208.- Tưởng niệm về sự tốt lành của nguyên nhơn nơi công đức Phật.

Trong việc Niệm Phật, tưởng niệm đến sự tốt lành của nguyên nhơn tạo nên công đức của Đức Phật, chữ nguyên nhơn có nghiã là sự thực hành viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện) của Đức Phật trong vô lượng kiếp sống về quá khứ. Ngài đã thực hiện tất cả mọi các thiện pháp và tu tập viên mãn các hạnh Ba-la-mật, với một ý chí thật mãnh liệt. Các công tác thiện lành mà Ngài đã làm, trải qua các cuộc sống trong Luân hồi (samsara), chẳng phải vì bổn thân của Ngài, mà chính là vì muốn giải thoát tất cả mọi chúng sanh ra khỏi cảnh khổ đau của Luân hồi. Chúng ta hãy thử nhắc lại hạnh Bố thí Ba-la-mật của đức Vua Vessantara, tiền thân của Đức Phật Thích-ca.

Đa số thường nhơn khi bố thí đều có bụng cầu danh, muốn được khen là giàu lòng từ thiện. Họ lại tự hào trong thâm tâm, mình là người ban ơn bố đức cho kẻ khác và chờ đợi sự biết ơn của người nhận. Họ mong cầu rồi sẽ được tái sanh vào cảnh sang giàu trong các đời sau. Họ chỉ nguyện cầu đắc được Niết-bàn (Nibbana) một cách chiếu lệ. Nhưng đối với Vua Vessantara, thì khác hẳn; ngay lúc còn thơ, cậu hoàng tử nhỏ đã biết chìa ngữa bàn tay ra, bảo mẹ đưa cho một vật gì để biếu tặng kẻ khác. Cậu chẳng hề có lòng vị kỷ, luôn luôn được ý muốn bố thí thúc đẩy, đúng theo sự nhớ lại được các hạnh nguyện của mình trong tiền kiếp (vasana). Bao nhiêu y phục cùng đồ trang sức đã được cậu đem ra hiến tặng cho các bạn bè.

Đến khi lên ngôi Vua, Ngài ra lịnh xây cất nhiều cung điện dành cho việc bố thí, mỗi ngày đều có tiệc cơm khoản đãi các người thọ thí, chi phí lên đến hàng trăm ngàn đồng. Ngài sung sướng nhìn thấy dân chúng nhờ Ngài mà được ăn no, mặc đẹp. Đấy chẳng phải là Ngài có ý vị kỷ muốn được tiếng khen hay được tái sanh vào cảnh giàu sang, quyền quí. Ngài chỉ tin rằng bổn phận người giàu là phải lo giúp kẻ nghèo. Lòng Ngài mong muốn cứu trợ kẻ bần cùng thật là mãnh liệt.

Có con bạch tượng Paccaya là của quốc bảo, thế mà Ngài cũng đem ra bố thí, gây nên sự phản đối ồn ào trong dân chúng. Nhưng vua Vessantara chẳng hề quan tâm chi đến các việc gì khác, ngoài sự chứng tri được Nhứt thiết chủng trí (Sabbannuta nana). Cũng có kẻ cho rằng đeo đuổi mục tiêu như thế, cũng còn là vị kỷ. Nhưng đối với nhà vua, chứng tri được Nhứt thiết chủng trí có nghiã là Ngài còn phải đi xa ngàn dặm để truyền bá Chánh pháp (Dhamma) của Ngài đến cho toàn dân. Vậy, đắc Nhứt thiết chủng trí, đối với Ngài, chỉ có nghiã là phục vụ mọi chúng sanh, giúp tất cả thoát khỏi mọi khổ đau vĩnh viễn, chớ chẳng phải vì lợi riêng cho chính Ngài.

Trong giai đoạn chót của sự hoàn mãn các hạnh Ba-la-mật, Vua Vessantara còn đem cả vợ và hai con, trai và gái, ra bố thí nữa. Hiển nhiên, đấy là lòng xả kỷ vị tha của Ngài hướng đến mọi chúng sanh. Chúng ta hãy xét thêm điểm nầy cho rõ.

Được vợ đẹp, con ngoan là lên đỉnh cao của hạnh phúc nơi cõi trần gian hay ở trên các cung Trời. Sống độc thân chẳng vợ con, ngay cả vua Chuyển Luân thánh vương, cũng thấy hạnh phúc mình còn chưa đầy đủ. Nhưng đối với vua Vessantara từ bỏ được kho tàng trân bảo quí báu nhứt nơi quả tim Ngài là vợ và con, để đem ra hiến tặng cho người khác, hẳn là một sự bố thí vô tiền khoáng hậu vậy. Tấm lòng quảng đại vô song đó chắc chắn chẳng phải xuất phát từ sự mưu cầu danh lợi, mà chính vì tấc dạ khẩn thành mong mỏi được chứng tri Nhứt thiết chủng trí, để Ngài có thể nhờ đo mà giải thoát mọi đau khổ cho tất cả chúng sanh.

Với mục tiêu vị tha cao quí đó, Ngài đã hy sanh cả đời mình nhiều lần, xuyên qua các cuộc sống trong cảnh Luân hồi, để thực hành viên mãn các hạnh trì giới (sila) vá nhẫn nhục (khanti) Ba-la-mật. Các hành động cao cả và toàn thiện đó, trong các tiền kiếp của Ngài, chính là nguyên nhơn đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Ngài đạt đến ngôi vị Phật ngay trong cõi đời hiện nay tại thế gian nầy.

209.- Tưởng niệm về sự tốt lành của hậu quả nơi công đức của Phật.

Các hành động cao quí và toàn thiện kể trên đây được thực hiện đầy đủ để hoàn mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis), đưa đến hậu quả là Ngài đã chứng được ngôi vị Phật. Trong hiện đời, với tư cách là Phật, Ngài đã có được tấm thân đẹp đẽ và trang nghiêm nhứt, trí huệ thù thắng nhứt, thần thông quảng đại nhứt, và sức minh triết thâm sâu nhứt. Các đức hạnh về thể chất và tâm linh đó của Đức Phật, ta phải tưởng niệm đến, thật đầy đủ chi tiết, mổi khi ta thực tập quán tưởng về Niệm các công đức của Phật (Budhanussati kammatthana) (tức là khi ta niệm Phật.)

210.- Tưởng niệm về các lợi lạc đem đến cho mọi chúng sanh.

Các hành động cao quí đã làm, các hạnh Ba-la-mật (Paramis) đã viên mãn, đưa đến kết quả tối hậu là Ngài đã chứng tri được Nhứt thiêt chủng trí (Sabbannuta nana). Sau khi đã lên ngôi vị Phật, Ngài chẳng ngồi yên thọ hưởng thành quả tối thượng của mình, mà lại đem Chánh pháp (Dhamma) cao quí ra giảng dạy trong bốn mươi lăm năm vì sự an lạc và hạnh phúc của mọi chúng sanh. Ngay cả khi Ngài sắp nhập Đại Bát Niết-bàn (Mahaparinibbana), Ngài còn sách tấn các vị tỳ-kheo bằng lời lẽ như sau:

“Handa dani bhikkhave amantayami vo, vayadhamma sankhara, appamadena sampadetha.”
“Này các tỳ-kheo! Ta khuyến nhũ các vị: Tất cả các pháp hữu vi đều phải suy tàn và tan hoại, Phải nên nỗ lực tinh tấn và chí thiết!”

Giáo pháp của Ngài đã chỉ đường dẫn lối cho chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau và chấm dứt vòng lẩn quẩn của Luân hồi (Samsara vatta). Vì thế, mọi người nên quán tưởng, với sự thành tâm thật sâu xa, về ba đức độ vĩ đại nơi cuộc đời của Đức Phật, đó là: nguyên nhơn cao quí, hậu quả cao quí và lợi lạc cao quí cho mọi chúng sanh. Có như thế, ta mới phát triển được niềm sùng tín hoàn toàn vào Đức Phật và tìm sự nương tựa vào Ngài, mỗi khi ta nguyện cầu:

“Buddho me saranam, annam natthi.”
“Đức Phật là nơi tôi nương tựa, chẳng có sự nương tựa nào khác nữa cả”.

Và niềm tin chơn thành cùng sự thông suốt hoàn toàn về Đức Phật sẽ nẩy nở và đơm bông trổ quả nơi thân tâm ta.

Trên đây là sự giải thích vắn tắt về việc quán tưởng đến công hạnh của Đức Phật (Buddhanussati bhavana), còn được gọi vắn tát là Bhavana, Quán tưởng, hay Niệm Phật. Việc tu tập quán tưởng như thế có thể thực hiện hằng ngày. Ta có thể bắt đầu bằng từ quán (metta bhavana) hay bằng Phật quán (Buddhanussati bhavana), tuỳ ý thích hợp. Muốn tập quán tưởng thâm sâu và miên mật, nên đọc thêm các tài liệu kinh sách khác, chẳng hạn như quyển Visuddhimagga.

(4) Kính lễ (Apacayana).

211.- Kính lễ (Apacayana) đối với những ai?

Kính lễ nghiã là có cử chỉ tỏ ra kính trọng những người hơn mình về tuổi tác, đức hạnh, trí huệ, liêm chính, v.v. Kính lễ với bực trưởng thượng như cha mẹ, chú bác cô dì, nhường ghế, tránh bước cho người đáng quí trọng, cúi đầu chào, chắp tay xá các vị tỳ-kheo (bhikkhu), giở nón hay chào hỏi theo tục lệ điạ phương,v.v. đó là những cử chỉ tỏ lòng kính lễ. Tuy nhiên, nếu khúm núm một cách gượng ép trước một nhơn vật có quyền thế vì sợ sệt hay vì nịnh bợ, thì chẳng đáng được gọi là kính lễ (apacayana), vì đó là sự giả dối bề ngoài; chỉ đáng gọi là sự phú tàng (maya), che đậy mà thôi.

212.- Vài điều đáng để suy gẫm.

Nghiêng mình, cúi đầu, thông thường được xem như là các cử chĩ lễ phép. Ở Miến-điện, một số người hay đặt xuống đất những vật đang mang vác và qùi lạy bên đường khi họ trông thấy một vị tỳ-kheo đi ngang qua. Vài người chẳng kể đến quần áo mới đang mặc, quì xuống ngay cả bên lề bùn bẩn hay tại sân ga xe lửa để kính chào các sư sãi hay người già cả. Các cử chỉ đó, nếu được thành tâm thi hành, cũng chẳng nên chê trách Nhưng ngày nay, với cuộc sống ồ ạt, nơi các chỗ đông đảo người qua lại, thì một cái cúi đầu và vài lời khiêm tốn cũng khá đủ để kính lễ (apacayana). Qùi lạy ở giữa đường nơi náo nhiệt để kính lễ chư tăng ni, trước mặt người ngoại quốc, chẳng còn thật sự là việc cần thiết nữa.

(5) Nhiêu ích (Veyyavacca).

213.- Nhiêu ích (Veyyavacca) nghià là gì?

Giúp đỡ ai hay làm tiếp giùm ai một việc gì có ích lợi được gọi là nhiêu ích (veyyavacca). Chúng ta nên sẵn lòng cung cấp mọi dịch vụ giúp người thí giả để họ được thêm thoải mái và bớt lo lắng trong việc thi hành các thiện pháp. Chúng ta lại càng nên giúp đỡ người đau yếu, kẻ tàn tật và người già cả. Gặp người đang khuân vác nặng nhọc, ta nên mang tiếp, đỡ lấy gánh nặng trên tay cha mẹ hay các bực trưởng thượng. Như thế, các hình thức công tác thiện nguyện đỡ đần cho người khác, miễn là chẳng hề có ác ý, đều thuộc vào những thiện pháp nhiêu ích (veyyavacca kusala).

Nếu bạn có thiện chí và ý hành (cetana) thật sự để trợ giúp bằng công tác thiện nguyện, thì lợi ích mang lại có thể nhiều hơn là cho người thí giả nữa.Thí dụ như, vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, có vị Thống đốc tên là Payasi, trước kia tin theo tà thuyết ngoại đạo, sau trở nên một Phật tử thuần thành nhờ sự cải hoá của Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumara Kassapa). Ông Payasi rất siêng năng trong việc bố thí và thường ngày hay dâng cơm cúng dường các vị tỳ-kheo (bhikkhu). Nhưng ông chẳng đích thân làm việc đó mà nhờ một chàng thanh niên tên là Uttara làm hộ. Mặc dầu Uttara chỉ nhơn danh ông Payasi cúng dường lên các tu sĩ, nhưng chàng ta lại rất thành kính để hết tâm trí vào việc dâng hiến. Đến khi cả hai người, vị thống đốc và chàng thanh niên qua đời, họ được thác sanh lên cõi Trời: vị thống đốc tái sanh ở cõi Trời Tứ Thiên vương (Catumaharajila) là cõi Trời thấp nhứt, còn chàng thanh niên lại được sanh vào cõi Tam thập tam thiên (Tavatinsa) cao hơn.

(6) Hồi hướng (Pattidana).

214.- Thế nào là hồi hướng (Pattidana) công đức.

Hồi hướng công đức (Pattidana) đến kẻ khác là có lòng muốn chia xẻ phước báo của việc thiện mình mới vừa thi hành đến cho người khác cùng hưởng với mình. (Pattidana = patti [= những gì hưởng được] + dana [= hiến tặng]). Kẻ thí giả, dĩ nhiên vẫn thọ hưởng lợi ích của hành vi bố thí (dana) đã làm. Ý muốn chia xẻ phước báo với kẻ khác, ý muốn hào hiệp đó, cũng lại một công đức khác nữa. Sau khi làm được một thiện pháp, chúng ta nên hồi hướng công đức như thế nầy:

“Nguyện cầu những ai nghe đến lời tôi đang nói, sẽ chia xẻ cùng tôi phước báo nầy! Nguyện cầu mọi ngườiđều có thể thọ hưởng nhiều công đức như tôi!” Như thế, hồi hướng công đức, chính nó, cũng là một hành vi thiện pháp riêng biệt.

215.- Một điều nên lưu ý.

Nhiều thí giả khi hồi hướng công đức, thường nói một cách lơ là, chiếu lệ: “Xin hồi hướng công đức nầy đến khắp tất cả,” mà trong lòng chẳng có chút thiện ý nào cả. Cách chia xẻ “bằng miệng”nầy chẳng thể nào gọi là hồi hướng công đức (pattidana) được.

Xưa kia, có một người nọ, đi vay mượn một số tiền, để thết tiệc mời khách đến mừng cho con vừa được thọ giới Sa-di (Sa-di = tu sĩ tập sự). Tiền bạc và lễ vật mừng của khách chẳng đủ số chi phí bữa tiệc, như sự mong ước của chủ nhà. Đến khi buổi lễ gần xong, có người đứng bên nhắc anh ta nên hồi hướng công đức. Bấy giờ, trong đầu anh còn đang bận rộn tính toán tiền nong, bối rối chẳng biết còn thiếu bao nhiêu để trả nợ, anh liền buột miêng nói: ‘Tôi đang vỡ nợ đây, lấy gì mà hồi hướng”.

216.- Hồi hướng công đức cũng như mồi lửa vào các ngọn đèn.

Có người lại thắc mắc: hồi hướng công đức đến cho kẻ khác có làm giảm bớt phần công đức của mình không? Bạn nên nhớ rằng: công đức nhiều hay ít tuỳ theo ý hành (cetana) khi đang thực hiện thiện pháp. Khi bạn bố thí với tất cả thiện chí thật sự thì thiện pháp đã được làm xong và cũng vì thế mà công đức đã đến cho bạn rồi. Và khi bạn hồi hướng công đức ấy đến người khác, thì bạn lại được thêm một công đức mới nữa do tấm lòng hào hiệp muốn chia xẻ của bạn. Như thế, chẳng có lý do nào việc hồi hướng làm giảm bớt công đức của bạn cả.

Hồi hướng công đức cũng tựa như ta mồi ngọn lửa ở ngọn đèn đang cháy đến các cây đèn khác. Ngọn lửa ở cây đèn trước đốt cháy lên các ngọn đèn sau, ánh sáng của ngọn đèn trước đâu vì thế mà giảm cường độ; trái lại trọn căn phòng lại được chiếu sáng hơn lên gấp bội.

Chia xẻ phước báo nhơn khi trì giới (sila kusala), quán tưởng (bhavana kusala) cũng thuộc về hồi hướng công đức (pattidana) do nơi các thiện pháp cả.

(7) Tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana).

217.- Tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana) nghiã là gì?

Thành tâm cảm thấy sung sường trước sự hồi hướng công đức của kẻ khác được gọi là tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana). Khi nghe ai đang hồi hướng công đức, ta tỏ vẻ vui mừng cho người ấy và nói ba lần: “Sadhu” (= Khéo làm thay!).

Cảm thấy vui mừng, trước một công tác thiện do kẻ khác làm, cũng là một cử chỉ đáng khen ngợi. Bản thể của tình cảm đó thuộc về tâm sở tuỳ hỉ (mudita), tức là tấm lòng vui thích hoàn toàn vị tha, thông cảm nỗi mừng của người khác Nhưng thực hiện được thật sự tuỳ hỉ công đức (pattanumodana) chẳng phải quá dễ dàng như ta tưởng. Một lời nói ở đầu môi chót lưỡi: “Khéo làm thay!” mà chẳng thật sự khởi lên tâm hân hoan, đó chỉ là một lời nói suông lấy lệ mà thôi. Đôi khi có người lại chẳng thấy vui lòng cho lắm trước công đức của kẻ khác, trái lại còn ngấm ngầm trong bụng hờn ghen, đố kỵ, khiến cho tâm sở ganh tị (issa) nổi lên, đem bất thiện pháp đến làm ô nhiễm tâm thức mình.

218.- Lợi lạc tức khắc của việc tuỳ hỉ công đức (pattanumodana).

Ta thường bố thí và dâng thực phẩm cúng dường để tưởng niệm và hồi hướng công đức đến cho người quá cố. Nếu người mất phải tái sanh vào cỏi ác mà nhận được sự chia xẻ công đức, tức khắc họ sẽ được thoát khỏi khổ nạn trong kiếp tái sanh đó. Theo Kinh sách, nếu sự hồi hướng công đức theo sau sự cúng dường thực phẩm, người quá vãng liền được khỏi đói khát ngay sau khi có lời nói: “Sadhu” (= Khéo làm thay!); nếu có sự cúng dường về y phục, thì người thất lộc sẽ được trang phục tử tế, ngay sau lời nói “Khéo làm thay!”. Điểm tối quan trọng trong việc cúng dường, để hồi hướng đến người đã mất, là phải chọn người thật có đầy đủ đức hạnh để thọ nhận phẩm vật. Xưa kia, có một gia đình mời một tỳ-kheo thiếu giới đức (dussila bhikkhu) và dâng cúng lễ vật cho y để hồi hướng công đức đến người thân đã quá vãng. Mặc dầu đã thốt rõ lên ba lần lời nói Sadhu, để chia xẻ công đức cho người đã mất, nhưng người nầy, bấy giờ đã sa vào cõi ngạ quỉ (peta, quỉ đói), chẳng hưởng được chút lợi lạc nào cả. Người qủi đói ấy liền quát to lên với các thân nhơn: “Tên ác tăng nầy đang cướp hết phần công đức dành cho ta!” Thân nhơn người quá cố lại phải bầy một lễ cúng dường khác và thỉnh một vị ty kheo có đầy đủ giới hạnh đến thọ nhận. Chỉ khi đó người thân trong kiếp quỉ đói mới hưởng được phần công đức và giải thoát khỏi cõi ngạ quỉ đói khát. (Xin xem thêm Phần Bình luận về bản Kinh Dakkhina vibangha Sutta, Uparipannasa.)

Câu chuyện trên đây cho ta một bài học. Khi chúng ta dâng lễ vật cúng dường để hồi hướng công đức đến người thân đã chết, trước hết ta phải dẹp qua một bên tất cả mọi nỗi niềm sầu bi thương nhớ. Chỉ khi trong tâm đã thanh tịnh, bấy giờ ta sẽ dâng cúng thực phẩm, quần áo, dù lọng, giày dép, hay tu viện. (Cúng dường một tu viện, thì người thân nhơn quá cố sẽ được nơi cư trú, nếu bị sa vào cõi ngạ quỉ.) Khi cúng dường lên chư Tăng, ta nên thỉnh vị tỳ-kheo nào có đầy đủ giới đức (sila), hay tốt hơn là nên làm lễ dâng cúng lên cho toàn Giáo hội (lễ Sanghika dana, đã được nói qua trong một tiểu mục trước.) Trước khi dâng cúng, ta nên triệu thỉnh người quá cố về chứng kiến, để thọ nhận phần phước báo chia xẻ. (Họ sẽ đến, nếu họ có thể đến.) Rồi chúng ta phải lớn tiếng gọi thật rõ ràng tên họ người chết đến mà chia xẻ công đức ấy.

219.- Nghi thức ngày nay về tuỳ hỉ công đức.

Thời buổi ngày nay, sau tang lễ, người ta thường ít chú trọng đến việc lựa chọn cẩn thận một vị tỳ-kheo có đủ giới đức. Lại còn chẳng biết dẹp qua nỗi đau buồn thương nhớ. Lắm khi lại cúng dường chư Tăng bằng tiền mặt, ngay tại nghiã trang, xem đó như một thông lệ giản tiện để tránh sự phê bình, chỉ trích của người khác. Rồi lại hồi hướng công đức đó đến người thân vừa quá vãng, mà trong lòng họ chẳng nghĩ sâu xa đến lợi lạc mà người quá cố được chia hưởng.Tốt hơn là nên dâng lễ vật cúng dường tại nhà, với tâm thanh tịnh chẳng còn vướng chút sầu bi như lúc còn tại nghiã trang. Nhưng nếu việc cúng dường được thực hiện tại nghiã trang mà trong lòng tang chủ đã được thanh tịnh, chẳng ưu phiền, thì cũng vẫn đem lại lợi lạc cho người đã mất. (Mời độc giả xem thêm các tài liệu ghi trong quyển “The Future of the Sasana” [Tương lai của Giáo lý] để biết thêm chi tiết về đề mục nầy.)

220.- Ai được chia xẻ công đức hồi hướng?

Người quá cố nếu sa vào cõi ngạ quỉ (peta) chỉ hưởng được phần công đức chia xẻ cho, khi còn quanh quẩn trong vùng. Nếu đã thác sanh làm người, làm thú, hay làm ngạ quỉ nơi vùng rừng già xa xôi nào, thì họ chẳng thể nhận được phần lợi lạc. Nhưng các thân nhơn khác đã mất, nếu là ngạ quỉ ở gần đó, sẽ đến chia xẻ công đức và được giải thoát khỏi nẻo ác đạo. Vì thế, hồi hướng công đức đến người qua cố là một thiện pháp và cũng cần nên duy trì nghi thức nầy.

(8) Thính pháp (Dhammassavana).

221.- Năm điều ích lợi của việc Thính pháp (Dhammassavana).

Thính pháp (Dhammassavana) có nghiã là nghe và theo dõi Chánh pháp (Dhamma) của Đức Phật, vị đã hoàn toàn Giác ngộ.

Có năm điều lợi ích khi nghe giảng Chánh pháp: (1) được kiến thức mới; (2) hiểu rõ ràng các sự kiện; (3) giải quyết được các mối nghi ngờ; (4) có được niềm chánh tín và (5) tâm thức trở nên sáng tỏ nhờ phát triểnđược sự tự tín và trí huệ.

222.- Các thái độ sai lầm trong khi nghe giảng Chánh pháp.

Khi nghe giảng Chánh pháp mà biết thâu thập được năm điều lợi ích vừa kể trên là có thái độ đứng đắn trong khi nghe Pháp. Tuy nhiên, có người đến tham dự buổi thuyết giảng, chỉ vì có cảm tình đặc biệt với giảng viên; vài kẻ khác đến dự để chờ nghe các lời bông đùa hay câu chuyện cổ tích; lại có kẻ vì ngại bị chê là lười biếng nên cố gắng có mặt; mà cũng có hạng người đến nghe để đánh giá khả năng thuyết trình của vị giảng sư. Các thái độ sai lầm nầy chẳng đem lại ích lợi nào cho việc nghe giảng pháp với mục đích thấp hèn đó cả.

Thuở xưa, có một người khách trú ngồi xuồng qua sông. Người lái đò cho biết chiếc xuồng có rỉ chảy nước một chút, phải nên cẩn thận. Người khách trú tưởng đó là nước từ trong xuồng chảy ra rồi sẽ trôi vào giòng sông, nên chẳng lưu tâm gì đến. Một lát, anh khách trú thấy nơi chỗ ngồi nước lên ướt ống quần, mới hoảng lên: “Xuồng nầy đâu phải rỉ chảy nước mà lại để nước ngoài sông chảy lọt vào, đầy cả khoang đây!”

Mục tiêu chơn chánh của việc nghe giảng Chánh pháp là phải biết khiến cho các tư tưởng bất thiện rỉ chảy ra khỏi tâm tư và để Chánh pháp có dịp thấm nhuần vào trong. Vì lẽ nầy, chúng ta phải nên hết sức cẩn thận khi nghe giảng pháp, chẳng nên để các tư tưởng bất thiện len lỏi “chảy lọt” vào trong tâm thức ta.

223.- Các ích lợi của việc đọc Kinh sách.

Ngày nay, có rất nhiều sách giúp ta thâu thập được kiến thức mới và phát triển được trí huệ. Tại Miến-điện, một xứ theo Phật giáo, hàng trăm quyển khảo luận về Phật học được bày bán tại các hàng sách. Đọc các quyển khảo luận đó cũng được các ích lợi như đang nghe giảng Chánh pháp (Dhamma). Vì vậy, biết nghiên cứu các sách luận đó còn được ích lợi nhiều hơn là đi nghe các buổi giảng pháp hiện đại. Nếu bạn chẳng đủ khả năng để đọc, bạn có thể nhờ người khác đọc lớn lên cho nghe. Đấy cũng là một cách Thính pháp vậy. (Tôi xin mạn phép giới thiệu các quyển: Jinattha pakasani, Buddhavamsa, Five hundred and Fifty Jakatas, Samvegavatthu dipani và các quyển khảo luận khác do các bực danh tăng học thức lỗi lạc viết, để làm tài liệu nghiên cứu có ích lợi cho các bạn.)

(9) Giảng pháp (Dhammadesana).

224.- Giảng pháp (Dhammadesana) là một hình thức pháp thí.

Giảng pháp (Dhammadesana) có nghiã là đem Chánh pháp ra trình bày và giảng dạy cho thấu nghiã lý. Nếu việc giảng pháp được thực hiện một cách chơn tình và đại độ, thì đó là một hình thức bố thí (dana) rất cao cả, hơn mọi hình thức bố thí khác. Chính Đức Phật đã từng nói:“Sabbadanam Dhammadanam jinati”, có nghiã là: “Món quà tặng Chánh pháp quí hơn tất cả mọi món quà.”

Muốn thực hiện được thiện pháp giảng Chánh pháp (Dhammadesana kusala), vị giảng sư phải biết gạt bỏ mọi ước mong được quà tặng, phẩm vật cúng dường, hay danh tiếng hoặc lòng kiêu mạn rỡm. Vướng phải các lỗi lầm nầy, sự tham lam (lobha) vì lợi, vì danh, sẽ làm giảm mất công đức của việc giảng pháp. Bấy giờ, vị giảng sư cũng tựa như người khờ dại kia đã đem một khúc gỗ chiên đàn đáng giá trăm ngàn vàng màđổi lấy một bình dấm chua.

Ghi nhớ: Cũng tựa như kẻ khờ dại kia đem gỗ chiên đàn đáng giá trăm ngàn vàng đổi lấy một bình dấm chua, vị giảng sư bần tiện đã đem Chánh pháp vô giá ra đổi lấy vài món quà vật chất cỏn con.

225.- Đức tánh của một vị giảng sư.

Một vị giảng sư xứng danh chẳng phải là một nhà hùng biện tầm thường. Ông phải có một giọng nói rõ ràng và hùng mạnh, một khả năng khiến cho người khác hiểu đươc mình một cách tinh tế. Một vị giảng sư như thế chẳng phải thường dễ gặp được. Mặc dầu có hơn ngàn con bò cái trong trang trại, nhưng chỉ riêng một con mới sanh được một chú bò con hoàn toàn chẳng có tỳ vết. Cùng thế ấy, ngàn bà mẹ chẳng sanh được một bực giảng sư lỗi lạc. Một vị giảng sư hùng biện thật là hiếm có.

226.- Các sự bất lợi của âm điệu chẳng đúng cách.

Vị giảng sư tài năng phải hiểu rõ nghiệp lực (kamma) đức hạnh của mình trong các kiếp đã qua. Khi tuyên giảng Chánh pháp cao quí của Đức Phật, vị giảng sư phải trổi lên giọng nói thanh tao của bực đại trượng phu. Vị ấy chẳng nên vì cố giả tạo một giọng nói hấp dẫn mà dùng những âm điệu hùng hồn gượng gạo, uốn éo cho du dương, ngôn từ cho đanh thép.

Chính Đức Phật Ngài đã vạch rõ các mối bất lợi của việc xử dụng âm thanh chẳng hợp cách vì muốn làm cho dịu ngọt mà trở thành như đang ca hát hơn là giảng dạy Chánh pháp (Dhamma). Các mối bất lợi đó là: (1) giảng viên đắm đuối trong giọng nói của mình; (2) thính giả bị lôi cuốn theo giọng nói đắm đuối của giảng viên; (3) giảng viên bị quở trách là đang ca hát như một người thường; (4) giảng viên bị phân tâm vì bận gượng tạo một giọng nói dịu ngọt; (5) thế hệ tỳ-kheo tương lai sẽ bắt chước theo lối giảng pháp thiếuđoan trang đó. Thời buổi nầy, các khuyết điểm đó thường xảy ra. Nhiều tu sĩ trẻ đã ngã theo gương xấu của các giảng viên cầu kỳ kiễu cách đó. Hàng người mộ đạo chơn thành ít khi chịu có mặt tại các buổi nói pháp của các giảng sư giả hiệu ấy. Chỉ có hạng người đến nghe một cách chiếu lệ mới để ý chút đỉnh vào các lời giảng rỡm đó. Lớp trí thức dầu có thiện tâm muốn nghe Chánh pháp cũng cảm thấy hổ thẹn về sự hiện diện của mình nơí các cuộc diễn giảng của hạng giảng viên thô lậu đó.

Vì thế, một vị giảng sư phải có đầy đủ tư cách đứng đắn để khỏi vướng lỗi mang Chánh pháp vô giá ra làm bài hát du dương cho công chúng nghe. Thật là đáng hổ thẹn cho lối giảng pháp như thế.

227.- Các lối giảng pháp giản dị.

Chẳng phải chỉ có những buổi diễn giảng tại một thính đường lớn, với một số thật đông người nghe, mới gọi là giảng pháp. Một cuộc đàm thoại thân mật về Chánh pháp giữa đôi ba ngưòi cũng khá gọi là pháp đàm(Dhammadesana), miễn là người thuyết giảng chẳng chờ mong được quà cáp. Khuyến nhũ một người mộ đạo, già hay trẻ, chỉ dạy các đề mục giáo khoa, các vấn đề kỹ thuật hay thủ công nghệ thông thường, hay đọc to lên lời dạy của Đức Phật, tất cả những việc làm nhỏ đó đều là hình thức của công cuộc thuyết giảng Chánh pháp (Dhammadesana) cả.

Ngày nay, các vị tỳ-kheo phải tập luyện để trở thành một giảng viên khéo léo về Chánh pháp; ngoài ra, lại còn phải học hỏi thêm cách thức nói chuyện trước công chúng cho dạn dĩ, đọc và viết cho lưu loát.

(10) Chánh tín (Ditthijukamma).

228.- Thế nào là Chánh tín (Ditthijukamma)?

Có được một niềm tin chơn thật, đứng đắn, chánh trực, đó gọi là Chánh tín (Dittijukamma). (Dtthi = niềm tin + ujikamma = chánh trực). Niềm tin của một người là lối nhìn của người ấy về muôn sự vật, căn cứ trên trí thông minh của mình. Khi lối nhìn đó, còn gọi là tri kiến (tri kiến = tri [=biết] + kién [= thấy]), được thật đứng đắn, chơn chánh, ngay thẳng và chánh trực, thì đó là chánh tri kiến (sammaditthi). Ngược lại, nếu tri kiến ấy sai lầm, thì đó là tà kiến (micchaditthi).

Xin hãy suy gẫm sâu xa để cứu xét đến các vấn đề sau đây:

1) Hành vi thiện và hành vi bất thiện;
2) Hậu quả tốt lành và xấu ác của các hành vi thiện và bất thiện đó;
3) Hiện đời và các cuộc sống trong tương lai của mỗi người do các hành vi thiện và bất thiện gây nên;
4) Các bực Thiên (Deva) và Phạm thiên (Brahma) (= ở các cõi Trời);
5) Những bực đã thực hành theo con đường cao quí và chứng đắc được thiền định (jhana) và tuệ giác(abhinna) để trở nên những vị A-la-hán (Arahant).

Nếu sau khi đã suy nghĩ sâu xa và chín chắn, bạn nhận thấy cả năm điều đều là chơn lý, đều hiện thực rõ ràng và chắc chắn, đó là bạn đang có được chánh trí kiến (sammaditthi) và niềm chánh tín (dittijukamma). Niềm chánh tín (dittijukamma) đó còn có một tên khác, gọi là kammassakata nana, tạm dịch là bổn nghiệp lực trí; tức là cái trí hiểu biết rằng bổn nghiệp của mình do hành vi, thiện và bất thiện mình đã tạo, cứ đeo bên mình mãi như tài sản riêng của mình và dẫn dắt đời mình.

(kammassakata nana = kamma + saka + ta + nana)

(kamma = nghiệp; saka = sản nghiệp; bổn nghiệp; ta = chúng sanh; nana = hiểu biết.)

Nếu bạn bác bỏ một hay tất cả năm đìều đó, xem đó chẳng phải là chơn lý, chẳng hiện thực, thì bạn đang có tà kiến (micchaditthi), đang có cái nhìn thấy, cái hiểu biết sai lầm.

Vì tin tưởng rằng chẳng có nghiệp lực (kamma) và quả báo, nên con người chẳng nhận ra được rằng thú vật cũng là một loài chúng sanh bị tái sanh, theo nghiệp báo, mà trở thành súc sanh. Do đó, con người mới chẳng ngần ngại sát hại chúng chẳng chút hối tiếc.

Vì tin tưởng rằng chẳng hề có đời sống nào nữa sau khi đã chết đi rồi, chẳng hề có các đời tái sanh theonghiệp lực, nên con người mới tin rằng tất cả mọi chúng sanh hiện nay là do một đấng Tạo hoá Toàn năng nào đó đã tạo dựng nên. Trong khi chúng ta đã có đầy đủ sự kiện lịch sử chứng minh rõ ràng về đời sống của Đức Phật, thì đã có bằng chứng nào xác thật chứng minh sự hiện hữu của đấng Tạo hoá Toàn năng đó chưa?

229.- Chánh tín của người Phật tử.

Chúng ta vừa nói rằng chánh tín (dittijukamma) cũng là chánh tri kiến (sammaditthi). Nhưng chúng ta chẳng thể nói hễ ai đã có chánh tri kiến, thì người đó cũng là một người Phật tử nữa. Người Ấn độ cũng tin tưởng vào nghiệp lực (kamma) vá quả báo; nhưng họ chẳng phải là Phật tử. Chỉ những người đã qui y Phật, qui y Pháp (= lời dạy của Đức Phât) và qui y Tăng (= giáo hội của các đệ tử Phật) mới thật là những người Phật tử. Khi qui y ngôi Tam Bảo, người Phật tử có thề nguyền rằng: “Tôi xin về nương tựa nơi Phật, Phật và Tăng” hoặc bằng tiếng Pali, hay bằng các ngôn ngữ khác. Chỉ sau khi đã qui y Tam Bảo rồi, người ấy mới có thể tự nhận mình là một Phật tử. Những ai chẳng hiểu rõ ý nghia của lễ Qui y Tam Bảo (Tisaranagamana), như trường hợp các trẻ con, cũng được xem như là Phật tử, nếu họ theo truyền thống, tục lệ mà tin tưởng vào Phật, Phật, Tăng. (Xin xem thêm chi tiết trong Quyển Ratana Gon yi, cùng một tác giả.)

230.- Làm cách nào để giữ được niềm Chánh tín (Ditthijukamma)?

Cả ba danh từ: Sammaditthi, Kammassakata nana, Ditthijukamma đều đồng nghiã với nhau. (Chánh tri kiến = Bổn nghiệp lực trí = Chánh tín)

Khi ta tự mình quán tưởng về nghiệp lực (Kamma) và các quả báo, cùng sự hiện hữu của các đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai, ta đang phát triển Chánh tín (Ditthijukamma)

Khi ta ghi nhớ trong lòng, lúc sắp làm một công tác bố thí (dana), hay giữ giới (sila), rằng các hành vi thệnđó sẽ đem lại phước báo cho các đời sau nầy của chúng ta, đó là ta đang phát triển niềm Chánh tín (Ditthijukamma). Khi ta thật sự thi hành các hành vi thiện dự định làm vừa nói, có kèm theo niềm chánh tín thì phước báo được hưởng vào các đời sau sẽ được gia tăng thêm lên nhiều.

231.- Bốn mươi thiện pháp.

Các thiện pháp, các hành động tốt lành, đều là những hành vi tạo nên phưóc báo, chẳng những khi ta thật sự thi hành chúng, mà khi chúng ta bảo người khác làm, khi chúng ta giải thích cho kẻ khác biết đến các thành quả tốt đẹp về đời sau mà các thiện pháp sẽ mang đến, và ngay cả khi chúng ta chỉ tỏ lòng vui mừng khi thấy người khác làm việc thiện nữa. Như thế, tự mình làm, bảo kẻ khác làm, chỉ dạy quả báo của thiện pháp và vui mừng trước thiện pháp của kẻ khác làm, cả trong bốn truờng hợp đó đều đem phước báo cho ta, trong đời nầy và trong các đời sau nữa. Mười thiện pháp mà chúng ta đã cứu xét qua, đem nhhơn lên cho bốn yếu tố: (1) tự mình làm; (2) khuyến khích kẻ khác làm; (3) giải thích các lợi ích; (4) tỏ ý vui mừng cùng người đã làm, vị chi tất cả là bốn mươi thiện pháp. Bốn mươi thiện pháp đó được gọi là bốn mươi punnakiriya vatthu trong kinh sách Pali.

(Punnakiriya vatthu = punna + kiriya + vatthu)

(Punna = phước báo; kiriya = hành động; vatthu = sự vật, pháp)

Tạm kết về Chương 6

Trong Chương 6 nầy, tôi đã giảng giải thật chi tiết về mười điều thiện pháp, được thực hiện với tâm thức(citta) tốt và với ý hành (cetana) lành.

Đối với các thiện pháp đem lại phước báo quí báu đó (punna), tôi nguyện cầu rằng tất cả các độc giả có đủ khả năng phát triển trọn vẹn các khuynh hướng thực hiện mọi việc lành hơn bao giờ hết. Nguyện cầu rằng tất cả các cộng sự viên của tôi luôn luôn hoan hỉ thực hành các thiện pháp để sớm đạt được cảnh giới an lạc tối thượng của Niết-bàn (Nibbana).

Nguyện cầu rằng tôi lúc nào cũng quyết tâm kiên cố thực hành bố thí (dana), trì giới (sila) và quán tưởng (bhavana), chẳng hề có chút ngần ngại gì khi thấy cần phải làm các thiện pháp dẫn thẳng đến cõi Niết-bàn. Nguyện cầu rằng tôi có đủ khả năng để phát triển đầy đủ ngũ lực (balas) nơi tâm thức tôi: tín (saddha, niềm tin), tinh tấn (viriya, nỗ lực), thiền định (samadhi, tập trung tâm ý), niệm (sati, tỉnh giác) và trí huệ (panna,trí Bát nhã), trên con đường tiến đến mục tiêu tối hậu.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app