-6-

ÐẶC TƯỚNG VÔ THƯỜNG

“Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, phải biến chuyển. Hãy kiên trì cố gắng với chú niệm!” Ðó là lời dạy tối hậu của Ðức Phật.

Và khi Ngài vừa viên tịch, Sakka, Vua Trời Ðế Thích, than như sau:

Aniccà vata sankhàrà —
uppàda vaya dhammino
Uppajjitvà nirujjhanti —
tesam vùpasamo sukho.
–(Mahàparinibbàna Sutta)

“Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường,
Phát sanh và hoại diệt, đó là bản chất của chúng;
Chúng ra đời rồi tan biến,
Thoát ra khỏi chúng là hạnh phúc tối thượng.”
–(Kinh Ðại Niết Bàn)
[1]

Chí đến ngày nay, trong tất cả những đám táng của người Phật tử theo truyền thống Nguyên Thủy, chư tăng đều có đọc tụng câu kinh Pali trên để nhắc nhở người nghe bản chất phù du của đời sống.

Trong các quốc gia Phật Giáo ta thường thấy người đi chùa dâng cúng bông hoa và dầu đốt đèn đến trước tượng Phật. Họ không van vái nguyện cầu Ðức Phật hay một “nhân vật siêu phàm” nào. Những cành hoa đang tàn héo và ngọn đèn dầu đang lụn dần nói lên, nhắc họ tánh cách vô thường của các pháp hữu vi.

Chính danh từ “vô thường” (anicca) đơn giản ấy là nòng cốt trong giáo lý nhà Phật. Vô thường cũng là nền tảng cho hai đặc tướng khác của kiếp sinh tồn là bất toại nguyện (dukkha) và vô ngã (anattà). Vô thường có nghĩa là sự vật không bao giờ tịnh mà luôn luôn chuyển động, luôn luôn biến đổi, và điều này được các nhà khoa học hiện đại ghi nhận là bản chất cơ bản của toàn thể thế gian, không trường hợp ngoại lệ. Trong giáo huấn của Ngài về các thực tại chuyển biến Ðức Phật trao truyền cho ta cái chìa khóa chánh để mở tung bất cứ cửa nào mà ta muốn. Thế gian hiện đại cũng dùng cái chìa khóa chánh ấy, nhưng chỉ dùng trong việc thành tựu những công trình có tánh cách vật lý, nhờ nó mà mở được hết cửa này đến cửa khác, và thành công một cách ngạc nhiên. Biến chuyển hay vô thường là đặc tướng chánh yếu của tất cả các hiện tượng trong đời sống. Chúng ta không thể nói đến vật nào, vô tri vô giác hay hữu giác hữu tri, hữu cơ hoặc vô cơ, rằng “vật này tồn tại”, bởi vì trong khi ta nói như thế thì nó đã đổi thay. Tất cả đều phù du tạm bợ: màu sắc xinh tươi của hoa, giọng hát lảnh lót của chim, tiếng vo ve của loài ong, và cảnh vinh quang xán lạn của buổi hoàng hôn.

Thí dụ như bạn đang thưởng thức một cảnh trời chiều ngoạn mục. Toàn thể vùng trời ở hướng Tây ửng hồng tươi đẹp; nhưng bạn biết rằng trong nửa tiếng đồng hồ sau, tất cả những màu sắc tươi sáng đẹp đẽ kia sẽ biến dần trước mắt, dù rằng mắt bạn không thể đưa bạn đi trước, đặt bạn trong quang cảnh mặt trời lặn, theo đúng như bạn suy tư. Như vậy thì kết luận như thế nào? Kết luận là bạn không bao giờ thấy cái màu mà đang ẩn tàng, chưa lộ ra, bất cứ màu nào, dầu chỉ trong thời gian ngắn nhất mà ta có thể nói hay quan niệm. Trong một phần triệu giây đồng hồ, toàn thể vùng trời xán lạn đang trải qua chuỗi dài vô tận những biến chuyển về màu sắc. Màu này dần dần trùm phủ lên màu kia nhanh chóng đến độ không có phương cách hay dụng cụ nào có thể đo lường. Nhưng bởi vì đây là một tiến trình biến đổi mà không có dụng cụ đo lường nào có thể áp dụng … lý trí không thể chận đứng ở một khoảng thời gian nào trong luồng hoạt cảnh chảy trôi, hay tuyên bố rằng cái này là thế nào, chính vì nó không còn; nó đã nhường chỗ cho một cái gì khác. Nó là một chuỗi dài những màu sắc trong đó không một màu nào thật sự tồn tại. Mỗi màu liên tục tan biến trong một màu khác.” [2]

Tất cả các pháp hữu vi, tức tất cả những gì phát sanh do nguyên nhân tạo điều kiện và đến lượt nó, tạo duyên cho những cái khác phát sanh, có thể kết tinh trong một chữ anicca, vô thường. Như vậy, tất cả hòa điệu chỉ là những âm điệu khác nhau do cái khảy trên dây đàn, vốn tự nó là vô thường, khổ (bất toại nguyện), và vô ngã: anicca, dukkha và anattà.

Ðược ngụy trang, ba đặc tướng ấy của đời sống ngự trị toàn khắp thế gian cho đến khi một bậc Toàn Giác tối thượng khám phá bản chất thật sự của nó. Vì để tuyên bố ba đặc tướng này và giáo hóa chúng sanh phương cách tu tập nhằm chứng ngộ nó, giải thoát cái tâm, mà một vị Phật thị hiện trên thế gian. Ðó là phần tinh túy, là tổng số giáo lý nhà Phật.

Mặc dầu khái niệm vô thường áp dụng cho tất cả các pháp hữu vi nhưng Ðức Phật riêng biệt chú trọng đến cái gọi là chúng sanh, bởi vì đây là vấn đề của con người, không phải của các vật vô tri. Cũng như nhà cơ thể học mổ xẻ tay chân ra thành sớ thịt, và sớ thịt thành tế bào, để nghiên cứu, Ðức Phật, Nhà Phân Giải (vibhajjavàdi), phân tách cái gọi là chúng sanh “sankhàra punja”, khối tiến trình, ra làm năm nhóm luôn luôn biến chuyển, và chỉ rõ rằng chẳng có chi ẩn náu, chẳng có chi được bảo tồn lâu dài trong luồng trôi chảy của năm nhóm ấy (khandha santati). Ðó là: sắc hay cơ thể vật chất, thọ hay cảm giác, tưởng, hành, thức.

Ðấng Toàn Giác giải thích: “Ngũ uẩn, này chư tỳ khưu, là vô thường; bất luận gì vô thường là khổ (dukkha), bất toại nguyện; bất luận gì khổ là không có một bản ngã (atta) trường tồn; cái gì vô ngã không phải là của ta, không phải là ta, không phải là bản ngã của ta. Như thế ấy sự vật phải được nhận thức với trí tuệ toàn hảo (sammappannàya), đúng như sự vật là vậy. Người thấy đúng như vậy với trí tuệ toàn hảo, tâm người ấy không bám níu mà buông bỏ tất cả, người ấy giải thoát.” [3]

Ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) chỉ lặp lại vang âm của Ðức Phật khi nói: “Khi ý niệm về một bản ngã (Àtman) chấm dứt, ý niệm “Của Ta” cũng chấm dứt, và ta đã vượt thoát ra khỏi mọi ý niệm “Ta” và “Của Ta”. [4]

Ðức Phật dùng năm hình ảnh sống động để mô tả bản chất phù du huyền ảo của năm uẩn. Ngài ví sắc như một khối bọt, thọ như bong bóng nước, tưởng như ảo cảnh, hành như cây mã đề (như cây chuối, như lục bình, ruột xốp, không chắc), thức như ảo tưởng, và Ngài hỏi: “Này chư tỳ khưu, có chăng thể chất vững bền trong một khối bọt, một bong bóng nước, một ảo cảnh, một loại cây mà ruột như lục bình, như cây chuối, một ảo tưởng?” Tiếp theo, Ðức Phật dạy: “Bất luận sắc nào, dầu trong quá khứ, trong vị lai, hay ở hiện tại, thô kịch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, vị tỳ khưu thấy sắc ấy, quán chiếu và khảo sát sắc ấy với sự chú tâm chân chánh có hệ thống, vị tỳ khưu đã thấy như vậy, quán chiếu và khảo sát với sự chú tâm chân chánh có hệ thống như vậy, sẽ nhận thức rằng nó rỗng không, không có thực chất, không có tinh chất vững bền. Như vậy, này chư tỳ khưu, có gì có thể là thể chất thường còn trong sắc?”

Cùng một thế ấy, Ðức Phật đề cập đến bốn uẩn còn lại và hỏi: “Có gì là thể chất thường còn trong thọ, trong tưởng, trong hành, trong thức? [5]

Như vậy, với sự phân tách năm uẩn ta đạt đến tầng lớp hiểu biết tiến bộ hơn. Chính đến giai đoạn này chánh kiến mà được gọi là tuệ minh sát (vipassanà) bắt đầu tác động. Xuyên qua tuệ minh sát ta nắm vững bản chất thật sự của năm uẩn và thấy nó trong ánh sáng của ba đặc tướng (ti-lakkhana), tức: vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Không phải chỉ có ngũ uẩn là vô thường, bất toại nguyện, vô ngã, mà những nguyên nhân (nhân) và những điều kiện (duyên) tạo nên năm uẩn ấy cũng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Về điểm này Ðức Phật giải thích rõ:

“Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, này chư tỳ khưu, là vô thường (anicca). Bất luận gì là nhân và duyên làm cho ngũ uẩn phát sanh, chính nó, cũng vô thường. Làm thế nào ngũ uẩn, phát sanh từ những gì vô thường, này chư tỳ khưu, có thể là thường còn?

“Sắc … và thức, này chư tỳ khưu, là bất toại nguyện (dukkha). Bất luận gì là nhân và duyên làm cho ngũ uẩn phát sanh, chính nó, cũng bất toại nguyện. Làm thế nào ngũ uẩn, phát sanh từ những gì bất toại nguyện, này chư tỳ khưu có thể là hạnh phúc hay đối tượng của hạnh phúc cho ai?

“Sắc … và thức, này chư tỳ khưu là vô ngã (anattà). Bất luận gì là nhân và duyên làm cho ngũ uẩn phát sanh , chính nó, là vô ngã. Làm thế nào ngũ uẩn, phát sanh từ những gì vô ngã, này chư tỳ khưu, lại là hữu ngã, có một bản ngã (atta)?

Vị thánh đệ tử đã được huấn luyện (sutavà ariya-sàvako), này chư tỳ khưu, thấy biết như vậy, trở nên thản nhiên, điềm tĩnh, không ham muốn gì với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Xuyên qua tâm tánh thản nhiên, điềm tĩnh, vị ấy buông xả, không luyến ái và xuyên qua sự buông xả, vị ấy giải thoát; trong trạng thái giải thoát, vị ấy hiểu biết rằng mình đã giải thoát, và vị ấy thấu triệt: Mọi sự sanh đã chấm dứt, chỉ còn sống đời hoàn toàn trong sạch, đã làm những gì cần phải làm, không còn gì như thế này xảy đến (nghĩa là ngũ uẩn không còn liên tục xảy diễn, tức không còn tái sanh ).” [6]

Vì không thấy bản chất thật sự của các pháp, cái nhìn của chúng ta luôn luôn bị che lấp. Bởi những thành kiến sẵn có, tánh tham và sân, thương và ghét, chúng ta không thể nhận thấy lục căn và lục trần một cách khách quan, đúng theo bản chất thật sự của nó (àyatanànam àyatanattam), và chạy theo rượt bắt những gì là ảo huyền huyển hoặc. Giác quan lừa phỉnh và dẫn dắt ta đi sai đường lạc nẻo, không thấy đúng sự vật trong ánh sáng thật sự của nó và như thế, lối nhìn của ta trở nên lầm lạc (viparita dassana).

Ðức Phật đề cập đến ba loại ảo kiến, hay hiểu biết sai lầm (vipallàsa, Sanskrit là viparyàsa), hằng đeo níu bám chặt tâm con người, đó là: tri giác sai lầm, suy tư sai lầm và kiến thức sai lầm (sannà vipallàsa, citta vipallàsa và ditthi vipallàsa) [7]. Khi con người bị dính mắc trong ảo kiến tương tợ thì tri giác, suy tư và kiến thức đều sai lầm.

Những sự vật vô thường, người ấy thấy là thường còn, người ấy thỏa mãn trong hoàn cảnh bất toại nguyện (thoải mái và hạnh phúc trong đau khổ), thấy một bản ngã trong cái vô ngã (một linh hồn trường cửu trong cái không có linh hồn), vật đáng ghê sợ nhờm chán mà cho là đẹp.

Người ấy có những suy tư và những kiến thức cũng lầm lạc như thế ấy. Như vậy, mỗi ảo kiến tác động theo bốn chiều sai lạc, dẫn đi lạc nẻo, che lấp kiến thức và làm cho con người rối loạn mập mờ. Ðó là vì suy tư kém chân chánh, chú tâm không đúng phương pháp (ayoniso mana- sikàra). Chánh kiến (hay thiền minh sát) phá tan những ảo kiến ấy và giúp con người thấu triệt bản chất thật sự ẩn tàng phía dưới mọi biểu hiện bên ngoài. Chí đến lúc con người vượt qua lớp mây mờ ảo kiến và huyển hoặc ấy mới có thể chói sáng rực rỡ trong trí tuệ thật sự, giống như mặt trăng rạng tỏ khi thoát ra khỏi đám mây đen.

Những thành phần của tâm và thân (ngũ uẩn), nằm trong định luật nhân quả, không ngừng sanh, trụ, diệt, nhanh chóng đến độ không thể quan niệm, giống như những lượn sóng vô cùng tận trên biển cả hay như mực nước sông ngòi, lớn rồi ròng, ròng rồi lớn. Quả thật vậy, kiếp sống của con người không khác nào dòng suối trên núi cao, dồn dập tuôn xuống, không ngừng biến chuyển — một dòng nước luân lưu bất tận (nadì sotoviya). [8]

Chúng sanh mà ta gọi là con người, đàn ông, đàn bà hay cá nhân, để tiện việc giao dịch hằng ngày, rõ ràng là không “tịnh” mà “động”, bởi vì ở trong trạng thái liên tục và không ngừng biến chuyển. Khi người kia thấy rõ đời sống và tất cả những gì liên quan đến đời sống dưới ánh sáng ấy và phân tách, nhận thức rằng cái được gọi là chúng sanh chỉ là một chuỗi dài những thành phần tâm linh và vật lý liên tục nối tiếp, người ấy thấy sự vật đúng như sự vật là vậy (yathàbhùtam). Người ấy đã đoạn diệt thân kiến (sakkàya ditthi) và không tin vào một linh hồn trường tồn bất biến hay một tự ngã. Người ấy thấu hiểu đúng theo chánh kiến rằng tất cả đời sống hiện tượng đều là duyên sinh, tức khởi sinh tùy thuộc những nhân duyên (paticca samuppanna), mỗi hiện tượng của đời sống đều do một cái gì khác tạo duyên (điều kiện) để hiện hữu và liên quan với những duyên ấy. Người ấy nhận thức rằng do đó không có một cái “Ta”, một thực thể tâm linh thường còn, không có một tự ngã đơn thuần hay cái gì liên quan đến bản ngã trong diễn tiến của đời sống. Do đó người ấy không có ý niệm về một tiểu hồn (jìvàtma) hay một đại hồn (paramàtma), linh hồn cũng không.

Chính nhờ thiền minh sát (vipassanà) mà ta thấy sự vật đúng như nó thật sự là vậy (yathàbhùtam), không phải hình như nó là vậy. “Thấy sự vật đúng như thật sự nó là vậy” hàm ý là, như đã đề cập ở phần trên, thấy rõ bản chất của các pháp hữu vi là vô thường, bất toại nguyện và không có một tự ngã thường còn. Ðối với một thiền giả đệ tử Phật như thế ấy, “thế gian” không phải ở ngoài, cũng không phải là thế gian theo kinh nghiệm thông thường, mà là thân và tâm của con người. Ðó là thế gian ngũ uẩn thủ (panca-upàdànakkhanda). Vị ấy cố gắng nhìn thấy cái thế gian thân và tâm này mà Ðức Phật đề cập đến khi Ngài dạy Mogharàja:

“Hãy luôn luôn chú niệm, này Mogharàja, hãy thấy thế gian là rỗng không (sunna) — tức từ bỏ ý niệm về một bản ngã — phải khắc phục cái chết (màra) như thế ấy. Thần Chết không thấy người đã hiểu biết thế gian như vậy.” [9]

Toàn thể triết thuyết vô thường được dạy trong Phật Giáo là tất cả những sự vật hiện hữu do nhân duyên — các pháp hữu vi — là một tiến trình, chớ không phải là một nhóm thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, ẩn tàng, không biến chuyển. Tuy nhiên, vì những thành phần của thân và tâm biến đổi quá nhanh nên ta thấy như một thực thể bất động. Ta không thấy nó luôn luôn nhanh chóng sanh-diệt (udaya-vaya) mà xem nó như một khối đơn thuần hay một toàn thể (ghana sannà).

Những ai đã từng có thói quen liên tục nghĩ rằng thân và tâm này và thế gian bên ngoài là những toàn thể, những đơn vị dính liền nhau không thể phân chia, đối với những người ấy quả thật khó mà từ bỏ cái lớp mặt giả dối “xem hình như một toàn thể” này. Ngày nào mà không nhìn thấy được rằng sự vật là những tiến trình, những hiện tượng luôn luôn di động, thì ta không bao giờ thấu hiểu thuyết vô ngã (anattà) của Ðức Phật. Vì lẽ ấy mà nhiều người kém nhẫn nại, nóng nảy nêu lên câu hỏi: Nếu không có một thực thể đơn thuần và thường còn không biến đổi như một linh hồn trường cửu hay một tự ngã vĩnh tồn, thì cái gì kinh nghiệm hậu quả của những hành động, ở đây và về sau?

Có hai bài kinh đề cập đến câu hỏi nóng bỏng này. [10] Một ngày nọ Ðức Phật giải thích cho hàng đệ tử về bản chất vô thường của ngũ uẩn, về đặc tánh rỗng không của cái được xem là tự ngã, về ảo tưởng ngủ ngầm “Ta” và “Của Ta” và làm thế nào chấm dứt những quan niệm sai lầm ấy. Lúc bấy giờ trong tâm của một vị tỳ khưu phát sanh ý nghĩ: “Sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Như vậy thì cái ngã nào mà hành động vô ngã gieo ảnh hưởng đến?”

Ðọc được ý nghĩ trong tâm vị tỳ khưu, Ðức Phật dạy: “Câu hỏi ấy vượt ra ngoài vấn đề,” và Ngài làm cho vị tỳ khưu thấu rõ bản chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của năm uẩn.

Nói rằng người hành động và người gặt quả là một, là sai. Cũng là sai lầm nếu nói người hành động và người gặt quả là hai người khác biệt” [11], giản dị bởi vì ta nói rằng đời sống là một sự chảy trôi của tiến trình tâm và vật lý, hay đó là những năng lực không ngừng phát sanh và hoại diệt.

Ta không thể nói rằng chính người hành động kinh nghiệm hậu quả bởi vì người ấy đã đổi mới trong mỗi khoảnh khắc của đời sống; nhưng cùng lúc ấy ta phải nhớ rằng đời sống liên tục chảy trôi, tức là ta liên tục kinh nghiệm hậu quả của những hành động đã làm, tiến trình các diễn biến không mất; nó liên tục xảy diễn, không gián đoạn. Trong khi trưởng thành, em bé và người thiếu niên không phải là một, người thiếu niên với người tráng niên cũng không phải là một, nhưng họ cũng không hoàn toàn khác hẳn với nhau (na ca so na ca anno) [12]. Chỉ có một luồng trôi chảy của những tiến trình tâm-vật-lý.

Có ba hạng thầy: hạng đầu tiên dạy rằng có một tự ngã thật sự, trong hiện tại cũng như trong tương lai (nơi đây và về sau); vị thứ nhì dạy rằng tự ngã chỉ thật sự có trong đời sống hiện tại, trong tương lai không còn; vị thứ ba dạy rằng khái niệm về một tự ngã chỉ là ảo tưởng — dầu trong hiện tại hay trong tương lai, không có tự ngã thật sự.

Vị thầy thứ nhất chủ trương Thường Kiến (sassata- vàdi); vị thứ nhì, Ðoạn Kiến (ucchedavàdi); vị thứ ba là Ðức Phật. Ngài dạy trung đạo, con đường ở khoảng giữa, tránh xa hai cực đoan thường kiến và đoạn kiến. (Nơi đây trung đạo là chủ thuyết tùy-thuộc-phát-sanh, hay thập nhị nhân duyên — paticca-samuppàda).

Tất cả những giáo lý duy thần dạy rằng sau khi chết, bằng cách này hay cách khác, cái tự ngã hay linh hồn của con người vẫn tồn tại, không hoại diệt. Khái niệm của người theo chủ thuyết vật chất là khi chết tự ngã cũng tuyệt diệt. Quan điểm của Phật Giáo là không có tự ngã hay bất luận gì có thực chất hay thường còn, mà tất cả những gì phát sanh do điều kiện đều phải biến chuyển, và phải biến chuyển không ngừng, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Có sự liên tục, nhưng không có trạng thái giống hệt. Ngày nào còn ôm ấp ý niệm về một tự ngã thường còn ắt con người không thể nhận thức rằng tất cả mọi sự vật đều vô thường, rằng trong thực tế có sanh và có diệt (samudayadhamma, vayadhamma) [13]. Thông hiểu rành rẽ lý vô thường — chỉ có trong Phật Giáo — là điều thiết yếu để thấu đạt Tứ Diệu Ðế và các giáo lý chánh yếu khác trong Phật Giáo.

Con người trong thế gian ngày nay ghi nhận bản chất vô thường của đời sống. Mặc dầu đã thấy điều ấy, họ không giữ nằm lòng, không sáng suốt và bình tĩnh hành động. Biến đổi rồi biến đổi, lặp đi và lặp lại, những biến đổi đã nói lên, nhắc nhở và làm cho họ khổ, họ vẫn điên cuồng chạy nhanh rượt theo vòng quanh những kiếp sinh tồn và bị giày vò xô xát, khốn khổ trong những cây căm của bánh xe. Họ thiết tha tin chắc có thể khám phá con đường hạnh phúc trong chính cái biến đổi, có thể tìm ra một trung tâm châu toàn của vòng quanh vô thường. Họ tưởng tượng rằng mặc dầu thế gian là bấp bênh vô định, họ vẫn có thể làm cho nó vững bền và đặt nó trên một nền tảng kiên cố, và như vậy cuộc tranh đấu để cải thiện mức sống tiếp tục không thối chuyển với cố gắng kiên trì và nhiệt tâm vô hiệu quả.

Lịch sử đã chứng tỏ nhiều lần, và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ, rằng trên thế gian này không có chi tồn tại vững bền. Tất cả đều tan biến. Những quốc gia và những văn minh trổi lên, thạnh vượng rồi suy tàn, nhường chỗ cho cái mới, giống như những lượn sóng trên biển cả, và cứ thế, hồ sơ của thời gian cuốn tròn, ghi nhận những tấn tuồng đời liên tục diễn tiến, những ảo mộng vô căn cứ, và luồng trôi chảy của dòng lịch sử nhân loại.

Chú thích:

[1] Theo kinh Mahà-Sudassana Sutta (Dìgha Nikàya) câu kệ trên do Ðức Phật tuyên ngôn; Theo Túc Sanh Truyện Mahà Sudassana Jàtaka (số 95), do Ðức Bồ Tát, trong kiếp tái sanh làm Vua Sudassana; theo Theragàthà (câu 1159), Ðức A La Hán Mahà Moggallàna đọc lên câu kệ trên sau khi nhắc đến sự viên tịch của Ðức A La Hán Sàriputta (trong câu 1158). Chỉ hai tuần sau Ngài cũng viên tịch.

[2] Ferrier’s Lectures and Remains, quyển I, trang 119, được trích trong Sarvadarsana Samgraha, E.B. Cowell and A.E. Gough London, 1914, trang 15.

[3] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, quyển iii, trang 44.

[4] Màdhyàmika-kàrikà, quyển xviii, trang 2.

[5] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, quyển iii, trang 140.

[6] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, iii, trang 23.

[7] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 52. Xem Anguttara Nikàya, Phần I, bản dịch của Ðại Ðức Nyanaponika Thera (Wheel 155/158). Catukka Nipàta, số 49 (Kandy BPS) trang 86.

[8] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, 137.

[9] Sutta Nipàta, quyển v, 1119.

[10] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 109; Khandha Samyutta, 82.

[11] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, ii, 20.

[12] Milindapanha (Vua Milinda Vấn Ðạo).

[13] Satipatthàna Sutta, thường được gọi là Kinh Tứ Niệm Xứ.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app