GIẢI VỀ THÁP PHẬT TẠO RA TRONG CÁC NƯỚC, NGOÀI ẤN ĐỘ

Phật giáo truyền sang các nước ngoài Ấn Độ, kể từ thời hoàng đế A-dục, lối Phật giáo được 220 năm. Nhưng điều mà các nước vịn lẽ rằng có Đức Phật đến phổ độ trong nước họ, hoặc có Thánh tích của Ngài (trong thuở Ngài còn tại thế), như nói có tóc của Ngài hoặc có dấu chưn của Ngài, thuyết ấy đều nương theo lời sau này hết. Thuở hoàng đế A-Dục có lịch sử ghi chắc chắn đáng tin được, thì chỉ có một xứ Ceylan có dấu tích của Phật.

Nếu nói theo cổ vật còn lưu truyền trong các nước cho đến ngày nay, thì phía tây Ấn Độ Phật giáo truyền bá ra không bao xa, chỉ lan tràn đến tỉnh Punsi, nhưng các phía khác thì được phổ thông ra xa hơn. Phía bắc thì truyền ra đến chưn núi Tuyết sơn (Himalaya) chí trung Á châu (bây giờ thuộc về nước Russie) luôn đến nước Tàu; phía đông thì rải ra xa hơn các hướng, từ nước Miến Điện, Soạn Tha quần đảo, Xiêm, Cao Miên, Việt Nam, Tàu, Cao Ly, chí nước Nhựt Bổn. Phía nam thì truyền bá đến các hải đảo Paniū. Nhưng sự bành trướng Phật giáo thì lan ra dần dần, nhiều trăm năm do người Ấn Độ đi sang truyền bá, rồi những người trong nước đã tín ngưỡng, đem chỉ dạy lại cho nhau.

Cách mà người Ấn Độ đem Phật giáo phổ cập đến các nước ấy, thì nhờ sự giao thông tới lui (Gamanagama) qua lại đã lâu đời rồi. Người Ấn Độ đi buôn bán hoặc đến trú ngụ trong các nước ấy, người theo đạo nào thì đem đạo ấy sang để tu hành và chỉ dạy dân trong nước ấy hành theo, cả Bà-la-môn giáo và Phật giáo cũng vậy. Nhưng hai mặt đạo có điều khác hẳn nhau: Bà-la-môn giáo dạy đạo lẫn lộn với sự nhà việc nước, còn Phật giáo chỉ khuyên tu hành theo Chánh pháp. Lại nữa Bà-la-môn giáo dạy sự lợi ích có cao, thấp theo giai cấp xã hội, còn Phật giáo huấn dụ người bất phân tôn ti, thượng hạ. Duyên cớ mà hai mặt đạo được thạnh vượng khác nhau trong các nước là: nước nào ở dưới quyền Ấn Độ, nước ấy Bà-la-môn giáo được thạnh hành như xứ Jāva, Kambūjā v.v…,nước mà người Ấn Độ không có quyền hành thì Phật giáo được nhiều người tín ngưỡng hơn như nước Miến Điện, Tích Lan v.v…

Hai mặt đạo lại còn khác nhau một điều nữa là người giữ đạo Bà-la-môn thì không sốt sắng về sự tuyên truyền đạo đức, do cớ đã giải trên, về Phật giáo thì lấy sự giáo hóa làm trọng, từ thuở Phật còn tại thế.

Thuở đức hoàng đế A-dục trị vì, Phật Giáo được thạnh hành cực điểm, nhờ Ngài phái người đi truyền bá sang các nước, cho nên trong nước Ấn Độ có lời khen rằng: Đức vua nào có lòng hộ Phật Pháp thì hằng được làm hoàng đế trong nước Ấn Độ. Như đức vua Kaniska hằng noi theo gương của hoàng đế A-dục cho người sang bành trướng Phật giáo đến các nước.

Người sang truyền Phật giáo đều do theo con đường mà họ đã thường hay đi tới, lui, qua, lại từ xưa mà đến các nước. Người sang các nước phía tây và phía bắc thì phần đông là người Ấn Độ ở miền trên, đi đường bộ thì từ nước Gandhara sang qua nước Punsin hoặc theo con đường Trung Á châu. Về phía đông, phần nhiều là người Trung Ấn độ, từ nước Magadha xuống đảo Tích Lan, hoặc xuống theo bãi biển Bengale, đến Miến Điện, Xiêm. Người sang phía nam, phần đông đều là người miền dưới, nương thuyền mà qua biển, đến đảo Sumatra, đảo Java và trở lên xứ Chàm (bây giờ thuộc về xứ Trung-Việt, Việt Nam) và nước Kambūja. Nhân đó nên Phật Pháp và kiểu mẫu hình tượng, tháp Phật trong các nước mới có sự khác nhau như vậy. Các nước phía tây đều noi theo nước Magadha, nước phía nam thì bắt chước người Ấn Độ miền dưới (Kalingarattha) đem truyền sang đều do Phật giáo trong nước Ấn Độ. Thuở đầu tiên đức hoàng đế A-dục phái người đi truyền bá Phật giáo, thì trong nước Ấn Độ còn giữ theo phái Nguyên Thủy (Theravāda) (mà phái Đại thừa họ gọi là Tiểu thừa) Tam tạng thì dùng tiếng Magadha (Pālī) y theo kết tập kỳ ba như xứ Tích Lan cũng đều theo phái Nguyên Thủy. Đến đời vua Kaniska  Ngài cho phép kết tập Tam tạng bằng tiếng Sanskrit (Bắc phạn) mới sanh ra có phái Đại thừa tràn ra trong nước Ấn Độ. Người Ấn Độ truyền phái Đại thừa đến các nước đã có giữ theo phái Tiểu thừa, thì phần đông họ trở xu hướng theo Đại thừa, trừ người nước Tích Lan, Miến Điện, thì họ còn nắm giữ phái Nguyên Thủy (Theravāda) vì được ở gần các bực thiện trí thức nước Magadha giữ phái Tiểu thừa, nên mới còn duy trì đạo cổ. Có lịch sử nói rằng: thuở Phật giáo được hơn 900 năm, có một người ở thành Buddhagāyā phát tâm rất tín thành vào xuất gia theo phái Nguyên Thủy, tên của Ngài còn ghi khắc là đức A-xà-lê Buddhaghosa học thông suốt Tam tạng rồi, xét rằng Tam tạng trong nước Magadha đã khắc bằng văn tự, có sai sót nhiều chỗ, không đúng Phật ngôn (Buddhavacana). Ngài biết bên Tích Lan cũng có Tam tạng khác bằng văn tự, y theo lời truyền giáo của đại đức Mahinda. Đức A-xà-lê Buddhaghosa mới cố gắng sang Tích Lan, có mang theo Tam tạng trong nước Magadha để dò xét, nghiên cứu, so sánh với Phật Pháp bên Tích Lan.

Bên Tích Lan có Tam tạng bằng ba thứ: 1) Thứ Pālī là Tam tạng chép y theo trong kết tập kỳ ba, ghi bằng tiếng Magadha mà đại đức Mahinda. Ngài đã thuộc nằm lòng, rồi đem sang truyền dạy chư tăng Tích Lan cũng học nằm lòng để truyền lại cho người trong nước. 2) Một thứ nữa gọi là Atthakathā là lời chú giải thêm một đôi chỗ mà trong Pālī nói tóm tắt, giảng rộng thêm ra cho những người học tập dễ hiểu mà chư tăng Tích Lan dịch ra bằng tiếng Tích Lan. 3) Thứ ba là Tikā là lời chú giải Atthakathā minh bạch thêm một lần nữa. Bộ Kinh này chư tăng Tích Lan cũng dịch ra bằng tiếng Tích Lan.

Thuở ấy, đức A-xà-lê Buddhaghosa cũng cậy chư tăng Tích Lan hợp lại để dò xét giùm Pālī cho đúng theo lối xưa, trích bỏ những nơi nào sai lầm và nghiên cứu thêm tạng Át-thá-cá-tha, Tị-ca mà chư tăng Tích Lan đã có dịch sẵn. Thấy nơi nào đúng đắn thì dịch ra tiếng Magadha cho hiệp theo Pālī, Át-thá-cá-tha và Tị-ca. Còn nơi nào mà dò xét thấy sai lầm, không đúng theo Phật ngôn, thì đức But-tha-khô-xa đốt bỏ hết.

Tam tạng bằng tiếng Magadha (Pālī) là Chánh Pháp của nền Phật giáo mà phái Nguyên Thủy (Theravāda) thọ trì theo đến ngày nay, là Pháp bảo đã chấn chỉnh hoàn toàn đúng theo chơn lý, nhờ đức A-xà-lê[15] (Buddhaghosācārya) và chư tăng Tích Lan đã có nghiên cứu và duyệt chánh rồi trong khi ấy, nên mới có ghi vào lịch sử miền Nam, khi đại đức Mahinda và chư tăng đảo Tích Lan chấn chỉnh Kinh, Luật đầu tiên hết, kể là kết tập kỳ thứ tư, khi chư tăng chép Tam tạng ra bằng chữ, kể là kết tập kỳ thứ năm.

Thuở Phật giáo được 1.000 năm, đạo Phật trong nước Ấn Độ đã suy vi, do sự xung đột nhau (Bà-la-môn giáo và Phật giáo) xảy ra đã lâu rồi, làm cho tăng đồ và tín đồ không được trong sạch vì đã bị lẫn lộn chung với Bà-la-môn giáo. Như có tích ghi phân minh rằng: Có một nhà sư Tàu danh là thầy Huyền Trang đi sang nước Ấn Độ thuở Phật giáo được 1.173 năm. Trong thời kỳ ấy có đức vua Siladitya trị vì xứ Ca-ni-da-cup-cha (Kanyagubja) là vua nước Trung Ấn Độ, ngài là bậc hộ pháp, cho phép kết tập kinh, luật. Cách thức trong sự kết tập ấy như sau này: Ngày đầu khiêng tượng Phật chưng ra, ngày thứ nhì chưng tượng Thái dương, ngày thứ ba chưng hình Đại phạm vương hay là Thiên chúa (do theo đây, đủ hiểu rõ rằng Phật giáo đã suy vi nhiều rồi, trong lúc ấy thầy Huyền Trang sang thỉnh kinh bên Ấn Độ).

Bên đảo Tích Lan cũng chẳng yên tịnh, vì đảo ấy ở tiếp cận xứ của bọn nghịch tà kiến, ở về miền cực nam, miền cuối cùng mũi (pointe) xứ Ấn Độ. Bọn nghịch ấy sang đánh lấy đảo Tích Lan nhiều phen, có khi lấy được và thống trị lâu năm. Trong khi chiến tranh ấy, Phật giáo lại suy vi, cũng có khi, phát sanh ra mặt đạo khác nữa, đến khi đức vua Sihalada là bậc chánh kiến được phục quốc, ngài lo chỉnh đốn Phật giáo lại được thạnh vượng, trong nước trở lại thọ trì một đạo như vậy đã nhiều lượt. Đến khi Phật giáo được 1.600 năm đảo Tích Lan lại bị vào tay bọn nghịch ấy một phen nữa. Nhờ đức vua Sirisamghabodhi đánh đuổi bọn nghịch đi rồi ngài bèn lo bảo tồn Phật giáo. Ngài có xét rằng trong xứ Tích Lan không còn chư tăng tinh sạch nữa. May thay, thuở ấy trong nước Miến Điện (Birmanie) Phật giáo rất thạnh hành hơn các nước nhờ đức hoàng đế Anuruddhamahārāja trị vì nước Miến Điện. Ngài rất có oai thế thâu phục được nhiều nước, luôn đến nước Xiêm. Ngài lo bảo hộ Phật giáo được hưng thạnh trong các nước ấy.

Đức vua Sirisamghabodhi cho người qua cầu thỉnh chư tăng nước Miến Điện về để chứng cuộc truyền qui giới cho chư tăng Tích Lan trở nên trong sạch. Đức hoàng đế A-nu-rut-tha nhân đó mà được giao thông với nước Tích Lan, sang thỉnh Tam tạng bằng tiếng Magadha mà đức A-xà-lê Buddhaghosa đã kết tập để lại trong xứ Tích Lan, đem về làm của báu quốc gia và truyền bá sang nước Xiêm.

Bên xứ Ấn Độ kể từ khi Phật giáo được 1.500 năm thì đạo Phật càng thêm suy vi, do những người giữ Bà-la-môn giáo có quyền thế lớn hà hiếp Phật giáo, luôn cả tăng đồ cũng trở xu hướng theo phù pháp để mua lòng người, mong hưởng sự lợi danh trần thế, không còn thọ trì kinh luật như xưa, cả phái Tiểu thừa và Đại thừa cũng đều như vây.

Đến khi bọn Ả rập có quyền thế lên, họ đem binh đánh lấy các nơi và ép người phải theo tôn giáo của họ là đạo Islama. Đạo này truyền sang đến nước Punsi sau rốt người Ả rập được quyền thế lớn cai trị xứ Ấn Độ, kể từ Phật Pháp được 1.700 năm. Đạo Islama dạy rằng: Sự hủy hoại các tượng ảnh mà người đã tôn kính chẳng hạn là mặt đạo nào là một phước báu lớn. Cho nên, bọn Islama đều phá hư các tượng Phật và hà hiếp người giữ Phật giáo, làm cho những người tu Phật trong xứ Ấn Độ đều tan hết, thật là đáng tiếc. Thuở Phật giáo bị người Ả rập phá hại đó, chẳng phải chỉ nội trong một xứ Ấn Độ đâu, còn có bọn Ả rập dẫn binh theo con đàng biển Hồng Hải (Mer rouge) đánh lấy các xứ theo mé biển, từ Ấn Độ cho đến mũi Ma-lay-du (Melleyyu) và đảo Sumatra, đảo Java, xứ Chàm theo mé sông Mékong. Quyền thế lan ra đến đâu thì họ phá hoại tượng Phật đến đó. Nhưng cũng còn có nước mà người Ả rập đi không đến, như các nước phía bắc Ấn Độ (Népal, Thibet và các xứ ở miền trung Á châu). Cũng còn các nước khác nữa, như phía nam thì nước Tích Lan, phía đông nước Miến Điện, xứ Xiêm, Cao Miên, Việt Nam, Tàu, Cao Ly và Nhựt Bổn đều còn giữ đạo Phật cho đến ngày nay, nhưng sự hành đạo thì khác nhau.

Người xứ Népal, Thibet và trung Á châu luôn cả và Tàu, Việt Nam, Nhựt, Cao Ly đều giữ theo phái Đại thừa, người Tích Lan, Miến Điện, Soạn-tha quần đảo, Xiêm, Cao Miên giữ theo phái Tiểu thừa[16].

Mấy tòa tháp đã tạo ra trong các nước ấy, đều do theo khuôn mẫu nước Ấn Độ, nhưng cũng khác nhau. Người Thibet, Népal và trung Á châu thì tạo theo kiểu của người Grec đã làm ra trong xứ Gandhara, cho đến người Tàu, Cao Ly, Nhựt Bổn cũng vậy; người Java, Chàm, Cao Miên thì theo kiểu thợ Ấn Độ miền dưới. Tháp Phật làm theo kiểu Ấn Độ và truyền sang đến các nước, có bốn thứ đại khái: tượng Phật, tượng Bồ-tát, tháp Phật, chùa Phật.

Cách thức bốn thứ cổ vật ấy đều khác nhau:

  • Tượng Phật thì người Grec đã tạo trong nước Gandhara trước, rồi mới truyền sang đến các nơi như đã có nói trên. Trước khi mới tạo tượng Phật, không nhứt định phải làm theo kiểu nào. Vì tượng mới tạo ra sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt được 400 năm, không có thể giống Phật được, chỉ định tạo cho thiên hạ thấy mà phân biệt rằng là tượng Phật, như đã có giải phía trước. Do cớ ấy, những tượng Phật trong các nước đều chẳng giống nhau. Xem như người Tàu, Nhựt sau này họ tạo tượng Phật không có mặc Tam y, mà trở lại mặc áo giống như mấy ông thầy Tàu, Việt Nam mặc ngày nay vậy.
  • Còn tượng Bồ-tát thì phái Tiểu thừa chỉ có tạo tượng đức Di Lặc là Bồ-tát sẽ thành Phật kế vị cho Đức Thích Ca Mu Ni. Nhưng bên Đại thừa tính rằng chư Bồ-tát có thế lực ban phước và hành tội con người (như Đại phạm thiên vương bên Bà-la-môn giáo) nên họ mới tạo ra nhiều kiểu tượng Bồ-tát để sùng bái. Tượng giống người cũng có, khác thường cũng có, có nhiều tay, cả nam và nữ, người Tàu họ đều gọi là Bồ-tát, nên tạo ra để phụng thờ.
  • Tháp Phật trước hết tạo ra để thờ xá-lị theo kiểu mẫu trong nước Trung Ấn Độ do Phật ngôn đã có di huấn. Tháp Phật đã xây ra đều đủ và truyền bá sang các nước là từ đời hoàng đế A-dục, ngài chia xá-lị cho các nơi để sùng bái.
  • Về chùa Phật thì họ noi theo kiểu cung điện, có nhiều tầng mà xưa kia họ làm bằng cây, như chỗ ở của đại phú gia, từ nhà vua cho đến bực trưởng giả, là dinh thự của hạng cao sang (những thường nhơn thì chỉ ở nhà một tầng), sau rồi họ biến cải ra chỉ làm một tầng, trên nhỏ dưới lớn, nhưng cũng cất cho có thể mạo là cung điện, sau rồi họ chỉ xây bằng gạch. Cả hai bên (Phật giáo và Bà-la-môn giáo) cũng đều lập đền thờ như kiểu ấy. Điện thờ Phật chỉ tạo có một tháp ở giữa, còn bên Bà-la-môn thì có ba tháp.

Kim thân hoặc tượng Bồ-tát, hoặc Tháp, hoặc Chùa trong các nước, tuy rằng đã do theo kiểu mẫu bên Ấn Độ, nhưng sau rồi trong mỗi nước có thợ hay hoặc do lẽ gì khác, thì họ tạo theo ý riêng, tùy thích của mỗi nước.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app