Nội Dung Chính
Buổi 11: Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Thiện Tĩnh, Khinh, Nhu, Thích, Thuần, Chánh, Tâm Sở Giới Phần, Vô Lượng Phần & Trí Tuệ – Sư Giác Nguyên
(Lớp Phật Pháp Căn Bản Buổi 11 – Thứ Ba, ngày 30/01/24 – Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)
✴️ 6 CẶP TÂM SỞ TỊNH HẢO VÀ TÂM SỞ GIỚI PHẦN (TIẾT CHẾ), VÔ LƯỢNG PHẦN & TRÍ TUỆ
Thưa đại chúng, chúng ta cũng vẫn theo nguyên tắc cũ, có nghĩa là mình phải ôn bài cũ một chút rồi mình học bài mới, thì đời sống của chúng sinh nó gồm có hai phần tức là PHẦN HỒN, PHẦN XÁC với lại PHẦN TÂM, PHẦN VẬT, từ đó nó mới ra chuyện là 5 UẨN, 12 XỨ tức là 6 CĂN, 6 TRẦN, thì do kiểu sống mà sau khi mình chết rồi mình đi về các cảnh giới, ở đó tối đa là mình có đủ 6 Căn, có đủ 5 Uẩn, có đủ 12 Xứ, 18 Giới, nhưng mà tối thiểu thì mình cũng phải có đủ Tâm Thức.
Ví dụ như :
– Cõi Vô Sắc thì có tâm thức mà không có hình tướng.
– Cõi Vô Tưởng chỉ có hình tướng mà không có Tâm Thức.
Nhưng cái “nhưng” này mới quan trọng nè, thì dầu cho cảnh giới nào đi nữa cũng chỉ là tạm thời thôi, cõi có xác mà không hồn thì tối đa nó cũng 500 đại kiếp, cõi không xác mà chỉ có hồn, chỉ có tâm thôi, thì tối đa là 84 ngàn đại kiếp rồi thì cũng quay lại như cũ. Nhớ nha, cái này quan trọng lắm nha.
Do Nghiệp lực Tham Ái của mỗi người, chết thì mình đi về đâu, cái chuyện này nó dài lắm sau này mình sẽ nói, nhưng mà mình chỉ nói đại khái tới đây nè, chỗ cái trình độ này mình chỉ nhớ tới đó thôi. Thì đời sống của chúng sinh nó gồm có hai phần như vậy TÂM và VẬT.
VẬT ở đây là phần SẮC PHÁP, phần vật chất, phần hình thể, phần thân xác, thì chủ chốt căn bản nó gồm có bốn đại và các thành tố vật chất được sản sinh từ đó, phần này mình cũng học sau.
Bây giờ mình đang học cái phần đầu, PHẦN HỒN, PHẦN TÂM TỨC, PHẦN TINH THẦN của chúng sinh trong ba cõi trong vô lượng vũ trụ thì nó gồm có hai công thức đó là : THIỆN VÀ ÁC
Mình không học thì mình chỉ nghĩ là có tâm ác, có tâm lành, nhưng mà khi mình có học thì mình thấy nó không phải như vậy. Cái gọi là Tâm ác nó được kết cấu, nó được ghép nối, bởi nhiều thành tố tâm lý tiêu cực mới làm được cái tâm bất thiện và ở đây chúng ta cũng phải xác định với nhau là cái cách phân tích này nè nó không phải là cách phân tích tuyệt đối.
Ví dụ như ở trong Kinh Tạng thì không có nói chi tiết Tâm Sở như vậy, chỉ có nói vắn tắt thôi, tức là
– Tâm lành là Tâm có : TÍN, TẤN, NIỆM, ĐỊNH, TUỆ.
– Tâm lành là Tâm có : CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG.
Đó gọi là Tâm lành.
Còn Tâm ác thì bên Tạng Kinh chỉ nói Tham, Sân, Si, Tà kiến, Ngã mạn thôi, chứ không có nói chi li, tỉ mẫn như là trong Tạng A Tỳ Đàm. Nhớ cái đó.
Như vậy thì mấy con số học để biết, chứ đừng có khư khư Tạng Kinh cho rằng nói theo bên Tạng A Tỳ Đàm là thừa, là không cần thiết, nói vậy không được, mà mình ôm chặc A Tỳ Đàm mình nói theo Tạng Kinh là thiếu cũng không được, như nhiều lần và nhiều lần tôi nói, đã nói phân tích nó nhiều lắm, nhiều cách nói, chuyện gì ở đời này cũng có nhiều cách nói hết.
Ví dụ như hỏi làm sao mà mình có sức khỏe, làm thế nào để có được sức khỏe, làm thế nào để sống được trăm tuổi ? thì tôi xin bảo đảm là tất cả bác sĩ đều có câu trả lời khác nhau, nhưng mà tựu trung tinh thần thì giống nhau, chứ còn kêu mấy ổng kể ra sáu điều kiện, bảy điều kiện, tám điều kiện, năm điều kiện, ba điều kiện ? là mấy ông nói không giống nhau. Phải nhớ cái đó, cái đó quan trọng lắm. Nha.
Đừng có ôm chặc mấy con số, cái quan trọng là mỗi trường hợp mà người ta phân tích, người ta nói về cái gì ? Phiền não nói THAM, SÂN, SI là đủ rồi. Nhưng mà trong trường hợp phải nói chi tiết thì mình thấy ra tới 14 thành tố tâm lý tiêu cực.
Tâm thiện cũng vậy, gồm những thành tố, mà như nãy tôi nói vắn tắt thì nó chỉ có 5 thành tố căn bản :
TÍNH, TẤN, NIỆM, ĐỊNH, TUỆ từ 5 cái này nó có tất cả, một người mà có 5 cái này đúng mức thì nó có tất cả chứ không có thiếu, tôi bảo đảm một ngàn phần trăm nếu 5 cái này Ok thì không có thiếu gì hết, bằng chứng là các vị coi pháp môn Tứ Niệm Xứ, trong đó có nói đến 5 Quyền : TÍN, TẤN, NIỆM, ĐỊNH, TUỆ
5 cái này mà có rồi thì có tất cả, có tất cả các hạnh lành, có thập thiện, có thập độ, có hết.
Ở đây chúng ta thấy trong A Tỳ Đàm thiện cũng gồm 5 cái đó, nhưng mà 5 cái đó mình phân tích nó ra thành tới 25 TÂM SỞ.
Thì 25 thành tố đó mình đã học mấy phần đầu rồi, tức là : TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY, VÔ THAM, VÔ SÂN, HÀNH XẢ
Mình học rồi, thì hôm nay chúng tôi cũng cố gắng tranh thủ trong một giờ đồng hồ để nói hết cái phần còn lại chứ còn chia nhỏ nhỏ ra mệt quá.
Đúng ra nếu mà chia nhỏ một Tâm Sở mình học một ngày đó quý vị biết không ? Một Tâm Sở học một ngày một ngày là học 4 tiếng :
– Sáng 2 tiếng
– Chiều 2 tiếng.
Chẳng hạn như lớp học Kalama sắp tới chúng tôi cũng cân nhắc rất là nhiều, để làm sao mà bà con có thể đứng từ cái góc nhìn của Bắc Truyền các vị học không sốc, không có bị sốc, không có bị chỏi, để có thể dễ dàng thực tập NIỆM XỨ, đứng từ góc độ Nam Truyền mà mình nặng về Kinh Tạng, nặng về A Tỳ Đàm Tạng thì mình vẫn có thể tìm thấy một tiếng nói chung để có thể đưa vào kinh nghiệm tu tập, phải không ? đương nhiên là tôi chưa bao giờ mà nói rằng tôi là Thiền Sư Hành giả, Hành giả còn chưa dám nhận mà, thì tôi chỉ có thể chia sẻ bà con những cái gì tôi biết, những kiến thức, nền tảng căn bản mà khả dĩ giúp ích cho công phu tu tập, còn tới lúc mà chính thức vào các khóa tu NIỆM XỨ, không phải Niệm Xứ, các tu tập CHỈ VÀ QUÁN tại Kalama lúc đó các vị Thiền Sư Miến Điện sẽ hướng dẫn các vị. Nha.
Tôi chỉ giúp quý vị cái NỀN thôi, như bữa hổm tôi có nói, tôi cất cho mỗi người cái chòi, chứ thấy quý vị ngủ lều tôi ngán quá, ngủ lều che bạc rồi tạm thời căng dây, rồi đóng cọc, tôi mệt quá. Đóng cọc rồi gió thổi cũng ghê lắm, tôi làm cho vị cái chòi, với cái chòi có cột, có vách, có nền, có mái. Vách, cột, mái, nền. Rồi các vị thay từ từ, thay từ từ.. thiếu gì.. Việt Nam thiếu gì Thầy bà phải không ? thiếu gì Thầy bà, thì cứ nhờ Thầy bà, sách vở kinh điển.. mình thay từ từ.
Ví dụ mình nghe ổng giảng mấy Tâm Sở mà chưa có thỏa mãn thì mình cứ online, đi gõ cửa các Thầy, cái đó các khoảng trong nước không thiếu. Nha, nhưng mà đầu tiên tôi chủ trương là mượn lớp này để cất chòi cho bà con, bà con phải có chòi, ai mà người dân miền Tây áh, miền Tây nói riêng mà dân nông thôn Việt Nam nói chung chắc hiểu. Làm gì làm, làm rẫy, làm ruộng phải có cái chòi trước đã, có cái chòi mình mới ăn nói được, mình mới này nọ được, từ cái chòi mình nâng nó lên từ từ, chứ còn không chòi là không cách nào có cái nhà, khó lắm. Không được chứ không phải khó.
Thì bây giờ mình đã học xong TÍN, TẤN, NIỆM, TÀM, ÚY bây giờ mình tiếp tục học tiếp theo 6 cặp TỊNH HẢO
Gọi 6 cặp là sao? Có nghĩa ví dụ như là :
– TĨNH, KHINH, NHU, THÍCH, THUẦN, CHÁNH.
Gọi là 6 cặp gồm có :
– Tĩnh thân – Tĩnh tâm… Để cho bà con khỏi bị rối thì tôi chỉ nói vắn tắt thôi.
– Tâm ở đây là chỉ cho Tâm và Tâm Sở phải không ? Nhớ nha. Tâm và Tâm Sở, thôi bây giờ để khỏi khùng thì thôi bây giờ mình đừng có bàn, ví dụ như là Thân này chỉ vô cái Uẩn nào, rồi Tâm chỉ Uẩn nào, bây giờ mình chỉ học vắn tắt thôi, có nghĩa là :
– Tĩnh thân – Tĩnh tâm – là một cặp phải không ?
– Khinh thân – Khinh tâm
– Nhu thân – Nhu tâm.
Tĩnh, Khinh, Nhu, Thích, Thuần, Chánh.. Mình gom lại cho nó dễ nhớ, ghi mấy chữ tắt đầu ở đầu thôi, các vị chỉ cần biết đơn giản, một nội tâm mà nó bung sung, manh động, chộn rộn, nó không có thiện được mà đã là Tâm thiện thì nó không có bung sung, không có manh động, không có chộn rộn được, thì khía cạnh trầm lắng đó của một Tâm Thiện, khía cạnh. Nhớ nha, bữa hổm các vị còn nhớ tôi nói khía cạnh không ? thành tố khác mà khía cạnh khác, thành tố bữa hổm tôi ví dụ ly trà sữa, mấy hột trân châu mình có thể múc riêng nó ra một nơi, rồi muỗng mình lấy riêng ra nơi, ly để riêng ra nơi, nước trà sữa mình rót riêng ra nơi, sau đó mình mới trộn những thứ này lại, đó là những thành tố.
Còn khía cạnh là sao ? Là mình không có tách rời. Ví dụ như cái ly thủy tinh nó tròn là một, cạnh cứng mình bấm tay vô không được đó là cứng, rồi mình sờ thấy nó láng.
Tròn nè, cứng nè, láng nè, rồi nó thủy tinh thì nó thêm cái nữa là trong suốt, rồi cái gì nữa ? nếu cái ly này mà nó đựng đồ nóng thì mình rờ mình thấy nó nóng, rờ đồ lạnh thì nó lạnh, còn nếu không đựng gì hết thì mình thấy nó mát, đúng không ? Như vậy thì tròn, láng, cứng, trong suốt, và mát, nóng, lạnh, những khía cạnh này nó cùng một lúc có mặt, mình chú ý đến khía cạnh nào thì mình thấy khía cạnh đó, chứ mình không có tách rời, mình không thể lấy cái mát để riêng ra bên ngoài để cho người khác họ rờ, mình không có tách cái cứng ra khỏi cái tròn, cái trong suốt và cái láng được.
No.. no.. no, không được, không được, cái láng, cái tròn, cái cứng, trong suốt nằm chung một khối, mỗi cái đó nó là những chi tiết, những khía cạnh. Ví dụ như mình chế nước sôi vô thì khía cạnh mát không còn nữa, nó còn là nóng đúng không ? rồi mình đổ nước sôi ra bỏ nước đá vào thì bây giờ nó từ nóng chuyển qua mát. Nhưng mà mình không cầm cái mát lấy ra ngoài giống như mình lấy cái muỗng ra được, không được. Nhớ nha. Thì đây là những khía cạnh.
Khía cạnh của Tâm thiện là gì ? Ngoài TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY ra nó còn những khía cạnh còn lại. Ví dụ TĨNH.
TĨNH ở đây có nghĩa là sự lắng động không có chộn rộn, bung sung, manh động.
Đó là Tĩnh.
KHINH là nhẹ nhàng.
Dầu mình sống bằng Tâm bất thiện nào đi nữa thì nó cũng nặng lắm quý vị, nặng lắm, tại vì chẳng qua mình không có biết đạo hoặc là biết rồi mà biết kiểu dốt dốt thì thôi. Chứ nếu có học giáo lý rồi có sống Chánh Niệm thì mới thấy Phiền não nào nó cũng nặng nề hết, thương nó cũng làm cho mình nặng lòng.
Ghét, thương, căm hận, sợ hãi, ghen tuông, âu lo, ray rứt, tất cả những phiền não đó đều làm cho mình nặng lòng. nặng nề lắm.
Cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng, tiêu dao, thoát sái, phiêu lãng, thì đó là chỉ có ở Tâm thiện thôi. Nhớ nha. Chỉ có Tâm thiện thôi, lâng lâng, phiêu bồng là chỉ có Tâm thiện, khía cạnh này gọi là Khinh. Khinh tánh.
Tôi dịch Tĩnh tánh, Khinh tánh, rồi Nhu tánh tiếng Phạn nghĩa là mềm.
Quý vị có nghe Việt Nam mình có chữ cứng, cứng cỏi, ngoan cố, lì lợm, cứng cõi, chai đá, chai sạn, thì mấy cái đó mình nghe mấy hình dung từ đó mình thấy bất thiện nó rất là tiêu cực.
Nhưng mà một Tâm lành, một Tâm thiện nó mềm, mà tại sao nó phải có khía cạnh này, bởi vì quý vị thấy trong đời sống để làm việc, để có thể thích nghi, thích ứng, thì cứng mềm nó quan trọng lắm.
Tâm thiện, Tâm lành đó là một cái Tâm gọi là nhu nhuyến, mềm dẻo.
Ví dụ như mình thấy cái đầu mình có bao giờ mình cúi đầu trước ai không ? khó lắm, cổ mình cứng lắm, kiêu ngạo, kiêu mạn, nhưng mà nhờ có cái này nè, cái đầu mình nó mới mềm xuống biết chào người ta, biết chắp tay, biết ăn nói nhỏ nhẹ, biết dẹp bớt cái tôi của mình qua bên.
Cái mềm đó là NHU.
Gặp tượng Phật, gặp đền tháp biết cúi đầu, gặp Tăng Ni, gặp bạn đạo mình biết cúi đầu chắp tay, làm gì làm chứ phải nói văn hóa chắp tay rất đẹp, rất đẹp, mình qua Thái Lan đi ngoài phố mình thấy, người ta nói chuyện với nhau là chắp tay không cần phải sư sải gì hết, không có sư sải gì hết, người ta xuống xe nói chuyện với taxi cảm ơn cũng chắp tay, ai đi Thái Lan thường thấy cái này, văn hóa chắp tay rất đẹp, đẹp lắm. Mà văn hóa này người Thái học từ người Ấn Độ, mà tôi chưa đi Ấn Độ nên tôi không biết, chứ còn khi muốn đi mà không có điều kiện, mà nói thiệt cũng ngán, đi phải có bạn bè, rồi đi nghe nói máy bay nội địa bánh rồi cánh muốn rớt thì rớt, muốn sút thì sút, ớn quá không dám đi, không dám, chứ còn thèm lắm, muốn đi Ấn Độ một lần coi văn hóa xã hội ra sao. Trước ngán tiền, đi cái đó mình đi xa, Ấn Độ đi xa lắm, từ điểm A đến điểm B đi xa lắm, chẳng thà nó cách nhau cả ngàn cây để cho mình bay, đằng này cách nhau đi bằng xe không.
Quý vị tưởng tôi nói lạc đề, không có lạc đâu.
NHU là mềm. Nhờ có Nhu mà mình mới có khả năng chịu cực, mình có thể thích nghi được với tình huống, với hoàn cảnh, với môi trường, nhờ cái Nhu đó.
Giống như nãy tôi nói cái túi mà nó mềm thì nó gặp cái khoan chật nó mới vô lọt, nhờ cái Nhu này nè hoàn cảnh nào mình cũng có thể thu xếp được hết, đó là Tâm thiện phải nhờ đến khía cạnh này.
TĨNH, KHINH, NHU, THÍCH, THUẦN, CHÁNH.
THÍCH đây là thích nghi.
Có nghĩa là nó biết đường nó lách, đừng hiểu lầm lách là lương lẹo, không phải. No, no. Không phải nha.
Lách đây có nghĩa là có khả năng thích nghi. Ví dụ như bây giờ mình đang muốn dắt bà cụ qua bên đường, đó là tâm Từ, nhưng khi mình nắm tay bà cụ mình coi mình nắm chỗ nào trên tay bà. Đó là Trí.
Nhưng mà để có thể dàn xếp được chuyện mà thích nghi với hoàn cảnh là phải có Tâm Sở Thích này.
Thích Thân – Thích Tâm này.
Tức là mình chuyển từ Từ qua Trí, chuyển từ khía cạnh này qua khía cạnh khác của tâm lành, sự chuyển đổi đó cần khả năng thích nghi. Thích nghi có thể Thuận tùy, Thuận ứng thích nghi với hoàn cảnh, chuyện đó phải làm sao ? biết linh động, biết thích nghi, thì cái đó được gọi là thích nghi, thích ứng gọi là Thích thân – Thích tâm.
Như vậy mình đã học rồi, TĨNH, KHINH, NHU rồi tới THÍCH nghĩa là khả năng thuận ứng, khả năng thích nghi, khả năng biết thu xếp theo hoàn cảnh. Nói ra thì nó hơi nặng, nhưng mà thật sự trong một khoảnh khắc Thiện Tâm nó phải có khía cạnh này. Phải có. Mình đang ăn ngon tự nhiên mình biết ngừng cái miệng lại mình thắng lại, mình bẻ miếng đưa cho người ta, đó là phải nhờ có Tâm Sở này. Nhớ nha, hoặc là từ đang Niềm tin mà chuyển qua Trí tuệ, từ Trí tuệ chuyển qua Chánh niệm, qua Thiền định, thì khả năng mà chuyển đổi một cách thuận ứng như vậy được gọi là THÍCH.
THUẦN ở đây là gì?
Thuần ở đây có nghĩa là không có vụng, sự lão luyện, sự nhuần nhuyễn, Thuần này là sự nhuần nhuyễn, thì đây cũng là một cái khía cạnh của của Tâm lành.
Bởi vì ngay chính bản thân chữ thiện, chữ Kusala nghĩa là khéo, mà Tâm Sở này có nghĩa là sự nhuần nhuyễn, có nghĩa là cái chuyện đó mình chưa làm bao giờ nhưng mà nhờ tâm thiện mình có thể làm nó như là mình đã từng làm qua.
Ví dụ như đó giờ mình không có quen dắt ai qua đường, hồi đó giờ mình không quen chia sẻ ai cái gì hết, nhưng mà tự nhiên bây giờ mình có thể làm được chuyện đó một cách rất là đẹp mắt, rất là ngoạn mục, mình không có biết nhường ai hết, nhưng mà tự nhiên bây giờ mình biết đạo rồi, biết tu rồi, hai người đang đi cùng ngồi xuống mình nép qua bên nhường cái chỗ sạch đẹp ngon cho người kế bên, trên mâm ăn mình có thể dễ dàng cái gì cũng nhường phần ngon, phần tốt cho người ta, mình làm chuyện đó như là mình đã làm nhiều lần rồi mà trước đây không có, trước đây mình không có khả năng đó. Hồi đó giờ mình chỉ biết lo cho mình với lo người nhà mình thôi, nhưng bây giờ mình có thể làm được một chuyện mà xưa giờ rất khó làm bây giờ mình có thể làm được.
Đó gọi là NHU NHUYẾN.
CHÁNH ở đây là gì ? Nghĩa là thẳng, trực.
Tâm thiện là gì ?Tâm thiện là nó không có quanh co khuất lắp, lượn lờ, lươn lẹo. Phật dạy kiểu sống, kiểu hành động của mình nó sẽ có một ảnh hưởng nhất định lên tâm thức, tâm thức nó tác động lên kiểu sống, kiểu hành động, nhưng mà kiểu sống hành động là tác động lên tâm thức, mà nó tác động cái gì ? Nó tác động lên tâm thức tái sinh.
Trong Kinh Tạng Ngài dạy rằng một nếp sống lươn lẹo, trườn uốn, lách lòn, mờ ám, gian sợ sống, dâm sợ sáng, dạng vậy đó. Kiểu sống khuất lắp như vậy thì nó sẽ đưa đến cảnh giới của loài khất lắp. Là sao ? Mình thấy không ? dán, chuột, rắn, rít, chồn, cáo, nó thấy người ta là tránh, tụi nó không có thể đường hoàng, đường đường, chính chính, quang minh, lỗi lạc, đi giữa cuộc đời này, giữa đường xá, giữa những con người, không được. Những loài đó suốt đời chỉ biết trốn tránh, thích chỗ khuất kín, thích lòn lách, thích giấu mặt, loài đó ở đâu nó ra ? Là do Sở Hành kiếp trước. Sở Hành kiếp trước nó đã từng sống với những kiểu sống và hành động khuất lắp, mờ ám, cho nên nó phải sanh làm loài mà có kiểu sinh hoạt gọi là khuất lắp, lòn lách, né tránh. Bởi vì cũng trong Kinh nói chúng sanh cao cấp không có cái đó, chúng sinh cao cấp như người có phước nhiều, trí nhiều, phước nhiều, có nhan sắc, có tiền bạc, có tài sản, họ đi giữa cuộc đời ngửa mặt. Có, có.
Trong Kinh Đại Niết Bàn Đức Phật dạy :
– Một người có đức hạnh, có giới hạnh, họ đi vào đám đông họ ngửa mặt họ không có e sợ đám đông, một Bậc biện tài tốc trí đi vào đám đông họ cũng có sự dạn dĩ của họ, người có đức hạnh, người có trí tuệ, người có sở chứng, họ có thể thanh thản tự tại đi vào đám đông, và lên tới Dục Thiên, Phạm Thiên trên đó không có cái vụ lòn lòn, cắm cúi che mặt, giấu mặt, không có, chúng sanh cao cấp không có, những chúng sanh cấp thấp có tình trạng đó. Ngay cả con người thiếu phước, thiếu tùm lum hoặc là Sở Hành có vấn đề thì họ cũng không được thong dong tự tại giữa đám đông.
Thì cái đó ở đó đâu ra ? Nó là từ khía cạnh của Tâm thiện, nghĩa là gì ? Thẳng đường mà đi, không đi ngang về tắt, không lòn lách lươn lẹo, không mờ ám dấu diếm, đó là khía cạnh của Tâm thiện.
Như vậy mình học được 6 cặp, tức là : TĨNH, KHINH, NHU, THÍCH, THUẦN, CHÁNH. Sáu cặp này nó là những thành tố, những khía cạnh của một Tâm thiện. Nhớ nha.
Thì mình thấy ở trên đó là :
TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY, VÔ THAM, VÔ SÂN, HÀNH XẢ
7 cái này cộng với 12 cái kia là 19. 19 Tâm Sở này được gọi là 19 Tâm Sở Phổ Cập hay là 19 Tâm Sở Phổ Biến Hành, có nghĩa đã là Tâm thiện thì dứt khoát phải có 19 cái này, dù đó là Tâm thiện của Vị Thánh hữu học hay là của một cậu bé phàm phu 7 tuổi, một Tâm đại thiện có Trí tuệ đi kèm hay không có Trí tuệ đi kèm, đã là Tâm thiện thì bắt buộc phải có 19 cái này, tức là 7 cộng 12 bắt buộc, cho nên 19 thành tố tâm lý này được gọi là 19 Tâm Sở Tịnh Hảo Phổ Cập hay là Biến Hành, còn mấy Tâm Sở mà tôi sắp giảng, thì nó không nhất thiết phải có trong mọi tình huống. Nhớ nha.
Tiếp theo mình học về TÂM SỞ GIỚI PHẦN
GIỚI PHẦN là những thành tố tâm lý mang tính năng ngăn chặn khuynh hướng hay là bản năng bất thiện của mình, trong đời sống chúng ta có ba thứ nhu cầu :
1️⃣ Hoạt động
2️⃣ Giao tiếp
3️⃣ Kiếm sống.
Các vị xem có đúng vậy không ? Tức là từ một ông Thủ tướng cho đến một người đánh giày, một người ăn mày vô gia cư trên phố, một người nông dân ở đồng sâu ruộng cày, tất thảy gom gọn đời sống gồm có ba nhu cầu :
1/ Nhu cầu hoạt động nói năng, tay chân, bán buôn, đồng ruộng, nương rẫy, tùm lum hết … nói chung cử động tay chân là nhu cầu hoạt động.
2/ Nhu cầu giao tiếp, liên thông với thiên hạ, mình sống mình không thể nào là một ốc đảo đời đời cô đơn tuyệt giao với thiên hạ, chuyện đó không có, ngay cả những người gác hải đăng thì mỗi nửa tháng, mỗi tháng họ cũng phải đi thuyền vào trong bờ hoặc là thuyền trong bờ phải đi ra tìm họ để chu cấp, hỗ trợ các thứ tiếp liệu. Một đời sống không thể nào không có nhu cầu giao tiếp phải không ? đó là những người gác hải đăng ngoài đảo hoang.
3/ Nhu cầu kiếm sống.
Mỗi người tùy vào điều kiện khả năng bản thân mà chúng ta kiếm sống kiểu nào ? tôi nhắc lại, mỗi chúng sinh đều có ba nhu cầu, nhu cầu hoạt động, nhu cầu giao tiếp, liên thông, tương giao, với người khác với thế giới còn lại, và nhu cầu ba đó là nhu cầu kiếm sống. Khi mình có khả năng tự chủ, kiểm soát được bản thân trong ba nhu cầu đó thì khả năng đó được gọi là GIỚI PHẦN.
CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG.
– CHÁNH NGỮ là khả năng kiểm soát được nhu cầu giao tiếp, có nghĩa là mình chỉ nói ra cái gì mà nó cần thiết đến mức không thể không nói. Nói cái gì mà nó thật sự cần thiết, nói cái gì mà mình không nói không được, nói cái gì mà nó đem lại lợi ích cho bản thân hoặc cho người khác. Đó được gọi là Chánh Ngữ. Khả năng kiểm soát giữ mình trong nhu cầu giao tiếp đó được gọi là Chánh Ngữ.
– CHÁNH NGHIỆP là khả năng kiểm soát giữ mình trong nhu cầu hoạt động, tức là anh làm cái gì cũng trong kiểm soát, trong một nhận thức đầy đủ tỉnh táo và minh mẫn, kiểm soát được bản thân trong mọi hoạt động, nói gọn là trong nhu cầu sống, nhu cầu hành động, thì cái đó được gọi là Chánh Nghiệp.
– CHÁNH MẠNG là khả năng kiểm soát giữ mình trong nhu cầu kiếm sống, ai sống ở đời này cũng phải tay làm hàm nhai hết, phải không ? bụng đói đầu gối bò, phải không ? muốn ăn lăn vào bếp.
Việt Nam mình có mấy câu, có nghĩa là anh không thể nào mà anh sống mà anh không có nhúc nhích, anh không thể nào anh nằm chờ sung rụng, chuyện đó không có, ở đời nói theo trong tinh thần Phật Giáo truyền thống của Pali thì có hai hạng người gọi là nằm chờ sung rụng:
1/ Biếng lười, sống lợi dụng thiếu tự trọng, cứ canh me chờ đợi sơ hở của đời sống để kịp thời tranh thủ, đó gọi là hạng chờ sung rụng, hạng cơ hội.
2/ Bậc Hiền Thánh là người nằm chờ sung rụng, có nghĩa là sao ? không có gì để thích, không có gì để ghét, không có gì để trốn chạy, cũng không có gì để kiếm tìm, cứ tùy duyên mà sống, chờ ngày giũ áo ra đi, nằm chờ duyên tới để Niết Bàn. Như vậy hạng này cũng là hạng nằm chờ sung rụng.
– Nhưng mà hạng một là hạng xài không được, tức là luôn luôn sống cơ hội, sống chờ đợi, chầu chực những sơ hở của thiên hạ để mình kiếm chác cái gì đó chứ bản thân không muốn làm gì hết. Đó là hạng chờ sung rụng.
– Còn hạng thứ hai chờ sung rụng là chờ Duyên tới để ra đi. Ví dụ như đến trước giờ ngọ cơ thể có nhu cầu thì ôm bát đi thôi, chờ duyên là chờ vậy đó, không phải vì đói, vì thèm, vì muốn gặp gỡ chúng sinh. No. Không phải. Vì mang thân này phải nuôi nó, mà muốn nuôi nó thì phải sao ? chờ mặt trời lên ôm bát đi, đó là chờ sung rụng, và cũng không có lòng kiếm tìm học trò đệ tử gì hết. Nó có duyên nó tới, ngồi chờ đó, bản thân ở mình cứ hít thở mỉm cười, hít thở mỉm cười, chánh niệm tỉnh giác, mà đứa nào nó có duyên nó tới, nó tới hỏi thì mình nói, mà thấy đủ rồi là ngưng, mình cũng không có lòng mong đợi được cái gì từ nó.
Đó cũng là ngồi chờ sung rụng.
Các vị có nhớ Ngài Phú Lâu Na ? Chắc dân Bắc Truyền biết tích Phú Lâu Na, các vị bên Bắc Truyền, Nam truyền kêu là Ngài Punna, có nhiều người hiểu lầm, coi Kinh mà coi không tới, cứ nói Ngài Mục Liên là đại hiếu bên Bắc Truyền rồi Bên Nam Truyền Ngài Xá Lợi Phất,…… nói thì Kinh ghi vậy mình biết vậy, nhưng nếu ôm chặc Kinh coi chừng hiểu lầm, Thánh nhân nào mà không Nhẫn ? có ông A La Hán nào Nhẫn thua ông A La Hán nào không ? No, no, không có.
Tất cả A La Hán đều có khả năng Kham Nhẫn giống nhau, không có một xích xê một nanogram nào hết, không có, giống y chang khả năng Nhẫn.
Hết phiền não rồi sao khác nhau được, có vị La Hán nào mà Tâm Từ chênh lệch ? No. Không có. Nhưng mà do Sở hành, do cái hạnh nguyện nhiều đời các vị chứng A La Hán xong thì đi tiếp độ chúng sinh, hóa độ thuần phục những người này, người kia, cho họ được tu hành giải thoát.
Còn có vị vào trong hang sâu núi thẳm ở mình, nhưng lòng nghĩ về đời vẫn là Đại Bi Đại Từ không có khác các vị kia một tí nào hết. Đại Hiếu người đời gọi là Hiếu chứ trong Kinh không có Hiếu, trong Kinh kêu chữ đẹp lắm TRI ƠN.
Cách đây mấy hôm, bây giờ tôi đang ở vùng Pháp của Đức, hiện tôi đang ở vùng Đức của Thụy Sĩ, lúc đó nói cho họ cái đó và họ tuyệt đối chấp nhận chuyện đó, tôi nói quý vị phải điều chỉnh lại, cứ nói là Hạnh Hiếu là Hạnh Phật khi mà tự nhiên mình tập trung chữ Hiếu, mà trong khi thay vì mình nói chữ Hiếu mình nói chữ khác nó hay hơn, nó rộng hơn, nó sâu hơn, nó là chữ TRI ƠN các bài giảng của tôi trong Vu Lan luôn luôn tôi không có nói chữ Hiếu, tôi nói chữ Tri Ơn. Vì sao ? Vì chữ Hiếu nó là một mảnh lấy ra từ Tri Ơn. Bởi vì khi mình tập trung Hiếu mình không có dạy cho người ta Tri Ơn là không được, phải có Tri Ơn, trong Tri Ơn có Hiếu mà trong Hiếu thì chưa chắc có Tri Ơn, bởi vì Hiếu chỉ là Tri Ơn với Cha Mẹ thôi, trong khi đó Tri Ơn nó bao trùm, người ta cho mình củ sắn, củ khoai cũng là ơn, cái áo tui mặc trên người là của bà con cho nè, miếng cơm cái ly nước tôi uống cũng của bà con cho, viên thuốc, đôi dép, chai dầu gió, miếng Salonpas là bà con cho, mình xài mình nhớ cái ơn đó, thì cho nên là các vị thánh vị nào cũng có hạnh giống nhau hết, tự nhiên mình đi tách riêng ra, Ngài Phú Lâu Na là nhân vật rất đặc biệt.
Trong Kinh nói Ngài xin Đức Phật đi về bản quán của Ngài, Ngài hoằng pháp, người dân ở đó rất là hung dữ, Đức Phật Ngài hỏi:
– Nếu về đó người ta bạc đãi ngươi nghĩ sao ? Ngài nói :
– Thế Tôn dạy con thân này bất tịnh, thì mọi tấn công vào nó không nghĩa lý gì hết, nếu họ giết con thì con nghĩ rằng con cũng không có tha thiết gì với nó, còn xài, hết duyên thì thôi.
Tinh thần Phú Lâu Na là một nhân vật rất đặc biệt. Nhớ nha.
Mình đang nói về 3 nhu cầu của đời sống NGỮ, NGHIỆP, MẠNG, 3 nhu cầu đó khi được thực hiện, được diễn ra, được duy trì, trong khả năng nhận thức thì đó được gọi là: CHÁNH NGỮ, NGHIỆP, MẠNG.
Cho nên từ đây về sau nói tới Giới Phần quý vị nhớ Chánh Ngữ, Nghiệp, Mạng là khả năng kiểm soát, giữ mình, trong 3 thứ nhu cầu thiết yếu của đời sống, đó là :
– Nhu cầu hoạt động,
– Nhu cầu giao tiếp,
– Nhu cầu kiếm sống.
Rồi tiếp theo nữa đó là hai TÂM SỞ VÔ LƯỢNG PHẦN.
Tại sao mấy Tâm sở sau này, 6 Tâm Sở sau nó không được gọi là những thành tố tâm lý phổ cập lúc có, lúc không, bởi vì sao ? Là bởi vì khi nào mình có lòng giữ mình, kiểm soát, đối phó, với điều xấu thì khi đó 3 Giới Phần mới có mặt.
Ví dụ như người Bát Quan Trai sau 12 giờ thấy đói bụng, bèn nhớ rằng bữa nay mình không được ăn.
Đó là Giới Phần, nếu mình giữ Bát Quan suốt trường kỳ kháng chiến thì thôi, cứ mỗi lần nhớ sau 12 giờ thì đó là Giới Phần. Hoặc là mình giữ Bát Quan mình thấy ca vũ nhạc kịch mình không có thưởng thức, thì cái đó được gọi là Giới Phần. Khi mình sắp nói câu gì bậy bạ làm tổn thương người khác, ngưng mình không nói nữa, hoặc mình đang ngồi chơi mà thấy người ta bắt đầu nói xấu người khác là mình bỏ đi chỗ khác đừng có ngồi. Đó là Giới Phần.
Và sẳn đây tôi nói luôn, nhiều người cứ nghĩ Giới Phần giữ giới đây có nghĩa là giữ đúng 5 Giới, 8 Giới. No, no… hiểu vậy là trẻ con. Giới phải qua khỏi con số 5 đó.
Thí dụ 5 Giới, trong đó Giới đầu tiên là Giới sát sinh, đâu có đợi tới chuyện mình giết nó. No, no, đó là quá rồi, giết là quá rồi, mình đánh chó, đá mèo, tạt nước sôi bất cẩn không quan sát để chết con này con kia, thức ăn dư, nước dơ mà đổ đại ngoài đất, ngoài cỏ, không có nhìn kỹ có chết, có trúng, có đè con gì không ? Đó là Giữ Giới Sát, không có lòng làm tổn thương, không nói gì làm đau lòng người khác, đó cũng là một khía cạnh giữ Giới, chứ đâu có phải là giữ y bóc tôi không giết ai nghĩa là tôi không trộm cắp, vừa rồi tôi không tà dâm, không nói dối, không uống rượu tôi giữ Giới, ngoài ra tôi tha hồ. No, no, no, hiểu vậy là chết rồi. 5 cái đó là 5 tiêu biểu thôi. Tinh thần Giới Học là gì ? Là không nói, không làm cái gì với ác ý nhắm đến người khác.
Đó là Bậc Hạ.
Còn Bậc Thượng kiểm soát được, biết đây là suy nghĩ, tư duy bất thiện bèn không tiếp tục nữa.
Đó chính là Giới.
Giới thân, Giới khẩu, Giới Ý là vậy đó, chứ còn Giới mà mình hiểu theo nghĩa mà dựa vô mấy con số là chết rồi. Nha. Bởi vì có nhiều người họ cũng Bát Quan, cũng đâu có phạm Bát Giới nhưng mà nói theo trong Kinh là Giới họ như cái rổ nó nát hết. Vì sao ? Là vì họ trong phố lấy cái gì sát sinh, trôm cắp, nói chung 8 Giới họ không có điều kiện phạm, nhưng mà thọ xong rồi xuống bếp nấu ăn, ra vườn làm cỏ tỉa cây, chuyện đó quá đẹp phải không ? quá đẹp chứ đâu có tội lỗi gì đâu. Xong rồi kiếm chỗ nào vắng vắng bóng chat.. chat.. rồi nhắn tin hỏi thăm.. rồi coi tin tức suốt ngày, coi ba cái tào lao mía lao đâu có phạm, trong Bát Quan đâu có cái nào mà cắm mình coi phone phải không ? đâu có, mình đừng nghe ca vũ nhạc kịch thôi đúng không ? Chat nói dóc, tin nhắn, Alo rồi Facebook đâu có phạm gì đâu, trong thời Phật làm gì có Facebook mà cấm đúng không ? đâu có được, nói vậy thì Bát Quan mình không phạm thiệt nhưng mà nó như cái rổ vậy đó. Vì sao ? Vì BÁT QUAN LÀ MỘT HÌNH THỨC THU THÚC LỤC CĂN, rất nhiều người hiểu lầm chỗ này, họ tưởng Bát Quan Trai giữ không phạm 5 Giới, 8 Giới là Ok. No, no, no … hiểu vậy trẻ con lắm, 8 Giới chỉ là cái khung thôi, 8 Giới chỉ là cái rổ thôi, cái rổ nó nhiều lỗ lắm mà mình phải giữ Bát Quan như kiểu cái thau, có nghĩa là nó phải bít kín như vậy đó, 6 Căn phải được kín khuất như cái thau mới được, còn đằng này chỉ có 8 Giới chỉ bảo đảm không phạm mà cái tâm thì nó tung tăng mắt, tay, mũi, lưỡi, rồi mắt tìm cái để nhìn, tai tìm cái để nghe, miễn là đừng nghe nhạc đừng có phim là được rồi, thì bây giờ cái Giới mình như cái rổ vậy đó.
– Giới Phần là 3 Tâm Sở này nó chỉ có khi mình có lòng, tâm trạng mình biết cân nhắc.
– Giới Phần là tâm trạng biết cân nhắc trước những tình huống có thể làm bậy, nói bậy, nghĩ bậy, thì tâm trạng cân nhắc đó nó có tên gọi là Giới Phần.
– Khả năng giữ mình trong 3 nhu cầu giao tiếp, nhu cầu kiếm sống, nhu cầu hoạt động, thì đó được gọi là Giới Phần.
Còn ngoài ra là không.
Nhưng người tu hành thì có 3 tâm thái sau đây :
1/ Khi cần thì là Giới Phần, khi cần là Vô Lượng Phần, khi cần là Tuệ Phần.
VÔ LƯỢNG PHẦN LÀ GÌ ? VÔ LƯỢNG PHẦN LÀ BI VÀ TÙY HỈ.
– Bi là không có đành lòng, không có cam tâm, không có đành dạ khi thấy người khác sống trong Nhân xấu, Quả xấu, nói rõ vậy Từ, Bi, Hỷ, Xả.
– TỪ là mong cho người ta sống trong Nhân lành, Quả lành, mong cho người ta biết sống thiện và được sống an lạc tinh thần vật chất, mong người ta sống trong Nhân lành, Quả lành gọi là Tâm Từ.
– BI là mong cho người ta đừng có tiếp tục sống trong Nhân xấu, Quả xấu.
Mình thấy người ta đói rách, bệnh hoạn mình thương đã đành, mình thấy người ta săn bắn câu cá làm chuyện bậy bạ mình cũng sót vì biết người này đang gieo Nhân xấu mình thấy tội, cái đó gọi là Bi.
– TỪ LÀ MONG CHO NGƯỜI TA SỐNG VỚI NHÂN LÀNH QUẢ LÀNH.
– BI LÀ BIẾT XÓT XA KHI THẤY NGƯỜI TA SỐNG VỚI NHÂN XẤU QUẢ XẤU.
– HỈ LÀ BIẾT VUI KHI THẤY NGƯỜI TA SỐNG TRONG NHÂN LÀNH QUẢ LÀNH.
lòng Từ là chỉ mong thôi, mới có mong thôi, mong cho người ta sống trong Nhân lành Quả lành.
– XẢ LÀ TRẠNG THÁI TÂM BÌNH ĐẠM THANH THẢN KHI XÉT VỀ NGHIỆP RIÊNG CỦA MUÔN LOÀI.
Mình thấy rằng mình có ghét người ta cở nào cũng không có hại được người ta, chỉ có ác nghiệp của người ta mới giết người ta được.
Mình thương ai cở nào cũng nhớ rằng cũng không thể lo cho họ bằng phước riêng của họ. Nhớ nha, mình đọc câu này như nít vậy đó :
– Ta ghét ai cở nào thì ta cũng không thể hại họ như là ác nghiệp của chính họ.
– Ta thương ai đến cở nào thì ta cũng không thể chăm sóc họ được như là thiện nghiệp của chính họ.
Chốt lại thì chính ác nghiệp và hành nghiệp là gia tài của mỗi người và cứ theo đó mà mỗi người có một nếp sống buồn vui thiện ác không giống nhau.
Với khả năng nhận thức như vậy thì mình không có phải nặng lòng khi mà thương, mến, bận tâm ai đó, có một khoảng cách rất là lớn giữa Ái và Từ.
Ái nghĩa là mình thương thích một đối tượng từ góc độ ích kỷ, mình mong muốn cho người ta được hạnh phúc nhưng hạnh phúc với mình, hạnh phúc theo đường hướng của mình vạch ra, mình đưa ra, mình chủ trương. Ví dụ mình thương người đó mà mình muốn người đó phải về sống với mình, Cha Mẹ thương con như vậy đó là Ái, người không học đạo thì không đồng ý cái này nói đó là thương, nhưng mình phải biết đó là Ái.
Lòng Từ là mình hết lòng thương nhưng luôn luôn hiểu rằng nó có nghiệp của nó, nó có chọn lựa riêng cho hướng đời hướng đi của nó, vậy cho nên mình thấy tội nghiệp mình thương mình giúp vậy thôi, mình mong điều tốt làm cho nó nhưng mình mong là một chuyện mà nó có được vậy không là chuyện của nó. Thương bằng nhận thức đó mới gọi là Từ, còn Ái là cứ muốn sở hữu đối tượng và khi đối tượng đó không được như mình muốn bèn khổ.
Thí dụ như mình có thể sẳn sàng nói với người bạn gái của mình, người bạn trai của mình là tôi muốn you được hạnh phúc, tôi muốn you.. bla.. bla.. nhưng mà với điều kiện you hạnh phúc với tôi, giờ you theo thằng Tí thằng Tèo là tôi không cam tâm, tôi không đành lòng, tôi không chịu nổi, tôi chết.. tôi chết.. tôi chết.
Trong khi Từ không có như vậy, Từ là thương nhẹ lắm.
Bây giờ quý vị mới thấy khía cạnh Khinh.
TĨNH, KHINH, NHU, THÍCH, THUẦN, CHÁNH,
Tâm thiện nhẹ lắm.
Ví dụ mình thương kính một vị Thầy mà không có lòng riêng tư, thấy đi bát nắng nôi tội nghiệp mình mời vô, một là mình để bát ngoài đường, hai là mình mời vô nhà cúng dường xong rồi chia tay.
Gió theo lối gió,
mây đường mây,
dòng nước buồn thiểu,
hoa bắp lay …
Còn đằng này khi mình chốt lại nghĩ trong bụng, Sư Phụ của mình bắt đầu không được rồi, mai này mình thấy Sư Phụ vui vẻ cười nói với người nào mình chịu không nổi, nhẹ là ganh tỵ, nặng là ghen tuông. Có chịu nổi không ? Đó gọi là Gato đó. Gato là viết tắt của chữ ghen ăn tức ở.
Mình đang học về hai TÂM SỞ BI VÀ TÙY HỶ.
– BI nghĩa là tâm thái trắc ẩn, động lòng, không cam tâm khi thấy người khác sống với Nhân xấu, Quả xấu.
– HỶ là biết vui với Nhân lành, Quả lành của gười khác.
Vui bằng cách là đứng ở bóng tối nhìn ra, ở xa nhìn lại, chứ không phải vui là nhào tới ôm nhét người ta vô vòng tay của mình. Sai.
Trong bóng tối nhìn ra, xa nhìn lại nó gọi là Tùy Hỉ, không cần người ta biết tới cái vui của mình, thì đó mới gọi là Tùy Hỷ.
Còn mình muốn cho người ta biết mình vui theo người ta thì phải xét lại. Bi và Tùy Hỷ.
VÔ LƯỢNG PHẦN là khả năng giữ mình, Vô Lượng Phần là khả năng hòa tan với vũ trụ, có nghĩa là mình biết chia sẻ thiện ác, buồn vui, của chúng sinh. Chia sẻ bằng cách nào ?
Thấy người ta ác, người ta khổ, mình chạnh lòng trắc ẩn, thấy người ta thiện, thấy người ta sướng, thì mình vui theo, hai cái này được gọi là Vô Lượng Tâm là vì sao ?
Là vì xưa nay không biết đạo mình chỉ bận tâm với người mình thương và người nào có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, liên quan đến tình cảm, với cảm xúc, đời sống của mình thôi.
Bi và Hỷ này chỉ được gọi là Vô Lượng Tâm khi đối tượng nó nhắm tới là không biên giới, không giới tuyến, không phân biệt, không nằm trong sự chọn lựa, chọn lọc.
Đó mới được gọi là BI VÔ LƯỢNG TÂM, HỶ VÔ LƯỢNG TÂM lúc đó hai cái này mới được gọi là : VÔ LƯỢNG PHẦN.
Chữ Phần ở đây, nhiều người thắc mắc đã nói Vô Lượng có chữ Phần nghĩa là gì ? Phần đây có nghĩa Nhóm, từng nhóm :
Nhóm Hôn Phần
Nhóm Tham Phần
Nhóm Si Phần
Nhóm Giới Phần
Nhóm Vô Lượng Phần.
Phần đây là nhóm thôi chứ không nghĩa gì hết.
Trong mấy Tâm Sở vừa học,
– VÔ THAM giúp cho mình khả năng buông bỏ, không kiếm tìm cái chưa có, không thiết tha tìm cái chưa có, không ghì chặt ôm siết cái đã có. Đó gọi là Vô Tham.
– VÔ SÂN là trạng thái không bất mãn, không có dụng ý tống khứ, chối từ, trốn chạy, xóa bỏ, tiêu diệt, tập đổ, phá nát, cái gì hết. Đó được gọi là Vô Sân.
Vô Sân ở trong bốn phụ lực tâm nó thuộc về lòng Từ.
– BI là sự không cam tâm khi thấy người ta sống ác, sống khổ.
– HỈ là biết vui với cái thiện và lòng vui với cái vui của người.
Tùy Hỷ là Hỷ Vô Lượng Tâm.
Cuối cùng nãy tôi nói chúng sinh có ba cách sống :
1/ Sống với Giới Phần
2/ Sống với Vô Lượng Phần
3/ Sống với Tuệ Phần.
– Sống với Giới Phần tức là trong những tình huống cần giữ mình bèn xài ba cái : NGỮ, NGHIỆP, MẠNG.
– Trong tình huống cần nhắm tới chúng sinh để mà yêu thương, để mà chia sẻ, sống để hòa tan với chúng sinh, hòa tan với pháp giới hữu tình lúc đó mình xài VÔ LƯỢNG TÂM.
TUỆ PHẦN
TUỆ PHẦN chính là cái thường trực, một người có tu học luôn luôn và luôn luôn sống trong tinh thần Tuệ Quán làm gì biết nấy, có 2 chữ thôi :
How và What ?
What và How ?
Ta đang như thế nào và cái đang có mặt là cái gì ? thí dụ ta đang đi biết là đang đi, đang ngồi đang nằm biết rõ, đó là biết How, còn What nghĩa là biết rằng nóng lạnh này nè là HỎA GIỚI, cứng mềm này là ĐỊA GIỚI, lay động, áp suất, xê dịch, chuyển động này là PHONG GIỚI, còn sự hòa tan, ngưng tụ, kết dính, này là THỦY GIỚI. Biết tâm tham, tâm sân, biết cái này là ngã mạn, biết này là kiêu ngạo, biết cái này là so hơn so bằng so thua nè.
Rồi biết cái này là tự ti, mặc cảm nè, biết cái này là bủn sỉn nè, biết cái này là tiết kiệm mà không phải bủn sỉn, biết cái này là bủn sỉn chứ không phải là tiết kiệm, biết cái này là hào sảng chứ không phải là phung phí, biết cái này là phung phí chứ không phải hào sảng, thì biết rõ như vậy đó.
Đời sống như vậy đời sống Tuệ Phần, sống bằng Giới Phần, Vô Lượng Phần và sống bằng Tuệ Phần.
Tổng cộng lại thì mình có tất cả là 25 TÂM SỞ TÍCH CỰC.
19 Tâm Sở đầu là trong tất cả mọi tình huống hễ tâm lành là dứt khoát phải có.
6 Tâm Sở sau lúc có, lúc không, lúc chúng ta sống thiện mà không có trí. Có, nó nhiều lắm. Người ta rủ làm thì làm chứ cái đầu trớt quớt nhất là những vị không học giáo lý, phàm phu mà không học giáo lý thì khả năng tư duy của mình rất hạn chế nói gì là Trí tu. Trí văn mà thiếu thì Trí tư và Trí tu cực kỳ hạn chế.
Cho nên khi thiếu kiến thức rồi mà mình dùng cái đầu phàm phu để tư duy thì nó không ra gì hết, cho nên có nhiều vị chủ trương tu không cần học là bởi vì cái này nói phải cẩn thận.
Câu nói đó nếu mà phân tích cho đúng, hiểu cho đúng, câu đó rất là hay. Có nghĩa là :
1/ Đừng dành hết thời gian cho cái học, coi cái học là tất cả là sai.
2/ Học ba mớ tự thấy mình hay rồi coi người khác như rác.
3/ Coi chừng kiến thức, chữ nghĩa sách vở nó trở thành khuôn thước, khuôn chết đóng khung mọi thực tại sinh động của nhất thiết pháp giới.
Nhớ nha, không lấy kiến thức thành cái khung đổ khuôn, một cái khung cứng lạnh, vô hồn, máy móc để đóng khung tất cả những sinh động, những quyền biến đa dạng, thiên hình vạn trạng của nhất thiết pháp giới. Lẽ ra mọi thứ cần phải được nhận thức một cách sinh động và linh động đằng này mình đóng khung. Ví dụ như mình thấy giữ giới, bây giờ tôi tôi lượm đại giới ăn Ngọ. Tại sao phải ăn Ngọ ? Là vì tám trăm lý do :
1/ Nhu cầu sinh tố, dưỡng tố thật sự cho cơ thể nó cần một buổi ăn đàng hoàng là đủ. Như vậy sau đủ đó mà có nạp vô là thừa, là dư, mà đối với y học cơ thể mình thiếu không được mà dư cũng bậy phải không ? Nói theo khoa học đã đủ rồi mà thêm nữa là dư, đã đủ rồi mà rút bớt thành ra thiếu. Cho nên nếu nói về nhu cầu sinh học một bữa ăn đàng hoàng là đủ rồi.
2/ Thêm một bữa ăn là nó thêm một trăm chuyện, đi kiếm tìm nguyên liệu về rồi bảo trì, rồi chế biến, rồi phải dọn dẹp rửa ráy, bao nhiêu chuyện mất thời gian.
3/ Khi cái ăn chỉ ở mức cần và đủ thì Ok.
Chư Phật cũng cũng thọ thực cũng ăn, cũng uống, trong mức độ cần đủ, nhưng qua khỏi cái mức cần đủ thì lúc bây giờ nó thành hưởng thụ, mình người tu mà mình nghe chữ hưởng thụ là đã bậy rồi.
Hưởng thụ là bậy, bất cứ một nhu cầu nào của đời sống có thể lấy bớt mà mình vẫn không sao thì cái đó được gọi là Dư. Nhớ.
Bất cứ một cái nhu cầu trong đời sống rút bớt, lấy bớt mà mình vẫn sống phây phây, cái đó là Dư. Nhớ nha.
Nếu mình hiểu như vậy thì nó quá Ok. Ví dụ như mình thấy không ăn quá Ngọ, nghĩa là sau 12 giờ là không ăn nữa, nhưng ví dụ đi công chuyện về đã 1 giờ rồi. Tôi xin chịu trách nhiệm chỗ này, Tôi xin chịu trách nhiệm chỗ này, Tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi nói ba lần.
Nếu ai hỏi tôi, tôi nói ăn đi, nhưng mà hứa với tôi là buổi thôi. Chứ còn từ sáng giờ anh không có gì ăn hết, mà anh phải hiểu là nếu ăn một buổi anh thấy Ok hơn, mà bây giờ anh đâu muốn ăn trễ tại vì hoàn cảnh ăn trễ đúng không ? Cứ ăn, tôi chịu trách nhiệm. Nhưng mà anh hứa với tôi là no rồi thì thôi chứ đừng có chiều đi kiếm thêm chuối chiên,đậu phộng, chả giò, bánh nướng.. ăn thêm cái đó là bậy. Không.
Tuy nhiên bên cạnh cố định phải có linh động. Tôi nói một ngàn lần bên cạnh Giới Phần, Vô Lượng Phần, anh còn phải có Tuệ Phần là chỗ đó.
Bên Tàu họ nói sống là phải có 4 chữ :
1/ Kinh : Nguyên tắc, khuôn mẫu.
2/ Quyền : Khả năng linh động, quyền biến.
3/ Hành : Tùy lúc mà hành động.
4/ Tàng : Biết lúc nào rút lui.
Sống được 4 cái này mới là Ok.
Đằng này trời đất như là một cái máng, học Kinh, coi Kinh, không học dốt như là con chi chi, mà học ba mớ rồi như là cái máy, như là một đứa bé trả bài. Sai, sai. Mình là một con người không phải là cái máy, mình là một người trưởng thành không phải là trẻ con, mình là một người tỉnh táo không phải là tâm thần, chỉ có một người trưởng thành, một người không bị tâm thần thì mới có thể làm được bốn chữ này, đó là chữ : KINH, QUYỀN, HÀNH, TÀNG, người đó được gọi là người sống với TUỆ PHẦN.
TUỆ PHẦN ở đây nghĩa là gì ? Là TRÍ TUỆ.
Biết cái gì ? Biết Nhân, biết Quả. Nói theo Tạng Kinh, nói theo Tạng A Tỳ Đàm, mà nói Tạng là Tạng tinh thần chốt lại chỉ có một, ví như biển chỉ có một vị mặn thì giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị Giải Thoát.
Chữ TUỆ này mà anh hiểu rốt ráo thì nó chính là khả năng nhận thức được BỐN ĐẾ, nhận thức được TAM TƯỚNG, nhận thức được DANH SẮC vốn dĩ do DUYÊN mà có. Đó là TUỆ ở mức cao nhất.
Còn ở mức tương đối khi mình còn lưu lạc, phong trần ở trong cõi luân hồi thì TUỆ gồm có bảy :
1️⃣ TRI NHÂN
2️⃣ TRI QUẢ
Biết cái này sẽ dẫn về cái gì, và biết cái này từ đâu dẫn tới, biết cái này nó dẫn về cái gì đó gọi là TRI NHÂN.
Biết cái này từ đâu dẫn tới đó là TRI QUẢ.
3️⃣ TRI KỶ
4️⃣ TRI BỈ
Tri Kỷ là biết minh đang cần thêm cái gì, bớt cái gì, chỉnh sửa cái gì hay là đập hết xây lại. Đó là TRI KỶ.
Tri Bỉ là biết đối tượng trước mặt mình là người như thế nào, mình phải đối xử ra sao cho nó phải phép. Đó là TRI BỈ.
5️⃣ TRI THỜI lúc nào làm việc gì mỗi việc nó có một thời điểm lý tưởng cho nó, chứ còn không có đúng lúc là không được, mình nói mình dạy con nhưng mình nhớ là phải cân nhắc mình nói cái gì ? nói kiểu nào ? và nói lúc nào ? đa phần các bậc Cha Mẹ mắc lỗi này, muốn dạy con mà không biết, thấy nó đang đi chơi, bây giời mình có một ngàn lẻ một cách nói, mình phải cân nhắc mình nói cái gì, rồi nói kiểu nào, và thời điểm nào. Đó gọi là TRI THỜI.
6️⃣ TRI HỘI là biết mình đang ở giữa đám đông nào mình phải cân nhắc, bởi vì Tri Bỉ là một đối tượng, hai đối tượng, ba đối tượng, nhưng mà hội chúng nó lớn, nó là đại chúng, nó là giang hồ thiên hạ, giang hồ nó luôn hiểm ác, cho nên mình biết rỏ mình đang ở giữa hội chúng nào.
Tri Bỉ là mình chỉ đối phó với một hai tên thôi, còn cái hội là cả một rừng quân Nguyên, đông như là quân Nguyên ở đó mình phải rút ra một điểm chung nào đó để mà mình có thể đối phó, có thể xử lý. Đấy.
Đó là TRI HỘI, hơi khó, cái này chua àh.
7️⃣ TRI ĐỘ có nghĩa là biết cái gì ở mức độ nào là đủ, ở mức độ nào là thiếu, ở mức độ nào là thừa.
Gọi là TRI ĐỘ.
Biết sao gọi là thiếu, biết sao gọi là đủ, biết sao gọi là thừa, biết được bảy cái này gọi là Tuệ, Tuệ theo Tạng Kinh còn Tuệ theo A Tỳ Đàm cũng y chang như vậy. Biết rõ cái gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt cái gì xấu. Biết. Và cái Tuệ cuối cùng đó là biết ra sự thật, thật ra Tuệ là biết biết đúng sự thật, nhưng mà biết đúng, đúng cái gì ? hồi nảy giờ nói đó, tất cả là biết bảy cái đó cũng gọi là biết đúng sự thật, mà những sự thật đó phải hiểu ở mức độ rốt ráo.
Ví dụ như biết Tri Nhân, Tri Quả biết rằng mọi thứ do duyên mà có, có rồi đều phải mất, hai cái hiểu này nó chính là Tri Nhân Tri Quả. Nhân Quả mà ở mức độ rốt ráo. Nhân Quả ở đây các Ngài còn nói thêm Nhân Quả đây có nghĩa là :
– Tri Nhân là biết Chánh Tạng.
– Tri Quả là biết Sớ Giải.
Nhưng mà cái đó của đời sau, nói mệt lắm, chứ còn theo định nghĩa trong Chánh Tạng là đơn giản nhất.
Chủ nhật tới này chúng ta sẽ bên lớp Kalama Nhật Tụng, bữa đó coi như cũng rắc rối đó, có rất nhiều vị học giả, hành giả, sẽ rất là sốc khi mà chúng tôi nói ra một số chuyện về pháp môn Tuệ Quán là các vị sốc, nhưng mà không thể không nói, như nảy giờ tôi nói là mình học để biết rồi thanh thản sống và hành động trong cái biết đó một cách thông minh, chứ không phải ôm chặc con số là 15, 18, 23 rồi cho rằng đây là chân lý ngoài ra là sai bét, không được, không có thể cho rằng tôi học là tôi hơn cái thằng kia, thằng kia không học là nó dốt hơn tôi. Không được. Cái đó khó nói lắm.
Ở đời thấy vậy chứ không phải vậy, trách nhiệm mình phải học, học để biết, biết để hành động, biết để suy tư cho đúng mức, biết để làm con người, biết để làm phật tử, biết để làm người có tư cách thờ Phật. Đấy. Nhớ không. Và cuối cùng biết để CHẤM DỨT SANH TỬ. Bởi vì nhận thức là nền tảng của hành trì phải không ? muốn hành trì phải có nhận thức, mà muốn nhận thức là phải có kiến thức. Chính kiến thức tạo ra nhận thức, từ nhận thức dẫn đến hành trì, có hành trì dẫn đến Sở Chứng. Nhớ không.
Bây giờ biết mấy giờ rồi, ngay chóc, hay quá. Đồng hồ sinh học.
Chúc các vị một ngày vui và hẹn lại nhau ngày thứ năm, trong lúc giảng lên đồng, giảng là phải lên đồng, mà lên đồng thì quên hết bà con, nhiều khi bà con hờn giận lung tung và cũng biết, bà con thấy tôi cười chứ còn nụ cười này, nụ cười axit chua lét, không biết bằng cách nào, vì lý do nào mà thiên hạ đang dồn sức tấn công Kalama và bản thân chúng tôi một cách rốt ráo không hiểu sao thù giết Cha không bằng, nhưng mà dù sao vẫn nhìn về các vị bằng lòng Đại Bi.
Chúc các vị một ngày vui.
TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN
Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..
* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …
Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????