạng (lakkhaṇarūpa).
Lakkhaṇa có nghĩa là đặc tính nổi bật mà theo đó biết được “tính vô thường” của sắc pháp.
*- Sắc sinh (upacayarūpa) . Có nghĩa là “sinh lên”, “khởi sinh (ācaya)”.
*- Sắc liên tục (santatirūpa). Có nghĩa là “tiếp tục diễn tiến” (còn gọi là sắc tiến).
Từ lúc sinh rồi “tăng trường” cho đến khi không thể “tăng trưởng”, giai đoạn này gọi là santati hay pavatta (sự đi tới) (sắc tiến). Việc tạo ra (jati) các nhóm tính chất của sắc pháp nói riêng được hình thành trong gia đoạn “liên tục” này.
*- Sắc già (jaratārūpa). Là trạng thái cũ kỹ, suy tàn, thuần thục, chín muồi (với ý nghĩa chúng sẵn sàng rơi xuống), già cỗi, thối nát, mục nát. Còn gọi là sắc dị.
*- Sắc vô thường (aniccatārūpa). Có nghĩa là vô thường, chết, chấm dứt, hoạt diệt, vỡ ra hay trạng thái biến mất([38]). Còn gọi là sắc diệt.
Một cái cây có năm giai đoạn là ācaya (khởi sinh), upacaya (sinh lên), santati (phát triển), jaratā (cằn cỗi) và aniccatā (chấm dứt).
Đầu tiên là nảy mầm (khởi sinh), mầm nhô ra khỏi vỏ (sinh lên) rồi phát triển dần dần hàng ngày và sau khi chấm dứt giai đoạn phát triển, cái cây ở trạng thái phát triển đầy đủ trong một thời gian. Sau đó, nó bắt đầu hư hoại (già cỗi) và cuối cùng thì chết (aniccatā).
Ở đây, sự sinh ra ban đầu của sắc pháp là giai đoạn ācaya; phát triển dần dần là giai đoạn upacaya, ở trạng thái phát triển đầy đủ là giai đoạn santati. Tuy nhiên, trong ba giai đoạn này vẫn có sátna già cỗi (khaṇika jaratā) và sátna diệt (khaṇika aniccatā) nhưng không dễ gì thấy.
Cái cây tàn đi là giai đoạn jaratā (dị), trong giai đoạn này vẫn có sátna sinh (khaṇikajāti) và sátna diệt (khaṇika maraṇa) nhưng cũng không dễ gì thấy.([39])
Cái cây chết đi và các bộ phận biến mất hoàn toàn được gọi là giai đoạn aniccatā (diệt),trong cái mà chúng ta gọi là chết thì cũng có sinh – trụ nhưng không thấy được.
Năm giai đoạn được mô tả, chỉ để minh họa cho sắc tướng (lakkhaṇarūpa).
Cũng vậy, chúng ta có thể chia ra trong cuộc sống của một trái cây, các cành, lá, chồi, hoa và quả ra làm năm giai đoạn. Một trái cây có thể được chia ra làm năm giai đoạn như vầy:
Giai đoạn đầu tiên là xuất hiện, giai đoạn thứ hai là lớn lên hay phát triển, giai đoạn thứ ba là chững lại, giai đoạn thứ tư là chín và hư thối, và giai đoạn thứ năm là rơi khỏi thân cây, gọi là diệt hay biến mất hoàn toàn.
Cây, trái có năm giai đoạn như trình bày. Tương tự như vậy đối với thành phần vật chất trong cơ thể hay sự chuyển động của thân, khẩu.
Sự bắt đầu, giữa và cuối, tất cả được tìm thấy trong sự tồn tại của mỗi sắc pháp.
Năm mươi bốn danh pháp hợp với hai mươi tám sắc pháp thành 82 pháp chân đế. Nói cách khác, tự ngã, linh hồn, chúng sinh, con người … chỉ là nói theo tục đế.
C- Yếu tố tạo ra sắc pháp.
Có bốn yếu tố tạo ra sắc pháp là: Nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu) và vật thực (āhāra).
*- Nghiệp (kamma). Nghiệp ở đây chỉ cho nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện ở kiếp trước hay kiếp trước trước vào thời điểm tái sinh.
Trong thời thường nhựt của cuộc sống, nghiệp được tạo ra cũng góp phần biến đổi hay thay thế một số sắc nghiệp cũ.([40])
*- Tâm (citta). Là tâm và các tâm sở tồn tại trong kiếp hiện tại.
*- Thời tiết (utu). Là chất lửa (tejodhātu – hỏa giới); với hai trạng thái nóng (uṇhatejo), lạnh (sītatejo) của lửa.
* Vật thực (āhāra). Là hai loại dưỡng tố (ojā) chủ yếu: Dưỡng tố được tích trữ bên trong thân và dưỡng tố từ ngoài đưa vào qua hình thức những thực phẩm.
Trong 28 loại sắc pháp thì:
*- Nghiệp tạo ra chín loại sắc: 6 sắc vật nương (5 sắc thần kinh + sắc ý vật) + 2 sắc tính (nữ, nam) + sắc mạng quyền.
*- Tâm tạo ra 2 sắc biểu tri: Thân + ngữ biểu tri.
*- Sắc cảnh thinh do tâm và thời tiết tạo ra.
*- Ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp do tâm, thời tiết và vật thực tạo ra.
*- Do bốn nhân tạo, có 11 sắc: Tứ đại + 3 sắc cảnh (sắc + mùi + vị) + sắc vật thực + sắc hư không + sắc sinh + sắc tiến.
Mười một sắc pháp này luôn luôn gắn liền một cách riêng lẽ với các sắc khác (sắc do một nhân tạo, sắc do 2 nhân tạo, hoặc sắc do 3 nhân tạo), từ đó tạo ra nhóm 8, nhóm 9, nhóm 10…, gọi là đoàn sắc (kalāparūpa).
Riêng chính 11 sắc này tạo ra đoàn sắc cơ bản gọi là “đoàn sắc bất ly (avinibbhogarūpa – không thể tách rời)”.
Đoàn bất ly gồm 8 sắc cơ bản là : Tứ đại, sắc, mùi, vị và vật thực; trong đó tuy có sắc hư không, sắc sinh, sắc tiến nhưng ba sắc này chỉ nhất thời và luôn thay đổi, không phải là thành phần cố định.
Như khi hai sắc kết dính nhau do “nước” thì hư không mất, khi nước làm “tan rã” tách rời hai sắc pháp thì sắc hư không hiện ra. Khi có “sắc sinh” thì không có “sắc liên tục”và ngược lại.
*- Sắc không có nhân tạo. Là sắc hư không, sắc dị và sắc diệt. Tuy sắc dị và diệt có nổi bật, nhưng do chúng phá hoại những gì được tạo ra, nên xem như “không do nhân sinh”.