Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện – Chương Xc – Thiền Tập Trong Phật Giáo – Phụ Bản V Và Vi

PHỤ BẢN V

Sona, Vị Hành Giả Nhiệt Thành

Vào thời Ðức Phật có Ðại Ðức Sona-kolivisa [8] rất là tinh tấn. Ngài cố ép mình quá sức — cả thân lẫn tâm — trong khi hành thiền, nhưng rồi thất bại. Và Sư có ý nghĩ như sau:

“Trong số các đệ tử của Ðức Thế Tôn mà đã tận lực cố gắng hành thiền, thì ta đây là một. Mặc dầu vậy, ta vẫn chưa thanh lọc hết những ô nhiễm trong tâm. Gia đình ta khá giả. Ta có thể thọ hưởng tài sản sự nghiệp để làm việc thiện. Hay là ta từ bỏ công trình tu tập này, trở về nếp sống thấp kém hơn, thọ hưởng tiền của và làm việc phước thiện, tạo nghiệp lành.”

Ðức Thế Tôn đọc được ý nghĩ của Ðại Ðức Sona, đến gần và hỏi: “Này Sona, phải chăng là con đang suy nghĩ rằng: ‘Trong số các đệ tử của Ðức Bổn Sư mà đã tận lực cố gắng … (như trên) … tạo nghiệp lành?” “Bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi còn tại gia cư sĩ có phải con là một nhạc sĩ rất tài chăng?” “Bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy.” “Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi cây đờn của con lên dây cao quá mức, con có thể dùng nó mà đờn đúng giọng không?” “Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật không được.”

“Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi cây đờn của con lên dây quá thấp, con có thể đờn đúng giọng không?” “Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật không được.”

“Tuy nhiên, này Sona, khi đờn được lên dây vừa đúng, không quá căng cũng không quá dùn, con có thể đờn đúng giọng không?” “Bạch Ðức Thế Tôn, chắc chắn là con đờn được.”

Cùng thế ấy, này Sona, cố gắng quá mức làm cho con người quá căng thẳng, và không đủ cố gắng sanh ra lười biếng. Như vậy, này Sona, con hãy quyết tâm dũng mãnh như thế này: Thấu hiểu tình trạng quân bình của ngũ căn [9], ta sẽ quyết chí thành đạt mục tiêu bằng cách kiên trì và đều đặn tinh tấn.” “Bạch Ðức Thế Tôn, con xin vâng.”

Ðại Ðức Sona hành đúng theo lời chỉ giáo và về sau trở thành một trong các vị đệ tử A La Hán của Ðức Phật. [10]

PHỤ BẢN VI

Loại Trừ Những Tư Tưởng Bất Thiện

Bài kinh số 20 của bộ Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, tựa đề Vitakka-santhàna Sutta có ghi lại những điều chỉ dạy về phương cách loại trừ những tư tưởng bất thiện, rất cần thiết cho người hành thiền. Sau đây là phần chánh yếu của bài kinh. [11]

Ðức Phật dạy:

“Này chư tỳ khưu, người hành thiền gia công thành tựu tâm trí cao thượng nên thỉnh thoảng nhớ suy tư năm điều. Năm điều ấy là gì?

  1. “Nếu, khi suy niệm về một đề mục mà những tư tưởng xấu xa tội lỗi, bất thiện, kết hợp với tham, sân, si phát sanh đến hành giả, vị này nên (để loại trừ những tư tưởng bất thiện ấy) hãy hướng tâm suy niệm về một đề mục khác có tánh cách thiện. Chừng ấy, tâm bất thiện bị loại trừ, biến tan. Do sự loại trừ này tâm trở lại vững vàng, an trụ và trở nên vắng lặng, hợp nhất và định vào đề mục.

“Giống như người thợ mộc rành nghề hay tập sự, đẻo một cái chốt vừa vặn, tốt đẹp, rồi đóng vào lỗ để tống đẩy ra một cái chốt thô kịch, xấu xí, không vừa, cùng thế ấy hành giả loại trừ, đẩy lui đối tượng bất thiện bằng cách hướng tâm suy niệm về đối tượng khác có tánh cách thiện. Chừng ấy những tư tưởng bất thiện, kết hợp với tham, sân, si, bị loại trừ và tan biến. Do sự loại trừ này … (như trên) … và định vào đề mục.

  1. “Nếu, khi đã hướng tâm về đề mục khác có tánh cách thiện mà những tư tưởng bất thiện vẫn còn phát sanh, hành giả hãy suy xét về hiểm họa của nó như sau: ‘Quả thật vậy, những tư tưởng này của ta rõ ràng là bất thiện, đáng bị khiển trách và nó sẽ đem lại đau khổ.’ Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này … và định vào đề mục.

3.”Nếu, khi đã suy xét về hiểm họa của những tư tưởng bất thiện mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy lờ đi, không để ý đến, không lưu tâm suy niệm về các pháp bất thiện ấy nữa. Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này … và định vào đề mục.

  1. “Nếu, khi đã không để ý đến, không lưu tâm suy niệm về các tư tưởng bất thiện ấy nữa mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện ấy. Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này … và định vào đề mục.
  2. “Nếu, khi đã suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện ấy mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy cắn răng lại và ép lưỡi sát vào nắp vọng, thu thúc, khắc phục và lấy tâm (thiện) kiểm soát tâm (bất thiện). Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này … và định vào đề mục.

“Nếu, do suy niệm về một đề mục thiện, suy xét về hiểm họa của những tư tưởng bất thiện, không lưu tâm đến và không suy niệm về những tư tưởng bất thiện, suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện, cắn chặt răng và ép lưỡi sát vào nắp vọng và thu thúc, khắc phục, chế ngự tâm (bất thiện) bằng tâm (thiện), mà hành giả loại trừ được những tư tưởng bất thiện, tâm trở lại an trụ vững vàng và vắng lặng, hợp nhất và định vào đề mục, vị hành giả ấy được gọi là đã vững chắc làm chủ con đường mà tiến trình tư tưởng mình đã trải qua. Vị ấy có tư tưởng mà chính mình muốn suy tư. Vị ấy đã cắt đứt lìa tham ái và trọn vẹn tháo gỡ thằng thúc (phát sanh do tham ái). Vị ấy đã khắc phục ngã mạn và chấm dứt đau khổ.”

Chú thích:

[1] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 40/I 284

[2] R. L. Stwevenson.

[3] Sutta Nipàta, v, 721.

[4] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 40/I284

[5] Samvara, pahàna, bhàvanà, anurakkhana.

[6] Xem Phụ bản IV.

[7] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 97

[8] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, II. I ff; Anguttara, Tăng Nhứt A Hàm, iii, 374-5.

[9] Ngũ căn là: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn (saddhà, viriya, sati, samàdhi và pannà). Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 70, 77. Về ngũ căn, xin đọc Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 377.

[10] Câu chuyện này được ghi lại trong Bản Chú Giải của kinh Trưởng Lão Tăng Kệ, Theragàtha:

Sư nhận lãnh một đề mục hành thiền nơi Ðức Phật, nhưng không thể gom tâm an trụ vì lúc ấy Sư ngụ tại Rừng Mát, nơi có đông người. Rồi Sư nghĩ: ‘Thân ta quá tiều tụy để có thể tiến đạt hạnh phúc thật sự. Bổn phận của người đạo sĩ là phải khắc phục những khổ đau của cơ thể.’ Do đó Sư không quan tâm đến những cơn đau nhức ở chân vì quá sức thiền hành, và tận lực gia công, nhưng vẫn không thâu hoạch được thành quả nào. Rồi Sư tự nghĩ, ‘Ðã hết sức cố gắng mà ta không thể thành tựu đạo quả nào. Vậy thì cuộc sống tu hành này có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ huờn tục, trở lại cuộc sống thấp kém hơn và tạo phước.’ Lúc bấy giờ Ðức Bổn Sư thấu hiểu ý nghĩ ấy và, muốn cứu giúp Sư, Ngài dạy Câu Chuyện Cây Ðờn, dạy Sư làm thế nào để giảm bớt tình trạng căng thẳng tinh thần. Lãnh hội lời dạy Sư lên đỉnh núi Kên Kên hành đạo và đắc Quả A La Hán.” — Psalms of the Brethen, do Mrs. Rhys Davids dịch (P.T.S.) trang 275.

[11] Ðể được vắn tắt, nơi đây chỉ ghi lại một câu chuyện. Muốn có đầy đủ chi tiết xin đọc “The Removal of Distracting Thoughts”, do Soma Thera dịch, (Kandy, BPS), Wheel 21.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app