(Bản Mới) Giảng Giải Về Ngũ Giới

Điều giới tránh xa sự trộm cắp

Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Nghĩa phân tích chữ:

–   Adinnādānā: Adinna + ādānā

–   Adinna: Của cải, tài sản mà chủ nhân không cho, chủ nhân giữ gìn.

–   Ādānā: Lấy, chiếm đoạt.

–   Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ

–   Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.

–   Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.

–   Samādiyāmi: Con xin thọ trì.

Adinnādānā: Lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà chủ nhân không cho phép hoặc chủ nhân đang giữ gìn.

Người lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà người chủ không cho, bằng cách trộm-cắp, cướp giật, lường gạt, đánh tráo, lừa dối, v.v… đều bị phạm điều-giới trộm-cắp.

Nghĩa toàn câu:

Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự trộm-cắp.

Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Trộm-Cắp

Người phạm điều-giới trộm-cắp khi hợp đủ 5 chi-pháp:

1- Của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitaṃ).

2- Biết rõ của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitasaññitā).

3- Tâm nghĩ trộm-cắp (theyyacittaṃ).

4- Cố gắng trộm-cắp (payogo).

5- Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro).

Nếu người nào có đầy đủ 5 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới trộm-cắp. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới trộm-cắp.

Giảng Giải Về Điều-Giới Trộm-Cắp

Của cải: Đó là các thứ tài sản tiền của, vàng bạc châu báu, …; các thú vật như voi, ngựa, trâu, bò, …; các thứ sở hữu trí tuệ, … là những thứ của cải giá trị có chủ.

Tác-Ý Bất-Thiện-Tâm Trộm-Cắp Có 2 Cách:

Bằng thân: tự mình chiếm đoạt của cải người khác.

Bằng khẩu: dùng lời nói lường gạt, hoặc sai khiến người chiếm đoạt của cải người khác đem về cho mình.

Cố gắng trộm-cắp có 6 cách:

1- Do chính mình trộm-cắp của cải người khác.

2- Sai khiến người trộm-cắp của cải người khác.

3- Ném hàng hóa, đồ đạc qua các trạm thu thuế, cửa khẩu,… để trốn thuế.

4- Sai khiến người rằng: “Chờ có cơ hội hãy trộm-cắp của cải ấy” không hạn định thời gian.

5- Dùng bùa chú, thuốc mê làm cho người chủ mê muội, rồi chiếm đoạt của cải.

6- Dùng thần thông lấy nước hồ để uống (trường hợp vị sa-di xin nước hồ để uống, Long- vương giữ hồ không cho; vị sa-di này dùng thần thông bay lên hư không, rồi đáp xuống hồ, để lấy nước hồ uống).

Trường hợp này không gọi là trộm-cắp, vì người chủ là Long-vương giữ hồ, và lượng nước hao tốn không đáng kể.

Ác-Nghiệp Nặng – Nhẹ Của Điều-Giới Trộm-Cắp

Ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ của điều- giới trộm-cắp được căn cứ vào giá trị của cải, tài sản nhiều hoặc ít; và căn cứ vào chủ nhân có giới đức hoặc không có giới đức.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị nhiều thì ác-nghiệp nặng.

– Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị ít thì ác-nghiệp nhẹ.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của bậc xuất gia sa-di, tỳ-khưu thì ác-nghiệp nặng.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của người tại gia cư sĩ thì ác-nghiệp nhẹ.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của cá nhân thì ác-nghiệp nhẹ.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của chung, của nhà nước thì ác-nghiệp nặng.

Nếu người trộm-cắp tài sản của bậc Thánh- nhân thì ác-nghiệp nặng.

Nếu người trộm-cắp tài sản của hạng phàm- nhân thì ác-nghiệp nhẹ.

Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thì ác-nghiệp nặng hơn cả.

25 Cách Trộm-Cắp

25 cách trộm-cắp được chia ra làm 5 phần, mỗi phần có 5 cách.

1- Nānābhaṇḍa pañcaka: Trộm-cắp các của cải, tài sản nhiều loại có 5 cách:

1.1- Ādiyana adinnādāna: Một người muốn chiếm đoạt của cải, tài sản như đất đai, nhà cửa,… của người khác, bằng cách thưa kiện ra tòa.

Trường hợp này người có mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chủ mà không liên quan đến nợ nần, tài sản thế chấp, mà đó chỉ là mưu đồ muốn làm chủ đất đai tài sản hoặc nhà cửa người khác.

Việc ra tòa xét xử lâu ngày, khiến cho người chủ nản lòng, có ý nghĩ buông bỏ tài sản ấy rằng:

“Tài sản của ta, chắc chắn sẽ thuộc về của người khác rồi”.

Như vậy, người có mưu đồ chiếm đoạt của cải, tài sản (đất đai, nhà cửa,…) của người khác hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

1.2- Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê mang của cải người khác đến một nơi đã định. Trong khi đang mang của cải đi trên đường, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt làm của mình. Khi tâm nghĩ trộm-cắp phát sinh, người ấy chỉ cần di chuyển của cải ấy rời khỏi chỗ cũ chút đỉnh, ví dụ như từ vai phải sang vai trái, hoặc từ tay phải sang tay trái.

Như vậy, người làm thuê mang của cải ấy hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

1.3- Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ của cải của ông B; về sau, ông B đến gặp ông A xin lấy lại những thứ của cải mà trước đây ông B đã gửi gắm nhờ ông A giữ hộ. Ông A có tâm tham muốn chiếm đoạt của cải của ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng:

“Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ của cải của ông”.

Khi ông B, người chủ của cải không còn hy vọng lấy lại của cải của mình, và nghĩ rằng:

“Của cải mà ta đem gởi cho ông A giữ hộ trước kia, bây giờ xem như đã mất rồi”.

Như vậy, ông A nhận giữ hộ  của  cải  của ông B, rồi chiếm đoạt của cải ấy, ông A hội đủ  5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

1.4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Chủ nhân đang ngồi hoặc đang nằm, hoặc đang đứng,… tại nơi của cải, tài sản của mình. Người trộm cướp muốn chiếm đoạt số của cải, tài sản ấy, nên đã hăm dọa người chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy, để y chiếm đoạt của cải ấy.

Khi bắt buộc chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy, dù 1 – 2 bước, thì người trộm cướp ấy hội đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

1.5- Ṭhānācāvana adinnādāna: Các báu vật mà chủ nhân đặt để một nơi, kẻ trộm cướp nhìn thấy, phát sinh tâm tham, muốn trộm-cắp báu vật ấy.

Kẻ ấy chỉ cần di chuyển báu vật ấy rời khỏi vị trí chỗ cũ chút ít, thì kẻ ấy hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

2- Ekabhanda pañcaka: Trộm-cắp những sinh vật có sinh-mạng, có 5 cách:

2.1- Ādiyana adinnādāna: Người muốn chiếm đoạt những sinh vật có sinh-mạng như các loài gia súc của người khác, bằng cách thưa kiện.

Đến khi chủ nhân của các loài gia súc kia nản lòng buông bỏ và nghĩ rằng:

“Đàn gia súc của ta chắc chắn sẽ thuộc về người khác”.

Như vậy, người chiếm đoạt hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

2.2- Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê dắt con bò đi đến một nơi đã định. Trên đường đi, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò ấy trở thành của mình.

Sau khi suy nghĩ xong, người ấy chỉ cần dắt bò đi theo con đường khác hoặc có ý trao từ tay này sang tay khác.

Như vậy, người làm thuê ấy đã hợp đủ 5 chi- pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

2.3- Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ con bò của ông B. Về sau, ông B đến gặp ông A xin nhận lại con bò mà trước đây ông đã nhờ ông A giữ hộ, nhưng ông A có tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò của ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng:

“Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ con bò của ông”.

Khi ông B không còn hy vọng nhận lại con bò của mình được nữa, thì nghĩ rằng:

“Chắc chắn ta không thể lấy lại con bò được”.

Như vậy, ông A đã nhận giữ hộ con bò mà không chịu trả lại, hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều- giới trộm-cắp.

2.4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Người, hoặc trâu, bò,… đang đi, đứng, nằm, tại một địa điểm nào đó; người có tâm tham muốn bắt cóc người để vụ lợi, hoặc bắt trộm trâu, bò dắt đi bán.

Khi người, hoặc trâu, bò chỉ cần bị di chuyển 1 – 2 bước khỏi nơi ấy mà thôi, người ấy đã hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

2.5- Ṭhānācāvana adinnādāna: Chủ nhân đang nhốt trâu, bò ở trong chuồng. Người có tâm tham, muốn dắt trộm trâu, bò ra khỏi chuồng.

Khi trâu, bò bị dắt ra khỏi chuồng 1 – 2 bước mà thôi, là người ấy đã hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

3- Sahatthika pañcaka: Chính tự mình trộm- cắp, có 5 cách:

3.1- Sahatthika adinnādāna: Chính tự mình trộm-cắp của cải, tài sản của người khác.

Như vậy, người ấy hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

3.2- Āṇattika adinnādāna: Sai khiến người khác đi trộm-cắp của cải, tài sản của người khác. Và người bị sai đi đã trộm-cắp của cải, tài sản ấy.

Như vậy, người sai khiến hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp, và người bị sai cũng phạm điều-giới trộm-cắp.

3.3- Nissaggiya adinnādāna: Giấu hàng hóa để trốn thuế.

Như vậy, người giấu hàng hóa ấy hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

3.4- Atthasādhaka adinnādāna: Người ra lệnh cho nhóm thuộc hạ tay sai đi trộm-cắp của cải của người khác, nếu khi có cơ hội, không hạn định thời gian. Và nhóm thuộc hạ đã đi trộm-cắp của cải ấy.

Như vậy, người ra lệnh phạm điều-giới trộm- cắp, và nhóm thuộc hạ cũng phạm điều-giới trộm-cắp.

3.5- Dhuranikkhepa adinnādāna: Người vay mượn tiền của người khác, hoặc nhận lãnh cất giữ tài sản của cải của người khác. Khi người chủ nhân đến đòi nợ, hoặc xin nhận lại tài sản của cải đã gửi gắm. Người vay mượn (con nợ) hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải từ chối rằng:

“Tôi không hề vay mượn tiền của của ông, hoặc tôi không hề nhận lãnh cất giữ tài sản của cải cho ông”.

Người chủ nhân quyết định buông bỏ rằng:

“Tiền của, hoặc tài sản của cải của ta chắc chắn đã bị người ấy chiếm đoạt rồi”.

Ngay khi ấy, người vay mượn tiền của, hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải mà không trả lại, hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.

4- Pubbapayoya pañcaka: Phạm điều-giới trộm-cắp trước khi lấy trộm tài sản, của cải của người khác, có 5 cách:

4.1- Pubbapayoya adinnādāna: Người ra lệnh cho người khác đi trộm-cắp rằng:

“Bằng mọi cách ngươi phải trộm-cắp cho được của cải ấy”.

Khi ra lệnh xong, người ấy phạm điều-giới trộm-cắp ngay khi ấy.

4.2- Sahapayoya adinnādāna: Người nào phát sinh tâm trộm-cắp tài sản, của cải của người khác, đồng thời cố gắng di chuyển tài sản, của cải ra khỏi chỗ cũ. Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

Người nào phát sinh tâm gian lận, lấn chiếm đất đai của người khác, đồng thời cố gắng dời cột mốc ranh giới sang phần đất của người bên cạnh. Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

4.3- Saṃvidāvahāra adinnādāna: Một nhóm người (từ 2 người trở lên) hợp thành nhóm cùng nhau đi trộm cướp. Trong nhóm người ấy, nếu có một người nào trộm cướp được của cải, tài sản của người khác, thì cả nhóm người ấy đều phạm điều-giới trộm-cắp.

4.4- Saṅketakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn thuộc hạ đi trộm-cắp, có quy định thời gian rõ ràng, ví dụ vào lúc nửa đêm 24 giờ chẳng hạn.

–   Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm-cắp đúng theo giờ quy định (24 giờ), thì người sai khiến phạm điều-giới trộm-cắp, và bọn thuộc hạ cũng phạm điều-giới trộm-cắp.

Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm- cắp vào lúc thời gian sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định (trước hoặc sau 24 giờ) thì người sai khiến không phạm điều-giới trộm-cắp, chỉ có bọn thuộc hạ phạm điều-giới trộm-cắp mà thôi.

4.5- Nimittakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn thuộc hạ đi trộm-cắp, theo hiệu lệnh như vỗ tay, huýt gió… để thực hiện hành động trộm-cắp.

–   Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm- cắp đúng theo hiệu lệnh, thì người sai khiến phạm điều-giới trộm-cắp, và bọn thuộc hạ cũng phạm điều-giới trộm-cắp.

–   Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm-cắp mà không theo hiệu lệnh đã quy định, thì người sai khiến không phạm điều-giới trộm- cắp, chỉ có bọn thuộc hạ phạm điều-giới trộm- cắp mà thôi.

5- Theyyāvahāra pañcaka: Trộm-cắp bằng cách lừa bịp, có 5 cách:

5.1- Theyyāvahāra adinnādāna: Người bán hàng cân hàng hóa thiếu, bán đồ giả, buôn bán hàng lậu, trốn thuế,… người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

5.2- Pasayhāra adinnādāna: Người dùng vũ khí (súng, dao,…) để hăm dọa người khác, bắt buộc người khác phải trao của cải, vàng bạc,… Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

5.3- Parikappāvahāra adinnādāna: Người muốn trộm-cắp một thứ nào đó, dù đã được thứ ấy, hoặc được một thứ nào khác, mà vẫn hài lòng, thì người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

5.4- Paṭicchannāvahāra adinnādāna: Một người vào nhà người khác nhìn thấy món đồ quý giá (nhẫn kim cương, hột xoàn, v.v…) mà người chủ để trên bàn. Người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt món đồ ấy trở thành của mình, nên đã lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi khác, chờ cơ hội người chủ đi khỏi nơi đó, mới lấy món đồ ấy đem đi.

Trong khi lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi, người ấy chưa phạm điều-giới trộm-cắp.

Đến khi người chủ tìm không thấy món đồ của mình, do công việc gấp phải đi khỏi nơi đó và có ý định sau khi xong công việc sẽ trở lại tìm kỹ hơn.

Khi người chủ rời khỏi nơi đó rồi, người trộm-cắp lấy món đồ ấy, người ấy phạm điều- giới trộm-cắp.

5.5- Kusāvahāra adinnādāna: Trộm-cắp lấy món đồ quý giá của người khác rồi thay thế vào đó món đồ không giá trị của mình.

Ví dụ: Một người lấy chiếc đồng hồ đắt giá của người khác, rồi thay thế vào đó một chiếc đồng hồ xấu, rẻ tiền của mình; hoặc có hai gói quà, một gói có tên của mình và một gói là tên của người khác, người ấy nhìn thấy gói quà có tên của người khác gồm các món đồ quý giá,  còn gói quà có tên của mình gồm các món đồ tầm thường, nên người ấy liền bóc miếng giấy ghi tên của mình gắn vào gói quà của người khác, và bóc miếng giấy ghi tên của người khác gắn vào gói quà của mình, v.v…

Người có tâm tham thay đổi món đồ xấu lấy đồ tốt, hoặc thay đổi tên của mình thế vào chỗ tên của người khác,… người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.

Phạm Điều-Giới – Không Phạm Điều-Giới Trộm-Cắp

Để biết có phạm điều-giới trộm-cắp hay không phạm điều-giới trộm-cắp thì căn cứ vào tác-ý (cetanā).

–   Nếu người có tác-ý trong bất-thiện-tâm hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới trộm-cắp thì phạm điều-giới trộm-cắp. Nếu có tác-ý trong bất- thiện-tâm mà không đủ chi-pháp của điều-giới trộm-cắp thì không phạm điều-giới trộm-cắp.

Ví dụ: Nhìn thấy con mèo cắn chết con gà của người khác, người ấy bắt buộc con mèo thả con gà ra để cho y ăn thịt.

Vậy, người ấy đã phạm điều-giới trộm-cắp.

Nhưng khi nhìn thấy con mèo bắt con gà còn sống, người ấy bắt buộc con mèo thả con gà ra, để cứu mạng con gà, không cho con mèo ăn thịt con gà.

Vậy, người ấy không phạm điều-giới trộm- cắp, mà còn tạo được phước-thiện cứu mạng.

Trường hợp ông Bà-la-môn Doṇa là người đứng ra làm trung gian phân chia Xá-lợi của Đức-Phật Gotama cho các nước lớn; Đức-vua mỗi nước thỉnh Xá-lợi Phật đem về, rồi tạo ngôi Bảo-tháp để tôn thờ Xá-lợi Đức-Phật.

Trong khi phân chia Xá-lợi Đức-Phật, ông Bà-la-môn Doṇa thỉnh ‘Xá-lợi Răng-nhọn’ giấu kín trên đầu tóc của mình, để tôn thờ.

Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập- tam-thiên nhìn thấy, suy xét rằng:

“Ông Bà-la-môn Doṇa không thể có một ngôi Bảo-tháp xứng đáng để tôn thờ Xá-lợi Răng-nhọn của Đức-Phật. Ta nên hiện xuống thỉnh Xá-lợi Răng-nhọn về cõi trời này”.

Suy nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống cõi người, thỉnh ‘Xá-lợi Răng-nhọn’ từ trên đầu tóc của ông Bà-la-môn Doṇa, mà ông chẳng hề hay biết. Đức-vua-trời Sakka thỉnh về tôn thờ trong ngôi Bảo-tháp Cūḷāmaṇī tại cung trời Tam-thập-tam-thiên, để cho toàn thể chư- thiên lễ bái cúng-dường.

Như vậy, Đức-vua-trời Sakka không phạm điều-giới trộm-cắp, bởi vì Đức-vua-trời là bậc Thánh Nhập-lưu có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm cung-kính, có giới-đức hoàn toàn trong sạch trọn vẹn, nên chỉ có nhiều phước- thiện cung-kính mà thôi.

Như vậy, người phạm điều-giới trộm-cắp hay không phạm điều-giới trộm-cắp do căn cứ vào tác-ý (cetanā) là chính. Nếu người có tác-ý tâm- sở đồng sinh với bất-thiện-tâm, rồi tạo ác- nghiệp trộm-cắp do thân hoặc khẩu thì phạm điều-giới trộm-cắp; nhưng nếu người có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm, rồi tạo đại- thiện-nghiệp do thân hoặc khẩu thì không phạm điều-giới, mà chỉ tạo đại-thiện-nghiệp mà thôi.

Cho nên, để biết người nào có phạm điều-giới hoặc không phạm điều-giới, thì nên hỏi rõ người ấy có tác-ý như thế nào, rồi mới quyết định phạm điều-giới hay không phạm.

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app