Chương 10

Sắc pháp (Rupa)

Bởi lý do chất tinh thủy Kalala khởi lên cùng một lúc với tâm thức tái sanh (patisandhi citta), chúng ta nên tìm hiểu rõ về sự phát sanh và biến diệt của phần thể chất nầy trong thân tâm con người suốt đời sống. Do đó, Chương thứ 10 nầy sẽ xét đến phần sắc pháp, được gọi theo danh từ Pali là Rupa, so với các tâm pháp (= các trạng thái và hoạt động của tâm; các tâm pháp nầy được gọi theo danh từ Pali là Nama (thuờng được dịch là danh.)

302.- Rupa, sắc, sắc pháp, sắc uẩn, hay nói giản dị là vật chất.

Theo nghiã gốc, chữ Rupa có nghiã là những gì hay thay đổi. Nguyên nhơn gây ra sự biến đổi có rất nhiều, hãy kể sơ qua như lạnh và nóng. Trong một khí hậu thật là lạnh lẽo, da chúng ta nứt và đổi màu tái xanh; ta có thể bị cảm lạnh và ngoạ bịnh. Trong các loại hàn băng điạ ngục (Lokantarika), các tội nhơn bị quẳng vào băng giá để rồi bị nát thân cho đến chết. Trong một khí hậu nóng, da chúng ta bị sạm cháy và đỏ hừng lên; thân bị phỏng, tróc da và bị cảm nhiệt. Lại nữa, còn bị muỗi mòng cắn đốt, bị chó ngoạm, rắn mổ; các vết thương làm độc chết ngưòi. Cả sự đói, cơn khát, cũng hiểm nguy đến tánh mạng. Đấy là những thí dụ của sự thay đổi về sắc chất (rupa).

303.- Các loại sắc pháp (Rupa).

Có tất cả 28 loại sắc pháp (Rupa), nhưng ở đây, chỉ bàn đến 19 loại thôi.

  1. A) Tứ đại hay là bốn nguyên tố căn bản.

1/- Điạ đại = Pathavi dhatu = chất đất, là yếu tố rắn chắc và co dãn;
2/- Thuỷ đại = Apo dhatu = chất nước, là yếu tố lưu nhuận và kết hợp;
3/- Hoả đại = Tejo dhatu = chất lửa, là yếu tố nóng lạnh;
4/- Phong đại = Vayo dhatu = chất gió, là yếu tố di động, trợ lực.

  1. B) Năm căn (Pasada rupa) tức là năm giác quan.

5/- Nhãn căn = Cakkhu pasada = phần nhạy cảm của con mắt;
6/- Nhĩ căn = Sota pasada = phần nhạy cảm của lỗ tai;
7/- Tị căn = Ghana pasada = phần nhạy cảm của lỗ mũi;
8/- Thiệt căn = Jivha pasada = phần nhạy cảm của lưỡi;
9/- Thân căn = Kaya pasada = phần nhạy cảm của da trên thân.

  1. C) Năm trần (Arammanas) tức là năm hình thái của cảnh vật.

10/- Sắc = Ruparammana = hình dạng và màu sắc;
11/- Thanh = Saddarammana = tiếng động;
12/- Hương = Gandharammana = mùi (thơm, thối);
13/- Vị = Rasarammana = vị (mặn, ngọt); Xúc = Photthabbarammana = sờ, chạm.

Ghi chú: Về xúc trần, Photthabbarammana, đó chẳng qua là ba nguyên tố điạ đại (pathavi), hoả đại (Tejo) và phong đại (vayo) đụng chạm nhau; vì thế mà chẳng đánh số thứ tự cho xúc trần nầy.

14/- Nam tánh = Itthibbava = giống đực;
15/- Nữ tánh = Purisabhava = giống cái;

(Hai tánh cảnh nầy còn được gọi là bhavarupas, hiện hữu sắc.);

16/- Tâm căn = Hadayavatthu = căn bản của ý thức, của tâm thức;
17/- Mạng căn = Jivitarupa = sức sống, năng lực trong vật chất;
18/- Dưỡng chất = Oja hay Ahara = tinh chất dinh dưỡng;
19/- Gián gian = Akasadhatu = khoảng không gian cách hở nhau ra.

304.- Nguyên tố điạ đại (pathavi dhatu).

Nguyên tố điạ đại, hay đất, còn được gọi là yếu tố của sự bền chặc. Đất làm cơ bản để mọi sự vật nương tựa vào. Nhờ nơi tánh rắn chắc, bền bỉ và vững mạnh, nên yếu tố nầy mới được gọi là pathavi [=đất].

Các loại đá, sỏi, kim khí đều là những chất mà nguyên tố điạ đại chiếm phần ưu thế.

305a.- Nguyên tố thủy đại (apo dhatu).

Cũng như nước khiến cho bụi bặm, hay các bị tán nhỏ, quến vào nhau, nguyên tố thủy đại kết hợp và hàn gắn các vật nhỏ lại với nhau thành một tập hợp. Khi yếu tố thuỷ đại chiếm phần ưu thế, nó có thể làm hoà tan các chất khác, khiến chúng chảy lỏng ra.

Nươc, nước tiểu, đờm dãi, mồ hôi, nước miếng, nước mắt, v.v., đều là các chất mà nguyên tố thủy đại chiếm phần ưu thế.

305b.- Nguyên tố hoả đại (tejo dhatu).

Cũng như sức nóng của mặt trời hay của ngọn lửa làm cho vật ướt khô đi, nguyên tố hoả đại (tejo) ngăn ngừa sự ẩm ướt quá mức và sự nhão nhớt của các vật hợp chất, đồng thời duy trì một nhiệt độ khô ráo thích hợp. Thân thể một người khoẻ mạnh thường được mát mẻ vào muà hè. Sự thanh lương (=mát mẻ) đó được gọi là nguyên tố hoả đại (tejo dhatu). Như thế có hai loại hoả đại: unha tejo sita tejo. Chữ Utu (=khí hậu) là chữ đồng nghiã với chữ Tejo.

Khi thân thể đang mát mẻ và vùng phụ cận lành lạnh thì hàn độ nơi yếu tố hoả đại (sita tejo) lại khiến cho bầu không khí trở nên lạnh lẽo. Khi khí hậu đang nực nội, nhiệt độ nơi yếu tố hoả đại (unha tejo) lại khiến cho môi trường trở nên nóng bức thêm. Khi có sự điều hoà giữa hàn độ và nhiệt độ, thì khí hậu trở nên ôn hoà và chúng ta cảm thấy dễ chịu. Cùng thế ấy nếu hơi nóng và sức lạnh trong cơ thể ta được giữ ở mức vửa phải, chúng ta được khoẻ mạnh, còn ngược lại, nóng quá hay lạnh quá, chúng ta sẽ bị bịnh, và có thể chết đi nếu vượt quá mức chịu đựng của thân thể. Vì lẽ đó, những ai chẳng thích ứng được với sự thay đổi đột ngột của yếu tố hoả đại, thì nên đề phòng cẩn thận Họ chẳng nên đi xa khi trời nắng quá chói chang, oi bức hay khi băng tuyết quá lạnh lẽo, âm u; lại còn phải tránh dùng các thực phẩm quá nóng hay quá lạnh nữa.

Nước, nước đá là những vật chất có quá nhiều yếu tố sita tejo; còn mặt trời và lửa thì có quá nhiều yếu tố unha tejo.

306.- Chử nhiệt (Pacaka tejo dhatu) làm thức ăn tiêu hoá.

Loại yếu tố hoả đại nầy (tejo dhatu) dùng để làm các chất thực phẩm trong bụng ta được tiêu hoá. (Chử nhiệt = chử [=nấu chín] + nhiệt [= sức nóng]). Yếu tố nầy nằm ngay phiá dưới dạ dày. Năng lượng của chử nhiệt (pacaka tejo) giúp ta tiêu hoá được thực phẩm; những khi nó trở nên yếu ớt, ta có thể bị sình bụng hay đau bụng. Để giữ gìn sức khoẻ, chúng ta nên dùng những thực phẩm mềm và dễ tiêu.

307.- Nguyên tố phong đại (Vayo dhatu).

Phong đại (vayo dhatu) là yếu tố của sự di chuyển, lay động. Ta có thể nhận biết yếu tố nầy khi gió thổi làm rung cây lá, bốc bụi mù. Chính yếu tố nầy xô đẩy và làm di động các chất trong cùng một hợp thể. Trong cơ thể con người có tất cả sáu ngọn gió:

1) Gió hướng thượng (Uddhagama): đây là ngọn gió di chuyển lên cao, gây ra ợ, ho, nhảy mũi và các bịnh liên hệ khác. Khi chúng ta nói chuyện nhiều, ngọn gió hướng thượng nầy cứ trào lên liên tục, khiến cho các khúc ruột bên trong trở nên bất an.; vì thế, ta chẳng nên “lắm điều luôn mồm” khi bụng đói.

2) Gió hướng hạ (Adhogama): đây là ngọn gió thổi ngược xuống, bên trong bụng, khiến cho từng khúc ruột bị lay động luôn.

3) Gió nội tạng (Kucchittha): đây là ngọn gió di chuyển trong các nội tạng, [= các bộ phận trong ngực và bụng] ngoại trừ tiểu trường {= ruột non] và đại trường [= ruột già].

4) Gió nội trường (kotthasaya): đây là ngọn gió di chuyển bên trong ruột non và ruột già, đẩy các chất cặn bã của thực phẩm xuống hậu môn để tống ra ngoài..

5) Gió nội mạch (Angamanganusari): đây là luồng gió di chuyển trong các mạch máu. Nếu gió nầy bị cản trở thì căn bịnh liền xảy ra ngay. Đứng yên một chỗ quá lâu khiến cho ngọn gió nầy chẳng được lưu thông tự do và máu đọng lại ở một nơi trong cơ thể; vì đó mà bị tê cứng và đau nhức. Để cho máu huyết được tuần hoàn dễ dàng, ta phải nên tránh giữ yên một tư thế quá lâu và nên đi tản bộ.

6) Hơi thở (Assasapassasa): đây là luồng không khí di chuyển khi ta hít vào và thở ra. Ngọn gió nầy còn được gọi theo danh từ Pali là Anapana.

308.- Sắc pháp căn bản và thứ yếu.

Bốn nguyên tố điạ, thuỷ, hoả, phong (pathavi, apo, tejo, vayo) là những sắc pháp căn bản; còn những sắc pháp khác đều thuộc hàng thứ yếu, như nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), v.v. vì chúng phải dựa vào tứ đại (bốn nguyên tố) mà tồn tại. Vì bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa hoà hợp lại thành nền móng căn bản, cho nên nếu chúng tích trữ càng nhiều thì cơ thể càng lớn. Dầu đó là những chất vô cơ như quả đất, hòn núi, sông rộng mênh mông hay biển cả bao la, một trận hoả hoạn hay một cơn bão tố, dầu đó là những sanh vật hữu cơ như loài người hay điểu, thú, ngư, trùng đi nữa, đấy chỉ giản dị là sự phối hợp tích trữ của tứ đại, của bốn chất căn bản đất, nước, gió, lửa mà thôi.

Sắc pháp (rupa) như mắt với sắc trần, tai với thanh trần, chẳng thể nẩy nở càng ngày càng lớn thêm về hình dạng được. Thí dụ như, nếu ta thêm chất thơm vào một cục xà bông, cục xà bông lớn cỡ nào vẫn giữ nguyên cỡ ấy, chỉ có hương thơm trở nên đậm đà hơn. Ngược lại, nếu giảm bớt mùi thơm, hình dạng cục xà bông vẫn còn như cũ. Vì thế, ta nên nhớ, chỉ có tứ đại mới là căn bản của vật chất

309.- Năm giác quan.

Máy vô tuyến truyền thanh, máy truyền hình đều có thể thâu nhận âm thanh và hình dạng cùng màu sắc. Cùng thế ấy, trong cơ thể của chúng ta, cũng có các bộ phận nhạy cảm của các giác quan thâu nhận các đối tượng từ cảnh vật bên ngoài vào, căn cứ theo mỗi giác quan có một loại đối tượng riêng của nó.

310.- Nhãn căn (Cakkhu pasada) và con mắt.

Phần nhạy cảm của cặp mắt được gọi là nhãn căn (cakkhu pasada); phần nầy nằm sâu bên trong phiá giữa tròng con ngươi. Khi màu sắc và ánh sáng, được gọi là sắc trần (ruparammana), chiếu qua mắt thì nhãn căn tức thời liền “nắm lấy” và nơi tâm thức, khởi ngay sự cảm giác về cái thấy. Sự thấy và biết được về đối tượng có hình dạng và màu sắc như thế nào, khởi lên trong tâm thức, được gọi là nhãn thức (cakkhu vinnana).

311.- Nhĩ căn (Sato pasada) và lỗ tai.

Bên trong mỗi lỗ tai, có phần nhạy cảm giống như một chiếc nhẫn nhỏ. Phần nhạy cảm nằm sâu bên trong đó được gọi là nhĩ căn (sota pasada). Khi các loại âm thanh, hay thanh trần (saddarammana) được phần nhạy cảm “nắm lấy”, thì nơi tâm thức liền khởi lên sự nghe và hiểu biết được đó là tiếng gì; sự nghe biết nầy được gọi là nhĩ thức (sota vinnana).

312.- Tị căn (Ghana pasada) và lỗ mũi.

Phần nhạy cảm trong lỗ mũi nằm sâu bên trong mũi, giống như cái móng chơn con dê, được gọi là tị căn(ghana pasada). Khi các loại mùi hương, gọi là hương trần (gandharammana), được tị căn “nắm lấy”, thì trong tâm thức khởi lên sự ngửi và biết đó là mùi gì, thơm hay thối; sự ngửi biết nầy được gọi là tị thức (ghana vinnana).

313.- Thiệt căn (Jivha pasada) và lưỡi.

Phần nhạy cảm trong lưỡi nằm sâu bên trong lưỡi, giống như cánh hoa sen, được gọi là thiệt căn (jivha pasada). Khi thức ăn đang được nhai thì vị mặn, ngọt, v.v., liền được phần nhạy cảm là thiệt căn “nắm lấy”, và tâm thức liền khởi lên và biết được đó là vị gì, mặn lạt ra sao, được gọi là thiệt thức (jivha vinnana).

314.- Thân căn (Kaya pasada)và da trên thân.

Có rất nhiều phần nhạy cảm nằm bên dưới của làn da trải ra khắp thân thể, ngoại trừ các nơi mà da khô và chai cứng ra, được gọi là thân căn (kaya pasada). Khi bất cứ vật gì chạm vào da, liền được thân căn “nắm lấy” và tâm thức khởi lên ngay để biết được đó là vật gì đang đụng vào mình; cảm giác về sự xúc chạm đó và sự hiểu biết về vật đangchạm, được gọi là thân thức (kaya vinnana).

Như thế, trong thân thể có năm loại phần nhạy cảm được gọi là căn (pasada) giúp thân tâm ta nhận và biếtđược cảm giác về các cảnh vật ở bên ngoài

315.- Năm trần (Arammanas), hình thái của cảnh vật bên ngoài.

Danh từ Pali Arammana có nghiã là nơi chốn đi lại, thường được thăm viếng luôn mà tâm thức hằng hướng về đó. (Đấy là các cảnh vật bên ngoài, làm đối tượng cho các căn trên thân thể và khiến cho khi tâm hướng về đó thì nơi tâm thức khởi lên các cảm giác và hiểu biết về hình thái của ngoại cảnh ở chung quanh.) Nếu chẳng có các trần (arammanas) làm đối tượng cho các giác quan, thì chẳng có tâm thức (cittas) nào khởi lênđược; chỉ khi nào có vật bên ngoài, thì bên trong tâm hướng về đó mà khởi lên tâm thức. Vì lẽ đó mà các cảnh vật làm đối tượng cho các giác quan mới được gọi ví là những nơi chốn được tâm “hướng về” và “đi lại để thường thăm viếng luôn”.

Có năm hình thái của cảnh vật bên ngoài, được gọi là các trần (arammanas), phân biệt ra như sau:

sắc trần (ruparammana): hình dạng và màu sắc của vật chất;
thanh trần (saddarammana): âm thanh và tiếng động do vật chất gây ra;
hương trần (gandharammana): mùi hương phát ra từ vật chất;
vị trần (rasarammana): mùi vị do vật chất tiết ra;
xúc trần (photthabbarammana): cảm xúc do sự đụng chạm đến vật chất gây ra.

Đó là năm trần, năm nơi thường được tâm hướng về và đi lại thăm viếng luôn. [Lại còn có một loại trần thứ sáu nữa, gọi là pháp trần (dhammarammana) nhưng hạng pháp trần nầy chẳng những liên quan đến vật chất của cảnh vật ở bên ngoài mà còn có liên hệ với các tâm trạng (citta), tâm sở (cetasikas), Niết-bàn (Nibbana) và các ý niệm (pannattis) nữa.]

316.- Kamaguna, sự ràng buộc vì tánh cách khả ái của các sắc trần.

Năm loại trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, vì gây nên các cảm giác dễ chịu, thích thú như sắc đẹp lộng lẫy, thanh âm dịu dàng, hương thơm ngào ngạt, vị béo ngọt bùi, xúc chạm trơn láng, nên có sức thu hút rồi gây nên sự ràng buộc, đắm đuối mê say; sự ràng buộc đó được gọi là kamaguna, tạm dịch là ái sắc kết.

(kamaguna = kama = khả ái, đáng yêu, dễ thích + guna = sự ràng buộc),
[dịch gượng là ái sắc kết; ái = mê thích; sắc = vật chất; kết = ràng buộc.]

Dung nhan, giọng nói, mùi hương toả ra nơi người phụ nữ, thức ăn khéo léo do người ấy làm, sự đụng chạm vào thân thể người ấy, tất cả những điều ấy gây cảm giác thích thú nơi người đàn ông. Ngược lại, các điểm nêu trên cũng đúng với trường hợp nơi người đàn bà.

317.- Bhavarupas, hai phái tính nam và nữ.

Ngay từ lúc mới được thọ thai, mọi chúng sanh đều mang sẵn một loại vật chất (do nghiệp lực [kamma] gây nên) để quyết định phái tính là nam hay nữ. Loại vật chất quyết định phái tính đó được trải ra khắp trong châu thân. Loại vật chất phái tính nào đưa đến giống cái thì được gọi là nữ tánh (itthibhava rupa,); còn loại kia được gọi là nam tánh (purisabhava rupa). Cũng như cây cối đâm chồi, mọc lá, trỗ hoa trái, đều theo đúng chủng loại của hột giống đã gieo,, thân tướng con người, các bộ phận cơ quan, các thái độ và đặc tánh của nam phái hay nữ phái đều tuỳ thuộc vào nam tánh (purisabhava rupa), hay nữ tánh (itthibhava rupa).

318.- Tâm căn (Hadayavatthu).

Tâm căn (hadayavatthu) là phần vật chất nằm sâu bên trong và được phân phối ngay trong máu từ nơi trái tim trong lồng ngực, chảy đi khắp châu thân. Nhiều loại tâm thức phải dựa vào tâm căn mới khởi sanh lên.

319.- Mạng căn (Jivita rupa).

Cũng như có một sức sống gọi là Jivitindriya cetasika, [jivitindriya cetasika = jivita (mạng) + indriya (căn)+ cetasika (tâm sở)], tạm dịch là mạng căn tâm sở, làm khởi sanh các tâm trạng, thì nơi sắc chất cũng có một mạch sống, gọi là mạng căn sắc chất (jivita rupa). Nhưng mạch sống nầy vắng mặt tại nơi các đặc tánh vật chất do tâm thức (citta), thời tiết (utu) và dưỡng chất (oja hay ahara) gây nên; ta chỉ tìm thấy mạch sống đó nơi các sự vật do nghiệp lực (kamma) tạo ra mà thôi. Đối với các sanh vật, như loài người chẳng hạn, sắc mạng căn (rupa jivita) và danh mạng căn (nama jivita) quan trọng vào bực nhứt; vì nếu thiếu hai mạng căn đó, con người trở thành một xác chết. Sự kiện mà các phần vật chất nơi cơ thể được tươi khoẻ và chẳng hư thối, đấy là nhờ vào sự hiện diện của mạch sống gọi là mạng căn đó. Phần vật chất trên thây người chết, sở dĩ nát rữa ra, là vì sức mạng căn (jivita) chẳng còn nữa. Mạng căn nầy cũng được phân phối đi khắp cả châu thân.

320.- Dưỡng chất (Oja rupa).

Trong một hột cơm nấu chín, có chất tinh túy để nuôi dưỡng, được gọi là dưỡng chất. Pali có hai danh từ để gọi dưỡng chất nầy: oja hay ahara. Trong cơ thể con người cũng có nhiều dưỡng chất như vậy. Trong những vị nếm ngọt, chua, đắng, mặn, v.v. được gọi là vị trần (rasarammana), dưỡng chất (oja) đã có mặt nơi các vị trần đó. Dưỡng chất trợ giúp vào sự nẩy nở của các phần vật chất (rupas) mới được tạo thêm trong cơ thể.

321.- Gián gian (Akasadhatu).

Danh từ Pali Akasa có nghiã là khoảng cách trống trong không gian. Các loại sắc chất (rupas) chẳng thể nẩy nở thành từng đơn vị một, riêng biệt được. Chúng khởi sanh lên từng nhóm, ít nhứt là tám hay chín đơn vị, trở lên. Mỗi nhóm như vậy được gọi là kalapa. Hai ngón tay gần nhau có thể khép chặt vào nhau, nhưng ở giữa vẫn còn chỗ hở ngăn chúng ra làm hai. Thân thể chúng ta, cũng vậy, có rất nhiều nhóm kalapas, nhưng giữa những nhóm ấy với nhau, còn có nhiều kẽ hở. Khoảng trống cách nhau giữa các nhóm kalapas được gọi là gián gian (akasa dhatu) [gián gian = gián (chia cách nhau) + gian (khoảng trống)). Thật ra, đó thật sự chẳng phải là một chất vật thể; mà gián gian, hay khoảng cách, chỉ là một ý niệm (pannatti) được nổi bật lên khi hai nhóm vật chất (rupas) tiếp cận với nhau.

322.- Các nhóm Kalapas thành lập như thế nào?

Một nhóm người hội họp với nhau, lập thành một câu lạc bộ. Trong tiếng Pali, chữ Kalapa có nghiã là một nhóm. Như đã được nói ở trên, vật chất (rupa) chẳng thể nào hiện hữu riêng biệt từng đơn vị cô lập được. Nhiều đơn vi sắc chất khởi lên cùng một lúc với nhau, kết hợp nhau lại thành một nhóm để mà hiện hữu chung cùng với nhau. Một nhóm các sắc chất cùng khởi lên và cùng biến diệt với nhau như thế được gọi là “một kalapa.

323.- Sắc chất dưới hình thức phối hợp tám món.

Bốn nguyên tố căn bản, tứ đại: đất (pathavi), nước (apo), lửa (tejo) và gió (vayo) cùng với hình tướng (vanna), mùi (gandha) vị (rasa) và dưỡng chất (oja) là tám loại sắc chất thường được thấy hiện hữu phối hợp chung với nhau. Một cục đất nhỏ cũng là một tập hợp của tám loại sắc chất: nó có một hình tướng, có mùi và vị đặc biệt; ta có thể sờ đến nó và có cảm giác khi chạm đến nó. Các điều nhận xét nầy cũng áp dụng được cho nước, gió, lửa, sức nóng, ánh sáng, v.v. Chúng đều là các tập hợp gồm có tám loại sắc chất.

324.- Thể dạng rất vi tế của một Kalapa.

Mỗi kalapa có thể dạng rất nhỏ, rất vi tế, mắt thường chẳng thể nào nhìn thấy được. Ngay cả một hạt bụi bặm thật hết sức bé nhỏ [kinh sách Bắc tông gọi một hạt bựi nhỏ là vi trần] cũng là một tập họp của vô số kalapas. Một vi khuẩn, mà ta chỉ có thể quan sát bằng ống kính siêu vi thật mạnh, đã gồm có vô lượng kalapas được tạo nên bởi nghiệp lực (kamma), tâm thức (citta), thời tiết (utu) và dưỡng chất (ahara). Vì thế, sự vi tế [= hết sức nhỏ] của một kalapa vượt quá mọi sự mô tả. (Độc giả nên tham chiếu thêm các sách khảo luận về A tỳ đạt ma (Abhidhamma) để biết danh xưng và phân loại của các kalapas.)

325.- Tứ đại, bốn nguyên nhơn và bốn điều kiện.

Chúng ta hãy đi sâu thêm vào chi tiết về tứ đại, là bốn nguyên tố căn bản của vật chất (rupa) đã đượcnghiệp lực (kamma), tâm thức (citta), thời tiết (utu) và dưỡng chất (ahara) tạo nên như thế nào. Hãy lấy thí dụ một đồ chơi bằng đất của trẻ con. Bụi bặm, hay các viên đất nhỏ, chẳng thể tạo nên món đồ chơi được vì chúng chẳng kết dính lại với nhau mà lại bị gió thổi bay đi. Thế thì, ta lại cho thêm nước vào; nhưng món đồ chơi vẫn chưa đủ hình dạng; lại còn phải đem ra phơi ngoài nắng nữa. Đấy là một thí dụ cho thấy một món đồ chơi nặn bằng đất được tạo nên với sự trợ giúp của bụi bặm, nước, gió và ánh nắng mặt trời.

326.- Nghiệp lực (Kamma) đã tác động như thế nào?

Cũng như trong thí dụ kể trên, riêng một nguyên tố căn bản như đất (điạ đại, pathavi dhatu), hay là yếu tố rắn chắc, chẳng thể một mình nó mà tạo nên thân thể được. Thuỷ đại (apo dhatu), hay yếu tố ẩm ướt, làm thấm ướt chất điạ đại, rồi hoả đại (tejo dhatu), hay yếu tố nóng, rút bớt chỗ quá đẫm ướt đi và phong đại (vayo dhatu), hay yếu tố di chuyển ép cứng lại và giữ cho chúng được kết hợp chặt với nhau. Trong sự tập họp của bốn nguyên tố, lại còn các đặc tánh vật lý như hình tướng, mùi,vị và chất dinh dưỡng trợ giúp vào, mới có sự điều hợp chung của các kalapas, khiến cho thân thể con người được mang một thể dạng đúng theo nghiệp lực (kamma) có sẵn đã qui định.

Nghiệp lực (kamma) còn quyết định về phái tính nam nữ và các đặc điểm căn bản của một chúng sanh, căn cứ theo những hành động đã qua, lành hay dữ. Một số chúng sanh trở thành ngạ qủi (peta, qủi đói), súc sanh, v.v., vì ác nghiệp đã gây ra trong đời trước. Thiện nghiệp (kusala kamma) và ác nghiệp (akusala kamma) phối hợp nhau để định vẻ đẹp đẽ hay thô xấu cho chúng sanh. Một chúng sanh vì ác nghiệp dữ phải sanh ra trong hàng thú vật, nhưng nhờ chút ít thiện nghiệp lành đã qua, nên thành một con thú có thân hình dễ thương .Ngược lại, nhờ có thiện nghiệp mà được sanh ra làm người, nhưng vì sẵn có đôi chút ác nghiệp đời trước thì lại có thân người xấu xa, thô kệch. Bằng cách ấy, từ lúc còn trong bào thai cho đến khi chết, đời người được nghiệp lực của hành vi thiện hay ác, đã qua và hiện tại, chi phối hoàn toàn. [Sắc chất (Rupa) nào chịu sức tác động và ảnh hưởng của nghiệp lực được gọi là các sắc pháp tuỳ nghiệp (kammaja rupa).

[kammaja rupa = kamma (nghiệp) + ja (được tạo nên; tuỳ theo); rupa = (sắc pháp)]

327.- Tâm thức (citta) đã điều kiện hoá Sắc pháp (Rupa) như thế nào?

Tâm thức (citta) đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng lớn lao đến phần sắc chất (rupa) do nghiệp lực (kamma) tạo nên. Thân thể phải tuân theo ý chí của tâm thức. Tâm thức ra lịnh cho thân thể phải ngồi, ngủ, đứng lên hay di chuyển. Khi ý chí khởi lên, sắc pháp tùy tâm (cittaja rupa) liền thấm sâu vào toàn thân. Yếu tố phong đại (vayo dhatu) khởi lên theo và chiếm lấy ưu thế trong sắc pháp tuỳ tâm (cittaja rupa), khiến cho thân thể trở nên linh hoạt hơn.

Số lượng các kalapas do yếu tố phong đại (vayo dhatu) khống chế, từ từ gia tăng lên bên trong, khiến cho thân thể di chuyển theo sự quyết định của tâm thức. Các cử động của thân thể cũng giống như các hình ảnh chiếu trên màn bạc. Một tấm hình cho thấy một người đang đứng yên; trong một tấm kế, ta thấy anh ta giở lên một chơn, rồi một tấm kế nữa, anh đặt chơn ấy xuống, rồi một tấm tiếp theo, anh giở chơn bên kia lên, rồi đặt xuống và cứ như thế trong những tấm hình tiếp theo sau. Nhờ sự chiếu nhanh lên hằng trăm bức hình liên tiếp, khiến cho ta thấy một người đang bước đi tới.

Như thế, khi ta nói “một người bước đi”, thì số đơn vị sắc chất, do tâm thức thúc đẩy, chưa thật sự di chuyển, mà còn đứng yên đấy. Nhưng do sức mạnh của yếu tố phong đại (vayo dhatu) ảnh hưởng vào, nhóm đơn vị sắc chất thứ nhứt liền trở nên linh hoạt hơn. Rồi một nhóm đơn vị sắc chất thứ nhì liền khởi lên bên cạnh nhóm thứ nhứt, và nhiều nhóm khác tuần tự khởi lên tiếp theo ở nhiều nơi khác trong thân, khiến cho, trong chớp mắt, ta thấy hình ảnh một người đang bước tới. (Vì trong một chớp mắt đã có hàng tỷ đơn vị ý nghĩ nơi tâm thức khởi lên, cho nên cũng có hàng tỷ đơn vị sắc chất, dưới sự thúc đẩy của tâm thức, liên tục khởi lên theo.)

Có câu phương ngôn: “Tâm hồn trẻ, khiến phong độ cũng trẻ.” Khi một người có tâm trạng mãn ý, vui tươi, thì các sắc pháp tuỳ tâm (cittaja rupas) cũng trở nên hứng khởi. Trong khi trò chuyện thân mật, đầm ấm, gương mặt lộ vẻ hân hoan. Ngược lại, đang khi chán chường, thối chí, các sắc pháp cũng do đó mà trệ xuống. Và lúc cãi vã gay go, gương mặt trở nên cau có, giận dữ.

Khi một căn nhà phát hoả, ngọn lửa sẽ bén sang các nhà lân cận. Cùng thế ấy, khi các sắc pháp tuỳ tâm (cittaja rupas) đang buồn khổ cực độ thì các sắc pháp liên hệ khác như sắc pháp tuỳ nghiệp (kammaja rupas), sắc pháp tùy thời tiết (utuja rupas) và sắc pháp tùy dưỡng chất (aharaja rupas) cũng chiụ chung số phận mức độ đau khổ đó. Bởi thế cho nên, khi một người cảm thấy quá chán chường, gương mặt trông như già hẳn đi; và khi nỗi chán chường hết còn kham chịu được, người ấy sẽ “đứt ruột” lên mà chết. Tóm lại, tâm thức (citta) ảnh hưởng sâu rộng đến thân thể con người, kể ngay từ lúc mới thọ thai.

328.- Ảnh hưởng của thời tiết (Uu).

Thời tiết cũng ảnh hưởng đến sắc chất (rupa). Sống trong khí hậu điều hoà, dễ chịu, con người trở nên vui vẻ và khoẻ mạnh. Mặc quần áo sạch sẽ, ngủ trên chiếc giường tinh khiết, có ảnh hưởng làm gia tăng các sắc pháp tùy thời tiết (utuja rupas), khiến cho cơ thể trở nên khoẻ khoắn và con người vui tươi. Do đó, sự sạch sẽ là chìa khoá của sức khoẻ. Ngược lại, áo quần bản thỉu, giường chiếu dơ dáy khiến nẩy sanh nhiều loại xấu của sắc pháp tuỳ thời tiết (utula rupas) và làm cho cơ thể bị bịnh hoạn. Về mùa mưa, thời tiết rất thích hợp cho cây cối đâm chồi, nẩy lộc. Về mùa nắng, khí hậu oi bức khiến cho thảo mộc trở nên khô héo và tàn tạ. Cùng thế ấy, thời tiết (utu) ảnh hưởng đến thân thể ngay từ lúc thọ thai. Nhìn cây cối đang thay hoa đổi lá, ta biết được tiết trời đang giao mùa. Chúng ta cần nên quan tâm đến việc các sắc pháp tuỳ thời tiết (utuja rupas) đổi thay theo sự luân chuyển của khí hậu.

329.- Ảnh hưởng của sự dinh dưỡng.

Có chất dinh dưỡng (oja) trong các thực phẩm mà chúng ta ăn uống, ngay cả trong nước lã. Nếu ta dùng thực phẩm đầy đủ dưỡng chất và các thuốc men thích hợp, chúng ta sẽ có sức khoẻ dồi dào và được sống lâu. Thực phẩm và thuốc men chẳng thích hợp sẽ đưa đến bịnh hoạn.

Xuyên qua lá nhau trong bụng mẹ, thai nhi nhận chất bổ dưỡng qua thực phẩm của người mẹ đã ăn và nhờ vào đó mà các bộ phận và cơ quan của thai nhi mới trở nên đầy đủ. Bởi thế, mọi người làm mẹ muốn sanh con dễ nuôi cần phải săn sóc kỹ lưỡng thức ăn trong thực đơn hằng ngày của mình.

Đây là vài lời khuyên hữu ích cho các bà mang thai: dùng những thực phẩm bổ dưỡng, tránh các cử động vội vàng và hất ngược ra phía sau; gặp bác sĩ để khám thai đều đặn; ăn uống và ngủ nghỉ có chừng mực. Nhờ vào sự chăm sóc sức khoẻ cẩn thận, ta mới mong sanh được đứa con bụ bẫm, sởn sơ. Bổn phận mọi bà mẹ tương lai là phải biết lựa chọn thức ăn thích hợp cho mình và cho đứa con trong bụng, ngay từ khi mới vừa thọ thai.

Tạm kết về Chương 10.

Đến đây chấm dứt Chương 10 về sắc pháp (rupa). Để hồi hướng công đức viết Chương sách nầy, tôi nguyện cầu tất cả độc giả sẽ thực hiện được mọi hành vi thiện lành đưa đến sức khoẻ dồi dào và thân thể tráng kiện, trong đời nầy cùng những đời sau, trên con đường tiến đến sự chứng nhập Niết-bàn (Nibbana).

Nguyện cầu các thân hữu của tôi luôn luôn tràn đầy sức khoẻ để có thể thi hành được mọi thiện pháp và sống theo đúng các hạnh Ba-la-mật (Paramis) cho đến ngày thọ hưởng quả vị Niết-bàn (Nibbana) là hạnh phúc tối thượng.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời