Nội Dung Chính
- II- ÂN-ĐỨC PHÁP-BẢO (Dhammaguṇa)
- Ý Nghĩa 6 Ân-Đức Pháp-Bảo
- Giảng Giải Về 6 Ân-Đức Pháp-Bảo
II- ÂN-ĐỨC PHÁP-BẢO (Dhammaguṇa)
Trong bài kinh Dhajaggasutta, Đức-Phật dạy chư tỳ- khưu niệm 6 ân-đức Pháp-bảo như sau:
“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.(1)
“Đức-Pháp-bảo có 6 ân-đức là Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.”
6 ân-đức Pháp-bảo có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên, chỉ có chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật mới có thể hiểu biết rõ tuỳ theo khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả và Niết-bàn của mỗi Vị.
Còn hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử chỉ có khả năng hiểu biết có giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và pháp-hành chánh-pháp mà thôi. Còn phần pháp- thành chánh-pháp thì hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử chưa có khả năng biết được.
Ý Nghĩa 6 Ân-Đức Pháp-Bảo
1- Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh. 10 chánh-pháp là:
– Pháp-học chánh-pháp.
– 9 pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả + 1 Niết-bàn).
2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả và Niết-bàn nào, rồi tự thấy, tự biết Thánh-đạo, Thánh-quả ấy bằng trí-tuệ của mình.
3- Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
4- Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới thuộc chân-nghĩa-pháp rất trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.
5- Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh- pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư bậc thiện-trí Thánh-nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an-lạc Niết-bàn tịch tịnh.
Đó là 6 ân-đức Pháp-bảo mà chỉ có bậc Thánh thanh- văn đệ-tử của Đức-Phật mới có đầy đủ mà thôi. Còn các hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử có được ân-đức Pháp- bảo bị giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và pháp- hành chánh-pháp, chưa đạt đến phần pháp-thành chánh- pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới.
Giảng Giải Về 6 Ân-Đức Pháp-Bảo
Trong bộ Chú-giải giảng giải 6 ân-đức Pháp-bảo được tóm lược sau đây:
1- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Nhất: Svākkhāto Bhagavatā dhammo.
(Cách đọc: Xoa-kha-tô Phá-gá-voá-ta thăm-mô)
Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh. 10 chánh-pháp là: 1 pháp- học chánh-pháp và 9 pháp siêu-tam-giới.
Trong Chú-giải Saṃyuttanikāya, phần Sagāthavagga trình bày 10 chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:
1- Pháp-học chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
* Đức-Phật thuyết một bài kệ gồm có 4 câu:
– Câu đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Hai câu giữa: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Câu cuối: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết một bài Kinh ngắn:
– Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Phần thân bài: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết một bài Kinh dài gồm có nhiều đoạn:
– Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Phần thân bài (có nhiều đoạn): Hoàn hảo ở phần giữa.
– Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết về Tạng Luật Pāḷi, Tạng Vi-diệu- pháp Pāḷi, sự hoàn hảo cũng tương tự như Tạng Kinh Pāḷi.
2- Chín pháp siêu-tam-giới hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
9 pháp siêu-tam-giới:
* 4 Thánh-đạo:
– Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga),
– Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga),
– Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga),
– A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga),
* 4 Thánh-quả:
– Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala),
– Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala),
– Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala),
– A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala),
* 1 Niết-bàn là đối-tượng của 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.
4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm chỉ có đối- tượng Niết-bàn mà thôi, ngoài ra không có đối-tượng nào khác. 9 pháp siêu-tam-giới thuộc về pháp-thành chánh-pháp là quả của pháp-hành chánh-pháp.
Pháp-hành chánh-pháp và pháp-thành chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:
– Pháp-hành giới: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối. Hay trình bày một cách khác:
– Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh-đạo: Hoàn hảo ở phần giữa.
– 4 Thánh-quả và Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối. Một cách trình bày khác:
* Pháp-học chánh-pháp: Ban đầu lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu để hiểu rõ về pháp-học chánh-pháp, về cách hành pháp-hành giới, phương pháp thực-hành pháp- hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ, … Đó là pháp- học chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu.
* Pháp-hành chánh-pháp: Có 3 pháp:
– Pháp-hành giới: Hành-giả có tác-ý thiện-tâm giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
– Pháp-hành thiền-định: Hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
– Pháp-hành thiền-tuệ: Hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-tuệ làm cho phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế. Đó là pháp-hành chánh-pháp hoàn hảo ở phần giữa.
* Pháp-thành chánh-pháp: Hành-giả chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, tham-ái, ác pháp. Đó là pháp-thành chánh- pháp hoàn hảo ở phần cuối.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Svākkhāto dhammo.
2- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Nhì: Sandiṭṭhiko dhammo
(Cách đọc: Xăn-đít-thí-cô thăm-mô)
Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp gồm 9 pháp siêu- tam-giới mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí-tuệ của mình.
Sandiṭṭhiko có 3 ý nghĩa:
1- Chứng đắc bằng trí-tuệ của mình.
– Bậc thiện-trí phàm-nhân thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ nhất, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ nhì, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh- quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ ba, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ tư cuối cùng, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Mỗi bậc Thánh-nhân tự thấy, tự biết bằng trí-tuệ của mình.
2- Cách diệt phiền-não.
* 4 Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận (samucchedapahāna) được phiền-não tùy theo mỗi Thánh-đạo-tuệ như sau:
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi.
– Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô.
– Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế.
– A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi. Mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác- pháp đều bị diệt tận không còn dư sót
* 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng đặc biệt diệt bằng cách an-tịnh (paṭipassadhipahāna) được loại phiền-não mà Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận rồi.
* Niết-bàn là đối-tượng giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇappahāna).
Theo định luật tự nhiên, sau khi đã chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả nào và Niết-bàn rồi, thì bậc Thánh-nhân có trí-tuệ quán-triệt (paccavekkhaṇañāṇa) 5 điều:
– Quán-triệt biết rõ Thánh-đạo nào đã chứng đắc.
– Quán-triệt biết rõ Thánh-quả nào đã chứng đắc.
– Quán-triệt biết rõ Niết-bàn đã chứng ngộ.
– Quán-triệt biết rõ phiền-não nào đã bị diệt tận.
– Quán-triệt biết rõ phiền-não nào chưa bị diệt tận.
Riêng bậc Thánh A-ra-hán thì không còn quán-triệt biết rõ phiền-não nào chưa bị diệt tận, bởi vì A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận tất cả mọi phiền-não không còn dư sót.
3- Tự khẳng định
– Bậc Thánh Nhập-lưu tự biết, tự khẳng định sẽ không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ- quỷ, súc-sinh), chỉ còn tái-sinh ở cõi người, cõi trời dục- giới nhiều nhất là 7 kiếp, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn.
– Bậc Thánh Nhất-lai tự biết, tự khẳng định chỉ còn tái-sinh 1 kiếp trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn.
– Bậc Thánh Bất-lai tự biết, tự khẳng định không trở lại tái-sinh trong cõi dục-giới, chỉ còn tái-sinh ở cõi sắc- giới, rồi sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn tại cõi sắc-giới ấy.
– Bậc Thánh A-ra-hán tự biết, tự khẳng định ngay kiếp hiện-tại này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết-bàn thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Sandiṭṭhiko dhammo.
3- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Ba: Akāliko dhammo.
(Cách đọc: Á-ca-lí-cố thăm-mô)
Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
Akāliko có 2 ý nghĩa:
1- Thánh-đạo-tâm diệt, Thánh-quả-tâm sinh không có thời gian ngăn cách.
Thánh-đạo-tâm và Thánh-quả-tâm trong cùng một Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta).
Ví dụ:
Trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti- maggavīthicitta) sinh diệt theo tuần tự như sau:
Bhavaṅgacitta → Bhavaṅgacalana → Bhavaṅgu- paccheda → Manodvāravajjanacitta → Parikamma → Upacāra → Anuloma → Gotrabhū → Sotāpattimagga → Sotāpattiphala (2 – 3 sát-na tâm) → Bhavaṅgacitta.
Chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Giải thích:
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm (viết tắt bha).
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động (vt na).
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt (vt da).
4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm (vt ma).
5- Parikamma: Chuẩn bị Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh (vt pari).
6- Upacāra: Cận Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh (vt upa).
7- Anuloma: Thuận-dòng theo 37 pháp để chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (viết tắt anu).
8- Gotrabhū: Chuyển-dòng từ phàm-nhân sang Thánh- nhân (vt got).
9- Sotāpattimaggacitta: Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm 1 sát-na tâm (vt mag).
10- Sotāpattiphalacitta: Nhập-lưu Thánh-quả-tâm 2-3 sát-na tâm (vt pha).
11- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm, chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Đó là có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự.
Đồ-Biểu Nhập-Lưu Thánh-Đạo Lộ-Trình-Tâm (Sotāpattimaggavīthicitta)
Đối tượng cũ | Đối tượng | Đối tượng Đối tượng cũ | |
kiếp trước | danh sắc | Niết Bàn kiếp trước | |
Sotapattiphalañāṇa
Qua Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm nhận thấy:
– Nhập-lưu Thánh-đạo và Nhập-lưu Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Nhập-lưu Thánh-đạo lộ- trình-tâm, không có thời gian ngăn cách. Tương tự,
– Nhất-lai Thánh-đạo và Nhất-lai Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
– Bất-lai Thánh-đạo và Bất-lai Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
– A-ra-hán Thánh-đạo và A-ra-hán Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình- tâm, không có thời gian ngăn cách.
Cho nên, 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh- quả-tâm tương xứng sau 1 sát-na-tâm, không có thời gian ngăn cách, không có thời gian chờ đợi.
Tam-Giới Thiện-Nghiệp
– Dục-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện-tại sớm nhất trong khoảng thời gian 7 ngày và còn cho quả trong những kiếp vị-lai.
Cho nên, dục-giới thiện-nghiệp này cho quả có thời gian chờ đợi.
– Sắc-giới thiện-nghiệp và vô-sắc-giới thiện-nghiệp không cho quả trong kiếp hiện-tại mà chờ chắc chắn cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên cõi trời sắc-giới hoặc cõi trời vô-sắc-giới tùy theo bậc thiền sở đắc của hành-giả.
Siêu-Tam-Giới Thiện-Nghiệp
Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả- tâm tương xứng, ngay trong kiếp hiện-tại, không có thời gian chờ đợi, nghĩa là khi Thánh-đạo-tâm nào diệt, liền Thánh-quả-tâm ấy phát sinh trong cùng Thánh-đạo lộ- trình-tâm, chỉ sau 1 sát-na-tâm mà thôi, không có thời gian chờ đợi.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Akāliko dhammo.
4- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Tư: Ehipassiko Dhammo
(Cách đọc: Ê-hi pát-xí-cô thăm-mô)
Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu- tam-giới thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp rất trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.
Ehipassiko có 2 ý nghĩa:
1- 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh của chân-nghĩa- pháp nên thực chứng.
9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có thật-tánh rõ ràng, thật-tánh không biến đổi theo thời gian, không gian, nghĩa là 9 pháp siêu-tam-giới đã phát sinh trong thời quá- khứ như thế nào, đang phát sinh trong thời hiện-tại và sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng như thế ấy. Cho nên, 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh chân thật rõ ràng.
Do có thật-tánh chân thật rõ ràng như vậy, nên mới dám gọi đến, mời đến thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo để thực chứng, để chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam- giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong hộp có viên ngọc quý, nên mới dám mời người khác đến xem, …
2- 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh
9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn thuộc về pháp-thành chánh-pháp hoàn toàn trong sáng và thanh-tịnh, bởi vì 9 pháp siêu-tam-giới này không hề bị ô nhiễm bởi phiền-não, nên dám mời đến, động viên khuyến khích đến để chứng kiến, thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo, thì sẽ chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, bằng trí-tuệ-thiền tuệ siêu-tam-giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong đời này, những vật có thật, đang hiện hữu, nếu những vật là thứ bất tịnh, ô uế, hôi thối, bẩn thỉu đáng tránh xa thì không có một ai dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để xem.
Còn 9 pháp siêu-tam-giới này thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp hoàn toàn trong sáng và thanh-tịnh, nên dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để chứng kiến, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Ehipassiko dhammo.
5- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Năm: Opaneyyiko Dhammo
(Cách đọc: Ô-pá-nây-di-cô thăm-mô)
Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu- tam-giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Những hạng phàm-nhân chắc chắn chưa từng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa từng chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả nào, cũng chưa từng chứng ngộ Niết- bàn lần nào, trong kiếp tử sinh luân-hồi trong tam-giới, nên những hạng phàm-nhân thường bị 11 thứ lửa(1) và 1.500 loại phiền-não thiêu đốt, làm cho thân tâm nóng nảy, chẳng bao giờ được an-lạc thật sự. Cho nên, dập tắt lửa phiền-não là việc cần kíp, không nên chậm trễ.
Để diệt tận được phiền-não một cách hữu hiệu chỉ có 9 pháp siêu-tam-giới mà thôi.
– 4 Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt đoạn- tuyệt được phiền-não (samucchedapahāna).
– 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng diệt bằng cách làm an-tịnh được phiền-não (paṭipassaddhipahāna).
– Niết-bàn là pháp giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇapahāna).
* Bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, cho nên bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không bao giờ khổ do tà- kiến và hoài-nghi nữa.
Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện-giới nhiều nhất 7 kiếp. Đến kiếp thứ 7, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô, cho nên bậc Thánh Nhất-lai vĩnh viễn không bao giờ khổ do sân loại thô nữa.
Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh 1 kiếp nữa trong cõi thiện-giới mà thôi. Kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Bất-laiThánh-đạo-tuệ có khả năng diệt đoạn- tuyệt được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế, và tham trong ngũ-dục cõi dục-giới, cho nên bậc Thánh Bất-lai vĩnh viễn không bao giờ khổ do sân loại vi-tế và tham trong ngũ-dục nữa.
Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại cõi dục- giới nữa, chỉ còn tái-sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới mà thôi, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc A-ra-hán-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt đoạn- tuyệt được tất cả mọi phiền-não còn lại là tham, si, ngã- mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi và tất cả mọi tham-ái, mọi ác- pháp không còn dư sót. Vì vậy, bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không có khổ tâm, chỉ còn khổ thân mà thôi.
Bậc Thánh A-ra-hán ngay trong kiếp hiện-tại chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đối với các hạng phàm-nhân còn đầy đủ mọi phiền- não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, thì còn phải khổ-tâm, khổ-thân.
Hễ còn tử sinh luân-hồi trong tam-giới, thì khó tránh khỏi khổ trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Muốn giải thoát khỏi khổ tái-sinh, thì chỉ có chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi.
Vì vậy, hành-giả quyết tâm tinh-tấn không ngừng, đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm đến sự chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi.
Dù cho lửa cháy trên đầu cũng không quan tâm, bởi vì, hành-giả suy xét rằng: “Lửa cháy trên đầu chỉ làm khổ (nóng nảy) một kiếp hiện-tại này, nhưng phiền-nã chưa diệt được, không chỉ làm khổ (nóng nảy) trong kiếp hiện-tại, mà còn khổ lâu dài trong vô số kiếp vị-lai nữa.”
Sự chết là điều chắc chắn, nhưng không biết chắc chắn sẽ chết khi nào. Cho nên, hành-giả đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm cố gắng tinh-tấn không ngừng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn”.
Vì vậy, 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn là 9 pháp siêu-tam-giới mà hành-giả nên đặt ưu tiên hướng tâm của mình để chứng đắc trước tiên.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Opaneyyiko dhammo.
6- Ân-Đức Pháp-Bảo Thứ Sáu: Paccattaṃ Veditabbo Viññūhi Dhammo
(Cách đọc: Pách-chát-tăng vuê-đí-tắp-bô vin-nhu-hí thăm-mô)
Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư bậc thiện-trí Thánh- nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an-lạc Niết-bàn.
Bậc thiện-trí có 3 hạng:
1- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thượng (Ugghaṭitaññū)
Bậc thiện-trí này có trí-tuệ sắc bén, tinh nhanh, khi lắng nghe một bài kệ có 4 câu, chỉ cần nghe 2 câu đầu, bậc thiện-trí này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân ngay khi ấy, không cần chờ nghe tiếp đến 2 câu sau.
2- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc trung (Vipañcitaññū)
Bậc thiện-trí này có trí-tuệ sắc bén, khi lắng nghe pháp đầu-đề xong, lắng nghe tiếp theo lời giảng-giải, khai-triển, bậc thiện-trí này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn ngay khi ấy.
3- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thường (Neyya)
Bậc thiện-trí này có trí-tuệ trung bình khi lắng nghe pháp đầu-đề, lắng nghe tiếp theo lời giảng-giải, khai-triển xong rồi, bậc thiện-trí này còn cần phải gần gũi, thân cận với chư Thánh thanh-văn để được giúp đỡ, hỗ trợ.
Bậc thiện-trí này cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp- hành thiền-tuệ trải qua một thời gian, mới có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn trong kiếp hiện-tại ấy.
Thánh-Đạo Lộ-Trình-Tâm (Maggavīthicitta)
Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 4 loại:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm,
2- Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm,
3- Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm,
4- A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm,
Sau mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm trở thành bậc Thánh- nhân, liền tiếp theo sau có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm (paccavekkhaṇavīthicitta) phát sinh tuần tự, mỗi lộ- trình-tâm làm phận sự quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận và phiền-não nào chưa bị diệt tận như sau:
– Sau Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán- triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán-triệt Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
– Sau Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán- triệt Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
– Sau Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán- triệt Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
– Sau A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm chỉ có 4 quán- triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán-triệt A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, tất cả mọi phiền-não còn lại đều đã bị diệt tận không còn dư sót nữa.
Cho nên, mỗi bậc Thánh-nhân chắc chắn tự mình biết rõ Thánh-đạo, Thánh-quả mà mình đã chứng đắc.