Nội Dung Chính
BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀṬIMOKKHA SAṂVARASĪLA)
I. Bốn điều bất cộng trụ (pārājika)
Biệt biệt giải thoát thu thúc giới nghĩa là giữ đặng 1 giới khỏi phạm 1 tội. Bất cộng trụ nghĩa là không được ở chung với các tỳ khưu khác.
1. Hành dâm (methuna dhamma)
Tỳ khưu hành dâm phạt Bất cộng trụ. Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại xứ Kalanda, gần thành Vesālī, do tỳ khưu Sudinna hành dâm với vợ cũ.
Chú giải: Tỳ khưu đã thọ Cụ túc giới và nuôi mạng chơn chánh theo các vị khác, rồi chưa xả tam y hoàn tục mà hành dâm, dầu là dâm với súc sanh, cũng phạm bất cộng trụ.
Tỳ khưu là người đã thọ Cụ túc giới theo chánh pháp của Phật đã khẩu truyền cho tăng chúng thu nhận, rồi hòa hợp tiếp nối tương truyền[21] cho nhau bằng lời tụng tuyên ngôn 4 lần (catutthakammavācā) tránh khỏi 5 điều hư hỏng là: hư hỏng vì giới tử (vatthuvipati)[22], hư hỏng vì đọc sai giọng Phạn ngữ (natthivipati)[23], hư hỏng vì hỏi thiếu (anussavanavipati)[24], hư hỏng vì địa phận tăng hành sự phân ranh không đúng phép (sāmāvipati), hư hỏng vì thiếu số tăng (purisavipati)[25]. Như thế mới gọi là tỳ khưu. Tỳ khưu là người đi xin ăn, là xin được hoặc không cũng vẫn tự nhiên, xin theo thể thức của bậc thánh nhơn. Sớm mai mặc y cho kín mình, mang bát đến đứng trước nhà của thí chủ không kêu gọi xin ngay nơi người nào, cũng không liếc xem thí chủ là người cao, thấp, trắng, đen, mập ốm, trai, gái.
Tỳ khưu dầu già, trẻ, cao hạ hoặc mới xuất gia, nếu có sự biết mình[26], cố ý muốn bỏ tướng mạo tỳ khưu và tỏ lời xả điều học (giới) không nói chơi, không nói lầm lộn, mới gọi là xả điều học. Còn đọc xả điều học có 22 cách, nhưng đây chỉ kể vài câu thường dùng là: sikkhaṃ paccakkhāmi (tôi xin xả điều học), vinayaṃ paccakkhāmi (tôi xin xả luật), gihītimaṃ dhārehi (xin ngài ghi nhớ rằng tôi là người thế), upāsakotimaṃ dhārehi (xin ngài ghi nhớ rằng tôi là người cận sự nam). Tỳ khưu có lòng thiệt xả bỏ điều học đến vị nào, vị ấy được nghe và biết rõ lời xả ấy. Như thế mới gọi là xả điều học.
Về sự hành dâm (methuna dhamma) là để ngọc hành của mình vào khiếu của người, của thú sống hoặc chết song khiếu chưa rã, hoặc chưa bị thú bươi mổ nhiều chỗ, dầu cho ngọc hành vào bằng 1 hột mè hoặc bằng đầu sợi tóc, vì lòng vui thích, hoặc có kẻ khác dọa dẫm đè ép ngọc hành của mình rồi vui thích trong 4 thời là: lúc để ngọc hành vào, cho ngọc hành vào khiếu, khi vào rồi để đó, rút ngọc hành ra. Hoặc ngọc hành của mình dài rồi đem vào miệng mình, hoặc lưng điệu xuống mút ngọc hành của mình vì lòng vui thích. Những thể cách như thế gọi là hành dâm. Tỳ khưu hành dâm phạm tội bất cộng trụ (pārājika), không được phép hành tăng sự chung cùng các vị tỳ khưu khác.
30 khiếu phát sanh chỗ hành dâm là: nữ nhơn có 3 khiếu, nữ phi nhơn có 3 khiếu, thú cái có 3 khiếu. Chúng sanh có 2 bộ sanh trược khí: nhơn có 3 khiếu, phi nhơn có 3 khiếu, thú có 3 khiếu, nam nhơn có 2 khiếu, phi nhơn nam có 2 khiếu, thú đực có 2 khiếu, bộ nấp nhơn có 2 khiếu, bộ nấp phi nhơn có 2 khiếu, bộ nấp thú có 2 khiếu. Tổng cộng là 30 khiếu.
Về phần thú như vầy. Thú không thuộc loại mình dài như rắn. Thủy tộc như cá, rùa v.v… đều có 3 khiếu vừa cho ngọc hành vào, dầu chỉ bằng hột mè hoặc cọng tóc. Như thế là vật của tội bất cộng trụ. Những khiếu nhỏ hơn là vật của tội “tác ác”. Về loại có 2 chân như: quạ, gà v.v…, Thú có 4 bốn chân như thú nhỏ. Nên hiểu là vật của tội “bất cộng trụ” và “tác ác” như đã nói.
Tỳ khưu có mụt ruồi hoặc lông mọc nơi ngọc hành của mình còn biết sự tiếp xúc, cho vào 1 trong 30 khiếu như đã nói, dầu khiếu ấy mà da và thịt đã lột lở hết, song khiếu còn rõ rệt, nếu có ý muốn, rồi hành dâm thì phạm tội bất cộng trụ. Tỳ khưu có lông hoặc mụt ruồi mọc nơi ngọc hành, không còn biết sự tiếp xúc, cho vào khiếu như đã giải phạm tội tác ác. Nếu các khiếu ấy đã lở hết, dầu hình dạng các khiếu ấy chẳng còn sót, mà tỳ khưu cố ý cho ngọc hành vào nơi ấy phạm “Trọng tội”.
Tỳ khưu cho ngọc hành vào nhãn môn, nhĩ môn, tĩ môn, và thẹo ghẻ (phạm khí giới) của loài người phạm “trọng tội”. Thẹo ghẻ, lỗ mũi của thú lớn như voi, ngựa, tử thi của loài người bị thú ăn nửa thân mình chưa sình, lưỡi hoặc răng bày ra ngoài miệng, đều là vật của “trọng tội”. Lỗ mắt, lỗ mũi, miệng, ghẻ trong thân loài thú nhỏ không thể cho ngọc hành vào được và khiếu đã lở, trong tử thi của người đã sình, đều là vật của tội tác ác. Tỳ khưu để ngọc hành vào miệng tử thi không đụng các phía, phạm tác ác.
Những điều giải trên là phần phạm tội. Còn về thể thức không phạm tội trong điều học này là: Tỳ khưu không biết, không vui thích hoặc điên, tâm tán loạn, bị bịnh hôn mê và tỳ khưu phạm đầu tiên hết. Tỳ khưu ngủ quên (mê) có người đến hành dâm mà không hay biết không phạm tội song chẳng vui thích chi cả, như thế gọi là không vui thích không phạm tội. Tỳ khưu điên hoặc có người làm cho tâm tán loạn, tỳ khưu bị bịnh nặng làm cho tâm hôn mê, như thế gọi là hôn mê, không phạm tội. Tỳ khưu hành dâm đầu tiên (trước hết) làm cho đức Thế Tôn ra điều luật cấm chế như tỳ khưu Sudinna phạm tội hành dâm trước hết các tỳ khưu khác, gọi là “người phạm đầu, bị cấm chế” (ādikammika), không phạm tội.
Lại nữa, điều học không phạm tội bất cộng trụ vì dạy kẻ khác (anāṇattika). Song không khỏi phạm tội tác ác (dukkhata). Có 2 chi: ý tính hành dâm (sevanacittaṃ), cho ngọc hành vào khiếu, tiếp xúc nhằm một chỗ khiếu nào (maggena maggapaṭipādanaṃ). Như thế mới phạm tội bất cộng trụ bằng không đủ 2 chi cũng không phạm tội.
Ðiều học này có 1 chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) gọi là chỗ sanh tội điều học Bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika samuṭṭhāna), nghĩa là phát sanh do thân, và ý 1 chỗ sanh, phạm vì làm (kirayā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời chê trách (lokavajja), phạm do thân nghiệp (kāyakamma), ác tâm (akusalacitta), thọ vui và vô ký (dvivedanaṃ).
2. Trộm cắp (adinnādānā)
Tỳ khưu trộm cắp của người đáng giá 5 māsaka[27] trở lên phạm tội bất cộng trụ. Điều học này đức Thế Tôn cấm chế tại núi Kỳ Xà Quật (Gijjakūta) gần thành Vương Xá (Rājagaha) do tỳ khưu Dhaniya lấy cây của vua Tần Bà Sa (Bimbisāra) đem đi cất tịnh thất.
Chú giải: Thể thức trộm cắp có 6 là.
1) Kiện lấy (adiyana): là kiện lấy ruộng vườn, đất của kẻ khác về làm của mình. Trong khi kiện phạm tội tác ác. Khi chủ đất nghĩ rằng: “ta được hay không được” tỳ khưu phạm trọng tội. Khi chủ bỏ hẳn rằng “không còn là của ta nữa” và tỳ khưu quyết định không trả của ấy lại cho họ mới phạm tội bất cộng trụ. Nếu tỳ khưu thầm tính, chỉ dọa dẫm thôi thì chưa phạm bất cộng trụ. Khi nào cả 2 bên là tỳ khưu chắc chắn không trả lại cho chủ và chủ cũng đã định bỏ của ấy không kêu nài, mới phạm tội bất cộng trụ.
2) Tiếp đem đi (harana): tỳ khưu tiếp (đội, vác) đem của người đi. Nếu cố ý rờ đụng vật (đội) ấy, phạm tội tác ác; mỗi lần rờ đụng làm cho vật ấy cử động qua lại phạm trọng tội; mỗi lần cử động để vật ấy xuống vai hoặc dở hỏng đầu phạm bất cộng trụ; còn về gánh vác trên vai và đem cầm nơi tay cũng kể như đội trên đầu.
3) Dấu nói ngược (ayaharana): tỳ khưu lãnh của người gởi, khi người chủ đến đòi, tỳ khưu cố ý giấu rồi nói ngược lại rằng: “Ta không biết, ta không có lãnh của người đâu”, cố ý như thế phạm tội tác ác; làm cho người chủ nghi ngờ, phạm trọng tội. Khi người chủ tính bỏ vì không đòi được, và tỳ khưu quyết định không cố ý trả lại, phạm bất cộng trụ[28].
4) Làm cho đổi oai nghi (iriyapathavikopana): tỳ khưu cố ý trộm cắp đem của cải và người mang của, rồi đuổi người mang của ấy, đi khỏi bước đầu theo ý mình phạm trọng tội, đi khỏi bước thứ nhì phạm bất cộng trụ.
5) Dời khỏi chỗ (thānācāpana): tỳ khưu tính trộm cắp của để trên khô hoặc trong nước, rồi đụng chạm nhằm, phạm tác ác; làm cho vật cử động tới lui, phạm trọng tội; làm cho vật ấy ra khỏi chỗ, phạm bất cộng trụ.
6) Qua khỏi chỗ quan thuế tra xét (sanketavitināmana): tỳ khưu biết chỗ quan thuế đi đến chỗ tính không đóng thuế, cố ý rờ đụng cầm lấy vật mà mình đem đi, đánh giá thuế 6 cắc, phạm tác ác; đi bước đầu ra khỏi chỗ quan thuế phạm trọng tội, qua bước thứ 2 phạm bất cộng trụ.
Lại nữa, tỳ khưu dạy các vị khác đi trộm cắp rằng “ông đi trộm lấy vật ấy”, tỳ khưu dạy phạm tác ác trong lúc dạy. Tỳ khưu đi trộm phân biện rằng của này hoặc vật này, hoặc biết rằng vật khác, rồi đi lấy được theo lời dạy như thế, cả 2 đều phạm tội. Nếu tỳ khưu trộm cắp phân biện rằng vật này hoặc vật khác, rồi trộm được vật khác, ngoài ra vật của tỳ khưu dạy đi ăn trộm và đã nhứt định, như thế tỳ khưu dạy không phạm, tỳ khưu đi trộm phạm bất cộng trụ thôi.
Tỳ khưu dạy rằng “ông đi trộm của ấy, vật ấy của người kia trong giờ nào, trộm trong giờ ấy”. Như thế, nếu tỳ khưu dạy trộm được theo giờ đã định, cả 2 tỳ khưu đều phạm tội bất cộng trụ trong giờ trộm. Nếu trộm ngoài giờ dạy, tỳ khưu dạy không phạm, tỳ khưu trộm phạm tội bất cộng trụ. Nhiều tỳ khưu rủ nhau đi trộm, chỉ có 1 vị trộm được, cả thảy cũng đều phạm tội bất cộng trụ.
Tỳ khưu hăm dọa cho người sợ, để lấy của như của bọn trộm cướp, phạm bất cộng trụ. Tỳ khưu đổi thẻ có viết tên vị khác mà thí chủ để trên y đem bố thí; lấy thẻ của người cao giá, hoặc thấp hơn hoặc bằng giá như nhau, để gần của phần mình, tỳ khưu cắm thẻ của mình lên, vì muốn để trong phần của người khác, lấy thẻ của mình hoặc của người, mà chưa đổi thẻ để xuống, phần của người về mình, phần của mình về người thì chưa phạm, khi đổi xong, để thẻ xuống rồi mới phạm bất cộng trụ.
Lại nữa, tỳ khưu tính trộm của người rồi đi, lúc đi trộm, đi mỗi bước là 1 Tác ác, rờ đụng nhằm cũng phạm tác ác, làm cử động của trộm phạm trọng tội. Đến khi trộm được của đáng giá 1 cắc, phạm tác ác. Nếu của ấy đáng giá hơn 1 cắc trở lên, chưa đến 6 cắc, phạm trọng tội. Của ấy đáng 6 cắc hoặc nhiều hơn phạm bất cộng trụ.
Lại nữa, điều học trộm cắp này rất sâu xa, vi tế có giải trong luật (sāmantapāsādika). Đây chỉ giải tóm tắt vậy thôi, và chư vị A-la-hán có dạy: điều học này rất cao sâu, khó định nghĩa được. Cho nên khi có người tố cáo tỳ khưu trộm cắp, dầu luật sư có hỏi theo thể thức trộm cắp, nếu thấy cũng không nên vội định tội, nên hỏi đến 5 điều này trước: vật (vatthu), giờ (kāla), xứ (puratesa), giá (agha), dùng (paribhoga). “Vật” là của tỳ khưu trộm, đem vật ấy đến hỏi tra coi, vật ấy có chủ hay không, nếu có chủ, sau khi trộm được, chủ còn thương tiếc hay bỏ. Nếu chủ còn thương tiếc, phải xử theo giá vật trộm, bằng chủ đã bỏ, không nên xử phạm bất cộng trụ. Nếu chủ đòi thì nên trả lại, như thế mới là chơn chánh. “Thời” là lúc trộm vật ấy, có khi của ấy cầm giá, có khi lên giá. “Xứ” là chỗ mà tỳ khưu trộm của được, trộm trong xứ nào, phải xử theo giá trong xứ ấy. “Giá” là giá của vật trộm đã dùng rồi hoặc chưa. Nếu vật ấy người đã dùng rồi thì giá rẻ. Ấy là 5 điều nên tra hỏi trước.
Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng là của mình rồi cầm lấy, lấy vì thân thiết với nhau, mượn nhau để dùng, vật ấy của tinh, quỉ hoặc súc sanh, không phải của người lượm ngoài đường là vật không có chủ và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác trộm (sāṇattika) có 5 chi: của người gìn giữ (parapariggahitaṃ); tưởng là của người gìn giữ (parapariggahitasaññitā); của ấy đáng giá 1 bát [29] hoặc cao hơn (garuparikkhāro); ý tính trộm cắp (theyyacittaṃ); đã trộm được theo lẽ đã giải trước (avaharanaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.
Điều học này có 3 chỗ sanh gọi là “chỗ sanh tội trộm cắp” (adinnādānā samuṭṭhāna), là tội sanh do: thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi tội vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), ác tâm (akusalacitta). Có 3 thọ: thọ khổ (ekāvedanā), thọ vui (dvivedanā), thọ vô ký (tissovedanā).
3. Giết người (manussa viggaha)
Tỳ khưu cố ý giết người phạm tội bất cộng trụ.
Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại phước xá [30] có đãnh trong rừng Tuyết sơn, gần thành Vesāli do chư sư sát hại lẫn nhau vì được nghe đức Phật giảng giải sự ô trược và điều khổ của thân ngũ uẩn, rồi tưởng lầm, nên giết lẫn nhau cho hết khổ.
Chú giải: Tỳ khưu cố ý giết người, dầu là bào chế thuốc uống, đập, đánh, chỉ cách giết, hoặc để khí giới giết người, hoặc giảng lời tặng khen về sự chết rằng: người sống có ích chi, xấu xa, đê hèn, không bằng chết còn hơn, chết sanh về cõi vui hoặc dạy cách chết, là dạy “người nên đâm họng, nên uống thuốc độc…” giải như thế mà người chết trong khi ấy, hoặc lâu ngày mới chết, tỳ khưu phạm bất cộng trụ. Người là vật của bất cộng trụ, không phải người tinh, quỉ (phi nhơn) là vật của trọng tội, thú là vật của ưng đối trị.
Tỳ khưu dạy người giết có 6 điều: 1) Định giết người: Dạy kẻ nào, người chịu lời đi giết kẻ ấy thì phạm tội cả 2 người (người dạy và người đi giết), nếu giết lầm kẻ khác, người bảo không phạm bất cộng trụ; 2) Định giờ: Nếu người chịu lời, giết ngoài giờ dạy, thì người dạy không phạm bất cộng trụ; 3) Định chỗ: Nếu tỳ khưu dạy giết người ở trong nhà này, nơi khoảng trống kia, mà người chịu lời đi giết ngoài chỗ đã định, thì người dạy không phạm bất cộng trụ; 4) Định khí giới: Dạy người giết bằng đao, chĩa, người chịu lời lại đi giết bằng khí giới khác, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ; 5)Định oai nghi: Dạy giết kẻ đứng hoặc đi, người chịu lời lại giết kẻ ngồi hoặc nằm, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ; 6) Định cách giết: Dạy giết bằng cách đâm hoặc chém, người chịu lời lại giết bằng cách đánh hoặc cưa, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ.
Lại nữa, nếu người chịu lời đi giết không được, người dạy bảo thêm rằng: nếu ngươi có thể giết được giờ nào nên giết giờ ấy, như thế dầu là lâu đến đâu, người giết chắc sẽ giết được, người dạy phạm trọng tội trong lúc dạy, người giết phạm tội trong khi giết.
Tỳ khưu đào giếng, đào hầm, gài bẫy, để khí giới hoặc bỏ thuốc độc để giết người, nếu muốn giết người nào, người ấy chết mới phạm tội, bằng không định, nghĩ rằng: “nhằm kẻ nào thì kẻ ấy chết”, như thế phạm tội theo hạng người chết; như nhằm A-la-hán, cha, mẹ của tỳ khưu ấy chết thì phạm ngũ ngịch đại tội và “Bất cộng trụ”. Nếu kẻ khác hoặc tinh, ngạ quỉ, hoặc thú chết thì phạm trọng tội hoặc ưng đối trị. Nếu tỳ khưu đưa bẫy, viết thơ cho kẻ khác hoặc bán cho người đem dùng để giết thì phạm tội cả 2 bên. Nếu tỳ khưu ăn năn, đi đòi hoặc mua vật ấy lại thì mới khỏi tội. Tỳ khưu tự mình làm bẫy, viết thơ nên đem đốt cho hết mới khỏi tội. Nếu đốt chưa cháy hết, kẻ khác đem giết người, tỳ khưu cũng không khỏi tội; thơ chưa cháy tiêu có kẻ khác đem học biết cách để giết người, rồi giết theo thơ ấy, tỳ khưu cũng không khỏi tội.
Tỳ khưu đào giếng, đào hầm cho sanh vật chết, lúc đào phạm tội tác ác mỗi lần đào; nếu thú, phi nhân sa vào bẫy, tỳ khưu phạm tội tác ác, thú chết phạm ưng đối trị, phi nhơn chết phạm trọng tội; người mắc bẫy phạm trọng tội, chết phạm bất cộng trụ.
Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý giết, không biết (như không biết trong cơm có thuốc độc, đem cho kẻ khác ăn rồi chết và tỳ khưu điên đều không phạm tội).
Ðiều học này “phạm tội vì dạy kẻ khác giết” (sānatika) có 5 chi: loài người (manussajātipāno), biết là người có sanh mạng (pānasaññiṭā), cố ý giết (upakkamo), ráng sức giết 1 trong 6 điều đã giải (vadhakacittaṃ), người ấy chết vì nình ráng sức (tena maranaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.
Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā samuṭṭhāna), phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha). Cố ý (sacittaka), phạm vì tội đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (ekāvedanā).
4. Khoe pháp bậc cao nhơn (uttarimanussadhamma)
Tỳ khưu khoe pháp của bậc cao nhơn là pháp của người cao thượng mà tự mình không có, phạm bất cộng trụ.
Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại phước xá, có đỉnh (kutāgārasālā), trong rừng Tuyết Sơn gần thành Vesāli, do nhóm tỳ khưu tu gần mé sông Veggumudā khoe pháp bậc cao cho người tín ngưỡng bố thí.
Chú giải: Tỳ khưu chưa giác ngộ, song là người ham muốn sự tặng khen, rồi khoe rằng đắc pháp bậc cao thượng, mà tự mình chưa được, nếu có người biết nghe rõ, trong khi ấy, sau rồi bị tra hỏi hoặc không bị tra hỏi, tỳ khưu ấy cũng phạm bất cộng trụ trong khi khoe ấy. Dầu muốn được trong sạch, hoàn tục rồi trở lại nói rằng: “Tôi không đắc đạo cao nhơn cố ý nói đắc, là tôi nói dối”, như thế ấy cũng không phạm bất cộng trụ.
Pháp của bậc cao nhơn là “4 thiền hữu sắc, 4 thiền vô sắc, lục thông [31]; 4 đạo, 4 quả và Niết-bàn, 37 phần pháp Bồ đề; không tham, không sân, không si, 3 cái giác, 8 cái giác…” Đều là pháp của bậc cao nhân, vì người nào đắc các pháp ấy đều gọi là bậc cao thượng hơn thường nhơn.
Tỳ khưu không có pháp cao nhơn trong mình mà nói rằng “ta đắc sơ thiền… ta đắc thần thông, ta đắc quả…”, nói như thế, khi tính nói cũng biết ta sẽ nói dối, lúc đang nói cũng biết ta đang nói dối, khoe đến kẻ nghe khác, kẻ ấy dầu là bậc xuất gia hay cư sĩ được hiểu biết trong khi ấy rằng: “Vị tỳ khưu đã đắc thiền định đạo quả…”. Họ tin thiệt hoặc họ không tin lời nói thiệt, tỳ khưu cũng phạm bất cộng trụ. Nếu nói đến người nghe, không hiểu biết, tỳ khưu phạm trọng tội. Muốn khoe khoang mà nói mé rằng “người nào mà ngụ trong chùa này đều là người đắc thiền định”, người nghe hiểu biết trong khi ấy, tỳ khưu phạm trọng tội; người nghe không hiểu biết, tỳ khưu phạm tác ác.
Thể thức không phạm tội: Nói thiệt rằng mình đã đắc… không cố ý khoe và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.
Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác khoe (anāṇattika), có 5 chi: khoe pháp cao nhơn mà tự mình không có (uttarimanussadhammassa atāni asantatā); khoe vì muốn được lợi, được khen (pāpicchatāya tassa ārocanaṃ); khoe theo lời của người khác (anaññāpadeso); khoe nói đến người nào, người ấy là loài người (yassu āroceti tassa manussajātikatā); khoe mà người nghe hiểu biết rõ rệt trong khi ấy (taṃ khanaṃ vijānanam). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.
Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học trộm cắp (adinnādānā).
Ðức Phật giải về 5 bọn cướp lớn:
Này các tỳ khưu, trong Phật pháp này có 5 bọn tỳ khưu cướp lớn. Này các tỳ khưu! 5 bọn tỳ khưu cướp lớn như thế nào?
Này, các tỳ khưu! Có bọn cướp lớn trong thế gian, suy xét rằng: bao giờ ta được 100 hoặc 1000 bộ hạ quy thuận, ta sẽ vào trong xóm, làng, châu, quận giết hại đốt phá hoặc bảo kẻ khác giết hại đốt phá dân cư ấy. Ðến sau, bọn cướp ấy được 100 hoặc 1000 người tùy tùng, rồi đem nhau vào xóm, làng, châu, quận đánh đập giết hại các cư dân ấy, thế nào. Này các thầy tỳ khưu! Sự suy xét của tỳ khưu ác trong Phật pháp này cũng như thế. Tỳ khưu ác ấy suy xét rằng: bao giờ ta được 100 hoặc 1000 người sùng bái, ta sẽ vào xóm, làng, châu, quận, ta sẽ được các thứ y, món ăn, chỗ ở và thuốc men mà các hàng cư sĩ hoặc bậc xuất gia thành tâm cúng dường. Đến khi sau, tỳ khưu ác ấy được 100 hoặc 1000 người phục tùng, rồi vào xóm làng châu, quận, xin được y, vật thực, chỗ ở và thuốc men mà các hàng cư sĩ hoặc bậc xuất gia hết lòng tôn kính cúng dường. Nầy các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ nhất, có rõ rệt trong thế gian.
Nầy các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa: trong Phật pháp này, có tỳ khưu ác, học hỏi pháp luật mà Như Lai đã giảng giải, rồi tự thiêu đốt lấy mình[32]. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi kẻ cướp lớn thứ nhì, có rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa trong Phật pháp này có bọn tỳ khưu khác vô cớ[33] tố cáo tỳ khưu trì giới thanh cao đang hành pháp cao thượng trong sạch, rằng tu hành không cao thượng[34]. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ ba, có rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa trong Phật pháp này có tỳ khưu ác, muốn làm cho vừa lòng hành cư sĩ, đem tài sản của tăng hoặc phụ tùng là: 1) bông và cây, 2)chỗ trồng bông và cây, 3) tịnh thất, 4) chỗ cất tịnh thất, 5) giường, 6) bàn thấp dài, 7) nệm, 8)gối, 9) nồi, 10) cân, 11) thùng, 12) chậu làm bằng loại kim, 13) dao nhỏ, 14) búa, 15) rìu, 16)xuổng, 17)[35] vá, 18) dây, 19) tre dài 8 ngón tay trở lên, 20) cỏ thường, 21) cỏ năn nỉ, 22) cỏ ống, 23) đất sét, 24) vật làm bằng cây, 25) vật làm bằng đất. Này, các tỳ khưu, tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ tư, rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu nào khoe pháp bậc cao nhơn, mà chính mình không có rõ rệt, tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp thứ năm, là kẻ cướp lớn tột bực trong thế gian và cả luôn cõi trời, cõi Dạ ma thiên (Yāmā), cõi Phạm thiên, trong các bọn chúng sanh cho đến Sa-môn, Bà la môn và các bậc vua chúa.
Vì sao Như Lai giải như thế? Này, các tỳ khưu, vì tỳ khưu cướp cục cơm của hàng cư sĩ đem ăn. (Đức Chánh Biến Tri muốn cho việc này được rõ rệt, mới giải thêm kệ ngôn sau đây): Tỳ khưu nào tu hành không được trong sạch, mà làm cho kẻ khác biết mình là trong sạch, tỳ khưu ấy gọi là cướp vật thực của họ, đem về dùng, như người thợ săn núp mình bên lùm cây mong chờ bắn thú. Tỳ khưu chỉ dùng y ca sa mặc cho kín mình, nhưng tu hành theo phép xấu xa, không thu thúc (theo pháp luật) là người rất dơ bẩn, tỳ khưu ấy chắc hẳn phải đọa vào địa ngục vì tự mình gây ra nghiệp quấy. Nên ăn cục sắt đang cháy như ngọn lửa còn tốt hơn tỳ khưu phá giới không thu thúc (theo pháp luật) ăn cục cơm của hàng cư sĩ.