-10.c-
THIỀN TẬP TRONG PHẬT GIÁO
PHỤ BẢN I
Tôi Nghe Như Vầy
Lúc bấy giờ một vị tỳ khưu đến hầu Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi lại một bên. Khi đảnh lễ xong vị tỳ khưu bạch:
“Bạch Ðức Thế Tôn, người ta nói, ‘Sống đúng theo Giáo Pháp (dhamma-vihàri). Bạch Ðức Thế Tôn, một vị tỳ khưu sống như thế nào là đúng theo Giáo Pháp?”
1) “Nơi đây, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu thông suốt thấu đáo Giáo Pháp và suốt ngày sống với sự hiểu biết thấu đáo ấy, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người sống thiên về pháp học, vị ấy không sống đúng theo Giáo Pháp.
2) “Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu dạy người khác Giáo Pháp, cặn kẻ, với đầy đủ chi tiết như mình đã được nghe, như mình đã thông suốt thấu đáo; vị ấy suốt ngày cố thuyết phục, làm cho người khác hiểu Giáo Pháp, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người cố giáo huấn người khác, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.
3) “Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu lặp đi lặp lại Giáo Pháp, cặn kẻ, với đầy đủ chi tiết như mình đã được nghe, như mình đã thông hiểu thấu đáo; vị ấy suốt ngày lặp đi lặp lại, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người cố lặp đi lặp lại, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.
4) “Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu hướng tâm về Giáo Pháp, suy tư, nghiền ngẩm lời dạy như đã được nghe, như đã thông suốt thấu đáo; vị ấy suốt ngày suy gẫm về Giáo Pháp, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị ấy được gọi là suốt ngày nghiền ngẩm Giáo Pháp, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.
5) “Tuy nhiên, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu thông suốt thấu đáo Giáo Pháp, không dành hết thì giờ sống với sự thông suốt ấy mà tìm nơi vắng vẻ và hành thiền. Quả thật vậy, này tỳ khưu, vị ấy quả thật sống đúng theo Giáo Pháp.
“Này tỳ khưu, quả thật vậy, Như Lai tuyên ngôn: người cố gắng học, người cố gắng dạy, người cố gắng lặp đi lặp lại, người nghiền ngẩm suy tư và người sống đúng theo Giáo Pháp.
“Những gì mà, do tâm từ tâm bi, một vị thầy nên dạy môn đệ mình, Như Lai đã dạy các con. Ðây là những gốc cây, những nơi hoang vắng yên tĩnh; hãy hành thiền, này tỳ khưu, không nên dể duôi buông lung, không nên để về sau phải hối tiếc. Ðó là lời mà Như Lai kêu gọi các con.”
— (Anguttara Nikàya, Pancaka Nipàta 73)