PHỤ BẢN III
Chánh Tinh Tấn
Chánh tinh tấn có bốn tác dụng là: ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển, và củng cố. [5]
- Cái gì là tinh tấn ngăn ngừa?
“Nơi đây, người hành thiền đặt hết ý chí mình vào công trình ngăn ngừa, không để cho bất thiện pháp phát khởi; gìn giữ, không để cho những tư tưởng bất thiện chưa phát sanh có thể phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để ngăn ngừa).
“Nơi đây, khi hành giả thấy một hình thể, nghe một âm thanh, hưởi một mùi, nếm một vị, xúc chạm một vật, hoặc hay biết một ý tưởng, nhận biết rõ ràng dấu hiệu hay chi tiết (tức hành giả không để bị toàn thể hay chi tiết nào của đối tượng ấy gây xúc động). Hành giả chăm chú kiểm soát, cẩn mật canh phòng và chế ngự lục căn, không để cho những tư tưởng như khát khao ham muốn hay chán nản thất vọng, tội lỗi và bất thiện pháp xâm nhập vào như người không thu thúc lục căn (bị nó xâm nhập). Ðó là tinh tấn ngăn ngừa.”
- Cái gì là tinh tấn dứt bỏ?
“Nơi đây hành giả đặt hết ý chí mình vào công trình dứt bỏ những tư tuởng tội lỗi, bất thiện, đã phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để dứt bỏ).
“Nơi đây hành giả không chấp nhận những dục vọng đã phát sanh mà dứt bỏ, tránh xa và xua đuổi, làm cho nó chấm dứt và tan biến. Cùng thế ấy (vị này tránh xa và xua đuổi) những tư tưởng sân hận và hung bạo đã phát sanh. Ðó là tinh tấn dứt bỏ.”
- Cái gì là tinh tấn phát triển?
“Nơi đây, hành giả đặt hết ý chí mình vào công trình tạo nên và phát triển những tư tưởng thiện chưa phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để phát triển).
“Nơi đây, vị hành giả phát triển những yếu tố của sự giác ngộ (thất giác chi), vốn đặt nền tảng trên cuộc sống ẩn dật, trên sự dứt khoát buông xả, và trên sự chấm dứt mà cuối cùng đưa đến giải thoát. Thất giác chi là: niệm, trạch pháp, tấn, phỉ, an, định và xả. Ðó là tinh tấn phát triển.”
- Cái gì là tinh tấn củng cố?
“Nơi đây hành giả củng cố đề mục hành thiền thích hợp của mình. Ðó được gọi là tinh tấn củng cố.”
Ðó là bốn tinh tấn. Những bất thiện pháp được đề cập ở đây là ba căn bất thiện, nguồn cội của tất cả những nghiệp bất thiện. Ðó là những tư tưởng tham ái, sân hận và si mê (lobha, dosa, moha). Tất cả những say mê khác đều kết hợp quây quần chung quanh ba căn cội này. Ðối nghịch với ba căn này là ba căn thiện: không-tham, không-sân, không-si (alobha, adosa, amoha).
Tác dụng của bốn nỗ lực này là giúp thành tựu viên mãn công trình hành thiền. Tứ chánh cần hay chánh tinh tấn là điều kiện tất yếu không thể không có, để đạt đến trạng thái định. Ta đã thấy rằng chánh tinh tấn nằm trong nhóm “định”, và như vậy, liên quan mật thiết và tùy thuộc lẫn nhau với hai chi kia là chánh niệm và chánh định. Ba chi này sinh hoạt chung và cùng lúc với nhau. Nếu không có chánh tinh tấn ắt không thể khắc phục năm pháp triền cái [6]. Chánh tinh tấn tiêu trừ những tư tưởng bất thiện vốn làm trở ngại sự lắng tâm và đàng khác, phát huy và củng cố những tâm sở thiện, nhằm phát triển trạng thái định.