Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện – Chương Xviii – Những Bài Viết Ngắn – Dân Chủ Và Phật Giáo

-18-

NHỮNG BÀI VIẾT NGẮN

Dân Chủ Và Phật Giáo

Nếu hiểu dân chủ theo ý nghĩa sâu xa và rộng rãi nhất của danh từ thì nó phải bao hàm ý niệm tự do của tâm. Nơi đây vấn đề này được khảo sát, không phải với mục đích đề cập đến dân chủ trong mọi sắc thái của nó trong đó cái tâm là nền tảng, mà với ý định hạn chế là chỉ rõ rằng lý tưởng dân chủ và lý tưởng tự do suy tư chằng chịt liên hệ mật thiết với nhau trong cơ cấu của Phật Giáo.

Nguyên tắc của dân chủ là gì? Một nền dân chủ thật sự phải có tự do ngôn luận; chánh quyền do dân làm chủ, một chánh phủ thay mặt dân, một quốc gia trong đó chánh quyền do dân bầu cử. Chánh thể dân chủ trong toà án tạo công lý bình đẳng cho tất cả mọi người: công minh, bình đẳng, quyền lợi, bằng nhau trên bình diện chánh trị.

Danh từ “Democracy” (dân chủ) bắt nguồn từ chữ Greek (Hy Lạp): demos (dân) + krateein (cai trị), do đó là một hình thức chánh phủ trong đó người dân có quyền và được xử dụng quyền chánh trị. Như vậy, một người dân chủ là người chủ trương, hay binh vực, một hình thức chánh phủ như vậy. Theo Harry Emerson Fosdick: “Dân chủ đặt căn bản trên niềm tin chắc rằng bên trong người dân thường, có những khả năng phi thường.”

“Trong thế giới Tây Phương dân chủ bắt đầu tại Greece (Hy Lạp) khoảng năm 450 trước D.L., tức độ 2,500 năm trước đây, vào thời Ðức Phật đản sanh … giờ đây, bởi vì chánh thể dân chủ được thảo luận trong thời xa xưa Hy Lạp, nhiều người lầm tưởng rằng chế độ dân chủ khởi phát từ Hy Lạp. Ðứng về mặt lịch sử, điều này không đúng. Ðó chỉ là những ý niệm trong hiến pháp của họ … Những đại tư tưởng gia nòng cốt, Socrates, Plato và Aristotle, thảo luận về dân chủ, nhưng bác bỏ, xem đó là không thích hợp cho một chánh phủ. Những ý niệm tân thời về đại diện dân chủ được phổ biến tại vùng Tây Âu vào thế kỷ mười chín và hai mươi và chúng ta thấy nhiều chế độ dân chủ đã được phát triển tại Âu Châu trong thời kỳ gần đây hơn. Ðây không phải là một ghi chép rộng rãi lắm. Trên bình diện lịch sử, những người nghĩ rằng dân chủ đến từ Phương Tây đã sai lầm …

“Những chế độ dân chủ không-phải-Tây-Phương đã bắt đầu tại Ấn Ðộ, trong làng ‘Panchayats’ ở nhiều nơi xa cách nhau vào khoảng 2300, 2400 hay 2500 năm trước đây. Vài nơi được phát triển do ảnh hưởng của Phật Giáo. Nhưng trong một thời gian lâu dài, các quốc gia Á Ðông này do những nhà vua độc tài và chế độ thuộc địa cai trị cho đến thế kỷ hai mươi. Như vậy ta phải kết luận rằng nói rộng rãi về những hình thức chánh phủ, chế độ dân chủ có một lịch sử rất hạn hẹp bất cứ đâu trên thế giới, ở Á Ðông cũng vậy. ở Á Ðông có nhiều văn minh to lớn nhưng không có bao nhiêu dân chủ.

“Dầu sao, ngày nay bỗng nhiên nổi lên một làn sóng dân chủ trong thế giới Tây Phương. Nền dân chủ đã phát khởi trong nhiều thành phần thuộc Thế Giới Thứ Ba của vùng Ðông Âu, và thời đại này đang trở thành thời đại dân chủ.

“Ta có thể nhận thấy trong giáo huấn của Ðức Phật những điểm giống nhau giữa Phật Giáo và dân chủ. Ngài khuyên dạy lòng khoan dung đại lượng, ý niệm khơi dậy những cuộc thảo luận, quyền tự do lựa chọn rộng rãi, bình đẳng, bất bạo động, vô thường — mỗi ý niệm ấy đều đi ngược dòng những tập tục thông thường vào thời của Ngài. Ðó là những khái niệm cách mạng mà Ðức Phật đưa vào từ 2,500 năm trước. Ðó là những cải tiến trí thức trọng đại … Nhưng tất cả đều có tánh cách dân chủ, trong nội dung cũng như tác ý.”

(Trích từ một bài giảng của Giáo Sư Ralph Buultjens với đề tài “Buddhism and Democracy,” được đăng trong Sunday Observer, ngày 15, tháng Bảy, năm 1990)

Một cuộc đàm thoại hứng thú giữa Ðức Phật và vị thị giả Ànanda của Ngài được ghi trong Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Ðại Niết Bàn), Dìgha Nikàya (Trường A Hàm) ii. 74. Ðức Phật dạy người Vajjians bảy điều để ngăn ngừa quốc gia khỏi suy đồi. Ngỏ lời với Ðức Ànanda Ngài nói như sau: “Này Ànanda, con có nghe rằng người dân Vajjian thường xuyên và đều đặn gặp nhau trong những buổi họp mặt không?” “Vâng, Bạch Ðức Thế Tôn, con có nghe như vậy.” “Này Ànanda, ngày nào người Vajjian còn đều đặn và thường gặp nhau trong những buổi họp mặt, thì họ sẽ còn hưng thạnh và không suy đồi. Con có nghe rằng những người Vajjian họp mặt và giải tán ôn hoà thuận thảo và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết không?” “Bạch Ðức Thế Tôn, con có nghe như vậy.” “Này Ànanda, ngày nào mà người Vajjian họp mặt và giải tán ôn hòa thuận thảo và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết thì họ sẽ còn hưng thạnh, không suy đồi.” (Ðể có thêm chi tiết, xin đọc Thus Have I Heard — một bản dịch Dìgha Nikàya của Maurice Walshe, Wisdom Publication, London, trang 231 và Last Days of the Buddha, Kandy, BPS.)

Ðây là tuyên ngôn xác định rõ ràng giá trị của một hình thức dân chủ mới mẻ trong những ngày cổ xưa.

Xứ Ấn Ðộ có những nhà vua Phật Giáo xuất chúng: Ðại Ðế Asoka vào thế kỷ thứ ba trước D.L., Kanishka vào thế kỷ thứ hai trước D.L., Harsha (Shìlàditya) vào thế kỷ thứ tám. Có những hệ thống chánh phủ Phật Giáo và những văn minh Phật Giáo quan trọng được phát triển.

Quả thật rõ ràng dân chủ có nghĩa là một hình thức chánh phủ trong đó mỗi tầng lớp dân chúng đều tham dự vào bằng cách chọn cử người đại diện; hoặc một quốc gia có loại chánh phủ tương tợ, đặc biệt là một xứ trong đó có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Theo nghĩa phổ thông ngày nay dân chủ thường có nghĩa là một quốc gia xã hội trong đó tất cả mọi người đều có quyền như nhau.

Như vậy, chế độ dân chủ hoàn toàn đối nghịch với chế độ độc đoán, vốn là một chánh phủ trong đó một người duy nhất nắm trọn quyền hành trong tay. Nói cách khác, là chuyên chế độc tài. Một chánh quyền chuyên chế độc tài bao hàm kiểm soát tất cả mọi sự việc dưới quyền mình và không cho phép đối nghịch. Trong quyển Why I am not a Christian, trang 135 Bertrand Russell viết:

Nguyên tắc của nền dân chủ tự do đã gợi cảm cho những người sáng lập hiến pháp Hoa Kỳ là những vấn đề tranh chấp nên được giải quyết bằng cách biện luận thay vì bằng bạo lực. Những người dân chủ luôn luôn chủ trương rằng ý kiến phải được thâu nhận xuyên qua cuộc tranh biện không bị ngăn trở, chớ không phải chỉ một bên được phép phát biểu. Các chánh phủ độc tài, thời xưa cũng như trong thời hiện đại, thì hành động ngược lại … Nếu tôi nắm quyền hành tôi không nên tìm cách ngăn cản, không cho tiếng nói của những người đối nghịch được nghe. Tôi phải tìm cách cung ứng mọi dễ dàng cho tất cả những ý kiến, và để cho hậu quả của cuộc thảo luận và tranh biện tự nó xảy diễn.

Hai đặc tính quan trọng của thời đại chúng ta là khoa học và dân chủ. Hai đặc tính ấy lan tràn trong thế giới Tây Phương và hiện đang mạnh mẽ du nhập vào các quốc gia Á Châu. Nó đến, và sẽ ở đó. Không thể tống xuất. Dân chúng, nhất là thế hệ trẻ, lấy hai đặc tính ấy làm tiêu chuẩn để nhìn sự vật. Họ muốn biết sự vật thích hợp với khoa học và dân chủ đến mức độ nào. Chí đến tôn giáo, họ cũng nhìn với hai “con mắt” đó. Tôn giáo có khoa học không? Cơ cấu tôn giáo này có dân chủ không? Ðó là những vấn đề mà họ nêu lên.

Trong một quốc gia dân chủ, nền giáo dục phải được mở rộng. Dầu sao, giáo dục không cần phải chỉ có tính cách lý thuyết không mà thôi. Dân chúng còn phải trau giồi tình thương, đức hạnh nhẫn nhục, chịu đựng, ngay thẳng và thanh liêm.

Nói rằng trong tất cả tôn giáo, Phật Giáo đề cập nhiều nhất đến vấn đề tự do của tâm thì quả thật không quá đáng, bởi vì Phật Giáo đặt nặng phần tâm linh hơn tất cả các tôn giáo. Tâm lý học chiếm phần quan trọng trong Phật Giáo và Ðức Phật rất chú trọng đến tâm, trong chương trình thành tựu giải thoát của Ngài. Giải thoát cái tâm là toàn thể giáo huấn của đạo Phật.

Ðức Phật dạy: “Như Lai hướng dẫn các con đến giải thoát; chân lý phải tự mình chứng ngộ. Chư Phật chỉ là những người soi sáng con đường” (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 276). “Giáo lý này chỉ có một hương vị, đó là hương vị giải thoát.” (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iv, 203). Khúc ca khải hoàn của chư vị đệ tử của Ðức Phật khi thành đạt tuyệt đỉnh thanh tịnh và thanh bình an lạc chỉ là: Tâm ta đã giải thoát; ta đã tháo gỡ các trói buộc” (cittam me vimucci, muttosmi bandhanà).

Ðể thông hiểu đầy đủ lý tưởng tự do của tâm cần phải nhận định tầm quan trọng của tâm. Nếu không hiểu biết thích nghi tâm của con người trọng yếu như thế nào ắt không bao giờ có thể nhận định đúng mức tại sao cần phải gìn giữ tự do của tâm.

Chính câu đầu của Dhammapada, Kinh Pháp Cú, nhấn mạnh đến tánh cách quan trọng này:

“Tất cả các trạng thái tâm đều do tâm dẫn đầu
Như người lãnh đạo; và do tâm tạo tác.”

Ðức Phật không bao giờ lẫn xen vào tự do tư tưởng của người khác, vì tự do suy tư là quyền của mỗi cá nhân từ lúc ra đời. ép buộc người khác đi lệch ra khỏi lối sống thích hợp với tâm tánh, hiểu biết và khuynh hướng suy tư của họ là sai lầm. Cưỡng bách, lôi cuốn người ta ra khỏi bất luận gì cũng không tốt. Bắt buộc người ta phải nuốt vào những tín ngưỡng mà họ không thích quả thật là đen tối nhất; phương cách dồn ép cho ăn như thế không tốt cho bất cứ ai, bất luận ở nơi nào.

Trong sự hiểu biết sự vật, đức tin và nỗi niềm lo sợ suông không có vai trò trong tư tưởng Phật Giáo. Mỗi người phải được phép trưởng thành theo phương cách mà sẽ đưa đến mình những gì tốt đẹp nhất. Bất luận cưỡng bách nào để ép buộc, khép tư tưởng của người khác vào khuôn khổ của mình là xen vào cuộc sống tinh thần thầm kín của người. Người Phật tử xem sự xen lẫn như vậy là loại cố chấp hẹp lượng tệ hại nhất.

Cả hai, tự do của tâm và dân chủ là hai điều thân yêu nhất của người Phật tử, là những gì chúng ta yêu chuộng nhất. Ðàng khác, trói buộc, chuyên chế hay độc tài, là những gì mà người có mắt để thấy và có tâm để hiểu biết sẽ ghê tởm, chán ghét. Cũng như bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, United Nations Universal Declaration of Human Rights, viết: “Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng và ngôn luận.”

Ý Nghĩa Thật Sự

Mặc dầu chữ “democracy”, dân chủ, ngày nay được thông dụng ở nhiều nơi trên thế giới, ý nghĩa thật sự của danh từ không được nhận định đầy đủ. Dân chủ là một lối sống có nhiều ảnh hưởng đến dân bổn xứ bằng nhiều cách khác nhau. Chính năng lực tích cực đã vượt lên như một tiến trình.

Một đại thi hào người Mỹ, Walt Whitman, nói:

“Có phải chăng, này bạn, bạn cũng nghĩ rằng dân chủ chỉ là những cuộc bầu cử, những gì có tánh cách chánh trị và để đặt tên cho một chánh đảng? Tôi nói dân chủ chỉ ứng dụng thích nghi ở nơi nào mà nó có thể trao truyền và đi đến mức trổ hoa kết trái bằng nhiều cách, trong hình thức cao cả nhất của sự tương phản giữa người và người, và niềm tin của họ — trong văn hóa tôn giáo, đại học và các trường học — dân chủ trong tất cả đời công và đời tư …”

Khi con người sống trong chế độ thật sự dân chủ, họ biết điều đó, cảm nhận và hô hấp điều đó. Trong bức thơ cuối cùng của Thomas Jefferson, cố tổng thống Hoa Kỳ, ông viết: “Ðám đông nhân loại không phải được sanh ra với bộ yên ở phía sau, cũng không có đôi giày ống quen thuộc và đinh thúc ngựa gắn trong giày, sẵn sàng lên yên, với phước lành của Chúa.”

Trong không khí dân chủ chắc chắn không thể có chủ và tớ. Dân chủ là cứu tinh cho cá nhân mà cũng là cứu tinh cho quốc gia. Ðể thành tựu điều này phải thông hiểu giá trị và tầm quan trọng của tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, màu da, tín ngưỡng, nam nữ hay lối phân chia nào khác. Khi nói đến tình trạng tốt đẹp của xã hội, phải chăng ta muốn đề cập đến sự tốt đẹp của tất cả những cá nhân cấu tạo nên xã hội ấy? Chúng ta phải cho cá nhân chỗ đứng đúng của nó và nâng họ, từ thấp lên những tầng lớp cao hơn.

Những người sống thiên về vật chất sẽ nói rằng có những vật cần thiết mà nếu không có chúng ta không thể sống. Rất đúng. Ðức Phật cũng chú trọng đến nhu cầu vật chất khi Ngài đề cập đến bốn món cần thiết cho đời sống của chư tỳ khưu, các đệ tử Ngài, tức: y, vật thực, chỗ ở và thuốc men. Trên căn bản, đó cũng là những nhu cầu chánh yếu của người tại gia cư sĩ. Mặc dầu Ðức Phật không đặc biệt chú trọng đến tiến bộ vật chất theo ý nghĩa mà hiện nay người ta hiểu, không chú trọng đến tình trạng an lành trần tục, Ngài cũng không hoàn toàn lờ hẳn, không lưu tâm đến, bởi vì đó là nền tảng của mọi tiến bộ, tinh thần và vật chất, của con người. Nếu không có bốn vật dụng cần thiết, những nhu cầu tối thiểu không thể không có, hoặc nếu thiếu kém, nhất là vật thực, thì tâm của ta cũng không an.

Ta không thể và không nghĩ đến đời sống đạo đức, cũng không nghĩ đến phưong cách sinh sống như thế nào cho được thích hợp với chánh mạng. Con người là một thành phần của xã hội, phải hoạt động mạnh mẽ để sống và tăng trưởng tình trạng kinh tế và địa vị xã hội, nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho mình và cho kẻ khác; nhưng đồng thời phải tránh lối nuôi mạng sai lầm và gian xảo, không lệch xa con đường trách nhiệm và ngay thẳng. Theo Phật Giáo, động cơ thúc đẩy đưa đến hành động và hậu quả của hành động, cả hai phải được cân nhắc thận trọng.

Dầu động cơ xem có thể tốt như thế nào nhưng hậu quả sẽ không lành mạnh thì ta phải tự chế, kiêng cữ những hành động và lời nói trá hình ấy. Ta cũng nên thận trọng giữ mình, tránh khỏi phải sai lầm vì chỉ nhìn sắc thái vật chất của đời sống và quá thiên về nó trong khi nhiệt thành phục vụ kẻ khác.

Phải thấy cả hai sắc thái của đời sống, vật chất và tinh thần đạo đức, nếu muốn giữ cho sự phát triển của ta được quân bình, không nên nghiêng hẳn về một bên. Dân chủ thật sự phải có căn bản thực tiễn, triết lý và tôn giáo. Những người hiểu biết, những người trí não sáng suốt, sẽ nhận thức rằng trong khi có vài vật cần thiết mà nếu không có ta không thể sống, cũng có những giá trị tinh thần và đạo đức mà nếu không có ta không cần sống.

Nhiệm Vụ Của Một Ông Vua

Có sự giống nhau rất gần giữa Phật Giáo và Dân chủ. Ðức Phật thị hiện vào thời mà chế độ chuyên chế độc tài rất thạnh hành tại Ấn Ðộ. Phần lớn các quốc gia là phong kiến, nằm trọn dưới quyền cai trị của một vị ràjà, (vua), như trường hợp dòng Sakyans (Thích Ca) của Ðức Phật. Cũng có những nước cộng hòa như Licchavi, của người dân Vajjian, do một Thượng Nghị Viện gồm những Trưởng Lão cai trị. Trong các vương quốc, vị ràjà (vua) là người trị dân mà mọi người khép nép vâng lịnh và hết dạ trung thành. Ðời sống hình như yên tĩnh, so với nhiều lãnh thổ ngày nay.

Tuy nhiên giáo huấn của Ðức Phật có phần là một đe dọa cho những chế độ chuyên chế trong nước. Ðức Phật không xen vào chánh trị và chánh quyền trong xứ, vì Ngài không bao giờ thích xen vào chuyện của người khác khi mà làm như vậy không ích lợi gì. Dầu sao, điều này không ngăn cản Ngài nói lên tiếng nói của những tư tưởng và quan kiến dân chủ của mình.

Trong kinh điển Phật Giáo có những bài giảng chỉ rõ một nhà trị dân phải như thế nào để lãnh đạo quần chúng. Kể ra sau đây là Mười Bổn Phận hay Nguyên Tắc chỉ đạo cho một vị Vua (dasa-ràjà-dhamma): Rộng lượng bố thí, giới đức, hy sinh hay không vị kỷ, thanh liêm, hiền hòa, không xa hoa phung phí, sống tự chế, không nóng giận, không hung bạo, nhẫn nại và dễ mến (Jàtaka, Túc Sanh Truyện I. 260). Nên đặc biệt chú trọng đến danh từ “dễ mến” vì nó chỉ rằng nhà vua phải tôn trọng ý muốn của dân. Như Ðức Phật chỉ dạy, nhà cầm quyền trị dân phải tự mình củng cố trong Giáo Pháp, trong nhiệt tâm sùng đạo và trong đức hạnh chánh trực, cố tránh những thói hư tật xấu, và như vậy làm gương lành để dẫn dắt dân chúng.

Vua Asoka

Về điểm này Ðại Ðế Asoka của Ấn Ðộ được xem là nhà trị dân công minh, sáng suốt và hiền hòa hơn tất cả trong các thời đại. Ðiều này được sáng tỏ trong những sắc lịnh của ông:

“Tất cả thần dân là con của tôi.”

“Cũng giống như tôi ước muốn cho con cái của chính tôi được hưởng mọi sở hữu và hạnh phúc trong đời này và trong kiếp sống tới, cùng thế ấy tôi ước muốn cho mọi người.”

“Tôi phải là niềm an ủi cho thế gian. Nơi tôi thế gian phải cảm nhận hạnh phúc, không phải sầu muộn.” (Sắc lịnh I)

“Không có nhiệm vụ nào cao cả hơn là nhiệm vụ tạo hạnh phúc cho toàn thể thế gian.”

“Tôi phải hoạt động vì sự tốt đẹp của toàn thể thế gian.” (Sắc lịnh II)

Ta có thể nói mà không chút hoài nghi, rằng Vua Asoka (A Dục) đã hành đúng theo lời khuyên dạy của Ðức Phật, luôn luôn giữ mình công minh chánh trực trong việc trị nước an dân, là một nhà trị dân gương mẫu, và như H.G. Wells viết: “Giữa hằng chục ngàn những vua chúa … choán đầy những cột trang lịch sử, tên của Asoka rực rỡ sáng ngời hầu như đơn độc, một ngôi sao.” (The Outline of History, London: Cassel & Co, 1934, trang 402).

Trong khi ngỏ lời với Quốc Hội Ấn Ðộ Jawaharlal Nehru, vị cố thủ tướng xứ Ấn Ðộ, có lần nói: “Tôi có đủ đức tin để khấu đầu đảnh lễ khi được nhắc đến tên Ðức Phật. Con đường mà Ðức Phật và Asoka đã chỉ vạch không thể bị bỏ quên, và bề nào cũng còn lưu lại trong những tâm hồn của xứ Ấn Ðộ. Trong thời của chúng ta Mahatma Gandhi cũng noi theo con đường ấy, và noi theo con đường ấy, uy tín và sức mạnh của quốc gia tăng trưởng. Nếu có vấn đề cần phải được xem xét, ta phải xem xét một cách ôn hòa và dân chủ, theo đường lối mà Ðức Phật dạy.”

Những Tư Tưởng Dân Chủ

Những lời dạy của Ðức Phật khẳng quyết khuyến khích những tư tưởng và tổ chức dân chủ. Ngài sáng tạo Sangha (Giáo Hội Tăng Già), cộng đồng của những nhà sư, một cơ cấu tuyệt đối dân chủ. Hầu Tước của Zetland, một Phó Vương xứ Ấn Ðộ, viết trong phần nhập đề của quyển The Legacy of India:

Có thể khuynh hướng thiên về chánh phủ tự trị, hiển lộ trong những hình thức khác nhau của sinh hoạt hiệp hội, đã tiếp nhận một sự thúc đẩy mới mẻ từ sự bác bỏ chế độ chuyên chế trong đời sống các nhà sư và hơn nữa, từ giáo lý bình đẳng, được thể hiện qua sự kiện cự tuyệt không chấp nhận giai cấp. Quả thật vậy, ta phải dở ra những trang sách Phật Giáo để tìm hiểu phương cách mà các cơ quan đại dhện chánh quyền tự trị trong thời xa xưa ấy giải quyết vấn đề. Và nhiều người có thể ngạc nhiên, biết rằng hơn hai ngàn năm trăm năm về trước hội nghị của những người Phật tử có đủ những thủ tục, những nghi thức thực hành, chánh yếu cho quốc hội của chúng ta ngày nay. Phẩm giá của Quốc Hội được bảo tồn do sự chỉ định một viên chức đặc biệt — thai bào mà ngày nay nở sanh ra vị ‘Chủ Tịch’ Quốc Hội (Mr. Speaker) của chúng ta. Một viên chức thứ nhì được đề cử có nhiệm vụ là trông chừng giữ mức định số tối thiểu khi cần — theo kiểu mẫu vị ‘Chief Whip’ của Quốc Hội trong hệ thống của chúng ta. Một hội viên đề khởi chương trình nghị sự dưới hình thức kiến nghị rồi mở cuộc thảo luận. Trong vài trường hợp, điều này chỉ làm một lần, trong những trường hợp khác phải lặp lại ba lần, như vậy đã đi trước thủ tục của Quốc Hội, buộc phải đọc quyết nghị ba lần mới trở thành luật. Nếu cuộc thảo luận cho thấy có những quan điểm bất đồng, vấn đề phải được quyết định bằng cách bỏ phiếu, thiểu số phục tùng đa số.

Chí đến quan niệm thủ tục về “người vắng mặt ủy quyền cho một người khác bỏ thăm” cũng có trong giới luật, Vinaya, mà Ðức Phật ban hành. Khi ban truyền lời dạy này cho các đệ tử, Ðức Phật không có bất luận sự phân biệt nào giữa hàng môn đệ, vì không có những đệ tử ưu tú được đặc biệt chọn lựa. Ðức Phật không bao giờ ban cho ai ưu quyền hay ưu thế. Như Ngài Upali chẳng hạn, sanh trưởng từ một gia đình thợ cạo, được chọn làm tăng trưởng trong những vấn đề giới luật, trong khi ấy có nhiều vị xuất thân từ giai cấp quý phái và chiến sĩ. Ðây thật sự là dân chủ, xứng với ý nghĩa của danh từ.

Không có dấu hiệu nào cho thấy rằng trước khi nhập diệt Ðức Phật giao quyền lãnh đạo cơ bản Phật sự lại cho vị nào. Ngài không đề cử người kế vị.

Về điểm này chúng ta có thể hứng thú ghi nhận rằng trước khi nhập diệt Ðức Phật minh bạch nói rõ rằng không bao giờ Ngài có ý kiểm soát Giáo Hội. Ngỏ lời với chư Tăng, Ngài dạy: “Giáo Pháp và Giới Luật (Dhamma-Vinaya) mà Như Lai trao truyền cho các con, hãy lấy đó làm thầy khi Như Lai nhập diệt.”

Ngài công bố giáo lý một cách tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người. Ngài không giữ lại gì. Ngài không có cái chi giống như “bàn tay nắm lại” để giấu đệ tử một vài kiến thức chánh yếu; và Ngài không bao giờ vắt ép các đệ tử để lấy ra một đức tin mù quáng, luôn luôn phải vâng dạ phục tùng Ngài hay giáo lý của Ngài.

Ngài nhấn mạnh đến sự khảo sát sáng suốt và phân biện. Bằng những ngôn từ khẳng quyết Ngài khuyến khích công trình khảo sát với tâm trí phê bình sáng suốt khi ngỏ lời với người Kàlàma muốn tìm hiểu, trong bài kinh được gọi rất đúng là hiến chương tự do khảo sát (xem phần trên, trang 148).

Ðiểm Chủ Yếu

Ðiểm chủ yếu của Phật Giáo là tình trạng châu toàn tối thượng. Nhắm đến mục tiêu cứu cánh ấy Ðức Phật dạy nhân loại giá trị của tự do tư tưởng. Ngày nào mà con người còn bị ràng buộc dính kẹt trong những quan kiến, tư tưởng và ý thức hệ thì tâm không thể trưởng thành to lớn và mạnh mẽ. Như vậy, ta có thể nói, chế độ dân chủ có ảnh hưởng san bằng giá trị trong những phân hạng và những giai cấp khác nhau trong xã hội. Người nam phải được tôn trọng vì là người nam. Người nữ phải được tôn trọng vì là người nữ. Những hàng rào chia cách giai cấp, màu da, chủng tộc, hàng rào tài sản và uy tín gia đình, những hàng rào quyền thế và địa vị, đều bị phá vỡ và giá trị cố hữu của người nam là người nam, hay của người nữ là người nữ, phải được thừa nhận. Ðúng quan điểm của Phật Giáo là vậy.

Những điều kiện xã hội tại Ấn Ðộ trước thời kỳ Phật Giáo thật rất nhơ bẩn và uế trược vì quá chú trọng đến sự phân chia giai cấp và chủng tộc. Một vị Bà La Môn mà được xã hội xem là thuộc giai cấp cao sẽ nhìn xuống với cặp mắt khinh rẻ một người không-phải-Bà La Môn. Chính Ðức Phật đã bác bỏ ưu thế tối cao của giai cấp Bà La Môn. Những bài giảng như kinh Vasala (Sutta Nipàta trang 21) v.v… minh bạch chỉ rằng Ðức Phật phải trải qua nhiều công phu để giảng dạy tình trạng bình đẳng giữa con người. Nếu có chi làm cho người này cao hơn hay thấp hơn người kia, đó là hành động của người ấy. Cũng trong bài kinh trên Ðức Bổn Sư dạy: “Bằng hành động ta trở thành Bà La Môn; bằng hành động ta trở thành cùng đinh.”

Trong một xã hội tự do dân chủ điều cần phải có là tình trạng hợp hòa thuận thảo, không phải phân tranh, cãi lẫy và thù hằn. Dân chủ là hòa bình và đoàn kết, không phải chiến tranh và chia rẽ. Toàn thể thế gian hình như đang trải qua những thời điểm khó khăn. Có quá nhiều xung đột, ác ý và ngờ vực lẫn nhau trong bầu không khí của thế gian. Trong tình trạng căng thẳng và tranh chấp tâm ta phải hướng về thông điệp tình thương và thông cảm nhau của Ðức Phật.

Vấn đề là bằng cách nào thế gian có thể sống chung hòa bình. Thế gian đã tiến bộ nhiều trong việc sáng tạo vũ khí có tánh cách tiêu diệt, nhưng con người vẫn chưa có thể kiểm soát đầy đủ tâm mình. Nhu cầu khẩn thiết nhất là đào luyện tâm tánh con người. Nếu muốn cứu vãn văn hóa của ta, phải biến cải bản chất của ta. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc chỉ vang âm những lời của Ðức Phật khi vạch tỏ rằng tất cả những tranh chấp, xung đột và chiến tranh đều bắt nguồn từ trong tâm của con người, và chính tại nơi đó mà ta phải ngăn ngừa.

Nghiên cứu lịch sử, ta thấy rằng tất cả những tàn phá trên thế gian đều do những người không có tập luyện để giữ tâm yên lặng, quân bình và trầm tĩnh. Tâm trạng yếu kém ấy là do sự bộc phát những cơn cuồng điên giận dữ, cố chấp, thiếu lượng khoan hồng và bạo động, và tâm tính hung bạo có thể gây án mạng giữa người và người. Chí đến nay ta còn thấy tình trạng thù ghét lẫn nhau, cố chấp, chia rẽ và căng thẳng ngày càng tăng trưởng mà không được kiểm soát. Người ta bị danh, lợi, tài sản, quyền thế và dục vọng đầu độc.

Kỷ Luật

Vài chánh phủ khai thác tính lo sợ phức tạp cố hữu dính liền với con người để thiết lập tình trạng thanh bình và ổn định, nhưng người sáng suốt đã tin chắc vào giá trị sâu xa của chế độ dân chủ không thể chấp nhận lối chữa trị như vậy. Không quốc gia nào có thể tiến hóa nếu không có kỷ luật, và kỷ luật phải được trau giồi từ bên trong, không thể từ bên ngoài áp đặt vào. Không thể dùng thế lực ép buộc và cưỡng bách thiết lập kỷ luật, dầu bằng khoa học cũng không nên, mà chỉ bằng cách thành thật theo chân một tôn giáo binh vực hoà bình, chủ trương trạng thái trong sạch và hạnh phúc. Một quan điểm đạo đức về đời sống rất cần thiết để kiến tạo tình trạng thuận thảo hòa hợp và an lành. Ngày nay, hơn bất cứ lúc nào, chúng ta cần ánh sáng của Giáo Pháp (Dhamma), chân lý và tánh thanh liêm chánh trực, tình thương và sự thông cảm lẫn nhau.

Phải nhận thức rằng chúng ta sống ở đây không phải để chỉ lo cho chính mình, mà phải thương yêu và phục vụ người khác bất cứ chủng tộc, giai cấp, màu da và tín ngưỡng nào. Không ai có thể sống lẻ loi một mình. Chúng ta tùy thuộc lẫn nhau. Chúng ta phải sống chung với nhau, phải nhìn nhau với cặp mắt hiền hòa và từ ái bi mẫn, thay vì lạnh lẽo lãnh đạm và hung dữ trừng mắt nhìn nhau với tâm bất thân thiện.

Dân chúng cần phải hội họp, gặp nhau thường xuyên, để gieo thiện tâm và cảm tưởng tốt đẹp đến nhau. Ðiều này được Ðức Phật chú trọng nhắc nhở người Vajjian như có ghi trong kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Ðại Niết Bàn).

Nói đến chế độ dân chủ, Tổng Thống xứ Sri Lanka, Ranasinha Premadasa, ghi nhận:

“… Dân chủ là dân chúng. Dân chúng phải có quyền vào những cơ sở lập pháp và hành pháp”.

“Và nói dân chúng, không phải tôi chỉ muốn đề cập đến những vị nghị viên được dân cử, năm hay sáu năm một lần. Dân chúng, tôi muốn nói là người dân nặc danh thông thường, sống trong thành phố hay ở đồng quê. Tôi muốn nói đám đông thầm lặng. Họ phải được có cơ hội tham gia chánh phủ.”

“Phần lớn văn hóa và những giá trị mà tôi thừa hưởng là di sản chung với Ấn Ðộ. Vua Dharmasoka (A Dục), vị Sơ Tổ của triều đại Mauryan đã cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Như vậy, nói tôi là người chống Ấn Ðộ có thể là nghĩa gì?” — (A Charter for Democracy in Sri Lanka)

“Khẩn thiết kêu gọi giới trẻ chiến đấu chống chế độ kỳ thị người da đen ở South Africa (Nam Phi), Ðức Giám Mục Anh Giáo người da đen, Desmond Tutu nói với đám đông im lặng lắng nghe: ‘Thượng Ðế đúc khuôn con người bằng đất sét, đặt cái lố đầu vào lò rồi đi làm công việc khác. Ðến lúc nhớ lại, Ngài dở lò ra thì khuôn đất sét đã bị nướng quá mức — sậm màu và đen. Ðó là dân của chúng ta.’ Ðức Giám Mục ngưng một lúc. Rồi người kể chuyện trứ danh, người sáng suốt lanh trí và khôi hài, giữa đám đông nhân viên cảnh sát giữ an ninh, Ðức Giám Mục, nói tiếp ‘Lần thứ nhì Thượng Ðế không dám bỏ liều. Sợ e lỡ quên, Ngài sớm sủa lấy khuôn đất ra và thấy “đất chưa đủ chín. Ðó là những người da trắng,’ Ngài nói trước một cử tọa vổ tay như sấm.

Ðức Giám Mục Tutu, vị lãnh đạo của hai triệu người Anh Giáo Nam Phi, và Ðệ Nhất Tổng Thơ Ký của Nhà Thờ Nam Phi, nhấn mạnh đến tự do, nói với những thính giả trẻ tuổi của Ngài rằng thà Chúa để cho con người tự do đi địa ngục, còn hơn là ép buộc họ lên thiên đàng … ‘Quý vị đã đi đến tự do, đã hát bài ca tự do, đã đứng lên và binh vực tự do và quý vị đã đem lại niềm hy vọng kỳ diệu trong quả tim của nhiều người.” (Among My Souvenirs, Kirthie Abeysekera, trang 377, 379, 380).

Ngày nay có những hoạt động không ngừng ở mọi phương trời để cải thiện thế gian. Những nhà khoa học không ngừng thí nghiệm và nghiên cứu những phương pháp khoa học một cách cương quyết, với lòng hăng say không thối chuyển, và nhiệt tâm bền chắc. Những phương tiện truyền thông và tiếp xúc hiện tại đã thành tựu nhiều kết quả phi thường; tiến bộ khoa học đã đem lại nhiều tốt đẹp cho nhân loại. Tất cả những cải tiến ấy — mặc dầu có những lợi ích và những phần thưởng — hoàn toàn vật chất và ở bên ngoài.

Tình Trạng Hạn Ðịnh Của Chế Ðộ Dân Chủ

Mặc dầu có những phát triển và cải thiện vật chất và ở bên ngoài, phần lớn dân chúng vẫn không châu toàn. Họ luôn luôn bị những tai ương và nạn tiêu diệt đe dọa. Người dân trên thế giới ngày nay sống không yên ổn, chán ngán mệt nhọc, luôn luôn lo sợ và bất mãn, và ta phải yên lòng với niềm hy vọng rằng ngày nào đây một chiếc đủa thần sẽ làm cho mọi việc trở lại ngay ngắn bình thường. Nếu thế gian phải vượt qua tình trạng khuấy động hiện tại, không những chúng ta chỉ cần đến các khoa học gia, mà cũng cần những người chú trọng mạnh mẽ đến, và lo lắng cho, tình trạng an lành, giá trị và phẩm giá con người. Nếu chỉ có tiếng đập nhảy của tâm từ và tâm bi xuyên qua những lời dạy của bậc Toàn Giác từ thời xa xưa làm khuôn vàng thước ngọc cho hành động của con người ngày nay, ắt chúng ta không sống trong bầu không khí ngờ vực, lo sợ, ganh tỵ, tham vọng, thù hận và si mê.

Nếu dân chủ là đại diện của lòng dân, ý muốn không bị trở ngại và không bị ràng buộc của người dân có đủ tự do tư tưởng, thì còn gì để bảo đảm rằng ý muốn của dân là chánh đáng? Còn gì để bảo đảm rằng những gì họ mong muốn là điều chân chánh để muốn? Và đó là những gì tốt đẹp nhất cho họ. Tự do của tâm là tốt, nhưng tâm có thể chạy loạn. Cần phải có vài giới hạn cho dân chủ. Là một chế độ do con người tạo ra, chế độ dân chủ phải chia sẻ với con người tánh cách giới hạn và tình trạng hữu hạn của tâm. Phật Giáo không đặt tự do của tâm là mục tiêu tối thượng. Phật Giáo trèo lên cao hơn. Phật Giáo nhắm đến mục tiêu vượt lên khỏi tình trạng tự do của sự vật, nhắm đến tự do ngoài cái tâm nữa. Lẽ dĩ nhiên, đó là cái gì ngoài quan điểm tại thế.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app