Nội Dung Chính
- (Bản Mới) Giảng Giải Về Ngũ Giới
- *Chi-Pháp Của Mỗi Điều-Giới
- 1- Điều-Giới Tránh Xa Sự Sát-Sinh
- – Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Sát-Sinh
- Tác-ý ác-tâm giết hại chúng-sinh có 2 cách:
- Ác-Nghiệp Nặng – Nhẹ Của Điều-Giới Sát-Sinh
- Người tự-sát có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
- Những Trường Hợp Liên Quan Đến Sự Chết
- Trường Hợp Phạm Điều-Giới Sát-Sinh, Không Phạm Điều-Giới Sát-Sinh
- Phạm Điều-Giới Sát-Sinh Tạo Ác-Nghiệp Trọng-Tội
- Những Trường Hợp Giết Cha, Giết Mẹ, Giết Bậc Thánh A-Ra-Hán
- Thuốc Diệt Vi-Khuẩn – Vi-Trùng
- 1- Điều-Giới Tránh Xa Sự Sát-Sinh
(Bản Mới) Giảng Giải Về Ngũ Giới
*Chi-Pháp Của Mỗi Điều-Giới
Mỗi điều-giới có những chi-pháp riêng biệt, muốn biết mình có phạm điều-giới hoặc không phạm điều-giới, cần phải căn cứ vào những chi- pháp của mỗi điều-giới ấy.
Nếu người nào hội đủ các chi-pháp của điều- giới ấy thì người ấy đã phạm điều-giới ấy, nếu thiếu chi-pháp nào trong các điều-giới ấy thì không gọi là phạm điều-giới ấy.
1- Điều-Giới Tránh Xa Sự Sát-Sinh
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
– Pāṇātipātā: Pāṇā + atipātā.
– Pāṇā: Chúng-sinh, tất cả mọi chúng-sinh lớn nhỏ có sinh-mạng.
– Atipātā: Rơi mau, lìa mau.
– Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
– Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
– Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
– Pāṇātipātā: Hành động làm cho chúng-sinh lìa bỏ sinh-mạng trước thời gian hạn định hết tuổi thọ của chúng-sinh ấy, nghĩa là giết hại chúng-sinh ấy chết trước thời gian hạn định tuổi thọ của chúng-sinh ấy.
Thật ra, tất cả chúng-sinh đều chết cả thảy, không ngoại trừ một ai cả. Mỗi chúng-sinh chết do hết tuổi thọ, do mãn nghiệp hỗ trợ, do hết tuổi thọ và mãn nghiệp hỗ trợ, đó gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa).
Trường hợp chúng-sinh có thể duy trì, kéo dài sinh-mạng thêm cho đến hết tuổi thọ, đến mãn nghiệp hỗ trợ… nhưng chúng-sinh ấy bị người khác giết hại, cắt đứt dòng sinh-mạng trước thời gian hạn định tuổi thọ của chúng-sinh ấy, gọi là pāṇātipātā: giết hại chúng-sinh.
Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm giết hại chúng-sinh hợp đủ chi- pháp của điều-giới sát-sinh, thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác ý tránh xa sự sát-sinh.
– Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Sát-Sinh
Phạm điều-giới sát-sinh hợp đủ 5 chi-pháp:
1- Chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇo).
2- Biết rõ chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇasaññitā).
3- Tâm nghĩ giết hại chúng-sinh (vadhakacittaṃ).
4- Cố gắng giết hại chúng-sinh (payogo).
5- Chúng-sinh ấy chết do sự cố gắng (tena maraṇaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 5 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới sát-sinh.
Giảng Giải:
Sát hại chúng-sinh nghĩa là gì?
Chúng-sinh còn có sinh-mạng, có nhiều loại chúng-sinh khác nhau, dù lớn dù nhỏ mỗi chúng-sinh cũng đều có sinh-mạng.
Sinh-mạng này phát sinh do nghiệp, còn các loài thực vật, cây cỏ, núi non, v.v… đều không có sinh-mạng.
Mỗi loài chúng-sinh được gọi tên, được biết qua những danh từ chế-định thuộc về chế-định- pháp (paññattidhamma) bằng mỗi danh từ ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau, nhưng đúng theo sự- thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca), thì chỉ có 3 pháp là tâm, tâm-sở, sắc-pháp mà thôi.
Danh từ gọi “chúng-sinh” còn sinh-mạng do căn cứ vào ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng- uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn của mỗi chúng-sinh ấy, nhưng đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp thì chỉ có sắc-pháp (rūpadhamma) và danh-pháp (nāmadhamma) mà thôi.
* Sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp đó là phần thân.
* Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp đó là phần tâm.
Chúng-sinh còn sinh mạng có đủ thân và tâm, trong thân có sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) và trong tâm có danh-mạng-chủ (jīvitindriya- nāma).
* Sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc-pháp có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có phận sự bảo hộ, duy trì thân trong mỗi kiếp chúng-sinh.
Sắc-mạng-chủ bị hạn định trong mỗi kiếp chúng-sinh, không liên quan với kiếp sau.
* Danh-mạng-chủ (jīvitindriyacetasika) thuộc về tâm-sở đồng sinh với tâm có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng theo các lộ-trình- tâm. Danh-mạng-chủ có phận sự bảo hộ danh- pháp (tâm và tâm-sở) từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá-khứ đến kiếp hiện-tại, dù cho mỗi kiếp thay đổi do năng lực của nghiệp và quả của nghiệp, thì danh-mạng-chủ vẫn có phận sự bảo hộ danh- pháp (tâm và tâm-sở) của chúng-sinh ấy.
* Nếu chúng-sinh ấy chết thì danh-mạng-chủ đó là tâm-sở đồng sinh với tâm rời khỏi thân. Thân không còn sắc-mạng-chủ, nên thân trở thành thi-thể, xác chết.
Như vậy, người sát hại chúng-sinh đúng theo sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) đó chỉ là cắt đứt sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc-pháp của kiếp chúng-sinh ấy mà thôi. Còn danh-mạng-chủ (jīvitindriyacetasika) đồng sinh với tâm có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác, thay đổi do năng lực nghiệp và quả của nghiệp trong mỗi kiếp, nên danh-mạng-chủ không thể bị cắt đứt được.
* Thật vậy, Đức-Phật ngự đến bên bờ hồ Gaggarā thuyết-pháp tế độ dân chúng Campā.
Một con ếch sống dưới hồ Gaggarā nhảy lên nghe giọng phạm âm của Đức-Phật. Khi ấy, một người chăn bò đến đứng chống cây lắng nghe pháp, vô ý đụng phải ngay cái đầu con ếch chết tại chỗ.
Sau khi con ếch chết, phước-thiện hoan hỷ giọng phạm âm của Đức-Phật, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam tên Maṇḍūkadevaputta(1)có hào quang sáng ngời trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trong lâu đài nguy nga tráng lệ có các thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy, cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
* Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn cướp đánh tan xương nát thịt, chúng tưởng Ngài Đại-Trưởng-lão đã chết, đem ném Ngài Đại-Trưởng-lão vào bụi cây, rồi bỏ đi.
Ngài Đại-Trưởng-lão vận dụng phép thần thông gắn thân thể lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Như vậy, người sát-hại chúng-sinh là người cắt đứt sắc-mạng-chủ thuộc về sắc-pháp trong thân của kiếp chúng-sinh ấy. Còn danh-mạng- chủ thuộc về danh-pháp vẫn sinh rồi diệt liên tục kiếp kế-tiếp, rồi từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Đối với chư bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, nên tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác- nghiệp từ vô thuỷ đến kiếp hiện-tại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), bởi vì không còn tái-sinh kiếp sau nữa.
Cho nên, khi bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, thì đồng thời danh-mạng-chủ tâm-sở đồng diệt với tâm, chấm dứt phận sự bảo hộ danh-pháp (tâm và tâm-sở), bởi vì bậc Thánh A- ra-hán không còn tái-sinh kiếp sau nữa.
Tác-ý ác-tâm giết hại chúng-sinh có 2 cách:
– Bằng thân: tự chính mình giết hại chúng- sinh ấy.
– Bằng khẩu: sai khiến người khác giết hại chúng-sinh ấy.
Cố gắng giết hại chúng-sinh có 6 cách:
1- Tự mình giết hại chúng-sinh.
2- Sai khiến người khác giết hại chúng-sinh bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bằng cách ra hiệu, v.v…
3- Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng, v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
4- Người làm ra những thứ vũ khí để giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy, thuốc độc ấy để giết hại chúng-sinh, thì người tạo ra những thứ vũ khí ấy, thuốc độc ấy phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì, người ấy có tác-ý trong ác-tâm giết hại chúng- sinh có tính cách lâu dài.
5- Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
6- Sử dụng phép thuật của mình giết hại chúng-sinh.
Ác-Nghiệp Nặng – Nhẹ Của Điều-Giới Sát-Sinh
Ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ của điều- giới sát-sinh được căn cứ vào chúng-sinh lớn hoặc nhỏ; có giới đức hoặc không có giới đức; giới đức nhiều hoặc giới đức ít, v.v…
* Chúng-Sinh Có Thân Hình Lớn – Nhỏ:
– Nếu người giết hại chúng-sinh có thân hình to lớn như con voi, con trâu, con bò, v.v… thì tạo ác-nghiệp nặng, vì phải cố gắng nhiều.
– Nếu người giết hại chúng-sinh có thân hình nhỏ như con kiến, con muỗi, con ruồi, v.v… thì tạo ác-nghiệp nhẹ, vì cố gắng ít.
* Chúng-Sinh Có Giới Đức – Không Giới Đức:
– Nếu người giết hại con người thì tạo ác- nghiệp nặng hơn giết hại loài súc vật.
– Nếu người giết hại người có giới thì tạo ác- nghiệp nặng hơn giết hại người không có giới.
– Nếu người giết hại bậc Thánh-nhân, thì tạo ác-nghiệp nặng hơn giết hại hạng phàm-nhân.
– Nếu người giết hại Thánh-nhân bậc cao thì tạo ác-nghiệp nặng hơn giết hại Thánh-nhân bậc thấp.
– Nếu người nào giết bậc Thánh A-ra-hán, giết cha, giết mẹ của mình, thì người ấy tạo ác- nghiệp nặng nhất vì thuộc về ác-nghiệp vô-gián trọng-tội (ānantariyakamma).
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được), chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới mong thoát khỏi cõi địa-ngục.
* Tự Sát
Người tự-sát có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
Người phạm điều-giới sát-sinh hay không phạm điều-giới sát-sinh cần phải xét theo 5 chi- pháp của điều-giới sát-sinh.
1- Chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇo)(mình).
2- Biết rõ chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇa- saññitā). (Chi-pháp này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình).
3- Tâm nghĩ giết hại chúng-sinh (vadhakacitta).
4- Cố gắng giết hại chúng-sinh (payogo) (cố gắng tự sát, tự giết mình).
5- Chúng-sinh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maraṇaṃ) (mình chết do sự cố gắng của mình).
Xét thấy trong 5 chi-pháp của điều-giới sát- sinh này, chi pháp thứ nhì “paṇasaññitā”: “biết rõ chúng-sinh ấy có sinh-mạng” này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình.
Trong trường hợp người tự giết mình (tự-sát) thì thiếu chi-pháp paṇasaññitā này. Cho nên, người tự giết mình (tự-sát) không đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh.
Vậy, người tự sát không phạm điều-giới sát- sinh.
Ví dụ: Trường hợp Ngài Trưởng-lão Channa dùng dao cắt cổ tự-sát, trước khi chết Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn- tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, gọi là bậc Thánh A-ra- hán Jīvitasamasīsi (A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới).
Như trong bài kinh Channasutta(1) được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Channa bị lâm bệnh nặng trầm trọng, vô cùng đau đớn không thể kham nhẫn nổi.
Vào buổi chiều, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāri- putta và Ngài Trưởng-lão Mahācunda đến thăm hỏi bệnh tình của Ngài Trưởng-lão Channa.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi rằng:
– Này hiền đệ Channa! Hiền đệ có kham nhẫn nổi thọ khổ không?
Tứ đại của hiền đệ có điều hòa được không?
Thọ khổ của hiền đệ giảm bớt, chứ không tăng có phải không?
Bệnh tình giảm rõ ràng, chứ không tăng có phải không?
Ngài Trưởng-lão Channa thưa rằng:
– Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ.
Tứ đại của đệ không điều hòa được.
Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm, mà lại tăng lên.
Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Bạch Ngài Đại-Trưởng-lão.
– Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta:
Ví như một người đàn ông mạnh mẽ dùng cây sắt nhọn bén đâm vào đầu như thế nào, bệnh phong (gió) cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào đầu của đệ cũng như thế ấy.
Ví như một người đàn ông lực lưỡng dùng sợi dây bằng da dẻo dai, bền chắc, siết chặt cái đầu như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp siết chặt cái đầu của đệ cũng như thế ấy.
Ví như người giết bò hoặc người phụ của người giết bò, dùng con dao mổ bụng con bò như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào bụng của đệ cũng như thế ấy.
Ví như hai người đàn ông lực lưỡng, mỗi người một bên nắm tay chân của người ốm yếu đặt lên hầm lửa đang cháy, nướng người ấy nóng bỏng như thế nào, sự nóng trong thân của đệ còn hơn thế ấy.
– Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ.
Tứ đại của đệ không điều hòa được.
Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm mà lại tăng lên.
Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Bạch Ngài Đại-Trưởng-lão.
Ngài Trưởng-lão Channa thưa tiếp rằng:
– Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, đệ sẽ đem con dao để tự cắt cổ giết hại mình, đệ không còn muốn sống để phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp như thế này nữa.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta khuyên rằng:
– Này hiền đệ Channa! Hiền đệ nên dùng thuốc chữa trị. Hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh-mạng, chúng tôi muốn hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh-mạng.
Nếu vật thực không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm vật thực thích hợp.
Nếu thuốc trị bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm thứ thuốc thích hợp.
Nếu người nuôi bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ làm người nuôi bệnh lo săn sóc hiền đệ.
Xin hiền đệ chớ nên dùng dao tự sát.
Tiếp theo Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhắc nhở Ngài Trưởng-lão Channa về các pháp như 6 thức-tâm với 6 đối-tượng và liên quan đến các pháp: tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến chấp-thủ và không chấp-thủ do bởi tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến.
Ngài Trưởng-lão Mahācunda cũng nhắc nhở Ngài Trưởng-lão Channa rằng:
“Đối với người không còn có tham-ái, ngã- mạn, tà-kiến, thì tâm của bậc ấy không bao giờ bị lay chuyển, …”
Sau khi nhắc nhở khuyên dạy Ngài Trưởng- lão Channa xong, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta và Ngài Trưởng-lão Mahācunda trở về chỗ ở của quý Ngài.
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Channa không thể kham nhẫn nổi sự đau đớn vô cùng khủng khiếp của bệnh phong ấy, nên Ngài Trưởng-lão dùng con dao tự cắt cổ giết chết mình để thoát khỏi nỗi thọ khổ ấy.
Ngài Trưởng-lão vẫn còn là phàm-nhân có giới trong sạch và trọn vẹn, nên trước khi chết, Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ liền dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền- não không còn dư sót, đồng thời tịch diệt Niết- bàn gọi là “Bậc Thánh A-ra-hán Jīvitasamasīsi” (nghĩa là khi chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới).
Sau khi Ngài Trưởng-lão Channa đã tự mình cắt cổ chết, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Veḷuvana bạch hỏi về kiếp sau của Ngài Trưởng-lão Channa như thế nào?
Đức-Phật dạy rằng:
“Tỳ-khưu Channa đã chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới”.
Tích Ngài Trưởng-lão Channa đã chứng minh:
“Tự sát không phạm điều-giới sát-sinh”.
Nếu tự-sát là phạm điều-giới sát-sinh, thì Ngài Trưởng-lão Channa không thể chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.
Sự thật, kiếp này là kiếp chót của Ngài Trưởng lão Channa, nên Ngài chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán rồi mới tịch diệt Niết-bàn.
Cho nên, người tự-sát không phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì thiếu chi-pháp thứ nhì là “pāṇasaññitā”: biết rõ chúng-sinh có sinh- mạng (nghĩa là chính mình biết rõ chúng-sinh khác có sinh-mạng).
Như vậy, chi-pháp này không ám chỉ mình, mà ám chỉ chúng-sinh khác. Cho nên, người tự- sát không phạm điều-giới sát-sinh.
* Tuy người tự-sát không phạm điều-giới sát-sinh, nhưng nếu người tự-sát do sân-tâm chán đời, tuyệt vọng không muốn sống trên đời này nữa thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp sân-tâm ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác-giới ấy.
Như Đức-Phật dạy:
“Evameva kho bhikkhave citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā”(1).
– Này chư tỳ-khưu! Như vậy, khi lâm chung ác-tâm do phiền-não ô nhiễm sẽ tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Những Trường Hợp Liên Quan Đến Sự Chết
Người hy sinh sinh-mạng vì một mục đích cao thượng, với đại-thiện-tâm thiện chí của mình.
Ví dụ: Trong bộ Visuddhimagga: Thanh-Tịnh- Đạo phần Sīlaniddesa, Ngài Trưởng-lão hành đạo sống ở trong rừng.
Một hôm, bọn cướp gặp Ngài Trưởng-lão tại khu rừng, chúng cho là điều xui xẻo sẽ xảy đến với chúng, nên chúng bắt trói Ngài Trưởng-lão bằng một đoạn đầu dây rừng tươi còn dính gốc, đặt Ngài nằm tại nơi ấy, rồi bỏ đi.
Khu rừng chẳng may xảy ra vụ hỏa hoạn, đám cháy dần dần lan đến chỗ Ngài Trưởng-lão, Ngài suy xét rằng:
“Nếu ta muốn lánh khỏi nạn chết thiêu thì phải làm cho sợi dây rừng bị đứt, ta sẽ bị phạm điều-giới pācittiya.
Sự chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến với ta, không sao tránh khỏi được (nghĩa là tránh khỏi chết hôm nay, sau này cũng phải chết).
Thà rằng, hôm nay ta chịu hy sinh sinh-mạng, quyết giữ gìn giới mà Đức-Phật đã chế định đến tỳ-khưu”.
Sau khi quyết định như vậy, Ngài Trưởng-lão vốn có giới-đức hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, nên Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn- tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đồng thời đám cháy lan đến thiêu đốt Ngài Trưởng-lão tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba- la-mật bậc thường, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh bậc thượng.
Để thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh sinh-mạng của mình để thành-tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy.
Sự hy sinh sinh-mạng của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác vì mục đích cao thượng, để thành đạt ý nguyện trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác với đại-thiện-tâm thiện chí trong sạch và cao cả, thì không thể gọi là phạm điều- giới sát-sinh.
Như vậy, dù là người tự-sát, hoặc Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hy sinh sinh-mạng, vẫn không phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì không hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh.
Trường Hợp Phạm Điều-Giới Sát-Sinh, Không Phạm Điều-Giới Sát-Sinh
Vấn: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, thì không có một chi-pháp nào cả.
Vậy người ấy không phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Trong 2 trường hợp sau đây, người mua thịt cá có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
* Một người đi chợ đến hàng bán tôm, cá, người ấy không chịu mua những con tôm, cá đã chết, mà chọn lấy những con tôm, cá còn sống, bảo người bán hàng làm thịt những con tôm, cá ấy, rồi mua đem về làm đồ ăn.
* Một người đi chợ đến hàng bán thịt gà, không chịu mua thịt gà đã làm sẵn, mà chỉ vào con gà đang còn sống, bảo với người bán hàng rằng:
Ông (bà) hãy làm thịt con gà kia bán cho tôi.
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, thì hội đủ cả 5 chi-pháp. Cho nên, 2 trường hợp này, người bán phạm điều-giới sát- sinh và người mua cũng phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Một người làm bếp đi chợ mua những con cá còn sống, con gà còn sống, đem về làm món ăn cho ngon miệng người chủ.
Vậy, người làm món ăn, và người chủ dùng món ăn, người nào phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp?
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, người làm bếp giết cá, giết gà làm món ăn cho chủ; người làm bếp ấy phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh, vì hội đầy đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh.
* Trường hợp người chủ bảo người làm bếp phải mua cá còn sống, gà còn sống về làm món ăn cho mình, thì người chủ cũng phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.
* Trường hợp người chủ chẳng hay biết gì về người làm bếp giết cá, giết gà, chỉ có biết dùng những món ăn mà người làm bếp dọn lên bàn mà thôi, thì người chủ không phạm điều-giới sát-sinh, vì không có chi-pháp nào trong 5 chi phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Một người vô ý đóng cửa làm chết một con thằn lằn nằm ngay ngạch cửa. Người ấy có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
Đáp: Người ấy không phạm điều-giới sát- sinh, vì thiếu chi-pháp tác-ý tâm-sở trong ác-tâm giết hại chúng-sinh.
Vấn: Một người tức giận con chó, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm muốn đánh chết con chó, nhưng nó không chết mà chỉ bị thương nặng mà thôi.
Lần sau, người ấy lại đánh đuổi con chó ấy, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho nó sợ bỏ đi, nhưng chẳng may đụng nhằm vào vết thương cũ, làm cho con chó ấy chết.
Vậy, người ấy phạm điều-giới sát-sinh trong lần thứ nhất hay lần thứ nhì?
Đáp: Người ấy đã phạm điều-giới sát-sinh trong lần thứ nhất, không phải ở lần thứ nhì, bởi vì, lần thứ nhì người ấy đánh đuổi con chó, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho con chó sợ bỏ chạy đi, mà không có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm giết hại con chó, v.v…
Phạm Điều-Giới Sát-Sinh Tạo Ác-Nghiệp Trọng-Tội
Người nào phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, người ấy đã tạo ác-nghiệp trọng-tội thuộc về loại nghiệp ānantariyakamma: ác-nghiệp vô-gián trọng-tội.
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế- tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài, mà không có một nghiệp nào có khả năng ngăn cản, làm gián đoạn được ác- nghiệp ấy.
Những Trường Hợp Giết Cha, Giết Mẹ, Giết Bậc Thánh A-Ra-Hán
* Trong đêm tối, người con không phân biệt được cha (hoặc mẹ) của mình, tưởng nhầm rằng kẻ trộm lén vào nhà lấy trộm của cải, người con giết kẻ trộm ấy, nhưng sự thật, người bị giết ấy chính là cha (hoặc mẹ) của mình.
Mặc dù vậy, người con vẫn phạm tội giết cha (giết mẹ), bởi vì người con luôn luôn ân hận vì đã giết nhầm cha (mẹ) của mình.
* Người con bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra đời, được cô nhi viện, hoặc người khác nuôi dưỡng.
Khi trưởng thành, người ấy không biết ai là cha, ai là mẹ của mình.
Nếu người ấy giết một người đàn bà, mà người ấy không biết bà ấy là mẹ của mình, hoặc giết một người đàn ông, mà người ấy không biết ông ấy là cha của mình, nhưng về sau, người con được biết người đàn ông ấy là cha, người đàn bà ấy là mẹ của mình, thì người con vẫn phạm tội giết cha (giết mẹ), bởi vì người con ân hận vì đã giết nhầm cha (mẹ) của mình.
* Người cha biến đổi trở thành nữ giới, người mẹ biến đổi trở thành nam giới. Nếu người con giết người đàn bà (trước kia là cha) hoặc giết người đàn ông (trước kia là mẹ), thì người con vẫn phạm tội giết cha hoặc giết mẹ.
Những trường hợp như:
– Người con là loài người, còn cha là loài súc- sinh và mẹ là loài người (trường hợp công tử Sīhabāhu xứ Srilankā, là con của một Công-chúa và một Sư tử chúa).
– Người con là loài người, còn mẹ là loài súc- sinh và cha là loài người (trường hợp Đạo-sĩ Migasinga là con của con nai và một vị Đạo-sĩ).
– Con là loài súc-sinh, cha mẹ là loài súc-sinh.
Trong 3 trường hợp trên, người con giết cha là loài súc-sinh, giết mẹ là loài súc-sinh; và con là loài súc-sinh giết cha mẹ cũng là loài súc- sinh; cả 3 trường hợp này người con đã tạo ác- nghiệp nặng sát-sinh, mà không gọi là ác- nghiệp vô-gián trọng-tội.
* Một người đánh đập hành hạ một hành-giả còn là phàm-nhân đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ bị thương nặng, hành-giả ấy tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đồng thời tịch diệt Niết-bàn, bởi vì bị thương nặng.
Người đánh đập hành hạ ấy phạm tội giết bậc Thánh A-ra-hán, thuộc về ác-nghiệp vô-gián trọng-tội.
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế- tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài.
* Người dùng thuốc diệt muỗi, diệt trừ sâu bọ, v.v… đều phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì hội đầy đủ 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh.
Thuốc Diệt Vi-Khuẩn – Vi-Trùng
Dùng thuốc để diệt vi-khuẩn, vi-trùng không phạm điều-giới sát-sinh; bởi vì vi-khuẩn, vi- trùng không có sinh-mạng cũng không có tâm-thức. Các vật ấy chỉ có tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) phát sinh do thời tiết nóng lạnh, bên trong, bên ngoài, được phát triển tăng trưởng do hỏa- đại, di chuyển do phong-đại. Cũng như các loài thực vật (cây, cỏ,…) cũng không có sinh-mạng, không có tâm-thức.
Trong số 28 sắc-pháp, sắc-mạng-chủ (jīvitin- driyarūpa) phát sinh do nghiệp. Các loài vi- khuẩn, vi-trùng, các loài cây cỏ phát sinh do utu: thời tiết và āhāra: vật thực,… Do đó, diệt vi-khuẩn, diệt vi-trùng, chặt cây, cỏ không phạm điều-giới sát-sinh.
Trường hợp đàn bà uống thuốc ngừa thai, diệt tinh-trùng của đàn ông… không phạm điều-giới sát-sinh. Nhưng nếu trường hợp người đàn bà uống thuốc có tác-ý trong ác-tâm phá thai, thì người đàn bà ấy phạm điều-giới sát-sinh, phạm tội giết con; bởi vì thai-nhi sẽ là một đứa con.
Thật ra, khi tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ đầu tiên, có đại-quả-tâm tái-sinh đầu thai cùng với 3 sắc-pháp là sắc-thân (kāya), sắc-nam-tính hoặc sắc-nữ-tính (bhava) và sắc-ý-căn (hadayavatthu) nơi nương nhờ của đại-quả-tâm.
Như vậy, ngay khi đầu thai đã hình thành một chúng-sinh còn rất nhỏ, có đủ ngũ-uẩn (3 sắc- pháp thuộc sắc-uẩn, đại-quả-tâm tái-sinh gồm có 4 danh-uẩn), thai nhi có đủ ngũ-uẩn.
Còn trường hợp người mẹ bị sẩy thai ngoài ý muốn, thì người mẹ không bị phạm điều-giới sát-sinh, vì thiếu chi-pháp tác-ý trong ác-tâm giết hại chúng-sinh.
Phạm điều-giới sát-sinh này rất vi tế, cũng rất đa dạng, nên tìm hiểu trong Tạng-Luật phần giới pārājika: bất cộng trụ của tỳ-khưu.