BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN

  • Tầm quan trọng của xả đối với các cảm thọ vi tế cũng như các cảm thọ thô
  • Tính liên tục của chánh niệm
  • Năm người “bạn”: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

Bảy ngày đã qua,  bạn còn ba ngày nữa để thực hành. Hãy tận dụng những ngày còn lại này bằng cách làm việc thật cố gắng và liên tục, hiểu rõ bạn phải thực hành như thế nào. 

Có hai phương diện của kỹ thuật: chánh niệm và xả. Bạn phải phát triển chánh niệm đối với các cảm thọ khởi lên trong cơ cấu của thân, và đồng thời bạn cũng phải giữ thái độ xả đối với chúng. Nhờ trú xả, tự nhiên bạn sẽ thấy rằng các cảm thọ, không sớm thì muộn, bắt đầu xuất hiện trong những vùng được xem là mù, và rằng các cảm thọ thô, kiên cường, khó chịu bắt đầu tan biến thành những rung động vi tế. Bạn khởi sự kinh nghiệm một dòng năng lượng rất dễ chịu khắp toàn thân. 

Sự nguy hiểm khi tình trạng này xuất hiện nằm ở chỗ bạn xem cái kinh nghiệm giác quan khả lạc này như cứu cánh mà bạn đang thực hành để hướng đến. Thực sự, mục đích của việc hành Minh sát không phải để kinh nghiệm một loại thọ nào đó, mà đúng hơn để phát triển xả đối với mọi cảm thọ. Các cảm thọ, dù thô hay tế, cứ vẫn thay đổi. Tiến bộ của bạn trên đạo lộ chỉ có thể đo lường bằng thái độ xả mà bạn phát triển đối với mỗi  cảm thọ mà thôi. 

Ngay cả sau khi bạn đã kinh nghiệm một dòng thông suốt của những rung động vi tế khắp toàn thân như vậy, thì việc một cảm thọ thô có thể xuất hiện ở đâu đó, hoặc một vùng mù vẫn còn, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây không phải là dấu hiệu của sự thoái bộ mà là sự tiến bộ. Khi bạn tăng trưởng niệm và xả, tự nhiên bạn sẽ thể nhập sâu hơn vào tâm vô thức, và khám phá ra những bất tịnh ẩn náu nơi đó. Bao lâu những phức cảm vẫn còn nằm sâu trong vô thức, chúng chắc chắn sẽ đem lại đau khổ trong tương lai. Cách duy nhất để diệt trừ chúng là để cho chúng ngoi lên bề mặt của tâm và tự diệt ở đó. Khi những hành (sankhãra) bám sâu như vậy trồi lên bề mặt, rất nhiều trong số đó có thể kèm theo bởi những cảm thọ thô, khó chịu hoặc những vùng mù trong thân. Nếu bạn tiếp tục quán sát không phản ứng, thì cảm thọ ấy sẽ diệt, và hành, là sự thể hiện của nó, cũng sẽ diệt. 

Mỗi cảm thọ, dù thô hay tế, đều có cùng đặc tính vô thường. Một cảm thọ thô xuất hiện, dường như dừng lại trong một lúc, nhưng không sớm thì muộn cũng diệt, Một cảm thọ vi tế sanh lên và diệt với tốc độ cực nhanh, nhưng nó vẫn có cùng đặc tính (vô thường). Không có thọ nào vĩnh cửu cả. Vì thế bạn không nên ưa thích hay có thành kiến đối với bất kỳ thọ nào. Khi một cảm thọ thô, khó chịu xuất hiện, bạn quan sát nó mà không cảm thấy buồn chán. Khi một cảm thọ vi tế, dễ chịu xuất hiện, bạn chấp nhận nó, thậm chí hưởng thụ nó, nhưng không lấy làm tự mãn hay dính mắc vào nó. Trong mọi trường hợp bạn phải hiểu rõ tính chất vô thường của tất cả cảm thọ, thì bạn mới có thể mỉm cười khi chúng sanh cũng như khi chúng diệt. 

Xả phải được thực hành ở mức cảm thọ của thân để tạo ra một sự thay đổi thực thụ trong cuộc sống của bạn. Ở mỗi sát na các cảm thọ đang khởi lên trong thân, thường thường tâm ý thức không biết chúng, nhưng tâm vô thức cảm giác các cảm thọ và phản ứng lại chúng với tham hoặc sân. Nếu tâm được luyện tập để trở nên ý thức trọn vẹn về tất cả những gì xảy ra trong cấu trúc vật lý và đồng thời duy trì thái độ xả, thì thói quen cũ của sự phản ứng mù quáng sẽ bị bẻ gãy. Bạn hãy học cách làm thế nào để giữ thái độ xả trong mọi tình huống, và nhờ thế có thể sống một cuộc sống quân bình, hạnh phúc. 

Bạn có mặt ở đây để kinh nghiệm sự thực về chính con người bạn, các hiện tượng này vận hành như thế nào, nó tạo ra đau khổ ra sao? Về hiện tượng con người này có hai phương diện là vật chất và tinh thần, hay thân và tâm 

(thân: sắc, tâm: danh). Bạn phải quan sát cả hai. Nhưng thực sự bạn không thể kinh nghiệm thân mà không chánh niệm về những gì phát sinh trong thân. Đó là chánh niệm các cảm thọ. Tương tự, bạn không thể quán tâm tách biệt với những gì đang khởi lên trong tâm, ý niệm. Khi bạn tiến sâu hơn trong việc kinh nghiệm sự thực tâm và thân, bạn sẽ thấy rõ ràng bất cứ cái gì khởi lên trong tâm cũng được đi kèm theo bởi một cảm thọ vật lý. Như vậy thọ có ý nghĩa quan trọng chính yếu trong việc kinh nghiệm thực tại của cả thân lẫn tâm, và nó là điểm mà các phản ứng khởi xuất ở đó. Để quan sát sự thực của bản thân và để ngưng tạo các phiền não, bạn phải chánh niệm về các cảm thọ và giữ thái độ xả liên tục đến mức có thể. 

Vì lý do này, trong những ngày còn lại của khóa thiền bạn phải làm việc liên tục với đôi mắt nhắm chặt suốt những giờ hành thiền; cả trong những giờ nghỉ cũng vậy, bạn phải cố gắng duy trì chánh niệm và xả ở mức các cảm thọ. Thực hiện bất kỳ hành động nào, bạn cần phải làm theo cách thông thường, dù khi đi, khi ăn, uống hoặc tắm rửa; đừng làm chậm lại các hành động. Chánh niệm về sự chuyển động vật lý của thân, đồng thời cũng chánh niệm về các cảm thọ, nếu có thể có, trên thân phần đang chuyển động, hoặc ở bất kỳ phần nào khác. Cứ duy trì chánh niệm và xả như vậy. 

Tương tự, khi bạn ngủ vào ban đêm, nhắm mắt lại và cảm giác  cảm thọ ở khắp mọi nơi trong thân. Nếu bạn rơi vào giấc ngủ với chánh niệm này, tự nhiên ngay khi thức giấc vào buổi sáng, bạn sẽ nhận biết được cảm thọ. Có thể bạn ngủ không được ngon giấc, hay thậm chí có thể thức trắng cả đêm. Điều này thật tuyệt diệu, miễn rằng bạn cứ nằm trên giường và duy trì chánh niệm và xả. Thân sẽ nhận được sự nghỉ ngơi nó cần, và dĩ nhiên không có sự nghỉ ngơi nào cho tâm tốt hơn là giữ chánh niệm và xả. Tuy nhiên nếu bạn bắt đầu lo lắng rằng bạn đang phát triển chứng mất ngủ, thì bạn sẽ tạo ra những căng thẳng và sẽ cảm thấy kiệt quệ vào ngày hôm sau ngay. Bạn cũng không nên cố gắng cưỡng buộc mình phải tỉnh thức, duy trì trong oai nghi ngồi suốt cả đêm; vì điều đó sẽ trở thành một cực đoan. Nếu cơn buồn ngủ đến, rất tốt, hãy đi ngủ. Nếu cơn buồn ngủ không đến, cứ để cho thân nghỉ bằng cách giữ mình trong tư thế nằm ngửa, và để cho tâm nghỉ bằng cách duy trì niệm và xả. 

Đức Phật cho biết, “Khi một hành giả nhiệt tâm thực hành, không xao lãng một sát na chánh niệm và xả đối với các cảm thọ, người ấy sẽ phát triển được chánh trí, liễu tri hoàn toàn các cảm thọ”. Người hành thiền hiểu vì sao một người thiếu trí lại phản ứng với các cảm thọ,  và làm tăng trưởng khổ đau của mình. Người hành thiền cũng hiểu vì sao một người luôn luôn tâm niệm tính chất vô thường của các cảm thọ sẽ không phản ứng với chúng, và sẽ thoát khỏi khổ đau. Đức Phật tiếp tục: “Với sự liễu tri này, hành giả có thể kinh nghiệm giai đoạn vượt qua danh và sắc – Niết Bàn”. Bạn không thể kinh nghiệm được Niết Bàn chừng nào các hành (sankhãra) nặng nhất chưa được đoạn trừ – những hành sẽ dẫn đến một đời sống tương lai trong hình thức hiện hữu thấp nhất, ở đây đau khổ thống trị.

May thay, khi bạn bắt đầu hành vipassanã, chính những hành này là cái xuất hiện đầu tiên. Bạn giữ thái độ xả và chúng sẽ diệt. Khi các hành như vậy đã bị diệt trừ, tự nhiên bạn sẽ kinh nghiệm Niết Bàn trong lần đầu tiên. Sau khi đã kinh nghiệm Niết Bàn, bạn hoàn toàn thay đổi, và không thể còn thực hiện bất cứ một hành động nào sẽ dẫn đến  một đời sống tương lai trong hình thức hiện hữu thấp nhất nữa.  Dần dần bạn sẽ tiến lên các giai đoạn cao hơn, cho đến khi các hành dẫn đến đời sống tương lai dù ở bất kỳ đâu trong thế gian hữu vi này được diệt trừ. Người như vậy xem như đã giải thoát hoàn toàn, vì thế đức Phật kết luận: “Do thấu triệt toàn bộ sự thực của tâm và thân (danh-sắc), khi vị ấy chết, vị ấy vượt qua thế gian hữu vi, vì vị ấy đã liễu tri các cảm thọ”. 

Bạn đã thực hiện được bước khởi đầu trên đạo lộ này bằng cách thực hành để phát triển  chánh niệm về các cảm thọ ở khắp toàn thân. Nếu như bạn thận trọng không phản ứng với chúng, bạn sẽ thấy rằng hết lớp hành cũ này đến lớp hành cũ khác được trừ diệt. Nhờ duy trì xả đối với các cảm thọ khó chịu, thô, bạn sẽ tiến lên chỗ kinh nghiệm các cảm thọ dễ chịu, vi tế hơn. Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì xả, sớm muộn gì bạn cũng sẽ đạt đến giai đoạn mà đức Phật đã mô tả, trong khắp toàn thân ấy, người hành thiền không kinh nghiệm gì khác ngoài sự sanh và diệt.

Tất cả những cảm thọ thô, kiên cường đã tan biến; khắp toàn thân chỉ còn những rung động vi tế. Tất nhiên giai đoạn này rất là tịnh lạc, nhưng đó vẫn không phải là cứu cánh tối hậu, và bạn phải làm sao để không dính mắc vào đó. Một số các bất tịnh thô đã được diệt trừ, nhưng những bất tịnh khác vẫn còn tồn tại trong những chỗ sâu kín nhất của tâm. Nếu bạn cứ tiếp tục quán với xả, thì các hành (sankhãrã) sâu hơn này sẽ lần lượt sanh lên và diệt. Khi tất cả đã được trừ diệt, lúc đó bạn kinh nghiệm trạng thái “bất tử” – một điều vượt qua danh và sắc, ở đây không có gì sanh và vì thế cũng không có gì diệt – giai đoạn bất khả tư nghì của Niết Bàn. 

Bất kỳ  ai thực hành một cách đúng đắn để phát triển niệm và xả, chắc chắn sẽ đạt đến giai đoạn này, nhưng mỗi người vẫn phải tự hành lấy. 

Nếu như có năm kẻ thù, năm triền cái ngăn cản tiến bộ của bạn trên đạo lộ, thì cũng có năm người bạn, năm thiện căn của tâm (five wholesome faculties of the mind: ngũ quyền), giúp và hỗ trợ cho bạn. Nếu bạn giữ cho những người bạn này khỏe mạnh và thanh tịnh, không có kẻ thù nào có thể áp đảo được bạn. 

Người bạn thứ nhất là đức tin – lòng tín thành, niềm tin. Không có niềm tin bạn không thể hành được vì cứ luôn bị dao động bởi hoài nghi và do dự. Tuy nhiên, nếu đức tin mù quáng, thì đó lại là một kẻ thù lớn. Niềm tin trở thành mù quáng nếu bạn  đánh mất trí phân biệt, sự hiểu biết đúng đắn thế nào là lòng tín thành hay mộ đạo. Bạn có thể có đức tin nơi bất kỳ một người thánh thiện nào, nhưng nếu đó là đức tin chân chánh, với sự hiểu biết đúng đắn, bạn sẽ nhớ đến những phẩm chất tốt đẹp của người ấy, và sẽ tạo được nguồn cảm hứng để phát triển những phẩm chất đó trong tự thân bạn, lòng tín thành như vậy rất có ý nghĩa và có lợi ích. Nhưng nếu bạn không cố gắng để phát triển những phẩm chất tốt đẹp của người mà bạn có lòng tín thành đối với họ ấy, thì đó là đức tin mù quáng, rất có hại. 

Chẳng hạn, khi bạn quy y nơi đức Phật, bạn phải nhớ đến những phẩm chất (ân đức) của một vị Phật, và phải thực hành để phát triển những phẩm chất ấy trong chính bạn. Phẩm chất hay ân đức chính của một vị Phật là sự giác ngộ; vì thế việc quy y thực sự đặt ở đức giác ngộ này, sự giác ngộ mà bạn sẽ phát triển trong tự thân. Bạn tỏ lòng tôn kính đối với bất kỳ ai đã đạt đến giai đoạn giác ngộ viên mãn; nghĩa là bạn chú trọng đến phẩm chất ở chỗ nó thể hiện, chứ không bó buộc ở một bộ phái hay con người đặc biệt nào cả. Và bạn tôn kính đức Phật không phải bằng những hình thức lễ nghi, mà bằng việc thực hành những lời dạy của Ngài, bằng cách bước đi trên đạo lộ của Pháp từ bước đầu là giới (Sĩla) đến định (Samãdhi), đến tuệ (Pãnnã), đến Niết Bàn, giải thoát. 

Bất cứ người nào trở thành một vị Phật cũng phải có những phẩm chất sau. Vị ấy đã diệt trừ mọi tham, sân, si. Vị ấy đã chiến thắng tất cả kẻ thù, những kẻ thù bên trong hay những bất tịnh tâm của vị ấy. Vị ấy hoàn hảo không những trên phương diện lý thuyết về Pháp (Dhamma), mà còn cả trong việc áp dụng giáo pháp ấy. Những gì vị ấy hành, vị ấy giảng, và những gì vị ấy giảng, vị ấy hành. Không có sự khác nhau giữa lời nói và việc làm của vị ấy. Mỗi bước vị ấy bước là một bước đúng, dẫn đến đúng hướng. Vị ấy đã thông suốt mọi điều về thế gian, nhờ khám phá thế gian bên trong (năm uẩn). Vị ấy chan chứa lòng từ ái, bi mẫn, và hoan hỉ đối với mọi người, và luôn giúp những ai đang đi lạc hướng tìm ra chánh đạo. Vị ấy đầy đủ tâm xả vô lượng. Nếu bạn thực hành để phát triển những phẩm chất này trong tự thân ngõ hầu đạt đến cứu cánh tối hậu, thì việc quy y đức Phật của bạn thực sự có ý nghĩa. 

Tương tự, quy y Pháp (Dhamma) không dính dáng gì đến chủ nghĩa bộ phái, đó không phải là một vấn đề cải tạo từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác. Quy y Pháp thật sự là quy y vào giới, vào việc làm chủ chánh tâm của bạn, vào trí tuệ. Để cho một lời dạy trở thành Pháp, lời dạy ấy cũng phải có một vài phẩm chất. Trước tiên lời dạy ấy phải được giải thích một cách rõ ràng để cho bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Lời dạy ấy phải được thấy cho tự thân bằng chính mắt của mình, nghĩa là thực tại phải được tự chứng, chứ không phải sản phẩm của tưởng tượng. Ngay cả sự thực của Niết Bàn cũng không phải để chấp nhận nếu bạn không kinh nghiệm nó. Pháp phải đem lại lợi ích ngay trong hiện tại, chứ không hứa hẹn suông những lợi ích sẽ được hưởng trong tương lai. Pháp có đức của “đến – và – thấy”; nghĩa là tự mình thấy, tự mình thử nghiệm Pháp, chứ không chấp nhận nó một cách mù quáng. Và một khi bạn đã thử và kinh nghiệm được những lợi ích của Pháp, bạn sẽ không kìm nén được việc khuyến khích và giúp đỡ người khác để họ cũng đến – và – thấy như vậy. Mỗi bước trên đạo lộ sẽ dẫn đến gần cứu cánh tối hậu hơn; không có nỗ lực nào được xem là phí phạm cả. Pháp đem lại lợi ích ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn cuối. Kết luận lại, bất kỳ một người có sự hiểu biết trung bình nào, thuộc bất cứ thành phần (xã hội) nào đều có thể thực hành Pháp và kinh nghiệm những lợi ích của Pháp. Với sự hiểu biết về Pháp và thực hành nó, lòng tín thành của bạn thực sự có ý nghĩa. 

Cũng vậy, quy y  Tăng (sangha) không phải là vấn đề có liên quan gì với một bộ phái. Bất kỳ ai đã bước trên đạo lộ Giới – Định – Tuệ và đã đạt đến ít nhất tầng giải thoát thứ nhất, đã trở thành một người thánh thiện, đều là Tăng cả. Người ấy có thể là bất cứ ai, thuộc bất kỳ diện mạo nào, màu da nào, thành phần xã hội nào; điều đó cũng không làm khác đi được. Nếu bạn, do thấy một người như vậy, mà có được nguồn cảm hứng và thực hành theo để tự mình đạt đến cùng mục đích, lúc ấy việc quy y Tăng của bạn là chánh tín và đầy đủ ý nghĩa. 

Người bạn khác là tinh tấn. Giống như tín, tinh tấn cũng không được mù quáng. Nếu không, tất cả cái nguy là bạn sẽ hành sai cách và không đạt được những kết quả mong đợi. Tinh tấn luôn luôn phải đi kèm với sự hiểu biết đúng đắn về cách bạn phải làm như thế nào; lúc đó nó mới thực hữu ích cho sự tiến bộ của bạn. 

Người bạn khác là niệm. Chánh niệm chỉ có thể là về thực tại của sát na hiện tiền. Bạn không thể niệm về quá khứ mà chỉ có thể nhớ lại nó. Cũng vậy, bạn không thể niệm về tương lai, mà bạn chỉ có thể khát vọng hay sợ hãi đối với tương lại thôi. Do đó bạn phải phát triển khả năng nhận biết hay niệm đối với thực tại đang thể hiện trong chính bản thân ở sát-na hiện tại này.

Người bạn kế là định, duy trì niệm đối với thực tại từ sát-na này đến sát-na khác, không gián đoạn. Chỉ khi niệm thoát khỏi mọi sự tưởng tượng, tham ái, sân hận, lúc đó nó mới trở thành chánh định. 

Và người bạn thứ năm là trí tuệ – không phải trí có được do nghe giảng, hoặc đọc sách, hoặc do phân tích bằng vận dụng trí óc. Bạn phải phát triển trí tuệ trong chính bản thân ở mức kinh nghiệm, vì chỉ với trí tuệ do kinh nghiệm này bạn mới có thể giải thoát. Và để được xem là trí tuệ chơn thực, nó phải dựa trên các cảm thọ vật  lý; bạn duy trì thái độ xả đối với các cảm thọ, hiểu rõ tính chất vô thường của chúng. Đây là xả ở mức sâu kín của tâm, sẽ cho bạn khả năng giữ được quân bình giữa những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày. 

Tất cả việc hành Minh sát đều có mục đích là giúp cho bạn khả năng sống một lối sống đúng đắn, hoàn thành những trách nhiệm đời thường của bạn trong khi vẫn duy trì một cái tâm quân bình, giữ sự bình an và hạnh phúc cho bản thân và đem lại bình an, hạnh phúc cho người khác. Nếu bạn giữ cho năm người bạn này mạnh khỏe, bạn sẽ trở nên hoàn hảo trong nghệ thuật sống, và sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh và hiền thiện. 

Hãy vững tiến trên đạo lộ của Pháp, vì sự tốt đẹp và lợi ích của bản thân và của số đông. 

Cầu mong những chúng sinh đang đau khổ gặp được Pháp thuần tịnh này, để thoát khỏi khổ đau và hưởng được hạnh phúc chân thực! 

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn: 

– Vedanã samosaranã sabbe dhammã. 

Mũlaka Sutta, Anguttara Nikãya VIII. IX.3 (83)

Tất cả Pháp phát sinh trong tâm đều kèm theo bởi cảm thọ. (Everything that arises in the mind is accompanied by sensation).

Kimãrammanã purisassa sankappa-vitakka uppajjanti’ ti? 
Nãma –rũparammanã bhante’ti  
Samiddhi Sutta, AN IX. 4 (14)

“Dựa vào đâu các tư duy và tầm khởi lên nơi con người?”

“Bạch Ngài, dựa vào danh và sắc”.

Yathà’ pi vãtã ãkãse vãyanti vividhã puthũ… 

… kãyssa bhedã Dhammattho, sankhyam nopeti vedagũ. 

Pathamma Ẫkãsa Sutta, SN. XXXVI (II). II. 12 (2)

Giống như giữa hư không, gió nhiều loại thổi lên,

Từ phương Đông, phương Tây; từ phương Bắc, phương Nam.

Gió có bụi, không bụi; có gió lạnh, gió nóng;

Có gió lớn, gió nhỏ; gió nhiều loại thổi lên.

Cũng vậy trong thân này, khởi lên nhiều cảm thọ;

Lạc thọ và khổ thọ; bất khổ bất lạc thọ.

(khi tỷ kheo) nhiệt tâm, tỉnh giác; Không xao lãng tuệ căn.

Do vậy bậc hiền giả, liễu tri tất cả thọ, Sau khi liễu tri thọ; ngay hiện tại vô lậu;

Thân hoại, bậc pháp trú; tuệ tri rõ các thọ; Đạt giai đoạn khó lường.

Yato – yato sammasati 

Khandhãnam udayabbayam, 

Labhati pĩti-pãmojjam, Amatam tam vijãnatam. 

Dhammapada, XX,15 (374)

Người luôn luôn chánh niệm,

Sự sanh diệt các uẩn

Được hoan hỷ, hân hoan Chỉ bậc bất tử biết.

[Khi một người thường xuyên quán chiếu (reflect) sự sanh và diệt của cấu trúc tâm-vật lý (năm uẩn), người ấy thọ hưởng niềm hỷ lạc, (dẫn đến) trạng thái bất tử mà bậc trí cảm nghiệm].Phần các Ân Đức Phật- Pháp – 

Tăng xem kinh tụng Pãti  hoặc Dhajagga Sutta, Samyutta Nikaya. XI (1).3

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app