BIẾT VÀ THẤY

GIỚI THIỆU

Giáo pháp của Đức Phật

Một lần nọ, đức Thế Tôn đang trú giữa những người dân xứ Vajji (Bạt-Kỳ), tại Kotigāma. Ở đó, đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ khưu như sau:

Này các Tỳ khưu chính do không liễu ngộ (ananubodhā), không thể nhập (appativedhā) bốn Thánh Đế mà các người và Ta đã lang thang, lưu chuyển lâu đời trong vòng luân hồi này.

Thế nào là bốn?

  1. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Khổ (Dukkhassa Ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.
  2. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ (Dukkhasamudayassa ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.
  3. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về sự Diệt Khổ (Dukkanirodhassa ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.
  4. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt khổ mà các người và ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.

Như vậy Bốn Thánh Đế là những nền tảng cho Lời dạy của đức Phật, cho Giáo pháp của Ngài. Rồi Ngài giải thích:

1.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Khổ đã được liễu ngộ, đã được thể nhập.
2.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Nguồn gốc của khổ đã đựơc liễu ngộ, đã được thể nhập.
3.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về sự Diệt Khổ đã được liễu ngộ, đã đựơc thể nhập.
4.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt Khổ đã được liễu ngộ, đã đựơc thể nhập.

Khát ái đối với hiện hữu (hữu ái) đã được cắt đứt; khuynh hướng thiên về hiện hữu (Bhava – netti) đã được đoạn tận; nay không còn tái sanh nữa.

Cái gì cần phải được chứng đắc?

Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế này cho chúng ta để đắc chứng Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba, chấm dứt hoàn toàn tái sanh và do đó cũng chấm dứt luôn Khổ. Nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu không có những điều kiện chính đáng. Trong “Kūṭāgāra Sutta” (Ngôi nhà có nóc nhọn), trước tiên đức Phật giải thích những điều kiện cần thiết để làm cho việc đoạn tận khổ có thể xảy ra:

Thực vậy, này các Tỳ khưu, nếu ai nói như sau: “Không xây dựng phần dưới của ngôi nhà nóc nhọn, Ta sẽ dựng lên một mái che”; sự việc này không thể xảy ra.

Cũng vậy, nếu ai nói:

  1. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Khổ (dukkham” ariyasaccam” yathābhūtam” anabhisamecca);
    2. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ;
    3. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về sự Diệt Khổ;
    4. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt Khổ;

Ta sẽ làm cho chấm dứt hoàn toàn Khổ, sự việc này không thể xảy ra.”

Điều này có nghĩa là chúng ta không thể nào đoạn tận khổ (tức chúng ta không thể nào đạt đến Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba) nếu trước đó chúng ta không liễu ngộ Thánh Đế Thứ Nhất (Khổ: Dukkha), và Thánh Đế Thứ Hai (Nguồn gốc của Khổ: Samudaya). Chỉ khi liễu ngộ hai Đế này rồi chúng ta mới có thể liễu ngộ Thánh Đế Thứ Tư thuộc Siêu thế, hay Bát Thánh Đạo Siêu thế.

Con đường duy nhất để đạt đến những sự liễu ngộ này trên hết vẫn phải là thực hành Thánh Đế Thứ Tư hay Đạo Đế Hiệp thế (Lokiya maggasacca), còn gọi là Bát Thánh đạo Hiệp thế hay Tam Học:

– Giới học (Sīla)
– Định học (Samādhi)
– Tuệ học (Paññā)

Đối với các vị Tỳ khưu, giới là chế ngự theo giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pātimokkha), còn đối với hàng cư sĩ thì đó là bát giới hay ngũ giới. Khi chúng ta đã an trú trong giới, chúng ta có thể tu tập cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định (jhāna), từ nền tảng đó chúng ta sẽ tiến hành phát triển tuệ giác, tức là Thiền Minh Sát (Vipassanā). Thiền Minh Sát không nhằm vào một mục đích gì khác ngoài chứng ngộ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của Khổ Thánh Đế và Tập Thánh Đế. Chỉ khi chúng ta hành Vipassanā (Minh Sát) một cách triệt để và chứng ngộ được hai Thánh Đế này, chúng ta mới có thể chứng ngộ Thánh Đế Thứ Tư thuộc Siêu thế, tức Bát Thánh Đạo kết hợp với Đạo Đế Siêu thế (Lokuttara Maggasacca) gồm: Nhập lưu Thánh đạo (Sotāpatti), Nhất lai Thánh đạo (Sakadāgāmi), Bất lai Thánh đạo (Anāgāmi), và A-la-hán thánh đạo.

Tóm lại, mục đích của Thánh Đế Thứ Tư (Bát Thánh Đạo) là để chứng ngộ Niết-bàn. Thánh Đế Thứ Ba, vốn chỉ được thành tựu bằng việc liễu ngộ Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai (Khổ Đế và Tập Đế).

Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai

Nhưng, thế nào là Thánh Đế Thứ Nhất, hay thế nào là Khổ Thánh Đế? Trong “Kinh Chuyển Pháp Luân” (Dhammacakkappavattana Suttam), đức Phật giải thích:

Này các Tỳ khưu, đây là Thánh Đế về Khổ: Sanh là khổ; Già là khổ; Bệnh là khổ; Chết là khổ; gần vật không ưa là khổ; xa vật đáng mến là khổ; không được điều mình muốn là khổ; tóm lại năm thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā) là khổ.

Khi đức Phật dạy về Khổ thánh Đế; Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự hiện hữu của năm uẩn (pañca vokāra bhava) và trừ phi chúng ta biết và thấy được năm uẩn này, bằng không chúng ta không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật. Điều này đựơc đức Phật giải thích trong “Puppha Sutta” (Kinh Hoa: Flower Sutta) như sau:

“Và, thế nào là thực tại tối hậu của thế gian (Loke lokadhammo: thế gian của các hành) mà Như Lai đã chứng ngộ với toàn diện trí?

  1. Sắc (rūpa)
    2. Thọ (vedanā)
    3. Tưởng (saññā)
    4. Hành (saṅkhārā)
    5. Thức (viññāṇa)

Đây thực tại tối hậu của thế gian (the ultimate reality of the world) mà Như Lai đã chứng ngộ với toàn diện trí.

Sau khi chứng ngộ, Như Lai giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, chứng minh, khai mở, làm sáng tỏ thực tại tối hậu ấy.

Khi những thực tại ấy đã được Như Lai giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, chứng minh, khai mở, làm cho sáng tỏ như vậy, nếu có ai vẫn không biết và không thấy, thời Như Lai còn có thể làm được điều gì với con người ngu si, phàm phu, mù lòa, không thấy đường, không biết và không thấy ấy?”

Những thực tại của thế gian mà đức Phật giải thích ở đây chính là năm uẩn, tức Thánh Đế về Khổ và Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ. Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna) Ngài giải thích:

“Tóm lại, này các Tỳ khưu, năm thủ uẩn (Pañcupādanakkhandhā) là khổ như thế nào?

  1. Sắc thủ uẩn (rūpapādānakkhandho);
    2. Thọ thủ uẩn (vedanpādānakkhandho);
    3. Tưởng thủ uẩn (sañnupādānakkhandho);
    4. Hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandho);
    5. Thức thủ uẩn (viññāṇupādānakhhhandho).

Chẳng hạn, trong “Khandha Sutta” (Uẩn Kinh) đức Phật giải thích và phân tích năm thủ uẩn thêm nữa thành ra mười một loại:

“Và, thế nào này các Tỳ khưu, là năm thủ uẩn? Bất cứ sắc nào, hoặc

[1-3] quá khứ, vị lai hay hiện tại (atītā nāgata paccuppannaṁ);
[4-5] bên trong hay bên ngoài (ajjhattaṁ vā bahiddhāvā);
[6-7] thô hay tế (oḷārikaṁ vā sukkumaṁ vā);
[8-9] cao thương hay hạ liệt (lānaṁ vā paṇītaṁ vā);
[10-11] xa hay gần (yam” dūre santike vā); có lậu hoặc, đựơc chấp thủ, thì được gọi là sắc thủ uẩn.

Bất cứ loại thọ nào… tưởng… hành… thức nào dù quá khứ, vị lai, hay hiện tại; bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, xa hay gần, cao thượng hay hạ liệt, có lậu hoặc (sāsava), được chấp thủ (upādāniya), đây gọi là thức thủ uẩn.

Này các Tỳ khưu, như vậy được gọi là năm thủ uẩn.

Năm thủ uẩn này là Thánh Đế về Khổ và như đức Phật giải thích, mỗi uẩn gồm mười một loại. Như thế có nghĩa rằng muốn biết và thấy năm uẩn thì phải biết và thấy được mười một loại của mỗi uẩn này.

Uẩn đầu tiên của năm thủ uẩn cũng còn gọi là Sắc (rūpa), và bốn thủ uẩn còn lại (Thọ, Tưởng, Hành và Thức) gọi chung là Danh (nāma). Như vậy năm thủ uẩn cũng còn gọi là Danh-Sắc (nāma-rūpa).

Muốn biết và thấy danh-sắc như chúng thực sự là, ta cũng cần phải biết và thấy chúng có quan hệ với nhau như thế nào, nghĩa là chúng ta cần phải biết và thấy rằng trong thế gian của năm uẩn (pañcavokārabhava), danh dựa vào sắc. Thế gian của năm uẩn này đã được đức Phật giải thích trong “Loka sutta” (Kinh thế gian). Trong bài kinh, đức Phật giải thích Danh-Sắc dưới dạng mười tám giới (dhātu): sáu căn, sáu trần và sáu loại thức. Ngài nói: Và, này các Tỳ khưu, thế nào là nguồn gốc hay tập khởi của thế gian?

Do duyên mắt và các sắc, nhãn thức khởi sanh (cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhu viññānaṃ).
Với sự tụ họp của ba: mắt, sắc, nhãn thức có xúc (phasso).
Do duyên xúc, có thọ (vedanā);
Do duyên thọ, có ái (taṇhā);
Do duyên ái, có thủ (upaadāna);
Do duyên thủ, có hữu (bhava);
Do duyên hữu, có sanh (jāti);

Do duyên sanh, có già chết (jarā, marana);
Sầu, bi (soke, parideva);
Khổ, ưu, não (dukkha, domanassa, upāyāsa) có mặṭ

Do duyên tai và các tiếng, nhĩ thứ khởi sanh …
Do duyên mũi và các mùi, tỷ thức khởi sanh …
Do duyên lưỡi va các vị, thiệt thức khởi sanh …
Do duyên thân và các xúc, thân thức khởi sanh… (kāyañca paṭicca phoṭṭhabbe ca uppajjati kāya viññānaṃ)
Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi sanh (manañca paṭicca dhamme ca uppjjati mano viññānaṃ)

Muốn biết danh và sắc chúng ta cần biết và thấy như sau:

  1. Các căn môn
    2. Các đối tượng đập vào các căn môn
    3. Các thức (tâm cùng với các tâm sở) khởi lên do sự tiếp chạm ấy .

Như đã được đức Phật giải thích là có sáu căn môn.

  1. Nhãn môn – (cakkhu dvāra)
    2. Nhĩ môn – (sota dvāra)
    3. Tỷ môn – (ghāna dvāra)
    4. Thiệt môn – (jivhā dvāra)
    5. Thân môn – (kāya dvāra)
    6. Ý môn (bhavaṅga) – (mano dvāra)

Năm môn đầu là Sắc (rūpa), và do đó cũng giống như năm trú căn (vatthu = vật hay sở y), riêng môn thứ sáu, ý môn hữu phần (bhavaṅga) là danh (nāma). Ý nương vào loại sắc đươc gọi là sắc ý vật hay tâm cơ (hadaya-vatthu).

Năm môn đầu chỉ bắt lấy những đối tượng thuộc về sắc tương ứng của chúng, trong khi đó ý môn thuộc về danh bắt cả năm đối tượng ấy và những đối tượng riêng của nó. Điều này được đức Phật giải thích trong “Uṇṇābhabrahmaṇa sutta“, mặc dù từ ngữ Ngài sử dụng ở đây là căn (indriya).

Này Bà-la-môn, năm căn này mỗi căn có một cảnh giới khác nhau (visaya), một lãnh vực khác nhau (gocara), và không kinh nghiệm cảnh giới và lãnh vực của nhau.

Thế nào là năm?

  1. Nhãn căn (cakkhundriyaṁ); 2. Nhĩ căn (sotindriyaṁ); 3. Tỷ căn (ghānindriyaṁ); Thiệt căn (hivhindriyaṁ); 5. Thân căn (kāyindriyaṁ)

Này Bà-la-môn, năm căn này có những cảnh giới khác nhau, những lãnh vực khác nhau, không kinh nghiệm cảnh giới và lãnh vực của nhau, có ý (mano), là chỗ y tựa (paṭisaraṇaṃ), và ý nhận thức các lãnh vực và cảnh giới của chúng.

Khi các đối tượng thuộc vật chất đập vào căn môn của chúng, thì đồng thời chúng cũng đập vào Ý môn; các đối tượng khác (không thuộc vật chất) chỉ đập vào ý môn mà thôi. Các đối tượng nào chỉ đập vào Ý môn cũng được kể là những đối tượng không phải Danh-Sắc, do đó không phải thế gian. Như vậy, chúng ta có sáu loại đối tượng (cảnh):

  1. Các cảnh sắc (rūpārammaṇa)
    2. Các cảnh thinh (saddārammaṇa)
    3. Các cảnh hương (gandhārammaṇa)
    4. Các cảnh vị (rasārammmaṇa)
    5. Các cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa)
    6. Các cảnh pháp (dhammārammaṇa)

Cảnh pháp là tất cả những đối tượng hay cảnh ngoài năm loại cảnh thuộc vật chất đã nói trước, nói chung đó là tất cả những cảnh khác trong thế gian. Gồm sáu loại:

  1. Năm loại tịnh sắc thô (pasāda rūpa) tức năm căn môn
    2. 16 loại sắc tế (sukhuma rūpa)
    3. 6 loại thức giới (viññāna dhātu)
    4. 52 tâm sở (cetasika)
    5. Niết-bàn giới, vô vi giới (asaṅkhata dhātu)
    6. Các khái niệm hay chế định (paññatti)

(Đó là khái niệm về hơi thở, đối tượng Kasiṇa, và tên gọi các thực tại tuyệt đối (pháp chân đế), không có những tên gọi này chúng ta không thể truyền đạt được.)

Như đức Phật đã giải thích, khi một trong sáu căn môn tương giao với đối tượng thích hợp của nó, thức sẽ khởi lên. Như vậy chúng ta có sáu loại thức:

  1. Nhãn thức (cakkhu-viññāṇa)
    2. Nhĩ thức (sota-viññāṇa)
    3. Tỷ thức (ghāna-viññāṇa)
    4. Thiệt thức (jivhā-viññāṇa)
    5. Thân thức (kāya-viññāṇa)
    6. Ý thức (mano-viññāṇa)

Trong bài kinh trên, đức Phật cũng giải thích cho vị Bà-la-môn Uṇṇābha biết rằng, khi một đối tượng đập vào một trong năm căn môn, nó cũng đập vào ý môn. Khi hành giả phát triển được định tâm mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy rằng đối tượng được phản chiếu trong Ý môn như trong một tấm gương.

Lúc đó hành giả cũng sẽ thấy ra rằng thức khởi lên nơi một trong những căn môn (vật chất) này rất yếu. Chúng chỉ “đón lấy” đối tượng (abhinipātamattā = pick up). Việc biết đối tượng thực sự được thực hiện bởi một chuỗi các ý thức tâm (mano-viññāṇa) khởi lên sau đó.

Tỷ dụ như, khi một đối tượng vật chất như mầu sắc đập vào nhãn môn, và đồng thời cũng đập vào Ý môn (abhavaṅga = hữu phần), thì một tâm Ý thức (mano-viññāṇa) khởi lên theo sau bởi một nhãn thức tâm, nhãn thức này không “biết” đối tượng; tức là chúng không biết rằng đó là màu sắc. Đối tượng chỉ được biết bằng Ý thức tâm khởi lên sau đó mà thôi.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng để biết danh-sắc chúng ta cần phải biết mỗi loại danh, mỗi loại sắc, và cách chúng tác động với nhau ra sao. Tức là chúng ta cần phải biết:

  1. Sắc của căn môn.
    2. Sắc của đối tượng.
    3. Danh khởi lên nơi môn vật chất (ngũ môn) và nơi ý môn. Nói chung, chúng ta cần phải biết và thấy nhãn môn, đối tượng của nhãn môn (mầu sắc), ý thức và nhãn thức khởi lên khi mầu sắc đập vào nhãn môn. Chúng ta cũng cần phải biết và thấy rằng không có sắc (vật chất) của nhãn môn, thì không có nhãn thức khởi lên, không có sắc của ý căn (sắc trái tim) thì cũng không có ý thực khởi lên, và không có sắc của đối tượng (màu sắc), thì nhãn thức hay ý thức cũng không khởi lên. Đối với tai, mũi, lưỡi và thân, chúng ta cũng biết và thấy như vậy. Chúng ta cũng cần phải biết và thấy rằng có những đối tượng chỉ do ý thức biết mà thôi, ý thức này khởi lên nương theo sắc ý vật (tâm cơ).

Tuy nhiên những thực tại này không chỉ để biết theo khái niệm (chế định), vì cái biết ấy chỉ là biết và thấy sự vật như chúng có vẻ là, mà điều này có nghĩa chúng ta vẫn là hạng phàm phu ngu si, mù lòa không mắt, hạng người không biết và thấy, như đức Phật gọi thôi.

Muốn biết và thấy các pháp như chúng thực sự là chúng ta cần thể nhập vào thực tại cùng tột (hay chân đế – paramattha sacca); nghĩa là chúng ta cần phải biết và thấy danh-sắc chân đế (paramattha nāma rūpa).

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Biết Và Thấy, tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw

Link  cuốn Biết Và Thấy
Link  tải sách ebook Biết Và Thấy (Tiếng Việt)
Link  tải sách ebook Biết Và Thấy (Tiếng Anh)
Link  video cuốn Biết Và Thấy
Link  audio cuốn Biết Và Thấy
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app