Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện – Chương Xviii – Những Bài Viết Ngắn – Giấc Mơ Lạc Quan Của Một Con Ong

Giấc Mơ Lạc Quan Của Một Con Ong

“Ðêm sẽ qua, bình minh tươi đẹp sẽ đến,
Vầng thái dương sẽ ló dạng, hoa sen sẽ nở nụ cười.”
Kẹt bên trong đóa hoa sen, ong suy nghĩ như vậy.
Rồi đùng! đùng! Một thớt voi bẻ nát cọng sen!

Trời đã về chiều, mặt trời từ từ lặn ở hướng Tây. Ðàn chim bay lả bay la về ổ, trong khi ấy thú rừng bắt đầu thả rong đi tìm mồi. Giờ đây có một con ong — ong bé nhỏ bận rộn — đang vo vo quanh quẩn bay tìm chút ít mật ăn đỡ dạ. Rồi ong thấy một ao hồ đầy hoa sen đang tung nở, và lòng hoan hỷ thỏa thích, ong đáp hạ xuống trên một đài hoa mềm mại và làm tiệc với những giọt mật ẩn kín trong nhụy sen. Ong không làm tổn hại sắc đẹp của hoa, chỉ hút vài giọt mật. Nhưng than ôi, trong khi mặt trời lặn thì những tai hoa mịn màng như tơ lụa cũng từ từ khép lại, gài kẹt người khách bụng đói bên trong. Nhưng ong không tuyệt vọng. Dưới đây là những ý nghĩ thoáng qua trong tâm của con vật bé nhỏ nằm kẹt trong ngục tù hoa sen với đầy những thức ăn ngon miệng.

“Ðêm sẽ qua, nhường chỗ cho bình minh tươi đẹp; mặt trời sẽ mọc, và hoa sen sẽ nở tung, rồi ta sẽ sớm sủa rời bỏ cái ngục tù này, bay về với đồng bọn.”

Nhưng bất hạnh thay! Ðiều bất ngờ xảy diễn. Thớt tượng oai vệ, chúa tể của rừng núi, dỏng dạc bước dài theo con đường xuống ao hồ. Voi uống nước no bụng rồi rải tung nước mát, tưới lên hai bên hông to lớn của mình, và vừa lúc ấy cảm nhận mùi thơm ngọt ngào của hoa sen tươi tốt — chính cái bông mà ong đang bị mắc kẹt trong đó.

Trong bỗng chốc voi hùng dũng bỏ vòi quấn ngang cọng sen và răng rắc nghiền ngấu — lá, hoa,và ong, biến dạng trong cái bụng khổng lồ! Và con ong bé nhỏ, trái với niềm hy vọng lạc quan, đi vào cõi chết.

Ðời sống là vậy! Một giây lát ở đây, rồi vĩnh viễn mất dạng. Ai có thể đoan chắc rằng ta sẽ thấy ngày mai? Tất cả đều trôi qua: cành hoa tươi xinh đẹp, giọng chim du dương lảnh lót, và tiếng ong đều đặn bay vo vo.

Mọi kết hợp đều chấm dứt trong chia ly, mọi cuộc sống đều đi dần đến cái chết. Và trong vũ trụ bí ẩn này, chúng ta sống, chúng ta thương yêu nhau và vui cười với nhau, bởi vì “khi đời sống chảy trôi suôn sẻ như một bài ca thì không khó gì tỏ ra dễ mến.” Nhưng “khi sầu muộn đến, nó không đến đơn độc, mà từng đoàn, từng cả đạo binh” (Shakespeare trong Hamlet), và toàn thể thế gian là hình ảnh của đau khổ.

Tuy vậy, người nhìn đời sống với cặp mắt buông xả sẽ thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó. Người mà sự tu tập rèn luyện cho mình một tâm tánh trầm tĩnh và không giao động xuyên qua mọi thăng trầm của cuộc sống, người có thể mỉm cười khi mọi việc đều sai quấy — người ấy, quả thật vậy, là con người có giá trị.

Kiêng cữ những chất say và luôn luôn tỉnh giác, vững chắc củng cố trong hạnh nhẫn nhục và đức tính trong sạch, người sáng suốt tự rèn luyện tâm. Và chỉ có cách tu tập như vậy mới thành tựu được tâm vắng lặng.

Một ít hiểu biết nào về hoạt động của nghiệp (kamma), và quả trổ sanh (kamma vipàka) như thế nào, rất cần thiết cho người thật sự có khuynh hướng trau giồi tâm xả. Dưới ánh sáng của định luật nghiệp báo ta sẽ có thể chấp thuận thái độ buông bỏ đối với tất cả chúng sanh, chí đến những vật vô tri vô giác. Nguyên nhân kế cận nhất của tâm buông xả là hiểu biết rằng tất cả chúng sanh là kết quả của hành động, kamma, của họ. Thế gian mà chúng ta đang tạm trú trong đó cũng tựa hồ như một đóa hoa sen rộng lớn, và tất cả chúng ta — đàn ông và đàn bà — đang cố gắng tranh đấu hút mật. Chúng ta tự tạo những giấc mơ, những niềm hy vọng, và chúng ta dự trù những kế hoạch cho ngày mai. Nhưng rồi một ngày nào, có thể là bỗng nhiên và bất ngờ, giờ phút không thể tránh mà Tử Thần, thớt tượng, Maccu Màra, phải đến, và xé tan, nghiền nát đời sống của chúng ta, và những niềm hy vọng của chúng ta trở thành hư không. “Gương mặt của đời sống chỉ là cái mặt nạ để che lấp, giấu sự chết ở phía sau. Hãy lắng nghe nhà thơ:

‘Hãy học tập, học thật kỹ, thế gian là một giấc mơ và những hình trạng tạm bợ của nó chỉ là bụi bặm của những giấc mơ;
Thân này mà ta ấp ủ với nước hoa, còn phù du hơn là tai hoa đang héo tàn.
Tất cả những sở hữu của ta là xiềng xích trói buộc ta càng chặt chẽ hơn tình trạng nghèo nàn;
Tiền của, tài sản, tuổi thanh xuân và dục vọng, lôi cuốn ta như một đoàn xe, vào sa mạc tử vong của chúng.'”

Lịch sử đã chứng tỏ và lặp đi lặp lại, và sẽ còn chứng tỏ rằng trên thế gian này không có chi tồn tại lâu dài. Những quốc gia và những nền văn minh khởi lên, hưng thạnh, và suy tàn, không khác nào các lượn sóng trên biển cả, nhô lên rồi lụn tàn, nhường chỗ cho lượn mới, và cứ thế, thời gian cuốn tròn, giữ lại hồ sơ của tấn tuồng đời, ảo ảnh vô căn cứ và sự trôi chảy đang phai mờ, lịch sử của nhân loại.

Do đó lời của nhà hiền triết thời xưa:

“Tám ngọn núi to lớn và bảy biển cả,
Mặt trời, những vị trời ngồi đó để thống trị những vật ấy,
Bạn, tôi, vũ trụ, đều phải diệt vong.
Thời gian chiến thắng tất cả.
Tại sao còn say mê vở tuồng của Ma Vương?

[*] Câu chuyện này dựa trên một bản dịch của câu thứ tám, và cũng là câu cuối cùng, của bài Bramaràstaka, do thi sĩ người Ấn, Samkaràcàrya, sáng tác bằng chữ Sanskrit. Thi sĩ được xem là người đồng thời với nhà thơ trứ danh nhất của xứ Ấn Ðộ, Kàlidàsa.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app