Nội Dung Chính
Buổi 12: Giáo Lý Căn Bản – Tổng Quát Tâm, Tâm Sở và Lý Do Vì Sao Cần Học Giáo Lý, Cần Thực Hành Tứ Niệm Xứ – Sư Giác Nguyên Giảng
Lớp Phật Pháp Căn Bản – Thứ Năm, ngày 06/02/2024
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).
✴️ GIÁO LÝ VÀ TU TẬP
Thưa đại chúng, chúng ta học bữa nay nữa thì thôi, lớp học cuối cùng của năm 23 rồi sau đó có lẽ nghĩ ít hôm rồi mới quay trở lại theo đề nghị của btc.
Hôm qua chúng tôi giảng về Kinh Đại Niệm Xứ có một câu nói mà chúng tôi chưa có kịp nói và câu nói đó chúng tôi muốn nhắc lại trong buổi học trưa nay, đó là pháp môn Tuệ Quán theo tài liệu chính thống thì chúng ta có hai bài Kinh căn bản để dựa vào đó hành trì, nhiều lắm, vô số, nhưng một cách tổng quát thì mình kể hai bài đó là hai bài KINH ĐẠI NIỆM XỨ ở trong Trung Bộ và Trường Bộ.
Về mặt lý thuyết theo kinh nghiệm bản thân chúng tôi đọc Chú Giải rồi đọc Chánh Kinh thì chúng tôi có rút ra kinh nghiệm đó là chỉ Chánh Tạng, Chánh Kinh là đủ rồi, trừ trường hợp đặc biệt có một vài chỗ chúng ta cần tham khảo thêm cho sâu, cho rộng, chứ còn căn bản một cách truyền thống, một cách chính thống, thì lý thuyết để tu tập, lý thuyết mình có thể xài chữ nó hơi nặng KỸ THUẬT TU TẬP TUỆ QUÁN thì chỉ Chánh Kinh là đủ rồi, bởi vì cứ theo kinh nghiệm cá nhân của các Thiền Sư thoáng nghe qua thì thấy nó hay đó nhưng mà nó có điều đáng ngại, đáng để mình lưu tâm, đó là Kinh Điển thì trước sau chỉ có chừng đó thôi, nhưng mà Thiền Sư thì càng lúc càng nhiều, và thế giới, rồi nhân loại càng lúc càng có những thay đổi lớn về văn hóa, về chính trị, về xã hội và cả ngôn ngữ, và những cái đó nó làm nên nền tảng tâm thức của nhân loại trong đó có các Thiền Sư.
VÍ dụ như mình thấy Giới Bổn, Giới Bổn của Làng Mai là mình thấy phảng phất dấu ấn của thời đại rất lớn, rất sâu đậm, đó là về Giới Bổn của Làng Mai.
Bây giờ qua pháp môn NIỆM XỨ mình thấy ở trong hướng dẫn của ……. và vô số những Thiền Sư người Âu Mỹ, thì mình thấy rằng bóng dáng của thời đại không còn là phảng phất nữa mà là in hằn trên đó, và nếu đà này tiếp tục thì sẽ có một ngày người ta không còn biết gì đến cái gọi là pháp môn TUỆ QUÁN nguyên thủy nữa mà chỉ còn là pháp môn Tuệ Quán của đời sau, nó kẹt vậy đó. Nha.
Cho nên chốt lại thì chúng ta phải nói với nhau một câu rất là khó nghe, tức là tất cả các Sư Phụ ở đời sau đều chỉ là những địa chỉ tham khảo, với lý do là từ kiến giải, nhận thức, sở chứng của mỗi cá nhân đều phảng phất ở đó những cái rất riêng. Đấy, những cái rất riêng, và cứ đu theo những cái rất riêng đó sẽ có một ngày chúng ta theo Tổ mà quên Phật. Cho nên chúng tôi một cách nghiêm túc và thiết tha xác nhận ở đây đó là đi đâu thì đi nhưng cũng phải trở về ôm chân Đức Phật là chắc ăn nhất, 26 thế kỷ qua nếu con đường hành trì của các thế hệ cứ đu theo các Sư Phụ mà lơ là cái gọi là Kinh Điển truyền thống thì hôm nay diện mạo Phật Giáo bây giờ chúng ta nhìn thấy chắc chắn đã khác rất nhiều. Đây là lý do vì đâu mà Phật Giáo Tích Lan là một trọng điểm, cứ điểm quan trọng của Phật Giáo ấy vậy mà nói tới pháp môn Tứ Niệm Xứ là chúng ta phải quay về Miến Điện vì ở đó tất cả các Thiền Sư được thỉnh mời hướng dẫn đều phải trải qua trường lớp căn bản giống nhau để chi ? để các Ngài có đi bao xa thì cũng không có rời khỏi cội cây truyền thống.
Trong khi điều này mình không thấy ở Thái, ở Tích Lan, nói gì là Lào, Campuchia và Việt Nam, nói gì là Mông Cổ và Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bổn, Nam Hàn, chỉ có Miến Điện ngoài chuyện đào tạo những Bậc Danh Tăng uyên bác thì người ta còn nhấn mạnh một chuyện nữa là đi đâu đi nhưng phải trở về với truyền thống, ai tự thấy truyền thống cổ hũ, cổ lỗ sĩ thì có thể chê, nhưng mà chê mình, lén lén chê nhỏ nhỏ thôi chứ một cách chính thức, một cách công khai, thì tất cả người Miến Điện đều phải lấy Kinh Điển làm gốc.
Tôi biết rất nhiều người ở đây nghĩ là chúng tôi đang lạc đề, chúng tôi đang giảng cho lớp thứ ba, năm mà tại sao chúng tôi đem chuyện ngày hôm qua, thì tôi muốn nói cái gì ? đó là chúng tôi đang nói bài mình vừa học mấy tuần rồi, thì ở đây ai mò mẫm, chuyên sâu, cọ sát với Kinh Tạng thì các vị bắt buộc phải đồng ý với chúng tôi rằng những phân tích, những chia chẻ mà chúng ta học mấy ngày nay về cái gọi là DANH và SẮC, TÂM THỨC và TÂM SỞ về 13, 14, 25, không có trong Kinh Tạng, không có.
Trong Kinh Tạng khi nói tới phiền não không nói một cách chi ly 14, 13. Nhớ nha.
Không có nói, mà chỉ nói Tham, Sân, Si rồi đôi khi có nhét nhét một chút như Ái, Mạn, Kiến, Nghi, lâu lâu có nhắc tới bủn sỉn, có nói, lâu lâu có nói, chứ còn nói một cách chính thức, rõ ràng, như mình đã học thì không. Nói như vậy không có nghĩa là phân tích của A Tỳ Đàm là sai, không phải, vì A Tỳ Đàm cũng là của Phật, nhưng A Tỳ Đàm mình học về các Pháp ở một góc cạnh khác, giống như ở trường mình học Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, cũng một hiện tượng đó nói về hóa học mình nói khác, về vật lý về khảo cổ, về lịch sử, mình nói khác.
Cũng thành nhà Hồ, chùa Dâu, chùa Đậu, nhưng mà tùy góc cạnh nghiên cứu mà chúng ta nói đến khía cạnh nào, ở đây cũng vậy. Toàn bộ hướng dẫn trong Kinh Tạng là trực chỉ về khía cạnh hành trì đơn giản, còn chuyện chia chẻ phân tích là để đáp ứng nhu cầu cho những chúng sinh mà họ cần sự phân tích rộng rãi.
Đối với người có đủ duyên lành Ba La Mật thì đơn giản lắm, chỉ nghe có một câu là xong, nhưng mà có những chúng sinh họ phải nghe phân tích, chia chẻ chi tiết, mà cứ nhiều lần chi li đó thành ra Tạng A Tỳ Đàm chứ không có gì hết.
Trong khi ở bên Tạng Kinh thì các vị dò lại, bây giờ mình kêu là Tạng chứ thật ra nội dung Kinh Tạng là tất cả pháp thoại trải dài suốt mấy mươi năm hoằng đạo của Đức Thế Tôn, trải dài suốt mấy mươi năm chứ không phải hệ thống liên tục dạy năm thứ nhất bao nhiêu ? năm thứ hai bao nhiêu ? không có.
Có những bài Ngài giảng vào năm đầu tiên sau khi thành đạo, sau đó mấy năm sau Ngài nhắc lại nguyên văn y hệt như vậy. Như chúng ta cũng biết Đức Thế Tôn có một điểm mà chúng ta khó hình dung được, đó là Ngài không ngôn từ sinh hoạt giống như chúng ta, là sao ? Ví dụ HT. Nhất Hạnh, HT. Thanh Từ gặp chúng ta thì có thể Thầy trò ngồi nói chuyện trăng sao, hoa lá, tình hình xã hội, chính trị, tin tức thế giới, nhưng Đức Thế Tôn thì không. Đức Thế Tôn không bao giờ nói chuyện gì ngoài đạo giải thoát. Thế là mỗi lần Ngài A Nan nghe Đức Thế Tôn nói đến chuyện gì là Ngài lập tức ghi nhận những lời nói đó như là một pháp thoại, đặc biệt như vậy. Đây là lý do vì đâu mình thấy trong Kinh Tạng có quá nhiều bài Kinh trùng là như vậy, trùng nguyên văn luôn, khác nhau có chữ thôi, là vì sao vậy ? là bởi vì Đức Phật không có ngôn ngữ sinh hoạt giống như mình, từng câu từng chữ Ngài nói ra là tuyệt đối, mình phải xài chữ tuyệt đối, là có lý do, có mục đích, có ý nghĩa, chứ không phải như mình. Cho nên Ngài A Nan cứ nghe là nhắc, chẳng hạn như bài Kinh Thu Thúc Lục Căn, cách đây ba tháng Đức Phật giảng bài Kinh đó cho ông A, ông B, ông C, thì ba tháng tới sáng nay Ngài nhắc lại ông C, ông F, ông N, mà khi Ngài nói Thu Thúc Lục Căn cũng nói nguyên văn như vậy, khi kiết tập Tam Tạng Ngài vẫn trùng thuật y như vậy.
Ví như bài Kinh kia, như vậy tôi nghe một thời Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá, lúc bấy giờ vào buổi sáng sớm ông Cấp Cô Độc đã vào đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đã nói như sau với Cấp Cô Độc .. bla.. bla.. bla.. thì bốn tháng sau vào một buổi chiều tại chùa Trúc Lâm, bài kia tại chùa Kỳ Viên giảng cho Cấp Cô Độc, còn này là giảng tại chùa Trúc Lâm cho một ông thương gia nào đó, khi thấy ông này có duyên với pháp thoại về Lục Căn thì Ngài cũng giảng y hệt như vậy. Ngài A Nan khi kết tập cũng nhắc nguyên văn như vậy, cái ruột y vậy chỉ khác ở phía trên thôi, tôi nghe một thời Thế Tôn ngự tại chùa Trúc Lâm, lúc bấy giờ vào buổi trưa sau giờ ăn có một ông tướng quân, có một ông thương gia gì đó đã đến gặp Thế Tôn, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đã nói như sau, đó là y chang như vậy. Đây là lý do vì đâu mà có những bài Kinh nội dung y hệt nhau mà mình thấy các vị kiết tập họ giữ nguyên là như vậy đó. Là vì họ tôn trọng Đức Thế Tôn tuyệt đối, tức là trong suốt thời gian đó Đức Thế Tôn nói cái gì thì từng câu, từng chữ đó được trùng thuật lại nguyên vẹn không thiếu sót một dấu phẩy.
Hôm nay chúng ta học về 14, 13, 25, học về cấu tạo của cái gọi là đời sống DANH PHÁP của chúng sinh gồm có hai trường hợp là cách cấu tạo Tâm Thiện và Tâm Bất Thiện, từ từ chúng ta sẽ học xa hơn, sâu hơn, chẳng hạn như ngày hôm qua chúng tôi nhận được tin quyển A Tỳ Đàm của chúng tôi dịch đã tái bản mấy lần và đã được người ta thỉnh hết rồi, bắt buộc tái bản thì ngày hôm qua sách về tới, mong bà con giúp giùm tôi một chuyện, đó là chúng ta không thấy mặt nhau, chúng ta giảng, người dạy, người nghe từ xa và đương nhiên lớp từ xa như thế này chúng ta không thể nào có phấn trắng bảng đen, và chúng tôi cũng không làm chuyện mà tôi gọi là dư thừa mất thời gian, có nghĩa là nói đến những cái điều mà bà con tuyệt đối không thể nào nhớ nổi.
Ví dụ như một Tâm Sở đi được với bao nhiêu Tâm Thức ? một Tâm Thức được đi cùng với bao nhiêu Tâm Sở ? mỗi Cảnh Giới như vậy có được bao nhiêu Tâm ? một Tâm như vậy có thể đi được ở bao nhiêu Cõi ? mỗi hạng chúng sinh như vậy có được bao nhiêu Tâm ? mỗi Tâm có mặt ở bao nhiêu hạng chúng sinh ? thì mấy cái này bây giờ chúng tôi có nói một trăm lần bà con cũng không nhớ.
Tốt nhất tôi chỉ nói những cái mà bà con không có tự thấy ở trong sách hoặc là trong sách chỉ sơ sài thôi, chúng tôi giúp các vị làm sườn bài, còn mấy chi tiết bà con về đọc lấy, chẳng hạn bây giờ trong bài học cuối năm này tôi xin bà con giúp tôi mấy việc sau đây:
– Bà con vẽ giùm chúng tôi biểu đồ, đừng có nghe chữ giùm rồi tưởng là các vị làm ơn, không phải đâu, làm cho các vị. Nha. Vẽ giùm mấy biểu đồ, vẽ cho nó dễ nhớ, dò lại giùm là một Tâm Thức.
Ví dụ như Tâm Tham, thứ nhất nó có được bao nhiêu Tâm Sở đi cùng.
– 12 Tâm Bất Thiện.
– 18 Tâm Vô Nhân.
– 8 Đại Thiện
– 8 Đại Quả.
– 8 Đại Tố.
– 15 Tâm Sắc Giới
– 12 Tâm Vô Sắc
– 40 Tâm Siêu Thế
Mỗi Tâm như vậy nó có bao nhiêu Tâm Sở ? mỗi Tâm Sở như vậy định nghĩa nó là gì mình đã học rồi.
Tiếp theo cũng trong đó luôn bà con dò giùm tôi Cõi. Ở Dục Giới này mình có bao nhiêu Cõi ? 11 Cõi Dục Giới, nói 11 là kể tổng quát chứ thật ra không có tới. Nghĩa là 11 ở đây mình thấy có Cõi người là 1, đúng là Cõi người có 4,
– 4 đại châu, 4 hành tinh, nhưng mình kể là 1 thôi.
– Cõi người là 1
– 6 Cõi dục giới là 7.
Sở dĩ mình nghe nói 11 là vì 4 đọa xứ kể là 4 cõi không đúng, 4 đọa xứ đó chỉ có 1 địa ngục là có cõi riêng, còn A-tu-la, Ngạ quỷ, Bàng sanh không có cõi riêng mà nó ở ké, cộng sinh ở các cõi thấp như Cõi người và Cõi Tứ Thiên Vương và ở Địa ngục.
Cõi người, Tứ Thiên Vương, Địa ngục thì trong đó nó có rải rác A Tu La, Ngạ quỷ với Bàng sinh, còn riêng Địa Ngục thì có cõi riêng, như vậy thì nếu nói Cõi thì chỉ có Cõi địa ngục, Cõi người và 6 Cõi Dục Thiên, tổng cộng là 8 Cõi.
– 16 Cõi Sắc Giới.
– 4 Cõi Vô Sắc.
4 Cõi Vô Sắc nói để hình dung chứ làm gì có Cõi, nó không có Sắc Pháp, không có đất nước lửa gió thì Cõi là Cõi cái gì ? Cõi là không gian cư trú, không gian sinh hoạt, mà bây giờ không có vật chất ở đó thì làm gì có cái gọi là Cõi. Không lẽ mình hình dung nghe Cõi mình tưởng tượng đó là một khoảng không mênh mông thì gượng quá. Nha.
Như vậy thì trừ 4 Cõi Vô Sắc, như vậy thì 16 Cõi Sắc Giới là hết rồi, 16 Sắc Giới cộng với 8 Cõi kia, 16 với 8 mình còn có 24 Cõi.
24 Cõi chứ không phải 31.
Đó là chuyện thứ nhất, chuyện thứ hai cái gọi là chúng sanh trong A Tỳ Đàm chia ra khác ở bên Tạng Kinh. Bên Tạng Kinh chia là Ngũ Thú Lục Đạo, Ngũ Thú đây có nghĩa là 4 Ác Đạo cộng với Thiện Thú là Trời Người kể chung gọi là Ngũ Thú.
– 4 Ác Đạo cộng với Trời Người là Thiện Thú.
– 4 Ác Thú và 1 Thiện Thú gọi là Ngũ Thú.
– Còn Lục Đạo ở đây có nghĩa là Trời Người và 4 Đọa xứ.
Đó là bên Tạng Kinh kể như vậy, nhưng bên Tạng A Tỳ Đàm thì gọi là chúng sanh, không có kể như vậy mà kể thành 12, có nghĩa là những chúng sanh đầu thai bằng Tâm Vô Nhân, những chúng sanh đầu thai bằng Tâm Nhị Nhân, những chúng sanh đầu thai bằng Tâm Tam Nhân là 3.
Những chúng sanh đầu thai bằng Tâm Vô Nhân mà Quả Thiện là 4, đầu thay bằng:
– Tâm Vô Nhân quả xấu là 1
– Tâm Vô Nhân quả lành là 2
– Đầu thai bằng Tâm Nhị Nhân là 3
– Đầu thai bằng Tâm Tam Nhân là 4
– 4 cộng với 4 tầng Thánh nó là 4 Đạo, 4 Quả, như vậy là 12.
Như vậy thì Cõi có 24 mà chúng sinh thì có 12, mình coi lại trong một cõi như vậy, trong tài liệu A Tỳ Đàm chúng tôi phổ biến cho các vị có đủ trong đó hết, một cõi được bao nhiêu người ? người đây nghĩa là loại chúng sanh, mỗi cõi vậy được bao nhiêu loại chúng sanh và mỗi loại chúng sanh như vậy có mặt được ở bao nhiêu cõi ? hai cái này nó khác nhau chứ đừng tưởng là giống nhau, rồi mỗi một Tâm Thức ví dụ như là mình nhìn cột dọc của bên tay trái bản đồ thì mỗi Tâm Thức như vậy có bao nhiêu Tâm Sở đi cùng và mỗi Tâm Sở như vậy nó có thể đi với bao nhiêu Tâm Thức ? Tôi xin nhắc lại tổng thời gian mà các vị học mấy cái ly chi này nó không bao nhiêu hết, đừng có bị người ta quyến rủ người ta nói học mất thời gian, no no no phải học, bởi vì ba lý do phải học mấy cái chi ly này để mình hiểu ra nhiều vấn đề mà những người không có biết chi ly họ không biết được, không đủ để hình dung, phải học, thấy nó vậy giống như mình thấy đời sống mình chỉ có cộng trừ, nhân chia, mình học đại số làm gì ? học ba cái số âm, số dương, học ba cái phương trình làm gì ? Nhưng mà khi có va chạm đời sống mình mới thấy không có mấy đó là thua.
1/ Học để hiểu ra nhiều vấn đề hơn là không học.
2/ Học để có thể đi vào cái gọi là thực tập hành trì Tuệ Quán tốt hơn.
Không có cái gì mà nó bậy bạ cho bằng theo dõi thân tâm sinh hoạt mà không biết cái gì nó đang có mặt lúc này, buồn ngủ mình biết nó là cái gì, sợ hãi, tham luyến, thích thú, bất mãn, bủn sỉn, keo kiệt, tật đố, ganh tị, tị hiềm, gato mình biết nó là cái gì?
Từ bi, Hỷ xả, Chánh niệm, Thiền định, mình biết nó là cái gì ? biết nó nằm ở trong nhóm 13, 14, 25 mình biết vẫn có lợi, ở đây người có học thì sẽ thắm thía tại sao mình phải học ? còn người không học thì khó mà hình dung tại sao tôi phải học.
Nhớ cái này nha.
Đa phần làm biếng cũng có, bận rộn cũng có, cả hai cái cộng lại cũng có, nghe ai mà nói khỏi học là mình khoái lắm, tôi nói thiệt ví dụ như tôi làm biếng tập thể dục, tôi vô internet thấy mấy người góp ý chuyện làm sao cho bụng nó nhỏ, làm sao cho bớt mở máu, mở gan, làm sao cho bớt cholesterol, làm sao cho hạ đường, mà tôi thấy họ bày rối quá tôi ghét, tôi thích cái gì đơn giản. Ví dụ như bây giờ họ nói mỗi sáng dậy uống ly nước ấm, khoảng chừng ly nước ấm, mà nhiêu đó không đủ, khoảng lít nước ấm trong đó cho tí chanh vô là nó giúp rất là nhiều, tôi thấy tôi khoái cái đó chứ còn bắt tôi tập này tập kia tôi không có thích, tại tôi làm biếng mà.
Rồi còn ăn kiêng rồi bày phải ăn cái này, ăn kia tôi làm biếng, tôi chỉ nhớ chừng chừng cái gì mà béo, ngọt, hạn chế béo, hạn chế ngọt, hạn chế mặn, tôi chỉ nhớ nhiêu đó thôi, dễ nhớ chứ còn nhớ trái gì có chất gì ? trái gì ăn nhiều thì tốt mà tốt cho cái gì ? món gì là hại mà hại cho cái gì ? nhức đầu lắm, mà chính khuynh hướng làm biếng này nè nó mới dẫn đến chuyện tới bây giờ tôi vẫn là một kẻ ngoại đạo trong làng thực dưỡng.
Cho nên tôi chốt lại điều mà tôi muốn nói tổng quát lại trong bài học cuối năm là gì ? Phải học. Rồi sẽ có một ngày các vị quên hết, nhưng mà thà quên, học rồi mà quên, nhưng mà quên đây không phải là không nhớ. Sai. sai. Quên đây không phải là không nhớ mà quên ở đây có nghĩa là chưa đụng chuyện thì không nghĩ tới.
Ví dụ như xưa giờ tôi là người Nam Bộ tôi đâu có biết miền Bắc, kỳ rồi tôi về tôi ghé Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, ghé gặp bà con rồi tôi có tới những Đạo Tràng của bà con, và khi tôi rời khỏi miền Bắc tôi không có cần, tôi đâu có cần, tôi đâu có cần phải đêm ngày tơ tưởng, tương tư, tưởng tiếc, miền Bắc nhưng bất cứ khi nào mà tôi cần nghĩ về miền Bắc thì tôi bèn có đầy đủ info, đầy đủ thông tin về miền Bắc.
Thí dụ như chỗ nào mát, chỗ nào nóng, chỗ nào mình có thể lưu trú để nhập hạ, chỗ nào mình có thể ở trong vòng vài tuần, chỗ nào mình có thể ghé ở vài hôm, chỗ nào là chỗ mình có thể thăm viếng chùa chiền, chỗ nào là có người hộ trì mình về thuốc men về thực phẩm, có nhiều chỗ nó đẹp mà không có người hộ trì, có chỗ có người hộ trì nhưng mà chỗ nó ở nản.
Ví dụ như vậy, tôi biết hết, phải biết xong rồi khi tôi rời Bắc thì xong tôi không có để cho nó nặng lòng của tôi, nhưng mà khi nào cần thì tôi lập tức có ngay nguyên một tập thông tin cần thiết và đầy đủ, thì Phật Pháp y chang như vậy đó, cứ học đi, học rồi quên, khi mình tra cứu, nghiên cứu, tham khảo Kinh Điển thì mình mới thấy Ồ! thì nhờ mình biết cái kia mình vô đọc cái này thấy nó thông, rồi tới lúc thực tập Tuệ Quán tự nhiên mình ngồi xếp bằng nhờ mình học mình thấy thoải mái lắm, mình ngồi xuống biết ngay, ngồi xuống mình thấy buồn ngủ biết cái đó là cái gì ? Rồi khi mình ngồi Thiền mình có suy nghĩ, mình có liên tưởng, hình dung về ai đó là mình biết Ồ! cái này là tham, cái này là ái, cái này là ganh tỵ, cái này là bủn sỉn, biết rồi bỏ qua tiếp tục quay lại với hơi thở, tiếp tục quay lại Quán thân, Quán thọ, Quán tâm, Quán pháp. Nhưng mà phải biết.
Ngán nhất có thể là mù tịch không biết gì, cứ nghe người ta tuyên truyền là giữ tâm rỗng rang, giữ tâm không phan duyên chạy theo 6 Trần.
Tâm nó là Cư Trần Lạc Đạo.
– Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
– Có nghĩa là cứ đói ăn, khát uống, mệt nằm ngủ, giữ tâm khơi khơi vậy đó trước 6 Trần, Tâm không động như vậy đã là Thiền rồi đâu có cần học ở đâu nữa, trong nhà đã có châu báu rồi, nghe thì nó đã lắm nhưng mà tôi xin nói thiệt cái đó chỉ để nói dóc thôi, bởi vì lời đó là lời của Thánh Hiền người ta sát chứng, người ta minh định trình độ giác ngộ của người ta là lời của người ta, nhưng mà qua tới cái miệng của phàm phu mình chỉ để nói dóc thôi, bởi vì những câu nói ví dụ như tiền bạc là phù vân, mấy câu đó là để cho mấy người tỷ phú họ nói còn mình đang đạp xích lô, mình bán vé số, đi kiếm từng cắc mà bày đặt mở miệng ra nói tiền bạc như phù vân, vậy có gan đừng có đi bán nữa, về nằm gác chân chữ ngũ, ngậm cây tăm, cầm tờ báo coi coi có lấy gì ăn, cho nên mình nghe người ta chửi bới bằng cấp học vị, người ta chửi bới tiền bạc sự nghiệp, mình coi người chửi đó là ai, coi chừng mình con cáo mà chê trái nho còn xanh, cẩn thận nha, đặc biệt phải cẩn thận cái đó đừng có thấy người ta nói mấy câu hay hay rồi bắt chước hùa theo, mà mình coi người ta là ai, người ta là Hiền Thánh hay người ta là người nói dóc, nếu người ta Hiền Thánh mình đua theo không kịp rồi, còn nếu người ta nói dóc thì mình đâu có cần gì bận tâm nói dóc chi. Nha, rất là quan trọng cái đó.
Tôi chốt lại pháp môn Tứ Niệm Xứ hay là giáo lý A Tỳ Đàm giống nhau chỗ này, tại sao mà nó rắc rối, phức tạp như vậy, thật ra đối với người Đại Trí có đủ duyên lành Ba La Mật thì họ không cần ba cái chi ly đó, họ giác ngộ rồi là tự động họ hiểu hết tất cả, như Ngài Xá Lợi Phất trước khi chứng Tu Đà Hườn Ngài có học giáo lý một phút nào không ? không hề, không hề học một phút nào hết. Nhưng mà khi Ngài chứng Tu Đà Hườn rồi là Ngài hiểu ra rất nhiều vấn đề mà một vị Pháp Sư Tam Tạng không hiểu nổi, tới lúc Ngài chứng La Hán trở thành Đệ Nhất Trí Tuệ trong hàng ngũ Thinh Văn thì lúc đó còn kinh hoàng nữa, Trí Tuệ của Ngài trong tam thiên đại thiên thế giới lúc đó chỉ đứng sau Thế Tôn, tức là chỉ sau Đức Phật.
Khi mà người ta đã tu tập gọi là vô lượng kiếp phải không ? A Tăng Kỳ là vô lượng chứ còn gì nữa, vô lượng kiếp sống, coi như bây giờ nó chín mùi người ta chỉ ngồi hái thôi, thò tay vô túi nhặt ra, còn mình sao mình phải học, nhưng mà tại sao giáo lý quá rối như vậy là vì sao ? nó rối là vì chúng sinh, cứ giảng cho người này là mình phải triển khai, mình phải phân tích chi ly một ít để cho họ hiểu, qua tới người này rồi qua tới người A, B, C, F, N … Đức Phật và Chư Hiền Thánh cũng phải triển khai mớ nữa, cuối cùng gom lại thành ra một rừng, thành ra một rừng phải không ? Đúng ra rối rắm trong giáo lý đi ra từ chúng sinh, bậc đại căn đại duyên người ta đâu có cần rối như vậy, nghe ít nghe gọn thôi, tức là người ta chỉ cần có mấy câu:
– Luân hồi là do không kiểm soát Bản Tâm khi mà 6 Căn biết 6 Trần, từ đó nảy sinh ra hiểu lầm ngộ nhận và vọng tưởng để tìm cái thích và cái ghét. Đấy.
Thay vì hiểu được bản chất của nó là gì, vì thiếu kiểm soát, vì thiếu Trí Tuệ cho nên khi 6 Căn tiếp xúc 6 Trần bèn nảy sinh ra chọn lựa phân biệt để mà thích mà ghét, rồi để vì chạy theo cái thích, chạy trốn cái ghét người ta làm bao nhiêu chuyện tội lỗi luân hồi, bây giờ để giải quyết cái chuyện đó làm sao cho hết thích hết ghét thì phải làm sao ? đối với A, B, C thì có một số pháp thoại, rồi F, N, L, M thì một số pháp thoại, mà mục đích là gì ? là giúp cho người ta đừng có vọng tưởng, đừng có ngộ nhận, đừng có hiểu lầm nữa, nhưng chính vì kiểu tu tập tức là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý của mỗi người mỗi khác cho nên khi mà Đức Phật và chư vị Thánh đệ tử dạy người ta phải nhìn vào túc duyên của người ta để mà chọn lựa một cách nói thích hợp và cứ như vậy thành ra Bộ Tạng chứ không có gì hết. Nha.
Chứ còn nếu tất cả chúng sinh được như Ngài Xá Lợi Phất hết thì bộ Tam Tạng chắc chắn là khác rồi, như mình thấy A Tỳ Đàm Đức Phật Ngài giảng trên cõi trời không giống như A Tỳ Đàm Ngài giảng cho Ngài Xá Lợi Phất, và A Tỳ Đàm mà chúng ta đang học hôm nay là A Tỳ Đàm của Ngài Xá Lợi Phất sau khi Ngài nghe Đức Phật dạy xong Ngài về thuyết lại cho 500 đệ tử của Ngài, đó chính A Tỳ Đàm hôm nay chúng ta học.
A Tỳ Đàm của Ngài xá Lợi Phất dạy cho đệ tử của Ngài cho nó vừa vặn với tầng tâm thức của 500 đệ tử, còn A Tỳ Đàm Đức Phật Ngài giảng liên tục 3 tháng trên cõi trời cho Chư Thiên, Phạm Thiên nó khác.
Trong chú giải nói tốc độ phát biểu, nói chuyện của Đức Thế Tôn nhanh hơn người bình thường ba lần, nhanh hơn ba lần, Đức Phật nói nhanh lắm, nói ba lần mà Ngài nói liên tục không nghỉ một phút liên tục ba tháng mà với tốc độ nhanh gấp ba người bình thường.
Các vị nghĩ coi Tạng A Tỳ Đàm đó nhiều biết là bao nhiêu, ví dụ như trong chú giải nói chỉ riêng về 24 Duyên, mà trong 24 Duyên có phần nói về nhân duyên, nói về thiện, nhân thiện, nhân bất thiện, nếu mà chia chẻ ra nó đã là mấy triệu vấn đề, chỉ riêng về Tam Đề Thiện Ngài chia chẻ theo Duyên Hệ nó lên tới là 6 triệu câu vấn đáp.
Nhưng mà đó là trên cõi trời, xuống đây Đức Phật Ngài giảng Ngài Xá Lợi Phất rất là gọn, tại sao chúng ta biết gọn ? là vì trong Kinh nói là mỗi buổi trưa Ngài gặp Ngài Xá Lợi Phất ở hồ Tuyết Sơn Ngài chỉ nói vừa vặn đủ thời gian mà mình có thể hình dung khoảng tầm tiếng đồng hồ để Ngài Xá Lợi Phất Ngài trở về và Đức Phật Ngài trở lui Đao Lợi, thì khoảng tầm tiếng hai tiếng, như vậy là hôm nay trong chừng ấy thời gian một đêm, một ngày vừa qua ta đã giảng như vậy, và khi Ngài nhắc là Ngài nhắc rất là gọn, bởi vì người Ngài giảng là Đức Phật và người nghe là Ngài Xá Lợi Phất. Thầy như vậy, trò như vậy cho nên không cần nói nhiều, nhưng khi Ngài Xá Lợi Phất nghe xong Ngài về giảng lại cho 500 đệ tử thì Ngài phải triển khai cho nó vừa vặn với cái tầng tâm thức của 500 vị đệ tử ấy.
Cho nên hôm nay chúng ta mới có Tạng A Tỳ Đàm. Nhớ nha.
Cho nên vấn đề như thế này, tùy thuộc vào tiền duyên, tiền nghiệp, tùy thuộc vào căn cơ, khuynh hướng tâm lý, sở tánh cơ tánh của mỗi người mà chúng ta có bao nhiêu vấn đề phải giải quyết trong cuộc tu.
Ví dụ như Pháp Ác, mình quá nặng về ghanh tị, quá nặng về bủn sỉn, thế là mình phải tìm tới những pháp môn giúp cho mình là trấn áp và đối phó với ganh tị, bủn sỉn, còn bên Pháp Thiện Niệm mình yếu quá, khả năng Định Tâm mình yếu, Tàm Úy của mình yếu quá, Niềm Tin của mình, Chánh Tín của mình nó yếu quá, tu thì tu chứ lòng không có tin, thiếu Niềm Tin, thiếu Tinh Tấn, thiếu Tàm Úy, thiếu Trí Tuệ, thiếu Chánh Niệm, thiếu Định Tâm, thì như vậy là mình tùy vào TÚC DUYÊN GIẢI THOÁT cộng KHUYNH HƯỚNG TÂM LÝ mình có bao nhiêu chuyện phải làm đối với cái ác của mình, đối với cái thiện của mình, mà bây giờ Hiền Thánh thì không còn nữa, bây giờ mình phải làm sao, bắt buộc mình phải học để mình làm 50% công việc rồi giao cho Thiền Sư, Thầy bạn giúp cho mình.
Ví dụ như hôm nay mình về Miến Điện khi mình tiếp xúc trình pháp với Thiền Sư người ta quan sát mình người ta có cho ra những góp ý, còn riêng mình 50% là mình cũng phải có kiến thức giáo lý để mình tự dò và biết cân nhắc, biết đối chiếu với lời Thầy nói, chứ không phải là mình giao hết cho Thầy phán sao nghe vậy cũng bậy, mình không tin ai hết chỉ biết cắm đầu dựa vào não trạng khả năng tư duy của mình chứ mình không tin ai cũng kẹt, bởi vì mình chưa đủ tầm đâu, mình chưa đủ tầm tự ngộ đâu, mình chưa đủ tầm gọi là Vô Sư Tự Chứng. Chưa, chưa, mình chưa tới tầm đó đâu cho nên mình phải xài tới khả năng bản thân một phần và phải nhờ đến sự kèm cặp, hướng dẫn, hỗ trợ, hà hơi, tiếp sức của Thầy bạn, trong đó gồm có các Hành giả và các Thiền sư, rồi kinh sách các tài liệu tham khảo. Nha.
Đây là lý do vì đâu chúng ta phải học, bởi vì đổ hết cho Thầy là bậy, mà dẹp Thầy qua bên chỉ tin vào cái đầu của mình không cũng bậy.
Chúng ta phải gọi là đi bằng đôi chân của mình nhưng mà tay thì phải nắm, phải vịn vào người khác, con mắt thì phải ngó về phía trước, mình ngó bằng con mắt của mình nhưng lỗ tai thì cũng phải ké người ta, phải nghe người kế bên nói cái gì. Nhớ nha.
Nhớ đi bằng đôi chân của mình không ai cõng, bồng bế ôm mình hết, cõng bồng khiêng vác mình, mình phải đi bằng đôi chân của mình, còn cặp mắt thì cũng phải tự xài chứ không xài ké, chỉ có lỗ tai là phải ké, vì lỗ tai không thể xài một mình được, con mắt thì một mình xài được nhưng lỗ tai là phải có người khác để mình nghe. Nhớ nha.
Như vậy thì mình nhớ khi mình có mắt, có tai, có đôi chân để tự đi, có mắt tự nhìn, nhưng lỗ tai thì bắt buộc phải có cái để nghe, thì việc hành trì Pháp Môn Giải Thoát cũng y hệt như vậy đó, có nghĩa là có lúc có trường hợp, có những thời điểm chúng ta phải quay về nương tựa với chính mình bằng khả năng Trí văn, Trí tư và Trí tu, có trường hợp chúng ta phải lắng nghe Thầy bạn, lắng tai để nghe và lắng tâm để nghiên cứu tham khảo, và hôm nay tôi nhắc lại lần nữa đó là những gị chúng ta học về PHÁP MÔN NIỆM XỨ, học về A TỲ ĐÀM để làm tài liệu tham khảo thôi. Nếu duyên lành Ba La Mật cho phép mình chứng đạo một cách rất là đơn giản và vô cùng ngoạn mục, ngoạn mục vô cùng đơn giản lắm, rẹt.. xong.. tự nhiên mình tâm mình hồi nãy nó vậy, giờ nó vậy, là mình thấy liền lập tức.
Đây là Khổ Đế.
Đây là Tập Đế.
Vắng mặt của Tập Đế chính là Hữu Dư, tức là Diệt Đế Hữu Dư, mà vắng mặt luôn cả Khổ Đế là Diệt Đế Vô Dư. Cứ nhớ như vậy, và ba nhận thức này cộng lại chính là Đạo Đế, là con đường thoát khổ, nó còn có một cái tên gọi khác đó là BÁT CHÁNH ĐẠO đây mà, tích tắc.. tích tắc.. vừa thấy đây là tâm, thay vì trước đây mình biết đây là Tâm Tham, nhưng bây giờ mình biết rõ rằng Tâm Tham này bản thân nó vừa là Khổ Đế mà nó vừa là Tập Đế, Khổ Đế là vì sao ? Vì nó do Duyên mà có, có rồi phải mất, đó là Khổ Đế. Còn gọi là Tập Đế bởi vì nó là điều kiện để tạo ra vô vàn những khổ khác cho nên nó là Tập, chỉ riêng Tâm Tham, còn Tâm Sân thì biết đây là Khổ Đế, đây là tâm thiện, đây là tâm thiền, đó là niệm là định, nó vừa là Khổ Đế, vừa là Đạo Đế.
Rồi như vậy mình vẫn phải học, dầu mình là ai Tăng Ni, Phật tử vẫn phải học, dù mình chưa có ý chuyên tâm tu tập Tuệ Quán một cách miên mật, tinh tấn, chuyên nghiệp, ít gì chúng ta cũng phải có, để chi ? tôi nói thẳng luôn cái này rất là dễ làm bà con giận tôi vẫn nói, tôi thấy hai người, một người thì chuyên tâm học giáo lý mà không có thấy ngồi thiền, sống phóng dật, thất niệm, nhưng chuyên tâm học giáo lý, còn một người tôi thấy tinh tấn miên mật, chánh niệm đi đứng lim dim tôi quý người này lắm, nhưng mà nói yên tâm thì tôi yên tâm với người học, vì sao ? vì cái đứa có giáo lý bất cứ lúc nào cũng có thể quay vào để qua pháp hành được hết, anh mà chuyên pháp học bất kỳ lúc nào chỉ cần ảnh muốn là ảnh quay lại pháp hành tích tắc, mà anh đi từng bước rất là căn bản, rất là ổn định, rất là có cơ sở, rất là căn cơ, còn riêng anh không học giáo lý tuy thấy ảnh thiền định, tinh tấn, ảnh nói đâu có cần học nhiều mà chỉ chuyên tâm chánh niệm trong 6 căn là đủ rồi, nghe ảnh nói nhìn ảnh tu thì thấy đã thiệt, nhưng mà tôi cứ lo ngầm ngầm hoài, tại vì trong thời gian quá trình tu học ảnh có những nghi hoặc, có những hoang mang ảnh không tự gỡ được, khổ vậy đó, rồi bao nhiêu vấn đề nó nảy sinh trong lúc hành trì ảnh không tự cứu được, tối ngày cứ ôm chân Thiền Sư chờ Thiền Sư nhổ nước bọt nhiêu nuốt nhiêu chứ biết gì đâu. Tôi phải xài chữ nặng là nuốt nước bọt Thiền Sư. Nha.. khạc nhiêu nuốt nhiêu chứ bản thân mình thua, tại sao tôi xài nước bọt ? là bởi vì kiến thức chỉ là nước bọt của Thánh Hiền, cái họ hiểu nó khác, còn cái họ nói ra nó khác, nó chỉ là gợi ý thôi, đừng có đọc bài Kinh Ngài giảng về Bốn Đế mình nói vậy là mình với Ngài giống nhau. No. Không phải Ngài giảng Bốn Đế. Đúng.
Ngài giảng cho mình nghe cái đó. Đúng, nhưng mà đừng có tưởng là mình hiểu bài Kinh này nghĩa là mình với Đức Phật giống nhau, bởi vì Ngài hiểu Bốn Đế mình cũng Bốn Đế, bà con có tin chuyện đó chứ tôi không có tin, tôi tuyệt đối không có tin là tôi với Đức Phật giống nhau, vì sao ? vì cái hiểu của Thánh Hiền đủ để cho người ta cắt đứt phiền não, còn mình tưởng cũng hiểu giống người ta, còn khuya, bởi vì mình cũng thuộc lòng Tam Tạng, mình cũng tinh thông A Tỳ Đàm, nhưng mà cái hiểu của mình, cái tinh thông của mình nó không đủ để cắt đứt phiền não.
Tôi đã nói không biết bao nhiêu ngàn lần, triệu lần, có những cái mình nghe mà nó không đủ sức giúp cho mình giải quyết vấn đề, tôi hay dùng cái ví dụ này lắm nè, mình nghe nói bà xã mình, ông xã mình ngoại tình là mình nổi dịch lên, mình lên cơn ghen tới trời, nhưng mình về hỏi má mình thì Má mình nói đâu có đâu sáng giờ Lan ở đây với má mà, mình nghe có bớt ghen thiệt nhưng mà biết đâu má muốn cho vợ chồng êm ấm thì má bênh vậy, một là má không thấy, má nhận xét về bà xã mình là do nhận thức chủ quan của bà, chứ bà đâu có thấy, thứ hai khi bà không thấy bà cũng đâu có dám đem hy sinh cuộc hôn nhân của con mình, thôi bây giờ tạm thời cho tụi nó êm ấm ít lâu rồi tính tiếp, chứ bây giờ mình không thấy mà mình cứ Ừ ừ ừ ừ cũng tan nhà nát cửa, cho nên chuyện đầu tiên là Má nói đâu có đâu mà sợ nó ở đây, cho nên mình nghe Má nói thì mình yên tâm đó, nhưng mình chực nhớ là ủa biết đâu, sau đó thì mình phải hỏi thêm những người nào mình thấy là trung thực, khách quan nhất, nhưng mà cũng chưa, phải có một ngày tự mình coi được clip quay toàn bộ cảnh hồi sáng bà xả mình đi đâu, coi trong đó nó có ghi giờ nha, từ lúc mấy giờ, mấy giờ bả ngồi nói chuyện với ai, mình vừa nghe tiếng vừa thấy hình lúc đó mình mới tin, Ồ đúng rồi sáng giờ bà xã mình ở nhà với Má đúng, còn ông kia là ông anh họ gần, họ chú bác của bả, đúng luôn, tới lúc đó mình mới hết nghi hết ghen.
Thì Phật Pháp y chang như vậy, nghe gì thì nghe, mình hiểu gì thì hiểu, nhưng cách hiểu của mình nó không cách nào mà giúp cho mình hết hết phiền não hết, giống như nãy mình về hỏi Má vậy đó, Má mình tin lắm mình quý lắm, mình thương Má lắm, nhưng nói chứ cũng ghê lắm, có nhiều chuyện mình không thể tin Má, Má lãng tai, mắt lòa làm sao có thể biết hết mọi chuyện được, mình cũng phải có chỗ nghi, nhưng phải tự mình xem hình nghe tiếng mới xác minh, xác chứng, minh định, Ồ! đúng, đúng, đúng bà xã mình sáng giờ ở đây đúng không ? thì Phật Pháp cũng vậy, mình đừng có tưởng là những cái mình học, mình hiểu y chang Thánh Hiền. Sai, sai, tức là đó là nước bọt của Thánh Hiền thôi, người ta thấy nhưng người ta chỉ kể ra cho mình nếu mình đủ duyên thì mình sẽ có cái thấy giống như người ta, còn không nữa thì mình chỉ biết được cái vỏ ngoài thực tại thôi, phần nổi của tảng băng sơn trôi trên biển. Nhớ nha.
Sở dĩ tôi phải nói huỵch tẹt ra để chi ? để mở ra hai vấn đề một là đừng bao giờ tự kiêu, tự tôn, tự cao, tự đại, tự mãn, tự hào, với cái biết của mình, bởi vì cái biết mình luôn luôn trong tình trạng cần chỉnh sửa và đôi khi đập hết xây lại.
Thứ hai mình phải hiểu được cái biết của mình nó không đủ để thay đổi mình một cách toàn triệt, mình nói biết Phật Pháp, nói nghe cho sướng chứ thật ra cái biết đó không có đủ để mình cắt đứt bủn sỉn, ganh tị, sân si, tham đắm, ái luyến, không có đủ.
Chưa kể tắt hơi rồi thì cái biết đó đâu có đủ để đưa mình sanh Thiên, nó đâu có đủ để chặn đường đọa, trong khi cái biết của Thánh Nhân ghê lắm.
1/ Nếu mà chứng La Hán, cái biết của họ đủ để cắt thẳng đường tái sinh.
2/ Nếu họ chưa chứng La Hán thì cái biết của họ đủ để họ vĩnh viễn không có bị đọa.
3/ Ngay bây giờ họ có thể sống với cái Thánh tâm Thánh trí của họ ngay bây giờ, họ có thể sống với tâm tư của một Bậc Thánh.
Còn mình thì sao ? cái biết mình nó không có đủ, mình phải học, mình biết cái biết mình nó không giống cái biết của Thánh Nhân, mình phải học để ít nhiều gọi là dựa dẫm chút đỉnh vào bóng mát của Thánh Hiền, chứ còn đừng có ngồi đó thấy mình biết ba mớ rồi là ngon, mình nghĩ trong Kinh giảng Tứ Đế vậy thì Thánh Nhân chứng Thánh thì cũng chứng Tứ Đế vậy mình với Thánh Nhân giống nhau, mình với Đức Phật cũng giống nhau, Ngài uống cà phê Ngài có ly cà phê kể lại mình nghe chắc mình cũng biết cà phê giống như Ngài. No. Ngài uống rồi sau đó Ngài mới kể lại ly cà phê đó, Ngài dạy cho mình cách pha cà phê nhưng mà cho tới hôm nay mình có cà phê uống chưa ? mình có thể nói rào rào về gọi là arabica rồi pusta, mình nói tùm lum, cà phê máy, cà phê lượt, cà phê phin, mình nói ào ào cà phê loại nào, rang lửa mấy mình nói hoài nhưng mình có pha chưa ? mình pha rồi mình có uống chưa ? cho nên đừng tưởng các Ngài nói vậy chắc mình với Ngài giống nhau, người ta uống cà phê mà người ta là chủ đồn điền cà phê, chủ nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê, bản thân người ta một ngày người ta uống tới 15 ly cà phê, còn mình thì sao ? mình thì chưa, chưa biết hột cà phê với hột bắp khác nhau cái gì nữa, thấy chụp hình cũng tròn tròn vậy đó.
Nhớ nha, nhưng mà đừng có nghe vậy thất vọng là không học, phải học, phải học kiếp này mình chưa pha cà phê được kiếp sau pha, mà nên nhớ là Ngài mất tới bao nhiêu A Tăng Kỳ chỉ biết cà phê trên tấm bảng không hồn, mãi cho đến khi công viên quả mãn, công thành quả mãn dưới gốc Bồ Đề 26 thế kỷ trước, năm đó là gọi là năm 45 trước Phật Lịch, lần đầu tiên Ngài mới cầm ly cà phê giác ngộ lên, thì ra cái ly cà phê nó cái mùi như vậy, cái vị như vậy, cái màu nó như vậy, chứ còn trước đó là suốt bao nhiêu A Tăng Kỳ Ngài nói về cà phê là rào.. rào.. rào.. nhưng mà chưa bao giờ ngủ, có mấy lần thì cũng đi ngang rẩy cà phê, có nhiều nhiều kiếp mỗi lần có Phật ra đời là coi như đi ngang rẫy cà phê đó, có thấy người ta cũng pha rồi cũng thơm thơm, có thấy bao nhiêu Phật ra đời là mình có bấy nhiêu lần thấy, thấy người ta hái cà phê, rang cà phê, pha cà phê, uống cà phê, nhưng mà chỉ thấy thôi, có nghe thơm thơm cho chơi cho vui vậy thôi, phải đến năm 45 trước Phật Lịch lúc bấy giờ Thái Tử Tất Đạt bèn uống ly cà phê đầu tiên. Nhớ nha.
Cái đó rất là quan trọng, không học thì làm sao biết đó là cà phê, nhưng mà phải uống mới biết cà phê nó ra sao, đừng tự mãn khi mới có thấy hình chụp ly cà phê, nhưng cũng đừng có mặc cảm tự ti dẹp cà phê qua bên thì suốt đời không biết cà phê là cái gì, chúng ta học về Bốn Niệm Xứ, chúng ta học về A Tỳ Đàm, học mà phải luôn luôn nhớ thế này, chúng ta đang học giáo lý tức là chúng ta đang học những vấn đề của bản thân, để khi mà duyên lành Ba La Mật cho phép chúng ta bèn giải quyết triệt để vấn đề đó, bây giờ tạm thời chúng ta chỉ học để biết được càng nhiều càng tốt, càng rõ càng tốt, càng sâu càng tốt, càng rộng càng tốt, về những vấn đề của bản thân, vì sao vậy ? vì vấn đề lớn nhất của chúng ta chính là không biết vấn đề của mình nằm ở đâu, Chư Phật Thánh Hiền ra đời là người ta dạy cho mình biết vấn đề của con nằm ở đó, nhưng có một điều là bây giờ Thánh Hiền không còn nữa, thế là tôi phải học tất cả những cái gọi là vấn đề của chúng sinh, trong đó nó có những vấn đề của tôi, những vấn đề của quý vị, của người khác, của bao nhiêu tỷ người khác tôi phải học, để chi ? để tôi vừa học, tôi vừa hành trì, tôi vừa rà rà vấn đề thật sự của tôi nó nằm ở chỗ nào, tôi biết ở trong gối nằm có cây kim, bây giờ tôi phải mò nó nằm ở đâu rồi tôi mới moi nó ra.
Tôi phải moi nó ra, rồi tôi phải đi lượm gạo, tôi coi biết trong đó có thóc thì tôi phải ngồi lượm, tôi nhặt thóc, nhặt từ từ, từ từ, nhặt chừng nào nó hết thì tôi mới đem nấu được, bây giờ tôi chỉ làm việc nhặt thóc, bây giờ tôi làm việc mò kim trong gối nằm chứ đừng nói mò kim đáy biển thì không có rồi đó, mò kim biết trong gối để cây kim thì bắt đầu mình phải mò chứ biết trong đó có cây kim sao nằm trời.
… tôi không biết bà con ngủ được không chứ trong cái cái mền có cây kim cũng khó chịu lắm, thì mình tu là phải biết rõ hình dáng cây kim, mình biết là trong mền của mình nó có bao nhiêu cây kim và cây kim hình dáng nó ra làm sao, mình phải biết để chi ? để mình mân mê, mò mẫm, mày mò, để moi cho nó ra bằng được 6 cây, 8 cây, 12 cây.
Ví dụ như mình học về Tâm Sở Bất Thiện là mình thấy rõ ràng trong đó có 14 cây kim rồi đó, và 25 cái hột xoàn, 24 cây kim thì mình phải mò đây.. đây.. mò cho ra hết, ngày nào lấy hết mấy kim ra là chứng Thánh, còn hột xoàn là mình phải lụm, mình biết hột xoàn khác thủy tinh chỗ nào, phải có kính để coi độ trong, mài rồi cara của nó, loại nào, loại sáng hay là loại màu, có bọt hay không có bọt, để ý cái đó, biết cái đó để biết đường mà lượm 25 viên, học về A Tỳ Đàm là học về mò kim và mò hột xoàn, mà không biết kim nó ra làm sao, hột xoàn ra làm sao thì biết đường đâu làm việc.
Cho nên cuối năm mình chốt lại tại sao chúng ta học tùm lum, thì bà con yên tâm bà con liếc bảng Nêu bà con thấy rồi, Tâm Sở là mình học xong rồi, gần hết rồi, còn bên nguyên cột dọc bên trái thì coi như mình có quyền nói là mình đã học xong. Tại sao ? Là bởi vì mình cứ nhớ thế này Tâm chỉ có một mà thôi, không thiện ác phàm thánh, nhưng tùy thuộc vào việc Tâm ấy dựa vào Căn nào trong 6 Căn, biết được Trần nào trong 6 Trần và Tâm Sở nào đã cộng ghép lên nó, biết ba cái này thì chúng ta bèn có một rừng Tâm.
Như vậy thì bảng Nêu bảng biểu đồ này chúng ta trước mắt đã học được 3/4 chỉ còn góc bên phải là về SẮC PHÁP mình chưa có học, và tôi cũng thiết tha, cũng nóng ruột, cũng hồi hộp, cũng hào hứng lắm, nôn nóng giảng cho xong phần SẮC PHÁP vì nhiều lý do.
1/ Thứ nhất là phải cho xong cái đó thì mình mới đi sâu lên cao được.
2/ Thứ hai tôi cũng hồi hộp, hào hứng ở chỗ là tôi muốn cho bà con có một cái nhìn về cái gọi là vật chất ở trong Phật Pháp.
Bởi vì sẵn đây tôi nói cái này luôn nha, cái này quan trọng nè, A Tỳ Đàm nó kỳ lắm, tùy vào cái cách hiểu và cách nói của mình mà nó có phản khoa học hay không.
Ví dụ như nói về Sắc Pháp mình phải hiểu sao mà mấy tay chuyên về vật lý, về hóa học nó không bị sốc, chứ còn tôi liếc tôi thấy mấy tài liệu tiếng Việt nói về TÂM THỨC, TÂM SỞ, SẮC PHÁP, nhìn xin lỗi nó ngô nghê, ngờ nghêch, ngớ ngẩn lắm. Cái đó lỗi của mình, lỗi của người hiểu, lỗi của người trình bày và vô tình mình bôi tro trét trấu lên trên Bổn Sư của mình, Ngài đâu có tệ vậy, Ngài đâu có tệ vậy.
Ví dụ như chỉ riêng SẮC Ý VẬT là điểm nương của Tâm, chỗ nương của Tâm, …. cứ dồn lại nói điểm tựa của Tâm là trái tim thì cũng kẹt quá, phản khoa học quá, vì ngày nay mình thấy là tim lấy ra ngoài mà người vẫn còn sống, tim máy, tim nhựa chạy bằng pin mà nó còn sống được, khổ quá phải không ? mà trong khi Ngài có nói vậy đâu.
“Y Kinh Giải Nghĩa, Tam Thế Phật Oan.
Ly Kinh Nhất Tự, Tức Đồng Ma Thuyết”.
Mình cứ ôm sát từng chữ mà hiểu kiểu trẻ con là Tam Thế Phật Oan là nói oan Chư Phật, mặc dù ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết, rời Kinh một chữ là lời của ma. Đúng. Nhưng vế đầu tiên ác liệt lắm, Y Kinh giải nghĩa Tam Thế Phật oan, nghĩa là mình cứ bám mà bám sát từng chữ kiểu one by one như trẻ con là chết, không được. Không có được, cái đó dứt khoát không được, trong khi Ngài nói rất là rõ, Ngài nói là Tâm nương chỗ nào thì cái đó gọi là SẮC Ý VẬT.
Ví dụ như có những loài mình cắt ngang nó vẫn sống, mà đôi khi con người mình cắt ngang nó sống không ? Không, có những loài mình lấy đầu nó ra, ở dưới nó vẫn còn ngo ngoe mà con người mình lấy cái đầu ra là ở dưới hết ngo ngoe. Nó đủ thứ chuyện, có những loài lấy hết máu ra là nó chết, nhưng có những loài nó không có máu tính sao ? Tôi nhớ hoài ông nhà sinh vật của Pháp thế kỷ 17, ổng làm thí nghiệm sinh vật, ổng để con cào cào vô trong cái ly rồi ổng gõ gõ cào cào nó nhảy, nó búng búng, rồi ổng đem cào cào ra bẻ chân bỏ vô gõ gõ nó không nhảy nữa, nó không búng nữa, thì ổng mới ghi thế này theo kết quả thử nghiệm thì con cào cào thần kinh thị giác của nó nằm ở hai chân sau, khi mà nó còn hai chân sau mình gõ gõ nó nghe và nó búng.
Nhưng mà khi mình bẻ hai chân sau mình gõ gõ nó không còn nghe nữa nên nó không có búng, rồi ổng ghi kết quả nghiên cứu vô ở trong tài liệu nghiên cứu sinh học của ổng về sinh học, các vị nghĩ có chịu nổi không ? Rất là ẩu phải không ? rất là một chiều. Nhớ nha, không thể nào vậy Cho nên hôm nay chúng ta nhớ học về A Tỳ Đàm chúng ta phải nhớ cái này, thứ nhất học làm sao mình thấy nó tìm được cái điểm kết nối giữa Ba Tạng đó là đúng.
Thứ hai học A Tỳ Đàm học làm sao mà mình thấy ra được lý do phải buông hết quay về Tu Niệm Xứ. Đấy. Học A Tỳ Đàm vậy là học đúng.
– Học một là không thấy Ba Tạng chống trái, mâu thuẫn nhau.
– Thứ hai học như thế nào mà cứ muốn chun về núi tu Thiền thôi đó là học đúng. – Còn học sao mà mê quá đến mức mà thấy học được rồi không cần học là sai, anh đang học sai, tôi khẳng định một nghìn phần trăm anh học sai, anh học đúng không phải như vậy, A Tỳ Đàm hoặc là Kinh Tạng hoặc là Tạng Luật học đúng là chỉ muốn buông hết thôi. Buông hết về ngồi theo dõi hơi thở, cho nên học thứ nhất là học làm sao thấy được cái điểm tương đồng tuyệt đối giữa Ba Tạng, thứ hai học làm sao thấy Pháp học và Pháp hành có một điểm kết nối tuyệt đối.
– Thứ ba học A Tỳ Đàm sao mà mình thấy là Phật không có chống trái mâu thẫn với thế giới thế gian, còn mình học sao mà mình thấy mình giống như một ốc đảo cô đơn giữa biển học của nhân loại, giữa biển tri thức của nhân loại, mình học làm sao mà mình mở miệng ra mình thấy lời Phật giống như trên trời rớt xuống tách rời dân gian mà bản thân mình là một cái thứ mà ngoài hành tinh không mới kết nối với ai hết kẹt lắm, lời Phật không có rời thế gian, không rời chúng sinh, nên nhớ cái đó và các vị để ý cái này, khi Phật nói về vũ trụ quan Phật không có nói chi tiết như là chú giải đời sau, vì sao vậy ? nói chi tiết ai hiểu ? mà người có khả năng hiểu họ không cần Ngài nói nhiều, còn người không có cái gì hết thì Ngài chỉ nói những cái mà họ có thể hình dung liên tưởng, đặc điểm của lời Phật là chỗ đó. Ngài tránh nói chi tiết là vì càng vào chi tiết nó có nhiều cái điểm rất là không nên, một là nói quá chi tiết là mình đóng khung vấn đề hoặc là nói quá chi tiết người mà dốt thì chỉ làm cho họ rối, người giỏi thì họ không cần, điểm đặc biệt chỗ đó.
Đức Phật khi Ngài nói về luân hồi, quả báo, tái sinh, vũ trụ quan, nhân sinh quan, Ngài có cách nói rất là căn bản, rất là ngắn gọn, rất là đơn giản, nhớ cái đó, khi mình nói chi tiết coi chừng mình đã đóng khung vấn đề làm hẹp nó lại, như nhiều lần tôi nói mình bày kinh nghiệm nấu canh chua mình chỉ nói vắn tắt thôi, rau mùi, gia vị làm chua, nước, đường, muối, bột nêm. Hết, mình đừng có đi sâu nữa, còn mình kể ra đó rau mùi mình khẳng định gồm có ngò ôm, rau cần lông, ngò gai, me, dấm, chanh, đậu bắp, giá, khóm thơm, nấm, hải sản.. bla.. bla.. khi mà nói sâu quá mất thời gian, đứa ăn chay tự động nó bỏ hết mấy đồ mặn ra nấu đồ chay, đứa ăn mặn nó ghét chay thì tự động né tàu hủ bỏ đồ mặn vô, rồi đứa nào có chanh thì xài chanh, có giấm xài giấm, đứa nào có me nó xài me, mà me có nhiều loại me tươi hay là me vắt, me bột hay là me nước, đấy nói muốn chết cái miệng vậy đó.. me tươi là nó hái trực tiếp trên cây xuống bỏ vô rây nấu, me vắt là nó lột vỏ nắm nắm như vầy, me bột là mấy túi của thái lan, còn me nước cũng Thái Lan mà nó làm cái dạng nước lỏng lỏng trong chai.
Như vậy mình thấy nội me không là mình thấy bốn trường hợp, còn chanh cũng có mấy trường hợp, chanh tươi, còn không bây giờ Âu Mỹ nó có loại chanh mà làm Lemon juice nó làm vắt sẳn cho vô chai tròn tròn hình của trái chanh, mình mua về trực tiếp luôn, sướng khỏi nặn khỏi vắt gì hết, chưa kể nó có loại chanh khô, nghĩa là chanh vắt nước vô trong đường, làm sẵn một keo chanh với đường làm sẵn, mình nấu canh chua mình dích vô vài viên cũng có nữa.
Như vậy là chỉ riêng cái chuyện làm chua không mình thấy nó rối rồi, mà chi vậy Ngài tránh Ngài không nói, Ngài chỉ nói canh chua Ngài chỉ nói kỹ thật canh chua, Ngài nói rất đơn giản, rau mùi, Ok các con có gì xài cái đó, gia vị làm chua các con có gì xài cái đó, cái này quan trọng nè, nước, đường, muối, bột nêm, nhớ cái đó bốn cái này, bốn cái căn bản nước, đường, muối, bột nêm là bốn, cộng với gia vị làm chua là năm, rau mùi là sáu, rồi ngoài ra tùy hỉ công đức các con có cái gì xài cái đó, khẩu vị sở thích nhu cầu tới đâu, nhu cầu sở thích điều kiện, môi trường hoàn cảnh, các con có sao làm vậy nhưng mà ta chỉ có nói sáu món thôi là các con tự liệu. Vậy mới được chứ. Còn phàm phu mình khoái nói chi ly, cha tiểu đường chả né đường, cha bị thận bị cao máu chả né mặn, cha bị bao tử chả né chua, coi đã không ? không được.
Ngài là Pháp Vương Vô Thượng cha lành ba cõi Ngài phải có cái nhìn cho từng đứa con không sót đứa nào hết, thì hôm nay chúng ta học giáo lý, học một cách chi ly để thấy được cái rộng và cái bao la cái vô bờ của lời Phật.
Đấy. Ok. đủ rồi. Chúc các vị một ngày vui!
TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN
Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..
* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …
Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????