Nội Dung Chính
- Quy-Y Tam-Bảo Không Thành Tựu Và Thành Tựu
- 1- Thọ phép quy-y Tam-bảo bởi do lòng tôn kính cho là thân quyến như thế nào?
- 2- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình như thế nào?
- 3- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính bởi vì sợ như thế nào?
- 4- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính, có trí- tuệ hiểu biết rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo là nơi xứng đáng dâng lễ cúng dường như thế nào?
- Quy-Y Tam-Bảo Bị Đứt – Không Bị Đứt
- Quy-Y Tam-Bảo Vững Chắc Và Không Vững Chắc
- Nhân Làm Ô Nhiễm Quy-Y Tam-Bảo
- Phiền-Não Phát Sinh Trong Những Trường Hợp
- Nhân Làm Trong Sạch Lại Quy-Y Tam-Bảo
- Quy-Y Tam-Bảo Với Đức-Tin Trong Sạch
Quy-Y Tam-Bảo Không Thành Tựu Và Thành Tựu
Trong thọ phép quy-y Tam-bảo bằng cách hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường đến Tam-bảo (Paṇipāta- saraṇagamana) có 4 trường hợp:
1- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính cho là thân quyến (ñātipaṇipātasaraṇagamana).
2- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình (ācariyapaṇipātasaraṇagamana).
3- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính bởi vì sợ (bhayapaṇipātasaraṇagamana).
4- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính bởi trí- tuệ hiểu biết 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo là nơi xứng đáng dâng lễ cúng dường (dakkhiṇeyyapaṇipātasaraṇagamana).
1- Thọ phép quy-y Tam-bảo bởi do lòng tôn kính cho là thân quyến như thế nào?
Những người nào trong dòng họ Sakya hoặc dòng họ Koliya có quan niệm rằng:
“Đức-Phật Gotama cao thượng là Người thân quyến của chúng ta; chúng ta nên đến thành kính đảnh lễ, kính xin thọ phép quy-y Tam- bảo nơi Ngài.”
Trường hợp họ xin thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính cho là người thân quyến, thì quy-y Tam-bảo ấy không được thành tựu.
Những người ấy không trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
2- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình như thế nào?
Người nào đã từng làm học trò của Đức-Bồ-Tát Siddhattha, nay Ngài đã là Đức-Phật Gotama. Trường hợp người ấy nhớ đến vị Thầy cũ của mình, đến thành kính đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin thọ phép quy-y Tam-bảo, bởi do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình, thì quy- y Tam-bảo ấy không được thành tựu.
Những người ấy không trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
3- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính bởi vì sợ như thế nào?
Người dân nào trong nước có quan niệm rằng: “Đức- Phật Gotama là bậc cao thượng mà Đức-vua, các quan của chúng ta đều đến xin thọ phép quy-y Tam-bảo.
Nếu ta không chịu đến đảnh lễ Đức-Phật, xin thọ phép quy-y Tam-bảo thì ta có thể bị tội hoặc bị mất nhiều lợi lộc”.
Trường hợp những người ấy đến xin thọ phép quy-y Tam-bảo bởi vì sợ, thì quy-y Tam-bảo ấy không được thành tựu.
Những người ấy không trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Ba cách thọ phép quy-y Tam-bảo này có quan niệm sai lầm, do phiền-não tham, sân, si, thiên vị, v.v… nên quy-y Tam-bảo không thành tựu.
Do đó, người ấy không chính thức được gọi là người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức- Phật Gotama.
4- Thọ phép quy-y Tam-bảo do lòng tôn kính, có trí- tuệ hiểu biết rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo là nơi xứng đáng dâng lễ cúng dường như thế nào?
Những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức-Phật-bảo cao thượng nhất, Đức-Pháp-bảo cao thượng nhất, Đức-Tăng-bảo cao thượng nhất, là nơi xứng đáng dâng lễ, cúng dường đối với tất cả chúng-sinh.
Trường hợp những người ấy đến hầu đảnh lễ Đức- Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, xin thọ phép quy-y Tam-bảo với đại-thiện-tâm hợp với trí- tuệ có đối-tượng ân-đức Tam-bảo (9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo) thì quy-y Tam- bảo ấy được thành tựu và những người ấy trở thành người cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Như vậy, để thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới không phải dễ dàng, cho nên, người đến xin thọ phép quy-y Tam-bảo không những bằng đức-tin, mà còn phải có trí-tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng ân-đức Tam-bảo và cần phải có sự hiện diện của bậc thiện-trí thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật hiểu biết Phật-giáo, để chứng minh và công nhận người ấy là người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo đến trọn đời.
Khi những người ấy đã trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ được gần gũi thân cận với Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, thì họ sẽ có được nhiều cơ hội trở thành người cao thượng, có được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện- pháp cao thượng, từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện- pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp cao thượng; sự an-lạc cao thượng trong cõi người, cõi chư-thiên, cõi phạm-thiên, cuối cùng là sự an- lạc Niết-bàn cao thượng.
Cũng như những thí sinh đã trúng tuyển trong kỳ thi vào trường đại-học, thí sinh ấy trở thành sinh viên của trường đại-học ấy, họ có quyền theo học các nghành và thi tốt nghiệp ra trường, để có tương lai xán lạn hơn.
Đối với hạng phàm-nhân được thành tựu phép quy-y Tam-bảo là điều khó, mà giữ gìn, duy trì quy-y Tam-bảo cho được hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền-não, không bị đứt, thật là một điều khó hơn nữa, bởi vì, trong cuộc sống ở đời có lắm điều phiền phức ràng buộc. Cho nên, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ cần phải có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt mới có thể giữ gìn, duy trì quy-y Tam-bảo của mình được hoàn toàn trong sạch.
Quy-Y Tam-Bảo Bị Đứt – Không Bị Đứt
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch, vững chắc, không lay chuyển nơi Tam-bảo, thì chỉ có chư bậc Thánh-nhân mà thôi. Còn các hàng cận-sự- nam, cận-sự-nữ là hạng phàm-nhân, tuy có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, nhưng không vững chắc, dễ bị lay chuyển, khi gặp những trường hợp khó xử.
Nếu người cận-sự-nam, cận-sự-nữ không giữ vững đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo thì quy-y Tam-bảo dễ bị đứt, như những trường hợp sau:
* Trường hợp cận-sự-nam, cận-sự-nữ lễ bái, dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu-sĩ ngoại đạo, thì quy-y Tam-bảo bị đứt hay không?
– Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, vẫn có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Dù người ấy lễ bái, dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu-sĩ ngoại đạo, quy-y Tam-bảo vẫn không bị đứt. Thậm chí người cận-sự-nam, cận-sự-nữ còn phải có bổn phận lễ bái, dâng cúng đến cha mẹ, ông bà, Thầy tổ, những bậc hữu ân, các bô lão trong dòng họ và trong đời nữa.
Mặc dù người cận-sự-nam, cận-sự-nữ kính trọng lễ bái dâng cúng đến các bậc ấy, mà vẫn có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức- Tăng-bảo, thì quy-y Tam-bảo không bị đứt.
– Nhưng trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy nghĩ rằng: “Người thân quyến là tu-sĩ ngoại đạo này thật cao thượng, ta nên đến nương nhờ nơi người ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam-bảo”.
Nếu người ấy lễ bái, dâng cúng đến người thân quyến là tu-sĩ ngoại đạo, rồi xin nương nhờ nơi vị tu-sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam-bảo nữa thì chắc chắn quy-y Tam-bảo bị đứt , bởi vì, tâm của người ấy đã từ bỏ Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, để đi theo ngoại đạo.
* Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ lễ bái, dâng cúng đến vị thầy cũ của mình là tu-sĩ ngoại đạo, thì quy-y Tam-bảo có bị đứt hay không?
– Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, vẫn có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Dù người ấy lễ bái, dâng cúng đến vị thầy cũ của mình là tu-sĩ ngoại đạo, quy-y Tam-bảo vẫn không bị đứt, bởi vì, người ấy lễ bái, dâng cúng đến vị thầy cũ của mình do lòng biết ơn đối với vị thầy cũ. Vả lại, người ấy vẫn có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, thì quy-y Tam-bảo không thể bị đứt.
– Nhưng trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy nghĩ rằng: “Vị thầy cũ của mình là ngoại đạo thật là cao thượng, ta nên đến xin nương nhờ nơi vị thầy cũ ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam-bảo”.
Nếu người ấy lễ bái, dâng cúng đến vị thầy cũ là tu-sĩ ngoại đạo, rồi xin nương nhờ nơi vị thầy cũ tu-sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam-bảo nữa, thì chắc chắn quy-y Tam-bảo bị đứt, bởi vì tâm người ấy từ bỏ Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, để đi theo ngoại đạo.
* Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ lễ bái Đức-vua, thì quy-y Tam-bảo có bị đứt hay không?
– Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, vẫn còn có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Dù người ấy lễ bái Đức-vua, người có uy quyền trong một nước, quy-y Tam-bảo vẫn không bị đứt, bởi vì, mỗi người dân đều nương nhờ nơi Đức-vua, phải kính trọng và biết ơn Đức-vua.
* Trường hợp cận-sự-nam, cận-sự-nữ cúng dường đến chư-thiên, cầu xin chư-thiên hộ trì cho mình, thì quy-y Tam-bảo có bị đứt hay không?
– Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, vẫn có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Dù người ấy kính dâng lễ vật cúng dường đến chư- thiên, cầu xin chư-thiên hộ trì cho mình, giúp công việc gì đó được thành tựu, quy-y Tam-bảo vẫn không bị đứt, bởi vì, người ấy vẫn có đức-tin nơi Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
Trong Chi-bộ-kinh, Đức-Phật dạy pháp balī: cúng dường, dâng lễ, bố-thí, … có 5 pháp như sau:
– Ñātibalī: Bố-thí, cúng dường đến người thân quyến.
– Atithibalī: Tiếp đãi khách quý.
– Pubbapetabalī: Bố-thí hồi hướng phước-thiện đến người thân quyến đã quá vãng.
– Rājabalī: Dâng lễ, đóng thuế cho Đức-vua.
– Devatābalī: Dâng phước-thiện đến chư-thiên, …
Người nào kính yêu chư-thiên, thì chư-thiên cũng kính yêu, hộ trì lại người ấy. Như vậy, nếu những người nào có đức-tin nơi Tam-bảo, tạo mọi phước-thiện như bố-thí, giữ gìn giới trong sạch hoàn toàn, thuyết-pháp, nghe-pháp, thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, v.v … rồi dâng phần phước-thiện ấy đến chư-thiên. Tất cả chư-thiên rất hoan hỷ phần phước-thiện mà người dâng, cúng dường đến chư-thiên, thì chư-thiên luôn luôn hộ trì cho những người ấy.
Nhưng trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nào nghĩ rằng: “Ta nên nương nhờ chư-thiên, dâng lễ vật cúng dường đến chư-thiên, thì chư-thiên sẽ hộ trì giúp đỡ cho ta, hỗ trợ mọi công việc làm ăn được phát đạt, ta không nên nương nhờ nơi Tam-bảo nữa”.
Nếu người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy thực-hành theo ý nghĩ của mình, từ bỏ quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật- bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, mà theo nương nhờ chư-thiên, hằng ngày dâng lễ cúng dường đến chư-thiên, thì chắc chắn quy-y Tam-bảo của người ấy bị đứt.
Quy-Y Tam-Bảo Vững Chắc Và Không Vững Chắc
* Quy-Y Tam-Bảo Vững Chắc
Đối với chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật đã thành tựu quy-y Tam-bảo theo pháp siêu-tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana), trong kiếp hiện-tại, chư Thánh thanh-văn ấy là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo, không hề lay chuyển, chỉ có nhất tâm thành kính quy-y Tam-bảo cho đến trọn đời trọn kiếp mà thôi, không bao giờ từ bỏ Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, bởi vì trong tâm của chư Thánh-nhân không còn phiền-não nào hoài- nghi nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, nên quy-y Tam-bảo không bị ô nhiễm.
Vì vậy, kiếp hiện-tại quy-y Tam-bảo của chư bậc Thánh- nhân là cận-sự-nam, cận-sự-nữ không bao giờ bị đứt.
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, sau khi chết chắc chắn không thể tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) mà chỉ có thiện- nghiệp cho quả tái-sinh làm người, hoặc làm chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới hoặc làm phạm-thiên trong cõi trời sắc-giới, cõi trời vô-sắc-giới, tùy theo năng lực của thiện-nghiệp của bậc Thánh-nhân ấy cho quả.
Những kiếp sau của bậc Thánh-nhân ấy vẫn còn nguyên vẹn quy-y Tam-bảo theo pháp siêu-tam-giới vững chắc, khắng khít ở trong tâm, trong mọi kiếp cho đến khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết- bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Quy-Y Tam-Bảo Không Vững Chắc
Đối với các hạng-phàm nhân đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana), trong kiếp sống hiện-tại, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy có hai nhóm:
* Số người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, chỉ có nhất tâm giữ gìn duy trì quy-y Tam-bảo trọn vẹn đến trọn đời, cho đến khi chết mà thôi, đồng thời cũng là lúc quy-y Tam-bảo bị đứt, bởi vì quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới chỉ có hiệu lực trong kiếp hiện-tại mà thôi.
Vì vậy, trường hợp quy-y Tam-bảo bị đứt này vô tội (anavajja). Sau khi người cận-sự-nam, cận-sự-nữ chết, thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới (cõi người, cõi trời dục-giới, …) nào, kiếp sau làm người hoặc chư-thiên, hoặc phạm-thiên có gặp được Phật-giáo hay không, điều đó không chắc chắn.
Cho nên, trong kiếp hiện-tại, người cận-sự-nam, cận- sự-nữ phải luôn phát nguyện rằng:
– Do nhờ năng lực phước-thiện quy-y Tam-bảo này, kiếp vị-lai gặp được Đức-Phật, hoặc các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, được nghe chánh-pháp của Đức- Phật, hết lòng thành kính xin quy-y Tam-bảo.
* Số người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo rồi, trong kiếp sống hiện-tại, do năng lực phiền-não xui khiến họ từ bỏ Đức-Phật-bảo, từ bỏ Đức-Pháp-bảo, từ bỏ Đức-Tăng-bảo, để theo nương nhờ nơi đạo khác.
Như vậy, quy-y Tam-bảo bị đứt ngay khi đó, không phải chờ đến lúc chết. Đó là trường hợp quy-y Tam-bảo bị đứt mà có tội (sāvajja).
Như vậy, quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới đối với các cận-sự-nam, cận-sự-nữ còn là phàm-nhân, là quy-y Tam-bảo không vững chắc.
Nhân Làm Ô Nhiễm Quy-Y Tam-Bảo
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ còn là hạng phàm- nhân, có đức-tin nơi Tam-bảo không vững chắc, bởi vì họ vẫn còn có những phiền-não nặng nề trong tâm.
Những phiền-não là nhân làm ô nhiễm quy-y Tam- bảo như:
– Phiền-não si (moha): Tâm-si không hiểu rõ 9 ân- đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.
Đó là nhân làm ô nhiễm quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo.
– Phiền-não hoài-nghi (vicikicchā): Tâm hoài-nghi về Đức-Phật là hoài-nghi về 9 ân-đức Phật-bảo; hoài-nghi về Đức-Pháp là hoài-nghi về 6 ân-đức Pháp-bảo; hoài- nghi về Đức-Tăng là hoài-nghi về 9 ân-đức Tăng-bảo.
Đó là nhân làm ô nhiễm quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo.
– Phiền-não tà-kiến (michādiṭṭhi): Tâm tà-kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức-Phật, về 9 ân-đức Phật- bảo; tâm tà-kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức- Pháp, về 6 ân-đức Pháp-bảo; tâm tà-kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức-Tăng, về 9 ân-đức Tăng-bảo.
Đó là nhân làm ô nhiễm quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo, v.v…
Phiền-Não Phát Sinh Trong Những Trường Hợp
Trong khi đang thọ phép quy-y Tam-bảo, nếu hạng phàm-nhân có những loại phiền-não si-mê, hoài-nghi, tà-kiến ấy phát sinh, thì người ấy không thành tựu phép quy-y Tam-bảo, cũng không chính thức trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức- Phật Gotama.
Hạng phàm-nhân nào chỉ có đức-tin nơi Tam-bảo, mà không có trí-tuệ hiểu rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, thì trong khi người ấy đang thọ phép quy-y Tam-bảo với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ, tuy có đối-tượng ân-đức Tam-bảo, nhưng không hiểu rõ sâu sắc về 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, nên người ấy cũng thành tựu được phép quy-y Tam-bảo nhưng không hợp với trí-tuệ, cũng trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Tuy nhiên, về sau nếu người cận-sự-nam hoặc cận- sự-nữ này có những phiền-não phát sinh ở trong tâm sẽ là nhân làm ô nhiễm quy-y Tam-bảo của người ấy.
Nhân Làm Trong Sạch Lại Quy-Y Tam-Bảo
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ là hạng phàm-nhân đã thọ phép quy-y Tam-bảo xong rồi, về sau do phiền-não si-mê, hoài-nghi, tà-kiến làm ô nhiễm quy-y Tam-bảo của họ.
Nhờ có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện-trí khuyên nhủ, chỉ bảo, người ấy ý thức được rằng: “Phiền-não làm ô nhiễm quy-y Tam-bảo, đó là điều bất-lợi, thoái hóa trong mọi thiện-pháp, khổ não”.
Người ấy tìm đến bậc thiện-trí có giới-đức thanh-tịnh, tinh thông pháp-học Phật-giáo, giàu kinh nghiệm về pháp-hành Phật-giáo, … thỉnh Ngài thuyết giảng ân-đức Tam-bảo, quả báu của quy-y Tam-bảo.
Người ấy lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, hiểu rõ về 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân- đức Tăng-bảo, …
Đó là những pháp làm cho dễ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ nhận thức đúng đắn rằng: “Đức-Phật cao thượng, Đức-Pháp cao thượng, Đức- Tăng cao thượng”, được quy-y nương nhờ nơi Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo là nương nhờ nơi cao thượng, sẽ có được quả báu cao thượng, sẽ có được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện- pháp cao thượng, sự an-lạc Niết-bàn cao thượng.
Trước kia, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy đã quy- y Tam-bảo nhưng quy-y Tam-bảo của người ấy bị ô nhiễm do bởi phiền-não. Nay, người ấy đến gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, phát sinh trí-tuệ hiểu rõ ân-đức Tam-bảo,… phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, rồi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo lại một lần nữa, làm cho quy-y Tam-bảo của họ không còn bị ô nhiễm bởi phiền-não, quy-y Tam-bảo của họ trở nên xán lạn, càng tăng trưởng đức-tin nơi Tam-bảo.
Đó là cách làm trong sạch lại quy-y Tam-bảo.
Quy-Y Tam-Bảo Với Đức-Tin Trong Sạch
Trong bài kinh Kāraṇapāḷisutta(1) được tóm lược như sau:
Ông Bà-la-môn Kāraṇapāḷi là vị quan trông coi công việc trong Hoàng tộc Licchavi xứ Vesāli và ông Bà-la- môn Piṅgiyāni là bậc Thánh Bất-lai thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. Hai người gặp và đàm thoại với nhau, ông Bà-la-môn Piṅgiyāni tán dương ca tụng giáo-pháp của Đức-Phật.
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại tịnh xá trong khu rừng lớn gần thành Vesāli. Khi ấy, có ông Bà-la-môn Kāraṇapāḷi đi trông coi công việc bên ngoài cửa thành, nhìn thấy ông Bà-la-môn Piṅgiyāni từ xa đến bèn hỏi rằng:
Kā(2):Thưa ông Piṅgiyāni, ông đi đâu trở về trưa vậy?
Piṅ(3): Thưa ông Kāraṇapāḷi, tôi đến hầu Đức-Phật Gotama trở về.
Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông biết trí-tuệ của Sa-môn Gotama, Bậc đại-trí cao thượng có phải không?
Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāḷi, tôi chỉ là người tầm thường làm sao biết được trí-tuệ của Đức-Phật Gotama, bậc nào biết được trí-tuệ của Đức-Phật Gotama, chắc chắn bậc ấy phải là Đức-Phật như Đức-Phật Gotama.
Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, tôi nghe nói rằng: Ông thường tán dương ca tụng Sa-môn Gotama lắm phải không?
Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāḷi, tôi chỉ là người tầm thường có biết gì về Đức-Phật Gotama mà dám tán dương ca tụng Ngài, chỉ có chư-thiên, chư phạm-thiên, các bậc thiện-trí thường tán dương ca tụng Đức-Phật Gotama là Bậc Tối- Thượng trong tất cả mọi chúng-sinh, nhân-loại, chư- thiên, chư phạm-thiên, chư Sa-môn, Bà-la-môn cả thảy.
Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông đã nhận thấy sự lợi ích thế nào mà ông có đức-tin trong sạch nơi Sa-môn Gotama đến như thế ấy?
Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāḷi, ví như một người đã ăn uống no đủ những món vật thực ngon lành có hương vị hảo hạng rồi, thì người ấy không còn thèm muốn những món vật thực dở, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Gotama như bài kinh, bài kệ, bài pháp xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy không còn muốn nghe lời dạy của Sa-môn, Bà-la-môn khác, cũng như thế ấy.
Cũng ví như người đang đói khát, mệt lả, gặp một tổ ong đầy mật, người ấy uống mật ong nguyên chất không pha trộn thứ khác, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Gotama như bài kinh, bài kệ, bài pháp xuôi, hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy phát sinh tâm hỷ lạc, có đức- tin trong sạch nơi Đức-Phật Gotama, cũng như thế ấy.
Cũng ví như người đi tìm được cây trầm vàng hoặc cây trầm đỏ, người ấy ngửi rễ trầm, thân cây trầm, ngọn cây trầm cảm thấy mùi thơm tho, mát dịu, dễ chịu như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh- pháp của Đức-Phật Gotama như bài kinh, bài kệ, bài pháp xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy cảm thấy hài lòng tâm vô cùng hoan hỷ, cũng như thế ấy.
Cũng ví như người mắc phải bệnh trầm kha lâu năm đau khổ, nhưng diễm phúc gặp được vị lương y tài giỏi điều trị khỏi căn bệnh ấy, người ấy sống được an-lạc, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh- pháp của Đức-Phật Gotama như bài kinh, bài kệ, bài pháp xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy diệt được sự sầu não, khóc than, khổ tâm, khổ thân, sự thống khổ cùng cực, cũng như thế ấy.
Cũng ví như một hồ nước trong trẻo, sạch sẽ, mát mẻ, bến nước lài thoai thoải, cảnh đẹp nên thơ, một người đi đường xa, trời nắng, mệt mỏi, khát nước, đi lần đến hồ nước ấy, xuống hồ uống nước, tắm rửa sạch sẽ, hết khát, hết mệt, diệt được sự nóng nảy, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Gotama như bài kinh, bài kệ, bài pháp xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy cảm thấy diệt được phiền-não nóng nảy trong tâm, tâm được thanh-tịnh vắng lặng, cũng như thế ấy, …
Lắng nghe ông Bà-la-môn Piṅgiyāni thuyết giảng sự lợi ích chánh-pháp của Đức-Phật Gotama, ông Bà-la- môn Kāraṇapāḷi đứng dậy mặc áo chừa vai bên phải, quỳ xuống đất chắp hai tay hướng về Đức-Thế-Tôn đang ngự, thốt lên lời tôn kính 3 lần:
– Namo Tassa Bhagavato Arahato Samāsambuddhassa.
– Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, …
Ông ca tụng ông Bà-la-môn Piṅgiyāni rằng:
– Thưa ông Piṅgiyāni, lời giảng giải của ông thật rõ ràng quá, làm tôi vô cùng hoan hỷ. Ông đã giảng giải bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối, để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ mọi vật hiện hữu.
Tiếp theo ông Bà-la-môn Kāraṇapāḷi xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng lời chân thật rằng:
– Esāhaṃ Bho Piṅgiyāni taṃ Bhagavantaṃ Gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakam maṃ bhavaṃ Piṅgiyāni dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Kính thưa ông Piṅgiyāni, xin ông chứng minh lời chân thật của tôi rằng: “Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn Gotama, xin quy-y Đức-Pháp- bảo, xin quy-y chư tỳ-khưu Tăng-bảo”.
Kính xin ông Piṅgiyāni công nhận tôi là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo cao thượng, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Sau khi ông Bà-la-môn Kāraṇapāḷi xin thọ phép quy- y Tam-bảo, trước sự hiện diện chứng minh, công nhận của Ông Bà-la-môn Piṅgiyāni, như vậy, ông Bà-la-môn Kāraṇapāḷi đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo, đã trở thành người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo, ngay khi ấy.