Chương 4

Về các tâm sở phụ hợp với tâm thức thiện và bất thiện

134.- Các loại tâm sở phụ hợp với tâm thức thiện và bất thiện.

Các tâm sở (cetasikas) thường có mặt nơi tâm thức thiện hay bất thiện, phụ trợ và phối hợp với tâm thức, tạo nên một trạng thái tâm lý, được xếp loại như sau:

1.- Phassa = Xúc, sự tiếp xúc của đối tượng với tâm thức;
2.- Vedana = Thọ, cảm giác sơ khởi;
3.- Sanna = Tri giác, cảm giác có nhận thức;
4.- Cetana = Ý hành, ý định sẽ đưa đến hành động;
5.- Ekaggata = Định, tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhứt
6.- Jivitindriya = Mạng căn, sức sống điều hợp mọi hoạt động;
7.- Manasikara = Chú tâm, sự chú ý đến;
8.- Vitakka = Tác ý, sự móng tâm, làm khởi ý;
9.- Vicara = Nhiếp ý, sự thủ ý, bám sát vào một ý;
10.- Adhimokkha = Quyết ý, sự quyết định làm hay chẳng làm;
11.- Viriya = Nỗ lực, sự cố gắng;
12.- Piti = Toại ý sự thoả ý vui mừng;
13.- Chanda = Ý chí, sự quyết tâm, quyết chí.

Các loại tâm sở nêu trên đều phối hợp với tâm thức thiện và cả với tâm thức bất thiện.

(1) Tâm sở Xúc (Phassa)

135.- Thế nào là Tâm sở Xúc (Phassa)?

Tâm sở xúc (Phassa cetasika) khởi lên khi có sự tiếp giao giữa tâm thức và đối tượng của tâm thức. Ở đây, chữ Xúc chẳng có nghiã là sự tiếp xúc vật chất như khi tay rờ, thân đụng, hoặc khi hai vật va chạm vào nhau; mà lại xảy ra vào lúc tâm thức bên trong hướng đến đối tượng bên ngoài. Đó cũng như có sự “sờ mó”, đụng chạm đến, khi tâm thức và đối tượng gặp gỡ nhau. Trong vài trường hợp, sự tiếp xúc tâm lý đó lại nổi nhô lên, dễ thấy, dễ nhận, cũng như sự va chạm vật thể.

Hãy nói rõ thêm. Khi một người vừa khỏi bịnh, thấy một đứa bé trai đang ăn một quả chanh (*), miệng ông ta liền chảy nước dãi. Một người nhát gan, khi thấy hai kẻ dữ dằn đánh nhau, liền run sợ lên. Khi một cô gái đến tuổi dậy thì nghe đâu đây tìếng nói cậu trai cùng tuổi, cô cảm thấy một sự rung động khác thường trong trái tim của cô. Điều nầy cũng xảy ra với các chàng trai. Trong các thí dụ nầy, tâm thức đã “xúc chạm” đến trái chanh, v.v. khiến cho sự chảy nước dãi, sự run sơ, v.v.đã xảy ra. Hình thức tiếp xúc như vậy chính là bản thể của tâm sở xúc (phassa).

[(*) Thiện Nhựt nghĩ có lẽ đó là trái me, hơn là trái chanh.]

Tâm sở xúc (phassa) giao tiếp với các đối tượng và các đốí tượng nầy gây phản ứng đến tâm thức thiện cũng như với tâm thức bất thiện; do đó tâm sở xúc đã khởi lên và phối hợp chung cho cả tâm thức thiện và tâm thức bất thiện, cũng tựa như chất muối được dùng trong một món ăn ngon, hay trong một món ăn dở. Các tâm sở (cetasikas) khác, như tâm sở thọ (vedana) chẳng hạn (sẽ được cứu xét tiếp sau đây), cũng phát khởi và phối hợp chung cho cả hai loại tâm thức thiện và bất thiện.

[Tâm sở xúc (phassa cetasika) cũng có mặt nơi các loại tâm thức đang tác động (Kiriya cittas)(Functional Types of Consciousness), và cả nơi các loại tâm thức đang bị tác động (Vipaka cittas)(Resultant Types of Consciousness), các loại tâm thức nầy chẳng thiện mà cũng chẳng bất thiện.]

(2) Tâm sở Thọ (Vedana)

136.- Tâm sở Thọ (Vedana) và các đối tượng của giác quan.

Tâm sở thọ, hay cảm thọ (vedana cetasika) có nghiã là đang thọ nhận các cảm giác từ các sự vật làm đối tượng cho các giác quan (hay cho các căn). Sáu loại đối tượng nầy đã được xét qua nơi Chương 1 nói vềTâm thức (Citta), và được gọi dưới danh từ là sáu trần, (sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Mỗi thứ trong sáu loại đối tượng của giác quan (hay các căn) được phân biệt thêm ra thành:

ittharammana, các đối tượng (sự vật) đáng ưa thích đối với các giác quan;

anittharammana, các đối tượng chẳng được ưa thích;

itthamajjhattaramma, các đối tượng được ưa thích vừa vừa.

Các loại đối tượng thứ nhứt được các giác quan ưa thích, mến chuộng và hay tìm đến, được gọi là ittharammana, tạm dịch là sự vật khả ái [itta = được ưa thích và mến chuộng + arammana = sự vật.] Thí dụ về sự vật khả ái (ittharammana) như hình sắc đẹp đẽ, thanh âm dịu dàng, hương thơm ngào ngạt, mùi vị đậm đà, đồ vật trơn láng, danh thơm tiếng tốt, nhà cửa sang trọng, v.v.

Một sự vật chẳng được ai ưa thích, mến chuộng hay tìm đến, được xếp vào loại anittharammana [anittha = chẳng đáng được ưa thích + arammana = sự vật.} Thí dụ về anittharammana, sự vật bất khả ái, như các hình sắc xấu xí, âm thanh chát chúa, mùi hơi nồng nặc, hương vị lạt lẽo, đồ vật xù xì, ô danh xú tiết, nhà cửa bẩn thỉu,v.v.

Một sự vật chẳng được xếp vào loại khả ái hay vào loại bất khả ái, chẳng được mến thích cũng chẳng bị chê ghét, được gọi là itthamajjhattarammana; thí dụ như nhan sắc xoàng xoàng của một người nào đó.

137.- Năm loại cảm thọ.

Tâm sở thọ (vedana) được phân biệt ra làm năm loại:

(1).- sukha, sướng thích về thể chất;
(2).- dukkha, đau đớn về thể xác;
(3).- somanassa, lạc thú về tinh thần;
(4).- domanassa, thống khổ về tinh thần;
(5).- upekkha, xả thọ, cảm giác trung hoà, chẳng sướng thích, mà cũng chẳng khổ đau.

Khi có sự thọ nhận một cảm giác về một sự vật khả ái, đáng ưa chuộng, tâm sở thọ được khởi lên vào lúc đó gọi là lạc thọ. Một lạc thọ thông thường được gọi là sukha vedana [sukha = dễ chịu, vừa ý + vedana = cảm thọ.] Khi một lạc thọ gây thêm một niềm vui mừng, nó được gọi là somanassa vedana [somanassa = sự vui mừng + vedana = cảm thọ.] Cảm thọ somanassa vedana khởi lên rõ rệt nơi tâm thức của người đang thọ hưởng sự khoái cảm về vật chất như khi tiếp xúc với sắc trần (ruparammana), thanh trần (saddarammana), v.v.Cũng cảm thọ somanassa vedana khởi lên một cách rõ rệt nơi tâm thức của người khi đang đứng trước các hình tượng hoặc đồ vật được sùng kính như một tượng Phật, hay một quyển Kinh Chánh pháp.

Khi có sự thọ nhận một cảm giác về các sự vật bất khả ái, gây khó chịu chẳng ưa thích, tâm sở thọ khởi lên vào lúc đó gọi là khổ thọ. Một khổ thọ thông thường được gọi là dukkha vedana [dukkha = đau khổ.] Khi một khổ thọ có liên quan đến tâm linh, người ta gọi là domanassa vedana [domanassa = thống khổ về tinh thần]. Các khổ thọ dukkha vedana domanassa vedana thường phụ hợp với tâm sở sân hận (dosa cetasika) như các tâm sở ưu sầu (sorrow), tâm sở than khóc (parideva), tâm sở uất hận (upayasa) đã được cúu xét nơi Chương 3 vừa qua. Các sự va chạm vào thân thể khi gây ra sự đau đớn khó chịu, được gọi là dukkha, khổ thọ; khi các sự va chạm ấy gây ra sướng thích thì gọi là sukha, lạc thọ. Khi tâm thức, xuyên qua các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi hay ý căn, thọ nhận các cảm giác thích thú thì gọi đó là somanassa, sự thống khoái (về tâm linh) và khi gây ra sự khó chịu, bất an thì gọi là domanassa, sự thống khổ (về tâm linh).

Đối với sự vật được thích thích vừa vừa, Itthamajjhattarammana, các cảm giác gây ra trên tâm thức chẳng rõ rệt là sướng thích hay khó chịu, nên gọi các cảm giác đó là xả thọ, upekkha vedana, những cảm thọ trung hoà, vô ký. Bởi vì sự thọ nhận các xả thọ chẳng được hiển nhiên, chẳng dễ thấy, hay thiếu sự để ý đến, cho nên con người ít khi ý thức hẳn hoi về các xả thọ. Đấy là trường hợp xảy ra khi đi, khi đứng, khi ngồi, có nhiều xả thọ, upekkha vedana, khởi lên nơi tâm thức mà chính các đương sự cũng chẳng biết đến, hay đang thể nghiệm đến mà chẳng dè.

Một cách tổng quát, các cảm thọ, nói chung, thâu nhận từ các đối tượng, được khởi lên để phụ hợp với các tâm thức thiện và cả với tâm thức bất thiện. Vì cảm thọ có thể thâu nhận từ các sự vật hoặc vừa tốt, hoặc vừa xấu, chúng ta nên ghi nhận rằng, khi có người nói: “Tôi đang thọ hưởng sự sung sướng về thể xác” hay “Tôi đang thưởng thức hương vị của Chánh pháp”, ta nên hiểu người ấy đang nói đến cảm thọ một cách tổng quát, chung chung vậy thôi.

(3) Tâm sở Tri giác (Sanna)

138.- Thế nào là tâm sở Tri giác (Sanna)?

Tâm sở tri giác (sanna) đánh dấu hay ghi nhận. Sự ghi nhận và làm dấu nầy chỉ rõ rệt nơi các các người có trí thông minh còn đang phát triển và chưa được đầy đủ kiến thức. Khi trẻ con nghe dạy: “Đây là cha của con; đây là mẹ của con.”, thì chúng ghi nhận vào trong trí nhớ “Ba”, ‘Má”; khi chúng trông thấy chiếc phi cơ, tâm sở tri giác (sanna) của chúng ghi nhận rằng đó là chiếc máy bay, với cánh máy bay nầy, với thân máy bay nầy, v.v. Khi chúng viếng một thành phố xa lạ, chúng ghi chú những gì khác, mới, đối với chúng. Do đó, ta thấy tâm sở tri giác phát khởi và chuyển động nhiều cách khác nhau tuỳ từng người.

Tâm sở tri giác có hai lợi ích: khi một đứa trẻ nhận biết người nầy là cha nó, thì sự nhận biết đó xảy ra ngay lúc đó. Về sau, nó lại cũng nhận ra người ấy là cha nó nữa . Như thế, tâm sở tri giác có lợi ích ngay trong hiện tại và tương lai.

Tâm sở tri giác (sanna) khác với tâm sở trí huệ) . Sự nhận thức của tâm sở trí huệ chỉ liên quan đến những gì đúng đắn, chơn chánh; trong khi đó thì tâm sở tri giác ghi nhận cả đúng và sai. Vì tâm sở tri giác sai lầm cho nên vào ban đêm, một người mới nhìn gốc cây làm con quỷ. Những kẻ lấy điều sai lầm mà làm điều đúng đắn, lấy điều xấu ác mà làm điều đạo đức là những người đã bị lừa dối bởi tâm sở tà kiến (ditthi cetasika) được sự phụ hợp của tâm sở tri giác (sanna) trợ giúp vào. Những kẻ có tâm sở tri giác (sanna) nghiêng quá nặng về phiá các việc sai lầm, rất khó mà cải thiện được.

139.- Tầm hoạt động của Tri giác rất rộng.

Tâm sở tri giác (sanna), nhận lấy chỗ sai lầm làm điều đúng đắn, có một tầm hoạt động rất rộng rãi. Chẳng phải chỉ riêng có tâm sở tà kiến (ditthi) và tâm sở ái dục (tanha), mà tâm sở tri giác (sanna) cũng nhận chỗ sái quấy làm điều chơn chánh, cho nên chúng là nguyên nhơn đã làm cho con người phải trôi lăn mãi trong vòng Luân hồi (Samsara).

Thí dụ con người thì biết gớm ghiếc phẩn (cứt); nhưng loài dòi bọ lại xem đó là thực phẩm ngon của chúng. Một thí dụ khác, loài kên kên thường tranh nhau cắn xé để ăn các thi thể sình rữa.

Chỉ có các đức Phật và các bực A-la-hán (Arahant) mới nhận thức được bản thể chơn thật của mọi hiện tượng. Các Ngài nhận ra rằng tất cả mọi thú vui nhục dục đều đáng tởm. Đức Phật tuyên bố rằng tất cả mọi thú vui nhục dục đều thấp hèn, đê tiện; chỉ có bọn phàm phu mới lo đeo đuổi, chỉ có hàng tục tử mới đắm say; còn bực cao thượng chẳng hề quan tâm, ghé mắt đến, vì các thú vui ấy chẳng đem lại lợi ích chơn thật cho con người. Các bực cao thượng tích cực tố giác và bài bác mọi hình thức của thú vui nhục dục

Tiếc thay vẫn còn rất nhiều người chưa biết nghe theo lời chỉ dạy của Đức Phật. Họ đang ráo riết đua đòi chạy theo mọi hình thức khác nhau của thú vui nhục dục. Chính vì sự nhận định sai lầm nơi tâm sở tri giác(sanna) của họ mà họ đang kéo dài sự đau khổ, đời đời kiếp kiếp, trong cảnh Luân hồi.

140.- Đừng lầm lẫn tâm sở tri giác (sanna) với sự tỉnh giác (Sati).

Ghi nhớ lại được các hành động thiện lành của mình, đó là do sự tỉnh giác (Sati) mà cũng do cả tâm sở tri giác (sanna)phụ vào nữa. Nhưng sự tỉnh giác chơn chánh chỉ xảy ra trong điạ hạt các thiện pháp (kusala). Tuy nhiên, lại có sự tri giác giả hiệu, cũng như có sự tỉnh giác giả hiệu nữa. Hồi tưởng lại mối tình đầu, sau bao năm tháng, đó chỉ là một bất thiện pháp (akusala), chẳng phải là sự tỉnh giác (sati) chính hiệu; đó chỉ là một chức năng của tâm sở tri giác (sanna) đang đội lốt sự tỉnh giác (sati) mà thôi. Xin hãy xem lại các đoạn nói về các hình thức giả hiệu của sự tỉnh giác, trong Chương 3 vừa qua.

(4) Tâm sở ý hành (Cetana)

141.- Nhiệm vụ của tâm sở ý hành (Cetana cetasika).

Tâm sở ý hành (Cetana) có nhiệm vụ điều hợp tâm thức (citta) và các tâm sở (cetasikas) khác khi chúng cùng một lúc khởi lên bên trong tâm.

Vai trò điều hợp (= phối trí và điều hành) của tâm sở ý hành (cetana) có thể được nhận thấy rõ hơn, khi ta phân tách một trạng thát tâm thức, như sau:

Khi bên trong, tâm thức hướng về một đối tưọng ở bên ngoài, thì:

– tâm sở xúc (phassa) giao tiếp với sự vật đối tượng;
– tâm sở thọ (vedana) thâu nhận các cảm giác do từ đối tượng gây ra;
– tâm sở tri giác (sanna) đánh dấu và ghi nhận sự giao cảm đó;

đồng thời, các tâm sở khác như:

– tâm sở định (ekaggata),
– tâm sở mạng căn (jivitindriya) và
– tâm sở chú tâm (manasikara)

(các tâm sở nầy sẽ được giải thích sau) cũng khởi lên trong tâm với nhiệm vụ riêng của chúng. Lại còn có các tâm sở thiện như:

– tâm sở niềm tin (saddha) và
– tâm sở tỉnh giác (sati)

hay các tâm sở bất thiện như:

– tâm sở tham lam (lobha),
– tâm sở sân hận (dosa),

cùng xen vào tâm thức nữa.

Lúc bấy giờ, tâm thức cùng các tâm sở phụ hợp hướng về đối tượng, chẳng tâm sở nào phải bị bỏ rơi đằng sau, mà vẫn có đủ cơ hội để làm tròn nhiệm vụ của nó, khiến cho tâm thức và tất cả các tâm sở hiện diện cùng nhau bám chặt vào đối tượng, dưới mọi khiá cạnh. Khả năng điều động, phối hợp và thúc đẩy toàn thể tâm thức và các tâm sở phụ hợp, cứ phải bám chặt vào đối tượng lúc đó, chính là nhiệm vụ của tâm sở ý hành (cetana) (= ý tưởng thúc đẩy đưa đến hành động).

Ta hãy dùng một thí dụ để tiện so sánh: Khi hướng về đối tượng, tâm thức cùng các tâm sở phụ thuộc của nó, chẳng tâm sở nào nổi lên lại bị bỏ rơi lại sau, có thể được xem như một hiệp hội ở ngoài đời. Trong hiệp hội nầy, tâm thức (citta) giữ chức chủ tịch; tâm sở ý hành (cetana) lãnh vai trò tổng thơ ký. Trong một hiệp hội, vị tổng thơ ký rất bận rộn, ngoài việc thúc dục các hội viên phải châu tất nhiệm vụ của họ, còn có phận sự phối hợp các hoạt động của các hội viên, sao cho sinh hoạt chung của hiệp hội được điều hoà. Tâm sở ý hành (cetana) cũng có vai trò tương tự như vị tổng thơ ký trong hiệp hội, hay hơn thế nữa, như một vị tướng lãnh chỉ huy các lực lượng hành quân tại mặt trận.

Do đó, nếu tâm sở ý hành (cetana) hoạt động yếu ớt, sức thúc dục bên trong chẳng được đủ mạnh, thì tâm thức và các tâm sở phụ thuộc cũng trở nên yếu kém theo. Trái lại, nếu sức thúc dục của tâm sở ý hành mạnh mẽ và ráo riết, các tâm sở khác sẽ theo đó mà gia tăng cường độ lên. Và khi tâm thức và các tâm sở hoạtđộng hăng hái, thì thân thể con người cũng trở nên nhanh nhẹn và hoạt bát. Do vậy, tâm sở ý hành lãnh nhiệm vụ tối cao trong việc ứng phó với các sự vật bên ngoài, trong bất cứ trường hợp nào.

142.- Tâm sở ý hành tạo nên Nghiệp.

Thí dụ như có một người bị tấn công, đánh đập tàn nhẫn và bị giết chết trong một trận đòn “hội chợ” tại mộtđám đông. Trong cảnh hung ác đó, các cú đấm đá của mỗi người tấn công còn chưa làm thiệt mạng nạn nhơn, chỉ có một người trong số đó, vì ý chí bạo tàn và cương quyết, đã đánh liên tiếp hết đòn nầy đến đòn khác, đem cái chết đến cho nạn nhơn. Vậy chính anh nầy mới thật sự là thủ phạm chánh trong vụ giết người. Cùng thế ấy, khi tâm thức (citta) và các tâm sở phụ hợp (cetasikas) hợp nhau lại để thực hiện một hành vi thiện như bố thí (dana), như trì giới (sila), hoặc để gây ra một hành vi bất thiện như sát sanh (panatipata), thì tâm sở ý hành (cetana) là tâm sở mạnh mẽ nhứt, cương quyết nhứt trong nhóm các tâm sở hiện diện. Tiềm lực của tâm sở ý hành luôn luôn nằm phục sẵn trong tâm thức con người. Vì thế, nếu muốn thẩm định cho đúng đắn về trách nhiệm của hành vi, thì phán quyết phải nhắm ngay vào chính tâm sở ý hành mà quiđịnh trách nhiệm. Đức Phật đã rõ ràng qui trách cho tâm sở ý hành, khi Ngài nói:

“Cetanaham bhikkhave kammam vadami.”
“Nầy các tỳ-kheo, ta tuyên bố ý hành (cetana) chính là Nghiệp (Kamma)”.

Hiểu rộng về lời tuyên bố đó, ta nên ghi rằng, hể tâm sở ý hành càng mạnh, thì nghiệp càng sâu; và nếu ý hành còn yếu ớt thì nghiệp cũng vì đó mà nhẹ bớt.

(5) Tâm sở Định (Ekaggata)

143.- Tâm sở Định (Ekaggata) còn được gọi là Tam-ma-đề (Samadhi).

Định (Ekaggata) là tình trạng bình thản và chẳng xao động, của tâm thức. Tâm trạng nầy còn được gọi là Tam-ma-đề (Samadhi), có nghiã là, sự tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhứt. Khi hướng về các sự vật, chính nhờ vào tâm sở định mà tâm thức ta mới có thể trụ lại hay dừng lại lâu, trên một đối tượng, trong một thời gian dài. Điều đó có nghiã là tâm sở định (ekaggata) đang tập trung và an trụ vào đối tượng, cũng như ngọn lửa thẳng đứng của cây nến đang cháy trong chỗ im gió.

Trong việc thực tập quán tưởng, khi tâm thức có thể an trụ chuyên chú vào một đối tượng trong một thời gian lâu, người ta nói: “Đó là đang chứng đắc được Tam-ma-đề” (Samadhi), hay là: “Tam-ma-đề đang trở nên mạnh mẽ.” Khi một người thành tựu được một vài cấp Tam-ma-đề (Samadhi, Định), người ấy đạt được sự an tịnh và sự vững chãi trong tư tưởng, lời nói và hành động. Người ấy trở nên thẳng thắn, chẳng hề có lỗi lầm trong thái độ cư xử với kẻ khác trong xã hội. Tuy nhiên, cũng có thể, người ấy vẫn còn vương vấn mãi, hay bị ám ảnh vì một vài vấn đề đặc biệt nào đó.

(6) Tâm sở Mạng căn (Jivitindriya).

144.- Thế nào là Mạng căn (Jivitindriya)?

Tất cả mọi tâm thức (cittas) và mọi tâm sở (cetasikas) được phân loại và xếp vào hàng danh (nama) (trong khi đó, các sự vật có hình thể cụ thể được xếp vào hàng sắc [rupa] và danh từ danh sắc [nama rupa] được dùng để chỉ tất cả sự sự, vật vật trong vũ trụ.). Nguyên lý sinh lực hay sức sống của danh được gọi là jivitindriya, hay là mạng căn (tức là sức sống động, sẵn có bên trong, đã khiến cho tâm thức và các tâm sở khởi lên và hoạt động được.) Tất cả tâm thức (cittas) và các tâm sở (cetasikas) sở dĩ hoạt động điều hoà và tích cực được chính nhờ vào mạng căn. Nếu sự vắng mặt của mạng căn xảy ra, thì tâm thức và các tâm sở chẳng còn hoạt động được nữa. Nói cách vắn tắt, chính mạng căn (jivitindriya) đã thúc đẩy tâm thức và cáctâm sở tiếp tục khởi phát lên, tùy theo Nghiệp (Kamma) dẫn dắt. Nơi các yếu tố vật chất cũng có sức sống, được gọi là rupa jivitindriya, sắc mạng căn. Do đó, cái nguyên lý tạo nên sức sống nơi vật chất và nơi tâm linh, được lần lượt gọi là sắc mạng căn (rupa jivitindriya) và danh mạng căn (nama jivitindriya). Cả hai mạng căn nầy phối hợp lại thành ra sự “sống” của một chúng sanh. Ngoài hai mạng căn nầy ra, chẳng hề có một vật gì hay một việc gì được gọi là “linh hồn bất diệt” hay “tự thể” nào hết cả. Chẳng hề có cái “tự ngã” (atta) nào ở đâu cả.

(7) Tâm sở Chú tâm (Manasikara).

145.- Sự chú ý.

Khi tâm thức chú ý đến một đối tượng thì tâm sở chú tâm (manasikara) khởi lên, mang đối tượng đến cho tâm thúc. Nói như thế, chẳng có nghiã là thật sự có sự đưa một sự vật từ bên ngoài vào tận bên trong tâm thức. Đó chẳng qua là nhờ vào khả năng chú ý của tâm thức mà đối tượng được luôn luôn hiện diện trong tâm. Vậy đó chỉ là một cách nói bóng bảy, cho rằng tâm sở chú tâm (mansikara) đã mang hình ảnh của đối tượng vào trong tâm đấy thôi.

146.- Bảy tâm sở thường hiện diện khi tâm thức khởi lên.

Bảy tâm sở vừa được cứu xét qua, từ tâm sở xúc (phassa) cho đến tâm sở chú tâm (mansikara), đều có mặt trong mọi sự phát khởi của tâm thức. Các tâm sở khác, như tâm sở niềm tin (saddha), tâm sở tỉnh giác (sati), tâm sở tham lam (lobha), tâm sở sân hận (dosa), v.v., nhơn các đối tượng thích ứng mà phát khởi lên, cùng một lúc, với bảy tâm sở nói trên.

Tâm sở thọ (vedana cetasika) chiếm ưu thế khi ta đang có cảm giác về đối tượng. Tâm sở tri giác (sanna cetasika) chiếm ưu thế khi ta đang ghi nhận hay nhớ lại một sự vật gì. Khi ta làm một hành vi thiện hay bất thiện, thì tâm sở ý hành (cetana cetasika) chiếm ưu thế. Khi ta tập trung tư tưởng về một đề mục gì, thì tâm sở định (ekaggata, samadhi) chiếm ưu thế. Ba tâm sở còn lại là tâm sở xúc (phassa), mạng căn (jivitindriya), chú tâm (manasikara) chẳng bao giờ chiếm được ưu thế cả.

(8) Tâm sở Tác ý (Vitakka).

147.- Các hình thức của tâm sở tác ý (Vitakka).

Tác ý (Vitakka) là khởi lên sự suy nghĩ hay hoạch định về sự việc gì.

Có ba hình thức xấu ác của tâm sở tác ý: (1)Dục lạc tác ý (Kama vitakka), nghĩ về các thú vui thể xác; (2)Hiểm độc tác ý (Byapada vitakka), nghĩ về sự độc ác, hiềm ghét; (3) Ác hại tác ý (Vihimsa vitakka) nghĩ về sự làm hại, hành hạ kẻ khác.

Lại có ba hình thức thiện lành của tâm sở tác ý: (1) Xả kỷ tác ý (Nekkhamma vitakka, nghĩ về sự từ bỏ, sự khước từ, sự quên mình; (2) Từ mẫn tác ý (Abyapada vitakka), nghĩ về lòng nhơn từ, thương hại kẻ khác; (3)Bi mẫn tác ý (Avihimsa vitakka), nghĩ về lòng cứu giúp kẻ hoạn nạn.

Dục lạc tác ý và Xả kỷ tác ý (Kama vitakka & Nekkhamma vitakka)

Khi sự suy nghĩ có liên quan đến việc hưởng dụng các thú vui nhục dục, như nhan sắc đẹp, âm thanh gợi tình, v.v., hay khi nghĩ đến các tài sản vật chất cùng cách để thu hoạch chúng, đó là tâm sở dục lạc tác ý (kama vitakka) khởi lên, được tâm sở tham lam (lobha) đi kèm theo sau.

Nhưng khi suy nghĩ đến sự từ khước mọi thứ dục lạc trần thế, để trở nên một vị tỳ-kheo hay một ẩn sĩ, khi nghĩ đến các việc bố thí, tuân trì giới hạnh Bố tát (Uposatha), khi tu tập quán tưởng v,.v., thì tâm sở xả kỷ tác ý (Nekkhamma vitakka) khởi lên, vì đang tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của sự tham lam.

Hiểm độc tác ý và Từ mẫn tác ý (Byapada vitakka & Abyapada vitakka)

Chữ Byapada có nghiã là ác tâm hiểm độc muốn hại, muốn giết kẻ khác.

Tư tưởng độc ác nào kết hợp với sự sân hận (dosa) được xem như do tâm sở hiểm độc tác ý (Byapada vitakka) khởi sanh lên. Trái ngược với ác tâm hiềm hận (dosa) là lòng từ (metta), tình thương ban rộng đến mọi người, chẳng phân biệt thân hay thù. Các tư tưởng nghĩ đến sự mong muốn kẻ khác được an vui và tìm cách giúp cho họ được sung sướng, đều do tâm sở từ mẫn tác ý (Abyapada vitakka) khởi sanh lên.

Ác hại tác ý và bi mẫn tác ý (Vihimsa vitakka & Avihimsa vitakka).

Chữ Vihimsa có nghiã là ác tâm ngược đãi, hành hạ hay gây thương tổn đến kẻ khác Khi ác tâm do lòng sân hận (dosa) thúc đẩy, nghĩ đến hay trù hoạch việc ngược đãi hay giết chóc hoặc làm thương tổn đến kẻ khác, dưới mọi hình thức, được xem là do tâm sở ác hại tác ý (vihimsa vitakka) khởi sanh lên. Mặt khác, chữ Avihimsa đồng nghiã với tâm bi (karuna) là tấm lòng thương xót mọi người bất hạnh, trái hẳn với sự sân hận (dosa). Nghĩ đến việc giải thoát cho mọi người khỏi hết mọi khổ đau, chính là tư tưởng do tâm sở bi mẫn tác ý (Avihimsa vitakka) thúc đẩy cho khởi lên.

Ta có thể nhận thấy rõ ràng tâm sở ác hại tác ý là một tâm sở bất thiện (akusala), còn tâm sở bi mẫn tác ý là một tâm sở thiện (kusala). Do đó, ta nên nỗ lực dẹp bỏ các tâm sở tác ý bất thiện vì trái với luân thường đạo lý và gắng công nuôi dưỡng các tâm sở tác ý thiện lành.

(9) Tâm sở Nhiếp ý (Vicara).

148.- Nhiếp ý (Vicara) là thế nào?

Nhiếp ý (Vicara) là sự bám sát vào đối tượng chẳng hề buông lơi. Mặc dầu tâm sở tác ý (vitakka) đưa tâm thức đến thẳng nơi đối tượng, nhưng tâm sở tác ý chẳng dừng lâu trên đối tượng; chính tâm sở nhiếp ý (vicara) mớì nắm lấy đối tượng do tâm sở tác ý dẫn đến, giữ lấy đó chẳng buông ra trong một thời gian và làm cho sức chú ý của tâm thức khởi lên liên tục vào đối tượng cũng tựa như đang “cọ xát, thoa bóp” vào đối tượng vậy.

(10) Tâm sở Quyết ý (Adhimokkha).

149.- Thế nào là tâm sở quyết ý (Adhimokkha)?

Tâm sở quyết ý (Adhimokkha) khởi lên khi tâm thức quyết định về một việc gì. Quyết định làm hay chẳng làm một hành động, quyết định chọn một điều lành hay lựa một việc ác, đó là vai trò của tâm sở quyết ý. Chính tâm sở nầy chẳng những quyết định nên làm một việc thiện như bố thí (dana), trì giới (sila) (giữ gìn Ngũ giới hoặc tuân theo Bát quan trai giới, v.v.,) mà cũng quyết dịnh luôn cả việc phạm vào tội ác như giết hại nữa. Tin tưởng sai lầm vào sự xảo trá, gạt gẫm của một kẻ nào, đó chẳng phải là vai trò của tâm sở niềm tin (saddha cetasika) mà đó chính là tâm sở quyết ý (adhimokkha) đã quyết định sai lầm để tin tưởng vào việc ác như thế.

(11) Tâm sở Nỗ lực (Viriya).

150.- Thế nào là tâm sở Nỗ lực (Viriya)?

Nỗ lực (Viriya) là cố công, gắng sức. Một người cần cù nỗ lực thì bền tâm gắng chí ra sức chịu khó khăn, theo đuổi đến kỳ cùng cho tới ngày đạt được các mục tiêu của mình mới thôi. Những kẻ thiếu nỗ lực (viriya) là những kẻ lười biếng, nhút nhát; bụng họ chứa sẵn cả khối điều để tự bào chữa. Những kẻ lánh nặng tìm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm và viện cớ nào còn sớm quá, nào trể lắm rồi, nào lạnh lắm đi thôi, nào nóng như lửa thiêu đốt, nào đang đói lả, nào đang no tức bụng, v.v., để chạy tránh công việc, những kẻ ấy được gọi là nạn nhơn của sự giải đãi (thina) và hôn trầm (middha). Hai tâm sở giải đãi hôn trầm, bất thiện (akusala) nầy trái ngược hẳn với tâm sở nỗ lực.

Một người có nỗ lực, chẳng hề ngại ngùng trước các sự khó khăn, gian hiểm. Người ấy chẳng ngần ngại khi phải hy sanh tánh mạng để theo đuổi mục tiêu. (Trong Lược sử các tiền kiếp của Đức Phật) Hoàng tử Janaka, khi chiếc tàu bị đắm, đã can đảm nhảy xuống biển và kiên nhẫn bơi lội, mới được một vị thiên (devi,trời) cứu sống. Các người bạn đồng thuyền chỉ biết sợ hãi và khấn nguyện cầu cứu với các thần linh mà họ tôn sùng, đều bị cá mập nuốt chết hết. Chỉ riêng Hoàng tử Janaka đã bình tĩnh nỗ lực vừa bơi lội trong bảy ngày đêm, vừa tuân trì tám điều giới luật của lễ Bố tát (Uposatha). Đó là một thí dụ nỗ lực (viriya) rất dũng cảm để đối phó với khó khăn hiểm nguy đến tánh mạng.

151.- Các ích lợi do sự nỗ lực mang đến.

Về y tế.- Các nỗ lực (viriya) đem lại nhiều lợi ích rất rõ rệt trong đời sống hằng ngày. Năng đi bộ, chạy bộ, tập quán tốt về ăn uống, giữ vệ sanh cá nhơn, dinh dưỡng và thuốc men đúng cách, đó là những nỗ lực(viriya) tốt trong điạ hạt ý tế. Chỉ những người bền chí và chẳng lười biếng mới có thể thực hành đều đặn, để bảo trì sức khoẻ cho mình.

Về sanh kế.- Về phương diện mưu sanh, trong lãnh vực thương mại và kỹ nghệ, những kẻ biết nỗ lực thành công nhiều hơn những người chẳng biết gắng sức. Kẻ lười biếng bao giờ cũng bị bỏ rơi lại đằng sau, trong mọi việc. Hãy nhìn đến gương nỗ lực của các thương nhân người ngoại quốc ở Myanmar (Miến-điện), họ thức thật sớm, quét dọn sạch sẽ cửa hàng, ăn mặc tươm tất và mở cửa rất đúng giờ. Trái lại, trong lúc đó thì các người buôn bán Miến-điện, phần lớn còn đang say giấc, gật gờ chổi dậy với gương mặt còn buồn ngủ, trách nào họ thường thất bại trong công việc làm ăn. Làm sao mà kẻ lười biếng thành công, phát đạt cho được!

Nỗ lực của phụ nữ Miến-điện. Nữ giới ở Miến-điện đóng vai trò quan trọng nhứt trong việc doanh thương. Làm chủ cửa hàng phần nhiều là các bà; họ giữ vai trò điều khiển và tích cực hoạt động. Họ là cột trụ giađình, nuối nấng trẻ con và cả các … ông chồng thất nghiệp nữa. Chẳng có họ, chẳng biết nền kinh tế Miến-điện còn lạc hậu đến mức nào! Chính nhờ nỗ lực (viriya) của phụ nữ mà nước Miến-điện mới có thể góp mặt cùng thế giới ngày nay. Nếu bên nam nhi cũng đồng nỗ lực bằng với bên nữ giới, Miến-điện sẽ thịnh vượng hơn bao giờ hết.

Nỗ lực trong điạ hạt giáo dục. Buồn thay, trong điạ hạt giáo dục, các thanh niên Miến-điện cũng tỏ ra chẳng mấy siêng năng như trong công cuộc kinh doanh. Trong các kỳ thi, ít người nam được danh đề bảng hổ như bên hàng phụ nữ. Ở cấp Đại học, dữ kiện lại phát giác một tỷ số thành công còn thấp kém trong giới nam thanh niên. Thành tích nghèo nàn đó trong ngành khoa bảng phần lớn là do sự lười nhác của nam sinh viên. Mặc dầu cha mẹ và chị em đã tận tình hết lòng trợ giúp, nhưng họ vẫn theo lối sống phóng túng, chẳng cố gắng chuyên cần học tập để đền đáp lại công ơn đó. Thiếu nỗ lực trong việc học vấn, rõ ràng là nguyên nhân chánh yếu của tình trạng sút kém đó.

Mặc dầu, họ cũng được vào các trường cao đẳng và đại học vào lứa tuổi đôi mươi, nhưng họ chỉ gây được thành tích vẻ vang rất ít ỏi. Trong lịch sử quốc gia, ta còn nhớ các đức Vua Tabin-shwe-thi, Bayin-naung và Hoàng tử Min-ye-kyaw-swa đã lên đến tột đỉnh vinh quang, ngay lúc tuổi các Ngài còn trẻ hơn hơn nhiều, và vì thế mà ngày nay dân chúng vẫn còn tôn thờ hình ảnh các vị ấy trong tim họ. Thế thì, tại sao các thanh niên trẻ tuổi ngày nay lại chẳng cần mẫn và can đảm noi theo gương sáng nỗ lực (viriya) của các vị anh hùng tiền bối của họ?

Về phiá giáo hội Tăng-già (Sangha), trình độ học thức cũng chẳng khả quan gì hơn về phiá dân chúng. Trong quá khứ, các tu viện đã là nơi đào tạo nhìều vị chơn sư uyên thâm về học vấn, nhiều vị giảng sư thông thái về Chánh pháp. Các vị tỳ-kheo (bhikkhus) lỗi lạc và hiền đức đó đã từng đứng ra lãnh nhiệm vụ giáo hoá dân chúng. Cũng đã có vài vị giữ cả vai trò cố vấn cho hoàng gia. Nhưng đến ngày nay, nếu chẳng có các sự canh tân cấp thiết để theo kịp trào lưu tiến hoá thì làm sao Tăng-già (Sangha) có thể khôi phục lại được vai trò lãnh đạo giáo hoá quần chúng khi xưa của mình? Hiện vẫn chưa thấy có cố gắng nào trong chiều hướng đó, nên điạ vị cao quí của Tăng-già càng ngày càng xuống dốc mạnh; ngay các tu viện cũng chẳng thu hút thêm được nhiều tăng sinh và người ủng hộ mới.

Hậu quả là sự giảng dạy và truyền bá Chánh pháp trong dân chúng (Sasana) phải bị suy đồi hết năm nầy sang năm khác.

Tổng kết lại, các sự sút kém hiện nay mà ta phải đối phó về phương diện kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục, đều bắt nguồn từ nguyên nhơn thiếu nỗ lực (viriya).

Tưởng chẳng cần quá nhấn mạnh là Đức Phật chứng đắc được Nhứt thiết chủng trí (Sabbannuta nana) và trở nên bực hoàn toàn Giác ngộ là do nỗ lực (viriya) độc nhứt vô nhị của chính Ngài. Ngay cả sau khi lên ngôi vị Phật, Ngài đã chuyên cần giảng dạy Chánh pháp (Dhamma) trong bốn mươi lăm năm. Ngài khuyên dạy tất cả chúng sanh rằng việc thông hiểu Sự Thật phải đi trước, rồi việc tu tập theo con đường Chánh đạo mới theo sau; và cả hai đều cần đến sự nỗ lực (viriya). Ngài bảo: “Vayametheva puriso. Na nibbindeyya pandita.”

Có nghiã là: “Con người chơn thật phải luôn luôn cần mẫn. Bực hiền giả chẳng bao giờ lười nhác.”

152.- Chúng ta hãy tự cải thiện.

Ngày nay, có nhiều người ở Miến-điện (Myanmar) tự xưng mình là Phật tử, lại cố tình bỏ qua lời dạy củaĐức Phật về các ích lợi của sự nỗ lực (viriya). Mặt khác, các người tin theo các tôn giáo khác, đang thành công gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp và hưởng được một mức sống rất cao. Thật ra, các người nầy đang thực hành theo lời khuyến dạy của Đức Phật về sự nỗ lực (viriya). Họ sở dĩ trở nên người giàu có và quyền thế, đó là vì hành động của họ phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Về phần chúng ta, nhìn ngược lại quá khứ, chúng ta chỉ hãnh diện về thành tích rực rỡ đã qua mà quên tạo dựng được điều gì có thực chất đáng kể. Chúng ta nên nhiệt thành, cần mẫn nỗ lực đưa nước nhà đến tình trạng phát triển.

Bây giờ là lúc chúng ta phải thay đổi ngay thái độ về cuộc sống và trở thành những người làm việc siêng năng và biết nỗ lực tận tụy. Chúng ta hãy ghi nhớ lời Phật dạy: “Viriyavato kim nama kammam na sijjhati.” “Với một người biết nỗ lực, chẳng có điều gì mà chẳng thể thực hiện được.”

Mặc dầu, chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần về ý nghiã của sự nỗ lực (viriya), tưởng cũng nên nhắc lại với các độc giả rằng, khi nói đến nỗ lực, chúng tôi chỉ muốn nói đến sự “cố gắng với trí thông minh“, chớ chẳng phải các “cố gắng cao ngạo, rỗng tuếch và vô ích.”

(12) Tâm sở Toại ý (Piti).

153.- Toại ý (Piti) nghiã là sao?

Piti, sự toại ý có nghiã là một tình cảm sướng khoái và mãn ý. Sự toại ý chẳng phải là đang thể nghiệm một thú vui; sự toại ý chỉ là một tâm sở thoả mãn, cũng tựa như tâm trạng của một người đang khát nước vừa nhìn thấy hay nghe nói có nước uống đây. Chính khi nhìn thấy nước, người ấy đang thể nghiệm sự toại ý (piti). Còn khi thực sự bắt đầu uống nước vào, người ấy lại thể nghiệm tâm sở sukha vedana, tâm sở lạc thọ, nghiã là đang hưởng thọ cảm giác sướng thích về sự mát mẻ, đã khát. Đó là bản thể của tâm sở toại ý (piti).

Sự toại ý (piti) còn có thể thể hiện đến mức làm thân tâm rung động khi gặp gỡ hay tâm tình với người thân yêu, khi nghe nhạc hay khi theo dõi buỗi giảng Chánh pháp (Dhamma). Thuở xưa, có một người đàn bà mang bụng chữa, phải ở lại nhà, trong khi các người trong gia đình đi dự một buổi lễ ở chùa. Bà ta cảm thấy nôn nao muốn đến đảnh lễ Phật tại ngôi chùa trên ngọn đồi. Bà liến chắp hai tay lại và tập trung tất cả ý nghĩ tưởng nhớ đến công đức của Phật. Trong tư thế đó, một nỗi niềm toại ý (piti) đã khởi lên trong tâm bà, tràn ngập mạnh mẽ đến mức làm thân thể bà nhẹ bổng và bay lên trên không, rồi nhẹ đáp xuống nóc chùa.

Tâm sở toại ý (piti) còn phát khởi khi ta thực hiện một hành vi tạo công đức lớn như cắt lấy máu mình để cúng dường chẳng hạn. Sự toại ý (piti) thường khởi lên nơi người nhìn thấy kẻ khác vui hưởng vật thực mình đang dâng hiến cho. Trong một vài trường hợp, sự toại ý (piti) phát khởi rất mãnh liệt để trở thành tâm sở thống khoái (somanassa) có tâm sở ái dục (tanha) đi kèm theo. Vào lúc đó, dáng điệu con người có tâm sở đó hớn hở hẳn lên và thân thể cũng trở nên nhanh nhẹn và lanh lợi hơn. Chẳng cần phải nói dài dòng, dĩ nhiên một người đã nỗ lực (viriya) nhiều, để đạt cho được mục tiêu của mình, khi thành công và nhìn lại thành tích của mình, sẽ phát khởi sự toại ý (piti) và thọ huởng phúc lạc tràn đầy của sự thắng lợi.

Chúng ta có thể nghĩ tưởng đến Đức Phật Toàn Trí khi Ngài đạt được sự Đại Giác Ngộ, sau khi đã quét sạch tất cả các lậu hoặc (kilesas): ngồi trên bồ đoàn dưới cội cây Bồ đề, Ngài chìm đắm trong tâm sở toại ý (piti), lặng lẽ ngắm nhìn chẳng hề nháy mắt chiếc thảm cỏ từng chứng kiến sự chiến thắng của Ngài. Những người chuyên tâm tu tập pháp quán tứ niệm xứ (Satipattthana) cũng thể nghiệm được sự toại ý (piti) và nhờ đó mà cảm thấy được khích lệ trong việc thực hành quán tưởng trong một thời gian dài lâu. Đó là niềm toại ý cao thượng của bực hiền giả và của những người nhiệt huyết đầy sẵn quyết tâm nỗ lực (viriya).

(13) Tâm sở Ý chí (Chanda).

154.- Từ sự mong muốn (asa) đến tâm sở ý chí (chanda).

Sự mong muốn chơn thành là tâm sở ý chí (chanda). Nó khác hơn sự tham lam (lobha), vì nơi đây chẳng có sự khát vọng, thèm muốn, đòi cho phải có .

Ý chí (Chanda) chỉ là một ý muốn làm một việc gì hay thủ đắc một vật gì, thường khởi lên trong tâm mọi chúng sanh. Khi một đứa bé chưa biết đi muốn đến gần bên mẹ, nó liền đưa thẳng hai tay ra. Ý muốn đi du lịch, muốn thấy, nghe, ăn, sờ, hiểu biết v,.v. tất cả các tâm sở đó đều thuộc vào tâm sở ý chí (chanda) cả.

Khi một người mong muốn chứng đạt được Niết-bàn (Nibbana), trở thành một đại đệ tử, một tỳ-kheo (bhikkhu), một ẩn sĩ, một bực thiên (deva), một Phạm thiên (Brahma), một đức Phật, hoặc muốn bố thí, muốn giữ gìn giới luật, thực hành các thiện pháp, v.v. tất cả các ý muốn đó đều nằm trong lãnh vực của tâm sở ý chí (chanda). Dĩ nhiên có nhiều cường độ về ý chí (chanda). Vì ý chí của Bồ-tát thật mãnh liệt cho nên Ngài đã nỗ lực vận dụng mọi cố gắng để thực hành viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện), nên cuối cùng Ngài mới đạt được sự Đại Giác mà trở nên Đức Như-lai (Tathagata).

Những kẻ nào chẳng có sự mong muốn chơn thành để vươn lên các quả vị cao thì chẳng hề biết chịu nỗ lực (viriya) đúng mức. Muốn thúc khởi một ý muốn chơn thành và mạnh mẽ, trước ta phải nghĩ đến các thành quả tốt đẹp mà sự cố gắng sẽ mang đến cho ta. Nhờ vào sự kích thích của thành quả sắp đạt được, làm động cơ thúc đẩy bên trong, ta mới cố gắng nỗ lực thêm lên. Vậy bước đầu tiên của ý chí (chanda), chính là sự mong muốn (asa.) Nhưng rồi ta cũng nhận thấy rõ sự mong muốn suông bằng cách ao ước hay nguyện cầu nào có đưa ta đến đâu được, bấy giờ ta mới thật sự nỗ lực, ráo riết hành động, để gặt hái kết quả.

Thí dụ như bạn muốn đi du lịch từ Mandalay đến Yangon. Chỉ riêng có ý muốn suông như vậy chẳng đưa bạn đến đâu cả. Bạn phải đủ sức để trả các chi phí của cuộc hành trình. Vậy trước hết, bạn phải có một số tiền. Làm việc để có dư tiền là một nỗ lực (viriya). Nếu bạn muốn chứng đạt Niết-bàn (Nibbana), hay chứngđắc quả vị A-la-hán (Arahant) hoặc chứng ngộ ngôi Đại Giác, bạn phải cần mẫn thực hành cho viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis) với cả bầu nhiệt huyết tràn đầy ý chí dõng mãnh, đến một mức độ cần thiết.

Những người đã lên tột đỉnh của bức thang xã hội ngày nay, chẳng kể là tại gia hay xuất gia, đâu phải là những vị từ trên trời xuống đây với sẵn đầy đủ khả năng và quyền lực. Họ cũng là những người thường thôi, nhưng ý chí (chanda) của họ đã được nỗ lực (viriya) kiên trì hoàn thành viên mãn. Bởi thế cho nên, nếu con người chẳng có ý muốn tự cải thiện mà cứ giữ thái độ lười biếng, lãnh đạm và “vô tích sự”’ thì nào có khác chi loài cầm thú. Ý chí (chanda) dõng mãnh là chiếc chìa khoá mở rộng cánh cửa thịnh vượng, phátđạt cho cuộc đời nầy và cũng là ngọn đuốc chỉ nẻo cho ta trên con đường đi tới Niết-bàn (Nibbana). Vì vậy, ta cần bồi dưỡng hằng ngày cả ý mong muốn (asa) lẫn ý chí (chanda) mới có thể đạt đến các thành quả cao quí nhứt.

“Chandavato kim nama kammam na sijjhati”
“Với người có ý chí dõng mãnh, tất cả mọi sự đều có thể thực hiện”

“Asa phalavati sukha”
“Ý muốn chơn thành mà được ý chí dõng mãnh tiếp theo sau, thì thành quả đẹp sẽ mang lại hạnh phúc.”

Tạm kết về Chương 4

Đến đây chấm dứt sự khảo sát mười ba tâm sở (cetasikas) đã đóng vai trò như hạt muối dùng trong các mónăn đậm đà cũng như trong các món ăn lạt lẽo: các tâm sở đó đã khởi phát lên trong các tâm thức thiện (kusala cittas) và cả trong các tâm thức bất thiện (akusala cittas) nữa.

Nguyện cầu chư độc giả đào luyện nơi mình các tâm sở nỗ lực (viriya), ý chí (chanhda) và ý hành (cetana) đến mức độ cao nhứt trên con đường thiện đạo (kusala).

Nguyện cầu tôi dành hết thời giờ để thực hiện được mọi thiện pháp (kusala) với chơn ý chí (samma chanda) và nỗ lực (viriya) trong các kiếp sắp tới.

Nguyện cầu các thân hữu của tôi, trong mọi thời, có được đầy đủ thiện ý (cetana), chơn ý chí (samma chanda) và nỗ lực (viriya).

Các tâm sở (cetasikas) có thể phụ hợp với tâm thức (citta) thiện cũng như với tâm thức bất thiện, tùy theo trường hợp. Tâm sở ảnh hưởng đến tâm thức. Thế cho nên, mọi người đều chẳng nên sống trong sự lười nhác và sự lãng quên mà phải luôn luôn được ý chí kiên cường thúc đẩy cho đến ngày chứng đắc Niết-bàn (Nibbana). Ta có thể phát triển một tâm sở thiện (kusala cetasika) bằng cách nuôi dưỡng ý chí thiện (kusala chanda) trong tâm thức .

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời