BIẾT VÀ THẤY THÁNH ĐẾ THỨ HAI VÀ THỨ BA

Để đạt đến Niết-bàn chúng ta cũng cần phải biết và thấy Thánh Đế và Nguồn gốc của Khổ (Khổ tập Thánh Đế). Trong Dhammacakkappavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân), đức Phật giải thích Thánh Đế này như sau:

Bây giờ, này các Tỳ khưu, thế nào là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ: chính “ái” này đưa đến một hiện hữu mới (tái sanh), cùng với hỷ và tham, đi tìm lạc thú chỗ này chỗ kia; tức là:

(1) Dục ái (kāmataṇhā)
(2) Hữu ái (bhavataṇhā)
(3) Phi hữu ái (vibhavataṇhā)

Chi tiết hơn, đức Phật giải thích Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ này như Pháp Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên (paṭiccasamuppāda).

“Và thế nào, này các Tỳ khưu, là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ? (dukkha samudayaṁ ariyasaccaṁ)

– Do vô minh làm duyên (avijjā paccayā) hành sanh (saṅkhārā);
– Do hành làm duyên (saṅkhāra paccayā), thức sanh (vññāṇa);
– Do thức làm duyên, danh-sắc sanh (nāma rūpa);
– Do danh-sắc làm duyên, lục nhập sanh (salāyatanā);
– Do lục nhập làm duyên, xúc sanh (phassā);
– Do xúc làm duyên, thọ sanh (vedanā);
– Do thọ làm duyên, ái sanh (taṇhā);
– Do ái làm duyên, thủ sanh (upādāna);
– Do thủ làm duyên, hữu sanh (bhava);
– Do hữu làm duyên, sanh sanh (jāti);
– Do sanh làm duyên, già, chết (jarā, maraṇa), sầu, bi (soka, parideva); khổ, ưu và não (dukkho, domanassa, upāyāsa) sanh.

Đây là nguồn gốc của toàn bộ khổ uẩn.

Như vậy, này các Tỳ khưu, được gọi là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ.”

Ngoài ra, hành giả cần phải biết và thấy bằng cách nào năm nhân trong một kiếp sống (vô minh, hành, ái, thủ, hữu) đưa đến tài sanh, và thế nào là năm quả của nó (thức, danh-sắc, lục nhập, xúc và thọ). Hành giả cũng cần phải thấy được tiến trình trở thành này cứ liên tục từ đời này đến đời khác như thế nào.

Biết và Thấy Thánh Đế Thứ Ba

Tuy nhiên, thấy duyên khởi chỉ như sự sanh khởi của các hành thôi thì chưa đủ; hành giả cũng cần phải thấy duyên khởi như là sự biến hoại và diệt của các hành nữa.

“Và này các Tỳ khưu, thế nào là Thánh Đế và Khổ Diệt? (dukkha nirodhaṁ ariyasaccaṁ)

– Do vô minh diệt, (avijjāya tveva asesavirāga nirodhā), các hành diệt (sankhāra nirodho);
– Do hành diệt, thức diệt;
– Do thức diệt, danh-sắc diệt;
– Do danh-sắc diệt, lục nhập diệt;
– Do lục nhập diệt, xúc diệt;
– Do xúc diệt, thọ diệt;
– Do thọ diệt, ái diệt;
– Do ái diệt, thủ diệt;
– Do thủ diệt, hữu diệt;
– Do hữu diệt, sanh diệt;
– Do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.

Như vậy là sự diệt của toàn bộ khổ uẩn.

Này các Tỳ khưu, đây gọi là Thánh Đế về Khổ diệt.”

Hành giả cần phải thấy sự diệt trong từng sát-na của các Hành diễn ra từ sát-na tâm này đến sát-na tâm khác, tức là biết và thấy Khổ Đế hiệp thế. Và hành giả cũng cần phải tiếp tục (hành) cho đến khi thấy được mình đạt đến A-la-hán quả trong tương lai và nhập vô dư Niết-bàn (paṅnibbāna) sau đó.

Khi hành giả đắc A-la-hán thánh quả trong tương lai, vô minh lúc ấy sẽ bị hủy diệt; do vô minh diệt sẽ có sự diệt không còn dư tàn (avasesa nirodha) của các hành, ái, và thủ. Những nhân sanh khổ này diệt, nhưng bản thân khổ chưa diệt, vì những quả của nghiệp quá khứ vẫn hoạt động, lý do là hành giả vẫn còn có ngũ uẩn.

(Ngay cả đức Phật cũng vẫn cảm thọ những thọ lạc, khổ khi còn ngũ uẩn). Chỉ lúc nhập Vô Dư Niết-bàn (Parinibbāna) ngũ uẩn của hành giả mới diệt không còn dư tàn, và chỉ lúc nhập Vô Dư Niết-bàn Khổ mới hoàn toàn diệt. Như vậy có nghĩa là có hai loại diệt:

  1. Sự diệt lúc chứng A-la-hán Thánh quả.
    2. Sự diệt lúc nhập Vô Dư Niết-bàn.

Nguyên nhân cho ra hai loại diệt này là A-la-hán Thánh Đạo Tuệ, tức Tuệ thấy và biết Niết-bàn (Vô vi – asaṅkhāta), hay Thánh Đế về sự Diệt Khổ nhưng điều này không có nghĩa rằng, vào lúc hành giả nhìn vào tương lai và thấy, biết việc chứng A-la-hán thánh quả cũng như Bát Niết-bàn của mình là hành giả biết và thấy Niết-bàn đâu, mà phải hiểu rằng ở giai đoạn này hành giả không biết và thấy Niết-bàn. Ở giai đoạn này hành giả chỉ biết và thấy được khi nào thì năm nhân làm phát sanh các hành diệt, không còn các hành nữa. Với trí đó, hành giả hiểu ra rằng việc Bát Niết-bàn – Parinibbāna của hành giả chắc chắn sẽ được chứng đắc vậy thôi.

Không thấy đựơc điều này, đức Phật nói hành giả không thể chứng đắc Niết-bàn, mục đích của sa môn hạnh, mục đích của Bà-la-môn hạnh.

“Này các Tỳ khưu, các sa môn hay Bà-la-môn (samaṇā vā brāhmanāvā) nào

  1. không tuệ tri già-chết,
    2. không tuệ tri nguồn gốc của già-chết (samudaya),
    3. không tuệ tri sự đoạn diệt của già-chết (nirodha) và không tuệ tri
    4. con đường đưa đến sự đoạn diệt của già chết (nirodha gāmini paṭipadaṁ);

Những ai không tuệ tri sanh … hữu… thủ… ái… thọ… xúc… lục nhập… danh-sắc… thức… hành, nguồn gốc hay tập khởi của chúng, sự đoạn diệt của chúng, và con đường đưa đến sự đoạn diệt của chúng; những người ấy Như Lai không xem là những sa môn trong các sa môn, hoặc những Bà-la-môn trong các Bà-la-môn, vì những tôn giả ấy không tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích của sa môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.”

Nhưng ở đây hành giả có thể chứng và trú trong mục đích của sa môn hạnh, hành giả có thể thấy được các pháp này, vì hành giả đã tu tập định tâm mạnh mẽ. Trong kinh “Samadhi sutta” đức Phật giải thích:

“Này các Tỳ khưu, hãy tu tập định. Sau khi đắc định vị Tỳ khưu sẽ tuệ tri các Pháp (Dhamma) như chúng thực sự là (yathā bhūtaṁ pajānāti).

Và vị ấy tuệ tri các pháp như chúng thực sự là như thế nào?

  1. Tập khởi và sự đoạn diệt của sắc (rūpassa samudayañca atthaṅgamañca),
    2. Tập khởi và sự đoạn diệt của thọ (vedanāya samudayañca atthaṅgamañca),
    3. Tập khởi và sự đoạn diệt của tưởng (saññāya samudayañca atthaṅgamañca),
    4. Tập khởi và sự đoạn diệt của các hành (saṅkhārānaṁ samudayañca atthaṅgamañca),
    5. Tập khởi và sự đoạn diệt của thức (viññāṇassa samudayañca atthaṅgamañca).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app