GIẢI VỀ NGUYÊN NHÂN SỰ TẠO TƯỢNG PHẬT ĐẦU TIÊN

Sau khi đức hoàng đế A-dục thăng hà rồi, thì các vị vua lên cầm quyền chánh trị kế nghiệp cho ngài, không đủ sức gìn giữ bờ cõi được vĩnh viễn, các nước chư hầu đều trở xưng vương tự trị. Tuy nhiên, Phật giáo cũng còn được hưng thạnh như xưa.

Các xứ phương tây bắc Ấn Độ như xứ Ganh-thá-rá (Gandhara) chỗ mà người Hi lạp (Grec) lập nơi cư ngụ trong xứ Ấn Độ đã lâu đời. Thuở đức hoàng đế A-dục trị vì, thì bọn này cũng đều tu theo Phật giáo, đến khi hoàng đế A-dục thăng hà rồi, họ lại xưng vương, xưng bá, có bọn bỏ Phật giáo theo đạo Grenclà đạo cũ của họ, mà cũng còn người theo Phật giáo vậy.

Người Hi lạp theo tôn giáo của họ, là đạo sùng bái chư Thiên, họ quen tạo tượng chư Thiên để thờ, đến khi theo Phật giáo họ cũng noi tục xưa, tạo tượng Phật để sùng bái vậy. Nhưng thuở ấy, chỉ nội trong xứ Gandhara có thờ tượng Phật thôi, vì nước của họ còn nhỏ hẹp, nên không có thể truyền bá sang đến nước ngoài được. Chẳng bao lâu người Hi lạp bị vua Kaniska đem binh thâu phục (sau khi Phật tịch được 620 năm). Đức vua này rất tín ngưỡng Phật giáo, lập đế đô tại thành Bú-rú-xá-bú-ri (Purusapuri) phía bắc xứ Gandhara. Đức vua Kaniska bảo hộ Phật giáo, có làm hai việc rất hữu ích cho nền đạo là: tạo tương Phật, kết tập Tam tạng.

Về việc tạo tượng Phật, trước hết người Hi lạp định tạo ra một khuôn tượng cho khác hơn người thường, hầu dễ bề phân biệt và một kiểu nữa cho xinh đẹp, cho thiên hạ thấy mà đem lòng tín ngưỡng.

Vả lại, thuở tạo tượng chẳng có một ai (chính mình) được giáp mặt Đức Thế Tôn (vì đã trải qua nhiều đời rồi) chỉ còn lịch sử để lại nói rằng: Phật có 32 tướng tốt khác thường và trước kia Ngài là vua trong một nước trung Ấn Độ, bỏ ngôi đi tìm đạo, cho nên người Hi Lạp tạo tượng theo lúc Ngài còn làm vua, lúc Ngài làm thầy tỳ khưu, Sa-môn mặc tam y, lúc Ngài mới giáng sanh. Bọn thợ Hi lạp có tạo ra nhiều kiểu tượng như: Lúc Ngài chưa chứng quả Phật, thì tượng ngồi kiết già, bán già, tham thiền, nhắm mắt, hai tay chồng lên để trên chân mặt. Lúc Ngài thắng Ma vương thì Ngài ngồi mà tay mặt mặt chỉ xuống đất tỏ dấu rằng có đất làm chứng. Khi Chuyển pháp luân thì 10 ngón tay của Ngài xòe ra ráp tròn lại giống như trái cầu. Lúc Ngài hiện thần thông trước mặt bọn ngoại đạo nghịch cùng Ngài thì có hoa sen đỡ Ngài. Lúc nhập Niết-bàn thì Ngài nằm nghiêng bên tay mặt.

Thuở đức vua Kaniska trị vì thì tăng chúng đã chia ra làm hai phái: 1) Phái phương bắc Ấn Độ mà thiên hạ thường gọi là phái Đại thừa như ngày nay mà trong xứ Tây Tạng, Cao Ly, Tàu, Nhựt, Việt Nam sùng bái; 2) Phái phương nam Ấn Độ mà bên Đại thừa họ gọi là Tiểu thừa mà xứ Tích Lan, Miến Điện, Soan-tha quần đảo, Xiêm, Cao Miên đành hoan nghinh.

Phương bắc thì phần đông chư tăng qui theo phái Tân Tiến (Ācāryavāda). Lịch sử có ghi rằng: Đức vua Kaniska muốn lập hội kết tập Tam tạng cho chư tăng hiệp nhứt, nhưng chư tăng giữ theo phái của mình đã lâu năm rồi, nên không thuận hiệp nhứt. Đức vua Kaniska bèn cho phép phái Bắc hội tại thành Purusapuri, dùng tiếng Bắc phạn (Sanskrit) để kết tập, cho nên mới có Tam tạng mới bằng tiếng Sanskrit, còn phái Nam thì chỉ giữ qui tắc xưa, dùng tiếng Magadha (Pālī) để kết tập.

Theo lịch sử thì kể từ khi kết tập kỳ ba, mà đức hoàng đế A-dục đã lập ra cho đến ngày nay, ai muốn giữ theo phái nào thì tùy sở thích của mỗi người, mới có sự chia rẽ chư tăng ra làm hai phái, như đã nói trên.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app