GIÁ TRỊ CỦA GIỚI LUẬT
Chúng ta đã ghi nhận rằng khi ban hành giới luật cho tỳ khưu, Đức Phật rất quan tâm đến sự an lành của hang thiện tín. Chẳng hạn như Ngài đã có sẵn trong tâm ý nghĩ “phải có thiện cảm với cư sĩ”, “sự hoan hỉ những người chưa hoan hỉ và tăng trưởng sự hoan hỉ của người đã hoan hỉ (với Giáo Pháp)”. Trong khi khảo sát những điều kiện sinh hoạt có liên quan mật thiết với đời sống tự viện. Ở một đoạn khác, rất thường xảy ra trong tạng Luật, khi quở rầy một thầy tỳ khưu lầm lạc, Đức Phật nói: “Điều này không làm hoan hỉ những người chưa hoan hỉ (những người không phải Phật tử hay ở đạo khác), không tăng trưởng sự hoan hỉ của người đã hoan hỉ (trong sự thực hành Kinh, Luật, như người Phật tử), nhưng, này người cuồng dại, điều này làm bất mãn những người chưa hoan hỉ và cũng như những người đã hoan hỉ và làm cho vài người lung lạc” ( như những người muốn tìm hiểu Giáo Pháp mà chưa quy y Tam bảo).
Ảnh hưởng hiển nhiên nguy hại – đối với hàng cư sĩ – của người đã đắp y mang bát mà phẩm hạnh xấu xa được nhắc đến với lời lẽ rất mạnh mẽ.
Trường hợp ngược lại cũng đúng thực. Thầy tỳ khưu đã được luyện kĩ càng, dưới sự hướng dẫn của một ông thầy tế độ xứng đáng, đã thông suốt kinh, luật và đã có thực hành Giáo Pháp và Giới Luật quả thật là một bảo đảm vững chắc để xây dựng nên đạo Pháp.
“Thân an tịnh, ngôn ngữ an tịnh,
Tâm vắng lặng và thanh khiết,
Người đã nhàm chán và dứt lìa những tham vọng trần tục
Một vị tỳ khưu như thế được gọi là “tịch tịnh”.
Pháp cú kinh (câu 378)
Đó là hình ảnh của thầy tỳ khưu chơn chánh.
Giáo Pháp mà tất cả những người Phật tử đều tôn sùng như một bảo vật vô cùng quý giá và tất cả những ai thật sự xem mình là người có chí hướng noi theo dấu chân Đức Thế Tôn đều cố gắng thực hành Giáo Pháp ấy, được chúng Tăng gìn giữ trọn vẹn đến ngày nay, Giáo Hội của chư tỳ khưu, những người chuyên học về Giáo Pháp, đã bảo tồn Giáo Pháp bằng cách bám sát vào những giới tu tập trong tạng Luật.
Điều này được chứng minh một cách sáng tỏ xuyên qua nhiều giai đoạn lịch sử, khi mà nhà sư không đặt trọng tâm vào giới luật và do đó làm mất niềm tin, lòng tôn kính và sự nâng đỡ của thiện tín. Không được cư sĩ hỗ trợ, nhà sư lại hướng về đời sống tại gia, trở thành những tu sĩ có gia đình và do đó, không có thì giờ để học hỏi và thực hành Giáo Pháp. Kinh sách “bị lãng quên, bỏ mất, và không được thay thế. Tập tục và nếp sống ở chùa dần dần bị biến đổi đến độ không còn giáo lý gì hết, chỉ còn những buổi lễ “cầu an, cầu siêu” hay cái gì tương tự, và trong các buổi lễ ấy, vị tu sĩ đọc những câu kinh, câu kệ mà chính ông cũng không hiểu ý nghĩa, khỏi phải đề cập đến thiện tín. Bất hạnh thay! Trong hiện tại cũng còn vài “tập tục Phật giáo” chứng thực điều này”.
Sự bảo tồn giáo Pháp bằng giới luật – do chúng Tăng – đã được trình bày qua hình ảnh văn chương trong “ Lời giới thiệu” của tạng Luật như sau:
“Những cánh hoa bỏ nằm trên tấm ván, không có sợi dây cột chùm lại với nhau, nó sẽ rời rạt, bị gió cuốn đi, tiêu diệt. Nguyên do vì đâu? Là vì không có sợi dây cột chung lại….”
Hình ảnh này được coi là tượng trưng cho trường hợp của một vài vị Phật trong quá khứ, không truyền bá cặn kẽ giáo Pháp, không ban hành giới luật và không đặt ra những giới bổn (pātimokkha). Quả thật hữu hạnh cho chúng ta, được Đức Phật Gotama giảng dạy giáo Pháp cặn kẽ, rành rẽ, phân minh và ban hành giới luật, chỉ rõ ra những giới tu tập căn bản pātimokkha.
“Này Xá Lợi Phất, đó cũng như những cành hoa đặt trên tấm vàng, có sợi dây cột chùm lại (như một tràng hoa), sẽ không rời rạc, không bị gió thổi tung và tiêu diệt. Tại sao? Vì có sợ dây”.
Đoạn này chỉ giản dị có nghĩa là gió bão của lý vô thường không thể dễ dàng tiêu diệt những sắc thái khác nhau của Giáo Pháp nếu sợi dây an toàn của Giới Luật được bảo tồn vững chắc.
Điều này đưa đến sự tôn trọng chính đáng mà thầy tỳ khưu chân chính cũng như người cư sĩ thuần thành đặc biệt dành cho tạng Luật.
Trong ba tạng kinh (tam tạng), gồm trọn vẹn giáo lý của Đức Phật, tạng Luật được xếp vào hàng đầu trên hết, trước hai tạng kia. Sự kiện này chứng tỏ rằng Giới Luật là nòng cốt, là sự nâng đỡ cần thiết chính yếu của toàn thể giáo huấn. Như có lời:
“Giới luật (Vinaya) chính là đời sống của Đạo Pháp (sāsana). Ngày nào giới luật còn tồn tại là Đạo Pháp còn. Do đó ta hãy đọc lại trước tiên giới luật” (trong cuộc kết tập tam tạng lần đầu tiên).