Đề-Mục Niệm-Niệm 9 Ân-Đức Phật-Bảo (Buddhānussati)

9 ân-đức Phật-bảo là đối-tượng của đề-mục niệm- niệm ân-đức Phật-bảo. Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo là 1 trong 10 đề-mục niệm-niệm (anussati) cũng là 1 trong 40 đề-mục thiền-định.

Muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật- bảo, trước tiên, hành-giả cần phải học hỏi cho hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo kỹ càng từng các chi pháp về phần pháp-học.

Phần pháp-hành, trước khi thực-hành đề-mục niệm- niệm 9 ân-đức Phật-bảo, hành-giả nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo.

–     Nếu là cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới hoặc bát giới, cửu giới, …

–   Nếu là vị Sa-di thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và Sa-di thập giới với vị Thầy tế độ hoặc với một vị Đại-đức.

–   Nếu là vị tỳ-khưu thì nên xin sám hối āpatti với một vị tỳ-khưu khác.

Như vậy, hành-giả là người có giới thuộc về phần pháp-hành giới làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo.

Phương Pháp Niệm-Niệm Ân-Đức Phật-Bảo

9 ân-đức này chỉ có nơi Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi. Ngoài Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác ra, không có Đức-Phật Độc-Giác, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư-thiên, chư phạm-thiên nào có đầy đủ 9 ân-đức này. Vì vậy, gọi là 9 ân-đức Phật-bảo.

Chư Phật trong quá khứ, Đức-Phật trong hiện-tại, Chư Phật trong vị-lai đều có đầy đủ 9 ân-đức này.

Để dễ liên tưởng đến 9 ân-đức Phật-bảo, hành-giả nên ngồi trước tượng Đức-Phật hoặc trước ngôi Bảo- tháp nơi tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật, hoặc tại cội Đại- Bồ-đề nơi Đức-Bồ-Tát chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc một nơi thanh vắng, để thuận lợi thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo. Niệm 9 ân-đức Phật-bảo có nhiều cách:

– Cách thứ nhất (phổ thông): Niệm trọn vẹn 9 ân-đức Phật-bảo.

Hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo như sau:

“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārat hi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”, …

Hành-giả thực-hành tâm niệm đến ân-đức Phật-bảo nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Phật- bảo ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-đức Phật-bảo như  vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời  gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo.

– Cách thứ nhì: Niệm một câu ân-đức Phật-bảo.

Hành-giả có thể chọn một câu ân-đức Phật-bảo nào trong 9 ân-đức Phật-bảo làm đối-tượng, để thực-hành niệm-niệm ân-đức Phật-bảo ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Phật-bảo ấy, luôn luôn định-tâm nơi ân-đức Phật-bảo ấy.

Ví dụ: Niệm ân-đức Phật-bảo thứ nhất Itipi so Bhagavā Arahaṃ, … Itipi so Bhagavā Arahaṃ, …

Hoặc: Niệm ân-đức Phật-bảo thứ tám Itipi so Bhagavā Buddho, … Itipi so Bhagavā Buddho, …

Hoặc: Niệm ân-đức Phật-bảo thứ chín Itipi so Bhagavā Bhagavā, … Itipi so Bhagavā Bhagavā, …

Hành-giả thực-hành tâm niệm câu ân-đức Phật-bảo, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Phật- bảo ấy, định-tâm theo dõi ân-đức Phật-bảo ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo.

– Cách thứ ba: Niệm một danh từ ân-đức Phật-bảo.

Hành-giả có thể chọn một danh từ ân-đức Phật-bảo nào trong 9 ân-đức Phật-bảo làm đối-tượng, để thực- hành niệm ân-đức Phật-bảo ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của danh từ ân-đức Phật-bảo ấy, luôn luôn định-tâm nơi ân-đức Phật-bảo ấy.

Ví dụ: Niệm-niệm Arahaṃ, … Arahaṃ, … Arahaṃ, …

Hoặc: Niệm-niệm Buddho, … Buddho, … Buddho, …

Hoặc: Niệm-niệm Bhagavā,… Bhagavā, … Bhagavā,…

Hành-giả thực-hành tâm niệm danh từ ân-đức Phật- bảo, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Phật-bảo ấy, định-tâm theo dõi ân-đức Phật-bảo ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm ân-đức Phật-bảo ấy, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo.

Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo mà đức- tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện- pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.

Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo là đề-mục-thiền định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được. Vì vậy, đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.

Cho nên, tâm cận-định này vẫn còn là dục-giới thiện- tâm.

*     Tuy nhiên, đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo này không chỉ là pháp-hành thiền-định có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà tâm cận-định còn là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, diệt tận tham- ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được nữa. Như Đức-Phật dạy:

–    Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc- pháp, để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng- thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Pháp-hành ấy là pháp-hành gì ?

–    Pháp-hành ấy là Buddhānussati: Pháp-hành niệm- niệm 9 ân-đức Phật-bảo.

–    Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, để diệt tận  tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng- thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn”(1)

Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo, không chỉ là đề-mục thiền-định, mà còn làm nền tảng để thực-hành pháp- hành thiền-tuệ nữa. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 9 ân- đức Phật-bảo có 2 giai đoạn:

–    Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật- bảo thuộc về pháp-hành thiền-định mà hành-giả thực- hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo có khả năng dẫn đến cận-định (upacārasamādhi) (phương-pháp đã trình bày).

–    Giai đoạn sau: Sau khi hành-giả đã thực-hành đề- mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo đã đạt đến cận-định, nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, thì cần phải có ngũ-uẩn hoặc danh-pháp, sắc-pháp làm đối- tượng thiền-tuệ.

Pháp-Hành Thiền-Tuệ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cần  phải có đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp trong pháp-hành tứ niệm-xứ: thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ, hoặc danh-pháp, sắc-pháp đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) làm đối-tượng- thiền-tuệ.

Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?

Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp, thì không có hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo mà chỉ có dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo đạt đến cận- định mà thôi.

*   Phân Tích Theo Ngũ-Uẩn

Tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, thuộc về thức-uẩn.

Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về thọ-uẩn.

Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về tưởng-uẩn.

–   Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về hành-uẩn.

–    Sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi nương nhờ để phát sinh dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc sắc uẩn.

Ngũ-uẩn này thuộc về phần pháp niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ.

Như vậy, ngũ-uẩn này là 1 trong 5 đối-tượng trong phần pháp-niệm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ, hoặc ngũ-uẩn, hoặc danh-pháp, sắc-pháp này cũng là đối- tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

*   Phân Tích Theo Danh-Pháp, Sắc-Pháp

–     Tâm cận-định này thuộc về phần tâm niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ, và tâm cận-định là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niêm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ.

Tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp- hành thiền-tuệ.

–    Tâm cận-định này nương nhờ nơi sắc-ý-căn (hadayavatthu) thuộc về sắc-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Như vậy, tâm cận-định này là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niệm-xứ, hoặc tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh- niệm, có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn hoặc danh-pháp, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của ngũ-uẩn, hoặc danh-pháp, sắc-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Cho nên, tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân- đức Phật-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như Đức-Phật dạy:

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo, mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”

Quả Báu Đặc Biệt Niệm-Niệm 9 Ân-Đức Phật-Bảo

Hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo, trong kiếp hiện-tại, nếu chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, chưa trở thành bậc Thánh-nhân thì hành-giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện-tại và nhiều kiếp vị-lai như sau:

–   Được phần đông chúng-sinh kính trọng.

–   Có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.

–  Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.

–   Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp này cho quả tái-sinh làm người cao quý hoặc chư-thiên cao quý.

–  Tái-sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng-sinh cao quý.

–   Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

–   Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.

–   Thân có mùi thơm toả ra.

–   Miệng có mùi thơm toả ra.

–   Có trí-tuệ nhiều.

–   Có trí-tuệ sâu sắc.

–   Có trí-tuệ sắc bén.

–   Có trí-tuệ nhanh nhẹn.

–   Có trí-tuệ phong phú.

–   Có trí-tuệ phi thường.

–   Nói lời hay có lợi ích, …

–   Kiếp vị-lai có duyên lành gặp Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, …

Đó là những quả báu phát sinh từ thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức-Phật.

Nhận Xét Về Đề-Mục Niệm-Niệm Ân-Đức Phật-Bảo

Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo là một đề-mục thiền-định chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo này dễ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo.

Đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo có tầm quan trọng làm nền tảng cho tất cả mọi thiện-pháp được phát triển từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến Siêu-tam-giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Ban Đầu Có Đức-Tin, Sau Càng Vững Chắc

Có số người, ban đầu nghe đến danh hiệu Buddho: Đức-Phật, liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức- Phật, phát sinh hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

*   Như trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇḍika(1): Khi nghe ông phú hộ kinh-thành Rājagaha nói đến  danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” ông phú hộ Anāthapiṇḍika liền phát sinh thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, muốn đến hầu đảnh lễ Đức-Phật ngay, nhưng ban đêm không phải thời, ông chờ đợi đến sáng.

Trong lúc nằm ông niệm tưởng đến “Buddho: Đức- Phật” nên đại-thiện-tâm phát sinh ánh sáng, ông tưởng gần sáng, liền thức dậy, ông đến hầu đảnh lễ Đức-Phật vào canh chót đêm ấy. Đức-Phật thuyết pháp tế độ ông phú hộ, ông lắng nghe chánh-pháp liền chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập- lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

*      Trường hợp Đức-vua Mahākappina(2) cùng với 1.00 quan cận thần, khi gặp nhóm người lái buôn từ kinh-thành Sāvatthī, Đức-vua truyền hỏi nhóm lái buôn ấy ở kinh-thành Sāvatthī có tin lành gì không ?

Nhóm lái buôn tâu lên Đức-vua rằng:

–    Buddho uppanno: Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian. Đức-vua lắng nghe danh hiệu “Buddho: Đức- Phật” liền phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có.

–   Dhammo uppanno: Đức-Pháp đã xuất hiện trên thế gian. Đức-vua lắng nghe danh hiệu “Dhammo: Đức- Pháp” liền phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có.

–    Saṃgho uppanno: Đức-Tăng đã xuất hiện trên thế gian. Đức-vua lắng nghe danh hiệu “Saṃgho: Đức- Tăng” liền phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có.

Đức-vua Mahākappina ban thưởng cho nhóm lái buôn mỗi tin lành 100 ngàn kahāpana, 3 tin lành gồm có 300 ngàn kahāpana (một số tiền rất lớn của thời ấy), được ghi trên tấm thẻ, rồi trao cho nhóm lái buôn, truyền bảo rằng:

–   Này các ngươi! Các ngươi hãy đem tấm thẻ này đến trình với Chánh-cung Hoàng-hậu Anojā, để lĩnh thưởng 300 ngàn kahāpana.

Đức-vua Mahākappina không chịu hồi cung, mà từ đó Đức-vua ngự đến hầu Đức-Phật cùng 1.000 quan cận thần.

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, Đức-vua cùng 1.000 quan cận thần liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đức-vua Mahākappina cùng với 1.000 quan cận thần kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu, rồi chứng đắc từ Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh- quả và Niết-bàn, cho đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng tứ tuệ-phân-tích, lục-thông tại nơi ấy, v.v…

Ban Đầu Không Có Đức-Tin, Sau Phát Sinh Đức-Tin

Có số người ban đầu nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh ác-tâm, muốn tìm đến tranh tài, đấu trí với Đức-Phật.

*    Như trường hợp ông Bà-la-môn Bhāradvāja(1) đến tìm Đức-Phật để tranh tài đấu trí. Nhưng sau khi ông lắng nghe, hiểu rõ chánh-pháp của Đức-Phật, mới phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, kính xin Ngài cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Tỳ-khưu Bhāradvāja tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

*    Trường hợp ông Bà-la-môn Akkosaka(2) nghe tin người anh là Bà-la-môn Bhāradvāja đã xuất gia theo Đức-Phật, ông Bà-la-môn Akkosaka nổi cơn giận dữ, tìm đến gặp Đức-Phật, chửi mắng, hăm dọa Đức-Phật. Nhưng sau khi ông lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, hiểu rõ chánh-pháp của Đức-Phật, mới phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, kính xin Ngài cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Tỳ-khưu Akkosaka tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

* Trường hợp kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla(1) nhìn thấy Đức-Phật liền đuổi theo để giết Đức-Phật, đến khi kiệt sức đứng lại, y bảo Đức-Phật hãy dừng lại, nhưng Đức-Phật không dừng mà vẫn bước đi khoan thai, Đức- Phật đáp rằng:

– Này Aṅgulimāla! Như-lai đã dừng lâu rồi. Chính con mới là người chưa chịu dừng lại.

Nghe Đức-Phật vừa đi vừa truyền dạy như vậy, Aṅgulimāla vô cùng ngạc nhiên, rồi suy nghĩ rằng:

Sa-môn dòng Sakya thường nói sự-thật, làm như thế nào, nói như thế ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy.

Trong khi Sa-môn đang bước đi mà nói rằng: “Như- lai đã dừng lâu rồi.” Còn ta đã dừng lại rồi, thì ông nói rằng: “Chính con mới là người chưa chịu dừng lại.” Như thế nghĩa là sao!

Aṅgulimāla bèn hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:

–   Này ông Sa-môn, sự-thật rõ ràng ông đang bước đi, mà lại nói: “Như-lai đã dừng lâu rồi.” Còn tôi đã dừng chân lại rồi, nhưng ông lại nói: “Chính con mới là người chưa chịu dừng lại.” Như vậy, nghĩa là sao?

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng Aṅgulimāla rằng:

–    Này Aṅgulimāla! Thật vậy, Như-lai đã dừng từ lâu rồi, nghĩa là Như-lai đã từ bỏ sự sát hại chúng-sinh từ lâu rồi. Còn con chưa chịu từ bỏ sự sát hại chúng-sinh. Vì vậy, Như-lai mới nói rằng: “Chính con mới là người chưa chịu dừng lại.”

Khi lắng nghe Đức-Phật trả lời câu hỏi, y liền thức tỉnh, ném bỏ khí giới, đến hầu đảnh lễ dưới bàn chân của Đức-Phật, rồi xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Về sau, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

* Trường hợp Đức-Phật ngự đến lâu đài của Dạ-xoa Āḷavaka(1), ngự trên bảo tọa của y. Nghe tin như vậy, Dạ-xoa Āḷavaka liền nổi cơn giận dữ, trở về dùng mọi phép mầu nguy hiểm để xua đuổi Đức-Phật, nhưng y hoàn toàn bất lực. Cuối cùng y có một câu kệ khó, mà từ lâu y quên hẳn câu trả lời, y đem câu kệ ấy đặt điều kiện hỏi Đức-Phật.

Nếu Đức-Phật không giải đáp được thì Đức-Phật phải rời khỏi pháp toạ của y. Đức-Phật đã giải đáp đúng ý nghĩa sâu sắc của câu kệ, làm cho Dạ-xoa Āḷavaka vô cùng hoan hỷ. Ngay khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh Nhập-lưu có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Đức- Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, …

Vậy, do nguyên nhân nào, ban đầu có một số người vừa nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, nghe chánh-pháp trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Ngài?

Và có số người ban đầu vừa nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh tâm sân, bực tức, nhưng sau đó, họ lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, hiểu rõ chánh-pháp của Đức-Phật, mới phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật và trở thành bậc Thánh thanh- văn đệ-tử của Đức-Phật ?

Nhận xét thấy rằng:

*    Nhóm người thứ nhất đặt trọng tâm nơi Đức-Phật, cho nên, khi họ lắng nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức- Phật” liền phát sinh thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, đến hầu đảnh lễ Ngài, lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp tế độ, rồi họ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, liền dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Ngài.

*    Nhóm người thứ nhì đặt trọng tâm nơi Đức-Pháp, cho nên khi họ lắng nghe hiểu rõ chánh-pháp của Đức- Phật mới phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Như vậy, đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo là một đề-mục thiền-định dễ phát sinh đức-tin nơi Đức- Phật. Nếu hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân- đức Phật-bảo trở thành thói quen, được tích lũy trong tâm trải qua thời gian lâu dài từ những kiếp quá-khứ, thì nay kiếp hiện-tại này, khi nghe danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh thiện-tâm hỷ lạc, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.

Nếu kiếp hiện-tại, hành-giả thường tinh-tấn thực- hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo thì cũng dễ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ có đức-tin nơi Đức-Phật, mọi thiện-pháp được phát triển và tăng  trưởng tốt, đem lại sự an-lạc cả trong kiếp hiện-tại, lẫn nhiều kiếp trong vị-lai.

Phân Tích Niệm 9 Ân-Đức Phật-Bảo

Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác có 9 ân-đức, được phân tích ra từng mỗi ân-đức Phật-bảo như sau:

1-   Itipi so Bhagavā Arahaṃ,

2-   Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho,

3-   Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇasampanno,

4-   Itipi so Bhagavā Sugato,

5-   Itipi so Bhagavā Lokavidū,

6-   Itipi so Bhagavā Anuttaro purisadammasārathi,

7-   Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ,

8-   Itipi so Bhagavā Buddho, 9- Itipi so Bhagavā Bhagavā.

Hành-giả niệm chữ nào, hiểu rõ ý nghĩa của mỗi chữ ấy; niệm câu nào, hiểu rõ chi pháp của câu ấy; và niệm ân-đức Phật-bảo nào, hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Phật-bảo ấy. Hành-giả chắc chắn sẽ phát sinh đức-tin trong sạch và sâu sắc nơi Tam-bảo.

Đề-mục thiền-định niệm-niêm 9 ân-đức Phật-bảo có ý nghĩa vô cùng vi-tế, sâu sắc rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được. Cho nên, đề-mục niệm- niệm 9 ân-đức Phật-bảo này chỉ có khả năng dẫn đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), do đó không chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.

Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn là dục-giới thiện- tâm, song có một tầm quan trọng rất lớn trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Thật vậy, trong tất cả 40 đề-mục thiền-định đều đạt đến cận-định (upacārasamādhi) cả thảy, chỉ có một số đề-mục thiền-định có khả năng dẫn đạt đến an-định (appanāsamādhi), để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới mà thôi.

Trong tất cả 40 đề-mục thiền-định ấy, có những đề-mục thiền-định trong Phật-giáo và ngoài Phật-giáo. Song đề- mục niệm-niệm 9 ân-đức Phật-bảo, đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo, đề-mục niệm tưởng ân-đức Niết-bàn chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app