-10.a-
THIỀN TẬP TRONG PHẬT GIÁO
Con Ðường Dẫn Ðến Nội Tâm Vắng Lặng Và Minh Mẫn
Pháp hành thiền là trung tâm điểm và phần nòng cốt của Giáo Pháp mà Ðức Phật truyền dạy. Ðề tài rộng mênh mông, nơi đây sẽ thảo luận về vài sắc thái của thiền tập trong Phật Giáo liên quan đến Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna), “sự áp đặt hay gắn chú niệm vào.”
Thế gian ngày nay không còn giống như ở vào nửa thế kỷ về trước. Quan niệm về những gì tốt và những gì xấu đã thay đổi nhanh chóng, thái độ tinh thần đối với những gì hợp đạo lý và những gì không hợp lẽ đạo luôn luôn chuyển biến, và cái nhìn chung vào con người cũng trở nên khác biệt nhiều.
Chúng ta đang sống trong thời đại hối hả, gắp rút và nhanh chóng. Căng thẳng, ở đâu và nơi nào cũng căng thẳng. Nếu đứng ở một góc đường nhộn nhịp và nhìn kỷ sắc mặt của người qua kẻ lại luôn luôn vội vã hấp tấp, quý vị sẽ nhận thấy rằng phần lớn những người ấy có vẻ lăng xăng lộn xộn, nghĩ ngợi lo âu, không có mấy người thấy thoải mái. Họ mang theo với họ bầu không khí căng thẳng. Phần lớn họ là hình ảnh của lo âu và rộn rịp. ít khi ta gặp hình ảnh tĩnh lặng, hài lòng và ngơi nghỉ. Ðó là thế gian hiện đại.
Ðặc điểm của thế gian ngày nay là hối hả vô trật tự, dẫn đến quyết định nhanh chóng và hành động kém thận trọng. Người ta la to nói lớn trong khi có thể ăn nói nhỏ nhẹ bình thường, và có những người rối rít bồn chồn, nóng nảy tung ra cả tràng những lời lẽ giận dữ để rồi mệt nhừ khi câu chuyện kết thúc. Ðứng về phương diện sinh lý học, bất luận kích thích nào cũng làm căng thẳng thần kinh, và thần kinh căng thẳng khơi động, đẩy mạnh sinh hoạt của cơ thể. Ta thường thấy một người lái xe tỏ ra bực dọc khi vừa đến ngã tư thì đèn xanh cũng vừa tắt và đèn vàng bật cháy. Người có tánh nóng nảy xem một diễn biến nhỏ nhặt như một khủng hoảng quan trọng, một hăm dọa. Rốt cùng, con người lo âu, bất toại nguyện và vô phúc.
Một đặc điểm khác của thế gian hiện đại là ồn ào. Người ta nói rằng “âm nhạc có tánh cách hấp dẫn” nhưng ngày nay, chí đến cái âm nhạc ấy cũng không làm vừa tai đẹp ý nếu nó không nhộn nhịp ồn ào. Ðối với họ, tiếng ồn càng to thì càng có nhiều “âm nhạc tính”, nhạc càng “hấp dẫn”. Những ai trong chúng ta đang sống trong thành phố lớn không còn thì giờ để nghĩ đến tiếng ồn. Cuộc sống của chúng ta đã bị điều kiện hóa, bị uốn nắn theo khuôn khổ của nó. Chúng ta đã trở nên rất quen thuộc với tiếng ồn. Tình trạng ồn ào, nhộn nhịp và căng thẳng ấy làm tổn hại sức khỏe nhiều và gây nên những chứng bịnh như đau tim, ung thư, ung nhọt, thần kinh và mất ngủ. Phần lớn các chứng bịnh của chúng ta phát sanh do những trạng thái lo âu, phiền muộn, những cơn chấn động thần kinh, tâm trí căng thẳng vì tình trạng kinh tế, và tinh thần luôn luôn bị kích thích, không mấy khi an tĩnh — tất cả đều là sản phẩm của cuộc sống hiện đại.
Với cuộc sống lúc nào cũng hối hả vội vàng, thần kinh của con người mệt mỏi, sớm kiệt quệ. Chuyện thường xảy ra là sau ngày làm việc người ta trở về nhà với tâm thần mệt mỏi. Do đó sự chú tâm suy giảm và có làm việc gì, bằng chân tay hay trí óc, cũng không được công hiệu như thường. Người ta dễ bị kích động và nhanh chóng tìm lỗi ở kẻ khác, kiếm chuyện gây gổ. Bao nhiêu chuyện dồn dập quay trở vào trong, gây nên đau mỏi, áp xuất huyết tăng cao, và mất ngủ. Những triệu chứng thần kinh mệt mỏi ấy rõ ràng chứng tỏ rằng tâm của con người hiện đại cần phải được an nghỉ — một tình trạng an nghỉ có phẩm chất ở mức cao.
Chúng ta nên nhận thức rằng rút tâm rời ra khỏi những phiền toái của cuộc sống rộn rịp và tịnh dưỡng tinh thần là nhu cầu thiết yếu để giữ tâm lành mạnh. Mỗi khi có được cơ hội, hãy cố gắng thoát ra khỏi thành phố rồi ngồi lại trầm tư mặc niệm. Gọi đó là hành pháp du dà (yoga), chú niệm, hay hành thiền cũng được. Hãy tập giữ im lặng. Im lặng đem lại rất nhiều lợi ích. Nghĩ rằng chỉ có những người ồn ào, ham nói, và lúc nào cũng lăng xăng lộn xộn mới là dũng mãnh thì quả thật là sai lầm. Im lặng là vàng, và chúng ta chỉ nên nói khi nào lời nói bổ ích hơn im lặng. Chính trong sự im lặng mà những năng lực vĩ đại nhất được un đúc rèn luyện. Giữ im lặng rất là quan trọng. Trong khi hành thiền ta giữ im lặng. Sau đây là lời dạy của Ðức Phật:
“Này chư tỳ khưu, khi các con tụ hợp thì có hai điều nên làm: hoặc là thảo luận về Giáo Pháp (Dhamma, giáo huấn của Ðức Phật, hay giáo lý chân chánh), hoặc giữ im lặng.” [1]
Giá Trị Của Lối Sống ẩn Dật
Vì đã quen thuộc với tiếng động và chuyện trò nên lúc nào không nói chuyện thì người ta cảm nghe cô đơn quạnh quẽ. Nhưng nếu chúng ta tự rèn luyện “nghệ thuật trau giồi im lặng”, ta sẽ học được bài học thỏa thích với im lặng.
Hãy lặng lẻ tiến bước giữa cảnh ồn ào nhộn nhịp và luôn luôn ghi nhớ rằng có trạng thái an lạc trong im lặng. Chúng ta phải rời bỏ cuộc sống phồn hoa đô hội và rút vào ẩn dật để tìm im lặng. Thỉnh thoảng chúng ta phải tự tách rời ra khỏi cảnh nhộn nhịp quây cuồng để sống tĩnh lặng. Ðó là hình thức nhàn lạc của kiếp sinh tồn. Trong nếp sống ẩn dật cô đơn chúng ta sẽ chứng nghiệm giá trị của những giờ phút trầm lặng. Chúng ta mở một cuộc hành trình vào trở lại bên trong. Khi ẩn rút vào im lặng ta sẽ tuyệt đối đơn độc để nhìn trở vào chính mình, nhìn vào thực chất của chúng ta, thấy chúng ta đúng như thật sự chúng ta là vậy. Và chừng đó ta có thể học được phương cách vượt qua những khuyết điểm và những giới hạn của cuộc sống bình thường.
Thời gian mà chúng ta lặng lẽ trải qua lúc hành thiền không phải là hoang phí. Về lâu về dài trên đường xa, công trình tu tập này sẽ tạo cho con người một bẩm tánh dũng mãnh. Nếu có thể tìm thì giờ để tự rút rời ra khỏi những việc làm hằng ngày và bỏ ra một hay hai ngày để yên tĩnh hành thiền thì điều đó rất lợi ích cho việc làm thường nhật cũng như cho sự tiến bộ của ta. Ðây chắc chắn không phải là đào tẩu nhiệm vụ hay quen thói ăn không ngồi rồi, mà là phương cách tốt đẹp nhất để tăng cường tâm trí và phát triển tinh thần. Ðó là nhìn trở vào bên trong chính mình, và lối nhìn này mang lại nhiều lợi lạc. Chính nhờ quan sát những tư tưởng và những cảm thọ của mình mà ta có thể quán chiếu sâu vào ý nghĩa của sự vật và khám phá những hùng lực bên trong.
Con người hiện đại rất thiếu nếp sống đơn độc. Chút ít thì giờ sống yên tĩnh một mình mỗi ngày, chút ít giờ phút xa lìa, chút ít giờ phút tách rời ra khỏi “đám đông cuồng loạn”, rất là thiết yếu để giữ tâm trí quân bình, cái tâm trí mà từ lâu đã lâm bịnh vì hối hả quây cuồng, vì ồn ào huyên náo, vì va chạm, vì tranh đua, trong cuộc sống hiện đại. Chính ở trong tình trạng đơn độc, và xuyên qua tình trạng đơn độc, mà tâm thần con người tăng thêm mức độ dũng mãnh. Hình như con người hiện đại mưu tìm hạnh phúc ở bên ngoài mình, thay vì ở trong. Họ hướng ngoại, nhưng hạnh phúc không tùy thuộc nơi thế gian bên ngoài. Nền văn minh hiện đại không phải là cái gì thuần túy tốt đẹp, một phước lành không có pha lẫn. Con người hình như đã chế ngự thế gian bên ngoài. Khoa học và kỹ thuật hình như hứa hẹn có thể biến đổi thế gian này thành một thiên đàng. Từ mọi hướng người ta không ngưng hoạt động để làm cho thế gian trở nên tốt đẹp hơn. Các khoa học gia hết lòng nhiệt thành, quyết chí theo đuổi những phương pháp và những cuộc thí nghiệm. Nỗ lực của con người nhằm vén lên bức màng bí mật bao trùm và che kín thiên nhiên vẫn tiếp tục bất khuất. Những khám phá và những phương pháp truyền thông ngày nay đã tạo được nhiều thành quả ly kỳ. Tất cả những cải thiện trên, mặc dầu đã mang lại nhiều lợi ích khả quan, hoàn toàn thuộc về ngoại cảnh và chỉ liên quan đến phần vật chất. Mặc dầu đã thành tựu tất cả những ưu điểm kể trên, con người vẫn chưa kiểm soát được cái tâm của mình — vẫn chưa trở nên tốt hơn, dầu đã tạo được bao nhiêu tiến bộ khoa học. Bên trong luồng trôi chảy của tâm và cơ thể vật chất (danh và sắc) có những kỳ diệu mà các nhà khoa học có thể còn phải bỏ ra nhiều năm nữa để khám phá.
Người ta cố tìm giải pháp cho những vấn đề khác nhau của mình, nhưng thất bại vì phương pháp và đường lối giải quyết sai lạc. Họ tưởng rằng tất cả vấn đề đều có thể giải quyết từ bên ngoài. Nhưng phần lớn các vấn đề nằm bên trong con người, không phải ở ngoại cảnh. Vấn đề phát xuất từ thế gian bên trong và như vậy, giải pháp cũng phải tìm ở bên trong.
Chúng ta có nghe những người hằng chú trọng đến các nạn ô nhiễm lên tiếng, chống lại ô nhiễm không gian, ô nhiễm biển cả, ô nhiễm đất đai v.v… Nhưng còn tâm ô nhiễm của chúng ta thì sao? Chúng ta có quan tâm đến việc bảo vệ và gội rửa tâm của chúng ta không? Ðức Phật dạy: “Ðã từ lâu, tâm của con người bị tham, sân, si làm ô nhiễm. Bợn nhơ tinh thần làm cho tâm của chúng sanh ô nhiễm. Gội rửa tâm làm cho chúng sanh trong sạch.“[2] Lối sống của người Phật tử là một tiến trình tích cực thanh lọc thân, khẩu, ý. Ðó là tự trau giồi, tự phát triển và tự thanh lọc, nhằm tự mình chứng ngộ. Ðiểm chánh yếu là thành quả thâu đạt chớ không phải ở lối tranh luận về triết học hay trừu tượng hợp lý. Do đó, cần phải thực hành hằng ngày, hành thiền mỗi ngày một ít, giống như gà mái ấp trứng, bởi vì cho đến nay chúng ta thường hành động như con sóc chạy vòng quanh, lẩn quẩn trong cái lồng.
Pháp hành thiền không phải là một pháp môn mới có từ hôm nay hay ngày hôm qua. Từ ngàn xưa đã có nhiều người hành thiền, bằng nhiều phương cách khác nhau. Các vị du dà (yogi), các bậc Thánh Nhân và các đấng Giác Ngộ trong các thời đại đều phải trải qua con đường hành thiền. Các Ngài đã chứng đắc và thành tựu Ðạo Quả nhờ hành thiền, tức pháp hành nhằm trau giồi tâm trí. Chưa hề bao giờ có sự phát triển tâm trí hay gội rửa bợn nhơ tinh thần nào mà không nhờ hành thiền. Chính nhờ hành thiền mà Ðức Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm) chứng ngộ Ðạo Quả Vô Thượng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, trở thành Phật.
Pháp hành thiền không phải chỉ dành riêng cho người Ấn Ðộ, xứ Ấn Ðộ hay cho thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, mà cho tất cả nhân loại, tất cả mọi thời đại và, khắp mọi nơi. Thiền tập không thể có giới hạn về chủng tộc, tôn giáo, không gian hay về thời gian.
Tất cả tôn giáo đều có giáo truyền một vài hình thức hành thiền, hay phương pháp luyện tâm, để cho hàng tín đồ trau giồi tâm trí. Những hình thức này có thể là im lặng tụng niệm, từng cá nhân hay tập thể đọc tụng “Thánh Kinh”, hoặc chú niệm một đề mục, một nhân vật hay một ý niệm thiêng liêng. Người ta tin tưởng rằng những công trình trau giồi tâm trí ấy đôi khi đưa đến kết quả là nhìn thấy các vị Thánh Nhân hoặc các đấng Thiêng Liêng, và có thể hầu chuyện cùng các Ngài, nghe được tiếng nói lạ thường, đôi khi cũng xảy ra vài diễn biến huyền bí. Nói rằng đó là ảo tưởng, là do trí tưởng tượng tạo nên, là cái gì chỉ biểu hiện trong tâm, là một hình ảnh do tiềm thức biến chế, hay đó là những hiện tượng thật sự có, ta không thể xác quyết một cách chắc chắn. Tâm là một năng lực vô hình có thể gây nên tất cả những hiện tượng trên.
“Trạng thái xuất thần của một vài vị du dà và các đạo sĩ huyền bí có thể được đưa đi xa đến đổi trong khi ấy các vị đó không còn hay biết gì, không còn cảm giác điều gì.” [3] Chúng ta đã từng thấy có người đang ngồi trong tư thế “hành thiền” mà tâm thần mê mang, hình như không còn biết gì hết. Có người cũng mục kích những cảnh tượng kỳ lạ và lầm tưởng rằng đó là một hình thức hành thiền (bhàvanà).
Kinh điển Phật Giáo ghi nhận rằng do sự đắc thiền (jhàna), nhờ phát triển các năng lực tinh thần, con người có thể đắc thần thông. Tuy nhiên, và đây là điểm rất quan trọng nên ghi nhận nằm lòng:
Jhàna hay “Thiền” trong Phật Giáo không phải là trạng thái mê sảng hay tự thôi miên, mà là một trạng thái tâm trong sạch, đã chế ngự và đè nén khát vọng, điều phục những thúc giục có tánh cách gây xáo trộn và làm cho tâm trở nên vắng lặng và an trụ, tập trung vào một điểm, và nhập vào trạng thái sáng tỏ, minh mẫn, thấy rõ sự vật.
Pháp hành thiền trong Phật Giáo không nhằm hội nhập với một đấng Tối Thượng, cũng không nhằm thành đạt những chứng nghiệm huyền bí, mà nhằm thành tựu trạng thái tâm vắng lặng (samatha) và tuệ minh sát (vipassanà), tiến đến mục tiêu duy nhất là tâm giải thoát không lay chuyển (akuppà ceto vimutti) — tình trạng châu toàn tối thượng vượt hẳn ra ngoài mọi trói buộc, bằng cách tận diệt toàn vẹn những bợn nhơ tinh thần.
Không phải tất cả mọi người đều có khả năng để tiến đạt đến đỉnh cao cùng tột của tâm giải thoát không lay chuyển, nhưng thất bại không quan trọng, ngày nào mà chúng ta còn thành thật trong nỗ lực và trong sạch trong ý chí. Chúng ta hãy cố gắng lên, tinh tấn thêm, không nên chùng bước. Ðây là công trình đáng cho ta cố gắng, cố gắng nữa, để hoàn mãn viên thành. Rồi một ngày nào, nếu không phải trong kiếp sống này, chúng ta có thể đạt đến mức tận cùng mà những vị tiền bối đã tận lực tinh tấn đạt đến, và đã thành công.
Dầu không thể chứng ngộ toàn giác, chắc chắn nỗ lực của chúng ta cũng sẽ được tưởng thưởng. Trong một xã hội không ngừng chuyển động nhanh chóng, ta cần phải hành thiền đôi chút để làm dịu bớt tình trạng thần kinh căng thẳng và nhẫn nại chịu đựng những thăng trầm của cuộc sống. Do nhờ hành thiền chúng ta có thể vượt qua phần lớn các vấn đề tâm lý khó khăn hay những xáo trộn cơ thể do tâm trí gây nên, những xáo trộn tâm linh, những cảm xúc và những thúc giục, và thành tựu trạng thái tâm tĩnh lặng và thanh bình an lạc mà chúng ta hằng ước vọng.
Tự Làm Chủ Lấy Mình và Ma Túy
Ðức Phật dạy: “Dầu có thể chinh phục cả triệu người ở chiến trường, tuy nhiên, quả thật vậy, chiến thắng vẻ vang nhất là tự chinh phục mình.” [4] Ðiều này có nghĩa là tự chủ [5], tự làm chủ lấy mình, làm chủ những cảm kích, những xúc động, những ưa thích và ghét bỏ v.v… Lời của thi hào Milton chỉ là vang âm của những gì Phật dạy: “Tự điều khiển lấy mình là nắm quyền bá chủ vương quốc vĩ đại nhất mà con người có thể ước vọng, và cùng thế ấy, để cho những khát vọng điều khiển mình là làm nô lệ một cách tệ hại nhất.”
Tự kiểm soát mình là chìa khóa để mở cửa vào hạnh phúc. Ðó là năng lực nằm phía sau mọi thành tựu thật sự. Hành động mà thiếu kiểm soát ắt không đưa đến mục tiêu nhất định nào. Chỉ vì con người không kiểm soát được phần tâm linh mình nên bị đủ mọi thứ xung đột phát sanh trong tâm. Và nếu những xung đột ấy cần phải được kiểm soát, hoặc nữa, cần phải được loại trừ, con người phải kềm chế những tham vọng và những thích thú riêng tư của mình, cố gắng sống đời tự chủ và trong sạch. Mọi người đều biết lợi ích của thể thao, hay công trình rèn luyện cơ thể. Tuy nhiên, con người không phải chỉ là thể xác. Chúng ta còn có cái tâm, và tâm cũng cần phải được rèn luyện. Luyện tâm, hay hành thiền, là cái chìa khóa mở đường dẫn đến tự chủ, đến trạng thái thoải mái, và thoải mái đem lại hạnh phúc. Trong tất cả năng lực, tâm lực công hiệu hùng mạnh nhất. Chính tâm lực tự nó là năng lực. Ðể thấu đạt bản chất thật sự của đời sống ta phải khảo sát tận tường, đào sâu vào những hóc hẻm sâu kín bên trong nội tâm. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhìn trở vào sâu bên trong mình, một công trình khảo sát đặt nền tảng trên giới đức trong sạch và thiền tập.
Theo quan điểm của Phật Giáo, tâm hay thức là phần nòng cốt của kiếp nhân sinh. Tất cả những kinh nghiệm như đau khổ và thích thú, buồn và vui, thiện và ác, sống và chết, đều đến với ta không phải do nguyên lý ngoại lai nào. Nó chỉ là hậu quả của những tư tưởng và những hành động của chúng ta. Chính hành động cũng xuất phát từ tư tưởng. Do đó trong guồng máy phức tạp của con người, tâm là yếu tố vô cùng quan trọng.
Trong thời gian gần đây người ta gia công khảo sát và nghiên cứu những hiện tượng tâm linh, và hình như công trình tìm học ấy đã khám phá những tài nguyên phong phú của tâm mà từ lâu còn bị che dấu. Con người ngày càng nóng lòng tìm sự hướng dẫn tinh thần và ước muốn phát triển nội tâm. Ðó là dấu hiệu tốt. Người phương Tây càng ngày càng thích thú nghiên cứu tư tưởng Ấn Ðộ, pháp hành du dà (yoga) và pháp hành thiền. Không cần phải tìm lý do ở đâu xa lạ. Có một cảm giác bất an tâm ngày càng tăng trưởng cùng khắp năm châu, và cảm giác bất an này càng nổi bật trong giới trẻ. Người thanh niên muốn có nhanh chóng một phương thuốc chữa trị bịnh rối loạn quây cuồng của thế gian vật chất. Họ đi tìm an lạc và vắng lặng.
Không có một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề thanh niên ngày nay trong hệ thống tín ngưỡng cổ truyền lấy tín điều làm nền tảng. Câu hỏi về thế giới nội tâm không được giải đáp. Ðối với tâm trí tìm tòi, giá trị mà người ta đặt vào những sắc thái vật chất của đời sống, vốn được con người hiện đại xem là hiển nhiên phải có, hình như quá nông cạn. Ðiểm trọng yếu trong những vấn đề của người phương Tây là phần tâm lý. Kiến thức về vật chất, khoa học và kỹ thuật hiểu biết “phải làm thế nào” rõ ràng không đem lại câu giải đáp cho vấn đề thế gian, vấn đề con người. Loại hiểu biết này chỉ đưa đến tình trạng tạo thêm nhiều vấn đề khác. Những bạn trẻ, trước kia dùng chất ma túy với lòng tin tưởng rằng đó là giải đáp cho những bất mãn của họ, nay đã quay về kỷ luật du dà và thiền tập. Trong công trình đi tìm nội tâm vắng lặng các loại ma túy chắc chắn không phải là cái gì có thể thay thế pháp hành thiền chân chánh. Ma túy chỉ làm giảm suy tâm lực, thay vì tăng trưởng.
“Thế gian bị phủ vây tứ bề và bị tấn công từ mọi phía do một chứng bịnh mới, một chứng bịnh không thể chữa trị đối với phần lớn những người bị nhiễm độc và rất đông bịnh nhân đã bỏ mạng; một chứng bịnh truyền nhiễm hứa hẹn đưa bịnh nhân thả hồn vào thế giới mơ mộng thần tiên, rời xa cuộc sống (mà họ nghĩ là) vô chí hướng và vô giá trị; một chứng bịnh mà trên hết đe dọa giới trẻ trong thời đại kỹ thuật chúng ta: bịnh ghiền ma túy. Hàng triệu thanh niên đã mắc chứng bịnh ấy, hàng ngàn chắc chắn không thoát khỏi phải yểu mạng, hàng trăm ngàn đã ghiền nặng, hoặc về phương diện tâm lý phải tùy thuộc vào các thứ thuốc nhẹ hơn như cần xa, làm hao mòn trí não, giảm suy khả năng làm việc và đưa đến tan rã tâm tánh…” [6]
Có những trường hợp hiển nhiên, không còn tranh luận gì nữa, cho thấy rằng pháp hành thiền có thể tạo nên những biến chuyển sinh lý, và biến chuyển sinh lý này đưa đến những biến đổi lợi ích về mặt tâm lý. Người ta gia công đo lường các biến chuyển này. Bác Sĩ Herbert Benson đã dày công trắc nghiệm pháp hành thiền trong gần một thập niên, đã đặc biệt quan tâm tìm xem làm thế nào những yếu tố có tách cách tâm lý lại có thể gây ảnh hưởng đến trái tim, đến áp xuất huyết và những sắc thái khác trong hệ thống tuần huờn máu huyết. Quan niệm về những công trình nghiên cứu của ông được trình bày trong tác phẩm The Relaxation Response. Những cuộc khảo sát của Havard University, Cambridge, U.S.A. tiết lộ rằng hàng trăm thanh niên trước kia dùng thuốc L.S.D. và ma túy, đã cay thuốc sau nhiều tháng gia công hành thiền. [7]
Hành Thiền Chữa Trị Căng Thẳng
Hành thiền không phải là tình nguyện tự lưu đày ra khỏi đời sống; cũng không phải làm điều gì để nhận lãnh hậu quả trong một kiếp sống vị lai. Thiền tập phải được áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, và kết quả của công phu này phải được thọ hưởng nơi đây, trong hiện tại. Hành thiền không phải là tự mình tách rời, lìa xa những công việc mà thường ngày mình vẫn làm, mà là một phần của đời sống, là cái gì dính liền với cuộc sống. Ðiều này trở nên rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu pháp Tứ niệm xứ (satipatthàna), hay bốn nơi để ta đặt chú niệm vào. Khi đã thoát lìa ra khỏi tình trạng hối hả rộn rịp của thành phố và những phiền toái bực dọc của thế gian, chúng ta không còn bị ngoại cảnh thúc giục buông lơi việc kiểm soát tâm như trước. Trong cuộc sống dấn thân vào xã hội ta phải cần nhiều cố gắng hơn nhằm canh chừng những lúc hờ hửng để tâm buông lung. Chút ít thì giờ nào hành thiền cũng giúp ích ta rất nhiều trong việc đối phó với các diễn biến của đời sống một cách bình tĩnh. Nếu chúng ta không biết hành thiền cuộc sống sẽ thiếu ý nghĩa, thiếu mục tiêu và thiếu nguồn gợi cảm.
Có một thời nào nhiều người tưởng rằng thiền tập là một pháp môn chỉ dành riêng cho các đạo sĩ ẩn dật, các vị du dà và những người sống trong rừng sâu thanh vắng. Nhưng sự vật đã đổi thay. Hiện nay càng ngày càng có đông người thích thú lưu tâm đến thiền tập. Nếu hành thiền có nghĩa là kỷ luật tinh thần hoặc là phương pháp trau giồi tâm trí thì khỏi phải nói, tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ, màu da, tín ngưỡng, hay bất luận lối phân chia nào khác, đều nên hành thiền. Xã hội tân tiến hiện đại đang lâm vào hiểm họa tự trầm mình trong những tình trạng vọng động và những quyến rũ mà chỉ có cách phải gia công kiên trì rèn luyện tâm tánh mới mong kiểm soát được.
Quả thật rất khó ngoảnh mặt xây lưng, tách rời ra khỏi lối suy tư xưa cũ và những tác phong mà từ lâu đã trở thành rất quen thuộc với ta. Tuy nhiên, pháp hành thiền có thể giúp ta đặt nhẹ xuống gánh nặng của cuộc sống xáo trộn và vọng động. Mục tiêu cùng tột của thiền tập trong Phật Giáo là chứng ngộ toàn giác, hoàn toàn tự chủ và tâm trí tuyệt đối lành mạnh, hay Niết Bàn, bằng cách điều phục tâm và gội rửa tận cùng những bợn nhơ tinh thần. Nhưng, ngoài mục tiêu cứu cánh cùng tột ấy còn có những lợi ích mà hành giả có thể thọ hưởng. Thiền tập có thể gợi nguồn cảm hứng cho ta khám phá trạng thái sáng suốt minh mẫn, tình trạng phong phú dồi dào và phẩm cách thiên nhiên của chính ta. Hành thiền cũng có thể giúp ta khơi dậy những năng lực tiềm tàng ngủ ngầm trong tâm, giúp ta suy tư sáng suốt, hiểu biết thâm sâu, thoa dịu tình trạng thần kinh căng thẳng, giữ tâm trí cân bằng và an tĩnh. Hành thiền là một tiến trình sáng tạo nhằm biến đổi những cảm xúc vọng động và những tư tưởng bất thiện thành trạng thái tinh thần điều hòa và trong sạch. Ðây là phương thức trị liệu có nhiều ý nghĩa nhất cho những vấn đề khó khăn của cuộc sống hiện đại. Khi tâm đã được rèn luyện theo pháp hành thiền ta có thể tri giác sự vật vượt ra ngoài tầm mức thông thường của giác quan. Chúng ta có thể thành đạt tất cả những lợi ích trên, không phải cùng một lúc hay trong tức khắc, mà dần dần, bằng cách thường xuyên hành thiền theo đúng phương pháp.
Hơn nữa, hành thiền còn có những lợi ích cho cơ thể. Thiền tập có thể làm dịu bớt thần kinh, kiểm soát hoặc hạ giảm áp xuất huyết, có thể làm cho ta cảm nghe thoải mái dễ chịu và hăng say hoạt động bằng cách thoa dịu tình trạng căng thẳng thần kinh và do đó gìn giữ năng lực, có thể giúp ta cải thiện sức khỏe và an vui. Ngành y học nhận định tánh cách công hiệu của pháp hành thiền như bài viết dưới đây cho thấy: “Ngày nay người ta đã chứng minh rằng bịnh áp xuất huyết cao và những chứng bịnh khác liên quan đến tim có thể được chữa trị bằng pháp hành thiền của Phật Giáo. Bác Sĩ Buddhadasa Bodhinayake, Cố Vấn ngành tâm lý của bịnh viện Harley Hospital Essex, UK (Anh Quốc), và là Giáo Sư Ðở Ðầu những sinh viên sau thời kỳ tốt nghiệp cử nhân của Tổng Công Ðoàn Y Học Anh Quốc, có phận sự bổ nhiệm các bác sĩ tại vùng Ðông Luân Ðôn, nói rằng Hội British Cardiac Society mới đây vừa công nhận ảnh hưởng của pháp hành thiền Phật Giáo trong việc trị bịnh. Bác Sĩ Bodhinayake tuyên ngôn rằng hiện nay (1982) có 68,000 bịnh nhân người Anh đang thực hành pháp Niệm Hơi thở (Ànàpànasati). Họ thấy rằng pháp hành thiền này chữa trị họ nhiều hơn là thuốc. Ông nói rằng tất cả mọi tôn giáo đều có thực hành thiền định, nhưng pháp Niệm hơi thở (Ànàpànasati) chỉ duy nhất có trong Phật Giáo. Không phải như các pháp hành khác, pháp này có ảnh hưởng đến cả hai phía của bộ óc, và như vậy, có thể đem lại những ảnh hưởng kỳ diệu cho người bịnh. Ông nói rằng 30 phút hành thiền — 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi chiều — làm cho người bịnh an thần ngơi nghỉ bằng 6 hay 7 tiếng ngủ.
“Ngày nay khoa học đã chứng minh, qua pháp electro-encepholograph (EEG), đọc những sinh hoạt được ghi lại của bộ óc, cho thấy rằng pháp hành niệm hơi thở, Ànapanasati, có khả năng giúp hai phía của bộ óc sinh hoạt điều hòa. Ðiều này làm giảm bớt nhu cầu về dưỡng khí của người bịnh, giảm bớt sức đập của tim, áp xuất huyết, và hơi thở.
Mười lăm phút hành Ànàpànasati có ảnh hưởng bằng ba liều Aldomat (250mg), thuốc chữa trị bịnh áp xuất huyết cao. Bác Sĩ Bodhinayake nói cũng đã được chứng minh rằng pháp hành này có thể dùng để cay nghiện ma túy. Nó cũng giúp nhiều cho việc mở mang tâm não, khả năng suy tư và trí nhớ.
“Hiện nay tại Harvard University, Hoa Kỳ, có một số lớn sinh viên hành pháp niệm hơi thở, Ànàpànasati bhàvana, để luyện thi.” [8]
Phật Giáo và Thần Bí Giáo
Vài xáo trộn cơ thể do tâm thần gây nên cũng có thể được chữa trị bằng pháp hành thiền. Chúng ta có thể dùng thiền tập để chữa trị các chứng bịnh phát sanh do xúc động mạnh hoặc tinh thần căng thẳng cũng như bịnh ghiền ma túy. Hành thiền, an dưỡng tinh thần, và một vài phương thức trị liệu khác có thể được áp dụng hữu hiệu vào việc chữa trị các chứng bịnh kinh niên.
Hành thiền là một lối sống. Ðó là lối sống toàn vẹn, chớ không phải là một phần sinh hoạt của đời sống. Pháp này nhằm phát triển toàn thể con người. Chúng ta hãy tận lực cố gắng để tiến đạt đến mức độ toàn hảo, nơi đây và trong hiện tại, chớ không phải đợi chờ đến một thời kỳ vàng son nào trong tương lai. Có thể chúng ta sẽ thành đạt những gì mình thật sự ước muốn trong đời sống, bằng cách tháo mở, phóng thích những năng lực tinh thần bên trong ta, những năng lực kỳ diệu của nội tâm. Hành thiền rõ ràng là một hiện tượng của kiếp nhân sinh và như vậy, phải được đề cập đến dưới khía cạnh con người, với những cảm thọ và những hiểu biết của con người. Bản chất của những vấn đề khó khăn của con người và giải pháp cho những vấn đề ấy trọng yếu thuộc về tâm lý. Pháp hành thiền thật sự và thần bí giáo không cùng tồn tại chung. Ðó là hai việc khác biệt. Trong khi chủ thuyết thần bí đưa con người tách rời xa thực tại thì thiền tập đem ta đến thực tại; bởi vì xuyên qua pháp hành thiền chân chánh ta có thể diện đối diện nhìn vào những ảo kiến của chính ta và những ảo cảnh mà ta cho là thực, nhìn một cách rõ ràng, không bị che lấp, không sai lạc. Ðiều này biến đổi hoàn toàn con người chúng ta. Ðây không phải là học thêm, mà là tháo gỡ, bứt rời ra những gì đã học. Ta phải dứt bỏ nhiều điều đã học trước kia và đã thích thú ôm ấp vững chắc, một khi nhận thức rằng những điều ấy chỉ là trở ngại, cản ngăn con đường tiến bộ tinh thần đạo đức.
Tất cả những vấn đề khó khăn của chúng ta đều bắt nguồn từ vô minh, si mê lầm lạc. Vô minh là ô nhiễm đứng hàng đầu (avijjà paramam malam) [9]. Tham, sân, ngã mạn và rất nhiều ô nhiễm khác của chúng ta cùng đi chung với vô minh.
Giải pháp cho vấn đề phải nằm trong vấn đề và do đó, không nên tách rời, chạy đi tìm ở đâu ngoài vấn đề. Hãy phân tách và khảo sát, nghiên cứu đến tận cùng, ta sẽ thấy rằng tất cả những vấn đề ấy đều là vấn đề của kiếp nhân sinh, của con người, vậy không nên đỗ trách nhiệm cho ai khác hơn là con người. Những vấn đề của chúng ta phải được, và chỉ được giải quyết bằng cách dứt bỏ những ảo kiến và những khái niệm sai lầm, rồi thu xếp nếp sống vào khuôn khổ, điều hòa và đồng nhịp với thực tại. Ðiều này chỉ có thể thực hiện bằng pháp hành thiền.
Bát Chánh Ðạo
Tự kềm chế không dùng chất say và kiên trì tinh tấn, củng cố vững chắc trong hạnh nhẫn nhục và trong sạch, người thiện trí gia công rèn luyện tâm. Khi mà mọi sự việc quanh mình đều diễn tiến tốt đẹp, thuận chiều theo ý, thì giữ thái độ trầm tĩnh không phải là khó lắm. Nhưng giữa những nghịch cảnh rối ren bất thuận lợi, thì quả thật rất khó mà có thể điềm nhiên tọa thị, giữ tâm bình thản, không chao động. Chính việc khó làm ấy mới đáng cho ta cố gắng thành tựu, bởi vì chính những điều ấy mới un đúc tâm tánh hùng dũng.
Nhờ tu tập yên tĩnh hành thiền mà có thể thành đạt trạng thái tâm vắng lặng. Chúng ta có thể làm được việc ấy không? Câu trả lời của Lord Horder là: “Ðược. Nhưng bằng cách nào? Tốt lắm, không phải bằng cách làm cái gì vĩ đại. ‘Tại sao các vị thánh nhân là thánh nhân?’ có người hỏi. Và câu giải đáp đến như sau: ‘Bởi vì các vị ấy tươi cười trong những hoàn cảnh khó tươi cười, và nhẫn nhục trong lúc khó nhẫn nhục. Các Ngài vẫn tiến bước trong khi lòng thúc giục bảo dừng, và trong khi muốn nói, các Ngài giữ im lặng.’ Chỉ thế thôi. Thật giản dị, nhưng cũng thật khó hành. Một vấn đề vệ sinh tinh thần …” Hãy kiên trì cố gắng, và cố gắng thêm lên, không nên bỏ dỡ cuộc chiến. Không ai thoạt nhiên mà lên đến tận đỉnh núi cao. Cũng như người thợ bạc thiện xảo gạn lọc bợn nhơ trong bạc, mỗi lần một chút, làm cho bạc dần dần trở nên trong sạch, cùng thế ấy, con người phải nỗ lực tự thanh lọc mọi nhiễm ô. [10]
Con đường mà chư Phật, tức các đấng Toàn Giác từ ngàn xưa, đã chỉ vạch nhằm phát triển tâm tánh là con đường hành thiền, và đó là Bát Chánh Ðạo.
Tám chi của Bát Chánh Ðạo hợp thành ba nhóm: Giới, Định, và Tuệ (sìla, samàdhi, và pannà). Ðó là con đường duy nhất; không có đường nào khác dẫn đến giác ngộ và giải thoát tâm. Tất cả những gì Ðức Bổn Sư giáo truyền và mọi hướng dẫn thực hành để diệt trừ những xung đột tinh thần do hoàn cảnh bất toại nguyện của đời sống tạo nên, đều nằm trọn vẹn trong Bát Chánh Ðạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Hai Pháp Hành Thiền
Phần trình bày pháp hành thiền như đã được lưu truyền đến nay trong kinh điển Phật Giáo từ những ngày xa xưa, được căn cứ trên những phương pháp mà chính Ðức Phật đã áp dụng để chứng ngộ Ðạo Quả và Niết Bàn, và trên những kinh nghiệm bản thân của Ngài trong công phu trau giồi và phát triển tâm.
Danh từ “hành thiền” mà thường được dùng để dịch chữ “bhàvanà” thật sự không hẳn theo sát nghĩa. Ðúng theo ý nghĩa uyên nguyên, “bhàvanà” trong Phật Giáo là mở mang, trau giồi, tức là mở mang tâm, trau giồi tâm, hay “làm-cho-tâm-trở-thành”. Ðó là nỗ lực xây dựng tâm an trụ và vắng lặng, có khả năng nhận thức rõ ràng bản chất thật sự của tất cả các pháp hữu vi và chứng ngộ Niết Bàn, trạng thái lý tưởng của tâm lành mạnh.
Pháp hành thiền mà Ðức Phật đã giáo truyền có hai: an trụ tâm (samatha hay samàdhi), tức hợp nhất tâm, tập trung tâm vào một điểm (cittekaggatà, nhất điểm tâm) và minh sát (vipassanà). Samàdhi, định, có tác dụng làm cho tâm trở nên vắng lặng, và vì lẽ ấy ở vài nơi danh từ samatha hay samàdhi được dịch là vắng lặng, yên tĩnh hay tĩnh lặng. Làm cho tâm trở nên vắng lặng hàm ý là thống nhất hay an trụ tâm vào một điểm. Hợp nhất tâm bằng cách an trụ tâm vững chắc vào đề mục và không hay biết gì khác ngoài đề mục ấy.
Pháp môn hành thiền (bhàvanà) bắt đầu bằng sự định tâm (samàdhi). Ðịnh là trạng thái tâm vững chắc trụ vào một điểm, không chao động.
Ðịnh là gì? Dấu hiệu, điều kiện tất yếu để tiến đến tâm định và phát triển tâm định là thế nào.“Bất luận gì là trạng thái tâm hợp nhất, tập trung lại thành một, đó là định; bốn nơi để áp đặt chú niệm vào (tứ niệm xứ) là dấu hiệu của định; bốn cố gắng chân chánh (tứ chánh cần) [11] là điều kiện tất yếu để định tâm; bất luận pháp tu tập nào theo các pháp hành trên, đó là phát triển tâm định.” [12] Lời dạy trên minh bạch nói lên rằng ba chi của nhóm định (samàdhi), tức chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cùng sinh hoạt chung và hỗ trợ lẫn nhau. Ba chi này thật sự hợp thành định.
Phải ghi nhận rằng pháp hành thiền Vắng Lặng (samatha bhàvanà — cũng gọi là thiền Chỉ, hay thiền Định — như đã được dạy trong Phật Giáo, không phải chỉ đặc biệt có riêng trong Phật Giáo. Từ trước thời Ðức Phật các đạo sĩ du dà (yogi) đã có hành những pháp môn thiền khác nhau, như hiện nay họ vẫn còn hành. Xứ Ấn Ðộ từ bao giờ vẫn là một vùng đất huyền bí, nhưng pháp hành mà các đạo sĩ du dà áp dụng nhiều nhất thời bấy giờ ở Ấn Ðộ không bao giờ vượt quá xa hơn một mức độ nào.
Thiền vắng lặng (samatha bhàvanà) được dạy trong Phật Giáo đưa đến tột đỉnh là các tầng Thiền (jhàna) [13].Nhưng Ðức Phật không thỏa mãn với những tầng Thiền và các kinh nghiệm huyền bí; mục tiêu duy nhất của Ngài chỉ là chứng đắc Toàn Giác và Niết Bàn. Ðã hoàn toàn định tâm bằng thiền vắng lặng, giờ đây Ngài có thể triển khai thiền minh sát (vipassana bhàvanà). Danh từ “vipassanà”, tuệ minh sát, (vi + passanà), có nghĩa là nhìn thấy một cách khác thường — “passanà” là thấy, và tiếp đầu ngữ “vi” là đặc biệt. Như vậy,vipassanà là có cái thấy vượt ra ngoài tầm mức thông thường, thấy một cách rõ ràng. Ðây không phải là thấy phớt qua trên bề mặt, không phải chỉ thấy thoáng qua cái dáng bề ngoài, mà thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó, tức thấy dưới ánh sáng của ba đặc tướng, hay ba dấu hiệu đặc thù của tất cả các pháp hữu vi, tất cả những hiện tượng sinh tồn: vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anattà). Chính thiền minh sát này, dựa trên nền tảng của tâm định vắng lặng, giúp cho hành giả khả năng gội rửa tất cả mọi ô nhiễm trong tâm đến mức tận cùng, lột bỏ mọi ảo kiến về cái “ta”, nhìn thấy thực tướng của vạn pháp và chứng ngộ Niết Bàn.
Như vậy, thiền minh sát, vipassanà, là một giáo lý trọng yếu, đặc thù của chính Ðức Phật, trước kia chưa từng được nghe đến. Ðó là chứng nghiệm duy nhất của Ðức Bổn Sư, hoàn toàn riêng biệt Phật Giáo, chưa ai từng biết trước thời Ðức Phật.
Ta phải nhấn mạnh rằng cả hai, thiền vắng lặng và thiền minh sát (samàdhi và vipassanà), đều thiết yếu để chứng ngộ Giáo Pháp, đắc Niết Bàn.
Ðức Phật dạy: “Khi vắng lặng được phát triển, tâm được phát triển, và tham ái được dứt bỏ; khi minh sát được phát triển, chánh kiến được phát triển và vô minh được dứt bỏ. Cái tâm mà bị tham ái làm ô nhiễm không được giải thoát; khi có ô nhiễm do vô minh, chánh kiến không phát triển …” [14]
Samàdhi, (samatha), định, là một trong tám chi của Bát Chánh Ðạo, không thể bị loại trừ trong bất cứ trường hợp nào. Samàdhi là cittavisudhi, tâm tịnh, tức tâm trong sạch phát sanh khi hành giã đã loại trừ những chướng ngại tinh thần (nìvarana, năm pháp triền cái).
Theo lời dạy của Ðức Bổn Sư, rõ ràng là trong cuộc hành trình đến giác ngộ và Niết Bàn không thể có ngã nào tắt, khỏi phải đi ngang qua samàdhi, định.