Minh Sát Diễn Giải – 6. Hai Sacca (sự Thật) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

6- Hai Sacca  (sự thật)

Sacca hay sự thật là “đúng với sự kiện”,  “đúng với bản chất” qua sự định danh của điều nào đó, hoặc vật nào đó.

Có hai loại sự thật: “Sự thật thông thường (sammutisacca – tục đế)” và “sự thật tột cùng (paramatthasacca – chân đế)”.

a- Sự thật thông thường (sammutisacca – tục đế).

Đó là những danh từ, những thuật ngữ được nhiều người sử dụng, như “tôi, người, chư thiên, Phạm thiên, tâm trí, xứ sở…”.

Sự thật thông thường này, được định đặt ra để thông tri ý nghĩa giữa người với người, để cùng hiểu với nhau.

Cũng từ sự thật thông thường này, nảy sinh nhiều quan niệm sai lạc, như khi nhận thấy nhiều hiện tượng kỳ lạ trong thiên nhiên, người ta tưởng tượng ra có Đấng Tạo hóa, có “cái tôi tồn tại”, “do thần Thánh phẫn nộ, trừng phạt”….

Tuy sự thật thông thường không phải là lời nói dối, nhưng nó không trung thực thật sự, nó như lớp men đẹp bên ngoài che lấp chất đất thô xấu bên trong của chiếc bình đất.

Khi nói “chiếc bình đẹp”, đó không phải là lời nói dối, chỉ là lời nói thiếu trung thực với hiện vật ấy mà thôi.

Hoặc khi nói “con người tồn tại trong một kiếp sống”, đó không phải là lời nói dối, đó chỉ là cách nói thông thường của đại đa số, nhưng theo chân đế, thì đó là “lời đảo ngược (vipallāsavācā)”; vì có cái gì thường hằng cả trăm năm đâu? Cái luôn luôn biến đổi ấy lại được xem là thường sao?.

Khi có ý nghĩ “cái tôi thường hằng” bấy giờ đã rơi vào bất thiện, rơi vào tà kiến; người này sẽ cho rằng “cái tôi” ấy sau khi chết, hoặc sẽ tồn tại, hoặc sẽ tiêu hoại, hoặc một phần tồn tại, một phần bị tiêu hoại..([25]).

“Yā imā Cunda anekavihitā diṭṭhiyo loke uppajjanti attavādapaṭisaṃyuttā vā lokavādapaṭisaṃyuttā vā, yattha cetā diṭṭhiyo uppajjanti yattha ca anusenti yattha ca samudācaranti, taṃ netaṃ mama, neso’ ham asmi, na meso attā ti evaṃ – etaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya passato evam – etāsaṃ diṭṭhīnaṃ pahānaṃ hoti, evam – etāsaṃ diṭṭhīnaṃ paṭinissaggo hoti”.

“Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, – chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quan sát chúng với trí tuệ rằng: “cái này không là của tôi, tôi không phải là cái này. Cái này không phải tự ngã của tôi”, có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy”([26]). (HT. TMC dịch).

Lời dạy trên của Đức Phật khẳng định “tất cả mọi tà kiến” đều xuất phát từ “cái tôi”, “cái của tôi”, “cái chính tôi”. Cần phải quán xét sự vật với trí tuệ “không có cái tôi”, “không có cái của tôi”, nhờ đó diệt trừ được mọi tà kiến, mọi quan niệm sai lầm.

b- Sự thật tột cùng (paramatthasacca – chân đế).

Sự thật tột cùng là “sự xác nhận hay phủ nhận” một sự kiện hoặc một điều nào đó.

Tuy phải mượn tục đế (danh từ) để diễn đạt, nhưng nêu bày ý nghĩa “khẳng hay phủ định” một cách trọn vẹn, làm cho ý nghĩa “thật” được phơi bày ra, như khi Đức Phật dạy:

Sabbe saṅkhārā aniccāti: Tất cả pháp hữu vi là vô thường.

Sabbe saṅkhārā dukkhāti: Tất cả pháp hữu vi là khổ.

Sabbe dhammā anattāti: Tất cả pháp là vô ngã.

Lời dạy trên cho thấy tính khẳng định: “Đã là pháp hữu vi thì phải vô thường, phải khổ, không có pháp hữu vi nào là thường, là lạc được”.

Mặt khác, lời dạy trên cho thấy tính phủ nhận: “Không có pháp hữu vi nào là thường, không có pháp hữu vi nào là lạc”.…

Ở dạng khẳng định của chân đế, khi nói “chất đất hiện có, chất lửa hiện có, tâm sinh lên…” là nói đến các pháp hữu vi đang hiện bày ở sátna trụ (ṭhitikhaṇa) của chúng.

Ở dạng phủ nhận, khi nói “không có chúng sinh, không có người, không có chư Thiên, không có Phạm thiên, không có voi, không có ngựa…”, có nghĩa là “không có cái gì gọi là chúng sinh đang hiện bày cả, đó chỉ là danh sắc hay ngũ uẩn đang hiện bày mà thôi”.

 Chân đế luôn luôn đối lập với ảo giác đồng thời có tính phủ nhận ảo giác. Khi phủ nhận hay phản đối ảo giác, người ấy thường thoát ra những bất thiện pháp và có thể thành tựu bậc Thánh.

Nhưng theo tục đế thì: Có người sống trăm tuổi, có người thường trác táng, có “thiền lạc, có dục lạc”…

Theo tục đế, con người tồn tại, chúng sinh tồn tại; con người hay chúng sinh tiếp tục luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác trong biển đời.

Nhưng theo chân đế, không có con người hay chúng sinh và không có ai luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác cả.

Vậy cái gì chuyển di từ kiếp sống này sang kiếp sống khác? Chính là nghiệp lực (kammabala) liên kết với ái, một khi ái bị trừ diệt hoàn toàn thì nghiệp lực trở thành vô hiệu.

Ở đây, có thể có câu hỏi: “Hai sự thật này dường như  là hai thái cực cách xa nhau?”.

Tất nhiên là như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể đem chúng lại với nhau để làm nổi bật chúng, như đen trắng tuy đối lập nhau, nhưng khi gần nhau thì đen làm nổi bật trắng và ngược lại.

Chúng ta không thể nói theo chân đế lẫn tục đế được sao? Hay bắt buộc phải nói một trong hai sự thật?

Đề cập đến mỗi loại sự thật là đề cập đến cách diễn đạt và đối tượng được thông tri ý nghĩa.

Khi một người trò chuyện với một người, vị ấy nói “có người A đang sống ở Mandalay”, vị ấy không bị phản bác, vì những từ ngữ này mô tả những gì  đang có ở bên ngoài.

Khi thảo luận về chân pháp, một học viên Atỳđàm (Abhidhamma) nói “không có người, không có chư thiên…”, vị ấy cũng không bị phản bác. Vì theo chân đế thì chỉ là “danh sắc”. Người, chư thiên… chỉ là những từ ngữ mô tả danh sắc sau lớp vỏ định danh ấy ([27]). Đây là đề cập đến sự thật theo cách diễn đạt.

Với đối tượng thì sao? Với đối tượng là người chưa làm quen với chân đế, thì dùng tục đế rồi dẫn dắt vào chân đế, như:

“Kiñca, bhikkhave, sabbaṃ? Cakkhuñceva rūpañ ca, sotañca saddā ca, ghānañ ca gandhā ca, jivhā ca rasā ca, kāyo ca phoṭṭhabbā ca, mano ca dhammmā ca. Idaṃ vuccati, bhikkhave, sabbaṃ”.

“ Và này các Tỳkhưu, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các mùi; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các tỳkhưu, gọi là tất cả”([28]).

Theo lời dạy của bài kinh, chúng ta thấy: Đức Thế Tôn định nghĩa “tất cả” theo chân đế, không theo định nghĩa của tục đế. Và “tất cả” ở đây chỉ cho danh sắc hay 12 xứ (āyatana).

Với đối tượng có trí, hiểu được chân pháp thì dùng ngay những từ ngữ chỉ cho chân đế, như:

Kusala dhammā: Tất cả pháp thiện.

Akusala dhammā: Tất cả pháp bất thiện.

Abyākatā dhammā: Tất cả pháp vô ký([29])

Như người đào đất từ những nơi khác, nghiền ra thành bụi, trộn vào nước thành bùn và dùng bùn này để làm ra nhiều loại bình, ly, chum… và trong thế gian đang có nhiều loại bình, chum, ly. Nhưng “tất cả” bình, ly, chum… là đất. Và hai sự thật được đặt bên nhau.

Khi thảo luận về vấn đề “các loại hình của bình, ly….” thì danh từ bình, ly..  không bị phản đối, vì sao? Vì bình, ly … có trong thế gian.

Xét ra, tục đế mang tính khằng định theo thế gian, còn chân đế mang tính phủ nhận tục đế, vì chân đế chỉ thừa nhận “chất đất đang hiện hữu” mà thôi, không có bình, ly, chum, vại… chi cả.

Mặt khác, tuy phủ nhận tục đế, nhưng chân đế cũng phải mượn tục đế để diễn đạt. Tức là qua từ ngữ của tục đế làm nỗi bật chân đế, làm cho bản chất thật của sự vật hiển lộ ra.

 Có điều “cùng là từ ngữ” nhưng tục đế thường dùng những từ ngữ thông dụng, còn chân đế dùng những thuật ngữ có tính chuyên đề, như mắt là từ ngữ thông thường, nhãn vật (cakkhuvatthu), nhãn xứ (cakkhāyatana), nhãn quyền (cakkhundriya)… là thuật ngữ chuyên đề.

“…Cakkhuṃ, bhikkhave, aniccaṃ…

… Mắt, này các Tỳkhưu là vô thường…”([30]).

“… Cakkhuṃ, bhikkhave, anattā…”

Mắt, này các Tỳkhưu là vô ngã…”([31]).

Mắt là từ ngữ thông dụng của tục đế, còn vô thường, vô ngã là thuật ngữ của chân đế.

Đức Phật có dạy:

“Desito  Ānanda mayā dhammo anantaraṃ abāhiraṃ karitvā; natatth’ Ānanda Tathāgatassa dhammesu ācariya muṭṭhi”.

“Này Ānanda, Ta giảng pháp thù thắng (mayā) đã thực hành ở giữa, không phải bên ngoài,  vì này Ānanda, đối với các pháp, Như lai không bao giờ là vị thầy còn nắm tay.”([32])

Pháp bên ngoài” là tục đế”; “pháp ở giữa” là chân đế (là con đường giữa hay bát chánh đạo).

Trong hai sự thật, thì tục đế không cần phải giải thích nhiều vì đó là sự thật theo cách sử dụng đã có, riêng chân đế cần phải giải thích thêm một số điều.

Trong những từ ngữ mà chúng ta gọi là “bình đất, ly đất…”, theo ý nghĩa chân đế thì đó chỉ là “đất”, không phải là “bình hay ly”.

Đất là một thuật ngữ chỉ cho những gì có đặc tính “cứng hay mềm”, bình hay ly không có đặc tính này và “bình hay ly…” cũng không phải dùng để mô tả “đất”, chúng dùng để mô tả “khái niệm về hình dạng”của đất bị biến đổi thành hình cầu, hình bầu dục…”.

Bình hay ly không thể áp dụng cho đất không có hay hình bầu dục, hình cầu.

Lại nữa, nếu những cái bình làm bằng vàng, bạc hay đồng, người ta không gọi là “bình đất” mà là “bình vàng, bình bạc, bình đồng”; nhưng dù là ngọc, vàng, bạc, đồng hay bất kỳ kim loại nào chăng nữa, theo chân đế cũng chỉ là “đất”.

Đặc tính “cứng hay mềm” của đất tuy có thay đổi cũng chỉ chuyển từ “cứng” sang “mềm” hay ngược lại; nói gọn, chúng chỉ hoán chuyển với nhau, nên có thể nói rằng “bản chất đất không thay đổi”, còn bình, ly … có thể thay đổi, chúng chỉ là sự định danh (santhānapaññati), chúng không có bản chất thật nào khác, ngoài “cứng” của đặc tính đất. Chúng chỉ là những khái niệm (paññatti) thể hiện trong tâm do dáng vẻ, hình dạng đặc biệt của bùn được gia công.

Do vậy, theo chân đê, phủ nhận “bình, ly…” là điều hợp lý, không cần phải bàn cải.

Ngọc, vàng, bạc, đồng… sao lại là đất? Như đã giải thích, “đất” là một thuật ngữ chỉ cho đặc tính “cứng hay mềm”, ngọc vàng, bạc… có đặc tính này nên gọi chung là đất.

 Lại nữa, ngọc, vàng, bạc bị tán nhuyễn thành bụi, trộn chung vào đất chúng trở thành bụi đất, còn bụi đất trộn chung với bụi vàng chúng vẫn là “bụi đất”.

Bây giờ chúng ta phân tích về các pháp theo chân đế. Trong hai thuật ngữ “danh sắc” được đề cập ở trên thì: Danh pháp có 54 loại, sắc pháp có 28 loại.

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app