Nội Dung Chính
- 7- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Bảy: Satthā devamanussānaṃ
- 8- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Tám: Buddho
- 9- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Chín: Bhagavā
7- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Bảy: Satthā devamanussānaṃ
Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Xặt-tha Đê-voá-má- nút-xa-năng)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc Thầy của nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên, …
– Satthā devamanussānaṃ: Do đó Đức-Thế-Tôn có ân-đức Thiên-Nhân-Sư.
Sự Lợi Ích An-Lạc Kiếp Hiện-Tại
Đức-Thế-Tôn giáo huấn chúng-sinh thực-hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại(1).
4 pháp là:
– Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, công việc.
– Biết giữ gìn của cải tài sản.
– Có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện-trí.
– Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình.
Giải thích:
1- Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, trong công việc như thế nào?
Trong cuộc sống mỗi người nên chọn cho mình một nghề nghiệp lương thiện(2), không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ cả mình lẫn cả người. Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp ấy, trong công việc ấy, có trí-tuệ hiểu biết chuyên môn trong nghề nghiệp để tạo ra nhiều của cải tài sản cho mình.
2- Biết giữ gìn của cải tài sản như thế nào?
Của cải tài sản được tạo ra do đức tính siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, trong công việc một cách hợp pháp. Người ấy nghĩ rằng: “Ta nên giữ gìn cẩn thận những của cải tài sản này, tránh không để lửa cháy, nước ngập lụt cuốn trôi, bọn trộm cướp chiếm đoạt, … giữ gìn của cải tài sản không bị hư mất”.
3- Có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện-trí như thế nào?
Muốn được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài, cần phải sống gần gũi, thân cận với bậc thiện-trí, làm bạn thân thiết, để học hỏi những thiện-pháp, ác-pháp, để biết thiện-pháp nên hành, ác-pháp nên tránh xa, để noi gương tốt của bậc thiện-trí.
Bậc thiện-trí là người có đức-tin chân-chánh, có giới- hạnh đầy đủ trọn vẹn, là bậc đa-văn túc-trí, học nhiều hiểu rộng, có trí-tuệ sáng suốt, hiểu biết các pháp, là bậc thường hoan hỷ trong sự bố-thí.
Nhờ gần gũi, thân cận bạn lành bạn tốt là bậc thiện- trí, nên mình mới có cơ hội học hỏi, để có đức-tin trong sạch, có giới-hạnh, có trí-tuệ hiểu biết các pháp, hoan hỷ trong sự bố-thí. Và học hỏi hiểu biết nhân làm cho phát triển của cải và nhân làm của cải tiêu hao(1).
4- Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình như thế nào?
Biết sử dụng của cải có chừng mực trong cuộc sống:
– Không nên phung phí của cải quá mức.
– Không nên hà tiện quá mức.
Nên nghĩ rằng: “Phần thu của ta hơn phần chi, hoặc phần chi của ta kém hơn phần thu”.
Trong cuộc sống, nếu phần thu tiền bạc của cải nhiều hơn mức phần chi thì tiền bạc của cải còn có phần dư dật, để dành lúc bệnh hoạn ốm đau, lúc tuổi già, sức yếu không thể tạo ra của cải được, nhờ có của cải tiền bạc dư dật thì cuộc sống mới được an-lạc.
Ngược lại, nếu phần chi tiền bạc, của cải nhiều hơn mức phần thu, thì tiền bạc, của cải bị thiếu thốn, nên cuộc sống lâm vào cảnh túng thiếu khổ cực. Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình là lúc nào cũng “phần thu hơn phần chi”.
Đó là 4 pháp thực-hành đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.
Sự Lợi Ích An-Lạc Những Kiếp Vị-Lai
Đức-Thế-Tôn giáo huấn chúng-sinh thực-hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc những kiếp vị-lai.
4 pháp là:
– Có đức-tin trọn vẹn.
– Có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn.
– Có sự bố-thí trọn vẹn.
– Có trí-tuệ trọn vẹn.
Giải thích:
1- Có đức-tin trọn vẹn như thế nào?
Các hàng thanh-văn đệ-tử có đức-tin trong sạch nơi 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng- bảo; có đức-tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Có đức-tin trong sạch, nơi 9 ân-đức Phật-bảo rằng:
“Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 9 ân-đức là:
– Đức A-ra-hán xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên.
– Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh.
– Đức Minh-Hạnh-Túc trọn đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng,
– Đức Thiện-Ngôn giáo huấn sự thật chân-lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
– Đức Thông-Suốt Tam-Tổng-Pháp.
– Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng-sinh.
– Đức Thiên-Nhân-Sư.
– Đức-Phật tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, rồi giáo huấn chúng-sinh có phước duyên cũng chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế y theo Ngài, …
– Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất trong toàn cõi tam- giới chúng-sinh, do thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp- hạnh ba-la-mật”.
Và có đức-tin trong sạch nơi 6 ân-đức Pháp-bảo, nơi 9 ân-đức Tăng-bảo.
Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử có đức-tin hoàn toàn nơi nghiệp và quả của nghiệp rằng: “Thiện-nghiệp cho quả an-lạc, ác-nghiệp cho quả khổ”.
Ngoài nghiệp ra, không tin một ai có khả năng cho quả an-lạc hoặc cho quả khổ cho mình.
2- Có giới trong sạch và trọn vẹn như thế nào?
Các hàng thanh-văn đệ-tử là bậc xuất-gia hoặc hàng tại gia cư-sĩ, là người có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn theo phẩm hạnh của mình.
– Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có ngũ-giới, hoặc bát- giới, … trong sạch và trọn vẹn.
– Bậc Sa-di có 10 Sa-di giới, 10 pháp hoại, 10 pháp- hành phạt, 75 điều học, 14 pháp-hành, … trong sạch và trọn vẹn.
– Bậc Tỳ-khưu có 227 giới, 14 pháp-hành, giới kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều giới trong sạch.
3- Sự bố-thí trọn vẹn như thế nào?
Các hàng thanh-văn đệ-tử có tâm từ, tâm bi tế độ, hoan hỷ trong sự bố-thí tùy theo khả năng của mình, có tác-ý thiện-tâm trong sạch hoan hỷ trước khi bố-thí, hoan hỷ đang khi bố-thí, hoan hỷ sau khi đã bố-thí xong.
Các hàng thanh-văn đệ-tử không nên có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải và sự hiểu biết của mình, có ít thì bố-thí ít, có nhiều thì bố-thí nhiều tùy theo khả năng, tùy theo người thọ thí.
Người thí-chủ nên có sự suy tư đúng đắn rằng: “Được làm phước-thiện bố-thí là một cơ hội tốt cho mình, bởi vì của cải, tiền bạc là quả của phước-thiện bố-thí, không chắc là của riêng mình. Nếu ta biết sử dụng của cải ấy đem làm phước-thiện bố-thí thì chính phước-thiện ấy chắc chắn thuộc của riêng mình, sẽ cho quả báu an-lạc trong kiếp hiện-tại, và nhiều kiếp vị-lai, có tính bền vững lâu dài.
Hơn nữa, cơ hội thuận lợi làm phước-thiện bố-thí chỉ có con người ở cõi Nam-thiện-bộ-châu (trái đất chúng ta đang sống) này mà thôi. Các chúng-sinh ở cõi khác khó hoặc không có cơ hội thuận lợi làm phước-thiện bố-thí. Vì vậy, chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội bố-thí”.
4- Có trí-tuệ trọn vẹn như thế nào?
Mỗi khi các hàng thanh-văn đệ-tử tạo mọi phước- thiện như bố-thí, giữ-giới, hành thiền với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ thì gọi là có trí-tuệ trọn vẹn.
Thật ra, có trí-tuệ trọn vẹn là có trí-tuệ-thiền-tuệ trong tam-giới thấy rõ, biết rõ, sự sinh, sự diệt của danh- pháp, sắc-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, và tiếp theo có trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo-tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ đồng sinh trong 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có Niết-bàn làm đối-tượng. Hành-giả trở thành bậc Thánh-nhân.
Đó là 4 pháp thực-hành sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho kiếp hiện-tại, lẫn nhiều kiếp vị-lai.
Sự Lợi Ích An-Lạc Cao thượng Niết-Bàn
Đức-Thế-Tôn có 2 loại trí-tuệ đặc biệt:
* Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng-sinh.
* Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phiền-não ngủ ngầm của mỗi chúng-sinh.
Hai loại trí-tuệ đặc biệt này chỉ có nơi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi, còn các bậc Thánh thanh- văn hoàn toàn không thể có 2 loại trí-tuệ này. Cho nên, mỗi khi Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ các chúng-sinh nào, Ngài suy xét căn duyên của các chúng-sinh ấy.
Chúng-sinh nào đã từng tạo ba-la-mật nhiều đời, nhiều kiếp trong quá-khứ, đã từng gặp Chư Phật ở quá- khứ thọ ký rồi.
Nay kiếp hiện-tại này đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết pháp giáo huấn hợp với căn duyên của các chúng-sinh ấy.
Sau khi lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết pháp xong, chắc chắn các chúng-sinh ấy liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, rồi chứng đắc như sau:
– Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Để trở thành mỗi bậc Thánh-nhân là hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đầy đủ của các pháp-hạnh ba-la-mật và nhất là 5 pháp-chủ (indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi bậc Thánh-nhân đã tích-luỹ từ những kiếp quá-khứ và kiếp hiện-tại này.
Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ chúng-sinh không những nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài, mà còn có loài súc-sinh cũng được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài nữa.
Như tích Maṇḍūkadevaputta(1) (Chư-thiên ếch), được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự đến bờ hồ Gaggarā thuyết pháp tế độ dân chúng Campā. Một con ếch nhảy lên bờ hồ, nằm nghe giọng phạm-âm của Đức-Thế-Tôn, với đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn.
Khi ấy, một người chăn bò đứng đằng sau, lắng nghe pháp, tay cầm cây nhọn, vô ý cắm xuống đất đụng phải đầu con ếch đang nằm lắng nghe giọng phạm-âm của Đức- Thế-Tôn với đức-tin trong sạch, con ếch chết ngay khi ấy.
Sau khi chết, do đại-thiện-nghiệp ấy cho quả liền hóa- sinh làm thiên-nam ở cõi Tam-thập-tam-thiên trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có chư-thiên-nữ hầu hạ. Vị thiên-nam suy xét: “Ta từ đâu đến hóa-sinh làm thiên-nam ở cõi Tam-thập-tam-thiên này?”
Vị thiên-nam nhớ lại tiền-kiếp mình là loài ếch, sống dưới hồ Gaggarā, lên bờ nằm lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp với đức-tin trong sạch, kiếp ếch ấy chết rồi, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả được hóa-sinh làm thiên- nam ở cõi trời này.
Thấy rõ Đức-Thế-Tôn đang còn thuyết pháp tại gần bờ hồ Gaggarā, vị thiên-nam ếch quyết định hiện xuống hầu Đức-Phật, còn đem theo lâu đài bằng vàng cùng các thiên-nữ, có hào quang sáng ngời, đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn. Đức-Thế-Tôn biết rõ, nhưng muốn cho các hàng thanh-văn đệ-tử thấy rõ quả báu nghe pháp, nên Đức-Thế-Tôn hỏi:
“Ko me vandāti padāni, iddhiyā yasasā jalaṃ.
Abhikkantena vaṇṇena, sabbā obhāsayaṃ disā.”
“Này thiên-nam! Ngươi là ai đến đây?
Có thân hình đẹp hào quang sáng ngời,
Tỏa ra mọi hướng, có nhiều oai lực,
Các thiên-nữ xinh đẹp theo hầu hạ,
Đảnh lễ dưới bàn chân của Như-Lai”.
Chư-thiên ếch bạch rằng:
“Maṇḍūko’ haṃ pure asiṃ, udake vārigocaro.
Tava dhammaṃ suṇantassa, avadhi vacchapālako…”
“- Kính bạch Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất,
Con tên là thiên-nam Măn-đu-ká,
Mới kiếp trước đây là con ếch nhỏ,
Sinh ra và sống ở tại hồ này,
Con nhảy lên đang nghe pháp của Ngài,
Người chăn bò đứng nghe pháp vô ý,
Cắm cây gậy đụng đầu, làm con chết.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất, Trong khoảnh khắc nghe pháp với đức-tin, Nơi giọng phạm âm của Đức-Thế-Tôn.
Sau khi con chết, nhờ thiện-nghiệp ấy, Cho quả hóa-sinh được làm thiên-nam. Như Ngài nhìn thấy thân hình con đẹp,
Có hào quang sáng ngời tỏa muôn phương, Có nhiều oai lực, hưởng mọi an-lạc,
Các thiên-nữ xinh đẹp hầu hạ con.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất, Chúng-sinh nào có duyên lành nghe pháp, Chúng-sinh ấy được chứng ngộ chân-lý,
Chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, Được giải thoát khổ tử sinh luân-hồi.”
Sau đó, Đức-Thế-Tôn xem xét thấy các hàng thanh- văn đệ-tử có đức-tin trong sạch, nên Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ vị thiên-nam Maṇḍuka cùng với 84.000 chúng-sinh gồm có nhân-loại và chư-thiên đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, …
Vị thiên-nam Maṇḍuka cùng chư-thiên-nữ cung kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức-Tăng xin phép trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Đức-Thế-Tôn không những dạy dỗ các bậc xuất-gia, các hàng tại gia những pháp-hành, để chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, an-lạc tuyệt đối, mà còn dạy dỗ những pháp-hành, để đem lại sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai, tùy theo căn duyên của mỗi chúng-sinh.
Đức-Phật chỉ dạy hàng tại gia phải biết chọn cho mình nghề nghiệp lương thiện, biết cách sử dụng của cải, biết nuôi mạng chân-chánh để đem lại sự an-lạc trong kiếp sống hiện-tại.
Đức-Phật chỉ dạy các bậc xuất-gia: Sa-di, Tỳ-khưu, chỉ dẫn từng li, từng tí, như là mặc y, đi khất thực, thọ dụng vật thực đàng hoàng, chỗ ở sạch sẽ, dùng thuốc khi bệnh hoạn ốm đau, thậm chí còn chỉ dạy khi tiểu tiện, đại tiện, … Đức-Thế-Tôn dạy dỗ các hàng thanh-văn đệ- tử từ việc nhỏ cho đến việc lớn giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Satthā deva- manussānaṃ: Đức Thiên-nhân-sư.
Niệm Ân-Đức Satthā Devamanussānaṃ
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo niệm “ân-đức Satthā devamanussānaṃ” này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế-Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Satthā devamanussānaṃ như sau:
Câu ân-đức Satthā devamanussānaṃ rằng: “Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ, … Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ, … Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Satthā devamanussānaṃ rằng: “Satthā devamanussānaṃ, … Satthā devamanussānaṃ … Satthā devamanussānaṃ, …” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm Ân-đức Satthā devamanussānaṃ này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ)
8- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Tám: Buddho
Itipi so Bhagavā Buddho.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Bút-thô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, rồi Đức- Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có phước duyên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật; chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn tùy theo năng lực của pháp-hạnh ba-la-mật và nhất là 5 pháp-chủ: tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Buddho: Đức-Phật.
* Ân-đức “Sammāsambuddho” và ân-đức “Buddho” khác nhau như thế nào?
* Ân-đức Sammāsambuddho nghĩa là tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng- sinh, nên Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddho.
* Ân-đức Sammāsambuddho có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:
– Trí-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên.
– Trí-tuệ-thành (paṭivedhañāṇa).
* Ân-đức Buddho nghĩa là không chỉ tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc
4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng- sinh, Đức-Phật còn thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, rồi chứng đắc như sau:
– Có số chúng-sinh chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu;
– Có số chúng-sinh chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai;
– Có số chúng-sinh chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai;
– Có số chúng-sinh chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Chúng-sinh trở thành Thánh-nhân bậc nào do năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật, và nhất là 5 pháp-chủ (indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi chúng-sinh ấy.
* Ân-đức Buddho có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:
– Trí-tuệ của Bậc Toàn-Giác (Sabbaññutañāṇa).
– Trí-tuệ giáo hóa chúng-sinh (desanāñāṇa).
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là Bậc có đầy đủ trọn vẹn các loại trí-tuệ:
– 4 loại trí-tuệ phân-tích (paṭisambhidāñāṇa),
– 6 loại trí-tuệ cá biệt (asādhāraṇañāṇa),
– 10 loại trí-tuệ lực (dasabalañāṇa), …
Đức-Thế-Tôn có tất cả các loại trí-tuệ này cùng lúc với A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
Niệm Ân-Đức Buddho
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo niệm “ân-đức Buddho” này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Buddho như sau:
Câu ân-đức Buddho rằng: “Itipi so Bhagavā Buddho, … Itipi so Bhagavā Buddho, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Buddho rằng: “Buddho, … Buddho, … Buddho, …” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Buddho này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như Ân-đức Arahaṃ)
9- Ân-Đức Phật-Bảo Thứ Chín: Bhagavā
Itipi so Bhagavā Bhagavā.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Phá-gá-voa)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Do Ngài là Bậc có 6 Ân-đức đặc biệt do thực- hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Ngài.
– Bhagavā: Do đó Ngài có Ân-đức Đức-Thế-Tôn.
Ân-đức Bhagavā: Ân-đức Đức-Thế-Tôn thật vô cùng cao thượng nhất trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh. Ân-đức Bhagavā này, không phải do Phụ-vương, Mẫu-hậu của Ngài tôn vinh, cũng không phải do chư-thiên, chư phạm- thiên nào suy tôn Ngài. Sự thật, Ân-đức Bhagavā này là kết quả của một quá trình tiến triển thực-hành 30 pháp- hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời kỳ của Đức-Bồ-Tát Chánh- Đẳng-Giác.
Trường hợp Đức-Phật Gotama trong thời đại chúng ta thuộc về Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu- việt. Cho nên, những tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt, nghĩa là trí-tuệ có nhiều năng lực hơn đức-tin và tinh-tấn. Đức-Bồ-Tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực- hành và tích-luỹ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ.
1- Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác có trí- tuệ siêu-việt đã phát nguyện trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ, cứu vớt chúng-sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân- hồi trong 3 giới 4 loài, rồi Đức-Bồ-Tát có trí-tuệ siêu- việt thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian khoảng 7 a-tăng-kỳ(1).
2- Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt đã phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng-sinh nghe biết ý nguyện muốn trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, để tế độ chúng- sinh, rồi Đức-Bồ-tát tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật thêm suốt 9 a-tăng-kỳ nữa.
Qua 2 thời-kỳ này vẫn còn là Đức-Bồ-Tát bất-định (aniyatabodhisatta), nghĩa là có thể thay đổi ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác.
Nếu Đức-Bồ-Tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu- việt vẫn giữ nguyên ý nguyện tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh Ba-la-mật dẫn đến thời-kỳ cuối.
3- Thời-kỳ cuối: Sau khi đã trải qua 2 thời-kỳ (phát nguyện trong tâm và bằng lời), Đức-Bồ-Tát có trí-tuệ siêu-việt có đầy đủ năng lực mạnh, có thiện-tâm bất thoái chí, Đức-Bồ-Tát ấy có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Như trường hợp vị Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đến hầu Đức-Phật Dīpaṅkara. Với Phật-nhãn thấu suốt vị-lai, Đức-Phật Dīpaṅkara biết rõ ý nguyện của Đức-Bồ-Tát Đạo-sĩ Sumedha sẽ được thành tựu như ý, nên Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký vị Đạo-sĩ Sumedha rằng:
“Trong thời vị-lai, còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại- kiếp trái đất(1) nữa, Đức-Bồ-Tát Đạo-sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.”
Sau khi được Đức-Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại- kiếp trái đất, Đức-Bồ-Tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, chính thức trở thành Đức-Bồ- Tát cố-định (niyatabodhisatta) bất thoái chí, tiếp tục thực-hành, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba- la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Từ đó về sau, mỗi khi có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức-Bồ-Tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đều đến hầu đảnh lễ Đức-Phật ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại.
Trong khoảng thời gian ấy, 24 Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-Tát tiền-kiếp của Đức- Phật Gotama đã được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký đầu tiên cho đến Đức-Phật Kassapa thứ 24 thọ ký cuối cùng.
* Đức-Bồ-Tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama thực- hành và tích-luỹ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.
Đến kiếp chót, Đức-Bồ-tát sinh làm Thái-tử Siddhattha của Đức-vua Suddhodana.
* Năm 16 tuổi, Thái-tử Siddhattha lên ngôi làm vua.
* Năm 29 tuổi, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha bỏ ngôi vua, trốn ra khỏi kinh-thành Kapilavatthu, đi xuất gia.
* Năm 35 tuổi, Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng sinh gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā, vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), tròn đúng 35 tuổi.
Cho nên, Đức-Phật Gotama có Ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
Ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn có 6 ân-đức chính: Issariya, Dhamma, Yasa, Siri, Kāma, Payatta.
1- Thế nào gọi Issariya: Tự chủ?
Đức-Thế-Tôn có tâm tự chủ trong các pháp tam-giới và pháp siêu-tam-giới.
– Tâm tự chủ trong pháp tam-giới: Đức-Thế-Tôn hóa phép thần-thông song hành (yamakapaṭihāriya), có 2 luồng nước và lửa phát xuất từ kim thân của Đức-Phật: Một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên trái, rồi thay đổi, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên trái; cũng như vậy đến 2 mắt, 2 lỗ tai, …
– Tâm tự chủ trong pháp siêu-tam-giới: Đức-Phật thuyết pháp xong, các hàng thanh-văn đệ-tử đồng thanh nói lên lời hoan hỷ “Sādhu! Sādhu!” trong thời gian khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Đức-Thế-Tôn có thể nhập A- ra-hán Thánh-quả để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Do đó, gọi là Issariya: Tự chủ.
2- Thế nào gọi là Dhamma: Chánh-pháp?
Đức-Thế-Tôn đã chứng đắc 9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh, diệt tận tất cả 1.500 loại phiền-não, 108 loại tham-ái, và tất cả mọi tiền-khiên-tật đã tích lũy từ vô lượng kiếp quá-khứ.
Do đó, gọi là Dhamma: Chánh-pháp.
3- Thế nào gọi là Yasa: Tiếng tốt lành?
Ân-đức của Đức-Thế-Tôn được lan truyền khắp tất cả mọi cõi chúng-sinh, khắp mọi nơi, từ cõi người cho đến cõi Long-Vương, đến chư-thiên ở 6 cõi trời dục-giới, đến chư phạm-thiên ở 15 cõi trời sắc-giới (trừ cõi Vô- tưởng-thiên). Và thậm chí ngay cả chư phạm-thiên ở cõi vô-sắc-giới cũng niệm tưởng đến Ân-đức Phật-bảo.
Do đó, gọi là Yasa: Tiếng tốt lành.
4- Thế nào gọi là Siri: Hạnh phúc?
Kim thân của Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có hào quang mát mẻ phát ra từ kim thân của Đức-Thế-Tôn, nên nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên đến hầu đảnh lễ cúng dường đến Đức-Thế-Tôn, lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc an-lạc, phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những chúng-sinh đến hầu Đức-Thế-Tôn bao nhiêu lần cũng cảm thấy chưa đủ.
Do đó, gọi là Siri: Hạnh phúc.
5- Thế nào gọi là Kāma: Nguyện ước thành tựu?
Đức-Thế-Tôn khi còn là Đức-Bồ-Tát Sumedha có nguyện ước rằng:
“Buddho bodheyyaṃ”: Như-Lai tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi sẽ giáo hóa chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc thành bậc Thánh-nhân (tự giác – giác tha). Điều ước nguyện ấy đã thành tựu.
“Mutto moceyyaṃ”: Như-Lai tự mình giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, rồi sẽ giáo huấn chúng-sinh cũng được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài (tự độ – độ tha). Điều nguyện ước ấy đã thành tựu.
“Tinno tareyyaṃ”: Như-Lai tự mình vượt qua biển khổ luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc, rồi sẽ dẫn dắt chúng-sinh cũng vượt qua biển khổ luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc (tự đáo – đáo tha). Điều nguyện ước ấy đã thành tựu.
Do đó, gọi là Kāma: Nguyện ước thành tựu.
6- Thế nào gọi là Payatta: Tinh-tấn không ngừng?
Hằng ngày Đức-Thế-Tôn có sự tinh-tấn không ngừng thực-hành Buddhakicca(1): 5 phận sự của Đức-Phật:
5 phận sự của Đức-Phật:
– Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca).
– Phận sự sau khi độ ngọ (pacchābhattakicca).
– Phận sự canh đầu đêm (paṭhamayāma).
– Phận sự canh giữa đêm (majjhimayāma).
– Phận sự canh chót đêm (pacchimayāma).
Giải thích
1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?
Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, khi thì Đức-Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đi vào xóm làng, kinh-thành để khất thực. Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, số xin thọ phép quy-y Tam-bảo, số xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa.
2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?
Khi ngự trở về chùa, Đức-Phật rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:
“Bhikkhave appamādena sampādetha,
Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ,
Dullabho manussattapaṭilābho,
Dullabhā khaṇasampatti,
Dullabhā pabbajjā,
Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ”.
– Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế, bằng pháp không dể duôi (không thất niệm), tiến hành tứ niệm-xứ.
* Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
* Được sinh làm người là một điều khó.
* Có được cơ hội thực-hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó.
* Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó.
* Được nghe chánh-pháp là một điều khó”.
Đó là những điều khó mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi (thất niệm).
Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi để thực- hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào?
Canh đầu: Đức-Phật-giáo huấn chư tỳ-khưu, có số tỳ- khưu hỏi pháp, luật; có số tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, xin thọ pháp-hành thiền-tuệ; có số tỳ-khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp. Qua hết canh đầu, chư tỳ- khưu đảnh lễ Đức-Phật trở về chỗ ở của mình.
4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?
Canh giữa: Đức-Phật cho phép chư-thiên, phạm-thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Đức-Phật, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ bạch hỏi pháp. Đức-Phật giảng giải những câu hỏi của chư-thiên, phạm-thiên xong, hết canh giữa, chư-thiên, phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật trở về cảnh giới của mình.
5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?
Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời:
– Thời gian đầu: Đức-Phật đi kinh hành.
– Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác, định giờ tỉnh dậy.
– Thời gian chót: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong 10.000 cõi giới bằng Phật-nhãn, xem xét chúng-sinh nào đã từng gieo duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực-hành các pháp-hành ba-la-mật từ Chư Phật quá khứ đến kiếp hiện-tại này, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh- đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù ở gần, dù ở xa, trong cõi người này hay cõi giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến nơi, để tế độ chúng-sinh ấy.
Mỗi ngày, mỗi đêm Đức-Thế-Tôn thực-hành đầy đủ 5 phận sự ròng rã suốt 45 năm, cho đến giây phút cuối cùng tịch diệt Niết-bàn.
Ân-đức Bhagavā còn có nhiều ý nghĩa khác. Đức-Thế- Tôn là Bậc có đầy đủ trọn vẹn các pháp của bậc Tôn-Sư.
Cho nên, Đức-Phật Gotama có ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
Niệm Ân-Đức Bhagavā
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Bhagavā” này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi tai họa, phước- thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Bhagavā như sau:
Câu ân-đức Bhagavā rằng: “Itipi so Bhagavā Bhagavā, … Itipi so Bhagavā Bhagavā, … Itipi so Bhagavā Bhagavā, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Bhagavā rằng: “Bhagavā, … Bhagavā, … Bhagavā, …” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm-niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân-đức Bhagavā này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể chứng đạt đến an- định (appanāsamādhi), do đó không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp.
Do năng lực dục-giới thiện-nghiệp thực-hành niệm ân-đức Phật-bảo này sẽ cho quả như sau:
– Kiếp hiện-tại: Hành-giả là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, có trí-tuệ sáng suốt, mọi phước-thiện được tăng trưởng, tránh được khỏi mọi tai họa, thân tâm thường được an-lạc.
– Kiếp vị-lai: Sau khi hành-giả chết, nếu đại-thiện- nghiệp này cho quả tái-sinh làm người, sẽ là người có đầy đủ tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si) cao quý, được nhiều người quý mến kính trọng.
Nếu tái-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới, sẽ là một chư-thiên có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, hưởng sự an- lạc cao quý đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.
Dục-giới thiện-nghiệp này có thể cho quả tốt lành suốt nhiều kiếp, đặc biệt còn làm duyên lành dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn trong thời vị-lai nào đó.