Ðạo Quả Phật Và Các Thánh Quả

Trạng thái hoàn toàn giác ngộ, sự khám phá và chứng ngộ Tứ Diệu Ðế (tức Ðạo Quả Phật) không phải là đặc ân riêng của một chúng sanh tốt phước nào đã được Thần Linh Thiên Hựu chọn trước, cũng không phải là diễn biến duy nhất không bao giờ còn lặp lại trong lịch sử nhân loại. Ðây là thành quả mà bất luận ai cũng có thể thành đạt nếu tận lực tinh tấn chuyên cần tự thanh lọc thân tâm và khai triển trí tuệ đến mức tuyệt hảo và có đủ ý chí sắt đá, kiên trì trau giồi mười pháp ba la mật (pàrami) và Bát Chánh Ðạo, những phẩm hạnh tất yếu để chứng ngộ Ðạo Quả Phật.

Ðã có những vị Phật trong quá khứ xa xôi, và trong tương lai sẽ có những vị Phật, khi cần và hội đủ điều kiện thuận lợi. Nhưng ta không cần phải nghĩ đến tương lai xa vời; giờ đây, trong giây phút hiện tại, “cánh cửa Vô Sanh Bất Diệt” đang rộng mở. Những ai bước vào, đạt đến trạng thái tuyệt đối trọn lành (Arahatta), cuối cùng giải thoát, vượt ra khỏi mọi đau khổ (Nibbàna). Ðức Phật long trọng tuyên bố rằng trên phương diện tận diệt ô nhiễm và thành đạt mục tiêu giải thoát cùng tột, những vị ấy cũng đứng ngang hàng với Ngài:

“Là những người chiến thắng như ta, quả thật vậy,
Những ai đã tận diệt mọi ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm”
[32]

Tuy nhiên, Ðức Phật cũng vạch rõ cho hàng môn đệ sự khác biệt giữa vị Toàn Giác và chư vị Arahat (A La Hán) [33], những bậc Thánh Nhân Trọn Lành:

“Như Lai, này chư tỳ khưu, trong khi cũng là Arahat, là Toàn Giác, là bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, là người công bố Con Ðường chưa được công bố, là người thấu đạt Con Ðường, là người tận tường hiểu biết Con Ðường, là người thuần thục kinh nghiệm, vẹn toàn trải qua Con Ðường. Và giờ đây, các đệ tử của Như Lai là khách lữ hành bước theo dấu chân của Như Lai. Ðó là sự khác biệt, này chư tỳ khưu, là những điểm đặc thù phân biệt Như Lai, cũng là Arahat (A La Hán), là bậc Toàn Giác, với hàng đệ tử, những người đã thành đạt giải thoát bằng trí tuệ minh sát. [34]”

Ðặc Ðiểm Nổi Bật Của Giáo Pháp (Dhamma)

Không có những hóc hẻm đen tối của si mê, không có những mạng nhện đầy bí hiểm, không có những gian phòng mịt mù khói tỏa bao trùm bí ẩn, không có “giáo lý bí truyền”, không có những tín điều được dấu nhẹm, trong giáo huấn của Ðức Phật, vốn được rộng mở sáng tỏ như ban ngày và trong suốt như thủy tinh. “Giáo pháp và giới luật mà Ðức Phật công bố sáng chói tỏ rạng khi được mở rộng, không phải lúc bị che đậy, giống như mặt trời và mặt trăng, tỏ rạng khi trời quang mây tạnh và lu mờ lúc bị mây che án.”

Ðức Bổn Sư không chấp nhận lối giáo huấn bao gồm “Mật nghĩa”. Ngài dạy, “Mật nghĩa là dấu hiệu của những giáo lý giả mạo.” Ngỏ lời cùng Ðức Ànanda Ðức Bổn Sư tỏ bày như sau: “Này Ànanda, Như Lai truyền dạy Giáo Pháp mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý công truyền và giáo lý bí truyền; vì tôn trọng chân lý, này Ànanda, Như Lai không bao giờ làm những việc như có bàn tay nắm lại của một ông thầy còn giấu lại một vài bí ẩn chánh yếu, không truyền hết cho học trò. [35]”

Một vị Phật quả thật vô cùng hiếm hoi, nhưng không phải là xa lạ trong lịch sử nhân loại. Ngài không dành cho riêng mình sự giác ngộ tối thượng. Ðối với người Phật tử, một quan điểm tương tợ thật là vô nghĩa và đáng gạc bỏ qua một bên, và đối với Ðức Phật đó là một ước vọng rõ ràng không thể quan niệm được. Với tâm từ và tâm bi, Ðức Phật ban truyền những lời dạy mà không giữ lại pháp môn nào cần thiết để giải thoát con người ra khỏi xiềng xích của vòng luân hồi (samsàra), cuộc đi bất định triền miên lặp đi lặp lại.

Giáo huấn của Ðức Phật từ đầu đến cuối được rộng mở cho tất cả những ai có mắt để thấy và có tâm để hiểu biết. Phật Giáo không bao giờ đưa họng súng hay dùng gươm đao để áp bức, cưỡng bách ai. Người Phật tử không bao giờ ép buộc người khác theo tôn giáo mình. Phương pháp cưỡng chế không bao giờ thích nghi đối với Ðức Phật.

Ðề cập đến lòng bi mẫn của Ðức Phật, H. Fielding Hall viết trong quyển “The Soul of a People”: “Không bao giờ có thể có một cuộc chiến tranh Phật Giáo. Không quốc gia xâm lăng nào mục kích lòng hăng say chiến đấu của những người Phật tử; không người nào bị sát hại, đổ máu giữa nhà, vì kẻ sát nhân lấy danh nghĩa của Ðức Phật. Ngài, và niềm tin nơi Ngài không hề mang một vết máu. Ngài hoằng dương một giáo lý đem lại An Lành Vĩ Ðại, tình thương, lòng từ ái, bi mẫn, và lời dạy của Ngài trong sáng rõ rệt đến độ không bao giờ có thể nhầm lẫn.”

Trong khi truyền bá Giáo Pháp (Dhamma) Ðức Phật không có bất luận sự phân biệt nào giữa hàng môn đệ, không bao giờ chọn riêng vị đệ tử nào để ban ân huệ, không bao giờ có tình trạng thiên vị. Giữa các môn đệ Ngài, là những vị đã đắc Quả A La Hán, đã tận diệt ô nhiễm và đã phá tan mọi thằng thúc cột trói chúng sanh vào một kiếp sinh tồn mới, các vị ấy đã tiến đạt đến mức thanh tịnh tuyệt đỉnh, trong sạch như nhau. Tuy nhiên có vài vị, vì đặc biệt lỗi lạc hơn trên phương diện trí tuệ hay thực hành nào, và nhờ đó được ưu đãi hơn về mặt tinh thần, như được huynh đệ trọng vọng hơn; nhưng Ðức Bổn Sư không bao giờ ban bố đặc ân cho vị nào mà xem tất cả như nhau. Như Ngài Upàli chẳng hạn, xuất thân từ một gia đình thợ cạo, được Ðức Bổn Sư giao phó nhiệm vụ Tăng Trưởng trong những vấn đề giới luật (vinaya), thay vì chỉ định những vị A La Hán khác mà trước kia thuộc dòng quý phái và chiến sĩ (kshatriya). Hai Ngài Sàriputta và Mahà Moggallàna, sanh trưởng trong gia đình bà la môn, là hai vị đại đệ tử của Ðức Phật, vì đó là nguyện vọng của các Ngài từ trong nhiều tiền kiếp xa xôi. Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) ưu tú về trí tuệ (pannà), còn Ngài Moggallàna (Mục Kiền Liên), về thần thông (iddhi).

Ðức Phật không bao giờ muốn rút tỉa nơi hàng tín đồ một đức tin mù quáng và quỳ lụy phục tùng Ngài hay giáo lý của ngài. Ngài luôn luôn đặt nặng công trình quán xét phân biện và khảo sát sáng suốt. Với những lời lẽ quả quyết, trong một thời Pháp mà về sau được gọi rất đúng là hiến chương đầu tiên về tự do tư tưởng, Ngài mạnh mẽ khuyến khích người Kàlàmas nên sáng suốt quán xét.

Vội vã chấp nhận bất luận điều gì rồi đặt niềm tin vào đó quả thật không nằm trong tinh thần Phật Giáo, và ta có thể nhận thức điểm này xuyên qua cuộc đàm thoại giữa Ðức Thế Tôn và một số đệ tử: “Nếu bây giờ , biết và chấp giữ tin chắc điều này, các con có nói chăng rằng, ‘Chúng ta tôn vinh Ðức Bổn Sư, vì quý trọng Ngài chúng ta tôn kính những lời dạy của Ngài?’ ‘Bạch Ðức Thế Tôn, các con không nói như vậy.’ ‘Ðiều nào mà các con xác nhận, này chư đệ tử, có phải vì chính tự các con đã nhận thức, trông thấy rõ ràng và nắm vững điều ấy không?’ ‘Ðúng vậy, Bạch hóa Ðức Thế Tôn.'” [36]

Ðức Phật đối diện với những sự kiện và từ chối không thừa nhận hoặc tán thành điều gì không phù hợp với chân lý. Ngài không muốn chúng ta chấp nhận bất cứ gì một cách mù quáng, không suy xét trước. Ngài muốn chúng ta thông hiểu sự vật đúng như sự vật là vậy, tập trung mọi cố gắng cần thiết và gia công chú niệm nhằm thành đạt giải thoát.

“Các con phải chuyên cần tinh tấn
Các đấng Như Lai chỉ là người vạch ra con đường.”
[37]

“Các con hãy tự mình cải thiện, tự vươn lên,
Và mở lòng đón nhận giáo huấn của Ðức Phật.
Hãy rung chuyển đạo binh của tử thần,
Như thớt tượng rung chuyển một mái chòi tranh.”
[38]

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Ðức Phật dạy rằng không nên tìm giải thoát bằng cách tùy thuộc nơi một đấng cứu thế, dầu vị ấy là người hay thần linh.

Ý niệm chủ trương rằng có ai đó nâng đỡ con người từ thấp lên một tầng lớp cao hơn trong đời sống, và rốt cùng cứu thoát luôn, có chiều hướng làm cho con người trở nên lười biếng và yếu hèn, suy nhược, và cuồng si. Tin tưởng như vậy là hạ thấp giá trị con người và làm ngộp tắt mọi tia sáng phẩm cách phát sanh từ đời sống đạo đức.

Bậc Toàn Giác kêu gọi hàng tín đồ nên tự tin, tự nương tựa nơi chính mình, không ỷ lại nơi ai khác. Người khác có thể gián tiếp đưa đến ta một cánh tay hỗ trợ, nhưng trạng thái siêu thoát ra khỏi mọi khổ đau phải được mỗi người tự mình trau chuốt cho mình và gia công chuyên cần, đập đẽo, gọt giũa trên hòn đe, bằng chính hành động của mình.

Thanh Tịnh Thật Sự

Ðể hiểu biết tận tường sự vật, niềm tin và lòng kinh sợ không có một vai trò nào trong tư tưởng người Phật tử. Chân lý của Giáo Pháp (Dhamma) chỉ có thể thành đạt bằng trí tuệ minh mẫn, không bao giờ bằng đức tin mù quáng hay bằng cách sợ sệt một chúng sanh, đã được hay không được biết.

Chẳng những Ðức Phật không tán thành đức tin mù quáng và lòng kinh sợ một Thần Linh toàn năng, xem như điều ấy không thích nghi để thấu đạt chân lý, mà Ngài cũng bác bỏ những nghi thức tế lễ không bổ ích, bởi vì những phương cách từ khước kiêng cữ bề ngoài như nhịn đói, xuống sông tắm để gội rửa tội lỗi, làm thịt thú để tế lễ thần linh và những nghi thức tương tợ không có chiều hướng thanh lọc con người, không làm cho con người trở nên thánh thiện và cao quý. Sau đây là cuộc đàm thoại giữa Ðức Phật và vị bà la môn Sundarika Bhàradvàja: Lần nọ Ðức Thế Tôn ngỏ lời cùng chư vị tỳ khưu, giải thích cặn kẻ như thế nào người mong tìm giải thoát phải tu tập, và sau đó Ngài dạy thêm rằng người mà tâm không còn mảy may ô nhiễm, người mà cuộc đời trong sạch đã đến mức toàn hảo, người đã làm xong những gì cần phải làm, người ấy có thể được gọi là tắm rửa nội tâm.

Lúc bấy giờ Bhàradvàja, ngồi bên cạnh Ðức Phật, nghe như vậy thì bạch hỏi:

“Ðức Gotama có xuống tắm dưới sông Bàhuka không?”

“Này Ông Bà La Môn, tắm dưới sông Bàhuka thì có lợi ích gì? Con sông Bàhuka có thể làm gì cho ta?”

“Quả thật vậy, Bạch Ðức Tôn Giả Gotama, nhiều người tin tưởng rằng sông Bàhuka rất linh thiêng. Nhiều người đã xuống tắm dưới sông Bàhuka để rửa sạch tội lỗi (pàpa, hành động bất thiện) của mình.

Ðức Phật giải thích cho Bhàradvàja rằng tắm nước sông không thể gội rửa những bợn nhơ của tội lỗi, và Ngài dạy ông:

“Này Ông Bà La Môn, hãy tắm rửa nơi đây (tức trong Giáo Pháp và Giới Luật này), hãy ban bố trạng thái châu toàn cho tất cả chúng sanh. Nếu Ông không nói lời giả dối, hoặc không sát sanh hay không trộm cắp, nếu Ông đáng được tin cậy và không xấu xa đê hèn thì đi tắm dưới sông Gayà (tên một con sông ở Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật) có lợi ích gì? Cái giếng nước của chính nhà Ông cũng là một con sông Gayà rồi.” [39]

Vấn Ðề Giai Cấp

Giai cấp là vấn đề tối quan trọng đối với người bà la môn Ấn Ðộ, nhưng đối với Ðức Phật thì rõ ràng không đáng lưu tâm đến. Ngài mạnh dạn đả kích hệ thống phân chia đẳng cấp, xem đó là đê hèn. Giáo Hội Tăng Già gồm đủ người ở tất cả mọi tầng lớp xã hội, giống như sông rạch khắp cùng đều tụ hội, tuông chảy về biển cả. Những vị này gác bỏ lại danh tánh, giai cấp, đẳng cấp và trở thành những thành viên của một cộng đồng — Tăng Già (Sangha).

Nói về tánh cách bình đẳng của tất cả những thành viên trong Giáo Hội Tăng Già Ðức Phật dạy:

“Này chư tỳ khưu, cũng dường những ngọn sông to lớn như Gangà, Yamunà, Aciravati, Sarabhù và Mahì, khi đổ ra biển thì bỏ lại tên riêng và lý lịch của mình, rồi được xem là biển cả, cùng thế ấy, này chư tỳ khưu, từ bốn giai cấp (vannas) … những người ly gia cắt ái, trở thành tu sĩ không nhà cửa trong Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai công bố, cũng mất đi danh tánh và lý lịch của họ và được xem là con dòng Sàkya (Thích Ca)” (Udàna 55).

Quan điểm của người Phật tử về vấn đề chủng tộc và kỳ thị chủng tộc đã được tỏ bày rõ rệt. Quan điểm ấy cũng được phản ảnh trong chủ trương đạo đức và khoa học của UNESCO trong thế kỷ hiện đại (Tuyên ngôn về Chủng Tộc và Thành Kiến Chủng Tộc, UNESCO 1978). [40]

Ðể trả lời vị bà la môn Sundarika Bhàradvàja, muốn tìm hiểu dòng dõi Ngài, Ðức Phật nói:

“Ta không phải bà la môn, không phải hoàng tử,
Không phải nông dân, hay gì khác.
Tất cả đẳng cấp trong thế gian, ta đã biết,
Nhưng đã biết, ta đi con đường của ta
Chỉ giản dị là không ai hết.
Không nhà cửa, trong bộ y người tu sĩ,
Với đầu cạo trọc làm vương niệm, ta đi
Ðơn độc trên con đường của ta, tĩnh lặng
Hỏi dòng dõi của ta là vô ích.”
[41]

Trong trường hợp khác, một người bà la môn có ý phân chia đẳng cấp, mắng chưởi Ðức Phật là “bọn tăng lữ!”, hạng “cùng đinh!” Ðức Bổn Sư không hề cảm nghe ô nhục vì thế mà ôn tồn giải đáp:

“Sự sanh trưởng không làm cho con người là cùng đinh,
Không làm cho con người là bà la môn;
Hành động làm cho người này là cùng đinh,
Hành động làm cho người kia là bà la môn.”
— Sutta-nipàta, v. 142.

và Ngài thuyết giảng trọn thời Pháp, bài kinh Vasala Sutta (Sutta-nipàta) giải thích cho vị bà la môn từng chi tiết những đặc điểm của người thật sự là cùng đinh (vasala). Ðược cảm hóa, vị bà la môn ngạo mạn xin quy y với Ðức Phật (Xem “The Book of Protection, trang 91, cùng Ðại Ðức tác giả).

Ðức Phật thâu nhận vào Giáo Hội một cách tự do và bình đẳng, những người đến với Ngài từ mọi chủng tộc và mọi đẳng cấp, khi biết rằng người ấy có thể sống đời thánh thiện, và vài người này đã trở nên lỗi lạc. Ðức Phật là vị giáo chủ duy nhất trong thời hiện đại đã cố gắng pha trộn lẫn nhau trong tinh thần khoan dung và thuận thảo, những người mà nếu không, sẽ bị phân cách trong những tầng giai cấp khác nhau.

Ngài Upàli, vị Tăng Trưởng trong vấn đề Vinaya — giới luật của Giáo Hội — trước khi xuất gia là một người thợ cạo, nghề sinh sống mà thời bấy giờ được xem là hạ cấp nhất. Sunìta, về sau đắc Quả A La Hán, là người hốt rác, một nghề hạ tiện khác. Trong Giáo Hội Tỳ Khưu Ni có hai bà Punnà và Punnikà, cả hai là người nô lệ. Theo Mrs. C.A.F. Rhys Davids, tám phần trăm rưởi (8 1/2%) trong số các vị tỳ khưu ni đã có đủ khả năng chứng ngộ đạo quả là những người đã đến từ những giai cấp hạ lưu, phần đông là thất học. [42]

Những Vị Ðại Ðệ Tử

Ràjagaha (Vương Xá), kinh đô của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Ðà), là một trong những địa điểm được Ðức Phật quang lâm đến trước nhất sau khi Thành Ðạo. Khi còn là đạo sĩ du phương, trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia, Ðức Phật đã có lời hứa với Vua Bimbisàra (Bình Sa Vương) xứ Seniya rằng sau khi viên mãn thành tựu mục tiêu Ngài sẽ trở lại viếng Ràjagaha. Vua Bimbisàra vui mừng không xiết kể khi gặp lại Ðức Phật. Sau khi nghe được một thời Pháp vua liền xin quy y. Lòng nhiệt thành quý mến Ðức Phật cao đến độ trong vài ngày vua dâng ngự uyển Veluvana lên Ðức Phật, để thiết lập một ngôi chùa.

Vào thủa bấy giờ Ràjagaha là một trung tâm văn hóa to lớn, nơi có nhiều hệ thống triết học đang thời kỳ dồi dào phong phú. Một trong các hệ thống tư tưởng này do Sanjaya lãnh đạo; và trong hàng môn đệ của Sanjaya có hai, trong hai trăm năm mươi vị, là Upatissa và Kolita, mà về sau trở thành Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên), hai vị đệ tử đứng hàng đầu của Ðức Phật. Một hôm nọ, khi Upatissa đang rão bước trên đường phố Ràjagaha thì chàng lấy làm cảm kích trước phong độ thanh nhã, trầm lặng và phẩm cách cao quý của vị đệ tử đầu tiên của Ðức Phật, Ngài A La Hán Assaji (A Tư Ðà), lúc ấy đang đi trì bình.

Tất cả tâm thành, tất cả những công phu mà từ nhiều kiếp sống Upatissa đã kiên trì gia công để thành tựu viên mãn, giờ đây đã đến lúc thâu hoạch thành quả. Upatissa không trở về với thầy mình mà theo chân vị A La Hán Assaji đến nơi Ngài ngồi lại nghỉ, nóng lòng muốn biết Ngài học giáo lý của ai và giáo lý ấy như thế nào.

“Này Ðạo Hữu,” Upatissa nói, “diện mạo của Ðạo Hữu thật là trang nghiêm, trầm lặng, dung nhan của Ðạo Hữu trong suốt sáng ngời. Ai khuyến khích Ðạo Hữu từ bỏ thế gian? Ai là thầy của Ðạo Hữu? Ðạo Hữu thực hành Giáo Pháp nào?” Ngài Assaji vốn người ít nói, từ tốn trả lời: “Sư không thể giải thích dong dài Giáo Pháp và Giới Luật, nhưng có thể vắn tắt tóm lược ý nghĩa.” Câu nói của Upatissa đáng được chú ý: “Ðúng như vậy, này Ðạo Hữu, nói nhiều hay ít cũng được, điều tôi muốn nghe chỉ là ý nghĩa. Tại sao phải dùng nhiều lời?” Lúc bấy giờ vị A La Hán Assaji nói lên một câu kệ bao gồm toàn thể giáo lý nhân quả của Ðức Phật:

“Ye dhammà hetuppabhavà — tesam hetum tathàgato àha
Tesam ca yo nirodho — Evam vàdi mahà samano.”

“Về các pháp phát sanh do nhân, Như Lai đã chỉ dạy nhân ấy,
(Phương pháp) để chấm dứt, Như Lai cũng chỉ dạy.
Ðó là giáo huấn của bậc Ðại Sa Môn.”
— Vinaya Mahàvagga

Trong tức khắc, Upatissa lãnh hội ý nghĩa và chứng đắc tầng Thánh đầu tiên, thấu triệt “bất luận gì có bản chất của sự phát sanh, tất cả những gì có bản chất của sự chấm dứt” (yamkinci samudaya dhammam sabbam tam nirodha dhammam).

Lòng vui mừng khấp khởi, Upatissa mau mau về tìm bạn, Kolita, để thuật rõ cuộc gặp gở vị A La Hán và giáo huấn được thọ nhận. Kolita cũng vậy, tức khắc chứng đắc tầng Thánh đầu tiên khi nghe Upatissa lặp lại Giáo Pháp. Rồi cả hai cùng nhau đến gặp Sanjaya thầy mình, khuyên thầy theo về Ðức Phật. Nhưng Sanjaya từ chối vì sợ mất tiếng đạo sư. Upatissa và Kolita liền từ giả thầy, đến Tịnh Xá Veluvana (Trúc Lâm) xin xuất gia với Ðức Phật. Ðức Phật hoan hỷ đón mừng với lời kêu gọi, “Hãy lại đây, này tỳ khưu, Giáo Pháp đã được công bố đầy đủ. Hãy sống đời thánh thiện để trọn vẹn chấm dứt đau khổ (dukkha),” và chấp nhận hai vị vào Giáo Hội. Về sau hai Ngài thành tựu giải thoát và trở nên hai vị đứng đầu trong hàng đệ tử Phật.

Một nhân vật quan trọng khác được thâu nhận vào Giáo Hội trong lúc Ðức Phật lưu ngự tại Veluvana là vị bà la môn hiền triết Mahà Kassapa (Ma Ha Ca Diếp). Ngài từ bỏ một sự nghiệp đồ sộ để tìm giải thoát. Chính Ngài Ðại Ðức Mahà Kassapa, ba tháng sau khi Ðức Phật nhập Ðại Niết Bàn (parinibbàna), đã triệu tập cuộc họp chư vị A La Hán (Kết Tập Tam Tạng Lần Thứ Nhất), tại Ðộng Sattapanni gần Ràjagaha, dưới sự bảo trợ của Vua Ajàtasattu (A Xà Thế), để thu thập và kết tập Giáo Pháp và Giới Luật.

Giáo Hội Chư Tỳ Khưu Ni

Trong những ngày đầu tiên, chỉ có người nam mới được chấp nhận vào Giáo Hội Tăng Già (Sangha) vì Ðức Phật không sẵn sàng thâu nhận nữ giới. Tuy nhiên trong hàng thiện tín, phái nữ có nhiều người tâm đạo nhiệt thành, hết lòng mong muốn sống đời xuất gia. Lòng thành thật khẩn khoản mong cầu ấy thúc giục Bà Pajàpati Gotami, kế mẫu của Ðức Phật, cùng một nhóm nhiều vị mạng phụ phu nhân đến kính cẩn bạch Phật xin cho người phụ nữ được xuất gia. Nhưng Ðức Phật còn do dự. Nhận thấy nỗi băn khoăn thất vọng và nhiệt tâm của các bà, Ðức Ànanda đứng ra ủng hộ, khẩn khoản thỉnh cầu Ðức Phật. Cuối cùng Ðức Phật chấp thuận, nhưng ban hành tám giới căn bản cho hàng phụ nữ xuất gia.

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunì Sàsana) được thành lập vào năm thứ năm sau khi Ðức Phật Thành Ðạo, trước đó chưa bao giờ có một Giáo Hội để cho hàng phụ nữ có thể xuất gia sống độc thân. Từ mọi tầng lớp trong đời sống, mọi người phụ nữ đều có thể gia nhập Giáo Hội. Ðứng hàng đầu là hai vị Khemà và Uppalavannà. Ðời sống của một số đông các vị tỳ khưu ni cao quý ấy, mức độ gia công chuyên cần của các bà nhằm thành đạt mục tiêu cứu cánh và những bài kệ khải hoàn mà các bà hoan hỷ đọc lên khi tâm được giải thoát, đã được mô tả một cách sống động trong những bài Thánh Thi của chư Tỳ Khưu Ni (Therigàthà).

Tại Kapilavatthu

Trong khi lưu ngự tại Ràjagaha, Ðức Thế Tôn hay tin vua cha mong muốn được Ngài trở về thăm, nên lên đường về Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Tuy nhiên, Ngài không đi ngay vào hoàng cung mà, theo lệ thường, dừng chân nghỉ trong một cái động phía ngoài thành. Ngày hôm sau, tay mang bát, Ngài đi từ nhà này sang nhà kia trên đường phố Kapilavatthu. Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) nghe biết vậy lấy làm kinh ngạc, vội vã đến gặp Ðức Phật và bảo: “Bạch Ðức Thế Tôn, tại sao Ngài làm nhục nhã hoàng tộc như vậy? Tại sao Ngài lại đi khất thực như vậy? Trong dòng dõi chúng ta chưa có ai từng đi xin ăn như thế.” Ðức Phật trả lời: “Tâu Ðại Vương, Ðại Vương và những người trong hoàng tộc có thể xưng là con cháu dòng vua. Như Lai thuộc về dòng dõi của chư Phật từ ngàn xưa, và chư Phật khất thực, chỉ sống nhờ vật thực đi bát.”

Rồi giải thích Giáo Pháp, Ðức Bổn Sư nói, “Hãy thức tỉnh, luôn luôn chú niệm và có cuộc sống chân chánh. Hãy chân chánh sống hạnh phúc trong thế gian này và thế gian sau này.” Ðức vua kiên cố vững bước trên Con Ðường và chứng ngộ Giáo Pháp. Lúc bấy giờ vua cung thỉnh Ðức Phật về hoàng cung, nơi đây tất cả hoàng thân đều ra đón mừng và đảnh lễ Ngài, ngoại trừ Công Chúa Yasodharà. Ngài đến với bà. Bà phủ phục đảnh lễ dưới chân Ngài. Rồi Ðức Phật thuật câu chuyện Túc Sanh Truyện Candakinnara Jàtaka [43] kể lại những phẩm hạnh của bà cao cả như thế nào trong kiếp sống ấy, và hướng dẫn bà vào Giáo Pháp.

Về sau, khi Ðức Phật được cung thỉnh thành lập Giáo Hội dành cho nữ giới, bà trở thành một trong những vị tỳ khưu ni đầu tiên, rồi chứng ngộ Ðạo Quả A La Hán, tầng Thánh cao nhất.

Khi Ðức Phật vào đến hoàng cung, Công Chúa Yasodharà ăn mặc chỉnh tề cho con là Ràhula (La Hầu La), rồi chỉ Ðức Phật và nói, “Kìa là cha con, này Ràhula, hãy đến cha và xin cái gia tài của con.”

Hoàng Tử Ràhula đi đến Ðức Phật, đứng trước mặt Ngài và bạch: “Quả thật mát mẻ, này bậc Sa Môn, cái bóng của Ngài quả thật mát mẻ dễ chịu.”

Khi Ðức Phật độ thực xong và rời hoàng cung Hoàng Tử Ràhula đi theo Ngài xin, “Xin Ngài trao lại cho con phần di sản của con.” Lúc bấy giờ Ðức Phật nói với vị đại đức A La Hán Sàriputta, “Như vậy, này Sàriputta, hãy đưa Ràhula vào Giáo Hội.”

Ðức Sàriputta làm lễ xuất gia cho Ràhula [44]. Bộ Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, một trong năm bộ A Hàm của Tạng Kinh trong kinh điển Pali, có ba bài kinh (số 61, 62, 147) tựa đề Ràhulovàda hay những lời khuyên dạy Ràhula do Ðức Phật thuyết giảng cho sa di Ràhula. Ba thời kinh này hoàn toàn khuyên dạy về giới luật và pháp hành thiền. Sau đây là một đoạn được trích từ Kinh Mahà Ràhulovàda Sutta [45]:

“Hãy trau giồi pháp niệm tâm từ (mettà), này Ràhula; bởi vì tâm từ được trau giồi sẽ diệt sân hận. Hãy trau giồi pháp niệm tâm bi (karunà), này Ràhula, bởi vì tâm bi được trau giồi sẽ diệt tánh hung bạo. Hãy trau giồi pháp niệm tâm hỷ (mudità), này Ràhula, bởi vì tâm hỷ được trau giồi sẽ diệt lòng ganh tỵ. Hãy trau giồi pháp niệm tâm xả (upekhà), này Ràhula, bởi vì tâm xả được trau giồi sẽ diệt thù hận. Hãy trau giồi pháp niệm thân bất tịnh (asubha), này Ràhula, bởi vì niệm thân ô trược sẽ diệt tâm tham ái. Hãy trau giồi pháp niệm lý vô thường (anicca-sannà), này Ràhula, bởi vì niệm vô thường sẽ diệt kiêu căng ngã mạn (asmi-màna). Hãy trau giồi pháp niệm hơi thở-vô-thở-ra (ànàpàna sati), này Ràhula, thở-vô-thở-ra với chú niệm, này Ràhula, được trau giồi và thường xuyên thực hành, sẽ đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, rất lợi ích.”

Nữ Giới Trong Phật Giáo

Nhìn tổng quát, vào thời Ðức Phật, do ảnh hưởng của Hồi Giáo, pháp quyền của người phụ nữ không mấy được thừa nhận, đôi khi cũng bị khinh khi và làm nô lệ cho đàn ông. Chính Ðức Phật nâng cao phẩm giá của nữ giới và có nhiều trường hợp cho thấy rằng người phụ nữ rất uyên thâm trong vấn đề triết học. Ngài mở rộng tâm từ, tâm bi, luôn luôn tôn trọng nữ giới và chỉ dạy cho hàng phụ nữ con đường đưa đến thanh bình an lạc, trong sạch và thánh thiện. Ðức Thế Tôn nói: “Mẹ là bạn lành trong gia đình. Vợ là người bạn cao quý nhất của chồng.”

Ðức Phật không từ chối lời cung thỉnh trai tăng của Ambapàli mặc dầu bà mang tiếng xấu [46]. Dù thức ăn mà bà dâng lên Ngài như thế nào, Ngài chấp nhận, và trả lại, Ngài ban truyền cho bà Pháp Bảo (dhammadàna), quà tặng chân lý. Trong tức khắc, lời dạy của Ngài cảm hóa bà và, từ bỏ cuộc sống không chánh đáng trong thế tục, bà xin gia nhập Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni. Nhiệt thành với đạo pháp và tinh tấn chuyên cần thực hành, bà sớm chứng ngộ Thánh Quả.

Bà Kisàgotami là một thiếu phụ khác đã được tâm bi vô lượng của Ðức Phật chiếu cố đến. Câu chuyện của bà là một trong những mẫu chuyện cảm kích nhất được ghi chép trong kinh điển. (Xin xem chương 12, “Người Phụ Nữ Trong Văn Học Phật Giáo”). Nhiều thí dụ khác cho thấy Ðức Phật giúp đỡ và an ủi những người phụ nữ đau khổ trong cuộc sống thăng trầm.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app