2- Ba Maññanā (ảo tưởng)
Maññanā có nghĩa là “sự tưởng tượng phong phú” hay “sự nhầm lẫn tệ hại”. Do sự tưởng tượng nên ảo giác sinh lên, do ảo giác sinh lên được tăng trưởng, càng làm cho khả năng tưởng tượng thêm phong phú và chúng trở thành “ảo tưởng”, như người tưởng tượng ra “những vật dụng biết nói, biết cười, biết di động, cây cỏ có linh hồn…”.
Có ba loại ảo tưởng:
a- Taṅhāmaññanā – Ái ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do ái).
b- Mānamaññanā- Mạn ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do tự hào).
c- Diṭṭhimaññanā- Kiến ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do thấy).
*- Ái ảo tưởng:
Là sự “dính mắc” đối với thân – tâm, nên tưởng tượng ra “có một cái tôi đang trú trong thân – tâm ”, từ đó dẫn đến “cái của tôi”, “không phải chính tôi”, “không phải của tôi”.
Sự thật, không có “cái tôi” nào cả, vì không có “tôi” nên không hề có “cái chính tôi”, cũng không hề có “cái của tôi”.
Loại ảo tưởng này gọi là “ái ảo tưởng – taṅhāmaññanā)”, là ảo tưởng do ái sinh lên.
– “Cái tôi” có nơi thân này, người ấy cho là “chính tôi”.
– “Cái tôi” có nơi thân người khác, đó không phải là “chính tôi”.
– Những gì liên quan đến tôi là “của tôi”.
– Những gì không liên quan đến tôi, là “không phải của tôi”.
*- Đối với cảnh bên trong (ajjhattārammaṇa). Ái ảo tưởng làm phát sinh quan niệm “tôi và của tôi”. Như thế nào?
Do dính mắc với các đối tượng bên trong (ajjhattārammaṇā) như: Thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhārā), thức (viññāṇa), hay sắc thân (kāyarūpa), nên tưởng tượng ra “có cái tôi”, như “tôi suy nghĩ, tôi vui, tôi buồn, tôi tin tưởng…”. Khi một nhóm (khandha – uẩn) nào đó là tôi, thì các nhóm (uẩn) còn lại là “của tôi”, như “thân của tôi, trí của tôi, năng lực của tôi…”.
Nếu sắc là “tôi”; thì thọ, tưởng, hành, thức là “của tôi”, nếu thọ là tôi thì sắc, tưởng, hành, thức là của tôi…
*- Đối với cảnh bên ngoài, ái ảo tưởng làm phát sinh “của tôi”, “không phải chính tôi”, “không phải của tôi”. Như thế nào?
Các đối tượng bên ngoài bao gồm những người thân như mẹ, cha, vợ, con, bạn bè … cùng những tài sản của người đó. Do dính mắc với các đối tượng này, nên người ấy có quan niệm “đây là của tôi”, như cha của tôi, vợ của tôi, con của tôi, tài sản của tôi …..
Chính những sinh vật sống bên ngoài như người thân, người không thân… đó là “không phải chính tôi”.
Các đối tượng bên ngoài còn bao gồm những người xa lạ, hay những tài sản vật chất của người khác, đối với những đối tượng này, người ấy có quan niệm “đó không phải là của tôi”.
Trạng thái tưởng tượng và cách phân biệt do tưởng tượng như vậy, gọi là “sự tưởng tượng do ái sinh lên”.
*- Mạn ảo tưởng. Là sự tưởng tượng do mạn sinh lên, đó là sự tưởng tượng về “cái tôi” trở nên phong phú.
Đối với các đối tượng bên trong, khi được hổ trợ bởi sự tốt đẹp (adhimāna) thì “cái tôi” trở thành “tôi là”, như “tôi là người tài giỏi, tôi là người khỏe nhất, tôi là bậc thông minh, tôi là người nhạy trí..”, làm nổi bật lên “tính tự hào”. Còn nếu là sự “không tốt hay xấu” thì: “tôi là người bình thường, tôi là người cô đơn, tôi là người nghèo, tôi là kẻ bất hạnh…”, nó làm nổi bật lên tính “tự ti mặc cảm”.
Đối với “cái của tôi” cũng vậy, như “mắt của tôi là mắt con bò con, mũi của tôi là mũi lân ….hay “mắt tôi là mắt lươn, chồng tôi là kẻ bạc tình
Đối với các đối tượng bên ngoài thì: vợ tôi là hoa khôi, con tôi là kim đồng, ngọc nữ, bạn tôi là bậc quyền thế, …”; hay “mắt tôi là mắt lươn, chồng con tôi là đứa bất hiếu…”
Nói gọn, với các đối tượng bên trong hay bên ngoài, khi được hổ trợ bởi tính tốt đẹp của các nghiệp lành thì tỏ ra tự hào, kiêu mạn; còn như bị quả xấu của ác nghiệp đang trổ thì trở nên tự ti mặc cảm. Đây là “sự tưởng tượng sinh lên do mạn”.
*- Kiến ảo tưởng.Là sự tưởng tượng sinh lên do thấy, là sự tưởng tượng lên đến cao độ, nó trở thành “tôi có”, như “tôi có nguyên tắc sống như thế này, tôi có nghị lực như thế này, tôi có trí thông minh như vầy, tôi có giòng dõi như vầy, tôi có địa vị như vầy…”. Sự tưởng tượng sinh lên do thấylà như thế.
Ba sự tưởng tượng này làm nảy sinh “niềm tin”, loại niềm tin này lại khắc sâu trong tâm, khiến người này luôn rơi vào vòng ảo tưởng được khép kín và “niềm tin xuất phát từ ba ảo tưởng” này, được gọi là tà tín (micchāsaddhā – tinh sai, tin không đúng).
Trong ba loại ảo tưởng thì kiến ảo tưởng là nguy hại hơn cả, vì nó làm xa rời bản chất thật, nó chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài rồi bám khắn khít theo “cái thấy”đó.
Như trong cụm từ “bình đất hay bát đất”, đất là chất làm ra cái bình hay cái bát, nhưng người ta chỉ gọi là “bình hay bát” mà quên đi chất “đất”, chỉ vì chất đất có dạng giống cái bình hay cái bát. Lâu dần người ta quên hẳn nó là “đất”, chỉ biết nó là “bình, bát….”.
Nếu cái bình hay bát được sơn vàng, thì người ta lại nói “bình vàng, bát vàng”, sơn màu xanh thì gọi bình xanh, bát xanh…
Thật ra, dù màu vàng, màu xanh… cũng chỉ là “chất đất mà thôi”, và cũng từ chiếc bình được sơn vàng, có khả năng dẫn đến sự nhầm lẫn, cho rằng “bát làm bằng vàng”, “bát làm bằng ngọc xanh”….
Chỉ khi nào, nhận thức rõ bản chất thực của cái bình hay cái bát, bấy giờ người ấy mới không còn “ảo tưởng về hình dáng cái bình hay cái bát, không còn bị lớp sơn bên ngoài lừa mị” và người này cho rằng “đó chỉ là đất mà thôi”.
Cũng vậy, bao giờ nhận thức được bản chất thật của “cái gọi là chúng sinh, chỉ là danh sắc”, bấy giờ sự tưởng tượng về “cái tôi” không còn. Khi ấy sự tưởng tượng về bản chất thật của các pháp hữu vi mới sinh lên, đó là “tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã …”.
Bản chất thật của chúng sinh chỉ là danh sắc, nhưng chúng tác động hổ tương lẫn nhau, sắc tác động đến danh – danh tác động đến sắc.
Tấm thân này chẵng gì khác ngoài “đất, nước, gió, lửa”, các sắc pháp (rūpadhammā) được kết dính với nhau là do “chất nước – āpo”, các chất khác như đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo) cũng tìm thấy trong tấm thân này, như thân cứng đơ hoặc mềm mại (chất đất), hơi nóng, lạnh trong thân (chất lửa), sự chuyển động của các cơ quan (chất gió).
Còn về danh (nāma), chúng cũng biến diệt nhanh không thể tưởng được. Vậy tìm đâu ra “cái tôi”?
Sự tưởng tượng quá độ qua sự thấy (kiến ảo tưởng) sẽ được kéo dài hơn nữa và càng lúc càng vững mạnh, để rồi người này càng lúc càng xa rời bản chất thật của cái gọi là “chúng sinh”.
Ba loại tưởng tượng (maññanā) này cũng được gọi là ba “xiềng xích hay gông cùm (gaha)”, để chỉ ra năng lực nắm giữ chặt và chắc chắn của chúng.
Cũng do nhiều lần chúng tạo ra sai lầm, thực hành những điều sai trái một cách liên tục, chúng trở nên dày đặc một cách vững chắc, bấy giờ rất khó loại trừ chúng.
Chúng cũng được gọi là ba Papañca (ảo kiến), giống như người bàn luận về sự “buồn, vui của cây cỏ”, chỉ vì thấy cây, cỏ có những trạng thái héo úa hay xinh tốt bất thường, hay tưởng tượng “cây cỏ biến thành ma quái”, “thú hóa thành ma quỷ”….