HÀNH MINH SÁT 

Khi thực hành minh sát, hành giả quay trở lại việc biết và thấy Thánh Đế về Khổ như nó thực sự là, và Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ như nó thực sự là; tức biết và thấy sự sanh và diệt của cả mười một loại Danh-sắc. Nhưng lần này hành giả biết và thấy chúng dưới dạng vô thường, khổ và vô ngã (anicca-dukkha-anatta). Nói chung hành giả biết và thấy các hành như chúng thực sự là, và suy xét chúng theo những chỉ dẫn đã được đức Phật đưa ra trong bài pháp thứ hai của Ngài “Vô Ngã Tướng Kinh”(Anattalakkhaṇa sutta), để dạy cho nhóm năm Tỳ khưu (Năm vị Kiều Trần Như – Pañca vaggiya bhikhū).

Này các Tỳ khưu, các người nghĩ thế nào?

  1. Sắc là thường hay vô thường?

– Vô thường, bạch Thế Tôn.

  1. Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Khổ, bạch Thế Tôn.

  1. Cái gì vô thường, khổ và phải chịu biến đổi, có hợp lý chăng khi nghĩ như vầy: “Cái này là của tôi (etaṁ mama)”, cái này là tôi (nesohamasmi), “cái này là tự ngã của tôi (eso me attā’ti?)”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

Do vậy, này các Tỳ khưu, phàm có sắc nào, dù quá khứ, vị lai hay hiện tại; bên trong hay bên ngoài; thô hay tế; hạ liệt hay cao thượng; xa hay gần; tất cả sắc ấy phải được thấy như nó thực sự là với chánh trí tuệ như vậy:

“Cái này không phải của tôi (netaṁ mama);
Cái này không phải là tôi (nesohamasmi);
Cái này không phải tự ngã của tôi (na meso attā).

Phàm có thọ nào… Phàm có tưởng nào… Phàm có hành nào… Phàm có thức nào… cần phải được thấy như nó thực sự là với chánh trí tuệ như vầy: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi.”

Nói cách khác, các hành (sankhāra), tức danh-sắc và các nhân của chúng, diệt ngay khi vừa sanh, là lý do tại sao nói chúng vô thường (anicca); chúng phải chịu sanh, diệt liên tục, là lý do tại sao chúng khổ (dukkha); chúng không có tự ngã (atta), hoặc cốt lõi bền vững, bất khả hoại, là lý do tại sao nói chúng vô ngã (anatta).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app