Buổi 8: Lớp Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Trung Tính và Tâm Bất Thiện – Sư Giác Nguyên Giảng 18/01/2024

Buổi 8: Lớp Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Trung Tính & Tâm Bất Thiện – Sư Giác Nguyên Giảng 18/01/2024

 

Phật tử chúng ta đôi khi thích lang thang trên cánh đồng Pháp và ngủ “lều” không có nền móng vững vàng, làm sao để bớt lang thang lạc lối và được vững vàng trong Dhamma: https://www.youtube.com/live/YA7mYw_LQZc?si=AjQcIm9ni6Hqx0Ej ????????????

Bang neu chu Abhidhamma

THAM KHẢO THÊM

TẦM

Tầm (vitakka)

Tầm (vitakka) là sự hướng tâm đến cảnh. Tâm sở tầm có tướng trạng là dán tâm vào cảnh (ārammaṇe cittābhiniropanalakkhaṇo), có nhiệm vụ là làm cho tâm và cảnh sáp vào nhau (āhananaparihānanaraso), có biểu hiện là tâm được dẫn đến cảnh (ārammaṇe cittānayanapaccupaṭṭhāno). Tâm sở tầm chỉ có mặt trong 55 tâm hữu tầm là 3 tâm sắc giới sơ thiền, 8 tâm siêu thế sơ thiền, 3 ý giới và 41 tâm dục ý thức giới.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Tầm (vitakka): Là tâm sở có chức năng giới thiệu đối tượng. Trong khi tâm sở Tác Ý chỉ đơn giản là sự nhắm tới thì tâm sở Tầm lại làm chuyện giúp tâm khắn khít với đối tượng. Ta có thể nói tâm sở Tác Ý giống như bánh lái tàu, tâm sở Tầm giống như nhóm thủy thủ chèo thuyền và tâm sở Tư thì giống như người cầm đầu nhóm chèo thuyền ấy. Tâm sở Tầm cũng là một trong các chi thiền, giúp chận đứng Hôn Thụy. Dĩ nhiên nó chỉ được gọi là chi thiền đối với người hành giả mà thôi. Và nó cũng chính là chi pháp chủ yếu để làm nên Chánh Tư Duy (sammāsankappa) trong Bát Chánh Đạo.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Tầm (vitakka) hay nghĩ ngợi (Vi + căn takk: Nghĩ)

Tầm (vitakka) là trạng thái tìm, áp sát, dán áp hay đưa tâm và tâm sở đồng sanh vào cảnh. Như vị cận thần thân tín nhất của vị vua giới thiệu hay mang một ai đó đến vị vua, tương tự như thế, tầm mang tâm và những tâm sở câu sanh đến cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vitakkanaṃ = vitakko: Cách tìm kiếm cảnh, gọi là tầm.

Như đã giải thích phía trên, tác ý (manasikāra) hướng hay dẫn dắt tâm và tâm sở câu sanh đến cảnh, trong khi tầm (vitakka) áp sát, đưa những pháp câu sanh vào cảnh.

Tầm (vitakka), tác ý (manasikāra) và tư (cetanā) có thể được cho thấy thêm nữa bằng cách so sánh chúng với những người trong một con tàu đua đến đích. Tác ý ví như bánh lái – người điều khiển con tàu. Tầm ví như người chèo thuyền trong thân tàu và Tư ví như nhóm trưởng của những người chèo, không chỉ tự chèo mà còn đốc thúc những người khác chèo với khả năng của họ và cắm lá cờ chiến thắng khi con thuyền đạt đến đích.

Tầm áp sát, đưa tâm và những tâm sở câu sanh đến những cảnh khác nhau, dẫn đến những lộ tâm khác nhau; còn được gọi là tư duy.

Tầm là 1 trong 5 chi thiền. Tầm ngăn chặn hôn trầm thùy miên (thīna-middha). Khi tầm được phát triển và trau dồi, nó trở thành chi thiền đầu tiên của thiền thứ nhất. Tầm cũng là chi thứ hai gọi là chánh tư duy (sammā-saṅkappa) trong tám Thánh đạo.

Katamo tasmiṃ samaye vitakko hoti? Yo tasmiṃ samaye takko vitakko saṅkappo appanā1 vyappanā cetaso abhiniropanā sammā saṅkappo-ayaṃ tasmiṃ samaye vitakko hoti.

Tầm trong khi có ra sao? Khi nào có sự tìm cảnh, nghĩ ngợi, suy xét, toan tính, cách đem tâm đến cảnh, cách đem tâm áp vào cảnh, cách đem tâm khắn khít và chánh tư duy. Như thế gọi là tầm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở tầm:
– Trạng thái là đưa tâm và tâm sở tâm đến cảnh (ārammaṇe cittassa abhinirodhana lakkhaṇo).
– Phận sự là làm dịp gặp cảnh (āhanappariyāhanaraso).
– Thành tựu là tâm đặng đến cảnh (ārammaṇe cittassa ānayapaccupaṭṭhāno).
– Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya).

TỨ

Tứ (vicāra)

Tứ (vicāra) là sự bám sát tâm trên đối tượng. Tâm sở tứ có tướng trạng là chăm nom cảnh (ārammaṇānumajjanalakkhaṇo), có nhiệm vụ là tạo khắn khít giữa pháp đồng sanh với cảnh (sahajātānuyojanaraso), có biểu hiện là tâm đeo bám cảnh (cittānuppabandhanapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là đối tượng (ārammaṇapadaṭṭhāno). Tâm sở tứ chỉ có mặt trong 66 tâm hữu tứ là 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 3 ý giới, 41 tâm dục ý thức giới.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Tứ (vicāra): Tâm sở Tứ là tâm sở có chức năng giúp tâm và tâm sở đồng sanh làm việc rà soát đối tượng. Khi là chi thiền, tâm sở Tứ giúp chận đứng Hoài Nghi. Tầm giống như sự vỗ cánh của con chim và Tứ thì giống như sự chao lượn của con chim. Hoặc cũng có thể nói Tầm là âm thanh ban đầu của chiếc trống và Tứ là âm hưởng dư sót của tiếng động đó.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Tứ (vicāra): (Vi + căn car: Đi lang thang, nghĩ lan man)

Tứ duy trì, chăm nom, kềm giữ, khắn khít tâm và những tâm sở câu sanh trên cảnh bằng cách để chúng xem xét cảnh nhiều lần.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vicaranaṃ = vicāro: Kềm giữ cảnh gọi là tứ.

Cũng như tầm (vitakka), tứ (vicāra) là một chi thiền ngăn chặn hoài nghi (vicikiccha).

Tầm (vitakka) là điều báo trước của tứ (vicāra). Hai pháp này nên được phân biệt rằng:
– ‘Tầm’ ví như chim vỗ cánh sắp bay, ‘tứ’ ví như chim đang lượn bay trên bầu trời;
– ‘Tầm’ ví như tiếng trống hay tiếng chuông, ‘tứ’ ví như sự vang dội.

Katamo tasmiṃ samaye vicāro hoti? Yo tasmiṃ samaye cāro vicāro anuvicāro upavicāro cittassa anusandhānatā anupekkhaṇatā-ayaṃ tasmiṃ samaye vicāro hoti.

Tứ trong khi có ra sao? Khi nào có sự gìn giữ cảnh cho tâm, chăm nom, kềm giữ, săn sóc cảnh, tâm khắn khít cảnh và cách tâm dính theo cảnh. Như thế gọi là tứ có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở tứ:

– Trạng thái là hằng chăm nom cảnh (ārammaṇānumajjanalakkhaṇo).
– Phận sự là khắn khít với cảnh (sahajātānuyojanaraso).
– Thành tựu là tâm đặng khắn khít với cảnh (citta anuppabandhapaccupaṭṭhāno).
– Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya…).

THẮNG GIẢI

Thắng giải (adhimokkha)

Thắng giải (adhimokkha) là sự xác định đối tượng, không do dự. Tâm sở thắng giải có tướng trạng là xác định (saniṭṭhānalakkhaṇo), có nhiệm vụ là không do dự (asaṃsappanaraso), có biểu hiện là quyết định (nicchayapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là cảnh cần xác định (sanniṭṭheyyadhammapadaṭṭhāno). Tâm sở thắng giải chỉ có mặt trong 110 tâm trừ ngũ song thức (10) và một tâm si hoài nghi.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Thắng Giải (adhimokkha): Là tâm sở có trạng thái dứt khoát hay xác định đối với cảnh, giống như ông chánh án trong toà án. Thắng Giải cũng có chức năng chận đứng Hoài Nghi.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Thắng giải (adhimokkha) (Adhi + căn muc: Nhả, tháo, phát hành, tung ra)

Thắng giải (adhimokkha) kiên quyết, quyết đoán với sự tôn trọng cảnh, dù cảnh ấy như thế nào cũng nhận bắt liền như thế ấy, chẳng nghi ngờ, chẳng phân vân, thắng giải trái với cách hoài nghi đen tối; ví như vị quan tòa ra phán quyết về một vụ án. Thắng giải được so sánh với một trụ đá chắc với trạng thái kiên định trong lúc quyết định. Pháp này đối lập với hoài nghi (vicikiccha) hay sự do dự.

Tattha katamo uddhaccapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati uddhaccapaccayā adhimokkho.
Thắng giải sanh ra do điệu cử làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán, cách quyết đoán, thái độ quyết đoán cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là điệu cử duyên thắng giải.

Tattha katamo taṇhāpaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho2- adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati taṇhāpaccayā adhimokkho.
Thắng giải sanh ra do ái làm duyên đó ra sao? Cách quyết đoán của tâm, cách đoán quyết, thái độ đoán quyết cảnh. Dù cách nào như thế đều gọi là ái duyên thắng giải.

Tattha katamo paṭighapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati paṭighapaccayā adhimokkho.
Thắng giải sanh ra do phẫn nhuế làm duyên đó ra sao? Sự phán đoán, cách giải quyết, thái độ quyết phân cảnh đặng của tâm. Như thế gọi là phẫn nhuế duyên thắng giải.

Tattha katamo pasādapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati pasādapaccayā adhimokkho.
Thắng giải sanh ra do thanh làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán của tâm, thái độ quyết đoán của tâm, sự đoán quyết cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là thanh duyên thắng giải.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở thắng giải:

– Trạng thái là cách quyết đoán (sanniṭṭhānalakkhaṇo).
– Phận sự là làm cho khỏi dùng dằng dục dặc, không đầu lụy (asaṃsappanaraso).
– Thành tựu là phán đoán đặng, phán quyết (vinicchayapaccupaṭṭhāna).
– Nhân cận là phải có cảnh cần phán quyết (sanniṭṭhātabbapadaṭṭhāno).

CẦN

Cần (viriya)

Cần (viriya) giải theo lý pháp thực tính thuộc tánh của tâm thì cần tính năng động trong việc biết cảnh. Tâm sở cần có tướng trạng là năng nổ (ussahanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là củng cố pháp câu sanh (sahajātānaṃ upatthambhanarasaṃ), có biểu hiện là sự không chiềm lắng (asaṃsīdanabhāvapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần cho Cần sanh là điều kích động (saṃvegapadaṭṭhānaṃ). Tâm sở cần chỉ có mặt trong 105 tâm trừ 15 tâm quả vô nhân và 1 tâm khai ngũ môn.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Cần (viriya): Là tâm sở có trạng thái cố gắng, tích cực hay năng động, một khía cạnh cần thiết cho tâm được dũng mãn, không lui sụt. Nó giống như cây cột trong một ngôi nhà, giúp nhà không sập. Là một trong Ngũ quyền (indriya), Ngũ Lực (bala), Tứ Thần Túc (iddhipāda).

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Cần (viriya): (bắt nguồn từ căn aj, đi + īr: Vī thay thế cho aj. Vīra là người làm việc liên tục không gián đoạn)

Cần (viriya) tương ưng với sự cố gắng, siêng năng, tinh tấn, lướt tới, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, nghị lực, sự nỗ lực, tính kiên cường, tính mạnh mẽ. Cần có thể được định nghĩa là trạng thái chịu đựng, kiên nhẫn, nhẫn nại hay can đảm.

Pāḷi chú giải như vầy: Udukkhasābhe sahanaṃ = ussaho: Đủ sức chịu với sự khó khăn nên gọi là siêng năng (cần).

Cần có trạng thái của sự ủng hộ, nâng đỡ hay duy trì những pháp đồng sanh với nó. Như một ngôi nhà cũ bị nghiêng được chống đỡ bằng những cây cột, không thể bị ngã. Cũng thế, những tâm sở đồng sanh được ủng hộ, nâng đỡ bởi cần (viriya), sẽ không nản chí.

Như là một sự củng cố mạnh mẽ giúp cho một đoàn thể vững vàng, siêng năng thay vì thối thất, cũng thế, cần (viriya) nâng đỡ, ủng hộ những tâm sở đồng sanh.

Cần liên quan đến một danh quyền (cần quyền) vì nó có quyền hạn và vượt qua sự biếng nhác. Cần cũng là 1 trong 5 lực (bala) bởi vì nó không thể bị lay động bởi pháp đối lập là sự biếng nhác. Cần cũng dùng làm một trong bốn như ý túc (iddhapāda).

Theo chú giải bộ Pháp Tụ (Aṭṭhasālini), cần được xem là căn nguyên của tất cả sự thành tựu.

Katamaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti? Yo tasmiṃ samaye cetasiko viriyārambho2 nikkamo1 parakkamo uyyāmo vāyāmo ussāho ussoḷhi3 thāmo dhiti asithilaparakkamatā anikkhittachandatā anikkhittadhuratā dhurasampaggāho viriyaṃ virindriyaṃ viriyabalaṃ sammāvāyāmo-idaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti.

Cần quyền trong khi có ra sao? Khi nào có tâm sở tâm siêng năng, cố gắng, tinh tấn, sấn sướt, lướt tới, tiến đến, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, không lui sụt, không lơ là, không bỏ qua việc làm, phò trì phận sự, cần tức là cần quyền, cần lực và chánh tinh tấn có trong khi nào, thì cần quyền có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở cần:

– Trạng thái là tư cách ráng chịu (ussahanalakkhaṇaṃ).
– Phận sự là trợ cho pháp câu sanh không lui sụt (sahajātupaṭṭhambhanarasaṃ).
– Thành tựu là không lui sụt (asaṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ).
– Nhân cận là tám thê thảm (saṃvegavatthupadaṭṭhānaṃ) hay tám đoan cần (viriyārambhavatthupadaṭṭhānaṃ).

Tám thê thảm (saṃvegavatthu)

1 là khổ sanh (jātidukkha).
2 là khổ già (jārādukkha).
3 là khổ bệnh (byādhidukkha).
4 là khổ tử (maraṇadukkha).
5 là khổ địa ngục (nirayadukkha).
6 là khổ bàng sanh (tiracchānadukkha).
7 là khổ ngạ quỉ (petadukkha).
8 là khổ a-tu-la (asurakāyadukkha).

Nhờ nhận xét khổ trên mà đặng thức tỉnh, siêng năng cố gắng tu hành tinh tấn.

Tám đoan cần (viriyārambhavatthu) có 4 đôi:

 Nói về việc làm (kamma) có hai: 1 là công việc đã thành tựu, 2 là công việc sắp làm.
 Nói về đi đường (magga) cũng hai: 1 là đi về đến, 2 là gần sắp đi.
 Nói về bệnh hoạn (gelañña) cũng hai: 1 là vừa hết bệnh, 2 là vừa nhuốm bệnh.
 Nói về vật thực (piṇḍa) cũng hai: 1 là thiếu ăn, 2 là đủ ăn.

Tám đoan cần là mối manh khởi đầu giúp đặng siêng năng, cũng thuộc nhân cần thiết phổ cập cho tất cả hạng người để suy xét phát sự siêng năng. Bởi vì công việc vừa xong mà nghĩ đến còn công việc khác thế thì không lười biếng bỏ qua. Khi sắp làm công việc chi mà nhớ phải còn nhiều việc khác nữa, nên làm chẳng lôi thôi.

Khi đi đâu mà vừa về đến nhà thì nhận thấy trong khoảng thời gian ta đi vắng, bê trễ việc nhà, nay phải làm bổ túc những việc bê trễ. Nếu sắp đi đâu cũng nên lo làm trước những việc đáng làm trong khi đi vắng.

Bệnh vừa hết thì nhớ lại những việc bỏ phế trong lúc đau càng gắng làm cho bớt bê trễ. Còn khi tự biết sẽ đau, xét thấy có nhiều việc sẽ bị bê trễ vì vậy mà phải cố gắng làm.

Gặp khi đủ ăn, phải nghĩ rằng chưa chắc đặng luôn luôn như thế này, nên phải lo làm chuẩn bị, e rằng: “Tọa thực sơn băng” – ngồi không mà ăn, của như non cũng hết. Còn khi thiếu ăn cũng phải biết xét nếu ta ráng sức làm thì có lẽ đặng câu: “Tiểu phú do cần”.

HỶ

Hỷ (pīti)

Hỷ (pīti) là hành uẩn, khác với hỷ (somanassa) thọ uẩn. Hỷ (pīti), là sự hưng phấn mừng rỡ. Tâm sở hỷ có tướng trạng là phấn khởi (sampiyāyanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là làm sung sướng thân tâm (kāyacittapīnanarasā), có biểu hiện là tâm hớn hở (odagyapaccupaṭṭhānā), nhân gần là ba danh uẩn ngoài ra Tâm sở hỷ chỉ có mặt trong 51 tâm hữu hỷ là 4 tâm tham thọ hỷ, 1 tâm thẩm tra thọ hỷ, 1 tâm sinh tiếu, 12 tâm dục giới tịnh hảo thọ hỷ, 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Hỷ (pīti): Có trạng thái là sự hào hứng hay hứng thú trong lúc tâm biết cảnh. Vì chỉ nhắm đến khía cạnh này nên tâm sở Hỷ được kể riêng, không nằm chung với Thọ uẩn. Nghĩa là không có nó vẫn có thể có Thọ uẩn. Hỷ là tiền thân của Lạc. Hỷ giống như giai đoạn người lữ khách nhìn thấy hồ nước trong một ngày nóng nực và Lạc là giây phút người lữ khách uống nước hay tắm rửa trong đó.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Hỷ (pīti): (bắt nguồn từ căn pi: Vui, thích thú)

Tâm sở hỷ là sự mừng phớn phở no thân tâm. Nói chung, hỷ được hiểu là sự phấn khích, vui tươi, hạnh phúc, sự quan tâm, sự hăng hái. Hỷ liên quan đến vui mừng (pāmojja) và lạc thọ (sukha), nhưng không phải là một cảm thọ (vedanā) nên không thuộc về thọ uẩn (vedanākkhandha). Hỷ là điềm báo của lạc (sukha). Hỷ ví như sự thấy được một ao nước của người lữ hành mệt mỏi. Pháp lạc (sukha) ví như thật sự thọ hưởng sự mát mẻ khi uống nước và tắm nơi ao nước ấy.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Pinayatīti = pīti: No nê với cảnh gọi là hỷ.

Katamā tasmiṃ samaye pīti hoti? Yā tasmiṃ samaye pīti pāmojjaṃ āmodanā pamodanā hāso pahāso vitti odagyaṃ attamanatā cittassa – ayaṃ tasmiṃ samaye pīti hoti.

(Pháp) Hỷ trong khi có ra sao? Khi nào có sự mừng no cả thân tâm, hớn hở, sự hân hoan, sự hài lòng, vui tươi, hoan lạc và rất mừng. Như thế là (pháp) hỷ có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở hỷ:
– Trạng thái là mừng (sampīyāyanalakkhaṇā).
– Phận sự là no thân tâm (kāyacittapīnanarasā) hoặc sởn gai ốc (pharaṇarasā).
– Thành tựu là bừng tâm lên (odagyapaccupaṭṭhānā).
– Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā).

Pháp hỷ sanh mạnh do nhờ: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v…

Tạo một niềm vui liên quan đến cảnh là trạng thái của hỷ.

Hỷ là 1 chi thiền giúp ngăn chặn vyāpāda (sân, ghét, ác cảm).

Có 5 giai đoạn của hỷ (pīti):

  1. Khuddaka pīti (thiểu hỷ) = cách vui mừng run lên làm cho sởn gai ốc.
  2. Khaṇika pīti (quang thiểm hỷ) = cách vui mừng tức thời như tia chớp.
  3. Okkantikā pīti (lâng hỷ) = cách vui mừng cuồn cuộn như sóng lớn vỗ bờ.
  4. Ubbegā pīti (khinh thân hỷ) = cách vui mừng nâng cao có thể nâng bậc tu tiến lơ lửng trên không.
  5. Pharaṇā pīti (sâm thấu hỷ) = cách vui mừng tràn ngập tỏa khắp thân như bong bóng căng phồng hay như cục bông gòn đã thấm dầu hay như sự chảy tràn của một con sông và ao nước, hay như ăn uống vật chi rất bổ khỏe đượm nhuần cả thân thể.

DỤC

Dục (chanda)

Dục (chanda) khác với phiền não dục (kāmakilesa). Dục (chanda), là sự mong muốn hành động, thúc dục tâm tìm cảnh. Tâm sở dục có tướng trạng là muốn hành động (kattukāmatālakkhaṇo), có nhiệm vụ là tiềm kiếm cảnh (ārammaṇapariyesanaraso), có biểu hiện là nhu cầu một đối tượng (ārammaṇena atthikatāpaccupaṭṭhāno), nhân gần là cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāna). Tâm sở dục chỉ có mặt trong 101 tâm trừ 2 tâm si và 18 tâm vô nhân.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Dục (chanda): Ở đây chỉ đơn giản là ý muốn hay sự dụng ý. Chỉ ở mức độ này thì nó vẫn chưa được kể là Tham (lobha) tức sự ham muốn, say mê. Không kể trường hợp tâm sở, đôi khi chữ Chanda cũng được xem là đồng nghĩa với Lobha. Riêng trong trường hợp tâm sở Dục thì Chanda ở đây chỉ là cái trớn ý thức cho một sự việc nào đó mà thôi. Mọi hành động của chúng sanh đều phải bắt đầu bằng một ý muốn và ý muốn đó không nhất thiết phải đi kèm với sự say mê đối tượng. Như muốn tự sát hay phá hoại một món mình ghét thì cũng phải có tâm sở Dục mới làm được. Vì sự quan trọng đó, nên Dục (Chanda) được xem là một trong bốn Thần Túc (iddhipāda): Dục, Cần, Tâm, Thẩm.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Dục (chanda): (bắt nguồn từ căn chad, mong, muốn)

Dục (chanda) được dịch là muốn, mong muốn, ước muốn. Trạng thái chánh của dục là ‘mong muốn làm’. Dục như sự vươn tay để lấy một vật, hay sự thích hợp với cảnh như đồ để vào khuôn vừa vặn.

Dục cũng là ‘sự muốn về một việc’ mà không dính mắc vào việc đó. Dục là một thuật ngữ theo đúng tâm lý tự nhiên. Dục phải khác với tham (bất thiện) là pháp “có sự ham muốn, khao khát với sự dính mắc”.

Trong dục dục (kāmacchanda) và ái dục (chandarāga), dục (chanda) là bạn đồng hành với tham (lobha); hai từ kép này thật ra miêu tả tham.

Mỗi hành động đều bắt đầu bằng dục. Thí dụ, hành động đứng dậy bắt đầu bằng sự muốn (chanda) đứng dậy. Rõ ràng hành trình ngàn dặm được bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và bước đi đầu tiên ấy được ví như là dục. Chúng ta không thể đi mà không có sự mong muốn đi và chúng ta không thể đến nơi nếu không có sự mong muốn đến đó.

Khi mãnh liệt, dục trở thành sự quyết tâm, quyết chí và dẫn đến thành tựu tợ như câu ‘có một cách nếu có một sự quyết tâm’. Do đó, cần (viriya), dục (chanda) được gom trong bốn ý nghĩa của sự đạt đến như ý túc (iddhipāda).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở dục:
– Trạng thái là mong mỏi cho đặng cảnh (kattukamyatālakkhaṇo), chẳng phải nhiễm đắm như tham.
– Phận sự là tìm tòi cảnh (ārammaṇapariyesanaraso), chẳng phải như tâm sở tầm tìm đến cảnh.
– Thành tựu là cách đặng mong mỏi cảnh (ārammaṇa atthikatāpaccupaṭṭhāno).
– Nhân cận là có cảnh mong đặng (ārammaṇapadaṭṭhāno).

SI

Si (moha)

Si (moha) là sự tăm tối, mù quáng, không hiểu biết điều đáng hiểu biết. Tâm sở si có tướng trạng là sự mù quáng của tâm (cittassaandhabhāvalakkhaṇo) hay không hiểu biết (aññāṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là che đậy bản thể thật của cảnh (ārammaṇasabhāvacchādanaraso), có biểu hiện là hành không chân chánh (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno). Si tâm sở chính là căn si (mohamūla).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Si (moha): Là sự mê muội, bất thông đối với bản chất của đối tượng.

Nói một cách chuyên môn thì si ở đây là sự u mê không hiểu được bốn khía cạnh

  1. Vô Thường (anicca),
  2. Khổ (dukkha),
  3. Vô Ngã (anatta) và
  4. Bất Mỹ (asubha).

Do không thấy được tốc độ sanh diệt chớp nhoáng của Danh Sắc (nāma, rūpa) nên ta mới có những quan niệm Thường (nicca), Lạc (sukha), Ngã (atta) và Đẹp (subha).

Nói bằng ngôn ngữ hiện đại, tâm sở Si giống như người đạo diễn điện ảnh: Ông ta khiến người khác vui, buồn, thương, ghét ngay trên những thứ hoàn toàn giả tạo.

Tâm sở Si là thành tố chủ đạo cho các tâm bất thiện, cùng với Vô Tàm và Vô Úy làm thành ba tâm sở Bất Thiện Biến Hành (akusalasādhāraṇa) xuất hiện trong các tâm bất thiện.

Trong trường hợp đặc biệt, tâm sở Si được định nghĩa là sự Vô Minh (avijjā) trong Tứ Diệu Đế (cattārāriyasaccani).

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Si (moha): (bắt nguồn từ căn muh: Mê mờ)

Si (moha) là sự tối tăm, mờ ám, không chịu lý đáng biết, không biết, không thấy, chẳng hiểu thấu, không biết bản thể thật tướng của cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇe muyhatīti = moho: Mê mẩn, mê mờ trong cảnh gọi là si.

Tất cả chúng sanh hữu tưởng và vô tưởng được tạo bởi danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa) là những pháp tồn tại với bốn tướng phổ thông là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā), vô ngã (anattā), bất tịnh (asubha).

Vì si che chắn pháp nhãn của chúng ta và ngăn che chúng ta khỏi sự thấy biết bản thể thực tính của các pháp, chúng ta không thể thấy sự sanh diệt vô cùng nhanh và không ngưng nghỉ của danh (nāma) sắc (rūpa) và bốn tướng phổ thông đã đề cập phía trên. Khi không thể thấy bản thể thực tướng của các pháp, chúng ta bị lúng túng cho những tướng đối lập là thật tướng; do đó, chúng ta thấy các pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha).

Si là nguyên do của sự nhận định sai hay tà kiến này dẫn đến một chuỗi những quả không mong muốn bao gồm khổ và sự khổ sanh nối tiếp liên tục.

Vì thế, si như người đạo diễn của một bộ phim đạo diễn tất cả nhưng chúng ta không hề nhận thức được; như chúng ta không thể thấy người đạo diễn trên màn hình chiếu phim. Si quả thực là căn nguyên của tất cả điều xấu xa và khổ trong thế gian.

Si là pháp dẫn đầu của tất cả tâm sở tâm (cetasika) bất thiện. Si và 3 pháp còn lại trong si-phần (vô tàm-ahiri, vô úy-anottappa và điệu cử-uddhacca) phối hợp với tất cả tâm bất thiện; do đó, chúng được gọi là bất thiện biến hành (akusala sādhārana).

Vì si tương phản với sự sáng suốt hay trí nên được gọi là ‘avijjā’ (vô minh). Si làm vẩn đục sự hiểu biết của chúng ta về nghiệp, quả của nghiệp và tứ Thánh đế.

Katamo tasmiṃ samaye moho hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye aññāṇaṃ adassanaṃ anabhisamayo ananubodho asambodho appaṭivedho asaṃgāhanā apariyogāhanā asamapekkhanā apaccavekkhanā apaccakkhakammaṃ1 dummejjhaṃ bālyaṃ asampajaññaṃ moho samoho avijjā avijjogho avijjāyogo avijjānusayo avijjāpariyuṭṭhānaṃ avijjālaṅgī moho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye moho hoti.

Si trong khi có ra sao? Cách vô tri, sự bất kiến, chẳng hiểu thấu, không chịu lý đáng biết, chẳng hiểu theo chơn chánh, không thấu đáo, không cần dùng theo đúng đắn, không công nhận lối đầy đủ, chẳng phán đoán, chẳng suy xét, không chịu làm cho minh hiển, tệ hèn, ngây ngô, khờ khạo, không biết chi, sự mê mờ, sự say mê, sự mê hoặc, cũng là vô minh, vô minh bộc, vô minh phối hợp, vô minh tùy miên, vô minh chi phối, vô minh là chốt gài. Si cũng là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là si có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở si:

– Trạng thái là trái với trí (añānalakkhāno) hay không biết cái đáng biết (andhabhavalakkhāno).
– Phận sự là che ngăn cảnh chơn thể mà nhận theo sự vật tốt xấu v.v… (Ālambasabhā-vacchādanaraso) hay là phận sự không thấu rõ chơn như bản thể (appaṭivedharaso).
– Thành tựu là mờ tối (andhakārapaccupaṭṭhāno) hay là làm cho không thể tiến hành theo pháp chơn chánh sáng suốt (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno).
– Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno) tức là tâm khai ý môn xoay chiều hướng cho tâm bất thiện sanh. Nó cần được xem là căn của tất cả pháp bất thiện.

Bốn tâm sở si, vô tàm, vô úy và điệu cử gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là tâm sở bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.

VÔ TÀM

Vô tàm (ahirika)

Vô tàm (ahirika) là không liêm sỉ, không hổ thẹn, không mắc cở. Tâm sở vô tàm có tướng trạng là không e thẹn với thân ác hạnh …v.v… (kāyaduccaritādīhi ajigucchanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là tạo ác hạnh (duccaritakaraṇarasaṃ) có biểu hiện là không ngần ngại làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không tự trọng (attamagāravapadaṭṭhānaṃ).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Vô Tàm (ahirika): Là sự không hổ thẹn đối với ác pháp. Trong bộ Nhân Chế Định, Đức Phật ví dụ tâm sở Vô Tàm giống như một con heo không ngần ngại khi ăn đồ dơ.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Vô Tàm (ahirika): (a + hirika = không + hổ thẹn)

Vô tàm là không có sự hổ thẹn, cách không mắc cỡ, khiến chúng sanh không cảm thấy xấu hổ trước những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, không tôn trọng ân đức của tự thân.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko: Chẳng thẹn, chẳng mắc cỡ (với cách làm ác xấu) gọi là vô tàm.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62), Đức Phật có nêu:

Katamo ca puggalo ahiriko? Tattha katamaṃ ahirikaṃ? Yaṃ na hirīyati hiriyitabbena na hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā – idaṃ vuccati ahirikaṃ. Iminā ahirikena samannāgato puggalo ‘‘ahiriko’’.
“Người vô tàm ra sao? Điều kiện vô tàm ra sao? Lẽ phải nào đáng thẹn mà không thẹn cho đến đỗi đầy dẫy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô tàm, mà người hiệp với vô tàm như thế gọi là người vô tàm”.

Không xấu hổ trước những việc làm ác xấu, đây gọi là vô tàm. Như một con lợn trong làng không cảm thấy ghê tởm trong việc ăn phân người, cũng thế vô tàm không cảm thấy ghê tởm trong việc phạm vào những ác nghiệp.

pig
Katamaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na hirīyati hiriyitabbena, na hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti.
Vô tàm trong khi có ra sao? Trạng thái không hổ thẹn với cách hành động ác xấu đáng hổ thẹn, thái độ không hổ thẹn với những pháp tội ác có trong khi nào, thì vô tàm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở vô tàm:
– Trạng thái là không hổ thẹn với thân ác v.v… (kāyaduccaritādihi ajigucchana-lakkhaṇaṃ).
– Phận sự là làm ác (duccaritakaraṇarasaṃ).
– Thành tựu là không lui sụt với cảnh tạo ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).
– Nhân cận là thiếu sự tôn trọng mình (atta agāravapadaṭṭhānaṃ).

Bốn tâm sở si, vô tàm, vô úy và điệu cử gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là tâm sở bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.

VÔ UÝ

Vô uý (anottappa)

Vô uý (anottappa) là không sợ hãi, không kinh cảm, không e ngại. Tâm sở vô uý có tướng trạng là không sợ điều ác (pāpato anuttāsanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm điều ác hạnh (duccaritakaraṇarasaṃ), có biểu hiện là không ngần ngại làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không trọng người khác (paramagāravapadaṭṭhānaṃ).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Vô Úy (anottappa): Là sự không e sợ đối với ác nghiệp, giống như con thiêu thân đối với ngọn lửa. Vô Tàm và Vô Úy được xem là sản phẩm của tâm sở Si, dù cả ba luôn đi chung nhau.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu – TL Tịnh Sự – tb.2019)

Vô Úy (anottappa): (Na + ava + căn tap: Bứt rứt)

Vô úy là không có sự ghê sợ, cách không sợ hãi, khiến một chúng sanh không sợ hãi trong việc phạm vào những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, là không tôn trọng ân đức của tha nhân (người khác).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na ottappatīti = anottappaṃ: Chẳng sợ sệt (với sự làm dữ) gọi là vô úy.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62) có nêu:

“Người vô úy ra sao? Điều kiện vô úy ra sao? Sự vật lẽ thường đáng ghê sợ mà không ghê sợ cho đến dẫy đầy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô úy. Kẻ đã hiệp với sự vô úy gọi là người vô úy”.

Không ghê sợ trước pháp đáng ghê sợ, không sợ hãi trước ác, bất thiện pháp. Đây gọi là vô úy.

Vô úy (anottappa) được ví như một loài bướm bị lửa thiêu đốt. Những con bướm đêm này không nhận thức hay lường trước được những hậu quả, bị thu hút bởi ánh lửa và lao vào ánh lửa. Cũng như thế, vô úy không nhận thức được những hậu quả, bị thu hút bởi những ác, bất thiện pháp và lao vào những ác nghiệp.

Vô úy được đề cập trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) (II. 6): “Có hai pháp xấu ác, đó là vô tàm và vô úy v.v…” Nên lưu ý rằng, sự liều lĩnh do vô tàm (ahiri) và vô úy sanh là quả của si (moha), nó che phủ tâm và làm lòa mắt khỏi sự thấy về quả của những ác nghiệp (kamma).

Katamaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na ottappati ottappitabbena, na ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti.
Vô úy trong khi có ra sao? Trạng thái không ghê sợ với hành động xấu đáng ghê sợ, thái độ không ghê sợ với những tội ác có trong khi nào thì vô úy vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở vô úy:

– Trạng thái là không ghê sợ với sự tự làm ác (anuttāsamalakkhaṇaṃ) hay là không sợ sệt với cách tự làm ác (asārajjalakkhaṇaṃ).
– Phận sự là làm việc ác (duccaritakaraṇarasaṃ).
– Thành tựu là không lui sụt với cách làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).
– Nhân cận là thiếu sự tôn trọng ân đức người khác (tha nhân) (paraguṇa agāravapadaṭṭhānaṃ).

Tâm sở vô tàm và tâm sở vô úy dù không làm ác cũng là bất thiện.

Bốn tâm sở si, vô tàm, vô úy và điệu cử gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là tâm sở bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.

(nguồn giacnguyen.com)

 

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN

Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..

* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …

Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app