Nội Dung Chính
- Balamật thứ nhất là xuất gia – nekkamma.
- Balamật thứ hai là giữ giới -sĩla.
- Balamật khác là tinh tấn – viriya.
- Balamật khác là chân thật – sacca.
- Balamật khác là trí tuệ – pãnnã.
- Balamật khác là quyết định – adhitthãna.
- Balamật khác là tâm từ -metta.
- Balamật khác là tâm xả – upekkhã.
- Balamật cuối cùng là bố thí- dãna.
- AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN
- Áp dụng kỹ thuật trong cuộc sống hàng ngày
- Mười Balamật (Pãramĩ)
Chín ngày đã qua. Giờ đã lúc chúng ta sẽ bàn luận về cách làm thế nào để áp dụng kỹ thuật này trong cuộc sống hàng ngày. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Pháp là một nghệ thuật sống. Nếu bạn không thể sử dụng nó trong đời sống hàng này, thì việc đến với một khoá thiền như thế này cũng chẳng hơn gì việc thực hiện một lễ nghi hay nghi thức.
Mọi người đều phải đương đầu với những tình huống không mong đợi trong đời. Bất cứ khi nào một chuyện không mong muốn xảy ra, bạn sẽ mất sự quân bình của tâm, và bắt đầu tạo ra những tiêu cực, và khi tiêu cực phát sinh trong tâm, bạn trở nên đau khổ. Làm cách nào để không tạo ra tiêu cực, không tạo ra căng thẳng? Làm cách nào để giữ được sự bình an và cân đối?
Các bậc hiền nhân xưa đã cất công khám phá thực tại của danh và sắc bên trong để tìm ra một giải pháp cho vấn đề. Bất cứ khi nào một tiêu cực phát sinh trong tâm vì bất cứ lý do gì, bạn nên đổi hướng sự chú tâm của mình sang nơi khác. Chẳng hạn có thể đứng dậy, uống chút nước, bắt đầu đếm, hoặc niệm danh hiệu của một vị thánh nào đó mà bạn có lòng tín thành. Nhờ chuyển hướng sự chú tâm như vậy, bạn sẽ thoát khỏi tiêu cực. Một giải pháp tương đối khả thi. Nhưng các nhà thám hiểm sự thực bên trong khác đã đi vào mức sâu nhất của thực tại, vào đến sự thực cùng tột. Những người giác ngộ này hiểu ra rằng do đổi hướng chú tâm, bạn tạo ra một lớp bình an và cân đối ở mức ý thức, nhưng bạn không diệt được cái tiêu cực đã sanh. Bạn chỉ dè nén nó. Ở mức vô thức, nó vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở và gom góp sức mạnh. Không sớm thì muộn, ngọn núi lửa tiêu cực ngủ ngầm này sẽ phụt lên và tràn ngập tâm. Bao lâu những tiêu cực vẫn còn, ngay cả ở mức vô thức, chừng đó giải pháp trên chỉ có tác dụng phần nào và nhất thời thôi.
Một bậc giác ngộ viên mãn đã tìm ra một giải pháp đích thực: không chạy trốn vấn đề, phải giáp mặt nó. Quan sát bất cứ một bất tịnh nào khởi lên trong tâm. Do quan sát bạn không đè nén nó, cũng không cấp phép tự do để nó tự bộc lộ ra bằng thân hành hoặc khẩu hành có hại. Nằm giữa hai cực đoan này là con đường trung đạo: sự quan sát thuần tuý. Khi bạn bắt đầu quan sát, tiêu cực sẽ mất đi sức mạnh của nó và diệt mà không áp đảo tâm bạn. Chẳng những thế, một kho dự trữ cũ của loại bất tịnh ấy cũng sẽ bị trừ diệt. Bất cứ khi nào một phiền não dấy động ở mức ý thức, kho dự trữ cũ của loại phiền não ấy cũng trỗi dậy từ vô thức, kết hợp với phiền não hiện tại, và bắt đầu tăng trưởng. Nếu bạn chỉ quan sát, chẳng những bất tịnh hiện tại mà một phần nào đó của kho dự trữ cũ cũng sẽ bị trừ diệt. Theo cách này, dần dần mọi phiền não đều bị trừ diệt và bạn thoát khỏi khổ đau.
Nhưng đối với một người bình thường việc quan sát một tâm phiền não không phải là dễ. Bạn không biết nó đã khởi lên khi nào và áp đảo tâm bạn ra sao. Vào lúc nó chạm tới mức ý thức, nó đã quá mạnh để có thể quan sát mà không phản ứng. Cho dù bạn cố gắng làm như vậy, thì cũng rất khó mà quan sát một phiền não trừu tượng của tâm – nóng giận, sợ hãi, hay dục vọng hoàn toàn trừu tượng. Thay vào đó, sự chú ý của bạn lại bị kéo vào những tác nhân kích thích bên ngoài của phiền não, vốn sẽ chỉ khiến cho nó tăng trưởng thêm mà thôi.
Tuy nhiên, các bậc giác ngộ đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não dấy lên trong tâm, lập tức hai việc bắt đầu xảy ra ở mức thể chất: hơi thở sẽ trở nên không bình thường và một phản ứng sinh hoá sẽ khởi động trong thân, đó là cảm thọ. Một giải pháp thực tiễn đã được tìm ra. Quan sát những phiền não trừu tượng trong tâm là điều rất khó, song với việc tu tập, chẳng bao lâu bạn có thể học được cách quan sát hơi thở và cảm thọ, cả hai đều là những biểu hiện vật lý của phiền não. Nhờ quan sát một phiền não ở phương diện vật lý của nó, bạn để nó khởi lên và diệt, không gây ra tai hại nào cả. Nhờ vậy bạn thoát khỏi phiền não.
Để thành thạo kỹ thuật này tất nhiên phải mất thời gian. Nhưng khi bạn thực hành, bạn sẽ thấy rằng trong rất nhiều những tình huống bên ngoài mà trước đây hẳn bạn đã phản ứng với tiêu cực, giờ đây bạn có thể giữ được quân bình. Cho dù bạn có phản ứng, phản ứng ấy cũng sẽ không đến nỗi quá căng thẳng và kéo dài như đã từng trong quá khứ. Rồi cũng có lúc sẽ đến, khi trong những tình huống khiêu khích nhất, bạn vẫn có thể lưu ý đến lời cảnh báo được đưa ra bởi hơi thở và cảm thọ, và sẽ bắt đầu quan sát chúng, dù chỉ trong vài giây thôi. Một vài giây tự quan sát này sẽ tác hành như một thiết bị giảm xóc (shock abssorber) giữa những tác nhân kích thích bên ngoài và phản ứng của bạn. Thay vì phản ứng một cách mù quáng, tâm giữ trạng thái quân bình và bạn có thể chọn hành động tích cực nhất để giúp mình và người khác.
Bạn đã bước bước đầu tiên hướng về sự đoạn trừ các phiền não và thay đổi lề lối quen thuộc của tâm bằng cách quan sát các cảm thọ trong tự thân bạn.
Từ lúc sinh ra đến giờ, bạn đã tập luôn luôn nhìn ra ngoài. Bạn chưa bao giờ quan sát chính mình, và vì thế bạn không có khả năng đi vào chiều sâu của những vấn đề của bạn. Thay vào đó bạn lại đi tìm nguyên nhân khổ đau của mình ở bên ngoài, và luôn luôn đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh của mình. Bạn nhìn mọi việc từ một góc độ duy nhất, một thiên kiến, và chắc chắn phải là méo mó rồi. Ấy vậy mà bạn vẫn chấp nhận quan điểm này là sự thực hoàn chỉnh. Bất cứ quyết định nào được thực hiện với thông tin không đầy đủ này sẽ chỉ đem lại tai hại cho bản thân bạn và cho những người khác. Để thấy được toàn bộ sự thực, bạn phải nhìn nó từ nhiều góc độ khác nhau. Đây là những gì bạn đang học cách làm nhờ thực hành Vipassanã: thấy thực tại không chỉ ở bề ngoài mà cả bên trong nữa.
Nhìn từ một góc độ duy nhất, bạn ngờ rằng khổ đau của bạn là do người khác hay do hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Vì thế bạn dồn hết năng lực của mình vào việc thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Thực sự, đây là một cố gắng uổng phí. Một người đã học được cách quan sát thực tại bên trong sẽ sớm nhận ra rằng họ phải hoàn toàn có trách nhiệm đối với khổ đau hay hạnh phúc của họ. Chẳng hạn một người bị người khác sỉ nhục và đau khổ, anh ta đổ cho người đã sỉ vả anh ta về tội đã làm cho anh đau khổ. Thực ra người sỉ vả ấy đã tạo ra đau khổ cho chính bản thân họ bằng cách làm ô nhiễm tâm của mình. Còn người bị sỉ nhục đã tạo ra cái khổ của họ khi phản ứng lại lời sỉ nhục đó, khi bắt đầu làm ô nhiễm tâm anh ta. Mọi người phải trách nhiệm về khổ đau của mình chứ không phải ai khác. Khi bạn biết được sự thực này, thì cái ngu ngốc phi lý của việc bới lỗi người khác sẽ chấm dứt.
Bạn phản ứng lại cái gì? Một hình ảnh do chính bạn tạo ra chứ không phải thực tại bên ngoài. Khi bạn thấy một người, hình ảnh về người đó đã bị xuyên tạc bởi những quy định quá khứ của bạn. Các hành (Sankhãrã) cũ ảnh hưởng đến sự tưởng tri của bạn về bất kỳ tình huống mới nào. Lần lượt, do tưởng tri bị quy định này, một cảm thọ thuộc thân trở thành dễ chịu (lạc) hoặc khó chịu (khổ). Và hợp theo loại thọ đó, bạn tạo ra một phản ứng mới. Mỗi trong những tiến trình như vậy đều được tác động bởi các hành cũ. Nhưng nếu bạn giữ chánh niệm và xả đối với các cảm thọ, thì thói quen phản ứng mù quáng cũ sẽ trở nên càng lúc càng yếu đi, và bạn biết cách thấy thực tại đúng như nó là.
Khi bạn phát triển được khả năng thấy mọi sự mọi vật từ những góc độ khác nhau, lúc ấy, dù bất cứ khi nào bị người khác sỉ nhục hay cư xử không tốt, thì sự hiểu biết cũng khởi lên để bạn thấy rằng người này xử sự không tốt vì anh ta đang đau khổ. Với sự hiểu biết như vậy, bạn không thể phản ứng một cách tiêu cực được, mà sẽ chỉ cảm thấy từ ái và thương xót cho con người đang đau khổ ấy, như người mẹ cảm thấy xót thương cho đứa con bệnh tật vậy. Ý chí muốn giúp con người đang đau khổ ấy khởi lên. Như vậy bạn giữ được sự bình an và hạnh phúc, đồng thời cũng giúp cho người khác bình an và hạnh phúc. Đây là mục đích của Pháp (dhamma), của việc thực hành nghệ thuật sống; đó là, trừ diệt những bất tịnh trong tâm và phát triển những phẩm chất tốt đẹp, vì sự tốt đẹp của chính bạn và của mọi người.
Có mười phẩm chất tinh thần tốt đẹp hay balamật – parãmĩ mà bạn phải hoàn thiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu ấy là giai đoạn hoàn toàn vô ngã. Mười balamật này là những đức tính làm tan biến dần cái tôi hay cái ngã, nhờ đó đưa bạn càng lúc càng gần sự giải thoát hơn. Trong một khoá thiền Minh sát như thế này, bạn có được cơ hội để phát triển cả mười balamật này.
Balamật thứ nhất là xuất gia – nekkamma.
Người trở thành một vị sư hay tu nữ từ bỏ đời sống của một gia chủ và sống không có những sở hữu cá nhân, thậm chí phải đi ăn xin (khất thực) để có thực phẩm hàng ngày. Tất cả điều này được làm vì mục đích giải thể cái tôi. Vậy thì, một người tại gia cư sĩ có thể tu tập balamật này như thế nào? Trong một khoá thiền, bạn có cơ hội làm được như vậy, vì ở đây bạn sống nhờ vào lòng từ thiện của những người khác. Nhờ chấp nhận bất cứ vật gì được đem đến, như vật thực, chỗ ăn, chỗ ngủ, hay vật dụng khác, bạn dần dần phát triển được đức tính xuất gia. Bất cứ thứ gì bạn nhận ở đây, bạn sử dụng nó theo cách tốt nhất, cố gắng thực hành để thanh lọc tâm chẳng những vì sự tốt đẹp của bản thân, mà còn vì sự tốt đẹp của những người vô danh đã đóng góp vì lợi ích của bạn.
Balamật thứ hai là giữ giới -sĩla.
Bạn cố gắng phát triển balamật này bằng cách theo đuổi ngũ giới suốt đời, nghĩa là trong suốt khó thiền cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tất nhiên trong cuộc sống đời thường có rất nhiều chướng ngại khiến cho việc giữ giới trở nên khó khăn. Tuy nhiên ở đây, trong một khoá thiền sẽ không có những cơ hội để phạm giới, vì chương trình tu tập và kỷ luật rất nghiêm ngặt. Chỉ nội việc nói chuyện thôi cũng có thể kéo bạn ra khỏi việc giữ giới nghiêm mật rồi. Vì vậy bạn phát nguyện giữ yên lặng trong chín ngày đầu của khoá thiền. Bằng cách này, ít nhất trong thời gian của khoá thiền, bạn cũng giữ giới một cách hoàn hảo.
Balamật khác là tinh tấn – viriya.
Trong cuộc sống hàng ngày bạn đã làm công việc tinh tấn này, chẳng hạn như đã mưu sinh. Song ở đây, tinh tấn là để thanh lọc tâm nhờ giữ chánh niệm và xả. Đây là chánh tinh tấn, sẽ dẫn đến giải thoát. Balamật khác là kham nhẫn -khanti. Trong một khoá thiền như thế này, thực hành và sống chung với nhau theo nhóm, bạn có thể thấy mình như bị quấy rầy và khó chịu bởi những hành động của người khác. Nhưng chẳng bao lâu bạn nhận ra rằng người đang gây sự náo động ấy không biết về điều họ đang làm, hoặc đó là một người bệnh. Sự khó chịu của bạn sẽ biến mất, và bạn cảm thấy chỉ có lòng từ ái và bi mẫn đối với người đó. Như vậy là bạn đã bắt đầu phát triển được đức tính kham nhẫn.
Balamật khác là chân thật – sacca.
Nhờ hành giới (sĩla) bạn thọ trì sự chân thật ở mức lời nói. Tuy nhiên, chân thật cũng phải được thực hành trong ý nghĩa sâu hơn. Mỗi bước trên đạo lộ phải là một bước đi với sự thật, từ sự thật thô, rõ rệt, cho đến những sự thật càng lúc càng vi tế hơn, và rồi đến sự thật tối hậu. Không có chỗ dành cho sự tưởng tượng. Bạn phải luôn luôn trú với thực tại mà bạn thực sự kinh nghiệm ở sát na hiện tiền.
Balamật khác là trí tuệ – pãnnã.
Ở ngoài đời bạn có thể có trí tuệ, nhưng đó là trí tuệ thu nhặt từ việc đọc sách hoặc nghe người khác nói, hoặc chỉ là sự hiểu biết do vận dụng trí óc thuần tuý. Trong khi balamật trí tuệ thực sự là sự hiểu biết mà bạn phát triển trong tự thân, bằng kinh nghiệm riêng của bạn trong hành thiền. Bạn trực nhận những sự kiện vô thường, khổ và vô ngã bằng sự tự quán. Nhờ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại này bạn thoát khỏi khổ đau.
Balamật khác là quyết định – adhitthãna.
Khi bạn khởi sự một khoá thiền Minh sát, bạn đã hạ quyết tâm ở lại cho đến hết khoá thiền. Bạn quyết định giữ giới, giữ nguyên tắc yên lặng và tất cả những luật lệ của khoá thiền. Sau khi được giới thiệu về kỹ thuật Vipassanã, bạn quyết tâm mãnh liệt sẽ hành thiền trong suốt những thời toạ thiền theo nhóm không mở mắt, cũng như chân tay. Ở một giai đoạn cuối của đạo lộ, balamật này sẽ rất quan trọng; khi tiến tới gần mục tiêu cuối cùng, bạn phải sẵn sàng để ngồi không gián đoạn cho đến khi đạt đến sự giải thoát. Vì mục đích này việc phát triển balamật quyết định rất là cần thiết.
Balamật khác là tâm từ -metta.
Trong quá khứ bạn đã cố gắng để tỏ lòng thương yêu và thiện chí đối với những người khác, nhưng điều này được làm ở mức ý thức của tâm. ở mức vô thức, những căng thẳng cũ vẫn tiếp tục. Khi toàn bộ tâm đã được tịnh hoá thì từ sâu thẳm bạn sẽ ước mong cho hạnh phúc của mọi người. Đây là tâm từ đích thực, giúp người khác và cũng giúp chính bản thân bạn.
Balamật khác là tâm xả – upekkhã.
Bạn học cách giữ sự quân bình của tâm không chỉ khi nếm trải những cảm thọ thô, khó chịu hay những vùng mù trong thân, mà cả khi đối diện với những cảm thọ dễ chịu, vi tế. Trong mọi tình huống bạn đều hiểu rằng sự kinh nghiệm của sát na đó là vô thường, chắc chắn sẽ diệt. Với sự hiểu biết này, bạn giữ thái độ không dính mắc, buông xả.
Balamật cuối cùng là bố thí- dãna.
Đối với người thế tục, đây là bước cơ bản thứ nhất của Pháp. Một người cư sĩ có trách nhiệm kiếm tiền bằng phương tiện chánh mạng (làm ăn chánh đáng), nhằm nuôi sống bản thân và những người phụ thuộc. Nhưng nếu bạn sanh tâm dính mắc vào tiền bạc mà bạn kiếm được, thì bạn đã nuôi lớn cái ngã. Vì lý do này, bạn nên dành một phần của những gì bạn kiếm được vì lợi ích của mọi người. Nếu bạn làm được điều này, cái ngã sẽ không phát triển, vì bạn hiểu rằng bạn kiếm tiền vì lợi ích bản thân và cũng vì lợi ích của người khác nữa. Ý chí muốn giúp người khác bằng bất cứ cách nào có thể sẽ khởi lên, và bạn nhận thức rõ rằng không có sự giúp đỡ tha nhân nào lớn hơn việc giúp họ biết cách thoát khổ.
Trong một khoá tu như thế này bạn có một cơ hội tuyệt diệu để phát triển balamật bố thí này. Bất cứ vật gì bạn nhận ở đây là do người khác đóng góp, bạn không phải trả tiền phòng, tiền cơm tháng và chắc chắn không cho cả việc giảng dạy nữa. Đổi lại, bạn có thể góp phần mình vì lợi ích của người khác. Số lượng bạn cho sẽ tuỳ theo phương tiện của bạn. Tất nhiên một người giàu có sẽ muốn cho nhiều hơn, nhưng ngay cả sự cúng dường nhỏ nhoi nhất được cho ra với ý định đúng đắn, cũng có giá trị trong việc phát triển balamật này. Không mong cầu đáp trả, bạn cho ra (bố thí) để cho những người khác có thể kinh nghiệm những lợi ích của Pháp và có thể thoát khỏi khổ đau.
Ở đây bạn có cơ hội phát triển cả mười balamật. Khi tất cả những phẩm chất tốt đẹp này đã hoàn thiện, bạn sẽ đạt đến mục đích cuối cùng.
Hãy duy trì việc thực hành để phát triển chúng dần dần. Hãy duy trì sự tiến bộ trên đạo lộ của Pháp (dhamma) không chỉ vì lợi ích và sự giải thoát của riêng bạn, mà cũng còn vì lợi ích và sự giải thoát của nhiều người.
Cầu mong mọi chúng sinh đang đau khổ thấy được Pháp thuần tịnh, và được giải thoát.
Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!
Ghi chú – Đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng:
Pakãrena jãnãti’ pãnnã. Atthasãtini.
Trí tuệ là biết các pháp theo những cách khác nhau – (Wisdom is knowing things in different ways)
Dãnam dadantu saddhãya, sĩlam rakkhantu sabbadã, bhãvanã abhiratã hontu gacchantu devatãgatã Dukhappattãdigãthã.
Bố thí vì lòng tin, Giới luật luôn giữ gìn, Tìm vui trong thiền tập, Sẽ đi lên thiên giới.
—o0o—
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ