PHẨM HẠNH TỔNG QUÁT

Trong những quốc gia Phật giáo như Thái Lan, phẩm hạnh thông thường của người cư sĩ trước vị tỳ khưu rập khuôn theo giới luật của hàng xuất gia, tỳ khưu hay sadi, trước những vị cao hạ hơn. Phần nhiều các giới này đều nằm trong bảy mươi lăm pháp tu học (sekhiya) của giới bổn (pātimokkha). Thay vì bình luận về những pháp này ta có thể trích ra những điểm quan trọng để giải thích trong đại cương.

Những người cư sĩ Phật tử ở Thái Lan được may mắn sớm quen thuộc với những chi tiết của giới luật vì lúc nào cũng có thể đến chùa. Nơi đấy giới luật được gìn giữ trang nghiêm và người thiện tín tự mắt mình nhìn thấy tác phong của thầy tỳ khưu như thế nào để học hỏi. Một điềm may mắn khác của người Phật tử Thái Lan (cũng như người Miến Điện, Lào, Cam Bốt…) mà các quốc gia Tây phương không thể có là phần đông thanh niên (và một vài thiếu nữ) xin xuất gia tạm thời trong một thời gian ngắn từ một đến bốn tháng. Trong thời gian tạm đắp y ấy những người có thể học hỏi, ngoài những việc khác, để tự mình có một tác phong thích nghi đối với hàng xuất gia. Hằng ngày họ được rèn luyện về giới luật (và những điều khác) bao gồm, lẽ dĩ nhiên, bảy mươi lăm phép tu học.

Không phải chỉ có bao nhiêu đó bởi vì, tuy rằng chỉ là những giới nhỏ nhen, các điều tu học này thật sự rất quan trọng vì có liên quan đến mọi diễn tiến xảy ra hằng ngày như đi, đứng, ngồi, đắp y, ăn, dạy và nghe Pháp. Đến khi hoàn tục, trở lại nếp sống ngoài đời, những người xuất gia tạm này mang theo về nhà bao kinh nghiệm của lối sống kỉ cương ở tu viện và đó là nền tảng vững chắc cho tác phong của người cư sĩ trước chư vị tỳ khưu. Lối đối xử giữa tỳ khưu và cư sĩ cũng tương tự như giữa các vị thấp và các vị cao hạ. Do đó, phẩm hạnh được rèn luyện trong thời gian tạm tu học ấy sẽ là căn bản quan trọng để gây thông cảm và, nhờ vậy, tạo nếp sống điều hòa giữa nhà sư với thiện tín.

Công trình rèn luyện ấy gồm những gì? Trước hết trong bốn thể nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.

Khi cùng đi với một vị tỳ khưu, người cư sĩ cẩn thận nép về phía sau, hơn là đi cạnh một bên và chắc hẳn không nên lấn đi trước. Lúc nào cũng nên nhường chỗ. Điểm này đặc biệt quan trọng nếu vị tỳ khưu đang thuyết Pháp. Theo tập tục Phật giáo cổ truyền ở Ấn Độ, để tỏ lòng tôn kính, trò phải luôn ở về phía tay phải của thầy. Tay phải của thể xác được tượng trưng cái gì có liên quan đến sự tinh tấn và thường được xem là phẩm hạnh thiện. Nếu thầy tỳ khưu đang ngồi mà người cư sĩ có việc phải đi ngang trước mặt (nếu là một tín nữ thì càng nên thận trọng hơn, không nên đi gần), đúng theo giới tu tập, người cư sĩ phải chú tâm, cẩn thận nghiêng mình cuối đầu và có lẽ nói một vài lời tương tự như: “Xin lỗi sư”[6]. Lại nữa, nếu một thiện nam hay một tín nữ bước vào phòng mà nhà sư đang ngồi và có lẽ đang thuyết Pháp cho người khác, thì nên chấp tay lại theo lối anjali và nghiêng mình vái chào, hoặc quỳ xuống đảnh lễ, rồi mới ngồi lại.

Lúc đứng, không nên đứng trên bậc thềm hay trên một cái gì cao hơn thầy tỳ khưu trong lúc hầu chuyện với thầy. Trong Anh văn có thành ngữ “to look up to” bao hàm ý nghĩa quý trọng, và nếu ta đang học giáo pháp thì đó là điều phải làm, theo nghĩa trắng (nhìn lên) cũng như theo nghĩa bóng (tôn kính). Không nên đứng quá gần hay quá xa mà vừa phải. Luôn luôn chấp tay và kiểm soát cử chỉ lúc nói chuyện với hàng xuất gia. Trong các quốc gia Phật giáo, mỗi khi tỏ ý chấp nhận hay nêu câu hỏi nào với thầy hoặc một vị cao hạ hơn, người cư sĩ hay vị sư thấp hạ thường chấp tay theo lối anjali vừa nói. Tất cả những cử chỉ ấy giúp cho ta chú tâm, giữ tâm đàng hoàng và chuẩn bị tâm trạng chơn chánh để sẵn sàng thọ lãnh giáo pháp. Nếu thầy tỳ khưu đi chân không, như phần đông các thầy ở phương Đông, người cư sĩ nên cởi giầy trước khi nói chuyện.

Làm như thế, vì đối với thầy tỳ khưu, nói Pháp cho người đang mang giầy trong lúc mình không có mang là phạm giới. Trường hợp tương tự không thể xảy ra ở phương Tây.

Lúc ngồi, nhất là khi ngồi nghe vị tỳ khưu thuyết Pháp, nên phải thận trọng chú tâm chớ không phải nằm trườn trên ghế. Đối với thầy tỳ khưu, nói Pháp cho người hút thuốc nghe cũng là trái ngược với tinh thần của giới luật (vinaya) (không phải trái với văn tự, bởi vì vào thời Đức Phật người ta vẫn chưa biết hút thuốc). Tuy nhiên, hút thuốc có nghĩa là kém chăm chú nghe Pháp và cũng là dấu hiệu xao lãng hay trạng thái tâm phóng dật. Tất cả những điều kiện tương tự trái hẳn với thái độ chăm chú lắng nghe phải có để thọ lãnh giáo Pháp một cách hữu ích. Giáo Pháp thật là quan trọng, thật quý báu, vậy nên, đối với nhà sư, dạy giáo Pháp cho người có cử chỉ không để ý, không chăm chú nghe là phạm giới. Ngồi, nên kiểm soát thân mình ngay ngắn chỉnh tề, tay gát thong thả trên tay trái, chân rút vào bên trong, dưới ghế. Lúc ngồi xuống, người cư sĩ nên thận trọng, nhìn xem nơi mình sắp ngồi có cái y để trên đó không. Nếu có thì ngồi tránh nơi khác hoặc cẩn thận dời cái y sang một bên hoặc trao cho sư. Vì y là tượng trưng cho đời sống trong sạch theo đúng giáo Pháp, người cư sĩ không nên ngồi trên ấy. Ghế ngồi của người cư sĩ không cao hơn của thầy tỳ khưu và nếu tất cả đều ngồi dưới đất, nên có một chiếc chiếu riêng cho thầy. Tất cả những điều này cũng áp dụng cho các thầy tỳ khưu có phẩm hạnh trang nghiêm đối với thầy tế độ của mình hay với các nhà sư cao hạ hơn nhằm tạo tinh thần tôn ti trật tự và nếp sống điều hòa.

Điểm cuối cùng là nằm. Nếu nằm chung một phòng với hàng xuất gia, người cư sĩ không nên dựa chân về phía các Ngài. Cũng cùng quan điểm này người Phật tử, xuất gia hay cư sĩ, không bao giờ nên nằm đưa chân về phía có người hoặc vật được tôn kính như tượng Phật, tháp thờ, hình Phật, hình thầy, dù vị này chết hay còn sống v.v… Luôn luôn nên nằm hướng đầu về các vị hay các vật ấy. Nếu trong phòng có chỗ thờ phụng, trước khi nằm nên đảnh lễ ba lần.

Cũng cùng nguyên tắc trên, nếu thầy tỳ khưu đang ngồi, người cư sĩ không nên đứng nói chuyện với thầy mà phải chấp tay đảnh lễ, ngồi xuống xong xã rồi hãy hầu chuyện. Lúc thầy đứng thì đứng nói. Những điểm tu tập nêu ra trên đây chỉ áp dụng khi cả hai tỳ khưu và cư sĩ, đều mạnh khỏe. Lúc đau yếu, tức nhiên không thể đi, đứng, nằm, ngồi theo ý muốn được.

Khi đến gần thầy tỳ khưu đang ngồi để dâng lên một món lễ vật gì, người cư sĩ nên hạ thấp mình xuống, một cử chỉ có tác dụng giúp người dâng tặng tạo cho mình tâm khiêm tốn và tâm này sẽ đem lại quả lành.

Khi hầu chuyện với thầy tỳ khưu, người cư sĩ nên tránh những vấn đề không thích nghi. Đức Phật nhiều lần quở rầy các vị tỳ khưu, vì các vị này thảo luận không thích nghi. Ngài gọi đó là “các chuyện thú” đã được định nghĩa trong nhiều đoạn kinh như:

“Câu chuyện về các vua chúa và các tên trộm cướp, quan và quân, quần áo và chỗ ở, tràng hoa và dầu thơm, xe cộ, những lời tự thuật, xóm làng, chợ búa, thành thị phố phường, chuyện đàn bà và chuyện anh hùng, những câu chuyện bên hè đường, quanh miệng giếng, về những người ra đi, câu chuyện nhảm nhí, những câu chuyện về thế gian, và trời, biển, và về thời lỗ, được thua”.

(Trích Tăng Nhứt A Hàm, Anguttara Nikaya X, 69)

Khi đọc qua những Phật ngôn này ta có thể nhận định rằng bảng danh biểu này bao gồm phần lớn các câu chuyện thường thấy trong nhật báo của chúng ta. Người thiện tín cũng có thể nhớ rằng Chánh Ngữ, chi thứ ba trong Bát Chánh Đạo, được định nghĩa như: “tránh nói dối, nói đâm thọc hai đầu, nói lời thô lỗ cộc cằn và nói nhảm”. Hỏi một vị sư món ăn hay thức uống nào ngài thích cũng không thích nghi, trừ khi việc này đang đau ốm. Lại nữa, không nên hỏi thầy tỳ khưu hành giáo Pháp đã đạt đến mức tiến độ nào. Đối với thầy tỳ khưu, nói cho một người cư sĩ nghe – dù là nói chơn thật – mình đã đắc đến mức độ nào là phạm tội ưng xã đối trị (pacittiya) và nếu nói dối, khoe khoang rằng mình đã đạt đến một tầng mà thật sự mình chưa đạt thì thầy tỳ khưu phạm tội Bất Cộng Trụ (parajika), không còn được xem là người của giáo hội nữa. Hỏi nhà sư về những điều ngoài giáo pháp như những câu hỏi về sự rủi may, xem tướng số, xem thiên văn hay chỉ tay, đều được xem là không thích nghi. Tất cả những sự hiểu biết mà Đức Phật gọi là có tính cách thú ấy, nếu thầy tỳ khưu học hay dạy là phạm tội tác ác hay hành động không chân chánh.

Trong mục này, ta cũng có thể ghi nhận một vài điểm có liên quan đến tác phong của người cư sĩ đàn bà. Thí dụ, khi đến một vị tỳ khưu để học hỏi về giáo Pháp người tín nữ nên cùng đi với người đàn ông hay một em bé trai. Nếu không được vậy, trong phòng mà nhà sư giảng giáo pháp nên có một vị tỳ khưu hay sadi khác. Người tín nữ không nên một mình cùng có mặt trong một phòng với thầy tỳ khưu, nhất là trong một căn phòng mà từ ngoài không thể nhìn vào được. Lại nữa, người nữ cư sĩ muốn học giáo pháp không nên đến viếng thầy tỳ khưu vào buổi tối, nhưng có thể đến lúc ban ngày. Tất cả những điểm phòng ngừa này là để giúp cho chư vị tỳ khưu chóng chỏi những ô nhiễm tinh thần của chính các Ngài trên đường tu học, vì sự an lành của giáo hội và như vậy, bởi chư tăng là những người bảo tồn giáo Pháp, vì thanh danh của giáo Pháp.

Vì giới luật của hàng xuất gia, các bà tín nữ đến chùa nên giữ gìn cẩn thận, rất khiêm tốn, mỗi khi có việc cần nói với nhà sư. Quần áo nghiêm trang từ tốn, không nên mang theo đồ trang sức lòe loẹt và ăn nói nhỏ nhẹ khiêm nhường. Được như vậy, là các bà giúp ích cho cả hai, chính mình bà và nhà sư. Tự giúp mình là vì đó là noi theo con đường của giáo pháp, tức là nhận định tính cách vô thường, bất toại nguyện và bản chất không đẹp đẽ của thể xác này. Giúp nhà sư vì làm như vậy là nhắc nhở các Ngài rằng phần lớn các vị đắp y vàng chưa hẵn diệt trừ hết ô nhiễm trong lòng (kilesa).

Những vị cư sĩ đã có trải qua thời gian thực hành nếp sống trong các tu viện, chính mắt mình trông thấy và tự bản thân mình kinh nghiệm giá trị vô biên của giáo Pháp, ngồi trước vị thầy của mình hay trước các vị sư khả kính khác tự nhiên luôn luôn chấp hai tay lại theo hình hoa búp sen. Niềm tin (saddhā) và tâm sáng suốt (pasāda) chắc chắn sẽ tăng trưởng cùng mực độ với kinh nghiệm của ta trong giáo pháp. Khi đưa thầy mình hay các vị sư khác ra đi, người cư sĩ thấm nhuần giáo Pháp (dhamma) đôi khi cũng chấp hai tay theo lối anjali, xá ba xá và đọc câu: “Kính bạch Đại Đức, xin Ngài hoan hỉ tha thứ những lỗi lầm mà con đã phạm phải bằng thân, khẩu hay ý…. Lần thứ nhì, kính bạch Đại Đức…. Lần thứ ba, kính bạch Đại Đức…thân, khẩu hay ý[7]”. Không phải tất cả mà chỉ có những người đã thọ lãnh ân huệ hay có lòng tôn kính đặc biệt một thầy tỳ khưu mới đọc câu này. Sở dĩ nêu lên đây vì đó là một tập túc tốt đẹp. Tất cả những ai chưa đạt đến tầng A la hán đều vẫn còn ít nhiều những vết ngã mạn. Càng trưởng thành trong giáo pháp những vết ngã mạn ấy càng tiêu tan dần và đức tính khiêm tốn thật sự càng tăng thêm. Tập tục công khai xin được tha lỗi ấy đôi khi có thể đem lại lợi ích. Tác phong của người Phật tử phương Tây đối vơi thầy có ít nhiều thay đổi, tùy theo phong tục tập quán của mỗi xứ chấp nhận thế nào là đủ lễ. Tuy nhiên ta có thể nhấn mạnh ở đây một lần nữa tác phong lễ độ tương tự trong khuôn khổ tâm niệm và trí tuệ.

Cuối cùng, đây là một vài lời đề cập đến việc gì thầy tỳ khưu có thể làm được trong các buổi lễ của người cư sĩ và việc gì không. Ở những nơi có đông đảo chư Tăng như Thái Lan, các Ngài thường được thỉnh về nhà tư để giảng dạy, đọc kinh chúc lành và cũng có trường hợp thỉnh sư về làm phước như tân gia, sinh nhật hay ngày giỗ thân nhân. Trong khi chư Tăng đọc những lời dạy của Đức Phật, hàng thiện tín ngồi lại, chấp tay theo lối Anjali, gom tâm vào câu kinh. Những câu Phật ngôn, được thận trọng theo dõi, sẽ đem lại an lành và hạnh phúc. Nhưng chớ nên tưởng rằng phước lành ấy đương nhiên đến khi nhà sư đọc kinh mà không cần đến sự cố gắng chăm chú của người cư sĩ. Quả thật vậy, chư Tăng và những câu Phật ngôn mà các Ngài đọc không bao giờ là một phương tiện chuyển vận để đưa đến cho ta ân huệ hay phước báu. Cái mà đôi khi ta gọi là “phước báu” tạo nên do thầy tỳ khưu đọc kinh thật ra có thể gọi là những câu kinh chúc lành. Nói cách khác, công việc của thầy tỳ khưu không giống như việc làm của một giáo sĩ, đứng trung gian giữa người và thần linh, ban phước hay trao chuyển ơn huệ của thần linh đến con người.

Thầy tỳ khưu cũng có thể được thỉnh đọc những câu chúc lành, trước hoặc sau lễ cưới, khi cặp vợ chồng chưa cưới hoặc sau khi cưới, tổ chức một cuộc “làm phước” để an tâm vững bước vào cuộc đời mới. Tuy nhiên, thầy tỳ khưu không thể hành lễ cưới cho người cư sĩ như những người giáo sĩ trong các tín ngưỡng khác. Làm mai mối, cho đàng gái cũng như đàn trai, hay chủ tọa lễ cưới là phạm vào trọng tội, tội tăng tàn thứ năm. Trong các quốc gia Phật giáo, cưới hỏi là việc riêng giữa người cư sĩ, thường người ta thỉnh một vị cao niên trong thân tộc đứng ra làm chủ lễ và chính quyền có một cơ quan hộ tịch để lo về hồ sơ hay sổ sách cho các việc cưới hỏi.

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app