Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN
- Kiểm lại Kỹ thuật
Mười ngày đã qua. Hôm nay chúng ta sẽ kiểm lại những gì chúng ta đã làm trong suốt mười ngày này.
Bạn khởi sự công việc của bạn bằng cách quy y Tam Bảo, đó là quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng. ở đây một hình thức quy y như vậy không có nghĩa là bạn bị cải đạo, tức chuyển đổi từ một tổ chức tôn giáo này sang một tôn giáo khác. Trong thiền Minh sát, sự chuyển đổi chỉ là từ khổ đau sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ trói buộc sang giải thoát. Toàn bộ lời dạy (của đức Phật) là của chung. Bạn quy y không phải nơi đức tính của sự giác ngộ.
Người khám phá ra con đường đi đến giác ngộ là đức Phật. Con đường mà ngài tìm ra ấy là Pháp (dhamma). Tất cả những ai thực hành con đường này và đạt đến giai đoạn thánh thiện đều gọi là Tăng (Sangha). Được truyền cảm hứng bởi những con người thánh thiện như vậy, bạn quy y Phật, Pháp, Tăng để mong đạt đến mục đích thanh tịnh tâm như họ. Việc quy y thực sự nằm ở đức tính phổ quát của sự giác ngộ mà bạn tầm cầu để phát triển trong tự thân đó.
Cùng một lúc, nơi bất kỳ một người nào đã tiến hoá trên đạo lộ cũng sẽ khởi lên lòng biết ơn và ý chí muốn phục vụ người khác không mong cầu đáp trả (tri ân và trả ân). Hai đức tính này được xem là nổi bật trong con người Sĩ-đạt-đa Cồ Đàm, một đức Phật lịch sử. Ngài đã thành tựu sự giác ngộ hoàn toàn bằng những nỗ lực cá nhân của Ngài. Tuy vậy, vì lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, Ngài cố gắng giảng dạy kỹ thuật mà Ngài đã tìm ra đó cho mọi người.
Những đức tính này cũng sẽ xuất hiện trong tất cả những ai thực hành theo kỹ thuật và những ai đã đoạn trừ, đến một mức độ nào đó, thói quen cũ của chủ nghĩa vị kỷ. Sự quy y đích thực, sự bảo vệ đích thực, là Pháp mà bạn đang phát triển trong bản thân. Tuy nhiên, cùng với sự kinh nghiệm về Pháp một cảm giác tri ân đối với đức Phật Gotama chắc chắn sẽ khởi lên vì Ngài đã tìm ra và chỉ dạy lại kỹ thuật này, và lòng tri ân cũng dành cho những ai đã cố gắng không vị kỷ để duy trì lời dạy trong sự thanh tịnh nguyên thuỷ của nó suốt hai mươi lăm thế kỷ đến tận hôm nay.
Bạn quy y Tam Bảo với sự hiểu biết này.
Kế đến bạn thọ ngũ giới. Đây cũng không phải là một nghi thức mang tính tôn giáo. Bằng cách thọ lãnh và tuân theo những giới này, bạn đã thực hành giới (sĩla) được xem là nền tảng của kỹ thuật Minh sát. Không có một nền tảng vững chắc toàn bộ cấu trúc hành thiền sẽ yếu đi. Giới cũng mang tính phổ quát và phi bộ phái. Bạn thọ trì giới để tránh mọi hành động của thân và khẩu sẽ làm quấy động sự bình an và hài hoà của những người khác. Người phạm những giới này đương nhiên sẽ phát sinh sự ô nhiễm trong tâm và huỷ hoại sự bình an và hài hoà của họ trước. Từ mức nội tâm, bất tịnh này sẽ phát triển và tự bộc lộ ra bằng hành động của thân và khẩu. Trong thiền Minh sát bạn đang cố gắng để tịnh hoá tâm sao cho nó trở nên yên tịnh thực sự. Bạn không thể làm công việc tịnh hoá tâm trong khi vẫn tiếp tục thực hiện những hành động làm cho tâm dao động và ô nhiễm được.
Nhưng bạn làm thế nào để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong đó tâm dao động thực hiện những hành động bất thiện để rồi làm cho nó kích động thêm nữa? Một khoá thiền Vipassanã sẽ cho bạn cơ hội đó. Do chương trình nặng nề, kỷ luật nghiêm khắc, nguyện giữ yên lặng, và bầu không khí hỗ trợ một cách tích cực, việc phạm giới của bạn hầu như khó có thể xảy ra được. Như vậy trong suốt mười ngày ở đây bạn có thể thực hành giới, và với căn bản này bạn có thể phát triển định (samãdhi); và định này sẽ đến lượt nó trở thành căn bản cho tuệ giác, với tuệ giác đó bạn có thể thâm nhập vào những chỗ sâu kín của tâm và tịnh hoá nó.
Trong suốt khoá thiền bạn thọ trì ngũ giới để học hỏi kỹ thuật này. Sau khi đã học xong, nếu bạn quyết định chấp nhận và thực hành pháp, bạn phải giữ ngũ giới này suốt cuộc đời bạn.
Kế đến bạn quy thuận đức Phật và vị thầy hiện tại của bạn trong mười ngày của khoá thiền. Sự quy thuận này nhằm mục đích thực hiện một cuộc thử thách công bằng đối với kỹ thuật. Chỉ người nào chấp nhận quy thuận theo cách này mới có thể vận dụng hết mọi nỗ lực của mình để thực hành. Người còn đầy hoài nghi và do dự không thể thực hành một cách đúng đắn được. Tuy nhiên, quy thuận không có nghĩa là phát triển đức tin mù quáng, điều đó chẳng liên quan gì đến Pháp. Nếu có hoài nghi nào khởi lên trong tâm, bạn được khuyến khích là hãy đi đến vị thầy hướng dẫn để được sáng tỏ càng thường xuyên càng tốt, nếu cần.
Việc quy thuận cũng được đặt vào kỷ luật và thời khắc biểu của khoá thiền. Tất cả những điều này đã được trù liệu dựa trên kinh nghiệm của hàng ngàn thiền sinh trước đây, nó cho bạn khả năng thực hành liên tục để tìm được những lợi ích khả dĩ lớn nhất từ mười ngày hành thiền này.
Nhờ quy thuận bạn cam kết thực hành đúng như người hướng dẫn bảo bạn. Bất cứ kỹ thuật nào có thể bạn đã thực hành trước đây đều được yêu cầu bỏ qua một bên trong giai đoạn của khoá thiền. Bạn có thể gặt hái được lợi ích và phán xét giá trị của kỹ thuật chỉ qua việc thực hành tuyệt đối kỹ thuật này theo cách đúng đắn mà thôi. Ngược lại, pha trộn các kỹ thuật vào nhau có thể dẫn bạn đến những khó khăn nghiêm trọng.
Rồi bạn bắt đầu công việc bằng cách thực hành niệm hơi thở – ãnãpãna để phát triển sự làm chủ tâm, định – samãdhi. Bạn được bảo chỉ quán hơi thở tự nhiên, thuần tuý không thêm một chữ, một hình ảnh nào vào. Một lý do giải thích sự hạn chế này là để duy trì tính phổ quát của kỹ thuật; hơi thở là chung và có thể chấp nhận được với mọi người, song một chữ hay một hình ảnh có thể có người chấp nhận, có người không.
Dĩ nhiên vẫn có một lý do quan trọng hơn cho việc quan sát hơi thở thuần tuý này. Toàn bộ tiến trình là một cuộc khám phá sự thực về chính con người bạn, về cấu trúc tâm-vật-lý (danh-sắc) như nó là, không như bạn muốn nó phải là. Đó là một nghiên cứu về thực tại. Bạn ngồi xuống và nhắm mắt lại, không có âm thanh, không có sự lao xao bên ngoài, không có sự chuyển động của thân.
Ở sát na đó hoạt động nổi bật nhất trong chính bạn là hơi thở. Bạn bắt đầu bằng cách quan sát thực tại này: hơi thở tự nhiên, khi nó vào và ra khỏi mũi. Khi bạn không thể cảm giác hơi thở, bạn được phép thở hơi mạnh một chút đủ để gắn sự chú tâm của bạn nơi vùng mũi, và rồi bạn trở lại với hơi thở nhẹ nhàng, tự nhiên, bình thường. Bạn bắt đầu với sự thực thô, rõ rệt này và từ đó di chuyển xa hơn, sâu hơn theo hướng của những sự thực vi tế hơn và rồi sự thực tối hậu. Trên toàn đạo lộ, ở mỗi bước bạn trú với sự thực mà bạn thực sự kinh nghiệm, từ thô nhất đến tế nhất. Bạn không thể đạt đến sự thực tối hậu bằng cách khởi đầu với sự tưởng tượng. Bạn sẽ chỉ càng lúc càng rối ren trong những sự tưởng tượng, trong sự tự dối mình lớn hơn mà thôi.
Nếu bạn thêm một chữ vào đối tượng hơi thở, bạn có thể định tâm nhanh hơn, nhưng sẽ có cái nguy khi làm như vậy. Mỗi chữ có một sự rung động đặc biệt. Do lập đi lập lại một chữ hay một câu, bạn tạo ra một sự rung động nhân tạo và bị nhận chìm trong đó. Ở bề mặt của tâm một lớp bình an và hài hoà được tạo ra, nhưng trong những chỗ sâu kín của tâm bất tịnh vẫn còn. Cách duy nhất để loại bỏ những bất tịnh nằm sâu bên trong này là phải học cách làm thế nào để quan sát chúng, để đem chúng lên bề mặt để cho chúng có thể diệt ở đó. Nếu bạn quan sát chỉ một rung động nhân tạo đặc biệt nào đó, bạn sẽ không thể nào quan sát được các rung động tự nhiên khác liên hệ đến những bất tịnh của bạn, đó là quan sát các cảm thọ đang khởi lên tự nhiên trong thân. Vì thế, nếu mục đích của bạn là để khám phá thực tại của chính mình và để thanh tịnh tâm, thì việc dùng một chữ tưởng tượng có thể tạo ra những chướng ngại.
Sự mường tượng cũng vậy, mường tượng trong tâm một hình ảnh nào đó có thể trở thành một chướng ngại cho tiến bộ. Kỹ thuật Minh sát dẫn đến việc làm tan biến sự thực rõ rệt để đạt đến sự thực cùng tột. Sự thực kết hợp bề ngoài (sự thực chế định) luôn luôn đầy những ảo tưởng, vì ở mức này sở hữu tưởng (sãnnã) hoạt động, mà tưởng lại bị xuyên tạc bởi những phản ứng quá khứ. Cái tưởng quy định này sẽ phân biệt và đối chiếu, làm nảy sinh những ưa thích và định kiến, đưa đến những phản ứng mới. Nhưng nhờ làm tan vỡ cái thực tại bề ngoài này, bạn dần dần đi đến sự kinh nghiệm thực tại cùng tột của cấu trúc tâm-vật-lý (danh-sắc): chỉ là những rung động sanh và diệt trong từng sát ma.
Ở giai đoạn này không thể có sự phân biệt, và vì thế những ưa thích và thiên kiến không thể phát sinh, và không có ưa thích và thiên kiến thì cũng không có phản ứng. Kỹ thuật làm cho cái tưởng quy định này dần dần suy yếu đó, và vì thế cũng làm suy yếu hơn các phản ứng, dẫn đến giai đoạn ở đó thọ và tưởng đều diệt, đó là, sự kinh nghiệm Niết bàn. Nhưng do cố tình tác ý đến một hình ảnh hay một cảnh tượng nào đó, bạn vẫn ở mức của sự thực cấu hợp, bề ngoài chứ không thể vượt qua nó được. Vì lý do này, không nên mường tượng cũng như niệm thầm làm gì.
Sau khi đã định tâm nhờ quan sát hơi thở tự nhiên, bạn bắt đầu thực hành minh sát để phát triển trí tuệ – pãnnã, thấu diệt bản chất riêng của bạn, tịnh hoá nội tâm. Từ đầu đến chân, bạn bắt đầu quan sát các cảm thọ tự nhiên trong thân, khởi sự trên bề mặt rồi đi vào sâu hơn, học cách cảm giác những cảm thọ bên ngoài, bên trong, ở mọi phần của thân thể.
Quan sát thực tại đúng như nó là, không chút thành kiến để làm tan đi sự thực bề ngoài và để đạt đến sự thực cùng tột – đây là Vipassanã. Mục đích của việc làm tan vỡ thực tại bề ngoài là để cho người hành thiền khả năng đi ra khỏi cái ảo tưởng về “tôi”. ảo tưởng này là căn nguyên của mọi tham ái và sân hận của chúng ta, nó cũng chính là căn nguyên đưa đến khổ đau. Về mặt tri thức bạn có thể chấp nhận rằng đó là một ảo tưởng, nhưng sự chấp nhận này không đủ để chấm dứt khổ.
Bất kể niềm tin tôn giáo và triết học của bạn là gì, bao lâu thói quen của chủ nghĩa vị kỷ còn tồn tại, bạn cứ vẫn khổ đau như thường. Để bẻ gãy thói quen này, bạn phải trực tiếp kinh nghiệm bản chất không thực thể của các hiện tượng tâmvật-lý, luôn luôn biến đổi và nằm ngoài quyền kiểm soát của bạn. Chỉ có kinh nghiệm này mới có thể làm tan đi chủ nghĩa vị kỷ, dẫn lối ra khỏi tham ái và sân hận, ra khỏi khổ đau.
Vì thế kỹ thuật là sự khám phá, bằng kinh nghiệm trực tiếp, về bản chất thực thụ của mọi hiện tượng mà bạn gọi là “tôi”, “của tôi”. Có hai phương diện của hiện tượng này: đó là thân và tâm, hay danh và sắc. Người hành thiền bắt đầu bằng cách quan sát thực tại của thân. Để kinh nghiệm thực tại này một cách trực tiếp, bạn phải cảm giác về thân, đó là, phải có chánh niệm về các cảm thọ ở khắp toàn thân. Như vậy việc quán thân – kãyãnupassanã- nhất thiết liên quan đến quán thọ – vedanãnupassanã. Tương tự, bạn không thể kinh nghiệm được thực tại của tâm ngoài những gì phát sinh trong tâm. Như vậy, quán tâm – cittãnupassanã – nhất thiết liên quan đến quán pháp (những nội dung tâm lý) – dhammãnupassanã.
Điều này không có nghĩa rằng bạn phải quan sát những tư duy riêng biệt, nếu cố gắng làm thế, bạn sẽ bắt đầu lăn quay trong những tư duy. Bạn chỉ đơn giản giữ chánh niệm về bản chất của tâm ngay sát na ấy, dù tham sân si và dao động có mặt hay không. Và, đức Phật đã khám phá ra rằng, bất cứ cái gì khởi lên trong tâm cũng được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý. Vì thế, dù người hành thiền đang khảo sát phương diện tâm lý hay vật lý của hiện tượng “tôi”, thì chánh niệm về cảm thọ cũng là cần thiết.
Khám phá này là sự đóng góp vô song của đức Phật. Sự đóng góp có tầm quan trọng chính yếu trong lời dạy của Ngài. Trước thời đức Phật và trong số những người đương thời với Ngài ở Ấn Độ cũng có nhiều người dạy và thực hành sĩla (giới) và samãdhi (định). Pãnnã (tuệ) cũng đã có mặt, ít ra cũng là trí tuệ phục vụ tín ngưỡng hoặc trí tuệ do vận dụng trí óc; nói chung, con người chấp nhận rằng phiền não là cội nguồn của khổ, rằng tham và sân phải được trừ diệt để thanh tịnh tâm và đạt đến giải thoát. Đức Phật chỉ tìm ra con đường thực hiện sự giải thoát đó mà thôi.
Cái từng đang thiếu là sự hiểu biết về tâm quan trọng của cảm thọ. Cũng như ngày nay, người ta thường cho rằng những phản ứng của chúng ta là với các đối tượng giác quan bên ngoài- sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy nhiên, việc quan sát sự thực bên trong cho thấy rằng giữa đối tượng và phản ứng là “thọ”, một mắt xích bị bỏ quên. Sự tiếp xúc giữa một đối tượng với căn môn tương ứng làm phát sinh một thọ; tưởng (sãnnã) ấn định một giá trị tích cực hay tiêu cực, mà theo đó thọ trở thành lạc hay khổ, và bạn phản ứng với tham hoặc sân. Tiến trình xảy ra nhanh đến độ chỉ sau khi một phản ứng đã được lập đi lập lại nhiều lần và đã gom góp sức mạnh nguy hại đủ để áp đảo tâm, sau đó cái biết ý thức về nó mới phát triển. Để đối phó với những phản ứng, bạn phải làm sao biết được chúng ở ngay chỗ chúng khởi động; chúng bắt đầu cùng với cảm thọ, và vì thế bạn phải có chánh niệm về các cảm thọ.
Chính việc khám phá ra sự thực mà trước đây Ngài chưa từng biết này đã cho Sĩ-đạt-đa Cồ Đàm khả năng đạt đến giác ngộ, và đây là lý do tại sao Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm thọ. Thọ có thể dẫn đến những phản ứng với tham hoặc sân và vì thế cũng dẫn đến đau khổ, nhưng thọ cũng có thể dẫn đến trí tuệ, nhờ đó bạn dừng lại phản ứng và bắt đầu ra khỏi khổ đau.
Trong thiền Vipassanã, bất cứ sự thực hành nào gây trở ngại cho việc niệm thọ đều có hại, dù cho đó là sự tập trung vào một chữ hay một hình ảnh, hoặc chỉ tác ý đến những chuyển động vật lý của thân hoặc chú tâm đến những ý niệm phát sinh trong tâm. Bạn không thể đoạn trừ khổ nếu bạn không đi vào tận nguồn gốc của nó, tức cảm thọ.
Kỹ thuật Minh sát đã được đức Phật giải thích trong “Kinh Niệm Xứ”
(Satipatthãna Sutta). Bài kinh này được chia làm hai phần khảo sát các phương diện khác nhau của kỹ thuật; quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp. Tuy nhiên, mỗi phân đoạn của bài kinh lại được kết luận với những chữ giống hệt nhau. Có thể có những điểm khác nhau để từ đó bắt đầu việc thực hành, nhưng cho dù điểm khởi đầu là gì, người hành thiền cũng phải trải qua một vài chặng, một vài kinh nghiệm trên đạo lộ đến mục tiêu cuối cùng. Những kinh nghiệm thiết yếu cho việc hành Vipassanã này đã được mô tả trong những câu lặp đi lặp lại ở phần kết của mỗi phân đoạn.
Chặng đầu tiên là chặng trong đó bạn kinh nghiệm sự sanh (samudaya) và diệt (vaya) riêng rẽ. Ở giai đoạn này người hành thiền nhận biết hay chánh niệm về thực tại hợp nhất, vững chắc dưới dạng các cảm thọ thô trong thân. Bạn nhận biết một cảm thọ, có thể là một cái đau đang khởi lên. Cái đau ấy dường như dừng lại trong một lúc và cuối cùng thì diệt.
Vượt xa hơn chặng này, bạn thể nhập vào giai đoạn sanh – diệt (samudaya-vaya), ở đó bạn kinh nghiệm sự sanh và sự diệt cùng một lúc, không có một khoảng cách nào giữa chúng. Các cảm thọ thô, vững chắc đã tan thành những rung động vi tế, sanh và diệt cực nhanh, và sự vững chắc của cấu trúc tâm -vật lý biến mất. Cảm xúc kiên cố, mãnh liệt và cảm thọ kiên cố, mãnh liệt đều tan biến thành những rung động. Đây là giai đoạn diệt (bhanga) trong đó bạn kinh nghiệm sự thực cùng tột của danh và sắc: luôn luôn sanh và diệt, không chút bền chắc.
Giai đoạn diệt (bhanga) này là một chặng rất quan trọng trên đạo lộ, vì chỉ khi bạn kinh nghiệm được sự tan hoại của cấu trúc tâm-vật lý thì sự bám víu hay chấp thủ vào nó mới buông ra. Từ đó bạn trở nên xả ly khi đối diện với bất cứ tình huống nào; nghĩa là, bạn đi vào giai đoạn xả- hành (Sankhãrãupekkhã). Những bất tịnh hay Sankhãrã ngủ ngầm chôn vùi trong vô thức giờ đây bắt đầu xuất hiện tại bề mặt của tâm. Đây không phải là sự thoái bộ, mà là tiến bộ, vì nếu chúng không ngoi lên bề mặt, thì những bất tịnh ấy không thể bị trừ diệt. Chúng sanh lên, bạn quan sát một cách buông xả và chúng nối nhau diệt. Bạn dùng những cảm thọ thô, khó chịu như những lợi khí để trừ diệt kho hành sân cũ. Như vậy nhờ duy trì chánh niệm và xả đối với từng kinh nghiệm, bạn tịnh hoá tâm khỏi mọi phức cảm ngủ ngầm, và càng lúc càng đến gần mục tiêu Niết bàn, đến gần sự giải thoát hơn.
Dù điểm khởi đầu là gì, bạn cũng phải trải qua tất cả những chặng này để đạt đến Niết bàn. Bạn có thể đạt đến mục tiêu sớm muộn như thế nào tuỳ thuộc vào việc bạn làm được bao nhiêu công việc, và cái kho chứa các hành (Sankhãrã) quá khứ mà bạn phải trừ diệt rộng cỡ bao nhiêu.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trong mọi tình huống, xả vẫn là yếu tố thiết yếu, dựa trên sự chánh niệm về các cảm thọ. Sankhãrã phát sinh từ điểm cảm thọ vật lý. Nhờ trú xả đối với cảm thọ, bạn ngăn các hành mới không cho phát sinh, và bạn cũng trừ diệt được các hành cũ. Như vậy, nhờ quan sát các cảm thọ một cách buông xả, bạn dần dần tiến về mục tiêu cuối cùng của sự giải thoát khổ. Hãy làm việc một cách nghiêm túc. Chớ nên nhạo báng thiền, hoặc thử hết kỹ thuật này đến kỹ thuật khác một cách hời hợt mà không theo đuổi một kỹ thuật nào đến nơi đến chốn. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ vượt qua khỏi những bước sơ khởi của bất kỳ kỹ thuật nào, và vì vậy bạn sẽ chẳng bao giờ đạt đến mục tiêu. Tất nhiên bạn có thể thử những kỹ thuật khác để tìm cho mình một kỹ thuật thích hợp. Bạn cũng có thể thử kỹ thuật này đôi ba lần, nếu cần. Nhưng đừng nên phí cả cuộc đời chỉ để đi thử như vậy. Một khi bạn đã tìm ra một kỹ thuật thích hợp, hãy thực hành nó một cách nghiêm túc để bạn có thể tiến hoá đến mục tiêu cuối cùng.
Cầu mong những con người đau khổ ở khắp mọi nơi tìm được lối thoát ra khỏi khổ đau của họ.
Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!
Ghi chú – Đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng:
Atta – dĩpa viharatha,
Atta – saranã
Anãnna – saranã
Dhamma – dĩpã viharatha,
Dhamma saranã,
Anãnnã – saranã
Mahã Parinibbãba Sutta Dĩgha Nikãya, 16
Hãy tự mình làm hòn đảo,
Làm nơi nương tựa cho chính mình
Không có sự nương tựa nào khác Hãy lấy Pháp (dhamma) làm hòn đảo
Lấy Pháp làm nơi nương tựa
Không có sự nương tựa nào khác.
Caratha bhikkave cãrikam
Bahujana-hitãya, bahujana-sukhãya,
Lokãnukampãya,
Atthãya hitãya sukhãya devamanussãnam
Mã ekena dve ãgamittha.
Desetha bhikhave Dhammam
ãdikalyãnam, pariyosãnakal-
yãnam sãttham sabyanjanam.
Kevala kaparipunnam parisuddham
Brahmacariyam. Pakãsetha.
Santi sattã apparajakkhajãtikã.
Assavanattã Dhammassa parihãyanti.
Bhavissanti Dhammassa ãnnãtãro.
Dutiya Mãrapãsa Sutta. SN VI(1).5
Này các tỳ kheo, hãy du hành
Vì lợi ích và hạnh phúc của số đông
Vì lòng bi mẫn cho đời
Vì sự tốt đẹp, vì lợi ích, và
Vì hạnh phúc của chư thiên và loài người
Không nên hai người đi một hướng.
Này các tỳ khưu, hãy thuyết pháp
Lợi ích ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối – cả ý nghĩa và lời văn của Pháp
Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ
(không cần phải thêm gì nữa) và thanh tịnh
(không cần phải bớt gì nữa)
Có những chúng sinh với ít bụi trong mắt
Sẽ lạc đường nếu không được nghe pháp
Những người như vậy sẽ thâm hiểu pháp.
Ye dhammã hetuppabhavã
tesam hetum tathãgato ãha.
tesam ca yo nirodho;
evam vãdĩ mahãsamano.
Vinaya, Mahãvagga, I.23 (40)
Các pháp phát sinh do nhân,
Nhân ấy Như Lai đã dạy,
và cũng dạy nhân diệt của chúng.
Đây là “lời dạy” của bậc Đại Sa Môn.
Pãnnãtti thapetvã visesena passati’ti vipassanã.
Ledi Sayadaw, Paramattha Dĩpanĩ.
Vipassanã (Minh sát) nghĩa là quán thực tại theo cách đặc biệt, nhờ vượt qua sự thực bề ngoài (chế định).
Ditthe ditthamattam bhavissati,
Sute sutamattam bhavissati,
Mute mutamattam bhavissati
vĩnãtamattam bhavissati.
Udãna, I.X.
Trong cái thấy chỉ có cái thấy
Trong cái nghe chỉ có cái nghe
Trong cái ngửi, nếm, đụng
Chỉ có cái ngửi, nếm, đụng
Trong cái biết chỉ có cái biết.
Sabba kãya patisamvedi
Assasissãmĩ’ ti sikkhati;
Sabba kãya patisamvedi
Passasissãmĩ’ ti sikkhati.
Mahã – Satipatthãna Sutta DN 22
“Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào”,
Như vậy vị ấy tập.
“Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”
Như vậy vị ấy tập.
So kãya – pariyantikam.
vedanam vedayamãno,
kãya-pariyantikam vedanam
vedãya mi’ti pajãnãti.
Jĩvita-pariyatikam, vedanam
Vedãyami’ti pajãnati.
Pathama Gelanãnã Sutta SN. XXXVI (II) 1.7
Khi cảm giác một cảm thọ rằng sức chịu đựng của thân ta đã đạt đến giới hạn của nó, vị ấy tuệ tri cảm giác như vậy. Khi cảm giác một cảm thọ rằng mạng sống đã đạt đến giới hạn của nó, vị ấy tuệ tri cảm giác như vậy.
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ