GIẢI VỀ LỊCH SỬ THÁP PHẬT

Sau khi Phật nhập diệt được 4 tháng, các bực Thinh văn đại A-la-hán hội họp tại thành Vương-xá (Rājagaha) là kinh đô xứ Má-gá-thá (Magadha) để kết tập kinh luật mà Đức Thế Tôn đã giáo truyền, hầu cho dễ bề thông dụng, đại đức Cá-xá-bá[11] (Kassapa) làm tọa chủ. Đức Ananda suốt thông kinh luận, thì trả lời về kinh luận, đức Upali sở trường tạng luật, thì soạn tạng luật. Khi đã kết tập xong đúng theo Phật ngôn rồi, các Ngài tách ra mỗi vị đi mỗi ngã, để tuyên truyền Phật Pháp. Thuở ấy cũng chưa chép Tam tạng bằng chữ. Sự nhóm họp để sưu tập Tam tạng ấy, gọi là kết tập kì nhứt (Pathamasangāyanā).

Trong xứ Má-gá-thá (Magadha) Phật Pháp được thạnh vượng kể từ thời hoàng đế Bimbisārā đến hoàng đế A-ja-ta-xá-tru (Ajātasastru) Phật Pháp càng thêm hưng thạnh. Trải qua một thời kỳ khá lâu tuy là chư tăng còn thật hành Chánh pháp y theo kết tập trong kỳ nhứt, nhưng cũng đã có xảy ra nhiều sự bất đồng ý kiến trong tăng già.

Trong lịch sử có ghi rằng: Sau khi Phật nhập diệt được 100 năm, có một nhóm thầy tỳ khưu gọi là Vajjiputra ở tại thành Quê-sa-li (Vesali) theo lời trong kinh Đại Niết-bàn có nói rằng: Đức Thế Tôn cho phép “nếu chư tăng đồng ý cùng nhau, là thấy điều luật nào ít quan trọng mà Như Lai đã chế định, đến sau rồi chư tăng không có thể thọ trì được nữa thì được phép sửa đổi”. Do nguyên nhân này mà nhóm thầy tỳ khưu Vajjiputra sửa đổi điều luật của Đức Thế Tôn. Họ sửa đổi, chế biến thêm 10 điều mới, để thọ trì như là: điều răn cấm không cho dùng vật thực lúc chinh xế (bất phi thời thực) và không cho lãnh hoặc cất giữ hay cảm xúc châu báu và vàng bạc (xin xem thêm trong Luật xuất gia đã soạn, trang 97 đến 101, quyển nhứt).

Thuở ấy, có đại đức Da-xá (Yasa) làm đầu chư tăng trong một phe lớn không chịu tuân theo, ngài điều đình đi thỉnh đại đức A-xà-lê (Acarya) trong các nhóm khác, như là đại đức Sáp-bá-ca-mi (Sabbakāmi) và đại đức Rê-vá-tá (Revata), hiệp với nhiều nhóm khác nữa hội hợp tại thành Quê-xa-li (Vesali)  đề nghị định về 10 điều của nhóm thầy Quách-ji-bu-tra (Vajjiputra) mới chế ra. Tất cả chư tăng đều đồng ý nhau chẳng chịu công nhận sửa đổi điều luật ấy. Bởi thuở trước các bậc Thinh văn đại A-la-hán, hội họp kết tập trong kỳ nhứt đã quyết định rằng: “Tuy Đức Thế Tôn đã có di huấn để lại, nhưng cũng chẳng nên sửa đổi cho trái điều luật của Ngài đã truyền răn”.

Thuở ấy, nhóm thầy Quách-ji-bu-tra (Vajjiputra) không chịu rút 10 điều của họ đã chế ra, nhưng đại đức Da-xá (Yasa) cũng chẳng có quyền chi ngăn cấm được, nên mới có sự trì giới chia ra làm 2 phe: 1) Bên phe đại đức Da-xá (Yasa) giữ giới luật được đều đủ gọi là phái Nguyên thủy (Theravāda) do nắm giữ giới luật y theo lời của các bậc đại A-la-hán, trực tiếp Phật kết tập trong kỳ nhứt (Pathamasaṅgāyanā). 2) Bên phe các thầy Quách-ji-bu-tra (Vajjiputra) giữ theo 10 điều của họ đã đặt ra, gọi là phái Tân tiến (Ācāryavadā) do sự hành theo ý kiến riêng của các vị A-xà-lê đã chế biến ra sau này.

Các vi đại đức bên phe Da-xá đều hội họp nhau lại để kết tập kinh luật một lần nữa, cho đúng theo như thuở kết tập trong kỳ nhứt. Kỳ hội hợp này gọi là “Kết tập kỳ nhì” (Dutiyasaṅgāyanā).

Từ ngày sanh ra nguyên nhân chia chư tăng ra làm hai phái (Nikāya) là: phái Nguyên Thủy (Theravāda hay là Sthāvira), phái Tân Tiến (Ācāryavada hay là Mahasaṅghika). Nhưng sự chia rẽ đây chỉ khác nhau trong việc hành điều luật nho nhỏ, về điều quan trọng thì vẫn cũng giống nhau như Phật còn tại thế, như mùa hạn thì đi thuyết pháp độ đời, hoặc ẩn nơi thanh vắng để tham thiền nhập định, đến ba tháng mưa mới hội họp nhau để nghĩ hạ, không chấp chỗ này nơi kia, là của mình của người.

Nhưng từ khi có xá-lị tháp và vật dụng tháp, như đã giải rồi là tháp báu để phụng thờ, lễ bái, thế mặt cho Đức Thế Tôn, thì các nhà tu Phật từ bậc xuất gia cho đến hàng cư sĩ, đều giữ theo cựu lệ đi đến mấy nơi ấy để sùng bái như thuở Đức Thế Tôn còn tại thế vậy (noi theo cử chỉ của chư tăng ngày xưa). Sau khi Phật nhập diệt, những nhà tu Phật hằng hoan nghinh, tới lui chẳng dứt bốn nơi động tâm (Samvejaniya) để lễ bái cúng dường. Bốn nơi ấy là: chỗ Bồ-tát ra đời, chỗ Phật chứng quả, chỗ Phật quây bánh xe Pháp lần đầu, chỗ Phật nhập Niết-bàn. Phần đông họ hoan nghinh bốn chỗ ấy hơn là xá-lị tháp do theo Phật ngôn rằng: Nếu có người muốn thấy Như Lai, sau khi Như Lai nhập diệt rồi thì nên tìm đến một trong bốn nơi ấy để suy tưởng Pháp động tâm (Dhammasamvega). Còn về xá-lị tháp, Phật không có di huấn như bốn chỗ động tâm.

Lại nữa, tám xá-lị tháp đã tạo ra thuở đầu, qua đến thời kỳ Phật Pháp được 200 năm, sau khi Phật diệt độ phần nhiều đều bị hư nát hết. Lịch sử có ghi rằng khi chia xá-lị rồi, không bao lâu năm thì đại đức Ca-diếp sợ e xá-lị thất lạc, nên Ngài dùng thần thông lấy xá-lị đem về dâng cho đức vua A-ja-ta-xas-tu (Ajātasastru). (Chuyện này thuật lại cho biết rằng xá-lị tháp đã tạo ra trong lúc đầu tiên, chỉ còn lại trong ít nơi thôi).

Nhưng về phần vật dụng tháp là bốn nơi động tâm (Samvejaniya) có lịch sử đích xác ghi rằng: Các nhà tu Phật, phần đông đều hoan nghinh tới lui sùng bái hằng ngày, từ xưa đến nay, họ lại còn xu hướng đến chỗ mà Đức Thế Tôn thị hiện thần thông (mà họ cũng gọi là bốn chỗ vật dụng tháp) là: 1)chỗ Như Lai từ cung trời Đạo Lợi trở xuống trần thế, tại xứ Lan-ca-xa (Lankassa) (bây giờ gọi là Sujankola); 2) chỗ Như Lai hiện đại thần thông có phép tương đối nhau tại xứ Sa-vát-thi (Sāvatthī); 3) chỗ Như Lai cảm phục con voi Na-la-gi-ri (Nālāgirī) tại thành Vương xá (Rājagrha) (bây giờ gọi là Rājagaha); 4) chỗ Như Lai cảm phục đức vua Ba-na-ra (Banara) tại xứ Quê-xa-li (Vesali).

Tục lệ mà các nhà Phật tử năng tới lui sùng bái bốn nơi động tâm (Samvejaniya) ấy, có thể cho là nguyên nhân sanh ra sự tạo tịnh xá cho chư tăng ở, mà nay chúng ta thường hay gọi là nhà chùa. Thuở Phật còn tại thế, các bậc Thinh văn hằng theo bêm chưn Ngài, nhứt là đức Ananda. Đến khi Phật tịch diệt rồi chẳng còn thấy Đức Thế Tôn như xưa nữa, cho nên các ngài thường đem nhau đến một trong bốn nơi động tâm (Samvejaniya) theo lời di huấn của Đức Thế Tôn (đã có giải trước) thành ra bốn nơi ấy hẳng có Phật tử tới lui sùng bái không ngớt. Nhân đó những người ở gần mấy nơi động tâm (Samvejaniya) muốn làm việc phước báu, nên họ cất chỗ ngụ để tiếp rước kẻ ở phương xa tới lui. Sau rồi có nhà thành tâm, họ lập tịnh thất trong nơi ấy cho chư tăng ngụ. Về phần Tăng già vì có nhiều vị đến ở gìn giữ săn sóc mấy nơi ấy, mới sanh ra duyên cớ việc xây chùa, lập thất (giống như chúng ta đã làm ra trong ngày nay). Sau rồi thành ra thói quen, lập chùa trong các xứ là vì lẽ ấy.

Bởi có các hàng Phật tử tới lui bốn nơi động tâm (Samvejaniya) ấy, người ở gần thì dễ đi, người nơi xa thì khó đến, cho nên những người tha phương có tạo bảo tháp trong xứ họ, cho dễ bề sùng bái.

Trong mấy nơi vật dụng tháp mà Đức Thế Tôn đã di huấn, chỉ có cây Bồ đề tại xứ Buddhagāyā, có thể chiết đem trồng sang xứ khác được. Do lẽ ấy nên phần đông người ở xa lấy hột hoặc chiết cây Bồ đề mẹ, đem về trồng trong xứ mình, cho dễ bề sùng bái. Khi đã tạo ra bảo tháp trong xứ rồi thì phải có người coi giữ, mới sanh ra sự lập chùa, cất thất, là lẽ như vậy.

Thuở Phật còn tại thế, cũng đã có nhà tịnh xá, như Trúc lâm tịnh xá (Veluvana) và Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) của nhà đại phú gia Cấp Cô Độc (Anāthapindika) lập ra tại thành Xa-quát-thi (Sāvatthī). Nhưng nhà tịnh xá lập ra trong thời kỳ Phật, thì chư tăng chỉ ở chỗ ngụ, trong một đôi khi thôi. Lúc nào Phật đi phổ độ đến các nước khác, tịnh xá vẫn bỏ trống, chẳng còn ai gìn giữ. Những nhà chùa lập ra sau này có thờ thánh tích của Phật, làm nơi xu hướng cho tín đồ, là vật thay thế cho Phật, hằng có người tới lui, lễ bái, cúng dường, nên mới có người săn sóc, là lẽ như vậy.

Theo thói quen, người Ấn Độ rất tín ngưỡng giống “đại thanh bồ đề” (Crīmahābodhi) tại xứ Buddhagāyā. Có lịch sử nói chắc chắn rằng: thuở Phật giáo truyền sang đảo Tích lấn (Ceylan) đức Hoàng đế A-dục có dáng giống cây “đại thanh bồ đề” (Crīmahābodhi) xứ Buddhagāyā cho Đức vua Tích Lan hiệu là “Devanampiyatissa” đem trồng trong nước, còn lưu truyền đến ngày nay.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app