GIẢI VỀ TƯỢNG PHẬT VÀ TƯỢNG BỒ-TÁT
Đã Tạo Ra Trong Phái Đại Thừa
Từ thuở Phật giáo chia ra làm hai phái (Bắc và Nam) thì cả hai bên cũng đều thọ trì theo Tam tạng của mỗi phái. Phái Nam lấy tạng luật làm trọng, phái Bắc dùng tạng luận làm gốc.
Phái phương Nam lấy tạng luật làm trọng, là noi theo gương của các đại đức A-la-hán (trực tiếp Phật) hội họp kết tập trong kỳ nhứt, y theo chánh giáo của Đức Thế Tôn, như thưở Ngài còn tại thế. Phái phương Bắc muốn tuyên truyền Phật Pháp cho phần đông người tín ngưỡng, nên họ ít hay để ý sự trì giới, họ dùng tạng luận làm gốc.
Chư tăng phương Nam xét rằng: từ xưa đến nay hằng lấy câu “Tự giác, giác tha” là mình tỉnh ngộ mình rồi sẽ tỉnh người, ấy là con đàng rất chật hẹp, rất khó khăn cho phần đông người hành theo, nên mới định sửa đổi chế biến thêm phương pháp mới, hầu cho thiên hạ dễ bề hấp thu, trước độ người rồi sau sẽ độ mình. Cho nên họ tự gọi là Đại thừa, nghĩa là xe lớn để đưa người qua khỏi bờ sanh tử, rồi họ lại trở gọi phái Nguyên Thủy là Tiểu thừa, nghĩa là xe nhỏ chật hẹp.
Phái phương Nam họ tự gọi là phái Nguyên Thủy (Theravāda) hoặc là Thinh Văn thừa (Sāvakayāna). Nhưng sau này phần đông người quen theo phái Đại thừa, nên gọi phái Nguyên Thủy là Tiểu thừa như vậy.
Phái Đại thừa phát khởi lên do theo duyên cớ đã mới giải trên, phái này họ canh cải Phật Pháp (Tam tạng) theo ý kiến riêng của họ. Như họ dạy không nên phát nguyện thành bực Độc Giác (Pacchekabuddha), Thinh văn giác (Sāvakabuddha), vì hai bậc này chỉ nhập Niết-bàn một mình, không độ tận chúng sanh, không có sự lợi ích cho phần đông, chỉ phải nguyện thành bậc Chánh Biến Tri (Sammāsambuddha) để phổ độ chúng sanh vào Niết-bàn, rồi sau sẽ độ mình. Bởi họ cho như vậy là phải hơn, nên họ hằng khuyên dạy người phải nguyện làm Bồ-tát, nhân đó mà họ thường gọi các bậc A-la-hán là Bồ-tát hết. Sau nữa, dần dần họ lại thêm rằng, Phật thường trú trong tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) nghĩa là Phật hằng có trong thế giới. Lại thêm rằng có nhiều vị Phật khác nhau gọi là Sayambhūbuddha hay là Adībuddha[12] thường trú đời đời kiếp kiếp trong thế giới và cũng có 5 vị Phật Dhyānibuddha khác nữa, do sức thiền định của Phật Adībuddha sanh ra, hằng ngự trên thượng giới là bực dẫn dắt Bồ-tát giáng sanh xuống thế gian làm ‘người Phật’ (Manussabuddha) để tế độ chúng sanh. Như họ nói có 28 vị Phật, đứng đầu hết là Tanhantakara đều là A-di cho đến đức Gotama[13] thì phái Đại thừa cũng cho là người Phật (Manussabuddha) hết. Trong mỗi vị Phật đều có ba thân: ứng thân (sambhokāya) là phàm thân, là thân phải chịu sự sanh, lão, bệnh, tử như người thường; báo thân (niramanakāya) là thân trong sạch trọn lành, thoát khỏi các điều phiền não từ khi được đại ngộ; pháp thân (dhammakāya) là thân pháp báu mà Ngài tự ngộ.
Chùa Tàu, chùa Việt Nam theo phái Đại thừa, thường tạo tượng Phật ra ba thân như vậy. Phái Đại thừa còn tạo ra tượng Phật và Bồ-tát nhiều kiểu, canh cải theo ý riêng của họ, có nhiều đầu, nhiều tay cầm mỗi món khí giới khác nhau, lại cũng có tạo tượng Bồ-tát (Lokesvāra) hoặc (Avalokitesvāra) mà người Việt Nam mình thường hay gọi là Phật Quan Âm. Họ tạo tượng ra nhiều kiểu như vậy để sùng bái là do nhóm người Bà-la-môn muốn qui nhứt Phật giáo và Bà-la-môn giáo. Cả hai mặt đạo đều khác hẳn nhau như chỗ này:
Đạo Phật dạy: Quả vui hay quả khổ đều do nơi cái nghiệp lành hoặc cái nghiệp dữ của con người đã làm ra, Đức Thế Tôn khi được chứng đắc bậc Chánh Biến Tri rồi, Ngài đem cái Pháp vô thượng của Ngài đã tự ngộ ấy đi phổ độ chúng sanh, xong rồi, Ngài tịch diệt, Ngài chỉ còn để lại cái Pháp.
Bên Bà-la-môn giáo dạy: Có một đấng chúa tể hằng ngự trên thượng giới xem sự lành, dữ của chúng sanh, ai làm quấy, không vừa lòng thì Ngài hành phạt, ai sùng bái Ngài thì Ngài ban ơn xuống phước.
Những người hạ tri đều vừa lòng theo sự dạy dỗ ấy, bởi dễ dàng hơn là mình tự tu, tự độ. Cho nên những người đi tuyên truyền Phật giáo bên phái Đại thừa do đó mà canh cải, chế biến theo Bà-la-môn giáo. Họ dạy rằng đức Bồ-tát là bậc hộ pháp, nên họ khuyên con người phải tôn kính Ngài, Ngài hằng ngự trên thượng giới, cũng như bên Bà-la-môn giáo vậy.
Sự canh cải theo ý kiến riêng ấy là họ thấy điều nào cho là tốt của đạo khác, thì họ thêm vào. Chẳng phải chỉ có phái Đại thừa Phật giáo sửa đổi như thế ấy; Bà-la-môn giáo cũng vậy, họ thấy bên Phật giáo chỗ nào tốt thì họ cũng làm theo. Vì lẽ ấy mà Bà-la-môn giáo có lập một chi đạo gọi là Visnuveda họ cho rằng đức Narayan là một vị Phật, là một đấng tế độ chúng sanh, khi con người bị tai nạn thì Ngài Virapurasa xuống cứu vớt, như đức Krisna, đức Rāma cho đến đức Sakyamuni mà họ cũng cho là đức Narayanavata.
Đức Bồ-tát mà phái Đại thừa canh cải ấy, có nhiều hạng lắm, nhưng đây chỉ kể tóm tắt có 5 hạng[14]: Samantabhadrabodhisatva: là bực Bồ-tát hộ pháp của Đức Phật Kakkusandha; Vājirapānibodhisatva: là bực là bực Bồ-tát hộ pháp của Đức Phật Konā Kamana; Racanapanibodhisatva: là bực là bực Bồ-tát hộ pháp của Đức Phật Kassapa; Avalokilesvarabodhisatva: là bực là bực Bồ-tát hộ pháp của Đức Phật Gotama (Cồ Đàm); Visavapanibodhisatva: là bực là bực Bồ-tát hộ pháp của Đức Phật Ariyametteyya (Di Lặc) (là Phật vị lai).
Tượng Bồ-tát mà phái Đại thừa đã tạo ra trước hết có mặc y phục nhà vua cho dễ phân biệt, tay có cầm khí giới khác nhau. Sau rồi do theo Bà-la-môn giáo họ tạo tượng chư Thiên hình dáng khác thường, nên phái Đại thừa cũng tạo tượng Bồ-tát khác thường thêm nữa, có nhiều mặt, nhiều tay, cầm nhiều khí giới.
—