Chăm Sóc Người Bịnh

Lòng bi mẫn của Ðức Bổn Sư đối với người bệnh quả thật không bờ bến. Một hôm Ðức Thế Tôn thấy một vị sư bịnh, Ðại Ðức Pùtigatta Tissa, trăn trở trên giường đầy những đớm vấy bẩn vì một ung nhọt lở loét. Tức thì Ngài đun nước nóng, và cùng với Ngài Ànanda, tự chính tay dịu dàng săn sóc, rửa sạch ung nhọt, và truyền dạy Giáo Pháp, giúp cho sư đắc Quả A La Hán trước khi viên tịch. Trong một trường hợp khác, Ngài chăm sóc một vị sư bịnh và dạy hàng môn đệ như sau:

“Bất luận ai hết lòng chăm sóc người bịnh, này chư tỳ khưu, là hành theo lời dạy của Như Lai (cũng như chăm sóc Như Lai, tôn vinh Như Lai) [47].

Khi vị A La Hán Tissa viên tịch, nghi lễ hỏa táng được thực hành đầy đủ và Ðức Phật dạy đem xá lợi Ngài tôn trí trong một bảo tháp [48].

Tâm từ (mettà) của Ðức Phật bao trùm cùng khắp càn khôn vũ trụ và vô lượng vô biên. Lời kêu gọi khẩn thiết của Ngài đến hàng môn đệ là:

“Cũng giống như bà từ mẫu tâng tiu bảo bọc con,
Người con duy nhất của bà,
Dầu có hy sinh mạng sống cũng vui lòng,
Dường thế ấy,
Tâm từ của các con phải bao trùm tất cả sanh linh.”
[49]

Hành động của Ngài luôn luôn nhất trí với những điều Ngài dạy, lúc nào cũng thấm nhuần từ ái và bi mẫn.

Trong khi du hành từ làng này sang làng khác, từ thị trấn nọ đến thành phố kia, để giáo huấn, giác tỉnh và đem hạnh phúc đến cho nhiều người, Ðức Phật nhận thấy trong dân gian những hạng người dị đoan mê tín, những người đã lún sâu dưới lớp bùn vô minh, sát sanh hại vật để tế lễ thần linh. Ngài nói với họ:

“Sự sống, tất cả mọi người đều có thể cướp
Nhưng không ai có thể cho,
Ðời sống quả thật kỳ diệu, thân ái và dễ mến,
Ðối với mọi người,
Chí đến (sự sống của) người xấu số nhất …”
[50]

Như vậy, trong khi con người van vái thần linh để được thương xót, chính họ lại không đoái thương loài cầm thú, trong khi xứ Ấn Ðộ bị hoen ố vì tập tục hy sinh những con thú vô tội, đặt trên bàn thờ để tế lễ những thần linh tưởng tượng, trong khi nghi thức tế lễ của những vị đạo sĩ và những vị bà la môn đem lại tai ương và đau khổ tàn bạo, thì Ðức Phật Ðại Từ Ðại Bi chỉ dạy Con Ðường Cũ Xa Xưa của các bậc Toàn Giác, của lối sống chân chánh, của tình thương và của tâm hiểu biết lẫn nhau.

Mettà, hay tâm từ, là phương thuốc giải độc công hiệu nhất để đối trị lòng sân hận bên trong chúng ta. Tâm từ cũng là món thần dược công hiệu nhất để đối trị lòng sân hận của người khác đối với chúng ta. Hãy nới rộng tình thương, tung rải đến tất cả những ai cần, với tâm tự do và vô lượng. Ngôn ngữ của tâm, ngôn ngữ xuất phát từ tấm lòng chân thật lúc nào cũng đơn giản, dịu hiền và đầy năng lực.

Tâm Xả Và Trầm Lặng

Giữa những thăng trầm của cuộc sống — được và thua, danh thơm và tiếng xấu, tán dương và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ — Ðức Phật không bao giờ lay chuyển. Ngài vững chắc như một tảng đá kiên cố. Trong hạnh phúc hay trong đau khổ, Ngài không phấn khởi cũng không để tinh thần sút kém. Ngài không bao giờ khuyến khích cãi vã ồn ào hay ác cảm thù hận. Có lần Ngài nói với các vị tỳ khưu: “Như Lai không cãi vã với thế gian, chính thế gian cãi vã với Như Lai. Người đi trên con đường của Giáo Pháp (Dhamma) không cãi vã với bất luận ai trong thế gian.” [51]

Ngài dạy chư vị đệ tử với những lời lẽ như sau:

“Như voi chiến lâm trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn,
cùng thế ấy, Như Lai sẽ chịu đựng lời nguyền rủa và bất thân thiện của kẻ khác.”
[52]

Devadatta

Một thí dụ điển hình về thái độ tinh thần của Ðức Phật được thấy rõ rệt trong mối liên hệ của Ngài đối với Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða). Devadatta là em họ của Ðức Phật, có gia nhập vào Giáo Hội và chứng đắc nhiều thần thông tại thế (puthujjana-iddhi). Nhưng về sau, vì mãi ôm ấp trong lòng tham vọng nắm quyền lãnh đạo Tăng Già (sangha), ông bắt đầu sanh tâm ganh tỵ và ác cảm đối với Ðức Phật và hai vị đại đệ tử, Sàriputta và Moggallàna.

Devadatta khéo léo lấy được lòng, và trở nên người thân tín của Hoàng Tử Ajàtasattu (A Xà Thế), con Vua Bimbisàra (Bình Sa Vương). Ngày nọ, khi Ðức Thế Tôn ngự tại Tịnh Xá Veluvana (Trúc Lâm) cùng với một nhóm tỳ khưu, có cả vua hiện diện, Devadatta đến gần Ðức Phật, đảnh lễ và bạch: “Bạch Ðức Thế Tôn, đến nay thì Ngài đã già yếu. Kính xin Ðức Bổn Sư hãy an nghĩ thanh nhàn, khỏi phải lo lắng mệt nhọc. Con sẽ đứng ra dìu dắt Giáo Hội.”

Ðức Phật bác bỏ lời thỉnh cầu, và Devadatta tức giận ra về, lòng bồi hồi nuôi dưỡng thù hận và ác cảm với Ðức Thế Tôn. Với ác ý cố tình chia rẽ, ông đến với Hoàng Tử Ajàtasattu và khơi dậy nơi hoàng tử ngọn lửa tham vọng tai hại. Ông xúi giục:

“Này hởi Hoàng Tử trẻ tuổi, nếu giờ đây Hoàng Tử không hạ sát vua cha để chiếm ngôi báu thì đến chết Ngài cũng chưa được làm vua. Phần tôi, sẽ giết Ðức Phật và trở thành Giáo Chủ.”

Do đó Ajàtasattu giết vua cha và lên ngôi. Devadatta thuê mướn bọn hung tàn ám sát Ðức Phật, nhưng thất bại. Chính ông lăn đá từ đỉnh cao xuống, ngay lúc Ðức Phật đang trèo lên ngọn núi Gijjhakùta trong thành Ràjagaha (Vương Xá). Ðá lăn nhanh xuống, bể ra làm hai và một mảnh vụn làm tổn thương Ðức Thế Tôn. Về sau Devadatta cho voi uống rượu rồi chạy sả vào tấn công Ðức Phật, nhưng Ðức Phật lấy tâm từ cảm hóa, và voi say khấu đầu quỳ lạy dưới chân Ngài. Kế đó Devadatta lại âm mưu chia rẽ Tăng Già, nhưng mối bất hòa giữa chư tăng không kéo dài. Bị thất bại từ âm mưu này đến âm mưu khác Devadatta về già trở thành người thất chí và suy nhược. Sau khi ngã bịnh, trên giường bịnh ông sớm ăn năn hối hận về những điên rồ của mình, ngõ lời muốn đến hầu Phật. Nhưng ước vọng ấy không thành tựu; bởi vì khi được khiêng đi dọc đường thì ông qua đời. Dầu sao, trước khi chết ông thốt ra những lời hối tiếc và mong tìm nương tựa nơi Ðức Phật. [53]

Những Ngày Cuối Cùng

Kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Ðại Niết Bàn) [54], bài kinh đề cập đến cảnh Ðức Thế Tôn nhập Niết Bàn, có tường thuật với nhiều chi tiết rất cảm động, tất cả những diễn biến xảy ra trong những ngày tháng cuối cùng của Ðức Phật.

Giờ đây Ðức Thế Tôn đã tám mươi tuổi thọ; hai vị đại đệ tử Sàriputta và Mahà Moggallàna, đã viên tịch được ba tháng. Hai bà Pajàpati Gotami và Yasodharà cùng với Ðại Ðức Ràhula cũng không còn.

Lúc bấy giờ Ðức Phật ngự tại Vesàli, và mùa mưa sắp đến. Ngài cùng một nhóm đông tỳ khưu đi Beluva để an cư kiết hạ. Một cơn bệnh trầm trọng làm cho Ngài đau đớn vô cùng nhưng Ðức Thế Tôn, luôn luôn giác tỉnh chú niệm và tự làm chủ lấy mình, vẫn trầm tĩnh nhẫn nại chịu đựng. Ngài đã gần đến lúc lâm chung nhưng cảm nghe không nên viên tịch mà không có lời nào giả từ Giáo Hội. Do đó, Ngài cố gắng vận dụng ý chí đè nén cơn đau, và bám lấy sự sống. Bịnh dần dần thuyên giảm. Khi đã bình phục lại như thường Ngài gọi Ðức Ànanda, vị thị giả thân tín, và bảo:

Này Ànanda, nay Như Lai đã niên cao tuổi lớn, cuộc hành trình của Như Lai đã đến mức tận cùng. Như Lai đã trải qua suốt cuộc đời, giờ đây đã tám mươi tuổi thọ; và cũng như chiếc xe quá cũ kỹ, này Ànanda, chỉ có thể xử dụng được nếu ta hết sức thận trọng gìn giữ, cùng thế ấy, cơ thể của Như Lai chỉ có thể hoạt động nếu được bồi bổ với nhiều ý chí. Chỉ khi Như Lai ngưng hẳn, không lo nghĩ việc ngoài đời và không kinh nghiệm những cảm xúc của thế gian, tiến đến tâm định không dấu hiệu (animita), và sống trong trạng thái ấy — chí đến chừng ấy thân của Như Lai mới thoải mái dễ chịu.

Như vậy, này Ànanda, hãy lấy chính con làm hải đảo của con. Chính con làm nương tựa cho con. Không nên ỷ lại nơi ai khác để làm chỗ nương tựa. Hãy bám sát Giáo Pháp như một hải đảo. Hãy bám sát Giáo Pháp như chỗ nương tựa. Không trông cậy nơi ai để làm chỗ nương tựa. Bất luận ai, này Ànanda, dầu trong hiện tại hay sau khi Như Lai viên tịch, lấy chính mình làm hải đảo cho mình, không còn phải nương tựa nơi nào ở ngoại cảnh — chính những người ấy trong nhóm môn đệ của Như Lai, này Ànanda, sẽ tiến đạt đến mức cao tuyệt đỉnh! Nhưng những người ấy phải tận lực gia công để tiến hóa.”

Từ Beluva Ðức Phật đi đến Mahavana. Nơi đây Ngài triệu tập tất cả quý vị tỳ khưu lúc ấy cư ngụ trong vùng Vesàli, và khuyên dạy: “Này chư môn đệ, Giáo Pháp mà Như Lai chứng ngộ, Như Lai đã làm cho các con chứng ngộ. Các con hãy vững vàng làm chủ Giáo Pháp, hãy thực hành, quán niệm Giáo Pháp và truyền bá hoằng dương; vì lòng bi mẫn thương xót thế gian, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại.”

Và Ðức Phật kết thúc lời kêu gọi:

“Tuổi thọ của Như Lai đã cao, đời sống của Như Lai đã đến mức tận cùng; từ giả các con, Như Lai ra đi, chỉ trông cậy nơi một mình chính Như Lai! Hãy chuyên cần, này chư môn đệ, nuôi dưỡng tràn đầy những tư tưởng thánh thiện! Hãy quyết tâm vững chắc! Hãy theo dõi canh phòng tâm! Kẻ nào không chán ngán mệt mỏi mà bám sát nắm vững Giáo Pháp và Giới Luật sẽ vượt qua biển trầm luân của đời sống, chấm dứt sầu muộn.”

Ðức Thế Tôn giờ đây đã suy yếu bịnh hoạn, chân mỏi gối dùn, tiếp tục cuộc hành trình một cách khó khăn, theo sau có Ðức Ànanda và đông đảo chư tỳ khưu. Chí đến trong chuyến đi dài dẳng và cam go cuối cùng này, Ðức Phật cũng không bao giờ ngừng chăm lo kẻ khác. Ngài khuyên dạy người thợ rèn Cunda, đã dâng cúng buổi cơm cuối cùng, rồi trên đường đi, dừng bước để giáo hóa Pukkusa, một đệ tử của Àlàra Kàlama, giải tỏa những thắc mắc của ông, và truyền dạy Giáo Pháp. Pukkusa xin theo về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng.

Ðức Thế Tôn giờ đây đã đến Rừng Long Thọ (Sala Grove) của dòng Mallas, tại Kusinàrà (Câu Thi Na) — mức cùng của cuộc hành trình. Biết rằng đây là nơi dừng chân cuối cùng, Ngài bảo Ðại Ðức Ànanda: “Như Lai đã mệt mỏi, này Ànanda, và sẽ nằm. Con hãy trải cho Như Lai chỗ nằm giữa hai cây song long thọ, đầu về hướng Bắc.”

Rồi Ngài nằm nghiêng mình bên phải, trầm lặng và giác tỉnh chú niệm, chân này đặt trên chân kia. Ngõ lời với Ðại Ðức Ànanda Ðức Thế Tôn truyền dạy:

“Những ai đã làm xong bổn phận lớn và nhỏ, những ai sống chân chánh, những ai đi xuyên qua cuộc đời thích ứng với giới luật — chính những người ấy làm vinh dự, sùng bái và tôn kính Như Lai, đấng Toàn Thiện, với lòng kỉnh mộ xứng đáng nhất. Như vậy, này Ànanda, hãy vững chắc thực hành những bổn phận lớn và nhỏ, sống chân chánh, và đi xuyên qua cuộc đời thích ứng với giới luật. Này Ànanda, con nên tu tập như thế ấy.”

Vị Ðệ Tử Cuối Cùng

Vào lúc bấy giờ tại Kusinàrà có một đạo sĩ du phương tên Subhadda, nghe tin Ðức Phật sắp nhập diệt thì vội vã đến khu Rừng Long Thọ để nhờ Ðức Phật làm sáng tỏ vài thắc mắc đã khuấy động tâm ông. Nhưng Ngài Ànanda không để cho Subhadda vào mặc dầu ông cố nài nỉ, vì không muốn Ðức Phật phải bận lòng vào giờ phút cuối cùng. Ðức Thế Tôn nghe được. Ngài biết liền rằng Subhadda thật lòng muốn tìm hiểu và biết rằng ông ta có đủ khả năng lãnh hội lời dạy một cách dễ dàng. Ngài bảo cho Subhadda vào.

Hoài nghi của Subhadda là không biết các vị lãnh đạo của những hệ thống tư tưởng khác như Pùrana Kassapa, Nigantha Nàtaputta và những vị khác nữa có thật sự hiểu biết chân lý không. Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn dạy:

“Trong bất luận Giáo Pháp và Giới Luật nào (dhamma-vinaya), này Subhadda, không có Bát Chánh Ðạo thì không có hạng nhất đẳng sa môn, cũng không có nhị đẳng, tam đẳng hay tứ đẳng sa môn [55]. Và trong bất luận Giáo Pháp và Giới Luật nào, này Subhadda, có Bát Chánh Ðạo thì cũng có hạng nhất đẳng sa môn, cũng có hạng nhị đẳng sa môn, hạng tam đẳng và tứ đẳng sa môn. Giờ đây, trong Giáo Pháp và Giới Luật này, Subhadda, có Bát Chánh Ðạo, và trong ấy cũng có những bậc sa môn đã thật sự chứng đắc bốn tầng thánh. Trong hệ thống của những vị lãnh đạo khác không có ai thật sự chứng đắc thánh quả. Và trong Giáo Pháp và Giới Luật này, Subhadda, có những người sống chân chánh, như vậy thế gian sẽ không vắng bóng các bậc A La Hán.”

Nghe qua những lời Phật dạy Subhadda càng vững chắc niềm tin, xin quy y Phật, Pháp và Tăng. Hơn nữa, ông xin được xuất gia, và Ðức Phật dạy Ngài Ànanda truyền giới và thâu nhận vào Giáo Hội Tăng Già. Như vậy Subhadda trở thành vị đệ tử cuối cùng của Ðức Thế Tôn. Không bao lâu, nhờ nhiệt tâm chuyên cần tinh tấn, Subhadda đắc tầng Thánh cuối cùng, Ðạo Quả A La Hán.

Quang Cảnh Cuối Cùng

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn ngỏ lời khuyên dạy:

“Như Lai đã truyền dạy Giáo Pháp, này Ànanda, mà không có sự phân biệt giữa giáo huấn bí truyền và giáo huấn công truyền, bởi vì đối với Chân Lý, Ànanda, Như Lai không có gì giống như ‘bàn tay nắm lại’ của một vị thầy còn giấu học trò một vài sở kiến chánh yếu nào.

“Này Ànanda, có thể vài người trong các con nghĩ rằng, ‘Tiếng nói của Ðức Bổn Sư đã chấm dứt. Chúng ta không còn thầy giảng dạy.’ Nhưng Ànanda, chúng con không nên suy tư như thế.

“Giáo Pháp và Giới Luật (dhamma-vinaya) mà Như Lai đã đặt để và ban hành cho các con, sau khi Như Lai nhập diệt, hãy nhận Giáo Pháp và Giới Luật ấy là thầy của chúng con. Này chư tỳ khưu, có thể vài người trong các con còn hoài nghi về Phật, hay về Pháp, hay về Con Ðường (magga), hay về Phương Pháp (patipadà). Hãy tự do khảo sát và tìm hiểu, này chư tỳ khưu. Không nên ăn năn tự trách, nghĩ rằng: ‘Khi còn diện đối diện với thầy tại sao ta không nêu lên vấn đề để được Ðức Thế Tôn giảng giải.'”

Khi Ðức Phật dạy như thế thì tất cả chư Tăng đều im lặng.

Lần thứ nhì và lần thứ ba Ðức Thế Tôn lặp lại, và chư Tăng vẫn giữ im lặng. Ðại Ðức Ànanda bạch với Ðức Phật, “Quả thật kỳ diệu, Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật tuyệt diệu! Ðúng vậy, con nghĩ rằng trong toàn thể chư tỳ khưu hội hợp tại đây không có vị nào còn hoài nghi hay thắc mắc gì về Ðức Phật hay Giáo Pháp hoặc Con Ðường hoặc Phương Pháp.”

Ðức Thế Tôn xác nhận lời của Ngài Ànanda và thêm rằng trong toàn thể chư tỳ khưu hội hợp lúc bấy giờ, dầu người chậm trể nhất cũng chắc chắn sẽ được giải thoát cùng tột. Và không bao lâu sau đó Ðức Bổn Sư nói lên lời kêu gọi cùng tột đến những ai muốn thực hành Giáo Huấn Ngài, trong hiện tại và trong tương lai.

“Hãy lắng nghe đây, này chư tỳ khưu, Như Lai khuyên nhủ các con: tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực chuyên cần chú niệm để thành đạt giải thoát” (vaya dhammà samkhàrà, appamàdena sampàdetha). [56]

Ðó là di huấn tối hậu của Ðức Phật. Rồi Ðức Bổn Sư tuần tự nhập vào chín tầng Thiền (jhàna) càng lúc càng tế nhị hơn: trước tiên bốn Thiền Sắc Giới (rùpa-jhàna), rồi bốn Thiền Vô Sắc Giới (arùpa-jhàna), và cuối cùng trạng thái diệt thọ tưởng định (sannà-vedayita-nirodha). Từ đó Ngài tuần tự trở xuống đến Sơ Thiền Sắc Giới, rồi trở lên, nhập trở lại Tứ Thiền (tầng Thiền được mô tả là “trạng thái thanh tịnh của tâm chú niệm do nhờ hoàn toàn xả”) Ðức Phật nhập diệt (parinibbàna). [57]

Kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Ðại Niết Bàn) có ghi chép, với nhiều chi tiết rất cảm động tất cả những diễn biến xảy ra trong những ngày cuối cùng của Ðức Bổn Sư.

Trong lịch sử nhân loại không có người nào như Ðức Phật Tối Thượng, đã cống hiến trọn cuộc đời của mình để tạo an lành hạnh phúc cho toàn thể chúng sanh, bất kể giai cấp, đẳng cấp, chủng tộc hay nam nữ. Từ giờ phút chứng đắc Toàn Giác cho đến khi chấm dứt cuộc đời, Ngài cố gắng không ngừng nghỉ, không biết mệt, một cách trầm lặng, để nâng cao phẩm giá con người, dầu cam go khổ nhọc đến đâu và bất chấp những trở lực trên đường đi. Ngài luôn luôn tận lực gia công vì hạnh phúc chung và không bao giờ mệt mỏi hay suy giảm tinh thần. Mặc dầu cơ thể lắm khi không đủ mạnh khỏe, tinh thần Ngài vẫn luôn luôn dũng mãnh cương quyết và giác tỉnh. Do đó có lời:

“Ồ! Tuyệt diệu thay bậc Chiến Thắng,
Tận lực cố gắng không bao giờ biết mệt,
Vì phúc lợi của tất cả chúng sanh,
Vì tình trạng an lành cho mọi cuộc sống.”

Mặc dầu hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua từ ngày Ðức Phật Nhập Niết Bàn, bức thông điệp từ bi và trí tuệ của Ngài vẫn còn được lưu truyền, tinh khiết trắng trong và mạnh mẻ ảnh hưởng đến vận mạng của nhân loại. Cả rừng bông hoa hằng ngày đã được dâng lên cúng dường trên bàn thờ Ngài và vô số triệu cặp môi hằng ngày lặp lại câu: Buddham saranam gacchàmi, con xin về nương tựa (quy y) nơi Ðức Phật, trong ý nghĩa, “Con xin gởi thân dưới bóng từ bi của Ðức Phật”. Ánh vinh quang của Ngài sáng tỏ như vừng thái dương, và Giáo Pháp (dhamma) của Ngài vẫn còn vẩy tay mời khách hành hương mệt mỏi vào Niết Bàn, châu toàn và thanh bình an lạc.

Chú thích:

[1] Jawaharlal Nehru, The Discovery of India (Calcutta: Signet Press, 1946) trang 143.

[2] Cùng sách trên, trang 137.

[3] Sanskrit là Siddhartha (tên riêng) Gautama (tên tộc).

[4] Chiến sĩ

[5] Edwin Arnold, The Light of Asia.

[6] Trong cùng tác phẩm trên.

[7] Anguttara-Nikàya, Tăng nhứt A Hàm, trang 146.

[8] Ðể có thêm chi tiết về điểm này, xin xem Majjhima-Nikàya, Trung A Hàm, trang 36, bản dịch của I.B. Horner trong Middle Length Sayings, tập I (PTS). Cũng xin đọc R. Abeysekara, “The Master’s Quest for Light” (Kandy BPS) Bodhi Leaves A7.

[9] Mahà Saccaka Sutta, Majjhima Nikàya, trang 36.

[10] Có nơi kể thêm hoặc lậu thứ tư là ditthàsava, tà kiến lậu.

[11] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 36; Majjhima Nikàya 249.

[12] Dhammapada, Pháp Cú Kinh, câu 153-154.

[13] Bồ Tát (Bodhisatta, skt. Bhodhisattva) là người có chú nguyện, hoặc có chí hướng (satta), thiên về lý tưởng giác ngộ — tức thông suốt Tứ Diệu Ðế (bodhi). Trong ý nghĩa này, danh từ Bodhisatta có thể áp dụng cho bất cứ ai có chí hướng thành tựu giác ngộ, nhưng thật sự chỉ đặc biệt áp dụng cho người có chú nguyện chứng đắc Toàn Giác (sammà-sambodhi), Một vị Bồ Tát (Bodhisatta) trau giồi đầy đủ mười đức tánh toàn hảo, hay ba la mật (pàrami), vốn là những phẩm hạnh chánh yếu vô cùng cao cả khởi đầu bằng tâm bi, và luôn luôn đượm nhuần sự hiểu biết sáng suốt, hay trí tuệ minh mẫn, không mảy may nhượm màu ái dục, tà kiến và ngã mạn (tanhà, ditthi và màna), những phẩm hạnh của người có chú nguyện thành tựu Ðạo Quả Phật. Mười ba la mật là:

bố thí (dàna),
trì giới (sìla),
xuất gia (nekkhamma),
trí tuệ (pannà),
tinh tấn (viriya),
nhẫn nại (khanti),
chân thật (sacca),
quyết định (adhitthàna),
tâm từ (mettà) và
tâm xả (upekkhà).

[14] Xin xem chú giải ở trên.

[15] 2500 Years of Buddhism, Foreword, ix, Government of India, 1971.

[16] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, I. 10; V, 420.

[17] Samyutta-Nikàya, Tạp A Hàm, 66.

[18] Udana l. Xem chương 8 của sách này, Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh.

[19] Vào lúc bấy giờ chưa có Giáo Hội Tăng Già (sangha)

[20] Vinaya Pitaka l. Mahavagga.

[21] Majjhima-Nikàya, Trung A Hàm, 26/l. 167-168.

[22] Cùng sách trên.

[23] Ðể hiểu thêm những chân lý thâm diệu, hay diệu đế này, xin xem quyển “The Buddha’s Ancient Path” cùng tác giả; Three Cardinal Discourses (Kandy, BPS) loại Wheel, số 17, tác giả Nanamoli; The Four Noble Truths (Kandy: BPS) loại Wheel 34/35, tác giả Francis Story; The Word of the Buddha, (Kandy: BPS), tác giả Nanàtiloka.

[24] Dhamma-cakka-pavattana Sutta, Kinh Chuyển Pháp Luân, Samyutta-Nikàya. v. trang 420.

[25] Samyutta-Nikàya, Tạp A Hàm, v, trang 437.

[26] Samyutta-Nikàya, Tạp A Hàm, v, 588; Majjhima-Nikàya, Trung A Hàm, l, 245; Theragatha, Trưởng Lão Tăng Kệ v, 828.

[27] Vào năm 273 trước D.L. Ðại Ðế Asoka (A Dục) đến hành hương nơi Thánh Ðịa này và cho xây cất một số đền đài và một trụ cột tưởng niệm với tượng đá sư tử trên đầu trụ. Ðầu trụ cột với tượng đá bốn sư tử tuyệt đẹp khiêng “Bánh Xe Pháp Bảo” (Dharmacakra) ngày nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Sarnath, Benares, và hiện còn là biểu tượng chánh thức của xứ Ấn. Ngày lễ Dharmacakra vẫn còn được cử hành tại Sri Lanka (Tích Lan). Jawaharlal Nehru viết: “Tại Sarnath gần Benares, dường như tôi vẫn còn thấy Ðức Phật đang thuyết giảng bài Pháp đầu tiên, và những lời dạy của Ngài văng vẳng từ xa vang lại, đang còn thì thầm bên tai tôi, xuyên qua hai ngàn năm trăm năm. Trụ cột đá Asoka với những lời ghi khắc trên đó dường như nói lên cho tôi bằng những ngôn từ tuyệt mỹ về một con người, mặc dầu cũng là hoàng đế, nhưng vĩ đại hơn bất luận vua chúa hay hoàng đế nào.” — The Discovery of India (Calcutta; Signet Press 1946) trang 44.

[28] Mùa “Nhập Hạ”, hay “An Cư Kiết Hạ”, là ba tháng mưa nhiều ở Ấn Ðộ — khoảng từ tháng Bảy đến tháng Mười D.L. — Ðức Phật và chư Tăng ở lại một nơi.

[29] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, Mahavagga.

[30] Theo một lối nhìn, ta có thể ghi nhận một cách hứng thú rằng Ðức Phật, nhà Truyền Giáo Vĩ Ðại Nhất xứ Ấn Ðộ, Ðản Sanh dưới một cội cây trong một khu vườn, Thành Ðạo dưới cội Bồ Ðề (một nhánh đâm về hướng Nam của cây này được vị Trưởng Lão A La Hán, Sư Bà Sanghamitta, vốn là công chúa, con Ðại Ðế Asoka xứ Ấn, đem qua Tích Lan trồng, vào thế kỷ thứ 3 trước D.L. nay vẫn còn tươi tốt sum sê tại Anuradhapura. Ðây là cội cây già nhất thế giới được ghi nhận), Chuyển Pháp Luân tại Vườn Lộc Giả, dưới một cội cây và sau cùng, Nhập Diệt dưới bóng cặp song long thọ. Hầu hết đời Ngài trải qua trong rừng và trong làng mạc.

[31] Toàn thể bài Pháp này được ghi trong bộ Anguttara-Nikàya, iv, 354; Udàna, trang 34; và được tóm lược trong Dhammapada Commentary, Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú. l, 287. Trong bộ Theragàthà, Trưởng Lão Tăng Kệ, câu 66 ghi rằng Ðại Ðức Meghiya vốn là người trong hoàng tộc Sakya. Kinh Pháp Cú, câu 33 và 34, dạy: “Cái tâm, chập chờn, chao động, khó canh phòng, khó kiểm soát — bậc thiện trí giữ vững tâm ngay ngắn giống như thợ chuốc tên uốn nắn cho mũi tên ngay thẳng.” (Câu 33). “Cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên đất khô như thế nào, thì tâm chao động cũng dường thế ấy. Vậy, phải lánh xa cảnh giới của dục vọng. (Câu 34)

[32] Ariya-pariyesana Sutta, Majjhima-Nikàya 26/I, 264.

[33] Danh từ Arahat (A La Hán) chỉ dành cho những ai đã hoàn toàn tận diệt mọi ô nhiễm. Trong định nghĩa này Ðức Phật là vị A La Hán đầu tiên trong thế gian, như Ngài đã nói với Upaka. Chính Ngài đã khám phá và trải qua con đường tận diệt ô nhiễm.

[34] Samyutta-Nikàya, Tạp A Hàm, iii, 66.

[35] Kinh Ðại Niết Bàn, Mahà Parinibbàna Sutta, Dìgha-Nikàya, Trường A Hàm 16/II, 100.

[36] Majjhima-Nikàya, Trung A Hàm, 38/I 264.

[37] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 276.

[38] Samyutta-Nikàya, Tạp A Hàm, I, 156.

[39] Kinh Vatthùpama Sutta, Majjhima-Nikàya, Trung A Hàm, 7. Cũng xin đọc The Simile of the Cloth, của ÐÐ Nyanaponika do nhà xuất bản BPS, Kandy, ấn hành theo loại Wheel, số 61-62.

[40] “The Buddhist Concept of A Just Social & Political Order” trong quyển Young Buddhist, Singapore. Tác giả: P.D. Premasiri.

[41] Sutta Nipàta, câu 455 và 456. Bản dịch ra Anh ngữ của Chalmer (Harvard Oriental Series).

[42] Xem G.P. Malalasekera và K.N. Jayatilleke, Buddhism and the Race Question (Kandy: BPS) Wheel 220/201.

[43] Jàtaka, Túc Sanh Truyện, số 485.

[44] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, I, Mahàvagga. Xin đọc Ordination in Theravàda Buddhism (Kandy: BPS) Wheel 56, tác giả Piyadassi Thera và J.F. Dickson.

[45] Bài Kinh số 62. Trọn bài Kinh này được nhà xuất bản BPS, Kandy ấn hành theo loại Wheel, dưới tựa đề Advice to Ràhula.

[46] C.F. Rhys Davids, Psalms of the Early Buddhists — The Sisters, P.T.S., trang 120.

[47] Vinaya Mahàvagga, Civarakkhandhaka. Cũng xem I.B. Horner, Book of the Discipline, phần 4, trang 431.

[48] Trong bản tường trình của ngành khảo cổ học, Archaeological Report, 1862-3 của ông, Tướng Alexander Cunningham viết: “Về phía Ðông Bắc ngôi Jetavana (Tịnh Xá Kỳ Viên) có một bảo tháp (stupa) được xây dựng, đánh dấu nơi Ðức Phật rửa tay và chân một vị tỳ khưu đang lâm bịnh … Phần còn lại của ngôi bảo tháp, bằng gạch, hiện vẫn còn được thấy cách khoảng 550 bộ Anh (feet) cách Tịnh Xá Jetavana. Trong bản đồ thành phố Sàvatthi của Tướng Cunningham (nay là Sahet-Mahet), địa điểm của bảo tháp được đánh dấu bằng chữ “H”. — Archaeocological Survey of India (Simla 1871) trang 341.

[49] Mettà Sutta, Sutta Nipàta, 149.

[50] Edwin Arnold, The Light of Asia.

[51] Ðó là atta loka-dhamma, tám pháp thăng trầm của thế gian. Cũng được gọi là bát phong, tám ngọn gió của đời sống làm chao động ngọn đèn tâm.

[52] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 320.

[53] Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, Commentary on the Dhammapada, quyển I, trang 147.

[54] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16; bản dịch tựa đề Last Days of the Buddha (Kandy:BPS).

[55] Bốn tầng Thánh đó là: sotàpatti (nhập lưu); sakadàgàmi (nhất lai); anàgàmi (bất lai); và arahatta (a-la-hán, tầng Thánh cuối cùng). Bậc A La Hán, hay Ứng Cúng, đã phá tan mọi thằng thúc và tận diệt mọi ô nhiễm.

[56] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16, bài kinh Mahà Parinibbàna Sutta, trong đó ghi chép với nhiều chi tiết cảm động, tất cả những diễn biến xảy ra trong những ngày tháng sau cùng của Ðức Bổn Sư.

[57] Những đoạn trên đây được trích và sửa đổi chút ít từ “Book of the Great Decease” trong Dialogues of the Buddha, phần II, Dìgha Nikàya, Phần II.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app