Chương 7

Nghiệp (Kamma)

232.- Nghiệp (Kamma) là gì?

Nghiệp (Kamma), hay Hành nghiệp có nghiã là hành động, cử chỉ. Hành động có ba loại: hành động về tâm linh, hành động qua lời nói và hành động về thể chất. (Kinh sách Bắc tông phân biệt có ba hành nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp ý nghiệp).

Khi bạn dùng tay chơn để hành động, đó là hành động về thể chất. Thí dụ như giết người chẳng hạn, hay hiến tặng đồ vật để bố thí, v.v.

Nghiệp về lời nói có nghiã là những thanh âm, lời nói, bạn thốt ra. Hoặc ra lịnh, như “Giết con thú đó đi!” hoặc “Đem cơm ra cúng dường cho tu sĩ đi!” Các hình thức khác như nói dối, giảng pháp,… đều thuộc vào loại nghiệp nầy.

Nghiệp về tâm linh có nghiã là những tư tưởng đã phát khởi lên trong tâm thức, còn chưa chuyển ra lời nói ở miệng hay bằng hành động nơi tay chơn. Các tư tưởng xấu ác như “Ước gì tất cả tài sản nầy thuộc về tôi ‘’ là một nghiệp về tâm ý. Sự xót thương, mối từ ái, nỗi cảm thông, niềm chung vui, công phu quán tưởng, v.v. đều là những hình thức của nghiệp về tâm ý.

233.- Trách nhiệm thuộc về nơi nào?

Cả ba hình thức của hành nghiệp chẳng phải tự nhiên mà khởi lên. Thí dụ như, trong tội phạm sát sanh, bàn tay cầm dao; phải có một lực thúc đẩy khiến cho con dao đâm vào nạn nhơn. Cũng chính lực đó đã khiến bạn thốt lên lời nói ra khỏi miệng. Trong khi bạn ngủ, chẳng có hành nghiệp về tâm ý, mặc dầu có nhiều đơn vị tâm sở khởi lên liên tục trong tâm thức bạn. Vậy ta có thể đi đến kết luận rằng, phải có một lực, một tiềm năng, khác hơn là chính tâm thức, và lực ấy chịu trách nhiệm về cả ba hạng hành nghiệp. Cũng như trong mọi tội phạm đều có kẻ thủ phạm, cũng phải có một lực, một tiềm năng, đã thúc đẩy cả ba hình thức của hành nghiệp.

234.- Ý hành (Cetana) chịu trách nhiệm; ý hành chính là Nghiệp (Kamma).

Kẻ chịu trách nhiệm thúc đẩy ba hình thức của hành nghiệp nào có ai lạ đâu, đó là tâm sở ý hành (cetana cetasika), một tâm sở phụ hợp đã khởi phát trong tâm thức của chúng sanh. Ý hành nầy là tâm sở bận rộn nhứt, hoạt động nhứt trong các tâm sở. Bởi vì ý hành nầy thúc đẩy ta hành động, bởi vì ý hành nầy

chịu trách nhiệm trong việc hoàn tất mọi hành nghiệp, cho nên thông thường ý hành được gọi là Nghiệp (Kamma) vậy. (Tánh cách nổi bật của ý hành giữa các tâm sở khác (cetasikas) nơi tâm thức(citta) và vai trò của ý hành chịu trách nhiệm trong việc tạo thành Nghiệp (Kamma) đã được cứu xét với nhiều chi tiết nơi Chương 4.)

235.- Các trạng thái tâm lý ít được lưu ý đến.

Xuyên qua sự thực nghiệm hằng ngày, chúng ta thấy có nhiều trạng thái tâm lý (cittă) và nhiều tâm sở (cetasikas) nổi bật lên rõ rệt làm ta lưu ý đến, mà cũng nhiều tâm thức và tâm sở có khởi lên bên trong nhưng ta chẳng lưu tâm để nhận rõ. Vài trạng thái tâm lý tự chúng hiển lộ chẳng rõ rệt cho lắm, khi chúng ta đang ngủ, mặc dầu trong lúc ngủ, tâm thức chúng ta vẫn còn đang hoạt động tiếp tục. Khi chúng ta đang thức hẳn, có nhiều lúc chúng ta lơ đãng nhìn, nghe, ngửi hay rờ mó, thì nhãn thức, nhĩ thức, v.v. có khởi lên trong tâm thức nhưng chẳng được rõ ràng cho lắm; cũng có lắm lần chúng ta bận suy nghĩ, cân nhắc về điều nầy, chuyện kia, thì màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi hương bên ngoài có len vào trong tâm thức, nhưng chỉ mờ mờ nhạt nhạt mà thôi. Chính là do sức thúc đẩy của tâm sở ý hành, hoặc thiện, hoặc bất thiện, đã khiến cho các hành động, bằng cử chỉ hay bằng lời nói, xảy ra; còn nếu sức thúc đẩy đó của ý hành vào các trạng thái tâm lý vừa cùng khởi lên đó, mà yếu ớt đi, thì chẳng có hành động nào xảy ra cả. Cái lực, cái sức thúc đẩy của ý hành đó được gọi là javana, ý lực. Hằng ngày, trong lúc bình thường, các tâm sở ý hành, thiếu ý lực hay vắng bóng ý lực, khởi lên rất nhiều lần nơi tâm thức ta, nhưng ta chẳng có hành động nào cả.

236.- Ý lực bất thiện chiếm ưu thế nơi tâm sở ý hành.

Khi một người có ý muốn mãnh liệt để giết kẻ thù, ý lực sân hận nơi tâm sở ý hành (dosa javana cetana)rất là mạnh mẽ và kinh khủng. Tư tưởng của anh ta hoàn toàn bận rộn với kế hoạch trù liệu để thực hiện cho được việc sát hại. Cùng thế ấy, nơi một người bị tràn ngập bởi các tư tưởng bất thiện muốn thoả mãn các thú vui nhục dục, sự tham dục khởi lên mạnh mẽ trong tâm thức, khiến cho toàn thân bị kích thích, rung lên đến cao độ và thúc dục ráo riết đến hành động. Vào các lúc ấy, khi cử chỉ, lời nói, và ý nghĩ đều hướng trọn về hành vi bất thiện, thì ý chí bất thiện bên trong tâm cũng trở nên dõng mãnh vô cùng. Trong hai trường hợp vừa kể, các ý chí bất thiện đó là những động cơ tâm lý kích thích rất mạnh, những xung lực mãnh liệt, được gọi là những ý lực bất thiện tâm sở (akusala javana cetana); chúng khởi lên rất nổi bật và chiếm ưu thế nơi tâm thức. Ưu thế nổi bật của chúng dễ nhận thấy ra, khi ta đem các trạng thái tâm lý bị khích động ấy ra so sánh với các tâm trạng vào lúc bình thường.

237.- Ý lực thiện chiếm ưu thế nơi tâm sở ý hành.

(Đây là trường hợp trái ngược với trường hợp trước, nơi tiểu mục số 236).

Các ý muốn có tánh cách đạo đức và chơn thiện, được gọi là thiện tâm sở (kusala cetana) cũng năng khởi lên mạnh mẽ và thúc dục rất tích cực, mỗi khi ta bố thí (dana), trì giới (sila), thọ Bát (Uposatha sila), săn sóc các người già cả, tham luận về Chánh pháp (Dhamma), thực tập quán tưởng và tránh xa các hành vi bất lương. Ý lực thiện tâm sở (kusala javana cetana) nầy cũng rất năng động và tích cực khiến cho nơi chúng ta, các cử chỉ, lời nói và hành động, cũng theo nhịp với thiện chí đó, mà trở nên hăng hái và chí thiết.

238.- Ảnh hưởng lâu bền của Nghiệp lực đến thân tâm con người.

Các động lực đã thúc đẩy hành động, nơi các thiện pháp được gọi là thiện ý lực tâm sở (kusala javana cetana), còn nơi các bất thiện pháp thì được gọi là ác ý lực tâm sở (akusala javana cetana), cả hai được gọi chung lại là Nghiệp lực (Kamma). Các tâm sở thiện và bất thiện đó thường khởi lên trong tâm thức và rồi biến mất đi, nhưng ảnh hưởng của chúng còn lưu lại bền lâu nơi thân tâm của con người. Ảnh hưởng đó dường như chôn chặt vào thân tâm, lưu trì dai dẳng ở đó, để đưa đến các hậu quả trong hiện tại hay về sau. Nơi thân tâm nầy, vô số đơn vị tâm thức và tâm sở đã khởi lên và biến mất đi, kế tục nhau chẳng hề ngưng nghỉ. Trong khi các tâm thức và tâm sở thường khởi lên mờ mờ, yếu ớt, chẳng gây ra một ấn tượng nào rõ rệt, thì các tâm thức và tâm sở mạnh có ý lực phụ hợp vào, bộc phát và lưu lại một tiềm năng trong thân tâm ta. Cũng tựa như, trẻ con các gia đình thường dân, chẳng còn giữ được lâu ảnh hưởng của cha mẹ, sau khi họ qua đời một thời gian; trong khi đó, con cái các gia đình vọng tộc vẫn giữ được mãi nề nếp của cha mẹ để lại.

239.- Nghiệp lực ìếp tục mãi nơi thân tâm.

Trong giới thực vật, khi quan sát các loại hạt giống, chúng ta nhận thấy các cây ăn trái đều mang sẳn yếu tố di truyền để đơm bông, trỗ trái cùng một chủng loại. Yếu tố di truyền đó đều có mặt ở mỗi giai đoạn sanh trưởng của thân cây, từ lúc mọc mầm, đâm chồi, nở hoa, kết nụ. Mặc dầu chúng ta chẳng thể mô tả được sức di truyền đó cho thật đầy đủ, nhưng chúng ta có thể tin chắc là có sự hiện diện của yếu tố di truyền. Cùng thế ấy, nơi thân tâm ngũ uẩn nầy (thân sắc uẩn, còn tâm thì có thọ , tưởng , hành thức uẩn), có sắc (rupa) và danh (nama), cả hai tập hợp(=uẩn) nầy cùng phát khởi, sanh trưởng và hoại diệt, liên tiếp kế tục chẳng dừng nghỉ cho đến khi chết. Nghiệp lực (kamma), sức mạnh của Nghiệp, luôn luôn đeo đuổi, bám sát chẳng hề lơi lỏng, theo thân tâm cho đến ngày lià đời. Nhưng sau cái chết, cũng chưa gọi là đã dứt nghiệp, vì nghiệp lực còn tiếp tục ảnh hưởng sang đến đời tái sanh sau nữa. Năng lực tiềm tàng đó của Nghiệp lại khởi lên lại trong cuộc tái sanh, bắt đầu ngay từ lúc nhập bào thai, và cứ như thế mà đeo đuổi theo thân tâm mãi trong kiếp tái sanh. (Ở đây, xin lưu ý độc giả, khi nói đến sức mạnh của nghiệp lực, chúng tôi chỉ muốn nóiđến năng lực của các hành động gây nghiệp đã qua, chớ chẳng phải một sức mạnh vật chất nào cả.)

240.- Tác giả tạo nghiệp chịu lấy ảnh hưởng trực tiếp.

Chúng ta vừa biết qua, tất cả chúng sanh đều được tái sanh sang các đời sau, hết đời nầy tới đời khác. Vì sức tiềm năng của các hành vi trong quá khứ, do vô minh (avijja) và ái dục (tanha) thúc đẩy, đã dẫn dắt con người vào kiếp sống mới, kẻ được tái sanh nào phải ai khác hơn là con người cũ trước kia. Trong đời hiện nay, tâm sở ý hành (cetana) khởi lên rồi lại biến đi mất, nhưng hiệu quả và ảnh hưởng của tâm sở đó vẫn còn đeo theo thân tâm của tác giả cho đến khi hậu quả được trỗ ra hoàn toàn. Như thế, các hiệu quả tốt lành của hành vi thiện nơi người nào sẽ theo che chở cho người ấy, cũng tựa như bóng theo hình; còn các hiệu quả xấu ác của hành vi bất thiện nơi một người nọ cũng đeo theo người ấy, nào có khác gì như đôi bánh xe cây lăn sau chân con bò kéo phiá trước, chỉ chực chờ đúng cơ hội là hoàn trả lại. Do vậy, chúng ta phải nên nhận thức cho rõ ràng rằng các hiệu quả bất lợi của hành vi bất thiện ai đã làm thì chính người ấy phải gánh chịu, chớ chẳng có kẻ nào khác vào nhận thế cho cả. Ta chẳng thể nói: “Tôi đang sống cuộc đời nầy, tôi cứ tận hưởng nó; còn trong đời sau, một chúng sanh nào khác sẽ gánh lấy phần đau khổ.” Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi bất thiện của mình và trực tiếp nhận lấy các hậu quả xấu ác. Chúng ta phải thấu hiểu minh bạch rằng chính chúng ta, chớ chẳng phải ai khác, phải thọ nhận các quả báo tai hại do các hành vi bất thiện chúng ta đã làm trong đời nầy.

241.- Cộng nghiệp, hiệu lực chung của Nghiệp.

Trong Quyển Tiền kiếp của Đức Phật (Jataka Pali), có hai nhơn vật cùng nhau làm chung nhiều thiện pháp và cùng nhau chung hưởng các quả báo như nhau trong các kiếp sau. Họ đã cùng nhau bố thí, cùng nhau trì giới, cùng nhau tuỳ hỉ công đức khi thấy người khác làm được điều lành; khi chồng làm ra tiền, vợ đem ra bố thí và cả hai cùng thọ hưởng nguồn vui của việc lành đã làm chung. Hai người cùng nhau hành thiện như thế, thường khởi sanh trong lòng mỗi người một niềm ước vọng được gần gũi mãi bên nhau, được nghe mãi lời thân ái từ miệng người kia, ước vọng đó là một thiện pháp, được gọi là chơn chánh ý chí (samma chanda). Lại cũng có thể ước vọng sống bên nhau mãi mãi đó lại do sự khắn khít thân thiết yêu đắm nhau giữa hai người; đấy là bất thiện pháp, vì do lòng dục thúc đẩy, được gọi là ái dục ý chí (tanha chanda). Cả hai tâm sở ước vọng chơn chánh ái dục đó, có thể khởi lên trong tâm họ, trước hay sau khi làm chung một việc thiện. Khi việc thiện của họ mang lại quả báo, họ sẽ gặp lại nhau trong các đời sau, để cùng nhau chia xẻ phước lạc chung của các hành vi thiện đã làm trong kiếp trước, hoàn thành được cả hai mối ước vọng chơn chánh ái dục ý chí (samma chanda tanha chanda).

Những người cùng cộng hưởng các hiệu quả chung của Nghiệp lực, được kể ra trong quyển Tiền kiếp của Đức Phật. Trải qua nhiều kiếp, khi còn là Bồ-tát, Ngài đã cùng với bà Da du đà la (Yasothara) thề nguyền với nhau, họ sẽ là cộng tác viên của nhau trong nỗ lực hành thiện cao quí. Lại còn các đôi vợ chồng như Tôn giả Đại Ca diếp (Mahakassapa) và bà Bhadda; vua Mahakappina và hoàng hậu Anoja, v.v., đã từng là cộng tác viên của nhau trong việc hành thiện qua nhiều đời kiếp, trên con đường thực hành các hạnh Ba-la-mật(Paramis). Cũng kể thêm trường hợp các Tôn giả Xá-lợi-phất (Saiputta), Mục kiền liên (Moggallana), A nâu lâu đà (Anurudha), La hầu la (Rahula); về nữ giới, có Đại tỳ-kheo ni Khema, Ba xà bà đề (Uppalavanna, dì ruột và mẹ nuôi của Đức Phật Thích-ca). Và cả Vua Tịnh phạn (Suddhodana) cũng thường hợp tác chặt chẽ với các vị ấy trong việc hành thiện, ở các kiếp trước.

242.- Cộng tác trong ác nghiệp (Akusala kamma).

Mặt khác, lại cũng có những cộng tác viên cùng làm việc ác. Hành vi bất thiện chung làm khiến họ sẽ tái sanh với ác báo. Thuở xưa kia, có cặp vợ chồng bị chìm thuyền và trôi dạt vào một hoang đảo. Đói quá, chẳng có gì ăn, họ phải cùng nhau bắt chim chóc để đỡ lòng và chịu khổ sở như trong cảnh điạ ngục. Đến thời Đức Phật Thích-ca, họ được tái sanh vào hoàng cung, chồng làm Thái tử Bodhi, con vua Utena, sống với vợ trước kia, nay là một vị công nương. Vì trong tiền kiếp, họ đã cùng nhau giết chim để ăn, phạm tội sát sanh, nên trong đời nầy, đôi vợ chồng vương giả đó hiếm hoi, chẳng có con nối dõi.

Nếu vợ hay chồng chẳng đồng ý giết chim, thì sẽ có một người chẳng bị hiếm hoi mà có thể sanh con đẻ cháu; nhưng vì họ đã đồng lòng phạm tội sát hại sanh linh nên cả hai phải cùng chịu quả báo không con. Như thế, cùng nhau thực hiện các bất thiện pháp sẽ phải cùng nhau chia xẻ các ác báo vào những đời sau. Trong trường hợp đôi vợ chồng đó, nếu chồng làm mà có vợ ngăn, hay vợ làm mà chồng biết cản, thì họ đâu phải chịu cảnh tuyệt tự.

243.- Hưởng chung các phước báo của thiện nghiệp.

Phước báo của thiện nghiệp được chung hưởng cùng nhau, thường được thấy nơi gia đình, tại các cộng đồng nhỏ, hay ngoài xã hội, vì những người nay chung sống, đã từng cộng tác với nhau làm việc lành trong các đời quá khứ. Thí dụ như ở Sri Lanka (= tên cũ là nước Tích-lan), dưới triều vua Bhatika, ai ăn thịt bò sẽ bị phạt vạ và phải làm sai dịch quét rửa trong hoàng cung.Trong số các người bị sai dịch, có một thiếu nữ nhan sắc được đức Vua chiếu cố đến. Cô đưọc đổi tên là Samadevi và được giữ lại trong cung làm thể nữ riêng cho vua. Thân nhơn của cô cũng được ân xá và hậu đãi. Đấy là một trường hợp có sự cộng hưởng các phước báo, nhờ kết quả nghiệp lành của một người trong gia đình. (Vài người có thể cãi rằng, mỗi người trong nhà cũng có phước báo riêng của họ. Nhưng nếu xét kỹ thì thấy phước lành của riêng từng người còn chưa đủ mạnh, chính nhờ dựa vào phước báo nghiệp lành của Samadevi đã làm trong quá khứ mà phước riêng từng ngưới mới đủ sức trỗ quả ngày nay.)

244.- Ảnh hưởng gián tiếp của ác nghiệp (Akusaka Kamma).

Đôi khi những bất thiện pháp có thể mang đến hậu quả xấu khiến cho người khác phải chịu lây một cách gián tiếp. Vào thời Đức Phật Ca diếp (Kassapa) có một vị A-la-hán (Arahant) làm du tăng đến trú ngụ tại một ngôi chùa do một vị trụ trì có tánh hay ganh tị. Người tín chủ giàu có đã cúng ngôi tu viện lại tôn sùng vị A-la-hán, khiến cho vị trụ trì càng thêm ganh ghét. Người thí chú thỉnh cả hai vị đến nhà để cúng dường cơm buổi sáng. Vì lòng ganh tị, vị trụ trì đã đi một mình đến nhà thí chủ. Sáng hôm đó, để báo thức, vị ấy chỉ dùng đầu ngón tay gõ nhẹ vào chuông chùa, cố ý khiến cho vị A-la-hán chẳng nghe được tiếng chuông mà thức dậy. Vị trụ trì lại còn bảo với thí chủ rằng bạn đồng tu của ông vì quá ham ngủ nên còn đang ngon giấc, ông ta đánh thức chẳng được; vì thế phải đến đây có một mình. [Xin hãy ghi nhận rõ tâm sở tật đố (macchariya) cả trong lời nói và hành động của vị trụ trì].

Nhưng người tín chủ tinh ý đã nhận ra được ý định đen tối của vị trụ trì, nên đem một bình bát thực phẩm nhờ mang về cho vị A-la-hán. Vị trụ trì vì ghen tức đã đổ bỏ hết ở dọc đường. Ông ta nghĩ rằng, nếu vị khách tăng mà nhận được thực phẩm cúng dường tốt quí như vầy sẽ lưu lại lâu ngày nơi chùa của ông.

Nhưng vị khách tăng, vì đã chứng quả A-la-hán, đọc rõ tư tưởng của vị trụ trì, nên đã bỏ đi, bằng cách thi triển thần thông (abhinna) bay lên trên không, trước khi vị trụ trì về đến nơi. Trở về chùa, chẳng thấy vị khách tăng, vị trụ trì mới tỏ lòng hối hận, ăn năn tội lỗi của mình. Chỉ vì quá ích kỷ mà ông ta đã đối xử hết sức bất công đối với vị A-la-hán. Bị sự hối hận dày vò, vị trụ trì quá đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất, nên chẳng bao lâu qua đời và sa vào điạ ngục.

Sau khi chịu hình phạt ở điạ ngục, ông phải tái sanh làm qủi trong năm trăm kiếp, kế đó cũng năm trăm kiếp, phải mang thân chó, và trong ngàn kiếp nầy, chẳng bao giờ ăn được đủ no. Đến thời Đức Phật Thích-ca, ông thác sanh vào bào thai của một người đàn bà nghèo trong một làng chài lưới. Vì ác nghiệp của ông quá sâu dầy, nên cả làng đó bị ảnh hưởng lây mà phải chịu cảnh nghèo khó càng ngày càng cùng khổ. Làng ấy bị bảy lần hoả hoạn lớn, lại bị Vua phạt vạ cũng bảy lần. Sau cùng, dân chúng trong làng, bằng cách suy luận loại trừ từ từ, mới tìm ra được nguyên nhơn, chính là cái bào thai trong bụng người đàn bà nghèo kia đã gieo tai hoạ cho cả làng và đuổi bà ấy ra khỏi làng. Bà mẹ sanh con, nuôi nó được vài năm thì bỏ hoang nó luôn, chỉ để cho nó cái bát đi ăn mày.

Đến khi nó lên bảy tuổi, trong khi đi xin ăn, nó may gặp Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta), được nhận làm Sa-di (Samanera); và khi đủ tuổi trưởng thành, được thọ giới tỳ-kheo (Bhikkhu) với pháp danh là Losaka Tissa. Tỳ-kheo Tissa nỗ lực thực tập thiền định (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassana), nên chẳng bao lâu chứngđược quả A-la-hán (Arahant), nhờ đã có công trì giới (sila) trong kiếp còn làm vị trụ trì.

Nhưng ác quả của hành vi bất thiện kiếp xưa quá nghiêm trọng, cho nên mặc dầu nay đắc quả A-la-hán, tỳ-kheo Tissa cũng vẫn phải chịu khổ. Khi đi khất thực, chẳng ngày nào ông được đủ thực phẩm để ăn vừa no. Thấy cảnh khổ đó, Tôn giả Xá-lợi-phất mới bảo ông cùng đi chung với Ngài. Nhưng vì có tỳ-kheo Tissa đi theo, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng chẳng được ai cúng dường, nên đành phải đi hoá duyên một mình như trước. Mỗi khi nhận thực phẩm cúng dường xong, Tôn giả thường bảo thí chủ nên gởi thức ăn đến cho tỳ-kheo Tissa. Mấy tên đầy tớ được sai mang thực phẩm đến tịnh xá, dọc đường lại ăn hết. Khi biết thực phẩm chẳng đến tay người đệ tử của mình, Tôn giả mới đem hiến cho một bát “bốn món ngon ngọt” (đó là: tô lạc, dầu, mật ong và mật miá nấu chung lại) của Vua Câu tát la (Kosala) cúng dường, để tỳ-kheo Tissa dùng, mà tay Ngài Xá-lợi-phất lại phải cầm lấy bát, vì sợ thực phẩm biến mất khi trao cho đệ tử. Tỳ-kheo Tissa dùng xong bát thực phẩm thì nhập ngay vào Bát Đại Niết-bàn (Parinibbana) tại nơi ấy.

Ghi chú: Trong câu chuyện kể, ác nghiệp của vị trụ trì vào thời Đức Phật Ca diếp đã có ảnh hưởng xấu lây đến toàn thể cộng đồng khi vị ấy tái sanh vào làng chài lưới. Ngay cả Tôn giả Xá-lợi-phất cũng chẳng được ai cúng dường mỗi khi cùng đi với tỳ-kheo Losaka Tissa, người đã phạm lỗi bất thiện trong quá khứ.

Đấy là một bằng chứng của ác báo trong nhiều đời kiếp mà một người phải nhận chịu vì hành vi bất thiện đã qua của chính mình, và lây đến cả những người thân cận cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Vì thế, mọi người khi nghĩ đến sự an lạc của mình trong cõi Luân hồi (Samsara), phải biết tránh xa các người xấu đang chịu ác báo của hành vi bất thiện họ đã làm trong quá khứ, để khỏi bị vướng lây một cách gián tiếp. Nếu rủi chính các người thân của mình đang chịu cảnh khổ đó, mình cũng phải lánh ra, ít nhứt là trong tư tưởng, mới thoát khỏi màn đen tối tai hại của nghiệp dữ và để trở thành người thật có đức hạnh trong các đời tái sanh về sau.

245.- Ác báo lại đến cho kẻ khác.

Có nhiều trường hợp một người phải hứng chịu lấy hậu quả do hành vi bất thiện của kẻ khác. Tác giả hành vi xấu ác thoát khỏi ảnh hưởng của quả báo, nhờ vào ảnh hưởng của một hình thức che chở nào đó, nhưng những người thân cận của anh ta phải chịu thế, và hoặc cha mẹ, con cái, hoặc thầy học, đầy tớ, đệ tử hay thí chủ, phải gánh chịu thay cho. (Theo quan niệm chiêm tinh học, nếu kẻ đã làm hành vi bất thiện, may mắnđược một chòm sao sáng nào chiếu vào, thì ảnh hưởng bất lợi của ác nghiệp sẽ chuyển hướng sang những người thân cận trong gia đình hay tôi tớ.) Người ta thường kháo nhau: “Tội nghiệp cho người ấy lại phải trở thành nạn nhơn của nghiệp báo (kamma) (Cũng như bình dân Việt nam, có câu: “Cha ăn mặn, con khát nước”.) Nhưng tác giả của hành vi gây ra ác nghiệp vẫn tỏ ra hối tiếc và cảm thấy tội nghiệp cho nạn nhơn, mặc dầu chính mình thoát được ác báo. Do đó, dầu sao đi nữa, tác giả cũng vẫn đau khổ ít nhiều khi nhìn thấy người thân của mình phải chịu thay mình; đấy cũng là một hình thức quả báo đã đến cho chính tác giả vậy.

246.- Cùng một hành nghiệp, nhưng quả báo lại trỗ ra khác nhau.

Trên cõi đời nầy, có nhiều người đạo đức mà cũng lắm người vô hạnh. Thí dụ như người đạo đức và người vô hạnh cùng làm một hành vi bất thiện nhỏ. Người đức hạnh chẳng phải chịu nhiều về hậu quả, vì thiện nghiệp to lớn sẵn có của ông ta đã hoá giải được ảnh hưởng của một bất thiện pháp nhỏ nhiệm và đơn độc đó. Nhưng với kẻ vô hạnh, vì chẳng có tích trữ thiện nghiệp nào để che chở cho, nên anh ta phải gánh hết hậu quả của hành vi bất thiện.

Trường hợp sau đây chứng minh điều đó. Con trai một người giáu có và một người ghiền á phiện, cả hai rủ nhau đi ăn trộm gà trong đêm tối. Con người phú hộ trộm được con gà mái và bị bắt quả tang, nhưng chủ nhà lại nể nang quyền thế của cha nó, đã chẳng dám buộc tội mà còn xin lỗi nó; rồi quay sang kết án anh ghiền và đòi bỏ tù về tội đạo thiết.

Nếu bạn bỏ một hột muối vào giòng sông Ayeyarwaddy, nước sông đâu có thay đổi mùi vị. Cùng thế ấy, nếu bạn phạm một lỗi nhỏ, trong khi bạn đã tích trữ từ lâu nhiều công đức thiện nghiệp, thì hành vi bất thiện nhỏ nhặt kia chẳng gây ảnh hưởng nào đáng kể. Nhưng nếú bạn bỏ hột muối ấy vào chén, nước trong chén sẽ trở nên mặn ngay. Cùng thế ấy, nếu bạn chỉ tạo được một ít công đức thiện nghiệp (kusala) thì một việc ác nhỏ nào cũng đủ làm tiêu tan mất ảnh hưởng của thiện nghiệp đó.

Thiện nghiệp (kusala kamma) và ác nghiệp (akusala kamma) cùng tác động lẫn nhau. Một hành động bất thiện nhỏ chẳng thể gây trở ngại cho một khối lượng lớn các thiện nghiệp (kusala kamma). Nhưng nếu bạn chỉ có một khối lượng it ỏi về thiện nghiệp, thì một hành vi bất thiện nhỏ nhặt nào cũng đủ khiến cho thiện nghiệp tích trữ của bạn phải tiêu tan đi. Vì thế, bài học thiết thực về đạo đức là con người đức hạnh phải luôn luôn làm việc thiện lành, càng nhiều càng quí, để tích trữ thiện nghiệp ngày càng dồi dào hơn lên.

247.- Cơ duyên khiến nghiệp lực đưa đến quả báo: túc duyên (sampatti) và khuyết duyên (vipatti).

Khi hội đủ cơ duyên thuận lợi và may mắn sẵn sàng trợ giúp, nghiệp lực liền dẫn đến quả báo tốt lành, cơ duyên tốt đó được gọi là sampatti, tạm dịch là túc duyên. Ngược lại, khi gặp phải cơ duyên bất lợi và xui xẻo thúc đẩy, thì nghiệp lực đưa đến quả báo xấu ác; cơ duyên xấu đó được gọi là vipatti, dịch gượng là khuyết duyên. Xuyên qua các cuộc sống trong cõi Luân hồi (Samsara), mọi chúng sanh đều đã gây ra nhiều hành nghiệp [= các hành vi tốt hay xấu tạo nên nghiệp (kamma)], và đã phát khởi vô số tâm thức ý hành (javana cittas) còn chờ dịp để sanh ra các hậu quả trong tương lai. Các yếu tố đó còn chưa diệt mất hẳn, nếu chưa kịp gây ra các hậu quả, vì còn chờ hội đủ các đìều kiện thích hợp cho việc trỗ quả về sau. Có bốn loại cơ duyên tốt, lành, túc duyên (sampatti) và cũng có bốn loại cơ duyên xấu, ác, khuyết duyên (vipatti) cùng giữ vai trò trợ giúp các nghiệp lực trỗ sanh ra quả báo, cho mọi chúng sanh trong các kiếp sống lẩn quẩn của Luân hồi. Nơi các túc duyên (sampatti), các thiện nghiệp (kusala kamma) có đầy đủ cơ hội để đem phước báo đến; còn nơi các khuyết dưyên (vipatti), các ác nghiệp (akusala kamma) cũng có đủ điều kiện thích hợp để mang lại ác báo.

  1. A) Bốn túc duyên (Sampatti):

1.Gati sampatti = tái sanh vào cõi lành = tạm dịch tái sanh túc duyên

2.Upadhi sampatti = có được thân tướng trang nghiêm, hình dung đẹp đẽ, = tạm dịch là thân tướng túc duyên.

3.Kala sampatti = sanh ra đúng thời = tạm dịch là thời cơ túc duyên.

4.Payoga sampatti = có đầy đủ phương tiện và trí lực = tạm dịch là phương tiện túc duyên.

  1. B) Bốn khuyết duyên (Vipatti):

1.Gati vipatti = tái sanh vào nẻo ác = tạm dịch tái sanh khuyết duyên

2.Upadhi vipatti = mang lấy thân tướng (= hình dung) thô xấu = tạm dịch là thân tướng khuyết duyên.

3.Kala vipatti = sanh chẳng đúng thời = tạm dịch thời cơ khuyết duyên.

  1. Payoga vipatti = chẳng có đủ phương tiện và trí lực, = tạm dịch là phương tiện khuyết duyên.

248.- Tái sanh túc duyên (Gati sampatti).

Các cõi tái sanh cao vào cảnh lành như cõi người, cõi Trời (deva) và cõi Phạm thiên (Brahma) được sắp vàotái sanh túc duyên (gati sampatti). Khi được tái sanh vào các cõi lành đó, các thiện nghiệp (kusala kamma) có đủ cơ hội đễ trỗ quả. Cõi người chẳng phải hoàn toàn thoát được mọi khổ nạn; nơi hai cõi Trời và cõi Phạm thiên, cao hơn cõi người, sung sướng thì nhiều mà khổ sở lại rất hiêm thấy. Các chúng sanh nơi các cõi đó sống đời an nhàn, hưởng thọ đầy đủ các khoái lạc nơi căn thân. Được tái sanh nơi nhàn cảnh, họ được bảo vệ khỏi phải chịu các hậu quả xấu của các hành vi bất thiện họ đã làm trong kiếp trước, vì các ác nghiệp nầy chẳng gặp đủ cơ duyên thích hợp để khởi lên ác quả được.

Mặc dầu cõi người còn chưa thoát khỏi hẳn được mọi khốn khó, nhưng so với bốn nẻo ác của Luân hồi là cõi điạ ngục, ngạ qủi, súc sanh và qủi thần, thì cõi người cũng đáng được gọi là khá đầy đủ tiện nghi. Nơi cõi người, các thiện nghiệp (kusala kamma) gặp được cơ duyên thuận lợi để trỗ quả, khiến con người có dịp hưởng thọ được các lạc thú về vật chất.

249.- Tái sanh khuyết duyên (gati vipatti).

Các cõi tái sanh thấp vào các cảnh dữ như cõi địa ngục, cõi ngạ qủi, cõi thú vật, và cõi qủi thần được sắp vào tái sanh khuyết duyên (gati vipatti). Nơi cõi địa ngục và trong cảnh ngạ quỉ (peta), chúng sanh phải chịu nhiều cảnh đau đớn về hình phạt chẳng dứt và luôn luôn bị đói khát. Cuộc đời khốn khổ đó đã khiến cho các ác nghiệp xưa kia có dịp trỗ ra các ác quả. Trong cõi súc sanh, tuy khá hơn hai cõi điạ ngục và ngạ qủi, nhưng loài thú vật phải chịu đói khát nhiều, bị gió táp mưa sa, nơm nớp lo sợ thợ rừng và mãnh thú săn đuổi, giết chóc. Các nỗi khổ đau (dukkha) đó chứng tỏ rằng chúng sanh phải chịu hành hạ khi cơ duyên bất lợi khởi lên trợ giúp cho các ác nghiệp mang lại hậu quả xấu ác. Biết bao nhiêu sâu bọ hằng ngày bị chơn người dẫm đạp hay bị xe cộ cắn chết. Dầu cho các chúng sanh nhỏ nhít nầy cũng đã có nhiều thiện nghiệp (kusala kamma) trong các đời trước, nhưng thiện nghiệp đó, trong cõi thấp xấu nầy (gati vipatti) chẳng gặpđược cơ duyên may mắn và đầy đủ để trỗ quả lành cho chúng bớt khổ được.

250.- Thân tướng túc duyên (Upadhi sampatti).

Đối với những kẻ được sanh vào các cõi lành do tái sanh túc duyên (gati sampatti), nhứt là trong cõi người, thật rất quan trọng cho họ nếu có được thêm thân tướng túc duyên (upadhi sampatti), để mang lấy một thân tướng trang nghiêm, một hình dong đẹp đẽ. Một người được thân tướng túc duyên, dầu phải sanh vào một gia đình nghèo khó hay giai cấp thấp hèn, cũng sẽ được kẻ khác giúp đỡ cho thành công trong đời. Các thiện nghiệp họ đã làm trong kiếp trước có đủ cơ hội để mang lại phước báo trong đời nầy. Một nhan sắc mặn mà là một lợi điểm to lớn. Như trường hợp cô Samadevi, trong câu chuyện kể vừa qua, chỉ nhờ chút nhan sắc được vua chiếu cố mà trở nên thể nữ trong hoàng cung; cũng như Bà Simpson đã chiếm được quả tim vàng của Vua Edward Đệ Bát.

Chẳng phải chỉ riêng về con người mà ngay cả các chúng sanh vì tái sanh khuyết duyên (gati vipatti) phảiđọa vào hàng súc sanh, nếu chúng có thân tướng đẹp, cũng được nuôi nấng no đủ và chìu chuộng thương yêu. Đấy là trường hợp các chim chóc, cá vàng, cùng chó mèo được người nuôi để làm bầu bạn. Như thế, có được thân tướng túc duyên (upadhi sampatti) với hình dong mỹ lệ cũng là điều quan trọng và ích lợi.

251.- Thân tướng khuyết duyên (Upadhi vipatti).

Các thú vật xấu xí mang thân hình thô kệch, vì phải chịu vừa tái sanh khuyết duyên (gati vipatti) vừa thân tướng khuyết duyên (upadhi vipatti). Mặc dầu trong kiếp qua chúng đã có những hành vi thiện lành nhưng còn chưa đưa đến phước báo trong kiếp nầy được vì thiếu điều kiện thuận hợp. Mặt khác, loài người có tái sanh túc duyên (gati sampatti) được sanh ra làm người, nhưng nếu phải mang thân hình cục mịch hay tàn tật (vì ảnh hưởng của thân tướng khuyết duyên [upadhi vipatti]) thì các thiện nghiệp (kusaka kamma) đã làm trong kiếp trước chẳng mang lại được phước báo để thọ hưởng trong kiếp nầy. Ngay cả những người giàu sang, phú quí, cũng chẳng được kẻ khác ái mộ. Thí dụ như nàng công chúa Pabhavati mỹ lệ chẳng chịu trò chuyện hay nhìn đến gương mặt của đức Vua Kusa xấu xí. Để mong đôi mắt xanh của nàng công chúa kiều diễm ghé nhìn đến, nhà vua xấu trai Kusa đã phải dang thân ra làm người nấu bếp, làm thợ đồ gốm, làm kẻ dệt thảm, hòng chiếm được mỹ cảm và tình yêu của người đẹp. Trong một cặp vợ chồng, nếu một người chẳng có nhan sắc, thì sẽ bị người kia xem như kẻ tôi đòi, hơn là người hôn phối. Đấy là những chướng ngại bất lợi của thân tướng khuyết duyên (upadhi vipatti).

252.- Thời cơ túc duyên (kala sampatti).

Thời đại thạnh trị của một vị minh quân được gọi là thời cơ túc duyên (kala sampatti) Dưới sự lãnh đạo anh minh của các lãnh tụ hiền đức chăm lo cho đời sống an lạc của dân chúng, bảo vệ sức khoẻ công cộng, giáo dục quần chúng và khiến cho toàn dân được phát đạt, thì các thiện nghiệp (kusala kamma) mới có cơ hội thuận tiện mang đến phước báo tốt lành. Dân chúng nhờ đó thọ hưởng một đời sống tươi vui, khỏi phải nhiều lo lắng sợ hãi, an hưởng thanh bình và thịnh vượng. Trong giai đoạn thời cơ túc duyên (kal sampatti), mọi hình thức của các ác nghiệp đã qua chẳng thể mang đến ngay cho dân chúng các hậu quả xấu như nghèo khổ hay đói kém được.

253.- Thời cơ khuyết duyên (kala vipatti).

Thời đại đen tối của các nhà lãnh đạo bất tài, vô đạo, được gọi là thời cơ khuyết duyên (kala vipatti). Thời kỳ chiến tranh và nổi loạn trong dân chúng cũng được gọi là thời cơ khuyết duyên. Vào trong những giai đoạn khốn khổ đó, các bất thiện nghiệp (akusala kamma) được đủ cơ hội thuận tiện để phát sanh ra hậu quả xấu ác. Do đó, dân chúng phải chịu lầm than vì nạn đói kém. Ngay những kẻ đã có sẵn thiện nghiệp (kusala kamma), từ kiếp trước, cũng chẳng thể thọ hưởng được phước báo vào thời kỳ khó khăn nầy. Dân chúng rên xiết hết tai hoạ nầy đến hoạn nạn kia, kẻ bịnh tật phải chết vì thiếu thuốc men. Đó là những quả báo ác hại của thời cơ khuyết duyên (kala vipatti).

254.- Phương tiện túc duyên (payoga sampatti).

Phương tiện túc duyên (Payoga sampatti) có nghiã là ảnh hưởng phối hợp của các yếu tố tỉnh giác (sati), nỗ lực (viriya), và tri thức (nana). Tri thức ở đây phải được hiểu là các kiến thức thiện lành, chẳng gây ra tổn hại. Hướng về mục tiêu chơn chánh, sự tác ý (vitakka), sự nỗ lực, sự mẫn cán, sự sáng suốt, sự minh triết, sự chánh niệm, tất cả những điều vừa kể chung qui đều là phương tiện túc duyên (payoga sampatti). Nơi các cõi Trời (Deva), cõi Phạm thiên (Brahma), phương tiện túc duyên chẳng mấy thiết yếu, nhưng trong cõi nhơn gian, các phương tiện nêu trên rất là quan trọng.

Những người, vì chẳng có bất thiện nghiệp (akusala kamma) tích tụ trong các đời trước, sẽ thọ hưởng được ngay những phước báo trong hiện đời. Nghiệp lực của các hành nghiệp trong quá khứ sẽ chuyển động, tùy theo có đủ được phương tiện túc duyên hay không, để đem lại quả báo, và quả báo thiện lành cũng dựa theo mức độ của phương tiện túc duyên mà gia tăng hay giảm bớt.

Nói tóm lại, mọi người chẳng nên chỉ tin cậy vào các thiện nghiệp (kusala kamma) trong quá khứ để mong được sự an lạc. Họ còn phải dựa trên nỗ lực của chính họ để cải thiện cuộc sống hiện thời nữa. Phương tiện túc duyên (payoga sampatti) có khả năng dẫn đạo cho các thiện nghiệp (kusala kamma) trỗ quả theo đúng đường hướng. Dĩ nhiên cũng có nhiều hành vi thiện được làm trong kiếp trước mang lại phước báo trong đời nầy, như trúng số độc đắc, hay đào được hủ vàng chẳng hạn, nhưng các sự việc nầy lại rất hiếm. Trong ngành kỹ nghệ và thương mãi, hậu quả của các thiện pháp đã làm trong đời trước, chỉ chiếm có một phần tư ảnh hưởng đưa đến sự thịnh đạt, số ba phần tư còn lại là do chính ở cách biết xử dụng các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) ngay trong đời nầy.

255.- Phương tiện túc duyên (Payoga sampatti) có thể ngăn chận được ác nghiệp (Akusala kamma).

Ác nghiệp (Akusala kamma) có thể được chia ra làm hai cấp: (1)Ác nghiệp lớn, mạnh và (2) Ác nghiệp nhỏ, yếu. Phương tiện túc duyên (payoga sampatti) chẳng ngăn chặn nổi quả báo xấu ác của các ác nghiệp hạng thứ nhứt; mà chỉ có thể làm giảm bớt được cường độ của ác báo một phần nào mà thôi. Thí dụ như vua A xà thế (Ajatasattu) đã giết vua cha để cướp ngôi; vì tội phạm nghiêm trọng nầy, phải sa vào điạ ngục vô gián(Avici, A tỳ) (vô gián = chẳng ngừng; tội nhơn phải chịu hình phạt chẳng lúc nào ngừng trong nhiều kiếp). Phương tiện túc duyên của ông, tuy rất mạnh mẽ, cũng chẳng cứu giúp được thân phận khỏi bị đoạ vào nẻo ác. Nhưng nhờ sự sám hối chơn thành và sự sùng kính vào Đức Phật Thích-ca, nên ông chỉ phải tái sanh vào một cõi điạ ngục khác nhẹ hơn (Ussada Niraya) và thời gian chịu hình phạt ngắn hơn. Như thế, tối đại ác nghiệp (Garu Akusala kamma) cũng còn có thể được giảm bớt, nếu biết xử dụng đầy đủ các phương tiện túc duyên.

Do đó, nếu các lỗi lầm của ta chẳng quá tệ hại như trong trường hợp của vua A xà thế, thì ta có thể làm nhẹđược các ác báo hoặc ngăn chặn chúng chẳng phát sanh ra. Thí dụ như lỡ hỗn láo với thầy dạy, bất kính đối với mẹ cha và các bực trưởng thượng, phỉ báng người đức hạnh, ta có thể ngăn chặn được các ác báo khởi sanh, bằng cách thành tâm chí thiết sám hối. Ta cũng có thể hoá giải tất cả các hậu quả xấu ác bằng cách đến qùi lạy xin lỗi trước những người mà ta đã phạm tội, và trong trường hợp họ đã chết rồi thì đến kính lễ nơi phần mộ. Các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) nầy sẽ đẩy lui được các ác báo sắp đến.

Cùng thế ấy, các hành nghiệp nhỏ, yếu cũng có thể giải trừ được bằng cách tạo ngay đây nhiều thiện pháp rộng rãi hơn. Các vị tỳ-kheo, mỗi khi lỡ phạm các lỗi nhẹ về giới luật liền xin phát lồ và nhận chịu các hình phạt sám hối được Đức Phật qui định sẵn trong Luật tạng(Vinaya). Như thế, các hậu quả của các hành nghiệp nhỏ,yếu, cũng nhờ các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) xóa bỏ được.

256.- Phương tiện túc duyên (payoga sampatti) đem đến sự thịnh vượng cho toàn dân.

Đối với những người còn chưa biết tin tưởng vào Ngôi Tam Bảo (Ti ratana), họ cũng tích trữ được công đức nhờ các thiện pháp mà họ đã làm trong kiếp trước. Sự rành nghề, tánh cần cù và đức nhẫn nại của họ rất đáng khen. Cùng với nguồn an lạc đem lại cho cá nhơn và gia đình họ, họ cũng đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc bảo vệ và phát triển quốc gia qua các hoạt động khoa học và kỹ thuật. Ai lại đi phủ nhận rằng các nỗ lực của họ chẳng mang lại sự thịnh vượng chung về kinh tế và xã hội (mặc dầu có một số Phật tử chỉ trích quá đáng là các hoạt động của họ mang tánh cách bất thiện nghiệp (akusala).

Các người ngoại quốc đó đến nước ta để làm giàu, nhưng phải nhìn nhận họ là những kẻ rất siêng năng, cần cù, khéo léo, thông minh và hoạt bát. Họ rành nghề hơn chúng ta nhiều lắm. Họ biết tính kỹ, nhìn xa, chọn những điạ diểm thuận lợi để thiết lập doanh nghiệp, nhờ vào kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng của họ. Với rất nhiều phương tiện túc duyên (payoga sampatti) như thế, các thiện nghiệp (kusala kamma) của họ đã làm trong kiếp trước, nay gặp đủ cơ duyên để trỗ quả, khiến cho họ nhanh chóng vọt lên đến cảnh đại phú. Nếu chúng ta, những người Phật tử của quốc gia Miến-điện, biết theo gương nỗ lực của họ, chúng ta cũng thực hiện được sự phú cường và tiến bộ như họ. Chúng ta phải cùng nhau mở mang kiến thức và thâu thập kinh nghiệm về các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) để góp phần vào công cuộc phát triển quốc gia.

257.- Y tế qua phương tiện túc duyên (payoga sampatti).

Sanh trong cõi nhơn gian, con người vừa được thiện nghiệp (kusala kamma) giúp cho đầy đủ sức khoẻ, lại vừa bị các bất thiện nghiệp (akusala kamma) mang bịnh hoạn đến nữa. Tuân theo các kỷ luật về y tế, vệ sanh cá nhơn, tập thể dục đều đặn, ngủ nghỉ vừa đủ, thuốc men cẩn thận, những điều nầy chung qui lại là những phương tiện túc duyên (payoga sampatti) đưa đến sức khoẻ dồi dào. Với những kẻ có đủ phương tiện tuc duyên như thế, các thiện nghiệp (kusala kamma) của họ trong kiếp qua sẽ có đủ cơ duyên để thành tựu phước báo khiến cho sức khoẻ của họ luôn được sung mãn.

Như thế, phương tiện túc duyên (payoga sampatti) là yếu tố cần thiết vào bực nhứt để tạo cơ duyên cho các phước báo trỗ sanh ra quả. Nhờ vào phương tiện túc duyên, con người phát triển kiến thức, kết hôn được với người xứng đáng, gặp được bạn hiền, thầy giỏi, có được đầy đủ sức khoẻ và chiếm được điạ vị khả quan trong xã hội. Phương tiện túc duyên còn giúp ta dễ theo được các hạnh Ba-la-mật (Paramis), hướng về cảnh an lạc của Niết-bàn (Nibbana). Trong số các phương tiện túc duyên, học vấn, kiến thức đứng hàng đầu, kế đến sự tỉnh giác trong chánh niệm và sau cùng là sự nỗ lực trong bất cứ hoạt động nào.

258.- Phương tiện khuyết duyên (Payoga vipatti).

Sự lười biếng, giải đãi, hôn trầm, thiếu kiến thức, hay quên, ganh tị, đố kỵ, dễ nóng giận và kiêu mạn rỡm, đó là những phương tiện khuyết duyên (payoga vipatti). Các tật xấu đó làm cản trở sự thành công và thịnh vượng. Nơi cõi nhơn gian, các bất thiện nghiệp (akusala kamma) nghiêm trọng đã mang đến hậu quả rồi, nhưng chẳng phải bất cứ ai cũng đều bị ảnh hưởng của ác nghiệp nặng nề cả. Còn các bất thiện nghiệp ít nghiêm trọng hơn, đều nằm tiềm phục nơi mọi người, chỉ chờ cơ hội do những phương tiện khuyết duyên (payoga vipatti) mang đến, để phát sanh ra hậu quả.

Thí dụ như, trẻ con các gia đình đạo đức, biết chăm học, sống đúng theo chánh mạng, giữ gìn Ngũ giới; các thiện pháp nầy sẽ ngăn chặn được các hậu quả xấu ác của các bất thiện nghiệp mà chúng đã làm trong kiếp trước. Trái lại, nếu chúng lười biếng, vô kỷ luật, sống theo tà mạng, chẳng tuân Ngũ giới, thì chúng đang làm phát triển các phương tiện khuyết duyên (payoga vipatti). Các phương tiện khuyết duyên nầy lại tạo cơ hội cho các bất thiện nghiệp (akusala kamma) đời trước trỗ quả trong đời nầy.

Để tóm tắt, ngoại trừ tánh cách trọng đại của các đại thiện nghiệp (kusala kamma) và các đại ác nghiệp (akusala kamma) ra, các hành nghiệp thông thưòng hoặc thiện, hoặc ác, đã làm trong kiếp trước, có đem đến hậu quả tốt hay xấu cho đời nầy hay không, đều tuỳ theo các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) hay các phương tiện khuyết duyên (payoga vipatti). Với người có sẵn các phương tiện túc duyên, thì chỉ các thiện nghiệp báo mới trỗ quả, còn các ác nghiệp báo chẳng có đủ cơ duyên để phát sanh. Còn với các người vì chỉ có phương tiện khuyết duyên nên các ác nghiệp báo mới trỗ quả, giành lấn chỗ, khiến cho các quả lành của thiện nghiệp chẳng phát sanh được. Thời buổi ngày nay, những người bị ác nghiệp, nương theo các phương tiện khuyết duyên, khởi lên làm tàn tạ cuộc đời của họ, chẳng phải là it thấy. Ta có thể nhận ra họ trong hầu hết mọi cộng đồng.

259.- Chúng ta có thể cải thiện hay không?

Trong số bốn loại khuyết duyên (vipatti = các điều kiện đưa đến các quả báo bất lợi, xấu ác) có loại có thể sửa đổi được, có loại chẳng sửa đổi được.

Đã sanh ra rồi, nay chúng ta đâu làm gì thay đổi được sự tái sanh vào đường lành hay nẻo ác. Điều đó có nghiã là sự tái sanh khuyết duyên (gati vipatti) chẳng thể sửa lại được. Nhưng một vài điều kiện của sự khuyết duyên (vipatti) nầy có thể cải thiện được. Thí dụ như nếu sanh tại vùng quê mùa, nghèo đói, ta có thể di cư sang các vùng trù mật hơn (patirupa desa = những nơi thuận lợi). Chúng ta đã thấy nhiều người ngoại quốc di cư sang nước chúng ta để tìm nguồn lợi. Nhiều người trong nước cũng rời miền thượng du Miến-điện, đến sanh sống nơi miền nam trù phú hơn. Các bực trí giả cũng thường chọn điạ phương nào mà công cuộc giáo dục tốt đẹp được dễ dàng hơn. Tuy nhiên ta cũng phải có sẵn các đức tánh căn bản để thành công nơi vùng đất mới, như trí thông minh, sự cần cù, v.v. Khiếm khuyết các đức tánh đó, việc di cư chẳng mang đến các kết quả mong muốn.

Trong trường hợp thân tướng túc duyên (upadhi sampatti) và thân tướng khuyết duyên (upadhi vipatti), cácđặc điểm bẩm sinh trên thân thể lúc sanh ra thì chẳng thể nào sửa đổi được. Nhưng hình dong bên ngoài còn có thể làm cho đẹp hay dễ coi hơn nhờ khéo léo trong cách phục sức. Điều nầy ta có thể xét thấy rõ khi quan sát lối ăn mặc của người ở làng quê và kẻ ở chợ búa. Các bà mẹ cũng có thể sửa đổi đôi chút các khuyết tật nhỏ trên thân thể của các trẻ nhỏ, như vài nơi xấu xí trên khuôn mặt hay tay chơn chẳng cân xứng nhau. Sức khoẻ của thiếu nhi cũng được tăng tiến nhiều nhờ khéo dinh dưỡng. Sự dốt nát hay sự sơ xuất của các bà mẹ có thể gây ra cố tật cho con, hay khiến cho sức khoẻ của chúng bị èo uột. Một khi các phương tiện túc duyên chẳng có thì các ác nghiệp liền đem lại hậu quả xấu ác ngay. Và các phương tiện túc duyên nầy đều bao gồm cả trong vấn đề học vấn, thông minh, nỗ lực đúng đắn, nếu đem cả ba phối hợp chung lại, thì có thể sửa đổi ít nhiều các khuyết điểm trên thân tướng.

Trong trường hợp các thời cơ khuyết duyên (kala vipatti), một người riêng rẻ chẳng làm được gì nhiều để hòng sửa đổi . Chỉ có các nhà lãnh đạo mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp có sự biến loạn trên toàn cõi đất nước, ai cũng có thể di chuyển đến các vùng có những nhà lãnh đạo đủ tài năng và đức độ. Ngay trong những cộng đồng nhỏ cũng có những vị thôn trưởng, những vị trụ trì, cũng đã cải thiện đời sống dân chúng trong vùng, đến một mức độ khả quan nào đó. Đến đây, chắc các bạn thấy rõ, có ba điều khuyết duyên mà ta có thể sửa đổi cho tốt hơn, đó là tái sanh, thân tướng và thới cơ (gati , upadhi , kala vipatti)

Khuyết duyên về phương tiện (payoga) dễ cải thiện nhứt. Người lười biếng cần bỏ ngay tật xấu đó và tập cho mình siêng năng, cần mẫn. Nếu hay quên, tâm thường tán loạn, lơ đãng, thì phải đặt mình trong kỷ luật của sự tỉnh giác.Kẻ hay nóng tánh nên tu tập đức nhẫn nhục và cố sửa thái độ mình thành người khả ái. Nếu xét thấy mình hay kiêu mạn rỡm thì phải học cách nhún nhường. Những người ít học, thiếu kiến thức, phải tìm đến các bực hiền giả mà noi theo, chẳng bao lâu sẽ tích trử đủ số vốn học thức. Những ai cố gắng tự cải thiện lấy mình, chấn chỉnh các lỗi lầm, thì hưởng thọ được chẳng những các lợi ích ngay trong đời nầy mà cả phước báo trong những đời sau nữa của cuộc sống Luân hồi (Samsara).

260.- Chẳng nên quá dựa vào Nghiệp lực (Kamma).

Trên thế giới hiện nay, có bốn tôn giáo lớn: Ấn giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Ấn giáo và Phật giáo tin tưởng ở thuyết nghiệp lực (kamma) và các quả báo. Cơ đốc giáo và Hồi giáo tin tưởng ở Thượng đế, đấng Tạo hoá của vũ trụ. Về sự tin tưởng vào Thượng đế Tạo hoá, chúng tôi xin khỏi đi sâu vào chi tiết ở đây. Đó là môt sự tin tưởng sai lầm mà các độc giả quyển sách nầy tất dễ nhận thấy rõ. Còn những kẻ tin tưởng rằng chỉ có các hành nghiệp đã qua và hậu quả của chúng mới hoàn toàn quyết định vận mạng của một chúng sanh, lại cũng rơi vào tà kiến nữa. Tà kiến nầy được gọi là Pubbekatahetuditthi. Gọi đó là tà kiến, vì thuyết nầy cho rằng tất cả các hậu quả, tốt cùng xấu, mà mọi chúng sanh phải thừa hưởng, đều hoàn toàn chỉ do nơi các hành động, thiện hay ác, đã làm trong các kiếp sống đã qua. ([Pubbekatahetuditthi = Pubbe + kata + hetu + ditthi]; pubbe = đã qua; kata = làm xong; hetu = nguyên do, điều kiện; ditthi = lý thuyết, giáo điều, tin tưởng. Xin tạm dịch Pubbekatahetuditthi thuyết cố định nghiệp quả).

Bởi thế cho nên, người Phật tử nào mà tin rằng, chỉ riêng có các hành nghiệp đã qua trong đời trước mới quyết định đời sống hiện tại, là đang rơi vào tà kiến cố định nghiệp quả (pubbekatahetuditthi). Khi ghi nhớ rõ trong tâm bốn đìều kiện về túc duyên (sampatti) và bốn điều kiện về khuyết duyên (vipatti), chúng ta mới nhận ra rõ và chắc rằng các hậu quả của hành nghiệp thiện và bất thiện theo đuổi chúng ta luôn, chẳng ngưng nghỉ. Nhưng các hành nghiệp bất thiện trong đời trước chỉ sanh ra ác quả nếu có đầy đủ các khuyết duyên (vipatti) trong đời nầy. Và các hành nghiệp thiện xưa kia chỉ trỗ thiện quả nếu hội đủ được các túc duyên (sampatti) trong đời hiện tại. Đây mới thật là chánh kiến đứng đắn về nghiệp quả.

Ngay cả khi ta đã có những hành nghiệp bất thiện trong đời quá khứ, chúng cũng chẳng phát sanh ác quả được trong đời nầy nếu ngay đây ta nỗ lực vun trồng các phương tiện túc duyên (payoga sampatti). Và nếu trong đời nầy, ta biết tu tập theo các hạnh Ba-la-mật, như bố thí (dana), trì giới (sila), v.v., thì chúng ta sẽ được tái sanh vào nhàn cảnh. Nếu ta tiếp tục mãi vun bồi các phương tiện túc duyên trong mọi kiếp sống của Luân hồi, chúng ta sẽ luôn luôn thọ hưởng được tái sanh túc duyên (gati sampatti). Rồi thì các bất thiện nghiệp xưa kia của chúng ta chẳng hề có đủ cơ hội để khởi lên ác quả làm hại chúng ta, cho đến ngày chúng ta chứng đạt được cảnh giới an lạc của Niết-bàn (Nibbana). Vì thế cho nên, ta chẳng nên quá lo lắng về các hành nghiệp bất thiện trong đời trước, mà hiện giờ, ta còn chẳng thấy được hay chẳng nhớ được . Hãy tích cực nỗ lực ráo riết ngay trong đời nầy, cải thiện thân tâm và hoàn cảnh sanh sống của mình và phát triển các phương tiện túc duyên (payoga sampatti) đến mức độ cao nhứt, khiến cho đời ta càng ngày càng thăng tiến đến các cảnh giới cao hơn trong các cuộc tái sanh.

261.- Hiệu quả giống nhau.

Cả thiện nghiệp (kusala kamma) và bất thiện nghiệp (akusala kamma) đều mang lại các quả báo giống nhau về hiệu lực như các hành vi thiện hay bất thiện đã làm trong kiếp trước. Ai đã sát sanh trong đời qua, thì đời nầy sanh mạng sẽ bị sát hại lại, hoặc sẽ bị nhìều cơn bịnh ngặt nghèo. (Xin xem thêm chi tiết trong Quyển Ratana Gon yi, cùng một tác giả.)

262.- Hiệu quả giống nhau của Bố thí (Dana).

Lòng quảng đại, cúng dường lễ vật, tâm nhơn từ, và thiện chí muốn giúp đỡ kẻ khác, đều là bố thí (dana) cả. Phước báo của bố thí to rộng đến mức khiến cho người thí giả sẽ được thật giàu sang, sung sướng, trong đời sắp tới. Nhưng nếu khi bố thí vừa xong, ta chẳng có được hậu tế ý hành (apara cetana) tốt đẹp, giả dụ như ta còn luyến tiếc của cải đã đem ra hiến tặng, hay tiếc rẽ về hành vi bố thí đã làm, thì ta chẳng được sung sướng hưởng hạnh phước trong nếp sống giàu có của kiếp sau. Rồi mặc dầu tiền của dư thừa, nhưng ta vẫn sống đời khốn khổ như người túng bấn vậy.

263.- Câu chuyện một phú ông.

Vào thời Đức Phật Thích-ca chưa giáng trần, có một phú ông giàu sang; một hôm có vị Bích chi Phật (Paccekabuddha) đến hoá duyên ở trước cửa. Phú ông liền bảo đầy tớ đem thực phẩm ra dâng cúng. Nhưng sau đó, phú ông lại cảm thấy tiếc của, sao lại phí phạm lấy thực phẩm đem cho; vì còn thiếu thiện ý trong hậu tế ý hành (apara cetana)như vậy, nên ông ta chẳng hưởng được niềm vui của người chơn thành bố thí.

Vị phú ông ấy lại được tái sanh thành người giàu có vào thời Đức Phật Thích-ca, nhờ vào việc đã cúng dường cho một vị Bích chi Phật trong tiền kiếp. Nhưng vì hậu tế ý hành bố thí trước kia của ông quá thấp kém, nên nay ông chẳng hề cảm thấy mình đang sống cuộc đời dư dả. Quần áo ông mặc toàn là đồ vải bố thô, thức ăn vật uống toàn là cơm hẩm với dấm chua. Đến khi ông chết, toàn thể gia sản được sung công vào kho vua, vì ông chẳng có người thừa tự.

Bài học: Hãy suy gẫm kỹ về cuộc đời của vị phú ông vừa kể. Thời buổi nầy, cũng có lắm người rít róng chẳng biết hưởng thọ cảnh giàu sang. Họ chẳng dám mặc quần áo đẹp, chẳng dám dùng thức ăn ngon. Nếu họ đã biết đem tiền bạc, sản nghiệp ra bố thí cho người bần cùng, thì việc tiện tặn của họ cũng còn được xem như hợp lý phần nào; đằng nầy họ lại quá rít róng và sự bỏn xẻn đó chẳng đẹp đẽ gì cả. Trong các cuộc đời sắp tới, tánh bủn xỉn đó còn theo đuổi họ nữa, dưới hình thức quả báo (vipaka). Đấy là bài học kinh nghiệm về cuộc đời rít róng của một phú ông.

264.- Lời khuyên của Hoà thượng Dipeyin.

Ta nên nhớ luôn luôn, người giàu phải sống một cuộc đời đúng theo điạ vị và tài sản của họ đòi hỏi. Họ nên sống đầy đủ tiện nghi, để dành một phần gia sản lại cho các người thừa kế và đem một phần ra giúp vào các công cuộc từ thiện. Bằng cách ấy, họ mới được xem như đang sống một đời hạnh phúc xứng đáng và tiếp tục được như thế trong các kiếp sau. Hoà thượng Dipeyin (Dipeyin Sayadaw) có khuyến dạy như sau: “Thực phẩm qua khỏi miệng rồi cũng sẽ thành phân; phải biết khi chết đi, con người phải bỏ hết tất cả tài sản lại sau; phải nên trồng “cây ước nguyện” của những thiện nghiệp (kusala kamma) ngay trong khi còn được sống ở cõi nhơn gian: hãy ăn mặc và chi tiêu với tài sản đã gầy dựng, giữ lấy một phần cho các thừa kế, và đem một phần ra bố thí vào việc từ thiện. Đó là con đường của người đức hạnh.”

265.- Hiệu quả giống nhau của việc trì giới (Sila).

Giữ gìn miên mật Ngũ giới, hay thọ trì Bát quan trai (Uposatha sila) đem lại hạnh phước an lạc cho mọi chúng sanh. Giới luật (Sila) còn giúp con người có được cuộc sống bình an, khỏi lo lắng và phiền muộn. Phước báo của giới luật tuy chẳng làm cho con người trở nên giàu có, nhưng giới luật khiến tâm hồn được yên ổn. Bố thí (dana) đem giàu sang cho kiếp sau. (“Danato bhogava”). Giới luật mang sức khoẻ đến cho thân thể và bình an cho tâm hồn. (‘Silato sukhito”.)

266.- Hiệu quả giống nhau của việc quán tưởng (Bhavana).

Những ai muốn tu tập quán tưởng về nghiệp lực (kammatthana bhavana) ([Kammatthana bhavana = kamma + thana + bhavana]; kamma = nghiệp lực; thana = xứ, điạ hạt, lãnh vực; bhavana = quán tưởng; xin tạm dịch Kammatthan bhavana nghiệp lực giới quán tưởng, nói cho gọn là quán tưởng về nghiệp lực.), thì phải nên chọn nơi xa vắng như trong rừng sâu, và sống cuộc đời độc cư. Khi bạn muốn thực tậpquán tưởng (bhavana) để đắc được các cấp thiền định (jhanas), bạn chỉ chứng đắc được thiền khi nào bạn đã quán tưởng thấy rõ ràng các lỗi lầm của các thú vui nhục dục. Khi bạn muốn thực tập quán tưởng để chứng đắc Đạo (Magga) và Quả (Phala), bạn còn phải đi xa hơn trong việc quán tưởng, cho đến khi phát triển được trong tâm thức sự nhàm chán, khinh tởm các uẩn: sắc (rupa) về thân thể và danh (nama) về tâm thức, xuyên qua tất cả các cuộc tái sanh lẩn quẩn trong vòng Luân hồi (Samsara).

Khi bạn tu tập quán tưởng thâm sâu và chứng đắc được các bực thiền định (Jhanas), bạn sẽ tái sanh vào cõi Phạm Thiên (Brahma), nơi đây bạn sẽ sống cuộc đời độc thân, chẳng cần tìm kiếm một người hôn phối nào. Bạn được sống trong một lâu đài tráng lệ ở cõi Trời, như một thiền sư, trong cảnh trang nghiêm và thanh nhàn. Nhưng nếu bạn đã chứng đắc đưọc cả đạo quả (magga + phala), thì bạn chẳng còn quyến luyến chi đến lầu đài, v.v., cả sắc (rupa) lẫn danh (nama) của thân tâm bạn mà bạn đã khinh ghét và từ bỏ. Do đấy, khi bạn đã chứng đắc đến cảnh giới Niết-bàn (Nibbana), chỉ còn một yếu tố đặc biệt lưu lại, mà yếu tố ấy cũng chẳng dính dáng gì với sắc (rupa) và danh (nama) cả.

Bởi thế cho nên, mỗi loại thiện pháp, như bố thí (dana), trì giới (sila), quán tưởng (bhavana) đều mang đến các kết quả tương ứng với một dung lượng bằng nhau. Tất cả những hình thức thiện nghiệp (kusala kamma) đều mang đến phước báo. Vì thế, nếu bạn đã có mục tiêu cao cả là đạt đến Niết-bàn (Nibbana), thì bạn phải dẹp trừ cho thật sạch sẽ mọi tư tưởng xấu ác và suốt dọc theo các cuộc sống Luân hồi, phải chuẩn bị đầy đủ cho hành trình cao quí đó bằng cách thực hiện càng nhiều càng tốt những thiện pháp.

Tạm kết về Chương 7

Đến đây chấm dứt việc cứu xét về sức mạnh và hiệu quả của Nghiệp lực (Kamma)

Để hồi hướng phước báo công đức viết quyển sách nầy, tôi nguyện cầu tất cả độc giả có được niềm tin chơn chánh, với những kiến thức chín chắn về hiệu lực của nghiệp báo.

Nguyện cầu các bạn hữu của tôi, và chính tôi, có được niềm tin đúng đắn trong các kiếp sống tương lai và nỗ lực phấn đấu để sớm đạt được cảnh giới Niết-bàn (Nibbana).

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời